Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 16/2017/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 17 tháng 4 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ CÔNG TÁC THI ĐUA, KHEN THƯỞNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Thi đua, khen thưởng năm 2003; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng;

Căn cứ Nghị định số 39/2012/NĐ-CP ngày 27 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng;

Căn cứ Nghị định số 65/2014/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2013;

Căn cứ Thông tư số 07/2014/TT-BNV ngày 29/8/2014 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện Nghị định 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội tại Tờ trình số 779/TTr-SNV ngày 05 tháng 4 năm 2017.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về công tác thi đua, khen thưởng trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 28/4/2017, đồng thời thay thế các Quyết định: số 54/2011/QĐ-UBND ngày 30/12/2011 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc ban hành Quy định về công tác thi đua, khen thưởng trên địa bàn thành phố Hà Nội; số 99/2014/QĐ-UBND ngày 31/12/2014 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 54/2011/QĐ-UBND ngày 30/12/2011 của UBND thành phố Hà Nội về công tác thi đua, khen thưởng trên địa bàn thành phố Hà Nội; số 30/2011/QĐ-UBND ngày 19/9/2011 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc ban hành Quy định khen thưởng thành tích thi đua theo chuyên đề trên địa bàn thành phố Hà Nội; số 31/2011/QĐ-UBND ngày 19/9/2011 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc ban hành Quy định khen thưởng thành tích công tác năm đối với cán bộ lãnh đạo quản lý sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã, đơn vị thuộc Thành phố.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố; Giám đốc Sở Nội vụ; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị trực thuộc Thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã; các đơn vị, tập thể, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Ban TĐKT Trung ương;
- Vụ Pháp chế, Bộ Nội vụ;
- Cục kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND TP;
- Đoàn ĐBQH Hà Nội;
- Chủ tịch UBND TP;
- Các Phó Chủ tịch UBND TP;
- Cổng TTĐT Chính phủ;
- Thành viên Hội đồng TĐKT TP;
- Cổng Giao tiếp ĐT Thành phố;
- VPUB: CPVP, các Phòng: TKBT, NC,
TH, VX, Trung tâm TH-CB;
- Lưu: VT, BTĐ.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Chung

 

QUY ĐỊNH

VỀ CÔNG TÁC THI ĐUA, KHEN THƯỞNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 16/2017/QĐ-UBND ngày 17/4/2017 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Quy định này quy định về đối tượng áp dụng; nguyên tắc bình xét khen thưởng; tiêu chuẩn, thẩm quyền xét tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng; hiệp y khen thưởng; quy trình, thủ tục hồ sơ đề nghị khen thưởng; tôn vinh danh hiệu và các giải thưởng, tổ chức trao thưởng; thành lập và tổ chức hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Thành phố, Hội đồng Khoa học - Sáng kiến Thành phố, tổ chức, bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng; quỹ thi đua, khen thưởng; quyền và nghĩa vụ của tập thể, cá nhân về thi đua, khen thưởng; xử lý vi phạm về thi đua, khen thưởng trên địa bàn thành phố Hà Nội.

2. Những nội dung về công tác thi đua, khen thưởng không quy định tại Quy định này được thực hiện theo quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với tập thể, cá nhân đang sinh sống, làm việc, học tập trong và ngoài thành phố Hà Nội.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Đơn vị thành viên là đơn vị trong một cụm thi đua hoặc cùng tham gia thực hiện một chuyên đề thi đua.

2. Tập thể nhỏ là tập thể từ cấp phòng, ban, đơn vị thuộc các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và tương đương trở xuống.

3. Cá nhân lao động trực tiếp là công nhân, nông dân, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang; công chức, viên chức, nhân viên, người lao động giữ chức vụ lãnh đạo quản lý từ cấp Phó Trưởng phòng và tương đương trở xuống thuộc các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các quận, huyện, thị xã, đơn vị thuộc Thành phố.

4. Lãnh đạo sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã, đơn vị thuộc Thành phố là các cá nhân giữ chức vụ từ Phó Giám đốc các sở, ban, ngành, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã và tương đương trở lên (gọi tắt là lãnh đạo diện Thành phố quản lý).

5. Hiệp y khen thưởng là hình thức lấy thông tin của các cơ quan có liên quan để có thêm căn cứ trước khi quyết định khen thưởng hoặc đề nghị khen thưởng.

Điều 4. Nguyên tắc bình xét khen thưởng

Nguyên tắc bình xét khen thưởng được thực hiện theo quy định tại Điều 6, Luật Thi đua, Khen thưởng; Điều 4, Nghị định 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010; Điều 2, Nghị định số 65/2014/NĐ-CP ngày 01/7/2014 của Chính phủ; Điều 1, Thông tư 07/2014/TT-BNV ngày 29/8/2014 của Bộ Nội vụ và theo các nguyên tắc sau:

1. Không khen trùng (không lấy một thành tích để làm hồ sơ đề nghị xét khen thưởng nhiều lần; một đối tượng chỉ được một đơn vị đề nghị khen thưởng). Chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ và cá nhân là người lao động trực tiếp; khi đề nghị khen thưởng đối với cá nhân cấp Thành phố phải đảm bảo ít nhất 75% là người lao động trực tiếp.

2. Khi đề nghị khen thưởng Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố về thành tích công tác năm đối với lãnh đạo sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã, đơn vị thuộc Thành phố (sau đây gọi tắt là lãnh đạo) phải căn cứ vào thành tích tập thể và theo tỷ lệ (đối với đơn vị được tặng thưởng Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố: Đề nghị khen thưởng với số lượng không quá 30% trên tổng số lãnh đạo thuộc đơn vị; đơn vị được tặng thưởng Cờ thi đua của Thành phố: Đề nghị khen thưởng với số lượng không quá 50% trên tổng số lãnh đạo đơn vị, đơn vị được tặng Cờ thi đua của Chính phủ: đề nghị khen thưởng 100% lãnh đạo thuộc đơn vị).

3. Chuyên đề thi đua do cấp nào phát động thì cấp đó xét khen thưởng. Trường hợp tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, phạm vi ảnh hưởng lớn đối với Thành phố, Ủy ban nhân dân Thành phố sẽ xem xét khen thưởng. Không khen thưởng các chuyên đề công tác khi không đăng ký với Ủy ban nhân dân Thành phố; không có văn bản chỉ đạo, kế hoạch sơ, tổng kết của cơ quan chủ trì, phát động; chuyên đề được phát động không xác định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, chỉ tiêu, thời gian thực hiện hoặc chưa có hướng dẫn về tiêu chí, số lượng trình khen thưởng của Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ).

4. Trong một năm chỉ đề xuất khen thưởng cấp Thành phố không quá 02 lần đối với tập thể và cá nhân tham gia nhiều chuyên đề thi đua.

5. Các trường hợp không xem xét khen thưởng thực hiện theo quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng, các văn bản hướng dẫn thi hành.

Điều 5. Đăng ký thi đua

1. Các đơn vị thuộc Thành phố (kể cả các trường đại học, cao đẳng thuộc Thành phố) đăng ký Cờ thi đua của Ủy ban nhân dân Thành phố, Cờ thi đua của Chính phủ đối với tập thể; danh hiệu Chiến sỹ thi đua Thành phố, Chiến sỹ thi đua Toàn quốc đối với cá nhân, gửi về Ủy ban nhân dân Thành phố (qua Ban Thi đua - Khen thưởng) trước ngày 15/01 hằng năm. Riêng khối Giáo dục - Đào tạo gửi trước ngày 30/9 hằng năm.

2. Đăng ký Cờ thi đua: Phải kèm theo đăng ký mô hình, chuyên đề thi đua. Mô hình, chuyên đề phải nêu rõ tên mô hình, chuyên đề; thời gian thực hiện; nội dung, giải pháp thực hiện mô hình, chuyên đề thi đua.

3. Đăng ký danh hiệu Chiến sỹ thi đua Thành phố, Chiến sỹ thi đua Toàn quốc: phải kèm theo đăng ký sáng kiến, giải pháp, đề tài, đề án.

Chương II

TIÊU CHUẨN, THẨM QUYỀN XÉT TẶNG VÀ ĐỀ NGHỊ CẤP TRÊN TẶNG THƯỞNG CÁC DANH HIỆU THI ĐUA, HÌNH THỨC KHEN THƯỞNG; HIỆP Y KHEN THƯỞNG

Điều 6. Khen thưởng cấp Nhà nước

Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố xét, đề nghị cấp trên khen thưởng:

1. Huân chương Sao vàng; Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động (các hạng); Anh hùng Lao động; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Chiến sỹ thi đua Toàn quốc: Được thực hiện theo quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng; Nghị định 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010; Nghị định số 65/2014/NĐ-CP ngày 01/7/2014 của Chính phủ; Thông tư 07/2014/TT-BNV ngày 29/8/2014 của Bộ Nội vụ.

2. Cờ thi đua của Chính phủ: tặng cho tập thể tiêu biểu xuất sắc trong số các tập thể dẫn đầu các cụm thi đua Thành phố hoặc tập thể dẫn đầu toàn Thành phố trên các lĩnh vực, ngành nghề, có mô hình mới để các tập thể khác học tập, đạt tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 25, Luật Thi đua, Khen thưởng và Điều 6, Nghị định số 65/2014/NĐ-CP ngày 01/7/2014 của Chính phủ.

3. Khen thưởng thành tích cống hiến: Thực hiện theo Điều 36, 37, 38, 42, 43, 44 Luật Thi đua, Khen thưởng; Điều 9, 10, 11, 15, 16, 17 Nghị định số 65/2014/NĐ-CP ngày 01/7/2014 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành.

4. Danh hiệu vinh dự nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng nhà nước:

a) Danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú”: Thực hiện theo Điều 62, Luật Thi đua, Khen thưởng và Nghị định số 27/2015/NĐ-CP ngày 10/3/2015 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú”.

b) Danh hiệu “Thầy thuốc Nhân dân”, “Thầy thuốc Ưu tú”: Thực hiện theo Điều 63, Luật Thi đua, Khen thưởng và theo Nghị định số 41/2015/NĐ-CP ngày 05/5/2015 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Thầy thuốc Nhân dân”, “Thầy thuốc Ưu tú”.

c) Danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú”: Thực hiện theo Điều 64, Luật Thi đua, Khen thưởng và theo Nghị định số 89/2014/NĐ-CP ngày 29/9/2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú”.

d) Danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú”: Thực hiện theo Điều 65, Luật Thi đua, Khen thưởng và theo Nghị định số 62/2014/NĐ-CP ngày 25/6/2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; Nghị định 123/2014/NĐ-CP ngày 25/12/2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ.

đ) Danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng: Thực hiện theo Điều 59 Luật Thi đua, Khen thưởng; Nghị định số 56/2013/NĐ-CP ngày 22/5/2013 của Chính phủ và Thông tư số 03/2014/TTLT/BNV-BQP-BLĐTB&XH ngày 10/10/2014 của liên bộ: bộ Nội vụ, bộ Quốc phòng và bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

e) Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước: Thực hiện theo Điều 66, 67, 68 Luật Thi đua, Khen thưởng; Nghị định số 78/2014/NĐ-CP ngày 30/7/2014 của Chính phủ về Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và các giải thưởng khác về khoa học và công nghệ; Điều 5, 8, 9, 10 Nghị định số 90/2014/NĐ-CP ngày 29/9/2014 của Chính phủ về “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật.

Điều 7. Khen thưởng cấp Thành phố

Ủy ban nhân dân Thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố xét, quyết định khen thưởng:

1. Danh hiệu “Cờ thi đua của Ủy ban nhân dân Thành phố”:

a) Tập thể là đơn vị thành viên thuộc cụm thi đua do Thành phố tổ chức hoặc sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã, đơn vị thuộc Thành phố tổ chức; được đánh giá, bình xét, suy tôn là đơn vị xuất sắc tiêu biểu trong phong trào thi đua theo cụm thi đua và đạt các tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 26 Luật Thi đua, Khen thưởng và theo Điều 16, Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ.

b) Tập thể tiêu biểu xuất sắc trong phong trào thi đua theo chuyên đề thi đua cấp Thành phố (chuyên đề thi đua có thời gian thực hiện từ 01 năm trở lên).

2. Danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”: tặng cho tập thể tiêu biểu xuất sắc, được lựa chọn trong số những tập thể đạt danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến”, đạt tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 27, Luật Thi đua, Khen thưởng; Điều 17, Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ và Điều 6, Thông tư số 07/2014/TT-BNV ngày 29/8/2014 của Bộ Nội vụ.

3. Danh hiệu “Chiến sỹ thi đua Thành phố”: Được xét tặng hằng năm cho các cá nhân đạt các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại Điều 22, Luật Thi đua, Khen thưởng và Điều 14, Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ.

4. Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố tặng cho tập thể, cá nhân đạt tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 72, Luật Thi đua, Khen thưởng; Điều 24, Nghị định số 65/2014/NĐ-CP ngày 01/7/2014 của Chính phủ và theo các đối tượng, tiêu chuẩn sau:

a) Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố về khen thưởng tổng kết năm tặng cho tập thể thuộc các cụm thi đua Thành phố, được các cụm thi đua Thành phố bình xét, suy tôn.

b) Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố về khen thưởng tổng kết năm tặng cho các tập thể, cá nhân thuộc các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã, đơn vị thuộc Thành phố trong số các tập thể, cá nhân 02 năm liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cá nhân có 02 sáng kiến cấp cơ sở.

c) Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố tặng cho các tập thể, cá nhân có thành tích thi đua theo chuyên đề, đạt các tiêu chuẩn sau:

Đối với tập thể: Là tập thể có thành tích xuất sắc trong số các tập thể thực hiện chuyên đề như tham gia tích cực, đạt chất lượng, hiệu quả cao, đảm bảo tốt kế hoạch đã đề ra trong quá trình thực hiện chuyên đề, thành tích đó đóng góp thiết thực vào hoàn thành nhiệm vụ công tác của cơ quan, đơn vị và địa phương.

Đối với cá nhân: Có thành tích tiêu biểu trong số cá nhân hoàn thành nhiệm vụ trong quá trình thực hiện chuyên đề. Thành tích của cá nhân có đóng góp tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ công tác của cơ quan, đơn vị và địa phương.

d) Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố tặng cho tập thể, cá nhân có thành tích đột xuất: Tiêu chuẩn thực hiện theo Điều 4, Quy định về việc khen thưởng thành tích đột xuất trên địa bàn thành phố Hà Nội (ban hành kèm theo Quyết định số 40/2016/QĐ-UBND ngày 12/9/2016 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội).

Để kịp thời động viên tập thể, cá nhân, khi cần thiết Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định thư khen và thưởng tiền theo thẩm quyền.

đ) Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố tặng cho gia đình gương mẫu chấp hành tôt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có nhiều đóng góp về công sức, đất đai và tài sản cho địa phương, xã hội có giá trị từ 100 lần lương tối thiêu trở lên (có thể tính đóng góp cộng dồn trong 01 năm).

e) Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố tặng cho công nhân, nông dân, người lao động; Chiến sỹ trong các lực lượng vũ trang có nhiều thành tích, phạm vi ảnh hưởng trong cấp xã, cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã và đạt một trong các tiêu chuẩn sau:

Lập nhiều thành tích hoặc thành tích đột xuất trong lao động, sản xuất học tập, công tác, chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

Công nhân có từ 01 sáng kiến trở lên mang lại lợi ích và có đóng góp trong việc đào tạo, bồi dưỡng, giúp đỡ đồng nghiệp nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề.

Nông dân có mô hình sản xuất hiệu quả và ổn định từ 02 năm trở lên, giúp đỡ hộ nông dân xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm cho 10 lao động trở lên.

f) Khen đối ngoại: Các cá nhân, tổ chức ngoài Thành phố; cá nhân, tổ chức người nước ngoài; người Việt Nam ở nước ngoài có nhiều thành tích đóng góp vào sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của Thành phố; có thành tích xuất sắc trong các hoạt động xóa đói, giảm nghèo, nhân đạo, từ thiện; giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn Thành phố thì được Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố xét, quyết định tặng Bằng khen, danh hiệu “Vì sự nghiệp xây dựng Thủ đô”; “Công dân danh dự Thủ đô Hà Nội”.

Điều 8. Tiêu chuẩn, thẩm quyền xét tặng các danh hiệu thi đua đặc thù theo quy định của Ủy ban nhân dân Thành phố

Thực hiện theo các Quy chế, Quy định ban hành kèm theo Quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội (danh mục đính kèm)

Điều 9. Các trường hợp khen thưởng và đề nghị khen thưởng xin ý kiến Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy

1. Các trường hợp đề nghị khen thưởng xin ý kiến Thường trực Thành ủy gồm:

a) Đối với cá nhân:

Khen thưởng cho các trường hợp cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý: Huân chương Độc lập (các hạng), danh hiệu “Anh hùng Lao động”, “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước.

Danh hiệu “Chiến sỹ thi đua toàn quốc”; Danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú”, “Công dân danh dự Thủ đô Hà Nội”

b) Đối với tập thể: “Huân chương Độc lập” (các hạng), danh hiệu “Anh hùng Lao động”.

2. Các trường hợp đề nghị khen thưởng xin ý kiến Ban Thường vụ Thành ủy trước khi trình Thủ tướng Chính phủ, gồm: "Huân chương Sao vàng", "Huân chương Hồ Chí Minh" đối với tập thể, cá nhân.

Điều 10. Hiệp y khen thưởng

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố xét, hiệp y khen thưởng theo đề nghị của các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương (trừ các nội dung không phải hiệp y theo quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng).

2. Đối với ngành Giáo dục và Đào tạo: Sở Giáo dục và Đào tạo có ý kiến hiệp y trước khi trình khen thưởng Cờ thi đua của Ủy ban nhân dân Thành phố, Cờ thi đua của Chính phủ cho các trường học thuộc các quận, huyện, thị xã quản lý.

Chương III

QUY TRÌNH XÉT KHEN THƯỞNG, THỦ TỤC HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ KHEN THƯỞNG

Điều 11. Quy trình xét khen thưởng

1.Khen thưởng cấp Nhà nước:

a) Huân chương Sao vàng; Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động (các hạng); Anh hùng Lao động; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Chiến sỹ thi đua Toàn quốc; Cờ thi đua của Chính phủ:

Ban Thi đua - Khen thưởng thẩm định hồ sơ, tổng hợp, thực hiện các quy trình và báo cáo Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Thành phố họp, xét duyệt.

Căn cứ kết quả bỏ phiếu của thành viên Hội đồng, Ban Thi đua - Khen thưởng tổng hợp các trường hợp đủ điều kiện, thực hiện các quy trình theo phân cấp và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố xét, trình Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước khen thưởng.

b) Khen thưởng thành tích cống hiến:

Hằng năm các đơn vị trực thuộc Thành phố rà soát các trường hợp thuộc diện khen thưởng sau khi có thông báo nghỉ hưu, đã nghỉ hưu (hoặc từ trần) hướng dẫn cá nhân hoặc người nhà cá nhân (nếu cán bộ đề nghị khen thưởng đã từ trần) làm báo cáo (có xác nhận của Ban Tổ chức Thành ủy). Trình Ủy ban nhân dân Thành phố (qua Ban Thi đua, Khen thưởng).

Ban Thi đua, Khen thưởng thẩm định, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ khen thưởng.

c) Danh hiệu vinh dự Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước:

Cơ quan Thường trực của từng Hội đồng xét tặng theo chuyên ngành cấp Thành phố tham mưu trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định thành lập Hội đồng xét tặng danh hiệu (bao gồm các Thành viên theo quy định và có lãnh đạo Ban Thi đua - Khen thưởng là Phó Chủ tịch Hội đồng).

Hội đồng xét tặng từng chuyên ngành cấp Thành phố thực hiện các quy trình, thủ tục theo quy định tại Luật Thi đua, Khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành. Phối hợp Ban Thi đua - Khen thưởng tổng hợp các cá nhân đủ điều kiện, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, trình cấp trên khen thưởng.

d) Danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng: Sở Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp Ban Thi đua - Khen thưởng thẩm định hồ sơ, tổng hợp các trường hợp đủ điều kiện, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị Chủ tịch nước khen thưởng.

2. Khen thưởng cấp Thành phố:

a) Khen thưởng tổng kết năm (Cờ thi đua của Ủy ban nhân dân Thành phố; Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố) cho các đơn vị thuộc các Cụm thi đua Thành phố:

Ban Thi đua - Khen thưởng tiếp nhận hồ sơ trình của đơn vị Cụm trưởng các Cụm thi đua Thành phố, thẩm định và tổng hợp, báo cáo Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Thành phố họp xét duyệt.

Căn cứ kết quả bỏ phiếu của thành viên Hội đồng, Ban Thi đua - Khen thưởng tổng hợp các trường hợp đủ điều kiện, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định khen thưởng.

b) Khen thưởng tổng kết năm cho các tập thể, lãnh đạo đơn vị, cán bộ, công chức, nhân viên thuộc các đơn vị; khen thưởng chuyên đề, khen thưởng thành tích đột xuất, khen thưởng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng đặc thù của Thành phố:

Căn cứ đề nghị của các đơn vị, Ban Thi đua - Khen thưởng thẩm định, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét quyết định.

Đối với các chuyên đề do các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố được Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố phân công phụ trách, trước khi trình Chủ tịch xem xét, quyết định phải xin ý kiến của Phó Chủ tịch phụ trách chuyên đề.

c) Danh hiệu “Chiến sỹ thi đua Thành phố”:

Ban Thi đua - Khen thưởng thẩm định hồ sơ, báo cáo xin ý kiến (bằng văn bản) Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Thành phố.

Sau khi có ý kiến của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Thành phố, Ban Thi đua - Khen thưởng tổng hợp các trường hợp đủ điều kiện, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định khen thưởng.

Điều 12. Hồ sơ đề nghị khen thưởng

1. Hồ sơ đề nghị các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng và thực hiện theo Nghị định số 39/2012/NĐ-CP ngày 27/4/2012 của Chính phủ và theo các quy định của Ủy ban nhân dân Thành phố.

2. Khi đề nghị Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố khen thưởng bằng văn bản thì đồng thời gửi kèm file điện tử của tờ trình, báo cáo kèm danh sách đề nghị khen thưởng về Ban Thi đua - Khen thưởng.

Chương IV

TÔN VINH DANH HIỆU VÀ CÁC GIẢI THƯỞNG; TỔ CHỨC TRAO THƯỞNG

Điều 13. Tôn vinh danh hiệu và các giải thưởng

Việc tôn vinh các danh hiệu, các giải thưởng có liên quan đến khen thưởng phải đăng ký và được sự đồng ý của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố.

Điều 14. Tổ chức trao thưởng

Việc tổ chức đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua cấp Nhà nước và Thành phố được thực hiện theo Quy định tại Nghị định số 145/2013/NĐ-CP ngày 29/10/2013 của Chính phủ và theo các nội dung sau:

1. Tổ chức lễ trao tặng, đón nhận kết hợp trong lễ kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống, hội nghị điển hình tiên tiến, hội nghị sơ, tổng kết (trừ trường hợp trao tặng, đón nhận khen thưởng đột xuất, khen thưởng kháng chiến, khen thưởng cống hiến, danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng).

2. Trước khi tổ chức trao thưởng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng, các đơn vị phải xây dựng kịch bản trao tặng, đón nhận, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố (qua Ban Thi đua - Khen thưởng) để thông qua trước 05 ngày diễn ra buổi lễ, hội nghị. Công bố quyết định khen thưởng do đại diện lãnh đạo đơn vị hoặc cơ quan Thường trực của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng đơn vị tổ chức buổi lễ, hội nghị thực hiện.

3. Tổ chức trao tặng, đón nhận một lần với mỗi tập thể, cá nhân được khen thưởng. Trao tặng hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua từ thứ bậc cao đến thứ bậc thấp. Trao tặng cho tập thể trước, cá nhân sau; trao tặng trước, truy tặng sau.

4. Việc tổ chức Lễ trao tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng do nước ngoài tặng thưởng cho các tập thể, cá nhân thuộc Thành phố: Sở Ngoại vụ là cơ quan Thường trực, phối hợp các cơ quan liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố tổ chức Lễ trao tặng đảm bảo đúng thủ tục quy định.

Điều 15. Trang trí buổi lễ

Việc trang trí buổi lễ được thực hiện theo quy định tại Điều 22, Nghị định số 145/2013/NĐ-CP ngày 29/10/2013 của Chính phủ.

Chương V

THÀNH LẬP VÀ TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG HỘI ĐỒNG THI ĐUA - KHEN THƯỞNG THÀNH PHỐ; HỘI ĐỒNG KHOA HỌC - SÁNG KIẾN THÀNH PHỐ; TỔ CHỨC, BỘ MÁY LÀM CÔNG TÁC THI ĐUA, KHEN THƯỞNG

Điều 16. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Thành phố

1. Hội đồng Thi đua, Khen thưởng Thành phố thành lập theo Điều 29, Nghị định số 65/2014/NĐ-CP ngày 01/7/2014 của Chính phủ.

2. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Thành phố do Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định thành lập và ban hành Quy chế hoạt động.

3. Các trường hợp cần xin ý kiến Thành viên Hội đồng phải đạt 75% số phiếu Thành viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Thành phố đồng ý trở lên; riêng danh hiệu Anh hùng Lao động, Chiến sỹ thi đua Toàn quốc phải đạt từ 90% số phiếu Thành viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Thành phố đồng ý trở lên thì mới đủ điều kiện đề nghị các cấp khen thưởng.

Điều 17. Hội đồng Khoa học - Sáng kiến Thành phố

Hội đồng Khoa học, sáng kiến Thành phố do Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định thành lập và ban hành Quy chế hoạt động.

Điều 18. Tổ chức, bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng các đơn vị thuộc Thành phố

1. Phòng Tổ chức Cán bộ (Văn phòng hoặc phòng Tổ chức Hành chính) của các sở, ban, ngành Thành phố; phòng Nội vụ thuộc Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã là Cơ quan Thường trực của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng đơn vị. Trưởng các cơ quan Thường trực của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các đơn vị là Phó Chủ tịch Hội đồng.

2. Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã bố trí 01 cán bộ chuyên trách làm công tác thi đua, khen thưởng.

Phường, xã, thị trấn: bố trí cán bộ Văn phòng - Thống kê kiểm nhiệm làm công tác thi đua, khen thưởng.

3. Đối với các sở, ban, ngành, đơn vị thuộc Thành phố bố trí cán bộ kiêm nhiệm làm công tác thi đua, khen thưởng đảm bảo tính ổn định. Riêng ngành Giáo dục và Đào tạo; Y tế; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động Thương binh và Xã hội, Công thương: bố trí 01 cán bộ chuyên trách làm công tác thi đua, khen thưởng.

Chương VI

QUỸ THI ĐUA, KHEN THƯỞNG

Điều 19. Quỹ thi đua, khen thưởng

Nguồn và mức trích quỹ thi đua, khen thưởng, quản lý và sử dụng quỹ thi đua, khen thưởng được thực hiện theo Điều 94 Luật Thi đua, Khen thưởng; Điều 67, 68, 69 Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ; Quyết định số 21/2015/QĐ-UBND ngày 03/8/2015 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động Quỹ Thi đua, Khen thưởng thành phố Hà Nội.

Chương VII

QUYỀN, NGHĨA VỤ CỦA TẬP THỂ, CÁ NHÂN VỀ THI ĐUA, KHEN THƯỞNG

Điều 20. Các quyền lợi

Cá nhân được tặng danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cơ sở ”, “Chiến sỹ thi đua cấp Thành phố ”, danh hiệu ‘‘Chiến sỹ thi đua toàn quốc”, Bằng khen Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố, Bằng khen Thủ tướng Chính phủ, Huân chương, danh hiệu vinh dự Nhà nước, "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng Nhà nước", ngoài việc được khen thưởng theo quy định của Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ, được ưu tiên xét nâng bậc lương sớm trước thời hạn, ưu tiên cử đi nghiên cứu, học tập, công tác, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ ở trong nước và nước ngoài theo quy định của Bộ Nội vụ và của Thành phố.

Điều 21. Quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tập thể trong thi đua, khen thưởng

Thực hiện theo Luật Thi đua, Khen thưởng và Điều 78, 79 Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ.

Chương VIII

XỬ LÝ VI PHẠM VỀ THI ĐUA, KHEN THƯỞNG

Điều 22. Hành vi vi phạm và hình thức xử lý đối với tập thể, cá nhân được khen thưởng

Thực hiện theo Điều 80, Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ

Điều 23. Khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại tố cáo về thi đua, khen thưởng

Thực hiện theo Điều 82 và 83 Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ.

Điều 24. Hồ sơ tước, phục hồi danh hiệu, quyết định khen thưởng

1. Danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng của Nhà nước, của Ủy ban nhân dân Thành phố khi bị tước, gồm các hồ sơ sau:

a) Tờ trình của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã; Thủ trưởng sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, doanh nghiệp gửi Ủy ban nhân dân Thành phố (qua Ban Thi đua - Khen thưởng).

b) Báo cáo tóm tắt căn cứ, lý do đề nghị tước danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng.

2. Danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng của Nhà nước, của Ủy ban nhân dân Thành phố khi được phục hồi, gồm các hồ sơ sau:

a) Tờ trình của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã; thủ trưởng sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, doanh nghiệp gửi Ủy ban nhân dân Thành phố (qua Ban Thi đua - Khen thưởng).

b) Báo cáo tóm tắt căn cứ, lý do đề nghị phục hồi danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng.

Chương IX

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 25. Tổ chức thực hiện

1. Các sở, ban, ngành, đoàn thể, quận, huyện, thị xã, các cụm thi đua thuộc Thành phố có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc quy định này. Căn cứ Luật Thi đua, Khen thưởng, các văn bản hướng dẫn thi hành và quy định này để xây dựng quy định (quy chế) thi đua, khen thưởng cho phù hợp với đặc thù của cơ quan, đơn vị mình. Phát hiện, chủ động xét, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích đột xuất hoặc làm thủ tục đề nghị Ủy ban nhân dân Thành phố khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu.

2. Ban Thi đua - Khen thưởng, Sở Nội vụ có trách nhiệm:

a) Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các đơn vị trực thuộc Thành phố triển khai thực hiện nghiêm túc quy định này.

b) Thẩm định hồ sơ đề nghị khen thưởng của các đơn vị thuộc Thành phố, trình Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định khen thưởng hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng theo quy định.

c) Hằng năm ban hành hướng dẫn thực hiện quy định này về thời gian trình, số lượng đề nghị khen thưởng các danh hiệu thi đua, hình thực khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân.

d) Kịp thời phát hiện, thẩm định, đề xuất khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích đột xuất (theo thủ tục đơn giản).

3. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, khó khăn, các đơn vị phản ánh về Ủy ban nhân dân Thành phố (qua Ban Thí đua - Khen thưởng) để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố kịp thời xem xét, điều chỉnh./.

 

DANH MỤC

CÁC DANH HIỆU THI ĐUA ĐẶC THÙ THEO QUY ĐỊNH CỦA UBND THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 16/2017/QĐ-UBND ngày 17/4/2017 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội)

1. Danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú”: Thực hiện theo Quyết định 23/2010/QĐ-UBND, ngày 31/5/2010 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

2. Danh hiệu “Công dân danh dự Thủ đô Hà Nội”: Thực hiện theo Nghị quyết số 10/2013/NQ-HĐND ngày 17/7/2013 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội.

3. Danh hiệu “Vì sự nghiệp xây dựng Thủ đô”: Thực hiện theo Quyết định 22/2010/QĐ-UBND, ngày 31/5/2010 của UBND thành phố Hà Nội; Quyết định số 33/2014/QĐ-UBND ngày 14/8/2014 về sửa đổi Khoản 1, Điều 7, Quyết định 22/2010/QĐ-UBND ngày 31/5/2010 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

 4. Danh hiệu “Người tốt, việc tốt”: Thực hiện theo Quyết định 21/2010/QĐ-UBND ngày 31/5/2010 của UBND thành phố Hà Nội; Quyết định số 42/2013/QĐ-UBND ngày 09/10/2013 về sửa đổi Điều 5, Quyết định 21/2010/QĐ-UBND ngày 31/5/2010 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

5. Danh hiệu Thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn thành phố Hà Nội: Thực hiện theo Quyết định 13/2015/QĐ-UBND ngày 19/6/2015 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

6. Gắn biển công trình chào mừng các ngày lễ lớn trên địa bàn Thành phố: Thực hiện theo quy định tại Quyết định số 35/2015/QĐ-UBND ngày 03/12/2015 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

7. Bằng khen của Chủ tịch UBND Thành phố về thành tích đột xuất: Thực hiện theo Luật Thi đua, Khen thưởng và theo Quyết định số 40/2016/QĐ-UBND ngày 12/9/2016 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

8. Khen thưởng Doanh nghiệp, Doanh nhân: Thực hiện theo Quyết định số 02/2017/QĐ-UBND ngày 26/01/2017 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc ban hành Quy chế khen thưởng doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn thành phố Hà Nội.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 16/2017/QĐ-UBND Quy định về công tác thi đua, khen thưởng trên địa bàn thành phố Hà Nội

  • Số hiệu: 16/2017/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 17/04/2017
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Nguyễn Đức Chung
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản