Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 16/2002/QĐ-BGD&ĐT

Hà Nội, ngày 05 tháng 4 năm 2002

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO SỐ 16/2002/QĐ-BGD&ĐT NGÀY 05 THÁNG 4 NĂM 2002 VỀ VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG QUY CHẾ TUYỂN SINH VÀO CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG, TRUNG HỌC CHUYÊN NGHIỆP HỆ CHÍNH QUY
(Ban hành theo Quyết định số 05/1999/QĐ-BGD&ĐT ngày 23/02/1999, đã được sửa đổi bổ sung theo Quyết định số 20/2000/QĐ-BGD&ĐT ngày 8/6/2000 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 2/3/1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 29/CP ngày 30/3/1994 của Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Theo đề nghị của ông Vụ trưởng Vụ Đại học;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Sửa đổi và bổ sung một số Điều của Quy chế Tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp hệ chính quy ban hành theo Quyết định số 05/1999 QĐ-BGD&ĐT ngày 23/2/1999, đã được sửa đổi bổ sung theo Quyết định số 20/2000/QĐ-BGD&ĐT ngày 8/6/2000 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

1) Khoản 1 Điều 1 sửa đổi như sau:

1. Hằng năm, các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ), trung học chuyên nghiệp (THCN) có chỉ tiêu tuyển sinh, tổ chức một kỳ thi tuyển sinh vào hệ chính quy. Một số trường ĐH, các trường CĐ trung ương đóng trên địa bàn TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các trường cao đẳng sư phạm (CĐSP), nơi có trường ĐH sư phạm hoặc trường ĐH có khoa sư phạm, không tổ chức riêng kỳ thi tuyển sinh mà lấy kết quả thi tuyển sinh đại học của thí sinh cùng khối thi trong vùng tuyển của trường để xét tuyển.

Hiệu trưởng các trường chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các khâu trong công tác tuyển sinh: ra đề thi (nếu không sử dụng chung đề thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo), tổ chức kỳ thi, chấm thi và chấm lại, xét tuyển và triệu tập thí sinh trúng tuyển theo đúng qui định của Quy chế Tuyển sinh.

Những trường sử dụng chung đề thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn thành lập Ban Đề thi để chịu trách nhiệm nhận đề thi từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổ chức sao in đề thi, đóng gói, bảo quản, phân phối và sử dụng đề thi theo đúng quy định của Quy chế Tuyển sinh.

2) Điều 8, bổ sung thêm Khoản 3 như sau:

3. Đăng ký xét tuyển (ĐKXT)

a) Thí sinh có nguyện vọng học tại trường ĐH, CĐ mà trường đó không tổ chức thi tuyển sinh nói tại Khoản 1 Điều 1 Quy chế Tuyển sinh hoặc không trúng tuyển vào trường ĐH đã dự thi thì sử dụng Giấy chứng nhận kết quả thi tuyển sinh ngay năm đó do trường ĐH tổ chức thi cấp để nộp hồ sơ ĐKXT vào các trường khác cùng khối thi, trong vùng tuyển quy định.

b) Thí sinh chỉ có nguyện vọng học tại trường CĐ không tổ chức thi tuyển sinh nói tại Khoản 1 Điều 1 của Quy chế Tuyển sinh, phải nộp hồ sơ ĐKDT và dự thi tại một trường ĐH cùng khối thi với đề thi chung nhưng bỏ bớt một số phần cho phù hợp trình độ cao đẳng. Những thí sinh này không được xét tuyển vào ĐH nhưng được quyền sử dụng Giấy chứng nhận kết quả thi tuyển sinh năm đó do trường tổ chức thi cấp để nộp hồ sơ ĐKXT vào các trường CĐ cùng khối thi, trong vùng tuyển.

c) Thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường mà thí sinh đã dự thi không cần nộp hồ sơ ĐKXT và lệ phí xét tuyển. Thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường mà thí sinh không dự thi chỉ cần nộp hồ sơ ĐKXT. Thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường không tổ chức thi tuyển sinh thì nộp hồ sơ ĐKXT và lệ phí xét tuyển cho trường theo đúng thời hạn quy định.

Việc nộp hồ sơ ĐKXT có thể thực hiện theo hai phương thức sau đây:

- Thí sinh trực tiếp đến trường nộp hồ sơ ĐKXT và lệ phí xét tuyển.

- Thí sinh nộp hồ sơ ĐKXT và lệ phí xét tuyển cho trường qua đường Bưu điện (thời gian nộp hồ sơ tính theo dấu bưu điện).

Hồ sơ ĐKXT gồm có:

- Bản phôtôcopy Giấy chứng nhận kết quả thi tuyển sinh do trường tổ chức thi cấp (theo mẫu của Bộ Giáo dục và Đào tạo).

- Bản phôtôcopy thẻ dự thi có dán ảnh.

- Đơn đăng ký xét tuyển (theo mẫu của Bộ Giáo dục và Đào tạo).

- Một phong bì đã dán đủ tem và ghi rõ địa chỉ liên lạc để trường gửi giấy báo kết quả xét tuyển.

Trong trường hợp thí sinh đồng thời nộp nhiều hồ sơ ĐKDT vào cùng một ngành, một khối của một trường thì chỉ một hồ sơ có giá trị sử dụng trong việc xét tuyển. Đó là hồ sơ do HĐTS trường đã gắn số báo danh và thí sinh đã dự thi theo số báo danh đó.

3) Bước 3 Điều 17 sửa đổi như sau:

Trước khi in đề của mỗi môn thi, Trưởng ban Đề thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của các trường tự ra đề thi riêng phải mời cán bộ có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn làm phản biện đề thi. Tại nơi làm đề thi, trong điều kiện không tiếp xúc với người ra đề thi, không tiếp xúc với đáp án và thang điểm do Trưởng môn thi dự kiến, người phản biện trực tiếp giải chi tiết đề thi và xây dựng riêng đáp án nhằm:

- Bảo đảm yêu cầu và nội dung đề thi theo quy định tại Điều 16 của Quy chế này; nhất thiết không ra đề thi ngoài chương trình, vượt chương trình.

- Phát hiện các sai sót về nội dung, câu chữ, ký hiệu, chính tả...

- Góp ý kiến về đáp án và thang điểm.

Trưởng ban Đề thi xử lý kết quả phản biện và chỉ đạo việc đánh máy, in, đóng gói, bảo quản, phân phối, sử dụng đề thi theo quy định tại Điều 18 của Quy chế Tuyển sinh.

Người làm phản biện đề thi phải cách ly với môi trường bên ngoài và được quản lý như người làm đề thi.

4) Điều 26 sửa đổi như sau:

Điều 26: Chấm bài thi và làm biên bản chấm thi.

1. Thang điểm:

- Thang điểm chấm thi là thang điểm 10. Các ý nhỏ được chấm điểm lẻ đến 0,25 điểm. Nếu điểm toàn bài có điểm lẻ từ 0,25 đến dưới 0,75 thì quy tròn thành 0,5; có điểm lẻ từ 0,75 thì quy tròn thành 1,0.

Riêng các môn năng khiếu có thể chấm theo thang điểm khác, nhưng điểm toàn bài phải quy về thang điểm 10 rồi sau đó nhân với hệ số quy định. Cán bộ chấm thi chỉ chấm theo thang điểm 10. Việc tính hệ số do máy tính thực hiện.

- Đối với những trường tự ra đề thi, cán bộ chấm thi phải chấm bài đúng theo thang điểm và đáp án chính thức đã được Chủ tịch HĐTS phê duyệt nhưng không quy tròn điểm. Đối với những trường sử dụng đề thi chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đáp án và thang điểm phải do Trưởng ban Đề thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Những bài làm đúng, có cách giải sáng tạo, độc đáo khác với đáp án có thể được thưởng điểm. Mức điểm thưởng do cán bộ chấm thi đề xuất và do Trưởng môn chấm thi trình Trưởng ban Chấm thi quyết định, nhưng không quá 1 điểm.

2. Xử lý kết quả chấm và làm biên bản chấm thi.

Ban Thư ký so sánh kết quả hai lần chấm và xử lý như sau:

a) Nếu kết quả hai lần chấm giống nhau thì giao túi bài thi cho hai cán bộ chấm thi thống nhất việc quy tròn điểm, ghi điểm vào bài thi và vào Biểu số 4 rồi cùng ký tên xác nhận vào bài thi và Biểu số 4.

Trường hợp điểm toàn bài giống nhau hoặc lệch nhau 0,25 điểm nhưng điểm thành phần lệch nhau thì hai cán bộ chấm thi cùng kiểm tra và thống nhất lại điểm đúng theo đáp án quy định.

b) Nếu kết quả hai lần chấm lệch nhau từ 0,5 điểm trở lên thì rút bài thi đó cùng phiếu chấm lần thứ nhất rồi giao cho Trưởng môn chấm thi tổ chức chấm lần thứ ba trực tiếp vào bài làm của thí sinh bằng mực mầu khác.

Trong trường hợp này, nếu kết quả của hai trong ba lần chấm giống nhau thì lấy điểm giống nhau làm điểm chính thức. Nếu kết quả của ba lần chấm lệch nhau thì Trưởng môn chấm thi lấy điểm trung bình cộng của ba lần chấm làm điểm cuối cùng. Trưởng môn chấm thi quy tròn điểm, ghi điểm vào bài thi và vào Biểu số 4 rồi ký tên xác nhận vào bài thi và Biểu số 4.

- Những bài cộng điểm sai phải sửa lại ngay.

c) Khi không đủ số lượng cán bộ chấm thi theo quy định, các trường ký hợp đồng chấm thi với các trường có đội ngũ cán bộ khoa học cơ bản, nhưng Ban Thư ký HĐTS của trường chủ quản bài thi phải chịu trách nhiệm về các khâu: dồn túi, đánh số phách, rọc phách, in Biểu số 4, đáp án và thang điểm, mẫu phiếu chấm thi. Trường nhận chấm thi phải ra quyết định thành lập Ban Chấm thi và chịu trách nhiệm thực hiện đầy đủ các quy định về công tác chấm thi nói tại các Điều 24, 25, 26, 27 của Quy chế tuyển sinh.

Nếu thiếu cán bộ chấm thi, các trường được phép mời giảng viên các trường ĐH, CĐ và giáo viên THPT không có người thân (vợ chồng; con; anh chị em ruột) dự thi vào trường tham gia chấm thi nhưng phải được sự đồng ý bằng văn bản của trường chủ quản cán bộ đó.

5) Khoản 2 Điều 30 sửa đổi như sau:

2. Trình tự xây dựng điểm tuyển và điểm xét tuyển:

Nguyên tắc chung

Các trường ĐH, CĐ căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh được giao, sau khi trừ số thí sinh được tuyển thẳng (kể cả số sinh viên dự bị của trường và sinh viên các trường dự bị đại học dân tộc Trung ương được phân về trường), căn cứ thống kê điểm do máy tính cung cấp đối với các đối tượng và khu vực dự thi thuộc vùng tuyển, căn cứ quy định về khung điểm ưu tiên, Ban Thư ký trình HĐTS xem xét quyết định phương án điểm tuyển theo bảng mẫu tại Phụ lục 1 của Quy chế Tuyển sinh để tuyển đủ chỉ tiêu được giao.

Những trường tuyển sinh theo ngành hoặc theo khối phải xây dựng bảng điểm tuyển riêng cho từng ngành, từng khối.

Quy định cụ thể

a) Đối với các trường ĐH sử dụng đề thi chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Căn cứ nguyên tắc chung, tuỳ theo kết quả thi của thí sinh, các trường dành tối đa 80% chỉ tiêu được giao để tuyển thí sinh dự thi theo nguyện vọng 1 (NV1) và dành tối thiểu 20% chỉ tiêu được giao (đối với các trường xét tuyển theo ngành, tỷ lệ nói trên áp dụng cho từng ngành) để tuyển thí sinh đăng ký xét tuyển theo nguyện vọng 2 (NV2), nguyện vọng 3 (NV3). Tổng số thí sinh được tuyển theo NV1 và được xét tuyển theo NV2, NV3 không vượt chỉ tiêu được giao.

Trước ngày 15/8 hằng năm, các trường ĐH phải công bố thống kê điểm theo NV1, NV2, NV3. Sau khi xác định điểm tuyển, các trường mới được công bố kết quả thi của tất cả thí sinh, trong đó ghi chú rõ những thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào các trường khác theo NV2, NV3.

Trước ngày 31/8 hằng năm, các trường ĐH, CĐ thông báo điểm tuyển đối với NV1 và điểm xét tuyển đối với NV2, NV3; danh sách thí sinh trúng tuyển theo NV1, NV2, NV3 và gửi Giấy chứng nhận kết quả thi tuyển sinh cho các Sở Giáo dục và Đào tạo để chuyển cho thí sinh.

Thí sinh đã trúng tuyển theo NV1 không được xét tuyển vào các trường theo NV2, NV3, trừ các trường ĐH không tổ chức thi tuyển sinh.

Điểm xét tuyển theo NV2 đối với từng khu vực và đối tượng phải cao hơn NV1 là 1 điểm, điểm xét tuyển theo NV3 đối với từng khu vực và đối tượng phải cao hơn NV1 là 2 điểm (chưa nhân hệ số). Mức điểm chênh lệch này áp dụng cho tất cả các trường hợp đăng ký xét tuyển theo NV2, NV3, không phân biệt đăng ký xét tuyển trong nội bộ trường hay đăng ký xét tuyển vào các trường khác.

Nếu số thí sinh đạt điểm xét tuyển theo NV2, NV3 lớn hơn chỉ tiêu cần tuyển thì đối với từng khu vực và đối tượng, lấy từ thí sinh có điểm cao trở xuống cho đến đủ chỉ tiêu nhưng vẫn giữ nguyên mức điểm chênh lệch giữa các nguyện vọng. Tại mức điểm nào đó mà vẫn thừa chỉ tiêu thì tại mức điểm đó chỉ xét tuyển riêng cho một số khu vực và đối tượng theo thứ tự ưu tiên: khu vực 1, ưu tiên 1, khu vực 2, ưu tiên 2.

Nếu thí sinh trúng tuyển theo NV1, NV2, NV3 đến trường nhập học còn thiếu, để tuyển đủ chỉ tiêu được giao, HĐTS hạ điểm tuyển đối với tất cả thí sinh đã dự thi hoặc đã đăng ký xét tuyển vào trường nhưng vẫn giữ nguyên mức điểm chênh lệch giữa các nguyện vọng.

b) Đối với những trường ĐH và CĐ không tổ chức riêng kỳ thi tuyển sinh mà lấy kết quả thi tuyển sinh ĐH ngay năm đó để xét tuyển thì từ 15/8 đến 10/9 hằng năm tổ chức thu nhận hồ sơ ĐKXT của thí sinh. Căn cứ nguyên tắc chung, trên cơ sở thống kê điểm do máy tính cung cấp và căn cứ quy định về vùng tuyển, Ban Thư ký trình HĐTS xem xét quyết định phương án điểm xét tuyển theo bảng mẫu tại Phụ lục 1 của Quy chế Tuyển sinh để tuyển đủ chỉ tiêu được giao.

Đối với những trường không tổ chức thi thì NV2 ghi trong Giấy chứng nhận kết quả thi được coi như NV1 và NV3 được coi như NV2. Mức điểm chênh lệch giữa các nguyện vọng và cách xử lý tình huống thừa, thiếu chỉ tiêu thực hiện như quy định tại Điểm a Khoản này.

c) Đối với những trường ĐH, CĐ tổ chức thi tuyển sinh theo đề thi riêng của mình, căn cứ nguyên tắc chung, xây dựng điểm tuyển chỉ đối với thí sinh đã dự thi vào trường.

d) Khi xây dựng điểm tuyển hoặc hạ điểm tuyển để tuyển đủ chỉ tiêu, nếu điểm quá thấp, các trường phải báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo trước khi Hội đồng tuyển sinh quyết định chính thức.

Những trường hợp đặc biệt khác sẽ do Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét quyết định.

đ) Trước ngày 31/10 hằng năm, căn cứ danh sách thí sinh trúng tuyển theo NV2, NV3 do các trường gửi tới, các trường chấm bài thi, bàn giao đầy đủ bài thi của những thí sinh đã trúng tuyển cho các trường liên quan để thực hiện kiểm tra theo Điều 33 của Quy chế Tuyển sinh.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký. Các quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3: Các Ông (Bà) Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Đại học, Vụ trưởng Vụ Trung học chuyên nghiệp - Dạy nghề, Chánh Thanh tra Giáo dục, Giám đốc các Đại học Quốc gia, Giám đốc các Đại học Thái Nguyên, Đà Nẵng, Huế, Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nguyễn Minh Hiển

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 16/2002/QĐ-BGD&ĐT sửa đổi Quy chế tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp hệ chính quy do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành

  • Số hiệu: 16/2002/QĐ-BGD&ĐT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 05/04/2002
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
  • Người ký: Nguyễn Minh Hiển
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản