Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 16/2014/QĐ-UBND | Nam Định, ngày 05 tháng 09 năm 2014 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NAM ĐỊNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Đê điều được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2006;
Căn cứ Luật xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 ngày 20/6/2012;
Căn cứ Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi;
Căn cứ các Nghị định của Chính phủ: số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; số 113/2007/NĐ-CP ngày 28/6/2007 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đê điều; số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành xử lý vi phạm hành chính; số 139/2013/NĐ-CP ngày 22/10/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, phòng chống lụt bão;
Căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ công tác giải tỏa vi phạm công trình đê điều, thủy lợi tỉnh Nam Định;
Xét đề nghị tại các văn bản: số 83/BC-STP ngày 15/7/2014 của Sở Tư pháp; số 149/TTr-SNN ngày 15/7/2014 của Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn về việc ban hành Quy chế phối hợp giữa các ngành, các cấp trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm công trình đê điều, thủy lợi trên địa bàn tỉnh Nam Định,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp giữa các ngành, các cấp trong công tác phòng ngừa xử lý vi phạm công trình đê điều, thủy lợi trên địa bàn tỉnh Nam Định.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành của tỉnh; Chủ tịch các Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi, các tổ chức và cá nhân có liên quan trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
PHỐI HỢP GIỮA CÁC NGÀNH, CÁC CẤP TRONG CÔNG TÁC PHÒNG NGỪA, XỬ LÝ VI PHẠM CÔNG TRÌNH ĐÊ ĐIỀU, THỦY LỢI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NAM ĐỊNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 16/2014/QĐ-UBND ngày 05 tháng 9 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định)
Quy chế này quy định nguyên tắc phối hợp hoạt động trong các công tác tuyên truyền, phòng ngừa vi phạm, kiểm tra phát hiện vi phạm, xử lý vi phạm, tổ chức cưỡng chế, khắc phục hậu quả vi phạm, đôn đốc giám sát xử lý vi phạm, rà soát tổng hợp, báo cáo các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều, pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh.
Quy chế này áp dụng cho Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã, các sở, ban, ngành và các đơn vị có liên quan, để nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý đê điều, công trình thủy lợi trên địa bàn, xác định rõ trách nhiệm, khắc phục tình trạng né tránh trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cá nhân có thẩm quyền, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; xử lý có hiệu quả các trường hợp vi phạm đê điều, công trình thủy lợi.
Các công trình đê điều, phòng chống lụt bão được quy định cụ thể trong Luật Đê điều, Luật phòng, chống thiên tai; công trình thủy lợi (bao gồm: công trình đầu mối và công trình nội đồng) được quy định cụ thể trong Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.
Phối hợp đồng bộ từ cơ sở xã, phường, thị trấn với các Hạt Quản lý đê, các cụm Thủy nông, các phòng ban chức năng của các huyện, các Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi, Chi cục Quản lý đê điều & phòng chống lụt bão, Chi cục Thủy lợi và sự phối hợp giữa Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các ngành có liên quan trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm công trình đê điều, công trình thủy lợi trên địa bàn.
Việc phối hợp đảm bảo đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Ủy ban nhân dân các cấp, các sở, ngành, đơn vị trong công tác phòng ngừa, kiểm tra, phát hiện và xử lý các vi phạm về đê điều, công trình thủy lợi trên địa bàn. Bảo đảm mọi hành vi vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật.
Các hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả được quy định cụ thể trong Chương II, Chương III, Chương IV Nghị định số 139/2013/NĐ-CP ngày 22/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, phòng chống lụt bão.
Điều 4. Phối hợp trong công tác tuyên truyền, phòng ngừa vi phạm.
1. Đối với các công trình đê điều phòng chống lụt bão
a) Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn: Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện, thành phố và các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đê điều; dự trù kinh phí cho công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đê điều; giao Chi cục Quản lý đê điều & Phòng chống lụt bão chỉ đạo các Hạt Quản lý đê:
- Hướng dẫn công tác chuyên môn, nghiệp vụ và tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đê điều ở xã, phường, thị trấn thuộc địa bàn quản lý.
- Phối hợp cung cấp tin, bài liên quan đến vi phạm và xử lý vi phạm pháp luật về đê điều để Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn phát trên đài truyền thanh.
b) Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đê điều trên địa bàn, Chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn:
- Phối hợp với các cơ quan tuyên truyền, cơ quan quản lý đê điều; Chỉ đạo các ngành, đoàn thể của địa phương, để thông tin, tuyên truyền, phổ biến các văn bản, quy định của pháp luật về đê điều tới từng thôn, xóm, nhất là các hộ dân ven đê.
- Định kỳ phát các tin, bài về tình hình quản lý và kịp thời thông báo về tình hình vi phạm, vụ việc vi phạm và công tác xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên đài phát thanh, truyền thanh của xã, phường, thị trấn.
2. Đối với các công trình thủy lợi.
a) Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn: Chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện, thành phố và các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; dự trù kinh phí cho công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; giao các Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi:
- Chủ trì phối hợp với Chi cục Thủy lợi, Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn chuẩn bị tài liệu, tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.
- Hướng dẫn công tác chuyên môn, nghiệp vụ và tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi ở xã, phường, thị trấn thuộc địa bàn quản lý.
- Phối hợp cung cấp các tin, bài, tài liệu liên quan đến vi phạm và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi để Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn phát trên đài phát thanh, truyền thanh.
b) Ủy ban nhân dân huyện, thành phố: Chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn:
- Phối hợp với các cơ quan chuyên môn, cơ quan tuyên truyền và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi để thông tin, tuyên truyền, phổ biến các văn bản, quy định của pháp luật về quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.
- Định kỳ phát các tin, bài về tình hình quản lý và kịp thời thông báo tình hình vi phạm, vụ việc vi phạm và công tác xử lý vi phạm pháp luật về quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên đài phát thanh, truyền thanh của xã, phường, thị trấn.
c) Các ngành có liên quan, như: Xây dựng, Công an, Giao thông, Điện lực, Viễn thông, Nước sạch,... tham gia phối hợp tuyên truyền để thực hiện theo quy định về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.
Điều 5. Phối hợp trong công tác kiểm tra, phát hiện hành vi vi phạm.
1. Đối với các công trình đê điều phòng chống lụt bão
a) Chi cục Quản lý đê điều & Phòng chống lụt bão thường xuyên chỉ đạo Hạt Quản lý đê chủ trì thực hiện việc kiểm tra, phát hiện kịp thời ngay từ khi mới phát sinh các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều và công trình phòng chống lụt bão. Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về đê điều trong phạm vi được phân công phụ trách, công chức, viên chức Hạt Quản lý đê thông báo kịp thời cho chính quyền địa phương và chủ trì phối hợp với các lực lượng chức năng của xã, phường, thị trấn tiến hành lập biên bản vi phạm và yêu cầu đình chỉ vi phạm, khôi phục lại hiện trạng ban đầu, chậm nhất trong thời hạn 24 giờ phải chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn sở tại quyết định xử lý hoặc để Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố quyết định xử lý theo thẩm quyền.
b) Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn chỉ đạo lực lượng chức năng thuộc quyền quản lý chủ động và phối hợp chặt chẽ với Hạt Quản lý đê trong việc kiểm tra, phát hiện và lập biên bản vi phạm pháp luật về đê điều và công trình phòng chống lụt bão tại hiện trường để xử lý kịp thời, khôi phục lại hiện trạng ban đầu ngay từ khi vụ việc mới phát sinh.
2. Đối với các công trình thủy lợi
a) Các Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi thường xuyên chỉ đạo Cụm Thủy nông (các trạm bơm lớn của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi Bắc Nam Hà gọi tắt là Trạm) chủ trì thực hiện việc kiểm tra, phát hiện kịp thời ngay từ khi mới phát sinh các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, công chức, viên chức được phân công phụ trách, chủ trì phối hợp với chính quyền, lực lượng chức năng của xã, phường, thị trấn tiến hành lập biên bản vi phạm, chậm nhất trong thời hạn 24 giờ phải chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn sở tại quyết định xử lý hoặc để báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố quyết định xử lý theo thẩm quyền.
b) Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn chỉ đạo lực lượng chức năng thuộc quyền quản lý phối hợp chặt chẽ với Cụm Thủy nông (Trạm) trong việc kiểm tra, phát hiện và lập biên bản vi phạm pháp luật về quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, để xử lý kịp thời, khôi phục lại hiện trạng ban đầu ngay từ khi vụ việc mới phát sinh.
Điều 6. Phối hợp trong công tác xử lý vi phạm.
1. Đối với các công trình đê điều phòng chống lụt bão
a) Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn: Khi nhận được hồ sơ vi phạm do Hạt Quản lý đê chuyển đến, chậm nhất trong thời hạn 24 giờ, bằng các biện pháp tiến hành xử lý kịp thời, khôi phục lại hiện trạng ban đầu, không để các hành vi vi phạm tiếp diễn, nếu đối tượng không chấp hành phải tiến hành các trình tự, thủ tục quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo đúng quy định của pháp luật; trường hợp vượt quá thẩm quyền, lập hồ sơ báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố quyết định xử lý theo thẩm quyền.
b) Ủy ban nhân dân huyện, thành phố: Chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, cơ quan công an và các lực lượng chức năng thuộc huyện, thành phố phối hợp, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều theo đúng thẩm quyền, theo quy định của pháp luật.
- Khi nhận được hồ sơ vụ việc vi phạm và đề nghị xử lý vi phạm của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, chậm nhất trong thời hạn 24 giờ phải tiến hành trình tự, thủ tục quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo đúng quy định của pháp luật.
- Trong trường hợp Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn không có báo cáo nhưng nhận được báo cáo của cơ quan quản lý đê điều thì Ủy ban nhân dân huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện, thành phố phối hợp với cơ quan quản lý đê điều tiến hành kiểm tra, xác minh ngay để chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn xử lý hoặc lập hồ sơ báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố quyết định xử lý theo thẩm quyền.
- Trường hợp phức tạp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố chủ trì, tổ chức họp liên ngành để phối hợp xử lý.
c) Chi cục Quản lý đê điều & Phòng chống lụt bão: Kiểm tra, xác minh, phân loại các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều, chỉ đạo lập hồ sơ, văn bản kiến nghị chính quyền huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Chỉ đạo Hạt Quản lý đê phối hợp với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trong việc kiểm tra, lập hồ sơ vi phạm; xác định hình thức xử lý và mức xử phạt để báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định xử lý theo quy định của pháp luật.
2. Đối với các công trình thủy lợi
a) Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn: Khi nhận được hồ sơ vi phạm do Cụm Thủy nông (Trạm) chuyển đến, chậm nhất trong thời hạn 24 giờ bằng các biện pháp tiến hành xử lý kịp thời, khôi phục lại hiện trạng ban đầu, không để các hành vi vi phạm tiếp diễn, nếu đối tượng không chấp hành phải tiến hành các trình tự, thủ tục quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo đúng quy định của pháp luật; trường hợp vượt quá thẩm quyền, lập hồ sơ, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố quyết định xử lý theo thẩm quyền.
b) Ủy ban nhân dân huyện, thành phố: Chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, cơ quan công an và các lực lượng chức năng thuộc huyện, thành phố phối hợp xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi theo đúng thẩm quyền, theo quy định của pháp luật.
- Khi nhận được hồ sơ vụ việc vi phạm và đề nghị xử lý vi phạm của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, chậm nhất trong thời hạn 24 giờ phải tiến hành trình tự, thủ tục quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo đúng quy định của pháp luật.
- Trong trường hợp Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn không báo cáo nhưng nhận được báo cáo của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố chỉ đạo cơ quan chức năng của huyện, thành phố kiểm tra, xác minh ngay và tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố xử lý hoặc chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn xử lý theo thẩm quyền.
- Trường hợp phức tạp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố chủ trì, tổ chức họp liên ngành để phối hợp xử lý.
c) Các Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi: Kiểm tra, xác minh, phân loại các trường hợp vi phạm pháp luật về quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, chỉ đạo lập hồ sơ, văn bản kiến nghị chính quyền huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Chỉ đạo các Cụm Thủy nông (Trạm) phối hợp với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trong việc kiểm tra, lập hồ sơ vi phạm; xác định cụ thể hình thức xử lý, mức xử phạt vi phạm để báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 7. Phối hợp tổ chức cưỡng chế, khắc phục hậu quả.
1. Đối với các công trình đê điều phòng chống lụt bão
a) Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã: Căn cứ Thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, quy định tại Điều 23 - Nghị định số 139/2013/NĐ-CP ngày 22/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, phòng chống lụt bão, để ra các quyết định phạt cảnh cáo, phạt tiền, tịch thu tang vật vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
b) Ủy ban nhân dân cấp huyện: Chủ trì tổ chức cưỡng chế việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính khi các đối tượng vi phạm pháp luật về đê điều không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và các đơn vị liên quan thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện: Xây dựng kế hoạch, tổ chức lực lượng cưỡng chế giải tỏa vi phạm theo đúng thẩm quyền và đảm bảo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật.
c) Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn: Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc tổ chức cưỡng chế giải tỏa các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều thuộc thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của chính quyền cấp huyện.
Chỉ đạo Chi cục Quản lý đê điều & Phòng chống lụt bão giao Hạt Quản lý đê:
- Phối hợp với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trong việc xây dựng kế hoạch cưỡng chế giải tỏa vi phạm.
- Xác định mốc giới bảo vệ công trình đê điều, thoát lũ; phạm vi công trình vi phạm; vấn đề về kỹ thuật liên quan đến an toàn công trình đê điều, thoát lũ.
d) Công an Tỉnh chỉ đạo các phòng nghiệp vụ trực thuộc và Công an huyện, thành phố theo chức năng nhiệm vụ, có trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn trong quá trình thi hành quyết định cưỡng chế của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền.
2. Đối với các công trình thủy lợi
a) Ủy ban nhân dân cấp xã: Căn cứ thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quy định tại Điều 23 Nghị định số 139/2013/NĐ-CP ngày 22/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, phòng chống lụt bão, để ra các quyết định phạt cảnh cáo, phạt tiền, tịch thu tang vật vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
b) Ủy ban nhân dân cấp huyện: Chủ trì phối hợp tổ chức cưỡng chế việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính khi các đối tượng vi phạm pháp luật về quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và các đơn vị liên quan thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện: Xây dựng kế hoạch, tổ chức lực lượng cưỡng chế giải tỏa vi phạm theo đúng thẩm quyền và đảm bảo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật.
c) Các Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi: Phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện, thành phố trong việc tổ chức cưỡng chế giải tỏa các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi thuộc thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của chính quyền huyện, thành phố.
Chỉ đạo các Cụm Thủy nông (Trạm) hoàn chỉnh hồ sơ vi phạm, xác định mốc giới bảo vệ công trình thủy lợi làm cơ sở cho việc giải tỏa vi phạm; phối hợp với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trong việc xây dựng kế hoạch cưỡng chế giải tỏa vi phạm; giải tỏa ngay các vi phạm trong lòng kênh, như: đăng đó, trà vó,...
d) Công an Tỉnh chỉ đạo các phòng nghiệp vụ trực thuộc và Công an huyện, thành phố theo chức năng nhiệm vụ, có trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn trong quá trình thi hành quyết định cưỡng chế của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền.
Điều 8. Phối hợp trong việc đôn đốc, giám sát xử lý vi phạm.
1. Đối với các công trình đê điều phòng chống lụt bão
a) Kiểm soát viên đê điều được giao trực tiếp quản lý tuyến đê: Thực hiện giám sát quá trình xử lý và thực hiện quyết định xử lý vi phạm theo quyết định của cấp có thẩm quyền; trường hợp hành vi vi phạm vẫn tiếp diễn mà chưa xử lý hoặc quá thời hạn quy định mà chưa thực hiện quyết định xử lý, phải tiếp tục báo cáo và đề xuất biện pháp xử lý tiếp theo với Hạt trưởng Hạt Quản lý đê.
b) Hạt trưởng Hạt Quản lý đê: Trường hợp hành vi vi phạm vẫn tiếp diễn mà chưa xử lý hoặc quá thời hạn quy định mà chưa thực hiện quyết định xử lý, trong thời hạn hai (02) ngày làm việc, phải có văn bản báo cáo và kiến nghị biện pháp xử lý với Ủy ban nhân dân huyện, thành phố và tổng hợp hồ sơ, báo cáo Chi cục Quản lý đê điều & Phòng chống lụt bão.
c) Chi cục Quản lý đê điều & Phòng chống lụt bão: Sau khi nhận được báo cáo của Hạt Quản lý đê, trong thời hạn hai (02) ngày làm việc, phải kiểm tra hiện trường, có văn bản kiến nghị, báo cáo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn; đề xuất biện pháp xử lý với Ủy ban nhân dân huyện, thành phố.
- Tổ chức làm việc với chính quyền các địa phương về tình hình vi phạm và kiến nghị xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn.
- Trường hợp vi phạm vẫn tiếp diễn mà chưa xử lý hoặc quá thời hạn xử lý theo quy định mà chưa thực hiện quyết định xử lý, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm pháp luật, có báo cáo đề xuất xử lý với Ủy ban nhân dân cấp huyện và báo cáo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn có kiến nghị kịp thời với Ủy ban nhân dân huyện, thành phố và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Cục Quản lý đê điều & Phòng chống lụt bão và các cơ quan bảo vệ pháp luật.
d) Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn:
- Có văn bản kiến nghị kịp thời với Ủy ban nhân dân huyện, thành phố quyết định xử lý đối với trường hợp tiếp tục vi phạm mà chưa xử lý hoặc quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với trường hợp hết thời hạn mà chưa thực hiện quyết định xử lý.
- Chỉ đạo Chi cục Quản lý đê điều & Phòng chống lụt bão thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc xử lý và thực hiện quyết định xử lý.
e) Công an tỉnh chỉ đạo điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật đối với các vụ việc vi phạm pháp luật về đê điều gây hậu quả nghiêm trọng và những trường hợp đã có quyết định xử lý nhưng cố tình tiếp tục vi phạm.
2. Đối với các công trình thủy lợi
a) Các Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi chỉ đạo cán bộ, nhân viên thực hiện giám sát quá trình xử lý vi phạm theo quyết định của cấp có thẩm quyền; trường hợp vi phạm vẫn tiếp diễn mà chưa xử lý hoặc quá thời hạn quy định mà chưa thực hiện quyết định xử lý thì Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi phải có văn bản báo cáo Ủy ban nhân dân huyện, thành phố và tổng hợp hồ sơ báo cáo Chi cục Thủy lợi, Thanh tra Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn.
b.)Chi cục Thủy lợi: Sau khi nhận được báo cáo của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi, trong thời hạn hai (02) ngày làm việc phải kiểm tra hiện trường, có văn bản kiến nghị, báo cáo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn; đề xuất biện pháp xử lý với Ủy ban nhân dân huyện, thành phố.
- Tổ chức làm việc với chính quyền các địa phương, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi về tình hình vi phạm và kiến nghị xử lý vi phạm pháp luật về quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn.
- Trường hợp vi phạm vẫn tiếp diễn mà chưa xử lý hoặc quá thời hạn xử lý theo quy định mà chưa thực hiện quyết định xử lý, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm pháp luật, có báo cáo đề xuất xử lý với Ủy ban nhân dân cấp huyện và báo cáo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn có kiến nghị kịp thời với Ủy ban nhân dân huyện, thành phố và báo cáo với Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan bảo vệ pháp luật.
c) Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn:
- Có văn bản kiến nghị kịp thời với Ủy ban nhân dân huyện, thành phố quyết định xử lý đối với trường hợp tiếp tục vi phạm mà chưa xử lý hoặc quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với trường hợp hết thời hạn mà chưa thực hiện quyết định xử lý.
- Chỉ đạo Chi cục Thủy lợi phối hợp với các Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi thường xuyên kiểm tra đôn đốc việc xử lý, thực hiện quyết định xử lý vi phạm.
d) Công an tỉnh chỉ đạo điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật đối với các vụ việc vi phạm pháp luật về quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi gây hậu quả nghiêm trọng và những trường hợp đã có quyết định xử lý nhưng cố tình tiếp tục vi phạm.
Điều 9. Phối hợp trong công tác rà soát, tổng hợp, báo cáo vi phạm.
1. Đối với các công trình đê điều phòng chống lụt bão
a) Hạt Quản lý đê: Tổng hợp, báo cáo tình hình vi phạm pháp luật về đê điều xảy ra trên địa bàn quản lý về Chi cục Quản lý đê điều & Phòng chống lụt bão, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố định kỳ hàng tháng, quý, năm và đột xuất khi có yêu cầu.
Hàng quý, chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn rà soát, phân loại, thống nhất số liệu vi phạm, kiến nghị xử lý cụ thể đối với từng trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều còn tồn đọng trên địa bàn quản lý.
b) Chi cục Quản lý đê điều & Phòng chống lụt bão: Định kỳ hàng tháng, quý, năm tổng hợp về tình hình vi phạm và xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn tỉnh, báo cáo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn để Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Tổng cục Thủy lợi.
2. Đối với các công trình thủy lợi
a) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, thường xuyên tổng hợp hành vi vi phạm pháp luật về quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn quản lý; hàng quý, chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn rà soát, phân loại, thống kê số liệu vi phạm, kiến nghị xử lý cụ thể đối với từng trường hợp vi phạm pháp luật về quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn quản lý.
b) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi: Định kỳ hàng tháng, quý, năm tổng hợp về tình hình vi phạm và xử lý vi phạm pháp lệnh khai thác bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh, báo cáo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (qua Chi cục Thủy lợi), Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố để Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Tổng cục Thủy lợi.
Điều 10. Khen thưởng và xử lý vi phạm.
Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn có trách nhiệm đề xuất, hướng dẫn về công tác khen thưởng cho tập thể và cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong quá trình thực hiện Quy chế này, tổng hợp trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định. Hàng năm, căn cứ kết quả thực hiện các quy định của Quy chế này để đánh giá, xếp loại và bình xét thi đua khen thưởng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan.
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức không thực hiện nghiêm túc quy chế này để xảy ra vi phạm về đê điều, công trình thủy lợi trên địa bàn mà không phát hiện xử lý kịp thời, để xảy ra vụ việc không xử lý dứt điểm hoặc bao che, dung túng cho việc vi phạm, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật theo quy định về trách nhiệm của người đứng đầu.
Công chức, viên chức được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý, vi phạm các quy định về quản lý đê điều, công trình thủy lợi và vi phạm các quy định tại Quy chế này thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý trách nhiệm của người trực tiếp quản lý, theo quy định.
Điều 11. Trách nhiệm thi hành.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh: Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn; Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành của tỉnh, các Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quy chế này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị có liên quan kịp thời phản ánh về Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo giải quyết./.
- 1Quyết định 2555/QĐ-UBND năm 2009 về Kế hoạch xử lý, giải tỏa các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều và công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
- 2Chỉ thị 16/CT-UBND năm 2011 về tăng cường xử lý vi phạm pháp luật đê điều và quản lý khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát sỏi gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều trên địa bàn thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng ban hành
- 3Quyết định 14/2014/QĐ-UBND năm 2014 về Quy chế phối hợp trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn Hà Nội
- 4Quyết định 2619/QĐ-UBND năm 2014 Kế hoạch thực hiện Quyết định 794/QĐ-BNN-TCTL Đề án “Tái cơ cấu ngành Thủy lợi” trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa
- 5Chỉ thị 05/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2016 do tỉnh Nam Định ban hành
- 1Luật Đê điều 2006
- 2Nghị định 113/2007/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Đê điều
- 3Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi năm 2001
- 4Nghị định 143/2003/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi
- 5Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 6Quyết định 2555/QĐ-UBND năm 2009 về Kế hoạch xử lý, giải tỏa các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều và công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
- 7Chỉ thị 16/CT-UBND năm 2011 về tăng cường xử lý vi phạm pháp luật đê điều và quản lý khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát sỏi gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều trên địa bàn thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng ban hành
- 8Luật xử lý vi phạm hành chính 2012
- 9Luật phòng, chống thiên tai năm 2013
- 10Nghị định 81/2013/NĐ-CP hướng dẫn và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính
- 11Nghị định 139/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều; phòng, chống lụt, bão
- 12Quyết định 14/2014/QĐ-UBND năm 2014 về Quy chế phối hợp trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn Hà Nội
- 13Quyết định 2619/QĐ-UBND năm 2014 Kế hoạch thực hiện Quyết định 794/QĐ-BNN-TCTL Đề án “Tái cơ cấu ngành Thủy lợi” trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa
- 14Chỉ thị 05/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2016 do tỉnh Nam Định ban hành
Quyết định 16/2014/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp giữa các ngành, các cấp trong công tác phòng ngừa xử lý vi phạm công trình đê điều, thủy lợi trên địa bàn tỉnh Nam Định
- Số hiệu: 16/2014/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 05/09/2014
- Nơi ban hành: Tỉnh Nam Định
- Người ký: Đoàn Hồng Phong
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra