THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1590/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 09 tháng 10 năm 2009 |
PHÊ DUYỆT ĐỊNH HƯỚNG CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN THỦY LỢI VIỆT NAM
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 20 tháng 5 năm 1998;
Căn cứ Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi số 32/2001/PL-UBTVQH ngày 04 tháng 4 năm 2001;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Phê duyệt định hướng Chiến lược Phát triển thủy lợi Việt Nam với các nội dung chủ yếu sau đây:
1. Phát triển thủy lợi đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội và môi trường đến năm 2020, tầm nhìn đến 2050, làm cơ sở để phát triển nông nghiệp bền vững, theo hướng hiện đại hóa, thâm canh cao, góp phần phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân, đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu, lợi ích quốc gia và hài hòa lợi ích giữa các vùng, các ngành.
Khai thác sử dụng nước hợp lý, phục vụ đa mục tiêu, thống nhất theo lưu vực sông và hệ thống công trình thủy lợi, không chia cắt theo địa giới hành chính. Khai thác sử dụng đi đôi với bảo vệ, chống suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, tái tạo nguồn nước bằng biện pháp công trình và phi công trình. Chú ý đến bảo vệ môi trường nước, đặc biệt môi trường nước trong hệ thống công trình thủy lợi.
2. Nâng cao mức bảo đảm an toàn phòng chống thiên tai: bão, lụt, lũ, lũ quét, hạn hán, úng ngập, xâm nhập mặn, sạt lở đất … Có kế hoạch và biện pháp thích hợp cho từng vùng, chủ động phòng chống, né tránh hoặc thích nghi để giảm thiểu thiệt hại.
3. Quản lý, khai thác sử dụng và phát triển nguồn nước đảm bảo các yêu cầu trước mắt và không mâu thuẫn với nhu cầu phát triển trong tương lai, thích ứng và giảm thiểu các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
4. Chú trọng phát triển thủy lợi cho miền núi, vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, nhất là những vùng đặc biệt khó khăn về nguồn nước, gắn với các chính sách xã hội để từng bước giải quyết nước sinh hoạt cho nhân dân và phục vụ phát triển kinh tế xã hội, góp phần thực hiện thành công chương trình xóa đói giảm nghèo, định canh định cư và bảo đảm an ninh, quốc phòng.
5. Quản lý, sử dụng và phát triển nguồn nước phải luôn gắn với đặc điểm về nguồn nước của Việt Nam là ngày càng cạn kiệt và suy thoái về chất lượng, nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng, tác động của biến đổi khí hậu đến nguồn nước ngày càng mạnh mẽ.
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác thủy lợi trên phạm vi cả nước. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực, phối hợp với các cơ quan liên quan có trách nhiệm giúp Chính phủ trong việc thực hiện quản lý nhà nước đối với lĩnh vực thủy lợi.
2. Đảm bảo thực hiện đúng chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Từng bước hoàn thiện hệ thống luật, văn bản dưới luật, cơ chế chính sách, hệ thống tổ chức quản lý từ trung ương đến cơ sở. Tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước và nâng cao trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân đối với công tác thủy lợi.
3. Định hướng Chiến lược Phát triển thủy lợi Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 phải được thực hiện đồng bộ, theo giai đoạn và có trọng điểm, vừa có tính cấp bách vừa có tính lâu dài đảm bảo phát triển bền vững, phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
4. Đầu tư cho công tác phát triển thủy lợi mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cả trước mắt và lâu dài. Thực hiện theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Nhà nước đảm bảo các nguồn lực cần thiết, đồng thời huy động sự đóng góp của cộng đồng, của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Phát huy vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong quản lý, vận hành và bảo vệ công trình. Việc đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi phải đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật và mỹ quan, thực hiện lợi dụng tổng hợp, đảm bảo hài hòa với thiên nhiên và bảo vệ môi trường.
5. Đảm bảo thực hiện các cam kết quốc tế về lĩnh vực thủy lợi.
1. Mục tiêu chung
- Phát triển thủy lợi theo định hướng hiện đại hóa, tăng dần mức đảm bảo phục vụ cấp nước cho sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ …, đảm bảo an ninh lương thực và phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh, góp phần phát triển kinh tế xã hội bền vững, xóa đói giảm nghèo.
- Chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, nâng cao mức bảo đảm tiêu thoát nước, chống úng ngập, bảo vệ môi trường sinh thái, từng bước thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
2. Mục tiêu cụ thể đến 2020.
Mục tiêu 1: cấp nước.
- Tỷ lệ cấp nước đối với các đô thị loại IV trở lên đạt 90%, tiêu chuẩn cấp nước là 120 lít/người/ngày đêm; các đô thị loại V đạt 70% được cấp nước từ hệ thống cấp nước tập trung với tiêu chuẩn cấp nước 80 lít/người/ngày đêm.
- Đáp ứng nguồn nước phục vụ phát triển công nghiệp với mức cấp từ 50 - 100m3/ngày/ha xây dựng, đặc biệt quan tâm đến những vùng khan hiếm nguồn nước: các tỉnh miền Trung, Ninh Thuận, Bình Thuận, Nha Trang, Vũng Tàu…
- Cấp đủ nguồn nước để khai thác 4,5 triệu ha đất canh tác hàng năm (riêng đất lúa 3,83 triệu ha), tiến tới bảo đảm tưới chủ động cho 100% diện tích lúa 2 vụ (3,32 triệu ha), nâng tần suất đảm bảo tưới lên 85%.
- Đảm bảo tưới, tiêu nước chủ động phục vụ phát triển vùng cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản và sản xuất muối tập trung.
Mục tiêu 2: tiêu thoát nước và bảo vệ môi trường nước.
- Chủ động và nâng cao tần suất đảm bảo tiêu nước cho các đô thị lớn như thành phố Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Cà Mau… có tính đến tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
- Tăng cường khả năng tiêu thoát ra các sông chính, tăng diện tích tiêu bằng động lực, đảm bảo tiêu thoát nước ở những vùng đồng bằng, vùng thấp trũng phục vụ phát triển dân sinh, nông nghiệp và các ngành kinh tế khác với tần suất đảm bảo 5 ÷ 10%, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng:
+ Vùng đồng bằng Bắc Bộ: đảm bảo tiêu cho các khu dân cư, vùng sản xuất nông nghiệp.
+ Vùng ven biển miền Trung: tăng cường khả năng thoát lũ cho các vùng dân cư, tiêu cho sản xuất nông nghiệp vụ Hè Thu và đầu vụ Đông Xuân.
+ Vùng đồng bằng sông Cửu Long: ở vùng ngập nông đảm bảo tiêu cả năm, ở vùng ngập sâu tiêu cho vụ Hè Thu và đầu vụ Đông Xuân.
- Đảm bảo môi trường nước trong các hệ thống thủy lợi đạt tiêu chuẩn nước tưới.
Mục tiêu 3: chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.
- Nâng cao mức bảo đảm an toàn phòng chống thiên tai, bão lũ, lụt, chủ động phòng chống, né tránh hoặc thích nghi để giảm thiểu tổn thất, bảo vệ an toàn cho dân cư.
- Có giải pháp công trình phòng, chống lụt, bão đảm bảo an toàn cho dân cư, bảo vệ 3,83 triệu ha lúa, đảm bảo ổn định và phát triển sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
- Từng bước nâng cao khả năng chống lũ của các hệ thống đê sông tại các lưu vực sông lớn ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ với tần suất bảo đảm:
Hệ thống sông chính | Năm 2010 | Năm 2020 | Ghi chú |
Sông Hồng, Thái Bình | p = 0.4% | p = 0.2% | tại Hà Nội |
Sông Mã | p = 1% | p < 1% | tại Giàng |
Sông Cả | p = 1% | p < 1% | tại Bến Thủy |
Sông Hương | p = 5% | p < 5% | tại Kim Long |
- Chủ động phòng, tránh lũ và thích nghi để bảo vệ dân cư ở các lưu vực sông khác thuộc Trung bộ, duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ; đảm bảo sản xuất vụ Hè Thu, Đông Xuân với tần suất đảm bảo 5 ÷ 10%.
- Kiểm soát lũ triệt để ở vùng ngập nông đồng bằng sông Cửu Long, đảm bảo các điều kiện thích nghi và an toàn cho dân sinh, sản xuất ở vùng ngập sâu. Đến năm 2015 kiểm soát được lũ lớn tương đương lũ năm 1961 trên dòng chính và lũ năm 2000 trong nội đồng. Từ sau năm 2015 tiếp tục củng cố các công trình, hệ thống bờ bao để kiểm soát lũ ở mức độ cao hơn.
- Hệ thống đê biển, đê cửa sông đảm bảo mức tối thiểu chống được bão cấp 9 và thủy triều ứng với tần suất 5%, phù hợp với từng giai đoạn và tầm quan trọng của khu vực bảo vệ.
- Đảm bảo an toàn công trình hồ chứa, đê, kè, cống, ổn định bờ sông, bờ biển.
Mục tiêu 4: nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác các công trình thủy lợi, đảm bảo phát huy trên 90% năng lực thiết kế.
Mục tiêu 5: đưa trình độ khoa học công nghệ thủy lợi đạt mức trung bình của châu Á vào năm 2020, đến năm 2050 đạt trình độ trung bình tiên tiến trên thế giới.
1. Nhiệm vụ và giải pháp chung
a) Tăng cường công tác tổ chức và quản lý, hoàn thiện cơ chế chính sách:
- Bổ sung, hoàn chỉnh quy hoạch phát triển thủy lợi các vùng, các lưu vực sông phục vụ đa mục tiêu, đáp ứng nhu cầu nước cho sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp, chống úng ngập, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biển đổi khí hậu và nước biển dâng. Tăng cường điều tra cơ bản phục vụ công tác quản lý.
- Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật: xây dựng Luật và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật về xây dựng, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xã hội hóa công tác cấp nước, vệ sinh môi trường nông thôn; hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn, các cơ chế, chính sách về đầu tư xây dựng, kinh tế thủy lợi, huy động vốn, giá nước cấp cho công nghiệp, sinh hoạt, dịch vụ … chính sách hỗ trợ nông dân tham gia quản lý công trình thủy lợi nhỏ.
- Kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý thủy lợi:
+ Kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về thủy lợi từ trung ương đến cơ sở.
+ Củng cố và tăng cường năng lực Ban Quản lý quy hoạch Thủy lợi các lưu vực sông: Hồng – Thái Bình, Đồng Nai, Cửu Long, Cả, Srepok, Vu Gia - Thu Bồn và thành lập các Ban Quản lý quy hoạch Thủy lợi: sông Mã, sông Hương, sông Kone – Hà Thanh, sông Trà Khúc, sông Ba ...
+ Tăng cường năng lực các công ty quản lý, khai thác công trình thủy lợi; hoàn thiện cơ cấu tổ chức của các công ty theo Luật Doanh nghiệp, cải tiến công tác quản lý và cơ chế hoạt động.
+ Tiếp tục thành lập và xây dựng phương thức hoạt động của các tổ chức hợp tác dùng nước.
b) Phát triển khoa học công nghệ:
- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ, thiết bị, vật liệu tiên tiến trong khảo sát, thiết kế, thi công các công trình thủy lợi, thích ứng và giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
- Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, phù hợp để khai thác hiệu quả nguồn nước ở vùng núi cao, vùng ven biển, cải tạo chua phèn. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước cho cây trồng.
- Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ và các phần mềm tính toán đánh giá nguồn nước, cân bằng nước, điều tiết dòng chảy, chỉnh trị sông, nhận dạng và điều tiết lũ, lập quy trình vận hành các hồ chứa lớn lợi dụng tổng hợp; nghiên cứu diễn biến bồi xói lòng sông, bờ sông; nghiên cứu các giải pháp thích hợp kiểm soát lũ, giảm nhẹ thiên tai ở miền Trung, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; cập nhật và bổ sung hệ thống bản đồ nguy cơ ngập lụt; dự báo, cảnh báo các vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét.
- Nghiên cứu chế tạo, lắp đặt các loại bơm, tuốc bin và thiết bị thủy điện nhỏ; ứng dụng các thiết bị tiên tiến, hiện đại nạo vét kênh mương; lắp đặt các hệ thống đo nước, vận hành tự động các hệ thống thủy nông.
c) Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực:
- Phát triển các ngành đào tạo mới, cải tiến nội dung chương trình đào tạo.
- Đào tạo cân đối, hợp lý về cơ cấu giữa cán bộ kỹ thuật, cán bộ nghiên cứu, cán bộ quản lý và công nhân lành nghề.
- Đào tạo theo nhiều hình thức: đào tạo lại, đào tạo trên đại học, sau đại học, chú trọng đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ lập quy hoạch và quản lý công trình ở các địa phương…
- Đào tạo, nâng cao năng lực quản lý, nhận thức cộng đồng trong tham gia quản lý, khai thác công trình thủy lợi, quản lý và giảm nhẹ thiên tai dựa vào cộng đồng.
d) Tập trung đầu tư xây dựng, hoàn chỉnh các công trình thủy lợi;
- Xây dựng kế hoạch đầu tư: xây dựng kế hoạch đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là lồng ghép các chương trình phát triển nông, lâm, ngư nghiệp, phát triển nông thôn để phối hợp hỗ trợ, tránh đầu tư trùng lặp, nhằm phát huy hiệu quả và đảm bảo thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của cả nước và từng vùng, từng thời kỳ.
- Tập trung đầu tư nâng cấp các hệ thống thủy lợi hiện có: đầu tư dứt điểm cho từng hệ thống, nâng cấp, hiện đại hóa công trình đầu mối, kênh mương, thiết bị điều khiển vận hành để phát huy năng lực thiết kế và nâng cao năng lực phục vụ.
- Tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi nhỏ ở các vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo cấp nước tưới và phục vụ sinh hoạt.
- Phát triển thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản, công nghiệp, sinh hoạt và cải tạo môi trường vùng ven biển.
- Đầu tư xây dựng các công trình lớn để điều tiết lũ, kiểm soát triều, ngăn mặn, giữ ngọt, tiêu úng, hạn chế các tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
- Từng bước nghiên cứu, thực hiện các biện pháp chỉnh trị, ổn định lòng sông, cửa sông, bờ biển, chống bồi lắng cửa sông.
- Khai thác tiềm năng của các công trình thủy lợi phục vụ du lịch, dịch vụ cấp nước sinh hoạt, cấp nước công nghiệp… để tạo nguồn thu cho duy tu, bảo dưỡng công trình và quản lý vận hành.
- Tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát các nguồn nước thải từ các khu công nghiệp, đô thị gây ô nhiễm các hệ thống thủy lợi. Xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng nước trong các hệ thống công trình thủy lợi.
- Triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020, Chương trình an toàn hồ chứa, Quy hoạch phòng chống lũ hệ thống sông Hồng – Thái Bình, Quy hoạch thủy lợi đồng bằng sông Cửu Long, Chương trình nâng cấp đê biển và các chương trình, đề án liên quan đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
+ Thực hiện các chương trình cứng hóa mặt đê, trồng tre chắn sóng và cỏ chống xói, cải tạo nâng cấp và xây dựng mới cống dưới đê, xử lý nền đê yếu, chỉnh trị sông, khai thông dòng chảy để thoát lũ … để đáp ứng giai đoạn trước mắt, đồng thời định hướng để nâng cấp phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
+ Cảnh báo, có giải pháp thích hợp bảo vệ dân cư và sản xuất ở các vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét cao.
+ Xây dựng tràn sự cố cho các hồ chứa, lập phương án phòng chống lũ đảm bảo an toàn công trình trong mùa mưa bão.
+ Xây dựng bản đồ nguy cơ ngập lụt ở các lưu vực sông.
+ Tiếp tục đầu tư xây dựng các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu, thuyền theo quy hoạch.
+ Bảo vệ và phát triển rừng, cây chắn sóng bảo vệ đê biển.
+ Tăng cường năng lực Ban chỉ huy phòng chống lụt bão, nâng cao chất lượng cảnh báo lũ. Hoàn thiện quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Hồng - Thái Bình và xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa cho các lưu vực sông lớn khác.
đ) Tăng cường hợp tác quốc tế
- Tăng cường hợp tác trong khai thác nguồn nước sông quốc tế (Mê Kông, sông Hồng …) theo quan điểm hợp tác, bình đẳng, phát triển bền vững, tôn trọng lợi ích của các bên.
- Tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thể chế, quản lý nguồn nước và công trình thủy lợi.
- Tranh thủ sự hợp tác, hỗ trợ, chuyển giao công nghệ, tài chính của các tổ chức quốc tế cho phát triển thủy lợi và bảo vệ nguồn nước.
e) Huy động vốn và tăng cường sự tham gia của cộng đồng.
- Xây dựng cơ chế huy động vốn phù hợp với xu hướng phát triển nhằm huy động mọi nguồn vốn: ngân sách nhà nước, vốn vay nước ngoài, vốn từ các tổ chức, cá nhân và của người dân vùng hưởng lợi theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, phát huy nội lực và sức mạnh của toàn xã hội.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức cộng đồng tham gia quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, quản lý và giảm nhẹ thiên tai dựa vào cộng đồng.
2. Nhiệm vụ và giải pháp phát triển thủy lợi cho từng vùng
Nhiệm vụ và giải pháp phát triển thủy lợi cho từng vùng được quy định chi tiết tại Phụ lục.
3. Thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng
Các giải pháp phát triển thủy lợi chính nhằm thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng:
- Nghiên cứu đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đến hệ thống công trình thủy lợi, đặc biệt là tại những vùng chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng là đồng bằng sông Hồng, vùng ven biển Trung bộ và đồng bằng sông Cửu Long.
- Nghiên cứu, áp dụng các chỉ tiêu thiết kế mới nhằm nâng cao mức đảm bảo cấp nước, tiêu thoát nước, chống lũ thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
- Rà soát, bổ sung quy hoạch, từng bước xây dựng các công trình ngăn cửa sông lớn làm nhiệm vụ ngăn mặn, giữ ngọt, tiêu úng thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đặc biệt là tại vùng chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng là đồng bằng sông Hồng, vùng ven biển Trung bộ và đồng bằng sông Cửu Long.
- Đầu tư xây dựng, nâng cấp các hệ thống đê biển, đê sông, đê cửa sông bảo đảm an toàn cho dân sinh và sản xuất.
- Xây dựng các chương trình nâng cấp các hệ thống thủy lợi phục vụ cấp nước, tiêu thoát nước, đảm bảo an toàn công trình.
- Nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp, công nghệ tiên tiến về cấp nước, tiêu thoát nước, quy trình quản lý, vận hành hệ thống công trình thủy lợi nhằm hạn chế tác động bất lợi do biến đổi khí hậu, nước biển dâng gây ra.
Từ nay đến năm 2020 tập trung chỉ đạo thực hiện các chương trình sau:
1. Chương trình tăng cường công tác quản lý
Tăng cường công tác quy hoạch, quản lý, hoàn thiện cơ chế chính sách, tổ chức để đảm bảo khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, phục vụ có hiệu quả các ngành kinh tế - xã hội trong giai đoạn trước mắt và không mâu thuẫn với nhu cầu phát triển lâu dài, bao gồm:
- Xây dựng Luật Thủy lợi, rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan.
- Xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
- Xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách trong đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.
- Kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về thủy lợi.
- Củng cố và tăng cường năng lực Ban Quản lý quy hoạch thủy lợi.
- Hoàn thiện cơ cấu tổ chức quản lý, khai thác công trình.
- Quy hoạch tổng thể thủy lợi các vùng kinh tế xã hội thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
- Quy hoạch thủy lợi phục vụ tiêu nước, chống ngập úng cho các đô thị, khu dân cư tập trung.
- Rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch thủy lợi các lưu vực sông, vùng lãnh thổ.
- Rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch các hệ thống thủy lợi.
- Điều tra cơ bản thủy lợi.
2. Chương trình phát triển khoa học công nghệ.
Đưa trình độ khoa học công nghệ thủy lợi đạt mức trung bình châu Á vào năm 2020, cụ thể là: nghiên cứu khoa học công nghệ phục vụ cấp nước, tiêu thoát nước, chủ động phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ứng dụng các công nghệ mới, vật liệu mới, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu khoa học công nghệ tiên tiến phục vụ công tác quy hoạch, thiết kế, xây dựng, quản lý và vận hành các hệ thống thủy lợi theo hướng hiện đại hóa, phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bao gồm:
- Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, thiết bị, vật liệu tiên tiến trong khảo sát, thiết kế, thi công công trình.
- Nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ, phần mềm tính toán, dự báo.
- Nghiên cứu, ứng dụng các trang thiết bị tiên tiến, hiện đại phục vụ quản lý, vận hành.
- Nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp, công nghệ thủy lợi tiên tiến phục vụ các vùng núi cao, vùng ven biển, hải đảo.
- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước cho cây trồng.
3. Chương trình phát triển nguồn nhân lực
Phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng, có năng lực tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực phát triển và bảo vệ nguồn nước, phân bố hợp lý theo nhu cầu của các địa phương, bao gồm:
- Cải tiến nội dung chương trình đào tạo.
- Đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu, thiết kế, xây dựng và quản lý.
- Đào tạo, nâng cao năng lực cộng đồng trong tham gia quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.
- Tổ chức thông tin, tuyên truyền thông qua hệ thống thông tin đại chúng.
4. Chương trình nâng cấp, hiện đại hóa các hệ thống thủy lợi.
Nâng cao độ ổn định, giảm tổn thất, tiết kiệm nước, nâng cao hiệu quả cấp nước của các hệ thống công trình hiện có, bao gồm:
- Đầu tư hoàn chỉnh các hệ thống thủy lợi, cải tạo, nâng cấp công trình đầu mối, kênh chính.
- Hoàn chỉnh hệ thống kênh mương nội đồng.
- Hiện đại hóa trang thiết bị quản lý, vận hành.
5. Chương trình nâng cấp và phát triển hồ chứa lớn lợi dụng tổng hợp
Nâng cấp các hồ chứa đã có đảm bảo an toàn công trình, xây dựng mới các hồ chứa lớn lợi dụng tổng hợp bảo đảm cấp nước, chống lũ, phát điện, duy trì môi trường sinh thái hạ du nhằm đáp ứng nhu cầu nước ngày càng tăng do phát triển dân sinh, kinh tế và thích nghi với biến đổi khí hậu.
6. Chương trình phát triển thủy lợi phục vụ chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông – lâm – ngư nghiệp – nông thôn
Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, phát triển cơ sở hạ tầng thủy lợi phục vụ chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông – lâm – ngư nghiệp – nông thôn, bao gồm:
- Phục vụ nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối.
- Phục vụ vùng cây ăn quả tập trung.
- Phục vụ cấp nước cho cây trồng cạn, vùng cây công nghiệp tập trung.
7. Chương trình phát triển thủy lợi, thủy điện nhỏ miền núi, hải đảo.
Phục vụ sinh hoạt và sản xuất của nhân dân vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, ổn định dân cư, đảm bảo an ninh, quốc phòng, bao gồm:
- Cấp nước sinh hoạt cho đồng bào vùng cao, biên giới, hải đảo.
- Công trình thủy lợi nhỏ cấp nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt.
- Thủy lợi gắn với thủy điện nhỏ.
8. Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn
Cấp nước phục vụ sinh hoạt, cải thiện điều kiện sống, tăng cường sức khỏe cho dân cư, góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn.
Thực hiện theo Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đã được phê duyệt.
9. Chương trình phòng chống giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nghiên cứu, áp dụng các giải pháp nhằm nâng cao mức bảo đảm cấp nước, tiêu thoát nước, chống lũ của các hệ thống công trình thủy lợi, chủ động phòng chống hoặc thích nghi, né tránh để giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, bảo vệ dân cư và phục vụ phát triển kinh tế xã hội, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Lồng ghép với việc thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đã được phê duyệt, triển khai thực hiện các chương trình:
- Củng cố, nâng cao mức đảm bảo chống lũ của các hệ thống thủy lợi.
- Củng cố, nâng cao mức đảm bảo cấp nước, tiêu thoát nước, chống ngập úng của các hệ thống thủy lợi.
- Xây dựng mới, nâng cấp hệ thống thủy lợi phục vụ tiêu nước, chống ngập úng cho các đô thị, khu dân cư tập trung.
- Xây dựng công trình ngăn các cửa sông lớn kiểm soát triều, ngăn mặn, giữ ngọt.
1. Căn cứ vào mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp, kế hoạch hành động nêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì triển khai thực hiện những nhiệm vụ cụ thể sau:
- Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện định hướng Chiến lược; làm đầu mối quốc gia liên hệ với các tổ chức quốc tế về lĩnh vực này.
- Xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, xác định rõ những nội dung cần ưu tiên, phân định nhiệm vụ cho các ngành và địa phương thực hiện.
- Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện định hướng Chiến lược; định kỳ 5 năm sơ kết, đánh giá rút kinh nghiệm và đề xuất kiến nghị, trình Thủ tướng Chính phủ việc điều chỉnh nội dung, giải pháp trong định hướng Chiến lược cho phù hợp.
2. Các Bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm thực hiện có hiệu quả các nội dung, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của định hướng Chiến lược liên quan đến Bộ, ngành, địa phương mình.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành liên quan cân đối kế hoạch, bố trí vốn đầu tư hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các nguồn vốn tài trợ khác để thực hiện có hiệu quả các nội dung của định hướng Chiến lược.
4. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quyền hạn và trách nhiệm được giao chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện các nội dung của định hướng Chiến lược; lồng ghép các nội dung trên vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. THỦ TƯỚNG |
NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN THỦY LỢI CHO TỪNG VÙNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1590/QĐ-TTg ngày 09 tháng 10 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ)
1. Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ:
a) Cấp nước và tiêu nước:
- Phối hợp các Bộ, ngành và địa phương đẩy nhanh việc xây dựng các công trình thủy lợi lớn lợi dụng tổng hợp trên sông Đà, sông Lô, sông Cầu, sông Lục Nam.
- Nghiên cứu, thực hiện các giải pháp cấp nước sinh hoạt cho đồng bào vùng cao biên giới, nhất là ở các tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Lai Châu…
- Giải quyết vấn đề tiêu thoát nước cho vùng Phú Thọ, bảo vệ các xã ngoài đê thuộc Bắc Giang … và các vùng thường bị ngập úng khác.
b) Phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai:
- Cảnh báo các vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét cao, có giải pháp thích hợp bảo vệ dân cư và sản xuất trên địa bàn các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình, Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên.
- Củng cố các tuyến đê thuộc hệ thống sông Hồng trên địa bàn các tỉnh: Hòa Bình, Tuyên Quang, Phú Thọ để đảm bảo chống được lũ tương ứng với mực nước sông Hồng tại trạm Long Biên là +13,10m; các tuyến đê thuộc hệ thống sông Thái Bình trên địa bàn các tỉnh: Thái Nguyên, Bắc Giang đảm bảo chống được lũ tương ứng với mực nước sông Thái Bình tại trạm Phả Lại là +7,20m.
- Trước mắt củng cố tuyến đê biển Quảng Ninh chống mực nước triều tần suất 5% kết hợp với bão cấp 9, một số đoạn đê biển bảo vệ vùng dân cư, vùng kinh tế trọng điểm đảm bảo chống bão cấp 10, có định hướng để nâng cấp phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
- Củng cố, bảo vệ ổn định lòng, bờ sông biên giới.
c) Quản lý và bảo vệ nguồn nước:
- Tăng cường quản lý quy hoạch, khai thác nguồn nước, kiểm tra, giám sát các nguồn nước thải từ các khu công nghiệp, đô thị, nhất là khu vực Thái Nguyên (vào sông Cầu), Bắc Giang (vào sông Thương), Việt Trì (vào sông Hồng), Hòn Gai – Cẩm Phả (ra biển).
- Kiện toàn và phát huy vai trò các Ban Quản lý quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Hồng – Thái Bình, tiểu lưu vực sông Cầu.
- Xây dựng, củng cố các trạm đo chất lượng nước thường xuyên nhất là các trạm gần biên giới.
d) Các công trình dự kiến theo quy hoạch:
- Cấp nước: sửa chữa, nâng cấp 7.394 công trình (hiện đang phục vụ tưới 189.485 ha) phục vụ tưới cho 242.475 ha. Xây mới 5.308 công trình phục vụ tưới cho 129.552 ha.
- Tiêu nước: sửa chữa, nâng cấp 103 công trình tiêu (hiện đang phục vụ tiêu cho 31.760 ha) phục vụ tiêu cho 41.468 ha. Xây mới 84 công trình tiêu cho 16.894 ha.
2. Vùng đồng bằng Bắc bộ:
a) Cấp nước và tiêu nước:
- Cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa các hệ thống thủy lợi: Bắc Hưng Hải, sông Nhuệ, Bắc Nam Hà … để tưới, tiêu ổn định cho 860.000 ha với tần suất đảm bảo 85%, tăng cường lấy phù sa cải tạo đất, mở rộng diện tích vụ Đông tạo thế chuyển đổi cơ cấu cây trồng (mở rộng diện tích tưới các vùng bãi sông Hồng khoảng 4 vạn ha).
- Chủ động, đảm bảo tiêu nước cho Thủ đô Hà Nội.
- Bổ sung công trình cấp nước cho các vùng: Bắc Hưng Hải, sông Tích, Sông Đáy, An Kim Hải, Bắc Đuống…
- Bổ sung nguồn nước cho các khu tam giác công nghiệp Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng và các khu công nghiệp, đô thị khác.
- Hoàn thiện các công trình khai thông dòng chảy sông Đáy, từng bước cải tạo sông Đáy để tạo dòng chảy thường xuyên phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường.
- Giải quyết vấn đề tiêu thoát nước cho vùng sông Nhuệ, Bắc Hưng Hải, Ngũ Huyện Khê, … và các vùng thường bị ngập úng khác theo hướng tăng cường tiêu nước bằng các hệ thống bơm trực tiếp ra sông chính, đáp ứng yêu cầu tiêu trong điều kiện tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
b) Phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai:
- Củng cố các tuyến đê thuộc hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình đảm bảo chống được lũ tương ứng với mực nước sông Hồng tại trạm Long Biên là +13,10m, mực nước sông Thái Bình tại trạm Phả Lại là +7,20m. Tại Hà Nội đảm bảo chống được lũ tương ứng với mực nước sông Hồng tại trạm Long Biên là +13,40m và thoát được lưu lượng tối thiểu 20.000m3/s
- Bỏ các khu chậm lũ Lương Phú, Quảng Oai, Tam Thanh và Lập Thạch, hoàn thiện đê hữu Đáy, nâng cấp đê tả Đáy, cống đập Đáy. Làm sống lại dòng sông Đáy.
- Hoàn thiện quy trình vận hành liên hồ chứa lợi dụng tổng hợp cho lưu vực sông Hồng và sông Thái Bình.
c) Quản lý và bảo vệ nguồn nước:
Tăng cường quản lý quy hoạch, khai thác nguồn nước, kiểm tra, giám sát các nguồn nước thải từ các khu công nghiệp, đô thị, các khu làng nghề gây ô nhiễm các hệ thống thủy lợi: sông Nhuệ, Bắc Hưng Hải, Bắc Đuống, Bắc Nam Hà, An Kim Hải…
d) Các công trình dự kiến theo quy hoạch:
- Cấp nước: sửa chữa, nâng cấp 201 công trình tưới cho 86.171 ha, xây dựng mới 81 công trình tưới cho 36.376 ha. Một số công trình chính:
Các công trình trên phân lưu sông Hồng và sông Thái Bình: đầu tư xây dựng cống Sông Đào trên sông Đào Nam Định. Nghiên cứu khả năng xây dựng cống Đò Hàn trên sông Thái Bình, cống Sông Hóa trên sông Hóa.
Các công trình bổ sung nguồn: Hoàn thành xây dựng cống Tắc Giang, cống Hát Môn - Cẩm Đình. Tiếp tục xây dựng cống Lương Phú và cống Liên Mạc để bổ sung nguồn nước cho khu Hữu sông Hồng, cống Xuân Quan 2 (Liên Nghĩa) cấp nước cho khu Bắc Hưng Hải, cống Tân Đệ, Phú Lạc cấp nước vùng Thái Bình, cống Sông Mới cấp nước cho khu Tiên Lãng. Xây mới lại các cống Bằng Lai, Quảng Đạt cấp nguồn cho khu An Kim Hải.
- Tiêu nước: sửa chữa, nâng cấp 618 công trình tiêu cho 344.684 ha, xây dựng mới 161 công trình tiêu cho 145.504 ha. Một số công trình chính:
Khu vực sông Phan, Cà Lồ: xây dựng trạm bơm tiêu Nguyệt Đức 100 m3/s, Ngũ Kiên 100m3/s tiêu trực tiếp ra sông Hồng, xây dựng các cống điều tiết ngã ba sông Cầu Tôn và ngã ba sông Cà Lồ, nạo vét sông trục tiêu cho 41.530 ha.
Khu vực sông Nhuệ: sau khi hoàn thành trạm bơm tiêu Yên Sở 2, tiếp tục xây dựng trạm bơm tiêu Yên Sở 3 với Q tiêu = 55m3/s. Xây mới lại trạm bơm Đông Mỹ 35m3/s. Xây mới trạm bơm Nam Thăng Long 9m3/s, trạm bơm Liên Mạc Q tiêu = 170m3/s tiêu ra sông Hồng, trạm bơm Yên Nghĩa 120m3, trạm bơm Yên Thái – Đào Nguyên 54m3/s tiêu ra sông Đáy. Xây mới trạm bơm Ngoại Độ I, II tiêu chủ động cho 9.220 ha, trạm bơm Lạc Tràng III tiêu cho 2.044 ha và tưới cho 792 ha.
Khu vực 6 trạm bơm Nam Hà: xây mới trạm bơm tiêu Kinh Thanh II, Sông Chanh II, Vĩnh Trị III, Cổ Đam II.
Khu Bắc Hưng Hải: xây mới trạm bơm tiêu Từ Đình (Long Biên) tiêu cho 3.500 ha thuộc quận Long Biên, trạm bơm Mễ Sở tiêu cho 3.756 ha khu Văn Giang, trạm bơm tưới tiêu kết hợp Nghi Xuyên tiêu cho 13.280 ha, trạm bơm Nam Kẻ Sặt tiêu cho 27.057 ha vùng Ân Thi, một phần tiểu khu Tây Nam Cửu An và Đông Nam Cửu An.
3. Vùng Bắc Trung Bộ.
a) Cấp nước và tiêu nước:
- Tập trung nâng cấp các công trình đầu mối, kiên cố hóa, từng bước hiện đại hóa các hệ thống hiện có, hoàn chỉnh các cống đập ngăn mặn, tiêu úng, giữ ngọt vùng cửa sông như Đò Điểm, đập Sông Lèn…
- Hoàn thành công trình Cửa Đạt, Tả Trạch, Bình Điền, … xây dựng các hồ Bản Mồng, Ngàn Trươi, Thác Muối, Chúc A… và các hồ chứa vừa và nhỏ để chủ động điều tiết nước, phát điện, giảm lũ cho hạ du.
- Chú trọng phát triển thủy lợi vùng hành lang đường Hồ Chí Minh, vùng ven biên giới Việt – Lào. Nghiên cứu giải pháp thủy lợi góp phần chống sa mạc hóa các vùng cát.
- Phòng, chống ngập úng cho các thành phố, đô thị, khu dân cư tập trung như Lệ Thủy, Hải Lăng, Phong Điền – Quảng Điền…
b) Phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai:
- Củng cố đê sông Mã, sông Chu để chống được lũ tần suất 1% tại Lý Nhân, Giàng trên sông Mã, lũ tần suất 0,6% tại Xuân Khánh trên sông Chu. Hoàn thành công trình Cửa Đạt để sau năm 2020 chống được lũ tần suất 1%.
- Củng cố đê sông Cả, sông La để chống được lũ tần suất 1% tại trạm thủy văn Nam Đàn. Hoàn thành công trình Bản Vẽ, xây dựng các hồ Ngàn Trươi, Thác Muối, Bản Mòng, Chúc A…. phục vụ cấp nước, phát điện, chống lũ cho hạ du để sau năm 2020 chống được lũ tần suất 1%.
- Củng cố các tuyến đê của dòng nhánh sông Cả và đê các sông từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế chống lũ Hè Thu và lũ muộn. Chủ động phòng tránh và thích nghi với lũ chính vụ.
- Củng cố hệ thống đê biển chống được mực nước triều tần suất 5% gặp bão cấp 10 ở các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, gặp bão cấp 9 và lũ 10% ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Ở Thanh Hóa chống với bão cấp 9, cấp 10, cấp 12 tùy theo từng đoạn đê (theo Quyết định số 58/2006/QĐ-TTg).
c) Quản lý và bảo vệ nguồn nước:
- Tổ chức và phát huy vai trò Ban Quản lý quy hoạch thủy lợi sông Mã, sông Cả, sông Hương.
- Xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa cho các lưu vực sông Mã, sông Cả, sông Hương.
d) Các công trình dự kiến theo quy hoạch:
- Cấp nước: sửa chữa, nâng cấp 1.865 công trình tưới cho 292.504 ha, xây dựng mới 1.139 công trình tưới cho 223.286 ha. Một số công trình chính:
Hồ Cửa Đạt bổ sung nguồn nước cho đập Bái Thượng để tưới và tạo nguồn cho gần 50.000 ha canh tác và nuôi trồng thủy sản; tưới thay thế cho diện tích tưới của hồ Sông Mực và Yên Mỹ, dùng hồ Sông Mực và hồ Yên Mức để cấp nước cho khu công nghiệp Nghi Sơn.
Xây dựng hệ thống dẫn nước từ hồ Cửa Đạt qua Dốc Cáy tưới và tạo nguồn cho 29.196 ha, trong đó tưới thay thế diện tích 10.942 ha thuộc khu tưới trạm bơm Nam sông Mã.
Xây dựng đập ngăn mặn sông Lèn để tạo nguồn nước cho vùng Hà Trung, Nga Sơn và vùng biển Hậu Lộc.
Xây dựng hồ Bản Mồng tưới 18.870 ha, hồ Thác Muối tưới 10.500 ha, hồ Chúc A tưới 6.000 ha, hồ Đá Gân tưới 6.500 ha.
Nâng cấp cống Mỹ Trung để ngăn triều tiêu úng cho vùng đồng bằng Kiến Giang. Xây dựng hồ Thác Chuối bổ sung nguồn nước cho đập Đá Mài, tưới trực tiếp 1.055 ha và tạo nguồn phục vụ nuôi trồng thủy sản trên 300 ha.
- Tiêu nước: sửa chữa, nâng cấp 225 công trình tiêu cho 278.728 ha, xây dựng mới 89 công trình tiêu cho 62.082 ha. Ưu tiên nạo vét các sông trục, xây cống và các trạm bơm để tiêu úng cho khoảng 50.433 ha, tập trung ở Thanh Hóa 21.250 ha, Nghệ An 4.800 ha, Hà Tĩnh 8.050 ha, Quảng Bình 7.500 ha, Quảng Trị 2.300 ha, Thừa Thiên Huế 6.433 ha.
4. Vùng Nam Trung bộ
a) Cấp nước và tiêu nước:
- Nâng cấp, hoàn chỉnh, kiên cố hóa các hệ thống công trình: hệ thống Thạch Nham, Tân An – Đập Đá, Lại Giang, hệ thống công trình sử dụng nước sau thủy điện sông Hinh…
- Xây dựng mới và hoàn thiện các công trình lớn lợi dụng tổng hợp: sông Tranh 2, A Vương 1, Đăc Đrinh, Đồng Mít, Định Bình, Sông Trò 1, sông Ba Hạ, Ea Krông Ru … phục vụ phát điện, tưới, cấp nước sinh hoạt, công nghiệp, du lịch và giảm lũ, cải tạo môi trường sinh thái vùng hạ du.
- Giải quyết tiêu thoát nước cho các vùng trũng thấp hạ lưu sông Thoa, sông Tam Kỳ … và các đô thị ven biển.
b) Phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai:
- Chủ động phòng tránh và thích nghi với lũ chính vụ, xây dựng các hồ chứa các hệ thống công trình ngăn lũ sớm và tiêu thoát lũ cuối vụ đảm bảo sản xuất hai vụ Đông Xuân và Hè Thu với mức đảm bảo từ 10÷5%.
- Nghiên cứu, thực hiện các biện pháp ổn định lòng dẫn, chỉnh trị sông, chống bồi lắng cửa sông Thu Bồn, sông Ba, sông Lại Giang, Trà Khúc, Trà Câu, Bàn Thạch, sông Cái Nha Trang và bờ biển.
- Củng cố đê biển thuộc thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam chống được mực nước triều với tần suất 5% và gió bão cấp 9 và cấp 10 tùy theo vị trí từng đoạn đê (theo Quyết định số 58/2006/QĐ-TTg).
c) Các công trình dự kiến theo quy hoạch:
- Cấp nước: sửa chữa, nâng cấp 130 công trình phục vụ tưới 91.968 ha, trong đó tưới tăng thêm 37.113 ha. Xây dựng mới 126 công trình phục vụ tưới 83.319 ha. Một số công trình chính:
Hệ thống Văn Phong cấp nước cho 7.263 ha phía bắc sông Kon.
Xây dựng kênh Thượng Sơn tiếp nước từ hồ An Khê – Ka Nắc tưới cho 3.500 ha mía vùng cao phía Nam sông Kone.
Xây dựng hồ Đồng Mít tưới 250 ha, phát điện Nlm = 13,84 MW, bổ sung 124x106m3 nước cho đập Lại Giang và kết hợp chống lũ cho hạ du sông Lại Giang với Wpl = 40x106m3.
Xây dựng hồ sông Chò 1 tưới 2.560 ha, cấp nước sinh hoạt 50.000m3/ngày đêm, phát điện với Nlm = 7MW, cấp bổ sung 4,2 m3/s trong 8 tháng mùa kiệt để cải thiện dòng chảy môi trường hạ du sông Cái Nha Trang.
Xây dựng hồ Đồng Điền cấp nước tưới cho 1.700 ha, kết hợp cấp nước công nghiệp, sinh hoạt cho khu kinh tế Vân Phong 135.000m3/ngày đêm.
- Tiêu nước, chống lũ: nâng cấp 52 công trình, xây dựng mới 125 công trình, vốn đầu tư 10.857 tỷ đồng.
5. Vùng Tây Nguyên
a) Cấp nước và tiêu nước:
- Đẩy nhanh việc xây dựng các công trình lớn lợi dụng tổng hợp trên các dòng chính sông Sê San, Srepok, sông Ba, sông Đồng Nai phục vụ cấp nước, chống lũ, phát điện….
- Tập trung đầu tư xây dựng mới và hoàn chỉnh các công trình thủy lợi lớn, đóng vai trò chủ đạo cấp nước phục vụ sản xuất như Krông Búc hạ, Krông Pách thượng, Krông Năng, EaMơ, Ea-Thul, Ea-Mlá…
- Tiếp tục xây dựng mới các công trình vừa và nhỏ cấp nước sinh hoạt và sản xuất, chú trọng phục vụ di dân tái định cư, vùng sâu, vùng xa, vùng ven đường Hồ Chí Minh …. đảm bảo sản xuất vụ mùa, tăng dần diện tích gieo trồng trong mùa khô.
- Nghiên cứu khai thác hợp lý nước ngầm phục vụ dân sinh và tưới cây trồng cạn.
b) Phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai:
- Đầu tư hoàn chỉnh, củng cố các tuyến đê bảo vệ sản xuất vụ Hè Thu và Đông Xuân cho các vùng Lăk – Buôn Trấp, Cát tiên – Đahoai - Đatẻ.
- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ thích hợp ở những vùng thường bị ngập úng nặng vụ mùa.
c) Các công trình dự kiến theo quy hoạch:
- Cấp nước: sửa chữa, nâng cấp 364 công trình phục vụ tưới 79.145 ha. Xây dựng mới 1.644 công trình phục vụ tưới 407.776 ha.
- Tiêu úng và chống lũ: xây dựng 35 công trình, vốn đầu tư 7.183 tỷ đồng.
6. Miền Đông Nam bộ
a) Cấp nước và tiêu nước:
- Xây dựng và hoàn thiện các công trình lớn lợi dụng tổng hợp: Tân Mỹ, Tà Pao, Sông Lũy, Phước Hòa, Sông Ray, Võ Đất … phục vụ nông nghiệp, dân sinh, công nghiệp (đặc biệt là cấp nước cho khu tam giác công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh – Bà Rịa – Vũng Tàu – Đồng Nai), phát điện, thủy sản, giảm lũ, cải tạo môi trường.
- Xây dựng các công trình quy mô vừa phục vụ nông nghiệp, sinh hoạt: hồ sông Dinh, Tầm Bó, Suối Cả, Phước Thái, trạm bơm Thiện Tân, cụm hồ Đông Phú, công trình Tân Hưng, hệ thống trạm bơm khu hữu Tây Ninh, trạm bơm Bến Than … và các công trình nhỏ khác.
- Cấp nước cho các hộ kinh tế ven biển nhất là các khu công nghiệp, du lịch, nuôi trồng thủy sản và chống sa mạc hóa.
- Tiêu thoát, chống ngập úng cho thành phố Hồ Chí Minh.
- Nghiên cứu và thực hiện giải pháp vận hành liên thông hồ chứa.
- Đẩy nhanh việc xây dựng các công trình lớn lợi dụng tổng hợp trên các dòng chính: Đồng Nai 3, Đồng Nai 4, La Ngà 3…
- Khai thác hợp lý nguồn nước ngầm phục vụ công nghiệp, dân sinh, tưới cây trồng cạn.
b) Phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai:
Xây dựng hoàn chỉnh tuyến đê, kè bảo vệ các thành phố, thị xã, khu dân cư tập trung.
c) Quản lý và bảo vệ nguồn nước:
- Kiện toàn và phát huy vai trò của Ban quản lý quy hoạch thủy lợi sông Đồng Nai.
d) Các công trình dự kiến theo quy hoạch:
- Cấp nước: sửa chữa, nâng cấp 259 công trình, xây dựng mới 802 công trình trên các sông suối nhỏ phục vụ tưới cho 342.082 ha, cấp nước 919.600m3/ngày đêm, phát điện 451MW.
- Tiêu úng và chống lũ: đầu tư xây dựng 138 công trình phục vụ tiêu, ngăn mặn cho 153.128 ha. Nâng cấp, xây dựng mới 203,32km đê, 54 công trình kè ven biển.
7. Vùng đồng bằng sông Cửu Long.
a) Cấp nước và tiêu nước:
Vùng không bị ngập lũ:
Tiếp tục thực hiện chương trình ngọt hóa kết hợp với phát triển thủy sản, gắn với giao thông thủy bộ và phát triển nông thôn:
- Hoàn chỉnh hệ thống phân vùng, phân ranh mặn ngọt trên cơ sở phương hướng sử dụng đất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
- Xây dựng, nạo vét các kênh trục tạo nguồn dẫn nước ngọt từ sông Tiền, sông Hậu, đồng thời xây dựng các cống, đê biển ngăn mặn, từng bước đưa nước ngọt về các vùng chưa được ngọt hóa như các huyện ven biển Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Cà Mau.
- Nghiên cứu xây dựng hệ thống cống ngăn mặn giữ ngọt trên sông Cái Lớn, Cái Bé, Vàm Cỏ. Nghiên cứu phương án cấp ngọt chủ động cho vùng bán đảo Cà Mau đáp ứng nhu cầu nước ngày càng cao của các ngành kinh tế xã hội.
- Hoàn thiện hệ thống ngọt hóa cho các vùng Gò Công, Ba Lai, nam Măng Thít, Quản Lộ - Phụng Hiệp mở rộng, Ô Môn – Xà No (sau khi tổng kết Quyết định số 99/TTg);
- Cải tạo và phát triển hệ thống tiêu thoát, chống ngập úng cho thành phố Cần Thơ, Vĩnh Long, Cà Mau và các thành phố khác trong đồng bằng.
- Nghiên cứu, bố trí các hệ thống thủy lợi phù hợp với đặc thù của các vùng có điều kiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nhất là phát triển lúa – tôm lúa.
Vùng ngập lũ:
- Vùng ngập sâu: phát triển hệ thống công trình phục vụ tưới, tiêu, cấp nước sinh hoạt, bảo vệ môi trường cho các khu dân cư, trường học, bệnh xá, khu thị xã, thị trấn, thị tứ và những khu đông dân tùy điều kiện từng vùng để đảm bảo an toàn, vệ sinh, đặc biệt là trong mùa lũ.
- Vùng ngập nông: phát triển hệ thống công trình chủ động kiểm soát tưới, tiêu để phục vụ sản xuất cả năm.
b) Phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai:
Định hướng chung cho toàn vùng:
- Củng cố và phát triển hệ thống thoát lũ vùng tứ giác Long Xuyên ra biển Tây, hệ thống công trình chống lũ ở vùng giữa sông Tiền và sông Hậu. Hoàn chỉnh hệ thống kiểm soát lũ từ Campuchia vào Việt Nam, tăng cường hệ thống thoát lũ vùng Đồng Tháp Mười ra sông Tiền và sông Vàm Cỏ Tây nhằm ngăn lũ sớm, đảm bảo an toàn thu hoạch lúa hè thu, đồng thời thoát lũ nhanh để kịp xuống giống vụ Đông Xuân. Hoàn chỉnh quy hoạch bố trí xây dựng các cụm dân cư vượt lũ để ổn định dân sinh ở các vùng ngập lũ.
Vùng ngập sâu:
- Tiếp tục củng cố và xây dựng các tuyến bờ kênh, các cụm tuyến dân cư để bảo vệ an toàn tính mạng người dân trong mùa lũ.
- Phát triển hệ thống kiểm soát lũ đi đôi với hệ thống kiểm soát tưới, tiêu, cấp nước sinh hoạt, bảo vệ môi trường, phát triển thủy sản vùng ngập lũ: xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống kiểm soát lũ vùng tứ giác Long Xuyên, vùng Đồng Tháp Mười. Củng cố hệ thống bờ bao, cống ở vùng ngập sâu đảm bảo kịp thời thu hoạch lúa hè thu và diện tích lúa 3 vụ.
- Xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi để đảm bảo chủ động nguồn nước khi thiếu nước và tiêu nước khi lũ muộn, kéo dài.
- Cải tạo luồng lạch, tăng cường khả năng thoát lũ, tạo các vùng hồ sinh thái.
Vùng ngập nông:
- Xây dựng hệ thống bờ bao kiểm soát lũ triệt để nhằm bảo vệ an toàn vùng sản xuất lúa, vùng cây ăn quả và cây công nghiệp ngắn ngày.
- Xây dựng hệ thống thủy lợi gắn với giao thông thủy bộ và phát triển nông thôn.
Chỉnh trị sông: nghiên cứu, áp dụng biện pháp xử lý tình trạng sạt lở bờ sông Tiền, sông Hậu và một số vùng bờ biển. Sớm di chuyển dân khỏi nơi sạt lở nghiêm trọng.
c) Quản lý và bảo vệ nguồn nước:
- Thiết lập mạng lưới quan trắc tiên tiến, hiện đại về chất lượng, số lượng nước trong các hệ thống thủy lợi: Nam Măng Thít, Quản Lộ - Phụng Hiệp, Ô Môn – Xà No, Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên.
- Xây dựng các phương án cấp nước và vệ sinh nông thôn, đặc biệt trong vùng ngập lũ.
- Lập các tổ chức quản lý thích hợp và xây dựng quy chế vận hành các hệ thống lớn như Tứ Giác Long Xuyên, Quản Lộ - Phụng Hiệp, Nam Măng Thít, Đồng Tháp Mười, Ô Môn – Xà No, Ba Lai, Trà Sư – Tha La.
- Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển thủy lợi đồng bằng sông Cửu Long thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu và sử dụng nước ở các nước thượng lưu.
- Bố trí cây trồng và vật nuôi phù hợp với điều kiện từng vùng.
d) Các công trình dự kiến theo quy hoạch:
- Tưới tiêu, cấp nước, ngăn mặn, cải tạo đất.
Vùng tả sông Tiền
Tiểu vùng Nam kênh Nguyễn Văn Tiếp: nạo vét kênh Bảo Định, kênh Xuân Hòa, kênh đường 14 phục vụ tưới, tiêu cho khu Bảo Định, Gò Công. Nạo vét, hoàn chỉnh bờ bao chống lũ hai bờ kênh các kênh trục nối sông Tiền với kênh Nguyễn Văn Tiếp phục vụ tưới, tiêu, thoát lũ.
Tiểu vùng Bắc kênh Nguyễn Văn Tiếp: nạo vét, nâng cấp kênh Sở Hạ - Cái Cỏ - Long Khốt, Tân Thành – Lò Gạch, Hồng Ngự, An Bình, Đồng Tiến – La Grange, kênh 79, An Phong – Mỹ Hòa – Bắc Đông và kênh Nguyễn Văn Tiếp phục vụ tưới, tiêu. Nạo vét kênh trục tiểu khu Tứ Thường để tưới, tiêu, thoát lũ ra sông Tiền.
Vùng giữa hai sông Vàm Cỏ: lấy nước từ Vàm Cỏ Tây (do kênh Hồng Ngự chuyển nước từ sông Tiền vào). Nạo vét, xây mới các kênh 61 – Bo Bo và các kênh ngang nối hai sông Vàm Cỏ phục vụ tưới tiêu nội đồng.
Xây dựng các kênh cấp 2, 3 phục vụ tưới, tiêu, thoát lũ, cải tạo đất phèn.
Tiếp tục xây dựng các cống ngăn mặn, cấp nước và tiêu thoát nước ven sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây.
Xây dựng các hồ sinh thái Lộ Mới (Tân Phước), Láng Sen (Mộc Hóa) và Chàm Chim (Tam Nông) để bảo vệ môi trường sinh thái, cải tạo tiểu khí hậu, giữ ấm và cung cấp nước trong mùa khô cho vùng Đồng Tháp Mười.
Vùng giữa sông Tiền – sông Hậu
Tiểu vùng Bắc Mang Thít: chống lũ cả năm cho khu vực từ kênh Mang Thít đến kênh Vĩnh An, nạo vét các kênh cấp 1, 2 nối sông Tiền và sông Hậu cấp nước tưới, tiêu, thoát lũ. Xây dựng các bờ bao bảo vệ vườn cây ăn trái và cải tạo hệ thống nội đồng phục vụ nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Chống lũ tháng 8 cho khu phía trên kênh Vĩnh An, xây dựng hệ thống bờ bao chống lũ, kênh mương nội đồng cấp nước tưới, tiêu đảm bảo sản xuất hai vụ Đông Xuân và Hè Thu.
Tiểu vùng Nam Mang Thít: tiếp tục triển khai các dự án đã được duyệt, cải tạo các cống một chiều thành cống 2 chiều nhằm nâng cao khả năng lấy nước ngọt, tăng mực nước ngầm, hạn chế phèn, phục vụ nuôi trồng thủy sản.
Tiểu vùng Bến Tre: khu Mỏ Cầy – Thạnh Phú: nạo vét các sông trục, hoàn chỉnh bờ bao kiểm soát lũ, xây dựng cống nội đồng phục vụ sản xuất, cây ăn trái khu ngọt hóa phía Bắc rạch Mỏ Cày. Nam rạch Mỏ Cầy tới đê Thạnh Phú xây dựng đê Nam Thạnh Phú, cống ngăn mặn dọc sông Cổ Chiên, Hàm Luông và công trình nội đồng dẫn nước tưới tiêu. Phía Đông đê Thạnh Phú xây dựng hệ thống công trình thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản; khu Giồng Trôm – Ba Tri – Bình Đại: phía Bắc kênh Giao Hòa – Chẹt Sậy là khu vực ngọt lợ, nạo vét thượng nguồn sông Ba Lai và xây dựng hệ thống đê, cống, công trình nội đồng phục vụ cây ăn trái và sản xuất 2 vụ lúa + 1 màu. Phía nam kênh Giao Hòa – Chẹt Sậy đến đê Bình Đại xây dựng hệ thống đê, cống kiểm soát mặn dọc sông cửa Đại, Hàm Luông. Xây dựng các cống, âu thuyền Bến Tre, Giao Hòa phục vụ phát triển cây ăn trái và sản xuất 2 vụ lúa + 1 màu. Phía đông đê Ba Tri, Bình Đại xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản.
Vùng Tứ giác Long Xuyên
Cải tạo nâng cấp, xây mới các kênh trục, kênh cấp 1 để dẫn nước tưới, tiêu, thoát lũ và lấy phù sa thau chua rửa phèn cải tạo đất.
Khu vực ven biển Rạch Giá – Hà Tiên được kiểm soát mặn bằng các cống và kênh ven biển. Xây dựng cống Vàm Răng để kiểm soát mặn.
Vùng bán đảo Cà Mau
Xây dựng hệ thống phân ranh giới mặn ngọt Quản Lộ - Phụng Hiệp.
Nạo vét mở rộng các kênh trục, kênh cấp 1 cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Sử dụng đất đắp bờ bao kết hợp giao thông nông thôn.
Xây dựng các cống bờ nam sông Gành Hào thuộc địa phận tỉnh Cà Mau.
Xây dựng các cống ven sông Cái Lớn – Cái Bé và bờ bắc sông Ông Đốc.
Xây dựng các cống ven sông Hậu đoạn từ Đại Ngải đến Rạch Vọp phục vụ cấp nước, ngăn mặn tiêu nước.
Củng cố hệ thống cống, đê bao các khu rừng U Minh Thượng, U Minh Hạ để trữ nước.
Hoàn chỉnh bờ bao, xây dựng cống và kênh cấp 2, 3 để cấp, tiêu nước khu vực ven sông Hậu.
Xây dựng hệ thống công trình thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản cho vùng nuôi trồng thủy sản nước lợ.
Xây dựng công trình kiểm soát triều, ngăn mặn, trữ ngọt, tiêu thoát nước trên sông Cái Lớn, Cái Bé.
- Phòng, chống lũ và giảm nhẹ thiên tai.
Vùng Tứ giác Long Xuyên
Tiếp tục xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống công trình kiểm soát lũ, gồm: xây dựng tuyến đê ngăn lũ tràn qua biên giới từ Ba Chúc đến đầu kênh Hà Giang. Tiếp tục xây dựng các công trình kiểm soát lũ đầu các kênh: kênh Mới, T5, T4, T3, T2, Nông Trường …; cải tạo, nâng cấp và xây mới các kênh trục, kênh cấp 1, 2 làm nhiệm vụ dẫn nước tưới, tiêu và thoát lũ ra biển Tây; xây dựng các cống ven sông Hậu, đầu các kênh trục làm nhiệm vụ ngăn, tiêu lũ phía sông Hậu và trữ nước trong mùa khô. Xây dựng các công trình chống lũ bảo vệ các thành phố, thị xã và các cụm tuyến dân cư.
Vùng Tây sông Hậu
Kiểm soát lũ từ sông Hậu để chủ động lấy phù sa. Tiêu nước ra sông Cái Lớn bằng công trình ngăn triều, tiêu nước ven sông Cái Lớn.
Xây dựng hệ thống công trình kiểm soát lũ cả năm cho nội đồng bao gồm: bao đê bảo vệ theo ô quy mô vừa và nhỏ cho tiểu vùng Cần Thơ – Long Mỹ. Bao đê bảo vệ theo ô nhỏ vùng phía đông Quốc lộ 91, bao đê bảo vệ theo 3 khu vực Cái Sắn – Thốt Nốt, Thốt Nốt – Ô Môn và Ô Môn – Xà No cho vùng phía Tây Quốc lộ 91 thuộc tiểu vùng Cái Sắn – Xà No.
Vùng Đồng Tháp Mười
Xây dựng tuyến ngăn lũ, kiểm soát lũ bờ nam kênh Tân Thành – Lò Gạch, kết hợp bố trí dân cư thành tuyến phòng thủ biên giới. Mở rộng các cửa thoát lũ kết hợp làm cầu cạn để thoát lũ ra sông Tiền trên tuyến đường Nam Sở Thượng. Nạo vét mở rộng kênh Tân Thành – Lò Gạch. Xây dựng cống dưới đê để kiểm soát lũ và lấy nước.
Nạo vét và mở rộng các kênh trục, kênh ven sông Tiền để tăng khả năng thoát lũ ra sông Tiền, hình thành các bờ kiểm soát lũ theo hai bờ các kênh trục.
Nạo vét mở rộng kênh trục Bo bo và các kênh nối hai sông Vàm Cỏ, hình thành các ô khép kín phục vụ sản xuất cây công nghiệp như mía, dứa, chuối….
Xây dựng hệ thống đê bao và cống dưới đê bảo vệ các thị trấn, trung tâm xã và các tuyến dân cư trong mùa lũ.
Vùng giữa sông Tiền sông Hậu
Vùng Bắc kênh Vĩnh An chống lũ tháng VIII, vùng từ kênh Vĩnh An đến kênh Măng Thít kiểm soát lũ cả năm. Diện tích bao các ô khoảng từ 200 – 1.000 ha tùy theo từng vùng./.
Quyết định 1590/QĐ-TTg năm 2009 về việc phê duyệt định hướng chiến lược phát triển thủy lợi Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 1590/QĐ-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 09/10/2009
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Sinh Hùng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 485 đến số 486
- Ngày hiệu lực: 09/10/2009
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực