Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 16/2019/QĐ-UBND

Quảng Nam, ngày 03 tháng 10 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG QUỸ ĐỀN ƠN ĐÁP NGHĨA VÀ BẢO TRỢ TRẺ EM TỈNH QUẢNG NAM

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22/6/2015;

Căn cứ Luật Trẻ em 2016 ngày 05/4/2016;

Căn cứ Pháp lệnh số 20/2005/PL-UBTVQH11 ngày 29/6/2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về ưu đãi người có công với cách mạng;

Căn cứ Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 ngày 16/7/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội  sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng;

Căn cứ Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng;

Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

Căn cứ Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em;

Căn cứ Nghị định số 45/2006/NĐ-CP ngày 28/4/2006 của Chính phủ ban hành Điều lệ quản lý và sử dụng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa;

Căn cứ Thông tư số 87/2008/TT-BTC ngày 08/10/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và sử dụng Quỹ Bảo trợ trẻ em;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 182/TTr-LĐTBXH ngày 25/9/2019.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý, sử dụng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Nam.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 21/10/2019 và thay thế Quyết định số 32/2014/QĐ-UBND ngày 20/10/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam ban hành Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa tỉnh Quảng Nam.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính, Ban Quản lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và Bảo trợ trẻ em tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ Quyết định thi hành./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ LĐ-TB&XH (báo cáo);
- Bộ Tư pháp - Cục KTVBQPPL (báo cáo);
- Ban Thường vụ Tỉnh ủy (báo cáo);
- TT.HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh;
- VP Đoàn ĐBQH;
- VP HĐND tỉnh;
- Sở Tư pháp tỉnh;
- Báo Quảng Nam, Đài PT-TH Quảng Nam;
- CPVP;
- Công báo tỉnh;
- Lưu: VT, KTTH, KGVX (N)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Đinh Văn Thu

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ, SỬ DỤNG QUỸ ĐỀN ƠN ĐÁP NGHĨA VÀ BẢO TRỢ TRẺ EM TỈNH QUẢNG NAM
(Kèm theo Quyết định số 16/2019/QĐ -UBND ngày 03/10/2019 của UBND tỉnh)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định việc quản lý, sử dụng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Nam.

2. Đối tượng áp dụng

Quy chế này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc quản lý, sử dụng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Nam.

Điều 2. Vị trí, chức năng

1. Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Nam (sau đây gọi tắt là Quỹ) trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam, có tư cách pháp nhân và con dấu riêng theo quy định của pháp luật.

2. Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Nam được xây dựng bằng sự đóng góp tự nguyện và ủng hộ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong, ngoài nước để cùng Nhà nước chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.

3. Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và Bảo trợ trẻ em tỉnh thực hiện công tác tài chính, kế hoạch, thống kê theo đúng quy định của pháp luật về kế toán, thống kê hiện hành và chấp hành các chế độ, quy định về hóa đơn, chứng từ kế toán theo quy định của Bộ Tài chính. Bộ phận quản lý Quỹ phải mở sổ theo dõi, thống kê đầy đủ danh sách các cơ quan, tổ chức, cá nhân tài trợ, hiến tặng, đóng góp cho Quỹ và danh sách những đơn vị, đối tượng được thụ hưởng từ sự giúp đỡ, hỗ trợ của Quỹ.

Điều 3. Nguyên tắc hoạt động của Quỹ

1. Quỹ hoạt động theo nguyên tắc không vì mục đích thu lợi nhuận. Kinh phí Quỹ không được dùng cho vay sinh lời; kết dư của Quỹ được chuyển sang năm tiếp theo.

2. Việc huy động, quản lý và sử dụng Quỹ phải đảm bảo đúng mục đích, có hiệu quả theo đúng chế độ quản lý tài chính hiện hành của Nhà nước; đồng thời, phải thực hiện công khai tài chính theo quy định của pháp luật.

3. Quỹ thực hiện chế độ kế toán đơn vị hành chính sự nghiệp. Quỹ được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước để giao dịch và theo dõi toàn bộ các khoản thu, chi. Kinh phí hoạt động của Quỹ được quản lý, hạch toán, quyết toán theo đúng quy định và theo dõi, báo cáo chi tiết theo từng hoạt động Đền ơn đáp nghĩa, Bảo trợ trẻ em.

a) Đối với hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”

Công tác lập dự toán, kế toán, quyết toán thu chi và quản lý các nguồn kinh phí hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”: Thực hiện theo quy định tại Nghị định số 45/2006/NĐ-CP ngày 28/4/2006 của Chính phủ về việc ban hành Điều lệ quản lý và sử dụng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa.

b) Đối với hoạt động “Bảo trợ trẻ em”

Công tác lập dự toán, kế toán, quyết toán thu chi và quản lý các nguồn kinh phí hoạt động Bảo trợ trẻ em: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 87/2008/TT-BTC ngày 08/10/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và sử dụng Quỹ Bảo trợ trẻ em.

4. Quỹ có trách nhiệm chấp hành việc kiểm tra, thanh tra tài chính, kiểm toán theo quy định của Nhà nước.

Điều 4. Tổ chức quản lý, điều hành Quỹ

Quỹ có Ban Quản lý riêng do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập. Trưởng Ban Quản lý Quỹ chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh và trước pháp luật về tổ chức vận động, quản lý và sử dụng Quỹ.

Giúp việc cho Ban Quản lý Quỹ có Văn phòng Ban Quản lý Quỹ.

Điều 5. Tổ chức vận động ủng hộ Quỹ

Ban Quản lý Quỹ tổ chức vận động sự đóng góp tự nguyện của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân dưới các hình thức: Bằng tiền, bằng hiện vật, bằng công sức, bằng việc trực tiếp vận động những người khác tham gia đóng góp xây dựng Quỹ; không hạn chế mức đóng góp tối đa.

Hàng năm, Ban Quản lý Quỹ thông báo mức vận động tối thiểu, số hiệu tài khoản của Quỹ đến từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc cấp tỉnh vận động để chủ sử dụng lao động huy động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia ủng hộ Quỹ.

Kho bạc Nhà nước cùng cấp nơi Ban Quản lý Quỹ mở tài khoản có trách nhiệm thu và định kỳ tổng hợp tình hình ủng hộ Quỹ thông báo kịp thời cho Ban Quản lý Quỹ.

Ban Quản lý Quỹ mỗi cấp tổng hợp tình hình đóng góp Quỹ ở cấp mình và cấp dưới, báo cáo với Ủy ban nhân dân, cơ quan tài chính cùng cấp và Ban Quản lý Quỹ cấp trên.

Chương II

NGUỒN THU, SỬ DỤNG QUỸ ĐỀN ƠN ĐÁP NGHĨA VÀ BẢO TRỢ TRẺ EM TỈNH QUẢNG NAM

Mục 1. ĐỐI TƯỢNG VẬN ĐỘNG, NỘI DUNG SỬ DỤNG QUỸ CHO HOẠT ĐỘNG “ĐỀN ƠN ĐÁP NGHĨA”

Điều 6. Các đối tượng được vận động đóng góp Quỹ cho hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”

Đối tượng vận động ủng hộ Quỹ cho hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” ở từng cấp thực hiện theo quy định tại Điều 8, Chương II, Điều lệ Quản lý và sử dụng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa ban hành kèm theo Nghị định số 45/2006/NĐ-CP ngày 28/4/2006 của Chính phủ.

Ban Quản lý Quỹ ở mỗi cấp được vận động đối với bà con người Quảng Nam và các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có lòng hảo tâm trong, ngoài nước.

Ngoài ra, những đơn vị sau đây do Quỹ cấp tỉnh vận động:

1. Doanh nghiệp nhà nước kể cả những doanh nghiệp đã cổ phần hóa có cổ đông Nhà nước.

2. Các doanh nghiệp trong Khu Công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, Khu Công nghiệp Đông Quế Sơn, Khu Công nghiệp Thuận Yên, Khu Công nghiệp Bắc Chu Lai, Khu Công nghiệp Nam Chu Lai, Khu Công nghiệp Tam Hiệp, Khu Công nghiệp Trường Hải - Chu Lai.

3. Các Trường Trung học phổ thông, Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh.

Điều 7. Đối tượng không thuộc diện vận động đóng góp Quỹ cho hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”

Đối tượng không thuộc diện vận động đóng góp Quỹ cho hoạt động Đền ơn đáp  nghĩa” quy định tại Khoản 2, Điều 7, Chương II của Điều lệ Quản lý và sử dụng Quỹ đền ơn đáp nghĩa ban hành kèm theo Nghị định số 45/2006/NĐ-CP ngày 28/4/2006 của Chính phủ.

Quỹ hoan nghênh và tiếp nhận trên tinh thần tự nguyện ủng hộ của các đối tượng quy định tại điều này và tất cả các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tự nguyện ủng hộ.

Điều 8. Nội dung sử dụng Quỹ cho hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”

Nội dung sử dụng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa thực hiện theo quy định tại Điều 9, Chương III Điều lệ Quản lý và sử dụng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa ban hành kèm theo Nghị định số 45/2006/NĐ-CP ngày 28/4/2006 của Chính phủ; cụ thể:

1. Hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng hoặc thân nhân của họ.

2. Tu bổ nghĩa trang liệt sĩ, xây dựng nhà bia ghi tên liệt sĩ và các công trình ghi công liệt sỹ.

3. Giúp đỡ người có công với cách mạng hoặc thân nhân của họ khi gặp khó khăn trong cuộc sống.

4. Thăm hỏi, hỗ trợ người có công với cách mạng hoặc thân nhân của họ khi ốm đau, khám, chữa bệnh và khi qua đời mà gia đình gặp khó khăn.

5. Hỗ trợ cho các địa phương cấp huyện, xã, phường, thị trấn có nhiều đối tượng thuộc diện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng mà nguồn vận động ủng hộ thấp .

6. Chi quản lý hành chính

a) Quỹ được trích tối đa 5% (năm phần trăm) trên tổng số thu hàng năm của quỹ đối với hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” để chi cho công tác quản lý Quỹ.

b) Nội dung chi quản lý Quỹ

Chi trả tiền lương, tiền công cho người lao động được Ban Quản lý Quỹ ký kết hợp đồng lao động để thực hiện các nhiệm vụ có liên quan của Quỹ.

Chi cho công tác tuyên truyền, vận động đóng góp Quỹ.

Chi cho công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ của Quỹ.

Chi khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác vận động đóng góp, quản lý Quỹ.

Các khoản chi khác có liên quan đến hoạt động quản lý, điều hành Quỹ.

c) Mức chi quản lý Quỹ

Thực hiện theo chế độ, định mức chi hiện hành của Nhà nước.

Điều 9. Thời điểm vận động Quỹ cho hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”

Việc vận động đóng góp xây dựng Quỹ cho hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” được thực hiện tập trung vào dịp kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7). Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể đóng góp một lần hoặc nhiều lần trong năm.

Mục 2. NGUỒN THU, NỘI DUNG SỬ DỤNG QUỸ CHO HOẠT ĐỘNG “BẢO TRỢ TRẺ EM”

Điều 10. Nguồn thu của Quỹ cho hoạt động “Bảo trợ trẻ em”

Khai thác mọi nguồn lực bằng hình thức vận động sự đóng góp tự nguyện, tài trợ hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong nước, nước ngoài hoặc tiếp nhận tài trợ có mục đích, có ghi địa chỉ cụ thể để thực hiện theo ủy quyền của cơ quan, tổ chức, cá nhân tài trợ  và hỗ trợ của ngân sách nhà nước (nếu có) cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Điều 11. Đối tượng trẻ em được Quỹ hỗ trợ

Bao gồm các đối tượng sau: Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định tại Khoản 1, Điều 10 của Luật Trẻ em và nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác theo điều chỉnh của Luật.

Ngoài ra, hỗ trợ trẻ em là người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn; trẻ em miền núi vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng, vùng bị thiên tai, dịch bệnh; trẻ em thuộc gia đình nghèo vượt khó học giỏi và các đối tượng đột xuất khác cần hỗ trợ theo quy định của pháp luật.

Điều 12. Nội dung sử dụng Quỹ cho hoạt động “Bảo trợ trẻ em”

Nội dung sử dụng Quỹ cho hoạt động “Bảo trợ trẻ em” thực hiện theo quy định tại Khoản 2, Mục II, Thông tư số 87/2008/TT-BTC ngày 08/10/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và sử dụng Quỹ Bảo trợ trẻ em; cụ thể:

1. Chi hỗ trợ cho trẻ em (theo các chương trình của Quỹ có trọng tâm, trọng điểm theo từng giai đoạn đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt).

a) Chi hỗ trợ trẻ em khuyết tật, trẻ em là nạn nhân của chất độc màu da cam để phục hồi chức năng.

b) Chi hỗ trợ trẻ em nghèo suy dinh dưỡng; trẻ em mồ côi; trẻ em bị bỏ rơi; trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS; trẻ em phải làm việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại; trẻ em phải làm việc xa gia đình; trẻ em lang thang; trẻ em bị xâm hại tình dục; trẻ em nghiện ma túy; trẻ em vi phạm pháp luật.

c) Chi hỗ trợ vì mục tiêu trẻ em cho các xã đặc biệt khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, vùng căn cứ cách mạng.

d) Chi hỗ trợ học bổng cho trẻ em nghèo, trẻ em là con thương binh, con gia đình có công với cách mạng vượt khó học giỏi.

e) Chi hỗ trợ trẻ em nghèo không được đến trường thông qua các lớp học tình thương, học nghề.

f) Chi hỗ trợ trẻ em nghèo gặp tai nạn, rủi ro khác, vùng bị thiên tai dịch bệnh.

h) Chi hỗ trợ trẻ em có địa chỉ cụ thể theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức cá nhân tài trợ.

g) Các hỗ trợ khác phù hợp với quy định  của pháp luật.

2. Chi đối ứng dự án (nếu có).

3. Chi quản lý hành chính

a) Quỹ được trích tối đa 10% (mười phần trăm) trên tổng số thu hàng năm của quỹ  cho hoạt động “Bảo trợ trẻ em” (trừ các khoản thu tài trợ có địa chỉ cụ thể, tài trợ bằng hiện vật và hỗ trợ của ngân sách nhà nước) để chi cho công tác quản lý quỹ.

b) Nội dung chi quản lý Quỹ

Chi trả tiền lương, tiền công cho người lao động được Ban Quản lý Quỹ ký kết hợp đồng lao động để thực hiện các nhiệm vụ liên quan của Quỹ.

Chi cho công tác tuyên truyền, vận động để huy động nguồn tài trợ.

Chi cho các hoạt động liên quan đến việc thực hiện các nhiệm vụ tiếp nhận, vận chuyển, phân phối tiền, hàng tài trợ đến đối tượng (tiền thuê kho, bến bãi; chi phí đóng thùng, vận chuyển hàng hóa; chi phí chuyển tiền; chi phí khác);

Chi cho việc khảo sát, lập dự án và kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ cho trẻ em.

Chi khen thưởng cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc vận động nguồn tài trợ và đóng góp cho hoạt động của Quỹ.

Các khoản chi khác có liên quan đến hoạt động quản lý, điều hành Quỹ.

c) Mức chi quản lý Quỹ

Thực hiện theo chế độ, định mức chi hiện hành của Nhà nước.

4. Nội dung chi của các dự án được tài trợ

Đối với các dự án được tài trợ, nội dung chi thực hiện theo thỏa thuận giữa Quỹ với nhà tài trợ phù hợp với quy định của pháp luật. Riêng các dự án viện trợ nước ngoài, nội dung chi được thực hiện theo văn bản ký kết.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 13. Trách nhiệm của các cơ quan, ngành, đoàn thể

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam là cơ quan thường trực, có trách nhiệm giúp Ban Quản lý Quỹ chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra việc quản lý, sử dụng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Nam theo quy định của Quy chế này; đồng thời, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã thành lập Quỹ theo đúng quy định của pháp luật.

2. Sở Tài chính và Kho bạc Nhà nước tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc thu, chi Quỹ theo đúng quy định của pháp luật về tài chính, kế toán.

3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các Hội, đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức tuyên truyền sâu rộng mục đích, ý nghĩa, nội dung cuộc vận động xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Nam;  đồng thời, tổ chức vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị, thành viên của tổ chức mình tham gia ủng hộ Quỹ.

Điều 14. Khen thưởng và xử lý kỷ luật đối với các hành vi vi phạm

1. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có thành tích trong việc đóng góp xây dựng, quản lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Nam được cấp có thẩm quyền biểu dương, khen thưởng.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ vận động ủng hộ, quản lý, sử dụng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Nam nếu có hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý theo quy định.

Điều 15. Sửa đổi, bổ sung Quy chế quản lý, sử dụng Quỹ

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh (cơ quan thường trực) có trách nhiệm theo dõi, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Quy chế này báo cáo Trưởng Ban Quản lý Quỹ xem xét, giải quyết.

Nếu có vấn đề phát sinh cần sửa đổi, bổ sung Quy chế quản lý, sử dụng Quỹ; Trưởng Ban Quản lý Quỹ báo cáo đề xuất UBND tỉnh xem xét, quyết định./.