Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 157/QĐ-UBND | Bình Dương, ngày 18 tháng 01 năm 2018 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Nghị quyết số 32/NQ-HĐND ngày 15 tháng 12 năm 2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương về việc điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành nông, lâm, ngư nghiệp tỉnh Bình Dương đến năm 2020, bổ sung quy hoạch đến năm 2025;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 03/TTr-SKHĐT ngày 10 tháng 01 năm 2018,
QUYẾT ĐỊNH:
- Phát triển sản xuất nông nghiệp phải thực sự khai thác có hiệu quả các nguồn lực; trong đó, ưu tiên khai thác các nguồn tài nguyên vô hạn là: công nghệ, tri thức, thương hiệu… Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện tạo ra sản phẩm hàng hóa có sức cạnh tranh cao; phát huy tiềm năng, lợi thế của các vùng sinh thái, từng ngành hàng mà tỉnh Bình Dương có thế mạnh, nâng cao mức sống người lao động, góp phần xây dựng nông thôn mới.
- Phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái gắn với công nghiệp chế biến.
- Phát triển nông nghiệp ở Bình Dương giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng tới năm 2025 phải phù hợp với quan điểm tăng trưởng xanh của cả nước và vùng Đông Nam Bộ. Phát triển nông nghiệp theo hướng sạch, bền vững, nông nghiệp hữu cơ và áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, GlobalGAP… trên một số cây trồng, vật nuôi, thủy sản nuôi.
- Động lực chính thúc đẩy phát triển nông nghiệp tỉnh Bình Dương là xây dựng chuỗi giá trị hàng hóa bền vững để qua đó ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất gắn với đào tạo sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, đồng thời coi trọng việc xây dựng kinh tế trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp và kinh tế hợp tác theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mở rộng hợp tác liên kết trong chuỗi giá trị hàng hóa một cách bền vững.
a) Mục tiêu chung
Phát triển nông nghiệp với nhiều thành phần kinh tế; phát triển toàn diện và bền vững; xây dựng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ứng phó tốt với biến đổi khí hậu; tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái. Tập trung phát triển các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực theo hướng sản xuất hàng hóa lớn đạt năng suất chất lượng cao, an toàn, hiệu quả và có khả năng cạnh tranh, tăng giá trị và lợi nhuận trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp; gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ, công nghiệp chế biến và quá trình đô thị hóa.
b) Mục tiêu cụ thể
- Giai đoạn 2016 - 2020: Giá trị sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản tăng bình quân 3,5% - 4,0%/năm. Trong đó, nông nghiệp 3,5% - 4,0%/năm, lâm nghiệp 4,5% - 5,0%/năm, thủy sản 1,5% - 2,0%/năm. Cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp gồm: trồng trọt (46,0% - 46,5%) - chăn nuôi (48,5% - 49,0%) - dịch vụ nông nghiệp (4,5% - 5,0%).
- Giai đoạn 2021 - 2025: Giá trị sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,5% - 3,0%/năm. Trong đó, nông nghiệp 2,5%-3,0%/năm, lâm nghiệp 4,5% - 5,0%/năm, thủy sản 2,0% - 2,5%/năm. Cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp gồm: trồng trọt (45,5% - 46%) - chăn nuôi (49,0% - 49,5%) - dịch vụ nông nghiệp (5,0% -5,5%).
- Tỷ lệ che phủ rừng, cây lâm nghiệp, cây công nghiệp lâu năm đạt 57,5% và ổn định đến năm 2025.
- Đến năm 2020, xây dựng 12 chuỗi liên kết an toàn vệ sinh thực phẩm. Đến năm 2025, xây dựng thêm 15 chuỗi liên kết an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 25% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh; đến năm 2025 tỷ lệ này là 30%.
- Đến năm 2020, có 10% diện tích đất trồng nông sản thực phẩm được chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), đến năm 2025 tỷ lệ này là 20%.
- Đến năm 2020, có 15% số trang trại chăn nuôi được cấp chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAHP), đến năm 2025 tỷ lệ này là 30%.
- Đến năm 2020, có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, có thêm 2 - 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới hoặc hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Đến năm 2025, 100% huyện, thị đạt chuẩn nông thôn mới.
3.1. Định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực chủ yếu
a) Nông nghiệp
Xây dựng nền nông nghiệp phát triển với mục tiêu coi trọng chất lượng và hiệu quả, thân thiện với môi trường, gắn sản lượng nông sản với công nghiệp chế biến và kết nối chặt chẽ với thị trường; xây dựng các vùng sản xuất tập trung với các cây trồng vật nuôi là hàng hóa chủ lực của tỉnh; trên cơ sở sử dụng tối ưu các nguồn tài nguyên, đưa nhanh tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất. Đặc biệt coi trọng xây dựng các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái đô thị, nông nghiệp hữu cơ nhằm tạo đột phá trong phát triển trồng trọt, chăn nuôi hàng hóa đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế.
b) Lâm nghiệp
Bảo vệ và phát triển rừng phải dựa trên nền tảng quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên rừng, bảo đảm an ninh môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, thực hiện hiệu quả chức năng phòng hộ, giảm nhẹ thiên tai, giữ nguồn nước. Phát triển lâm nghiệp phải gắn với các chương trình phát triển kinh tế, xã hội chung của tỉnh, đặc biệt là đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế lâm nghiệp theo hướng hàng hóa gắn chặt với thị trường, mở rộng liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp và các thành phần kinh tế tham gia đầu tư bảo vệ rừng, kinh doanh rừng, bao tiêu sản phẩm, tạo nguồn thu thông qua các dịch vụ môi trường rừng. Sử dụng đất lâm nghiệp đúng mục đích và tối ưu tài nguyên động thực vật cũng như cảnh quan vốn có của rừng, phát triển sản xuất lâm nghiệp bền vững về môi trường, xã hội và kinh tế. Thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng đi đôi với việc nâng cao năng suất chất lượng rừng theo đúng Luật Bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, gìn giữ nguồn gen động thực vật quý hiếm kết hợp với du lịch sinh thái, khai thác tiềm năng phát triển du lịch khu vực rừng phòng hộ Núi Cậu-Dầu Tiếng. Đảm bảo sản xuất, kinh doanh rừng đúng mục đích và đạt hiệu quả để người làm lâm nghiệp có thu nhập ổn định và có thể làm giàu từ tài nguyên rừng.
c) Thủy sản
Sử dụng hiệu quả diện tích mặt nước ở các thủy vực (ao, mương vườn, hồ, sông, suối,…) phát triển nuôi các loại thủy sản, thủy đặc sản bằng phương thức bán thâm canh, thâm canh và quảng canh cải tiến thích hợp với môi trường nước và sản phẩm phải có thị trường tiêu thụ ổn định; phát triển các mô hình nuôi thủy sản phù hợp với nông nghiệp đô thị ở các thành phố, thị xã vùng phía Nam; đặc biệt coi trọng công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản kết hợp khai thác hợp lý, bảo vệ môi trường sinh thái.
3.2. Phân vùng phát triển nông nghiệp
a)Vùng phía Nam
Tổng diện tích 68.877 ha bao gồm thành phố Thủ Dầu Một và 04 thị xã: Thuận An, Dĩ An, Bến Cát và Tân Uyên. Phát triển mô hình nông nghiệp đô thị sinh thái, ít sử dụng đất, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Trong đó ưu tiên phát triển các loại hình hoa cây cảnh, mảng xanh đô thị, nuôi trồng sinh vật cảnh ở các vùng lõi đô thị; trồng rau an toàn ứng dụng công nghệ cao, cây ăn quả đặc sản, nuôi trồng các loại sinh vật cảnh ở các khu vực vành đai. Phân thành các tiểu vùng như sau:
- Tiểu vùng ven sông Sài Gòn, sông Thị Tính: Bao gồm các xã, phường: An Tây, Phú An, An Điền (thị xã Bến Cát); Tân An, Tương Bình Hiệp, Chánh Mỹ, Phú Cường, Chánh Nghĩa, Phú Thọ (thành phố Thủ Dầu Một); An Sơn, An Thạnh, Hưng Định, Bình Nhâm, Lái Thiêu, Vĩnh Phú (thị xã Thuận An), tổng diện tích tự nhiên 16.542 ha, chiếm 24% diện tích tự nhiên toàn vùng. Tiếp tục phát triển các loại hình phù hợp với nông nghiệp đô thị như: Trồng cây ăn quả đặc sản kết hợp phát triển du lịch sinh thái, du lịch làng nghề truyền thống, nghề truyền thống ở ven sông Sài Gòn và sông Thị Tính. Phát triển mạnh các loại hình nuôi thủy đặc sản. Phát huy lợi thế về hoa mai, cây kiểng và nuôi cá cảnh để phát triển nhanh các loại hình này. Duy trì diện tích đất để phát triển loại hình rau an toàn. Từng bước giảm dần diện tích vườn tạp, cây hàng năm khác. Giảm nhanh quy mô đàn các loại vật nuôi như heo, bò, gà để bảo vệ môi trường đô thị.
- Tiểu vùng ven sông Đồng Nai: Bao gồm các xã, phường: Bình An, Bình Thắng, Tân Bình, Tân Đông Hiệp (thị xã Dĩ An); Thạnh Hội, Thái Hòa, Thạnh Phước, Bạch Đằng, Khánh Bình, Tân Hiệp, Uyên Hưng, Hội Nghĩa (thị xã Tân Uyên): tổng diện tích tự nhiên 15.422 ha, chiếm 22,38% diện tích tự nhiên toàn vùng. Định hướng phát triển: Tiếp tục phát triển các loại hình phù hợp với nông nghiệp đô thị như: Loại hình trồng bưởi Bạch Đằng, trồng rau an toàn, rau thủy canh, gây trồng cây kiểng, nuôi cá giống, cá thương phẩm và nuôi thủy đặc sản. Ổn định diện tích lúa, cao su; từng bước giảm dần diện tích vườn tạp, cây hàng năm khác. Giảm nhanh quy mô đàn các loại vật nuôi như heo, bò, gà để bảo vệ môi trường đô thị. Hình thành các điểm du lịch ở Châu Thới, Thạnh Hội, Bạch Đằng, Uyên Hưng…
- Tiểu vùng đô thị trung tâm: Bao gồm các xã phường còn lại của 4 thị xã và thành phố Thủ Dầu Một: Tổng diện tích tự nhiên 36.958 ha, chiếm 53,62% diện tích tự nhiên toàn vùng. Định hướng phát triển: Tiếp tục phát triển mạnh các dự án tạo mảng xanh đô thị do các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp và hiệp hội chủ trì. Tiếp tục phát triển mạnh các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với loại hình nông nghiệp đô thị; trong đó, ưu tiên phát triển các loại hình sử dụng ít đất hoặc không sử dụng đất, các loại hình ít hoặc không gây ô nhiễm môi trường.
b) Vùng phía Bắc
Tổng diện tích 200.586 ha bao gồm 04 huyện: Bắc Tân Uyên, Bàu Bàng, Phú Giáo và Dầu Tiếng. Hình thành và phát triển các vùng chuyên canh cao su, cây ăn quả đặc sản, rau an toàn, các vùng chăn nuôi tập trung cho các trang trại, doanh nghiệp với phương thức chăn nuôi công nghiệp; xây dựng nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm theo hướng hiện đại, gắn với việc sơ chế, chế biến; xây dựng các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trồng cây lâm nghiệp theo quy hoạch 03 loại rừng; xây dựng mô hình vườn cây ăn quả đặc sản kết hợp du lịch sinh thái; nuôi thủy sản nước ngọt và thủy đặc sản. Phát triển nông nghiệp đô thị tại các khu đô thị trung tâm (các thị trấn), lan tỏa dần ra các vùng đệm.
- Tiểu vùng phía Đông Bắc: Tổng diện tích 94.474 ha, gồm huyện Phú Giáo và huyện Bắc Tân Uyên, chiếm 47% diện tích tự nhiên toàn vùng. Hình thành vùng chuyên canh cây có múi ở các xã dọc sông Đồng Nai và sông Bé, duy trì diện tích chuyên canh cao su ở những khu vực thích nghi, mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao kế thừa từ hiệu quả hoạt động của các khu nông nghiệp công nghệ cao (cả trồng trọt và chăn nuôi) đã và đang hình thành trên tiểu vùng. Vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi gồm:
+ Huyện Phú Giáo: xã Tam Lập (200 ha); xã Vĩnh Hòa (100 ha); xã Tân Long (50 ha); xã An Bình (50 ha); xã An Thái (200 ha); xã Phước Sang (50 ha); xã An Linh (250 ha); xã An Long (100 ha); xã Tân Hiệp (180 ha) và xã Phước Hòa (50 ha).
+ Huyện Bắc Tân Uyên: xã Tân Lập (50 ha), xã Đất Cuốc (100 ha), xã Tân Định (250 ha), xã Lạc An (50 ha), xã Hiếu Liêm (250 ha), xã Bình Mỹ (300 ha).
- Tiểu vùng phía Tây Bắc: Tổng diện tích 106.112 ha, gồm huyện Bàu Bàng và huyện Dầu Tiếng, chiếm 53% diện tích tự nhiên toàn vùng. Phát triển vùng cây ăn quả tiếp nối tuyến du lịch sinh thái vườn ven sông Sài Gòn và sông Thị Tính từ vùng Nam Bình Dương, ổn định diện tích chuyên canh cao su ở những khu vực thích nghi, phát triển các vùng chăn nuôi tập trung theo hướng ứng dụng công nghệ cao và bảo vệ môi trường, xây dựng mới các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao làm tiền đề lan tỏa ra toàn vùng trong giai đoạn tiếp theo, bảo vệ và khai thác hiệu quả rừng phòng hộ Núi Cậu-Dầu Tiếng. Vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi gồm:
+ Huyện Dầu Tiếng: xã An Lập (911,6 ha), Định Hiệp (746,6 ha), Định An (1.324,3 ha), Định Thành (265,3 ha), Long Hòa (240,4 ha), Long Tân (1.290,1 ha), Minh Hòa (677,2 ha), Minh Tân (321,4 ha), Minh Thạnh (1.868,5 ha), Thanh An (307,8 ha), Thanh Tuyền (264,5 ha) và thị trấn Dầu Tiếng (207,2 ha).
+ Huyện Bàu Bàng: xã Trừ Văn Thố, Cây Trường II và Long Nguyên.
4. Các giải pháp thực hiện quy hoạch
4.1. Nhóm giải pháp về chính sách
Rà soát và tiếp tục thực hiện hệ thống chính sách hiện hành; đề xuất một số chính sách đặc thù; trong đó tập trung các chính sách như: Chính sách phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chính sách hỗ trợ các thành phần kinh tế tham gia vào sản xuất kinh doanh nông nghiệp - nông thôn (chủ yếu là doanh nghiệp, trang trại và Hợp tác xã); chính sách phát triển sản phẩm chủ lực; chính sách đối với phát triển nông nghiệp an toàn; chính sách đối với bảo vệ môi trường.
4.2. Nhóm giải pháp về phát triển sản xuất
a) Giải pháp về đổi mới loại hình tổ chức sản xuất: Khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; hình thành chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, nâng cấp chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp.
b) Giải pháp về hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng: Đầu tư sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới hệ thống công trình thủy lợi, giao thông, điện phục vụ sản xuất nông nghiệp và ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu. Kết hợp phát triển giao thông nông thôn với hoàn thiện hệ thống thủy lợi, hệ thống lưới điện phục vụ các vùng chuyên canh, chăn nuôi tập trung.
c) Giải pháp về đào tạo và bố trí nguồn nhân lực: Đào tạo lao động trực tiếp sản xuất, chủ trang trại, ban quản lý hợp tác xã, cán bộ quản lý ngành nông nghiệp theo nội dung phù hợp với từng đối tượng; kết hợp giải pháp hướng nghiệp nhằm khuyến khích nguồn nhân lực trẻ tìm hiểu, học tập và đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp đô thị...
d) Giải pháp về đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất: Ứng dụng khoa học công nghệ mới phù hợp với sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa, đồng thời hạn chế các ảnh hưởng xấu đến môi trường.
đ) Giải pháp về bảo quản, chế biến và giảm tổn thất sau thu hoạch.
4.3. Nhóm giải pháp về thị trường
a) Giải pháp về xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm: Tăng cường hoạt động của hệ thống thông tin, xây dựng thương hiệu, quảng bá thương hiệu và xúc tiến thương mại.
b) Giải pháp về liên doanh, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm: Đề xuất chính sách khuyến khích liên kết sản xuất nông nghiệp, vùng sản xuất tập trung gắn với tiêu thụ nông sản.
c) Giải pháp để hình thành chuỗi cung ứng các sản phẩm nông nghiệp.
d) Giải pháp để nâng cấp chuỗi giá trị ngành hàng.
4.4. Nhóm giải pháp tăng cường phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu
Gồm các giải pháp về chuyển đổi cơ cấu, nâng cao khả năng chống chịu của cây trồng, vật nuôi; đầu tư công trình hạ tầng ứng phó thiên tai và biến đổi khí hậu, tăng cường công tác theo dõi, cảnh báo về khí tượng thủy văn; chuẩn bị tốt trang thiết bị, lực lượng, phương tiện kịp thời ứng phó khi có thiên tai; tăng cường biện pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu.
1. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là cơ quan đầu mối, chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố và các đơn vị có liên quan, tổ chức công bố, triển khai thực hiện Điều chỉnh Quy hoạch này; sơ kết, tổng kết, báo cáo đánh giá việc triển khai thực hiện điều chỉnh Quy hoạch hàng năm, 02 năm và giai đoạn 05 năm; tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn phát triển của tỉnh.
2. Các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ của mình, triển khai thực hiện Điều chỉnh Quy hoạch này; hỗ trợ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập các đề án, cơ chế chính sách để tổ chức thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển nông lâm ngư nghiệp nêu trong Điều chỉnh Quy hoạch. Một số nhiệm vụ cần lưu ý như sau:
a) Sở Kế hoạch và Đầu tư: khi chỉ đạo lập, thẩm định các chương trình, kế hoạch của các huyện, thị xã, thành phố và các ngành từ nay đến năm 2020, 2025 cần yêu cầu địa phương, ngành đảm bảo tính thống nhất giữa chương trình, kế hoạch và các định hướng, dự án ưu tiên đầu tư của điều chỉnh quy hoạch nông, lâm, ngư nghiệp.
b) Sở Tài chính: Rà soát dự toán do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị và khả năng cân đối ngân sách của tỉnh để tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí cho các đơn vị thực hiện theo phân cấp hiện hành.
c) Sở Khoa học và Công nghệ: Tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định việc triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp đặt hàng. Chủ trì chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ là kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp để ứng dụng, nhân rộng vào thực tế sản xuất và đời sống. Hướng dẫn, tư vấn cho các tổ chức, cá nhân đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, trong đó chú trọng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể đối với đặc sản nông nghiệp của địa phương.
d) Sở Công Thương: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Xây dựng kế hoạch và tổ chức khảo sát, nghiên cứu thị trường, xác định nhu cầu (về chủng loại, số lượng và thời điểm) của cả người sản xuất và tiêu dùng để xây dựng kế hoạch sản xuất, tiêu thụ giữa Hợp tác xã, Tổ Hợp tác, các chợ đầu mối, hệ thống bán lẻ trong tỉnh để cung cấp và nắm bắt kịp thời các thông tin về giá cả thị trường cũng như nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng. Thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, quảng bá thương hiệu đối với các loại nông sản chủ lực của tỉnh. Quản lý tốt hoạt động của các cơ sở chế biến, phát triển các cơ sở công nghiệp phụ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp, hình thành và nâng cấp chuỗi sản phẩm an toàn, nhận diện và truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm. Vận động và tạo điều kiện để các doanh nghiệp, các tổ chức… đàm phán, ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản. Kêu gọi thu hút đầu tư các dự án chế biến gia súc gia cầm, dự án chế biến rau củ quả.
đ) Sở Văn hóa Thể Thao và Du lịch: Phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bố trí các điểm, tuyến du lịch gắn với các hoạt động nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trong đó, đặc biệt là du lịch sinh thái nhà vườn, du lịch hướng nghiệp.
e) Sở Tài nguyên và Môi trường: khi thẩm định các kế hoạch sử dụng đất hàng năm từ nay đến năm 2020, 2025 cần yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố xác định rõ diện tích đất nông nghiệp nhằm tạo điều kiện phát triển sản xuất nông nghiệp ổn định, phù hợp quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
g) Sở Y tế: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương quản lý vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm soát dịch bệnh, hình thành và phát triển chuỗi nông sản thực phẩm an toàn.
h) Sở Lao động Thương binh Xã hội: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các viện, trường thực hiện giải pháp đào tạo và bố trí nguồn nhân lực.
i) Sở Giáo dục và Đào tạo: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện chương trình hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên về nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
k) Sở Giao thông vận tải và Điện lực tỉnh Bình Dương: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, xây dựng, vận hành các công trình giao thông nông thôn, hệ thống điện phục vụ sản xuất nông nghiệp.
l) Ủy ban nhân dân cấp huyện: phối hợp cùng ngành nông nghiệp tỉnh xây dựng các dự án ưu tiên đầu tư, phân bổ vốn ngân sách hàng năm cho từng dự án trên cơ sở phù hợp với nhu cầu thực tế từng thời kỳ, có hiệu quả kinh tế - xã hội cụ thể, rõ ràng, huy động tối đa các nguồn vốn ngoài ngân sách; cùng Ủy ban nhân dân cấp xã lựa chọn địa điểm xây dựng và chuyển giao các mô hình; phối hợp ngành nông nghiệp thực hiện tốt các kế hoạch đào tạo, khuyến nông, tham quan học tập.
3. Đề nghị Hội nông dân tỉnh Bình Dương có chương trình kế hoạch trung và dài hạn triển khai các mục tiêu, phương án phát triển nông nghiệp theo Điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành nông, lâm, ngư nghiệp tỉnh Bình Dương đến năm 2020, bổ sung quy hoạch đến năm 2025; tuyên truyền vận động hội viên tích cực phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, trong đó coi trọng nông nghiệp chất lượng, hiệu quả cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, nông sản an toàn vệ sinh thực phẩm, sản phẩm hàng hóa có nhãn hiệu hàng hóa được sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quản lý chất lượng Việt Nam và của các quốc gia hoặc khu vực trên thế giới.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Nghị quyết 31/2016/NQ-HĐND thông qua Quy hoạch phát triển ngành nông, lâm nghiệp và thủy lợi tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 2Quyết định 4206/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Nông, Lâm nghiệp và Thủy lợi đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tỉnh Quảng Ninh ban hành
- 3Quyết định 4959/QĐ-UBND năm 2017 về Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 tại tỉnh Bình Định
- 4Kế hoạch 231/KH-UBND năm 2017 về hành động phát triển ngành tôm tại Hải Phòng đến năm 2025
- 5Nghị quyết 05/2018/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ, phát triển kinh tế hộ trong nông nghiệp, thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giai đoạn 2018-2020
- 6Nghị quyết 38/NQ-HĐND năm 2018 thông qua quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030
- 1Nghị định 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 2Nghị định 04/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 92/2006/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 3Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 4Nghị quyết 31/2016/NQ-HĐND thông qua Quy hoạch phát triển ngành nông, lâm nghiệp và thủy lợi tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 5Quyết định 4206/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Nông, Lâm nghiệp và Thủy lợi đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tỉnh Quảng Ninh ban hành
- 6Quyết định 4959/QĐ-UBND năm 2017 về Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 tại tỉnh Bình Định
- 7Kế hoạch 231/KH-UBND năm 2017 về hành động phát triển ngành tôm tại Hải Phòng đến năm 2025
- 8Nghị quyết 05/2018/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ, phát triển kinh tế hộ trong nông nghiệp, thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giai đoạn 2018-2020
- 9Nghị quyết 38/NQ-HĐND năm 2018 thông qua quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030
Quyết định 157/QĐ-UBND năm 2018 về phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành nông, lâm, ngư nghiệp tỉnh Bình Dương đến năm 2020, bổ sung quy hoạch đến năm 2025
- Số hiệu: 157/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 18/01/2018
- Nơi ban hành: Tỉnh Bình Dương
- Người ký: Mai Hùng Dũng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 18/01/2018
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra