Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1532/QĐ-UBND

Quảng Ngãi, ngày 15 tháng 10 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ, CHĂM SÓC, SỬ DỤNG, TÔN TẠO CÁC CÔNG TRÌNH GHI CÔNG LIỆT SỸ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 16/2007/NĐ-CP ngày 26/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, quản lý mộ, nghĩa trang, đài tưởng niệm, bia ghi tên liệt sỹ;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 14/2009/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 18/5/2009 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định số 16/2007/NĐ-CP ngày 26/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, quản lý mộ, nghĩa trang, đài tưởng niệm, bia ghi tên liệt sỹ;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 89/TTr-SLĐTBXH ngày 09/10/2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý, chăm sóc, sử dụng, tôn tạo các công trình ghi công liệt sỹ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Quang Thích

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ, CHĂM SÓC, SỬ DỤNG, TÔN TẠO CÁC CÔNG TRÌNH GHI CÔNG LIỆT SỸ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1532/QĐ-UBND ngày 15/10/2012 Chủ tịch của UBND tỉnh)

Chương I.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh: Quy chế này quy định việc quản lý, chăm sóc, sử dụng, tôn tạo các công trình ghi công liệt sỹ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

2. Đối tượng áp dụng: Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân khi tham gia vào các quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chế này.

Điều 2. Công trình ghi công liệt sỹ là công trình văn hóa, lịch sử; được thiết kế, xây dựng đảm bảo mỹ quan, bền vững, phù hợp với quy hoạch trên địa bàn, phong tục, tập quán của từng địa phương; nhằm tôn vinh sự hy sinh cao cả của các liệt sỹ, giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng của dân tộc ta, đáp ứng nhu cầu thăm viếng, tham quan của các tầng lớp nhân dân.

Điều 3. Công trình ghi công liệt sỹ, bao gồm:

1. Nghĩa trang liệt sỹ là nơi an táng các liệt sỹ và ghi công liệt sỹ.

2. Đền (Đài) tưởng niệm liệt sỹ là công trình ghi công liệt sỹ của từng huyện, thành phố; xã, phường, thị trấn.

3. Nhà bia ghi tên liệt sỹ (có danh sách từng liệt sỹ) là công trình ghi công liệt sỹ được xây dựng ở huyện, thành phố; xã, phường, thị trấn nơi nguyên quán của liệt sỹ.

Tùy theo tính chất, quy mô các công trình ghi công liệt sỹ nêu trên gồm có các hạng mục sau:

- Phần mộ liệt sỹ;

- Đền (Đài) tưởng niệm;

- Nhà bia ghi tên liệt sỹ;

- Tường rào xung quanh, cổng ngõ;

- Hệ thống nước tưới; điện chiếu sáng, điện trang trí;

- Một số hạng mục khác như: vườn hoa, cây cảnh, nhà quản trang,...

Chương II.

QUẢN LÝ, CHĂM SÓC, SỬ DỤNG, TÔN TẠO CÁC CÔNG TRÌNH GHI CÔNG LIỆT SỸ

Điều 4. Phân cấp quản lý công trình ghi công liệt sỹ

1. Công trình Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh Quảng Ngãi giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý.

2. Các công trình ghi công liệt sỹ các huyện, thành phố do UBND các huyện, thành phố quản lý. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan có trách nhiệm tham mưu giúp UBND các huyện, thành phố chỉ đạo quản lý các công trình ghi công liệt sỹ.

3. Các công trình ghi công liệt sỹ các xã, phường, thị trấn do UBND xã, phường, thị trấn quản lý. Cán bộ làm công tác Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu giúp UBND xã, phường, thị trấn quản lý các công trình ghi công liệt sỹ trên địa bàn.

4. UBND các huyện, thành phố; UBND xã, phường, thị trấn quyết định thành lập Ban Quản lý các công trình ghi công liệt sỹ trên địa bàn theo thẩm quyền, chức năng.

Điều 5. Sử dụng công trình nghĩa trang liệt sĩ

Công trình nghĩa trang liệt sỹ được sử dụng để:

1. Đón nhận, an táng các liệt sỹ; quản lý, chăm sóc, giữ gìn phần mộ liệt sỹ (đối với nghĩa trang liệt sỹ).

2. Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đến đặt vòng hoa, thắp hương viếng, tưởng niệm các liệt sỹ; đặc biệt là trong các dịp lễ, tết, ngày truyền thống lịch sử cách mạng của Đảng và dân tộc ta.

3. Nhân dân và các tổ chức hội, đoàn thể, đặc biệt là Đoàn Thanh niên, Đội Thiếu niên Tiền phong đến dâng hương tưởng niệm, nhằm giáo dục ôn lại truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước của dân tộc ta, tôn vinh gương hy sinh cao cả của các liệt sỹ.

4. Đón tiếp thân nhân đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này và khách đến thăm viếng mộ, tham quan nghĩa trang liệt sỹ.

Điều 6. Trách nhiệm của cơ quan quản lý công trình ghi công liệt sỹ

1. Đối với công trình nghĩa trang liệt sỹ

a) Đón nhận, tổ chức mai táng các liệt sỹ do các địa phương, đơn vị quy tập bàn giao. Lập danh sách, sơ đồ mộ liệt sỹ và nội dung ghi bia liệt sỹ theo hướng dẫn của của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền; tổ chức lễ đón nhận và an táng hài cốt liệt sỹ theo quy định.

Mộ liệt sỹ trong cùng một nghĩa trang liệt sỹ phải được xây dựng thống nhất về kích thước, quy cách. Khoảng cách giữa các mộ, lô mộ, hàng mộ phải thông thoáng, thuận tiện cho việc thăm viếng và chăm sóc, phù hợp với phong tục tập quán từng địa phương.

b) Quản lý, bảo vệ, chăm sóc, tôn tạo phần mộ liệt sỹ, vườn hoa, cây cảnh, khuôn viên và các hạng mục công trình khác của nghĩa trang liệt sỹ bảo đảm luôn sạch đẹp và trang nghiêm.

c) Tổ chức đón tiếp, hướng dẫn thân nhân liệt sỹ trong và ngoài tỉnh đến thăm viếng mộ liệt sỹ; xác nhận và đề nghị thanh toán chế độ thăm viếng mộ liệt sỹ theo quy định Nhà nước cho thân nhân liệt sỹ.

d) Phục vụ lễ viếng nghĩa trang liệt sỹ theo quy định của tỉnh, huyện và các đoàn đại biểu trong, ngoài tỉnh đến viếng.

đ) Phối hợp với cơ quan liên quan xem xét, đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết những trường hợp thân nhân gia đình có phần mộ liệt sỹ đang an táng tại nghĩa trang liệt sĩ có nguyện vọng cất bốc, di dời phần mộ liệt sỹ về an táng tại quê nhà theo quy định của Chính phủ và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

e) Xây dựng kế hoạch nâng cấp, tu bổ các phần mộ liệt sỹ, nghĩa trang liệt sỹ hàng năm báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

f) Quản lý chặt chẽ những nội dung ghi trên bia mộ đối với các liệt sỹ đã xác định danh tánh, như: họ tên, năm sinh, nguyên quán, ngày hy sinh, đơn vị… Không được để thất lạc, không được tự ý ghi thêm hoặc bỏ đi những nội dung hiện có trên bia mộ liệt sỹ khi chưa có ý kiến phê duyệt bằng văn bản của cấp có thẩm quyền.

g) Tổ chức tìm kiếm để bổ sung thêm những thông tin về danh tánh liệt sỹ để xác định rõ họ tên và các yếu tố khác đối với các phần mộ liệt sỹ chưa xác định được tên hoặc còn thiếu thông tin khi có đầy đủ, chính xác thông tin và được cấp có thẩm quyền có ý kiến bằng văn bản đồng ý cho bổ sung thông tin.

h) Trồng cây xanh, cây cảnh, hoa để tạo cảnh quan khuôn viên nghĩa trang liệt sỹ. Không trồng các loại rau màu, không phơi các loại nông sản thực phẩm ở khu vực trước cổng và trong nghĩa trang liệt sỹ. Không cho súc vật vào trong khuôn viên nghĩa trang liệt sỹ.

2. Đối với các công trình Đền (Đài) tưởng niệm liệt sỹ, Nhà ghi tên liệt sỹ

a) Quản lý, bảo vệ, chăm sóc vườn hoa, cây cảnh và các hạng mục khác của các công trình Đền (Đài) tưởng niệm liệt sỹ, Nhà bia ghi tên liệt sỹ, bảo đảm luôn sạch đẹp và trang nghiêm.

b) Đón tiếp, hướng dẫn, thuyết minh (nếu có) cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức và nhân dân đến thăm viếng, tham quan.

c) Phục vụ chu đáo lễ viếng tưởng niệm liệt sỹ theo quy chế của huyện, thành phố; xã, phường, thị trấn.

d) Xây dựng kế hoạch nâng cấp, tu bổ công trình Đền (Đài) tưởng niệm liệt sỹ, Nhà ghi tên liệt sỹ hàng năm báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

e) Trang trí cờ, băng rôn bên ngoài khuôn viên và trước cổng các công trình ghi công liệt sỹ vào ngày kỷ niệm Thương binh - Liệt sĩ (27/7) hàng năm và các dịp lễ, tết.

3. Trách nhiệm của người làm công tác bảo vệ, chăm sóc, quản lý các công trình ghi công liệt sỹ (gọi tắt là người quản trang)

- Người làm công tác quản trang các công trình ghi công liệt sỹ ở cấp tỉnh do Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định; người làm công tác quản trang các công trình ghi công liệt sỹ tại huyện, thành phố do UBND các huyện, thành phố quyết định; người làm công tác quản trang các công trình ghi công liệt sỹ tại các xã, phường, thị trấn do UBND xã, phường, thị trấn quyết định.

- Nhiệm vụ của người quản trang được thực hiện như quy định tại điểm b, c, d, h Khoản 1, Điều 6 và điểm a, b, c, Khoản 2, Điều 6 Quy chế này và các nhiệm vụ khác theo sự phân công của cơ quan trực tiếp quản lý người làm công tác quản trang.

Điều 7. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan

1. Cung cấp, bàn giao đầy đủ thủ tục giấy tờ, hồ sơ khi đưa hài cốt liệt sỹ vào an táng trong nghĩa trang liệt sỹ; giấy tờ, hồ sơ kèm văn bản đồng ý của cấp có thẩm quyền cho bổ sung, chỉnh sửa nội dung thông tin trên bia mộ liệt sỹ hoặc di chuyển phần mộ đang an táng tại nghĩa trang liệt sỹ cho cơ quan quản lý nghĩa trang liệt sỹ để làm cơ sở thực hiện theo quy định.

2. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân đến thăm viếng mộ, tham quan, sinh hoạt truyền thống tại các công trình ghi công liệt sỹ quy định tại Điều 3 của Quy chế này phải cung cấp đầy đủ thủ tục giấy tờ theo quy định; có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản tài sản, các công trình ghi công liệt sỹ; chấp hành nghiêm túc nội quy, quy định và tuân thủ theo sự hướng dẫn của cơ quan quản lý và người làm công tác bảo vệ, chăm sóc, quản lý các công trình ghi công liệt sỹ; giữ gìn vệ sinh sạch sẽ và đảm bảo sự tôn nghiêm của các công trình ghi công liệt sỹ.

Điều 8. Trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

1. Phối hợp với các cơ quan, địa phương, đơn vị trong tỉnh thực hiện việc xây dựng, quản lý, sử dụng các công trình ghi công liệt sỹ trên địa bàn tỉnh.

2. Hướng dẫn, kiểm tra các địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh thực hiện Quy chế này. Tổng hợp nhu cầu và xây dựng kế hoạch kinh phí xây dựng, sửa chữa, nâng cấp, tôn tạo các công trình ghi công liệt sỹ trên địa bàn toàn tỉnh hàng năm, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.

3. Tham mưu, đề xuất cho UBND tỉnh phân bổ nguồn kinh phí do Trung ương hỗ trợ và thống nhất với Sở Tài chính, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định từ nguồn ngân sách địa phương để thực hiện xây dựng, sửa chữa, nâng cấp, tôn tạo các công trình ghi công liệt sỹ trên địa bàn tỉnh.

4. Trực tiếp làm chủ đầu tư các dự án, công trình ghi công liệt sỹ trên địa bàn tỉnh từ nguồn kinh phí do Trung ương ủy quyền và ngân sách tỉnh hỗ trợ. Đồng thời, thống nhất với các huyện, thành phố; xã, phường, thị trấn về nguồn vốn đối ứng của địa phương trong thực hiện xây dựng, nâng cấp, sửa chữa, tôn tạo các công trình ghi công liệt sỹ của địa phương theo quy định của Nhà nước.

Điều 9. Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và UBND các huyện, thành phố trong việc xây dựng, quản lý, chăm sóc, sử dụng, tôn tạo các công trình ghi công liệt sỹ trên địa bàn tỉnh.

Điều 10. Trách nhiệm của UBND các huyện, thành phố

1. Tổ chức triển khai thực hiện Quy chế này tại địa phương; ban hành nội quy, quy chế quy định cụ thể về quản lý, chăm sóc, sử dụng, tôn tạo các công trình ghi công liệt sỹ ở địa phương.

2. Hàng năm, tổng hợp, lập kế hoạch xây dựng, nâng cấp, sửa chữa, tôn tạo các công trình ghi công liệt sĩ của địa phương; chủ động bố trí ngân sách của địa phương để nâng cấp, sửa chữa, tôn tạo các công trình ghi công liệt sĩ. Trường hợp vượt quá khả năng ngân sách địa phương, báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để thẩm tra, tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét, quyết định đầu tư, nâng cấp, sửa chữa từ nguồn kinh phí ngân sách tỉnh và Trung ương hỗ trợ.

3. Củng cố, tăng cường bộ phận và nhân viên quản lý, bảo vệ các công trình ghi công liệt sỹ. Bố trí ngân sách địa phương để bảo đảm cho việc thực hiện nhiệm vụ trên.

4. Thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức giữ gìn, bảo quản, chăm sóc, tôn tạo các công trình ghi công liệt sỹ, đảm bảo để các công trình ghi công liệt sỹ được chăm sóc chu đáo, bền đẹp, trang nghiêm, xứng đáng với sự hy sinh cao cả của các liệt sỹ vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Chương III.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Khen thưởng và xử lý vi phạm

1. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc quản lý, chăm sóc, sử dụng hoặc có những đóng góp tiêu biểu vào tu bổ, tôn tạo, nâng cấp các công trình ghi công liệt sỹ trên địa bàn tỉnh được khen thưởng theo quy định pháp luật về thi đua - khen thưởng.

2. Cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm gây thiệt hại các công trình ghi công liệt sỹ trên địa bàn tỉnh thì phải có trách nhiệm bồi thường, tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 12. Tổ chức thực hiện

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm phối hợp với các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan, ban ngành, hội đoàn thể liên quan; UBND các huyện, thành phố và UBND xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện Quy chế này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1532/QĐ-UBND năm 2012 về Quy chế quản lý, chăm sóc, sử dụng, tôn tạo các công trình ghi công liệt sỹ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

  • Số hiệu: 1532/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 15/10/2012
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ngãi
  • Người ký: Lê Quang Thích
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản