Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1548/QĐ-BGTVT

Hà Nội, ngày 16 tháng 12 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH CAO ĐIỂM CHỐNG BUÔN LẬU, GIAN LẬN THƯƠNG MẠI VÀ HÀNG GIẢ DỊP TRƯỚC, TRONG VÀ SAU TẾT NGUYÊN ĐÁN ẤT TỴ 2025 CỦA BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Nghị định số 56/2022/NĐ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Kế hoạch số 133/KH-BCHDD389 ngày 30 tháng 11 năm 2024 của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Vận tải,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 của Bộ Giao thông vận tải.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Cục trưởng các Cục, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ (để b/c);
- Ủy ban ATGT Quốc gia;
- Bộ Tài chính (Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia);
- Tổng cục Hải quan;
- Các Tổng công ty: Cảng hàng không VN, Đường sắt VN, Hàng không VN, Vận tải thủy, Hàng hải VN;
- Các Sở GTVT;
- Cổng Thông tin điện tử Bộ GTVT;
- Lưu VT, Vtải.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Xuân Sang

 

KẾ HOẠCH

CAO ĐIỂM CHỐNG BUÔN LẬU, GIAN LẬN THƯƠNG MẠI VÀ HÀNG GIẢ DỊP TRƯỚC, TRONG VÀ SAU TẾT NGUYÊN ĐÁN ẤT TỴ 2025 CỦA BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
 (Ban hành kèm theo Quyết định số 1548/QĐ-BGTVT ngày 16 tháng 12 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, các cơ quan, đơn vị chủ động, kịp thời kiểm soát tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; thường xuyên trao đổi, chia sẻ thông tin, phối hợp kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, đấu tranh, bắt giữ, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhằm ngăn chặn, đẩy lùi các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, cửa khẩu, vùng biển; hoạt động gian lận thương mại, trốn thuế; hành vi mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ…

- Xác định đối tượng, tuyến, địa bàn, hàng hóa trọng điểm; tăng cường kiểm soát tại các khu vực cửa khẩu đường bộ, đường sắt, đường biển, đường sông, đường hàng không và các đường mòn, lối mở, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới, các chợ đầu mối, các trung tâm thương mại, đại lý, cửa hàng tạp hóa...; phân công rõ trách nhiệm quản lý, kiểm soát địa bàn cho từng cơ quan chức năng thuộc địa phương và của trung ương đóng tại địa bàn; kiểm soát các hành vi lợi dụng sàn giao dịch thương mại điện tử, mua, bán online, mạng xã hội (facebook, zalo...) để kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

- Xác định công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và các cán bộ công chức, viên chức trong ngành Giao thông vận tải.

- Tăng cường xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về vận chuyển hàng lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đặc biệt là người đứng đầu để xảy ra buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thuộc lĩnh vực mình phụ trách.

- Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời và hiệu quả giữa các lực lượng chức năng, người dân, các cơ quan thông tin báo chí tham gia công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

- Tăng cường tuyên truyền rộng rãi bằng nhiều hình thức tới các tổ chức, cá nhân các quy định của pháp luật, chính sách không vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ hoặc hàng hóa không có xuất xứ rõ ràng.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

Nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị ngành Giao thông vận tải

- Xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách. Chủ động phương án bố trí lực lượng, phương tiện tuần tra, kiểm soát chặt chẽ trên các tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không và các đường mòn, lối mở, khu tập kết hàng hóa gần biên giới để ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa vào nội địa; trong đó tập trung vào hàng cấm, hàng kém chất lượng, hàng nhập khẩu có điều kiện, hàng thuế suất cao, hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán…

- Chủ động nắm chắc diễn biến tình hình; nhận diện phương thức, thủ đoạn mới về hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; xác định tuyến, địa bàn, đối tượng, mặt hàng trọng điểm để tập trung lực lượng, phương tiện, biện pháp đấu tranh; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị ở trung ương và địa phương trong công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát lĩnh vực, địa bàn.

- Tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại các tuyến vận tải từ biên giới vào nội địa, ngăn chặn có hiệu quả việc vận chuyển trái phép hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; tùy theo tình hình và yêu cầu nhiệm vụ cụ thể của từng lĩnh vực của ngành để vận động linh hoạt việc triển khai công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng lưu hành trên các tuyến vận tải, các đầu mối giao thông như bến xe, nhà ga, cảng hàng không...

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, gian lận thương mại và hàng giả tới các cán bộ công chức, viên chức người lao động trong toàn ngành và người dân; tuyệt đối chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, không tham gia, tiếp tay cho các đối tượng vi phạm pháp luật, nâng cao tinh thần cảnh giác, tố giác tội phạm tới các lực lượng chức năng có thẩm quyền nếu phát hiện các dấu hiệu nghi vấn.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thanh tra Bộ Giao thông vận tải, các Cục quản lý chuyên ngành, các Sở Giao thông vận tải và đơn vị có liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức quán triệt, chỉ đạo các lực lượng chức năng trong Ngành triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các nhiệm vụ sau đây:

a) Xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các đầu mối giao thông, các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường biển và hàng không; đặc biệt là tại các địa bàn trọng điểm để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa; chú ý các hành vi lợi dụng các phương tiện vận tải như: tàu hỏa, ô tô (đặc biệt là ô tô chở khách từ các tỉnh biên giới về nội địa) để vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; kiểm soát chặt chẽ tuyến đường sắt liên vận quốc tế Lào Cai – Hà Nội và Lạng Sơn – Hà Nội, tuyến đường sắt Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh.

b) Phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức năng có liên quan kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận tải hàng hóa, vận tải hành khách mang theo hàng hóa trên các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển, đường hàng không (trọng điểm là các nhà ga, bến tàu, sân bay, bến xe, điểm, bãi đỗ xe, các tuyến tàu hỏa, ô tô chở khách, chở hàng hóa vào từ biên giới vào nội địa, các trạm kiểm tra tải trọng phương tiện); thủ trưởng bến xe, nhà ga, cảng và doanh nghiệp vận tải phải chịu trách nhiệm về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong bốc, xếp và vận chuyển tại đơn vị mình.

c) Đổi mới tuyên truyền rộng rãi bằng nhiều hình thức tới các tổ chức, cá nhân các quy định của pháp luật, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội trong công tác tuyên truyền; tăng cường tuyên truyền đối với nhân viên người lao động trong ngành, nhất là các vị trí nhạy cảm như: nhân viên thủ tục, an ninh, tổ bay, tiếp viên, lái xe… không tham gia, tiếp tay, bảo kê, bao che cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đề cao, gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ; đồng thời, xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tiếp tay, bảo kê, bao che cho đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

d) Phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo 389 Quốc gia và các cơ quan chức năng có liên quan khi có yêu cầu.

2. Thời gian triển khai Kế hoạch: từ ngày 01/12/2024 đến hết ngày 28/02/2025.

3. Chế độ báo cáo

- Trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 (từ ngày 25 tháng 01 năm 2025 đến hết ngày 02 tháng 02 năm 2025), các cơ quan, đơn vị thực hiện chế độ báo cáo nhanh kết quả phát hiện, bắt giữ, xử lý các vụ việc về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả về Bộ Giao thông vận tải để tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.

- Báo cáo tổng kết Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ gửi về Bộ Giao thông vận tải trước ngày 15 tháng 3 năm 2025 để tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. (Phụ lục kết quả phát hiện, bắt giữ, xử lý vi phạm hành chính, hình sự và Phụ lục các vụ việc điển hình theo mẫu Phụ lục báo cáo tháng).

- Giao Vụ Vận tải phối hợp với Thanh tra Bộ và các đơn vị có liên quan tổng hợp báo cáo Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong những tháng cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1548/QĐ-BGTVT năm 2024 về Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 của Bộ Giao thông vận tải

  • Số hiệu: 1548/QĐ-BGTVT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 16/12/2024
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Người ký: Nguyễn Xuân Sang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản