Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 16/2008/QĐ-UBND | Tân An, ngày 11 tháng 4 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH THỰC HIỆN CƠ CHẾ MỘT CỬA, CƠ CHẾ MỘT CỬA LIÊN THÔNG TẠI CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LONG AN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg ngày 22/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy định thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại công văn số 126/SNV-CCHC ngày 31/3/2008,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Điều 2. Giao Giám đốc Sở Nội vụ phối hợp các ngành chức năng và UBND các huyện, thị xã triển khai thực hiện Quyết định này.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Thủ trưởng các Sở, Ban ngành tỉnh và Chủ tịch UBND huyện-thị xã thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Quyết định này thay thế Quyết định số 453/2004/QĐ-UB, Quyết định số 454/2004/QĐ-UB, Quyết định số 455/2004/QĐ-UB ngày 18/02/2004 của UBND tỉnh về việc áp dụng cơ chế một cửa tại các Sở ngành, UBND huyện, thị xã và Quyết định số 311/2005/QĐ-UB, Quyết định số 312/2005/QĐ ngày 25/01/2005 của UBND tỉnh về việc áp dụng cơ chế một cửa tại UBND các xã, phường, thị trấn./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
QUY ĐỊNH
THỰC HIỆN CƠ CHẾ MỘT CỬA, CƠ CHẾ MỘT CỬA LIÊN THÔNG TẠI CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 16/2008/QĐ-UBND ngày 11/4/2008 của UBND tỉnh)
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông
1. Cơ chế một cửa là cơ chế giải quyết công việc tổ chức, cá nhân, bao gồm cả tổ chức, cá nhân nước ngoài (sau đây gọi là tổ chức, cá nhân) thuộc trách nhiệm thẩm quyền của một cơ quan hành chính nhà nước, từ hướng dẫn, tiếp nhận giấy tờ, hồ sơ, giải quyết đến trả kết quả được thực hiện tại một đầu mối là bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của cơ quan hành chính nhà nước.
2. Cơ chế một cửa liên thông là cơ chế giải quyết công việc của tổ chức, cá nhân thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của nhiều cơ quan hành chính nhà nước cùng cấp hoặc giữa các cấp hành chính từ hướng dẫn, tiếp nhận giấy tờ, hồ sơ, giải quyết đến trả kết quả được thực hiện tại một đầu mối là bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của một cơ quan hành chính nhà nước.
Điều 2. Các nguyên tắc thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông
1. Thủ tục hành chính đơn giản, rõ ràng, đúng pháp luật.
2. Công khai thủ tục hành chính, giấy tờ, hồ sơ, thẩm quyền giải quyết, mức thu phí, lệ phí và thời gian giải quyết công việc của tổ chức, cá nhân.
3. Nhận yêu cầu giải quyết công việc, hướng dẫn cung cấp các loại biểu mẫu, đơn từ, tờ khai hành chính và trả kết quả, thu phí, lệ phí về thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.
4. Bảo đảm sự phối hợp giải quyết công việc giữa các bộ phận, các cơ quan hành chính nhà nước để giải quyết công việc của tổ chức, cá nhân được nhanh chóng, thuận tiện; việc luân chuyển giấy tờ, hồ sơ để giải quyết công việc là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước.
5. Hướng dẫn thủ tục hành chính một lần và hẹn trả kết quả một lần. Trong trường hợp có sai sót hoặc trễ hẹn thì cơ quan tiếp nhận công việc phải thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do và chịu trách nhiệm về tính chính xác, minh bạch về thông báo của mình.
6. Thời hạn giải quyết không vượt quá thời hạn tối đa theo quy định của nhà nước đối với từng loại thủ tục hành chính.
Điều 3. Cơ quan thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông
1. Cơ chế một cửa được áp dụng đối với các cơ quan sau:
a) Văn phòng UBND, các Sở và các cơ quan tương đương (sau đây gọi là cơ quan chuyên môn cấp tỉnh) thuộc UBND tỉnh;
b) UBND các huyện, thị xã (sau đây gọi là UBND cấp huyện);
c) UBND xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là UBND cấp xã);
d) Các cơ quan cấp tỉnh được tổ chức và quản lý theo hệ thống dọc đặt tại địa phương của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ gồm: Cục thuế tỉnh, Cục Hải quan Long An, Kho bạc Nhà nước, Công an tỉnh.
2. Cơ chế một cửa liên thông được áp dụng đối với các cơ quan nêu tại khoản 1, Điều 3 và thực hiện liên thông giải quyết các công việc nêu tại Điều 5 của Quy định này.
Chương 2:
CÁC CÔNG VIỆC THỰC HIỆN THEO CƠ CHẾ MỘT CỬA, CƠ CHẾ MỘT CỬA LIÊN THÔNG
Điều 4. Các công việc thực hiện theo cơ chế một cửa
1. Đối với các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và các cơ quan cấp tỉnh được tổ chức và quản lý theo hệ thống dọc: các công việc liên quan trực tiếp đến công việc của tổ chức, cá nhân thuộc trách nhiệm, thẩm quyền giải quyết của cơ quan từ hướng dẫn, tiếp nhận giấy tờ, hồ sơ, giải quyết đến trả kết quả.
Cục thuế tỉnh, Cục Hải quan Long An, Công an tỉnh, Kho bạc Nhà nước tỉnh xem xét trách nhiệm, thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết công việc của các đơn vị trực thuộc để hướng dẫn thực hiện cơ chế một cửa trong phạm vi phân cấp của ngành.
2. Đối với UBND cấp huyện:
a) Quản lý và thực hiện các quyền về sử dụng đất;
b). Chứng nhận về quyền sở hữu nhà ở, đất ở đối với hộ gia đình cá nhân;
c) Đăng ký cam kết bảo vệ môi trường;
d) Chính sách lao động, thương binh và xã hội;
đ) Cấp phép xây dựng nhà ở;
e) Đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã;
g) Hộ tịch;
h) Cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký theo quy định của Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 của Chính phủ;
i) Xác nhận các loại giấy tờ theo quy định của pháp luật.
3. Đối với UBND cấp xã:
a) Hộ tịch;
b) Cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký theo quy định của Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 của Chính phủ;
c) Chứng thực các hợp đồng giao dịch, các văn bản thực hiện quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật;
d) Đăng ký, xoá đăng ký thế chấp; đăng ký thay đổi, bổ sung nội dung thế chấp về quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;
đ) Cấp phép xây dựng nhà ở theo phân cấp của UBND cấp huyện;
e) Các loại thủ tục về đăng ký và quản lý hộ khẩu;
g) Chính sách lao động, thương binh và xã hội;
h) Xác nhận các loại giấy tờ theo quy định của pháp luật.
Điều 5. Các công việc và cơ quan đầu mối thực hiện cơ chế một cửa liên thông
1. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Đăng ký kinh doanh, đăng ký và cấp giấy chứng nhận đầu tư, cấp mã số thuế, giấy phép khắc dấu và khắc dấu đối với doanh nghiệp;
- Thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngân sách nhà nước thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh hoặc ủy quyền của UBND tỉnh cho Sở Kế hoạch và Đầu tư.
2. Trung tâm Xúc tiến và Tư vấn Đầu tư:
- Thủ tục xin chủ trương tiếp nhận dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
3. Ban Quản lý các khu Công nghiệp:
- Tiếp nhận dự án đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư trong khu công nghiệp của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
4. Sở Xây dựng:
- Cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, quyền sở hữu nhà ở đối với tổ chức.
5. Sở Công thương:
- Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu, khí đốt hoá lỏng.
-Thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật các dự án đầu tư xây dựng công trình thuộc lĩnh vực công nghiệp;
- Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn nạp khí dầu mỏ hoá lỏng vào chai.
6. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch:
- Cấp phép thực hiện quảng cáo ngoài trời.
7. Sở Tư pháp:
- Hộ tịch;
- Quốc tịch;
- Lý lịch Tư pháp;
- Bán đấu giá tài sản.
8. Sở Lao động Thương binh và xã hội:
- Các công việc thực hiện chính sách thương binh, liệt sĩ và người có công cách mạng;
- Thành lập Trung tâm dạy nghề, Trường trung cấp nghề, Trường cao đẳng nghề.
9. UBND các huyện, thị xã:
- Các công việc thực hiện chính sách thương binh, liệt sĩ và người có công cách mạng;
- Thẩm định, phê duyệt và cấp phép xây dựng công trình theo phân cấp thuộc thẩm quyền của UBND huyện, thị xã;
- Thực hiện các nghĩa vụ tài chính trong giải quyết các loại thủ tục hành chính về đất đai, qưyền sở hữu nhà ở, đất ở;
- Đăng ký kinh doanh hộ cá thể, hợp tác xã đối với các ngành, nghề kinh doanh, dịch vụ có điều kiện ở tất cả các lĩnh vực.
10. UBND xã, phường, thị trấn:
- Các công việc về quyền sử dụng đất đai của hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư mà pháp luật quy định tiếp nhận và trả kết quả giải quyết tại UBND cấp xã;
- Trích lục bản đồ địa chính; trích đo địa chính;
- Các công việc thực hiện chính sách thương binh, liệt sĩ và người có công với nước;
- Các công việc về đăng ký và quản lý hộ khẩu trên địa bàn thị xã Tân An.
Chương 3:
TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG CỦA BỘ PHẬN TIẾP NHẬN VÀ TRẢ KẾT QUẢ.
Điều 6. Tên gọi của tổ chức đầu mối tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính
Tổ chức làm đầu mối tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông của các cơ quan nêu tại Điều 3 của quy định nầy thống nhất tên gọi là Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.
Điều 7. Vị trí của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả
1. Đối với cơ chế một cửa:
Thực hiện theo quy định tại khoản 1, Điều 8 của Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông ban hành theo Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg ngày 22/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ.
2. Đối với cơ chế một cửa liên thông:
Là Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, UBND huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn nêu tại Điều 5 của quy định nầy.
Điều 8. Tổ chức và hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả
Việc bố trí, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thực hiện theo quy định tại Điều 9, 10 và 11 của Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông ban hành theo Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg ngày 22/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ.
Chương 4:
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 9. Trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cơ quan cấp tỉnh được tổ chức và quản lý theo hệ thống dọc, Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp xã
1. Thực hiện các quy định tại Điều 6 của Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông ban hành theo Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg ngày 22/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ.
2. Thủ trưởng cơ quan chuyên môn cấp tỉnh làm đầu mối giải quyết công việc theo cơ chế một cửa liên thông chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan, UBND cấp huyện trình UBND tỉnh ban hành quy trình liên thông giữa các cơ quan cùng cấp, giữa các cấp hành chính trong tỉnh; đồng thời hướng dẫn thống nhất thực hiện thủ tục tiếp nhận, hẹn trả kết quả, luân chuyển hồ sơ, giấy tờ, theo dõi, nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính, niêm yết công khai thủ tục hành chính của từng loại công việc. Chủ tịch UBND cấp huyện ban hành quy trình liên thông giải quyết công việc từ cấp xã đến cấp huyện thuộc phạm vi trách nhiệm thẩm quyền của UBND cấp huyện.
3. Giám đốc Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh quy định thống nhất việc quản lý cán bộ, công chức làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; đồng thời thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông theo Quy định này.
4. Giám đốc Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh quyết định mức thu phí, lệ phí về thủ tục hành chính có trong danh mục thuộc thẩm quyền được phép ban hành của HĐND cấp tỉnh; tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thống nhất việc tổ chức thu, quản lý, sử dụng phí, lệ phí và hướng dẫn việc lập kinh phí hàng năm; quyết định mức phụ cấp, chế độ công tác phí đối với cán bộ, công chức làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả phù hợp với quy định của Bộ Tài chính.
5. Báo Long An, Đài Phát thanh và Truyền hình Long An căn cứ chức năng, nhiệm vụ có kế hoạch tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân biết về hoạt động của cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính nhà nước trong tỉnh và tổ chức, hướng dẫn Đài Truyền thanh huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn thực hiện tốt việc thông tin tuyên truyền.
6. Thủ trưởng cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cơ quan cấp tỉnh được tổ chức và quản lý theo hệ thống dọc, Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp xã tổ chức thực hiện Quy định này. Hàng năm tổng kết, đánh giá việc thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông và báo cáo UBND tỉnh (đồng gửi Sở Nội vụ) để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.
- 1Quyết định 647/QĐ-UBND năm 2008 quy định lĩnh vực thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính nhà nước do thành phố Cần Thơ ban hành
- 2Quyết định 54/2013/QĐ-UBND về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Long An
- 1Quyết định 07/2011/QĐ-UBND sửa đổi Quyết định 16/2008/QĐ-UBND quy định thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh do Ủy ban nhân dân tỉnh Long An ban hành
- 2Quyết định 54/2013/QĐ-UBND về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Long An
- 1Nghị định 79/2007/NĐ-CP về việc cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký
- 2Quyết định 93/2007/QĐ-TTg Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành
- 3Quyết định 647/QĐ-UBND năm 2008 quy định lĩnh vực thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính nhà nước do thành phố Cần Thơ ban hành
Quyết định 16/2008/QĐ-UBND quy định thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh do Ủy ban nhân dân tỉnh Long An ban hành
- Số hiệu: 16/2008/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 11/04/2008
- Nơi ban hành: Tỉnh Long An
- Người ký: Đỗ Hoàng Việt
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 21/04/2008
- Ngày hết hiệu lực: 04/11/2013
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra