Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
THANH TRA CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1586/2008/QĐ-TTCP | Hà Nội, ngày 06 tháng 08 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG CỦA VĂN PHÒNG THANH TRA CHÍNH PHỦ
TỔNG THANH TRA
Căn cứ Luật Thanh tra ngày 15 tháng 6 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 65/2008/NĐ-CP ngày 20 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ và Chánh văn phòng Thanh tra Chính phủ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức, hoạt động của Văn phòng Thanh tra Chính phủ”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 819/QĐ-TTCP ngày 25 tháng 4 năm 2007 của Tổng Thanh tra ban hành Quy định về tổ chức và hoạt động của Văn phòng Thanh tra Chính phủ.
Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TỔNG THANH TRA |
QUY ĐỊNH
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG CỦA VĂN PHÒNG THANH TRA CHÍNH PHỦ
(Ban hành kèm theo Quyết định số:1586/2008/QĐ-TTCP ngày 06 tháng 8 năm 2008 của Tổng thanh tra)
Chương I.
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, NGUYÊN TẮC LÀM VIỆC
Điều 1. Vị trí và chức năng
Văn phòng Thanh tra Chính phủ là đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ, có chức năng giúp Tổng Thanh tra về công tác tham mưu, tổng hợp hoạt động của Thanh tra Chính phủ và toàn ngành Thanh tra; điều phối hoạt động của các vụ, cục, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ theo chương trình, kế hoạch công tác; là đầu mối xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; tổ chức thực hiện công tác thông tin, hành chính, văn thư, lưu trữ, tài chính, quản trị, phục vụ đảm bảo các hoạt động của cơ quan Thanh tra Chính phủ theo yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Thanh tra.
Văn phòng có con dấu riêng để giao dịch theo quy định của pháp luật.
Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn
1. Chủ trì việc tổng hợp, xây dựng chương trình, kế hoạch dài hạn, hàng năm và các chương trình kế hoạch khác về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ; đôn đốc, kiểm tra các Vụ, Cục, đơn vị thực hiện chương trình, kế hoạch công tác đã được Tổng Thanh tra phê duyệt.
2. Thực hiện chế độ thông tin, tổng hợp, báo cáo:
a) Tổng hợp, báo cáo kết quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng và các công tác khác thuộc chức năng nhiệm vụ được giao theo quy định của Thanh tra Chính phủ;
b) Giúp Tổng Thanh tra thực hiện chế độ thông tin, báo cáo của thành viên Chính phủ theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ và Quy chế làm việc của Chính phủ;
c) Giúp lãnh đạo Thanh tra Chính phủ trong việc cung cấp thông tin về hoạt động của Thanh tra Chính phủ cho các cơ quan thông tin đại chúng, các tổ chức, cá nhân.
3. Giúp lãnh đạo Thanh tra Chính phủ: Lập chương trình, lịch làm việc hàng ngày, hàng tuần; chuẩn bị nội dung, chương trình các cuộc họp, buổi làm việc, ghi biên bản và thông báo, kết luận của lãnh đạo; thẩm định các văn bản, hồ sơ của các Vụ, Cục, đơn vị trình lãnh đạo Thanh tra Chính phủ giải quyết công việc; chủ trì việc chuẩn bị các bài viết, trả lời phỏng vấn của báo, đài, tạp chí, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, kiến nghị của cử tri thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Thanh tra Chính phủ theo sự chỉ đạo của Tổng thanh tra.
4. Thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học theo sự phân công của Tổng Thanh tra.
5. Tổ chức quản lý và hướng dẫn thực hiện công tác hành chính, văn thư, lưu trữ; Quản lý con dấu của cơ quan Thanh tra Chính phủ và của Văn phòng theo pháp luật và quy định của Tổng Thanh tra.
6. Là đầu mối của Thanh tra Chính phủ trong việc tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân; tổ chức nghiên cứu xử lý, phân loại theo quy định của Luật khiếu nại, tố cáo; tổng hợp báo cáo và đề xuất với Tổng Thanh tra hướng xử lý những đơn thư thuộc thẩm quyền; theo dõi, đôn đốc các đơn vị được Tổng Thanh tra giao xem xét, giải quyết.
7. Là đầu mối giao dịch với các cơ quan, tổ chức, cá nhân bên ngoài cơ quan; Tổ chức, phục vụ các cuộc họp, hội nghị, hội thảo của Thanh tra Chính phủ.
8. Đảm bảo an toàn, trật tự, kỷ cương trong cơ quan; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Quy chế làm việc của Thanh tra Chính phủ, Nội quy làm việc, Quy chế văn hoá công sở của cơ quan Thanh tra Chính phủ.
9. Giúp Tổng thanh tra xây dựng và trình Chính phủ dự toán ngân sách hàng năm của Thanh tra Chính phủ; quyết định việc phân bổ, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện ngân sách của các đơn vị trực thuộc; kiểm tra các đơn vị sự nghiệp thực hiện công tác quản lý tài chính, kế toán hàng năm.
10. Quản lý cơ sở vật chất, đảm bảo phương tiện và điều kiện làm việc, quản lý tài sản, kinh phí phục vụ hoạt động của cơ quan Thanh tra Chính phủ.
11. Quản lý cán bộ, công chức, hồ sơ, tài liệu, tài sản được giao theo pháp luật và quy định của Tổng Thanh tra.
12. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Tổng Thanh tra giao.
Điều 3. Nguyên tắc làm việc
Văn phòng làm việc theo chế độ thủ trưởng, đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật; đề cao trách nhiệm và kỷ luật cá nhân, phát huy năng lực, sở trường, tính chủ động, sáng tạo trong công tác của mọi cán bộ, công chức và hiệu quả hoạt động của Văn phòng.
Chương II.
TỔ CHỨC BỘ MÁY, TRÁCH NHIỆM, PHẠM VI GIẢI QUYẾT CÔNG VIỆC
Điều 4. Cơ cấu tổ chức và biên chế
1. Cơ cấu tổ chức của Văn phòng gồm:
a) Lãnh đạo Văn phòng có Chánh văn phòng và các Phó chánh văn phòng.
b) Các đơn vị trực thuộc Văn phòng:
+ Phòng Hành chính;
+ Phòng Tổng hợp;
+ Phòng Xử lý đơn thư;
+ Phòng Tài vụ;
+ Phòng Quản trị;
+ Đội xe.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn của các phòng và Đội xe do Chánh văn phòng quy định.
3. Biên chế của Văn phòng do Tổng Thanh tra quyết định theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Chánh Văn phòng.
Điều 5. Trách nhiệm, phạm vi giải quyết công việc của Chánh văn phòng
1. Lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Văn phòng theo quy định tại Điều 2 của Quy định này và những công việc do lãnh đạo Thanh tra Chính phủ giao; chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Tổng Thanh tra về kết quả thực hiện công việc được giao.
2. Phân công và kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của các Phó văn phòng, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc và cán bộ, công chức thuộc Văn phòng.
3. Thực hiện nhiệm vụ Người phát ngôn chính thức của Thanh tra Chính phủ.
4. Chánh Văn phòng được Tổng Thanh tra uỷ nhiệm làm chủ tài khoản của cơ quan Thanh tra Chính phủ và chịu trách nhiệm về việc quản lý, thực hiện chế độ chi tiêu tài chính của cơ quan Thanh tra Chính phủ.
5. Phối hợp với Thủ trưởng các đơn vị khác thuộc Thanh tra Chính phủ để xử lý những vấn đề có liên quan đến những công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng và thực hiện nhiệm vụ chung của cơ quan theo quy định tại Quy chế làm việc của Thanh tra Chính phủ.
6. Quản lý cán bộ, công chức thuộc Văn phòng theo quy định của pháp luật và phân cấp của Tổng Thanh tra; duy trì kỷ luật công tác, quản lý, đánh giá và thực hiện công tác thi đua khen thưởng, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức của Văn phòng; xây dựng và thực hiện quy hoạch cán bộ, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trong Văn phòng.
7. Chịu trách nhiệm về việc quản lý và sử dụng con dấu của Văn phòng, con dấu của cơ quan Thanh tra Chính phủ; quản lý, sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm kinh phí, phương tiện trang thiết bị của Văn phòng và của Thanh tra Chính phủ.
8. Thực hiện nhiệm vụ được Tổng Thanh tra ủy quyền giải quyết; ký thừa lệnh khi được ủy quyền một số văn bản thuộc thẩm quyền của Tổng Thanh tra theo quy định tại Quy chế làm việc của Thanh tra Chính phủ; ký giấy đi đường cho cán bộ, công chức của cơ quan đi công tác và các văn bản hành chính thuộc phạm vi trách nhiệm của Văn phòng.
9. Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định của Thanh tra Chính phủ. Báo cáo kịp thời với lãnh đạo Thanh tra Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác và kiến nghị các vấn đề cần giải quyết, những vấn đề về cơ chế, chương trình, kế hoạch cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của Thanh tra Chính phủ.
10. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Tổng Thanh tra giao.
Điều 6. Trách nhiệm, phạm vi giải quyết công việc của các Phó chánh văn phòng
1. Giúp Chánh Văn phòng quản lý, điều hành công việc của Văn phòng; trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra hoạt động của một số phòng, lĩnh vực công tác theo sự phân công của Chánh Văn phòng. Khi cần thiết một Phó chánh Văn phòng được Chánh Văn phòng uỷ nhiệm điều hành các hoạt động của Văn phòng.
2. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong phạm vi được Chánh Văn phòng phân công và ủy quyền; Thực hiện chế độ báo cáo đối với Chánh Văn phòng về tình hình và kết quả thực hiện nhiệm vụ được phân công.
3. Chịu trách nhiệm cá nhân trước Chánh Văn phòng, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ và pháp luật về ý kiến đề xuất, tiến độ, chất lượng, hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ; về nội dung, hình thức, thể thức, trình tự, thủ tục ban hành văn bản và quy trình giải quyết công việc được giao.
5. Ký thay Chánh văn phòng các văn bản được Chánh văn phòng phân công, uỷ quyền.
Điều 7. Trách nhiệm, phạm vi giải quyết công việc của Trưởng phòng, Phó trưởng phòng
1. Trưởng phòng, Đội trưởng Đội xe (sau đây gọi chung là Trưởng phòng) là người trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành hoạt động của Phòng, Đội xe và chịu trách nhiệm trước Chánh Văn phòng, trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Phòng, Đội xe và việc thực hiện nhiệm vụ được giao.
2. Phó trưởng phòng, Đội phó Đội xe (sau đây gọi chung là Phó trưởng phòng) là người giúp Trưởng phòng và chịu trách nhiệm trước Trưởng phòng, Lãnh đạo Văn phòng và pháp luật về lĩnh vực công tác được phân công; thực hiện các nhiệm vụ khác do lãnh đạo Văn phòng trực tiếp giao. Khi cần thiết được Trưởng phòng uỷ nhiệm điều hành các hoạt động của Phòng.
3. Nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Trưởng phòng, Phó trưởng phòng thuộc Văn phòng do Chánh Văn phòng quy định.
Điều 8. Trách nhiệm, phạm vi giải quyết công việc của cán bộ, công chức thuộc Văn phòng
1. Chấp hành kỷ luật lao động, các quy định của Thanh tra Chính phủ và của Văn phòng.
2. Chủ động nghiên cứu, tham mưu về lĩnh vực chuyên môn được phân công đảm nhiệm; giải quyết công việc được giao theo đúng trình tự, thủ tục, thời hạn quy định. Kịp thời báo cáo với người phụ trách trực tiếp khi có vướng mắc hoặc phát sinh những vấn đề mới trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
3. Chấp hành kỷ luật phát ngôn, Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức ngành Thanh tra, Nội quy làm việc, Quy chế văn hoá công sở của cơ quan Thanh tra Chính phủ; thực hiện chế độ báo cáo, chế độ quản lý hồ sơ, tài liệu theo quy định của Thanh tra Chính phủ. Chịu trách nhiệm cá nhân trước Trưởng phòng, trước Chánh Văn phòng và trước pháp luật về ý kiến đề xuất, tiến độ, chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ.
Chương III.
QUAN HỆ CÔNG TÁC
Điều 9. Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Thanh tra Chính phủ
Văn phòng chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tổng Thanh tra, các Phó Tổng Thanh tra; thực hiện nghiêm túc các ý kiến chỉ đạo, báo cáo đầy đủ và kịp thời về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao.
Điều 10. Quan hệ với các đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ
1. Quan hệ giữa Văn phòng với các Vụ, Cục, Vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ là quan hệ phối hợp, trao đổi, hỗ trợ lẫn nhau để hoàn thành nhiệm vụ.
2. Việc phối hợp với các Vụ, Cục, đơn vị khác trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được thực hiện theo quy định tại Quy chế làm việc của Thanh tra Chính phủ do Tổng Thanh tra ban hành.
Điều 11. Quan hệ công tác với Thanh tra bộ, ngành, địa phương
1. Hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc Thanh tra các bộ, ngành địa phương thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo.
2. Báo cáo, phản ánh kịp thời với Tổng Thanh tra hoặc Phó Tổng thanh tra phụ trách về các yêu cầu, kiến nghị của Thanh tra các bộ, ngành địa phương để lãnh đạo Thanh tra Chính phủ xem xét, giải quyết.
Điều 12. Quan hệ giữa lãnh đạo Văn phòng với cấp ủy và lãnh đạo các đoàn thể của Văn phòng
1. Lãnh đạo Văn phòng tạo điều kiện để tổ chức Đảng và các đoàn thể hoạt động theo đúng Điều lệ, tôn chỉ, mục đích; phối hợp với cấp uỷ Đảng và lãnh đạo các đoàn thể tạo điều kiện để đảng viên, cán bộ, công chức trong Văn phòng học tập nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ; bảo đảm thực hiện Quy chế dân chủ trong hoạt động của cơ quan, xây dựng nền nếp văn hoá công sở, kỷ luật hành chính.
2. Lãnh đạo Văn phòng có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin về hoạt động công tác của Văn phòng và các quyền lợi của cán bộ, công chức cho cấp uỷ Đảng, lãnh đạo các đoàn thể; tham khảo ý kiến của cấp uỷ, lãnh đạo các đoàn thể trước khi quyết định những vấn đề về biện pháp phối hợp lãnh đạo, giáo dục chính trị tư tưởng, bảo vệ nội bộ, tăng cường mối đoàn kết, chăm lo đời sống của cán bộ, công chức trong Văn phòng; về công tác tổ chức cán bộ trong Văn phòng.
Chương IV.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 13. Trách nhiệm thi hành
1. Chánh Văn phòng, các Phó chánh Văn phòng, Trưởng phòng, Phó trưởng phòng và toàn thể cán bộ, công chức thuộc Văn phòng có trách nhiệm thực hiện Quy định này.
2. Những nội dung khác có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức hoạt động của Văn phòng mà chưa được thể hiện trong Quy định này thì thực hiện theo Quy chế làm việc của Thanh tra Chính phủ và các văn bản pháp luật hiện hành.
3. Căn cứ vào các quy định hiện hành và Quy định này, Chánh Văn phòng có trách nhiệm xây dựng, ban hành Quy chế làm việc của đơn vị mình để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.
Điều 14. Sửa đổi, bổ sung Quy định
Quá trình thực hiện Quy định này nếu có vướng mắc phát sinh thì Chánh Văn phòng phối hợp với Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ tổng hợp, nghiên cứu đề xuất kịp thời với Tổng Thanh tra để sửa đổi, bổ sung, bảo đảm Quy định đáp ứng yêu cầu công tác của Văn phòng và của Thanh tra Chính phủ./.
Quyết định 1586/2008/QĐ-TTCP về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức, hoạt động của Văn phòng Thanh tra Chính phủ do Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 1586/2008/QĐ-TTCP
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 06/08/2008
- Nơi ban hành: Thanh tra Chính phủ
- Người ký: Trần Văn Truyền
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra