KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1530/QĐ-KTNN | Hà Nội, ngày 07 tháng 9 năm 2012 |
TỔNG KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC
Căn cứ Luật Kiểm toán nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 04/2007/QĐ-KTNN ngày 02/8/2007 của Tổng Kiểm toán Nhà nước về việc ban hành Quy trình kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 07/2012/QĐ-KTNN ngày 20/6/2012 của Tổng Kiểm toán Nhà nước về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn kiểm toán nhà nước;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Vụ trưởng Vụ Pháp chế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định trình tự lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm toán của cuộc kiểm toán do Kiểm toán Nhà nước thực hiện.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Những quy định trước đây của Kiểm toán Nhà nước trái với Quyết định này bị bãi bỏ.
Điều 3. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TỔNG KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC |
TRÌNH TỰ LẬP, THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN KẾ HOẠCH KIỂM TOÁN CỦA CUỘC KIỂM TOÁN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1530/QĐ-KTNN ngày 07 tháng 9 năm 2012 của Tổng Kiểm toán Nhà nước)
Quy định này quy định trình tự, nội dung công việc, nhiệm vụ và trách nhiệm của các đơn vị, bộ phận, cá nhân có liên quan trong việc lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm toán của cuộc kiểm toán (sau đây gọi tắt là kế hoạch kiểm toán) do Kiểm toán Nhà nước thực hiện.
Quy định này áp dụng đối với các Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành, Kiểm toán Nhà nước khu vực, các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến công tác lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.
Điều 3. Nguyên tắc lập kế hoạch kiểm toán
1. Kế hoạch kiểm toán được lập theo mẫu biểu quy định của Kiểm toán Nhà nước, tuân thủ quy trình, chuẩn mực và quy định về hồ sơ kiểm toán do Kiểm toán Nhà nước ban hành phù hợp với từng lĩnh vực.
2. Kế hoạch kiểm toán phải phản ánh đầy đủ các thông tin; đánh giá về đơn vị được kiểm toán; xác định trọng yếu, rủi ro, mục tiêu, nội dung, phạm vi, giới hạn, thời gian, nguồn nhân lực và các điều kiện vật chất phục vụ cho cuộc kiểm toán.
3. Kế hoạch kiểm toán phải đảm bảo phù hợp với Kế hoạch kiểm toán năm đã được Tổng Kiểm toán Nhà nước phân công, giao nhiệm vụ.
1. Trưởng đoàn kiểm toán là người được dự kiến giao làm Trưởng đoàn kiểm toán trong Thông báo Kế hoạch kiểm toán tổng thể năm của Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành, Kiểm toán Nhà nước khu vực và đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước được Tổng Kiểm toán Nhà nước giao chủ trì tổ chức thực hiện cuộc kiểm toán; Quyết định kiểm toán của Tổng Kiểm toán Nhà nước.
2. Tổ khảo sát, thu thập thông tin (gọi tắt là Tổ khảo sát) là nhóm kiểm toán viên được Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước khu vực, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước thành lập để thực hiện nhiệm vụ khảo sát, thu thập thông tin về đơn vị được kiểm toán và lập kế hoạch kiểm toán.
3. Cuộc kiểm toán bao gồm các hoạt động từ giai đoạn chuẩn bị, thực hiện, lập, phát hành báo cáo kiểm toán và kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán đối với đơn vị, tổ chức được kiểm toán theo Kế hoạch kiểm toán năm của Kiểm toán Nhà nước.
Điều 5. Trách nhiệm của kiểm toán trưởng, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc
Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước khu vực, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước được Tổng Kiểm toán Nhà nước giao chủ trì tổ chức thực hiện cuộc kiểm toán (gọi tắt là Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán) có trách nhiệm:
1. Thành lập Tổ khảo sát và giao Trưởng đoàn kiểm toán trực tiếp chỉ đạo Tổ khảo sát tổ chức khảo sát, thu thập thông tin và lập dự thảo kế hoạch kiểm toán.
2. Tổ chức thẩm định và xét duyệt dự thảo kế hoạch kiểm toán; trình Tổng Kiểm toán Nhà nước xét duyệt dự thảo kế hoạch kiểm toán.
3. Chỉ đạo hoàn thiện và ban hành kế hoạch kiểm toán sau khi đã được Tổng Kiểm toán Nhà nước xét duyệt.
4. Chịu trách nhiệm trước Tổng Kiểm toán Nhà nước về công tác lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm toán.
Điều 6. Trách nhiệm của các đơn vị tham mưu
1. Vụ Tổ chức cán bộ có trách nhiệm: Tổ chức thẩm định kế hoạch nhân sự của đoàn kiểm toán theo dự thảo kế hoạch kiểm toán trước khi trình Tổng Kiểm toán Nhà nước xét duyệt; chịu trách nhiệm trước Tổng Kiểm toán Nhà nước về các ý kiến thẩm định và đề xuất; tham mưu cho Tổng Kiểm toán Nhà nước xem xét, phê duyệt thay đổi nhân sự của đoàn kiểm toán theo đề nghị của Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán (nếu có).
2. Vụ Tổng hợp có trách nhiệm: Thẩm định dự thảo kế hoạch kiểm toán do Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán đề nghị trước khi trình Tổng Kiểm toán Nhà nước xét duyệt; chịu trách nhiệm trước Tổng Kiểm toán Nhà nước về các ý kiến thẩm định và đề xuất, tham mưu; dự thảo quyết định kiểm toán trình Tổng Kiểm toán Nhà nước ký ban hành; tham mưu cho Tổng Kiểm toán Nhà nước xem xét, phê duyệt thay đổi kế hoạch kiểm toán theo đề nghị của Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán (nếu có).
3. Văn phòng Kiểm toán Nhà nước thực hiện nhiệm vụ thư ký, giúp việc Tổng Kiểm toán Nhà nước trong việc xét duyệt và ban hành quyết định kiểm toán.
4. Vụ Pháp chế có trách nhiệm: Thực hiện kiểm tra, thanh tra, giám sát chất lượng hoạt động kiểm toán và thẩm định kết quả kiểm toán theo kế hoạch kiểm toán phù hợp với kế hoạch công tác đã được Tổng Kiểm toán Nhà nước phê duyệt.
5. Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán có trách nhiệm: Thực hiện thẩm định dự thảo kế hoạch kiểm toán khi Tổng Kiểm toán Nhà nước yêu cầu, kiểm tra, thanh tra, giám sát chất lượng hoạt động kiểm toán theo kế hoạch kiểm toán phù hợp với kế hoạch công tác đã được Tổng Kiểm toán Nhà nước phê duyệt.
TRÌNH TỰ LẬP, THẨM ĐỊNH VÀ PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH KIỂM TOÁN
Điều 7. Trình tự các bước lập, thẩm định và phê duyệt kế hoạch kiểm toán
1. Khảo sát và thu thập thông tin về đơn vị được kiểm toán.
2. Lập dự thảo kế hoạch kiểm toán.
3. Thẩm định, xét duyệt dự thảo kế hoạch kiểm toán
a) Thẩm định, xét duyệt dự thảo kế hoạch kiểm toán của Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán.
b) Thẩm định, xét duyệt dự thảo kế hoạch kiểm toán của Tổng Kiểm toán Nhà nước.
4. Hoàn thiện kế hoạch kiểm toán và ban hành quyết định kiểm toán.
a) Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán tổ chức hoàn thiện kế hoạch kiểm toán theo ý kiến kết luận của Tổng Kiểm toán Nhà nước.
b) Tổng Kiểm toán Nhà nước ký ban hành quyết định kiểm toán.
Điều 8. Khảo sát và thu thập thông tin về đơn vị được kiểm toán
1. Căn cứ quyết định giao kế hoạch kiểm toán năm; hướng dẫn mục tiêu, nội dung kiểm toán chủ yếu năm của Kiểm toán Nhà nước; thông báo kế hoạch kiểm toán tổng thể năm của đơn vị đã được Tổng Kiểm toán Nhà nước phê duyệt, Thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm thành lập Tổ khảo sát thu thập thông tin và giao Trưởng đoàn kiểm toán tổ chức, chỉ đạo công tác khảo sát, thu thập thông tin, tài liệu phục vụ cho việc lập kế hoạch kiểm toán.
2. Nội dung và phương pháp khảo sát, thu thập thông tin thực hiện theo Quy trình kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước và quy trình kiểm toán thuộc lĩnh vực của cuộc kiểm toán phải tuân thủ.
Điều 9. Lập dự thảo kế hoạch kiểm toán
Trên cơ sở thông tin thu thập được, Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán chỉ đạo Trưởng đoàn kiểm toán, Tổ khảo sát thực hiện phân tích, đánh giá và xử lý thông tin; đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ của đơn vị được kiểm toán; xác định trọng tâm, trọng yếu, rủi ro kiểm toán,... để lập dự thảo kế hoạch kiểm toán. Quá trình này thực hiện theo Quy trình kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước và quy trình kiểm toán thuộc lĩnh vực của cuộc kiểm toán phải tuân thủ.
1. Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán tổ chức, chỉ đạo bộ phận tham mưu, giúp việc thẩm định dự thảo kế hoạch kiểm toán, lập báo cáo thẩm định theo những nội dung sau:
a) Việc tuân thủ quy định về mẫu biểu kế hoạch kiểm toán (kết cấu, các bảng biểu số liệu, phụ lục,...); nội dung, tính hợp lý, lôgic trong trình bày, văn phạm và lỗi chính tả.
b) Việc tuân thủ quy định về tính đầy đủ, hợp pháp của tài liệu, hồ sơ kèm theo kế hoạch.
c) Tính đầy đủ, hợp lý, cập nhật của các thông tin thu thập được làm cơ sở cho việc lập kế hoạch kiểm toán; các đánh giá về tính trọng yếu, rủi ro kiểm toán và những vấn đề khác cần lưu ý; mục tiêu, nội dung, phạm vi, giới hạn kiểm toán, đơn vị được kiểm toán, thời hạn kiểm toán; tổ chức đoàn kiểm toán (việc bố trí và sắp xếp lãnh đạo đoàn kiểm toán, Tổ trưởng tổ kiểm toán, lực lượng kiểm toán viên và các điều kiện vật chất phục vụ cuộc kiểm toán).
2. Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán tổ chức xét duyệt dự thảo kế hoạch kiểm toán với thành phần và nội dung như sau:
a) Thành phần: Thủ trưởng đơn vị hoặc người được uỷ quyền; Trưởng đoàn kiểm toán; đại diện Tổ khảo sát thu thập thông tin và lập kế hoạch kiểm toán; các phó kiểm toán trưởng (khi thấy cần thiết); bộ phận hoặc cán bộ, kiểm toán viên giúp kiểm toán trưởng thẩm định dự thảo kế hoạch kiểm toán.
b) Nội dung: Theo từng nội dung thẩm định như trình bày tại khoản 1 Điều này. Nội dung, kết quả xét duyệt dự thảo kế hoạch kiểm toán được phản ánh bằng biên bản xét duyệt dự thảo kế hoạch kiểm toán với một số nội dung chủ yếu: Thành phần xét duyệt, các ý kiến tham gia, tiếp thu của Trưởng đoàn kiểm toán và kết luận của người chủ trì xét duyệt.
3. Trưởng đoàn kiểm toán, Tổ khảo sát hoàn thiện dự thảo kế hoạch kiểm toán theo kết quả xét duyệt và hoàn thiện hồ sơ để Thủ trưởng đơn vị trình Tổng Kiểm toán Nhà nước.
a) Hồ sơ trình Tổng Kiểm toán Nhà nước xét duyệt dự thảo kế hoạch kiểm toán (gửi qua Vụ Tổng hợp 06 bộ để trình Tổng Kiểm toán Nhà nước và gửi Vụ Tổ chức cán bộ, Văn phòng Kiểm toán Nhà nước), gồm:
- Tờ trình của Thủ trưởng đơn vị, trong đó nêu rõ các vấn đề cần xin ý kiến chỉ đạo của Tổng Kiểm toán Nhà nước như: Tổ trưởng tổ kiểm toán đối với những trường hợp chưa đủ các điều kiện theo quy định; phạm vi; nội dung; thời gian kiểm toán; những nội dung về vấn đề nhân sự chưa thống nhất…
- Dự thảo kế hoạch kiểm toán đã hoàn thiện theo kết quả xét duyệt của đơn vị;
- Biên bản xét duyệt dự thảo kế hoạch kiểm toán; báo cáo thẩm định; các tài liệu khác có liên quan.
b) Thời hạn trình Tổng Kiểm toán Nhà nước xét duyệt dự thảo kế hoạch kiểm toán phải được thực hiện trước ngày dự kiến công bố quyết định kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán ít nhất là 20 ngày.
Điều 11. Thẩm định dự thảo kế hoạch kiểm toán của Vụ Tổng hợp, Vụ Tổ chức cán bộ
Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ (trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định tại điểm 3.1, khoản 3, Điều 10 Quy định này, trong thời hạn 01 ngày, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ phải thông báo cho đơn vị trình để bổ sung và hoàn thiện) của đơn vị trình, Vụ Tổng hợp và Vụ Tổ chức cán bộ có trách nhiệm:
1. Đối với Vụ Tổng hợp
a) Tiếp nhận, kiểm tra và gửi Tổng Kiểm toán Nhà nước, Vụ Tổ chức cán bộ, Văn phòng Kiểm toán Nhà nước (Phòng Thư ký - Tổng hợp) hồ sơ của đơn vị trình.
b) Tổ chức thẩm định dự thảo kế hoạch kiểm toán theo các nội dung chủ yếu sau: Việc tuân thủ quy định về tài liệu, hồ sơ kế hoạch kiểm toán; việc tuân thủ mẫu biểu kế hoạch kiểm toán về kết cấu, các bảng biểu số liệu, nội dung; tính hợp lý, lôgic trong trình bày, văn phạm; tính đầy đủ, hợp lý của các thông tin thu thập được làm cơ sở cho việc lập kế hoạch kiểm toán; các vấn đề cần lưu ý, tập trung kiểm toán; các đánh giá về trọng yếu, rủi ro kiểm toán và những vấn đề khác; mục tiêu, nội dung, phạm vi, giới hạn, đơn vị được kiểm toán và phương pháp kiểm toán; kế hoạch nhân sự, thời gian, địa điểm kiểm toán; các điều kiện về kinh phí, vật chất cần thiết cho cuộc kiểm toán.
Trong quá trình thẩm định, nếu xét thấy cần thiết, Vụ Tổng hợp có thể đề nghị đơn vị trình cung cấp thêm thông tin, tài liệu có liên quan.
c) Trình Tổng Kiểm toán Nhà nước và gửi báo cáo kết quả thẩm định dự thảo kế hoạch kiểm toán cho đơn vị trình trước 01 ngày tổ chức xét duyệt dự thảo kế hoạch kiểm toán.
2. Đối với Vụ Tổ chức cán bộ
a) Tổ chức thẩm định kế hoạch nhân sự của đoàn kiểm toán theo các nội dung sau: Thành phần đoàn kiểm toán; tiêu chuẩn Trưởng đoàn kiểm toán, Phó trưởng đoàn kiểm toán và Tổ tưởng tổ kiểm toán; trường hợp Kiểm toán viên nhà nước không được thực hiện kiểm toán.
b) Trình Tổng Kiểm toán Nhà nước và gửi báo cáo kết quả thẩm định cho đơn vị trình trước 01 ngày tổ chức xét duyệt dự thảo kế hoạch kiểm toán.
Điều 12. Xét duyệt dự thảo kế hoạch kiểm toán của Tổng Kiểm toán Nhà nước
Chậm nhất là 07 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ của đơn vị trình, Tổng Kiểm toán Nhà nước tổ chức xét duyệt dự thảo kế hoạch kiểm toán với thành phần, địa điểm, trình tự xét duyệt như sau:
1. Thành phần: Tổng Kiểm toán Nhà nước; Thủ trưởng (hoặc Phó Thủ trưởng được uỷ quyền) đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán, Trưởng đoàn kiểm toán, Tổ khảo sát, lãnh đạo Phòng Tổng hợp của đơn vị trình và các thành viên khác có liên quan (nếu cần thiết); Vụ Tổ chức cán bộ (đại diện lãnh đạo Vụ và cán bộ phòng chuyên môn trực tiếp thẩm định dự thảo kế hoạch kiểm toán); Vụ Tổng hợp (đại diện lãnh đạo Vụ và cán bộ phòng chuyên môn trực tiếp thẩm định dự thảo kế hoạch kiểm toán); đại diện Phòng Thư ký - Tổng hợp thuộc Văn phòng Kiểm toán Nhà nước; các thành phần khác do Tổng Kiểm toán Nhà nước yêu cầu khi xét thấy cần thiết.
2. Địa điểm: Trụ sở cơ quan Kiểm toán Nhà nước hoặc trụ sở Kiểm toán Nhà nước khu vực theo quyết định của Tổng Kiểm toán Nhà nước.
3. Trình tự xét duyệt
a) Tổng Kiểm toán Nhà nước chủ trì xét duyệt.
b) Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán hoặc Trưởng đoàn kiểm toán trình bày tóm tắt việc thu thập thông tin và dự thảo kế hoạch kiểm toán.
c) Lãnh đạo Vụ Tổng hợp trình bày báo cáo thẩm định.
d) Lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ trình bày báo cáo thẩm định.
e) Ý kiến tham gia của các đại biểu tham dự (nếu có).
f) Ý kiến giải trình, tiếp thu của Thủ trưởng đơn vị về những nội dung trong báo cáo thẩm định của Vụ Tổng hợp, Vụ Tổ chức cán bộ và ý kiến chỉ đạo của Tổng Kiểm toán Nhà nước.
g) Ý kiến kết luận, chỉ đạo của Tổng Kiểm toán Nhà nước.
4. Vụ Tổng hợp cử cán bộ ghi chép toàn bộ nội dung, kết quả xét duyệt làm cơ sở để soát xét kết quả hoàn thiện kế hoạch kiểm toán của đơn vị trình.
Điều 13. Hoàn thiện kế hoạch kiểm toán và ban hành quyết định kiểm toán
1. Trong thời hạn 02 ngày, kể từ ngày Tổng Kiểm toán Nhà nước xét duyệt dự thảo kế hoạch kiểm toán, Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán có nhiệm vụ:
a) Chỉ đạo Trưởng đoàn kiểm toán và Tổ khảo sát hoàn thiện kế hoạch kiểm toán theo ý kiến kết luận của Tổng Kiểm toán Nhà nước.
b) Trình Tổng Kiểm toán Nhà nước (qua Vụ Tổng hợp) kế hoạch kiểm toán đã hoàn thiện, trong đó nêu rõ kết quả hoàn thiện kế hoạch kiểm toán và đề nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành quyết định kiểm toán.
2. Trong thời hạn 02 ngày, kể từ ngày nhận được kế hoạch kiểm toán đã hoàn thiện, Vụ Tổng hợp có trách nhiệm kiểm tra việc hoàn thiện kế hoạch kiểm toán theo kết luận của Tổng Kiểm toán Nhà nước.
3. Trong thời hạn 01 ngày, kể từ ngày nhận được kế hoạch kiểm toán đã hoàn thiện đầy đủ theo kết luận của Tổng Kiểm toán Nhà nước, Vụ Tổng hợp có trách nhiệm dự thảo quyết định kiểm toán trình Tổng Kiểm toán Nhà nước ký ban hành.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN KẾ HOẠCH KIỂM TOÁN
1. Trưởng đoàn kiểm toán triển khai thực hiện kế hoạch kiểm toán trên cơ sở mục tiêu, nội dung và phạm vi kiểm toán đã được ghi trong Quyết định kiểm toán; chỉ đạo việc xây dựng và phê duyệt kế hoạch kiểm toán chi tiết của các Tổ kiểm toán phù hợp với kế hoạch kiểm toán; tổ chức, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch kiểm toán theo quy định của Tổng Kiểm toán Nhà nước; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ việc thực hiện kế hoạch kiểm toán với Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán. Trong quá trình thực hiện, nếu có sự thay đổi so với kế hoạch kiểm toán đã được Tổng Kiểm toán Nhà nước phê duyệt thì Trưởng đoàn kiểm toán báo cáo Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán các nội dung cần xin ý kiến chỉ đạo, lý do của việc xin điều chỉnh nội dung, phạm vi kiểm toán, đơn vị được kiểm toán, nhân sự trong Kế hoạch kiểm toán đã được duyệt... (trình kèm theo các tài liệu cần thiết khác) về những nội dung cụ thể sau đây:
a) Điều chỉnh nội dung, phạm vi, đơn vị được kiểm toán, nhân sự cuộc kiểm toán so với kế hoạch đã được duyệt; lý do phải điều chỉnh.
b) Điều chỉnh tiến độ kiểm toán; lý do phải điều chỉnh.
c) Những nội dung cần có ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo đơn vị.
2. Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm toán trên cơ sở mục tiêu, nội dung và phạm vi kiểm toán đã được ghi trong Quyết định kiểm toán; định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra Đoàn kiểm toán thực hiện kế hoạch kiểm toán theo quy định của Tổng Kiểm toán Nhà nước; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ việc thực hiện kế hoạch kiểm toán với Tổng Kiểm toán Nhà nước. Trong quá trình thực hiện, nếu Trưởng đoàn kiểm toán báo cáo xin điều chỉnh kế hoạch kiểm toán đã được Tổng Kiểm toán Nhà nước phê duyệt thì Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán kiểm tra tính phù hợp về những đề xuất của Trưởng đoàn kiểm toán và báo cáo Tổng Kiểm toán Nhà nước (qua Vụ Tổng hợp) xem xét, phê duyệt:
a) Điều chỉnh nội dung, phạm vi, đơn vị được kiểm toán, nhân sự cuộc kiểm toán so với kế hoạch đã được duyệt; lý do phải điều chỉnh.
b) Điều chỉnh tiến độ kiểm toán; lý do phải điều chỉnh.
c) Những nội dung cần có ý kiến chỉ đạo của Tổng Kiểm toán Nhà nước.
3. Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ tổ chức thẩm định vấn đề điều chỉnh nhân sự của đoàn kiểm toán theo ý kiến đề nghị của Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán; gửi báo cáo thẩm định về Vụ Tổng hợp để Vụ Tổng hợp dự thảo quyết định điều chỉnh nhân sự của đoàn kiểm toán trình Tổng Kiểm toán Nhà nước xem xét, phê duyệt.
4. Vụ trưởng Vụ Tổng hợp tổ chức thẩm định báo cáo xin điều chỉnh kế hoạch kiểm toán của Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán; trình ý kiến tham mưu cho Tổng Kiểm toán Nhà nước phê duyệt thay đổi kế hoạch kiểm toán
5. Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán thực hiện kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động kiểm toán và thẩm định kết quả kiểm toán theo kế hoạch kiểm toán phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và kế hoạch đã được Tổng Kiểm toán Nhà nước phê duyệt; kịp thời phát hiện vi phạm, thiếu sót trong quá trình thực hiện kế hoạch kiểm toán của Đoàn kiểm toán để báo cáo với Tổng Kiểm toán Nhà nước xem xét, xử lý theo quy định.
6. Tổng Kiểm toán Nhà nước lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện việc thực hiện kế hoạch kiểm toán; phê duyệt thay đổi kế hoạch kiểm toán theo đề nghị Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán, ý kiến tham mưu của Vụ Tổng hợp và Vụ Tổ chức cán bộ; xem xét, xử lý kịp thời các vi phạm, thiếu sót trong quá trình thực hiện kế hoạch kiểm toán của Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán và Đoàn kiểm toán.
Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quy định này; trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc, cần phản ánh kịp thời về Vụ Tổng hợp để tổng hợp báo cáo Tổng Kiểm toán Nhà nước sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
Quyết định 1530/QĐ-KTNN năm 2012 về Quy định trình tự lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm toán của cuộc kiểm toán do Kiểm toán Nhà nước thực hiện
- Số hiệu: 1530/QĐ-KTNN
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 07/09/2012
- Nơi ban hành: Kiểm toán Nhà nước
- Người ký: Đinh Tiến Dũng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 07/09/2012
- Ngày hết hiệu lực: 09/02/2017
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực