Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

 VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 16-CP

Hà Nội, ngày 25 tháng 01 năm 1969

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ CÔNG TÁC PHÒNG VÀ CHỮA BỆNH BƯỚU CỔ

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ 

Bệnh bướu cổ là một bệnh phổ biến ở miền núi; đặc biệt ở các vùng rẻo cao, tỷ lệ người mắc bướu cổ rất cao. Bệnh đã ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của cơ thể con người, của giống nòi, ảnh hưởng đến hạnh phúc của gia đình, trở ngại đến việc phát triển kinh tế, văn hóa miền núi. Vì vậy, công tác phòng bệnh và chữa bệnh bướu cổ là một công tác có ý nghĩa chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội lớn.

Để bảo vệ và tăng cường sức khỏe cho nhân dân và cán bộ, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa miền núi, hội nghị thường vụ của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp ngày 27-12-1968 đã đề ra nhiệm vụ và biện pháp về tăng cường và khẩn trương phòng và chữa bệnh bướu cổ như sau:

1. Ở những địa phương có bệnh bướu cổ, công tác phòng và chữa bệnh bướu cổ phải được coi là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong việc bảo vệ sức khỏe của nhân dân và cán bộ. Địa phương nào có tỷ lệ mắc bệnh này từ 10% trở lên so với dân số thì phải tổ chức phòng bệnh bướu cổ cho toàn dân; đồng thời phải tích cực chữa cho những người mắc bệnh bướu cổ, lấy kết quả chữa bệnh để đẩy mạnh việc tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức phòng bệnh, phấn đấu từng bước hạ thấp tỷ lệ mắc bệnh, tiến tới thanh toán bệnh bướu cổ ở miền núi trong một thời gian tương đối ngắn.

2. Để hoàn thành nhiệm vụ nói trên, phải thi hành khẩn trương một số biện pháp chủ yếu sau đây:

a) Về tổ chức chỉ đạo, Bộ Y tế có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban Dân tộc trung ương chỉ đạo thực hiện công tác phòng và chữa bệnh bướu cổ. Bộ Y tế được tổ chức một bệnh viện chuyên khoa nội tiết để nghiên cứu và điều trị cho cán bộ và nhân dân mắc bệnh bướu cổ và các bệnh nội tiết khác. Thông qua công tác nhiên cứu và chữa bệnh mà đề ra các biện pháp phòng bệnh, chữa bệnh bướu cổ và nội tiết có hiệu quả để đào tạo, bồi dưỡng nhiều cán bộ chuyên khoa về nội tiết. Bệnh viện sẽ xây dựng từ nhỏ đến lớn;

Ở các tỉnh miền núi, Ủy ban hành chính tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo công tác này theo sự hướng dẫn của Bộ Y tế. Cần dành một số giường trong bệnh viện tỉnh để nghiên cứu và chữa bệnh bướu cổ, qua đó mà rút kinh nghiệm phòng và chữa bệnh, bồi dưỡng và đào tạo cán bộ.

b) Về công tác phòng bệnh, trước hết phải chú trọng đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục và phổ biến thật sâu rộng trong nhân dân những kiến thức về vệ sinh phòng bệnh bướu cổ để nhân dân tích cực và thường xuyên thực hiện những biện pháp ngăn chặn ngừa bệnh có hiệu quả.

Các cơ quan tuyên truyền, báo chí có trách nhiệm phối hợp với các ngành y tế làm tốt công tác này. Cần tránh gây tư tưởng bi quan, lo sợ bệnh tật trong nhân dân, ảnh hưởng đến công tác và sản xuất.

Bộ Y tế cần xúc tiến ngay việc sản xuất thuốc phòng và chữa bệnh bướu cổ từ rong biển có nhiều chất i-ốt.

Tổng cục Thủy sản có nhiệm vụ tổ chức thu mua và cung cấp loại rong biển này theo yêu cầu của Bộ Y tế.

Bộ Nội thương có trách nhiệm tăng cường cung cấp cho những vùng có bệnh bướu cổ các hải sản có chứa nhiều chất i-ốt như mắm tôm, cá khô, nước mắm v .v… và loại muối biển mới sản xuất thay cho loại muối dự trữ lâu ngày và muối khoáng hiện nay.

Để bảo đảm cho việc phòng bệnh một cách lâu dài, và có hiệu quả cao, cần tiến hành nghiên cứu sản xuất loại muối ăn có trộn chất i-ốt. Bộ Y tế có trách nhiệm cùng với Bộ Công nghiệp nhẹ nghiên cứu sản xuất thí nghiệm loại muối này với sự giúp đỡ của một số chuyên gia của các nước anh em. Sau khi nghiên cứu thành công, Bộ Công nghiệp nhẹ có trách nhiệm sản xuất đủ số muối ăn cần thiết cho các vùng có bệnh bướu cổ.

c) Về công tác chữa bệnh, kết hợp với việc phòng bệnh, cần đẩy mạnh việc chữa bệnh bướu cổ. Các bệnh viện tỉnh và huyện cần tổ chức điều trị cho những bệnh nhân bướu cổ. Những bệnh nhân là nhân dân vào điều trị nội trú trong bệnh viện ở các tỉnh miền núi được miễn trả viện phí.

Thuốc phòng và chữa bệnh bướu cổ sẽ bán cho nhân dân không lấy lãi. Những người không đủ điều kiện mua thuốc nếu có giấy chứng nhận của Ủy ban hành chính xã thì được cấp phát thuốc không phải trả tiền.

d) Về công tác đào tạo cán bộ, Bộ Y tế phải mở những lớp bồi dưỡng cho cán bộ y tế ở miền núi biết cách phòng và chữa bệnh bướu cổ, đồng thời có thể gửi một số cán bộ ra nước ngoài học tập.

Hội đồng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế phối hợp với các ngành có liên quan có kế hoạch thi hành và hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các ngành, các cấp thi hành quyết định này. Hàng năm cần có sơ kết, tổng kết và báo cáo lên Hội đồng Chính phủ.

 

 

TM. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Thanh Nghị

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 16-CP năm 1969 về công tác phòng và chữa bệnh bướu cổ do Hội đồng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 16-CP
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 25/01/1969
  • Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
  • Người ký: Lê Thanh Nghị
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 1
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản