Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 152/QĐ-UBND | Phú Yên, ngày 25 tháng 01 năm 2016 |
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Quyết định số 1235/QĐ-TTg ngày 03 tháng 8 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em giai đoạn 2016-2020;
Căn cứ Công văn số 4311/LĐTBXH-BVCSTE ngày 26/10/2015 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về việc xây dựng kế hoạch triển khai Quyết định số 1235/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ;
Xét đề nghị của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (tại Tờ trình số: 2373/TTr-SLĐTBXH ngày 30 tháng 12 năm 2015),
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này “Kế hoạch thực hiện Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em tỉnh Phú Yên giai đoạn 2016-2020”.
Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này, kể từ ngày ký./.
Nơi nhận: | KT.CHỦ TỊCH |
THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH THÚC ĐẨY QUYỀN THAM GIA CỦA TRẺ EM VÀO CÁC VẤN ĐỀ VỀ TRẺ EM TỈNH PHÚ YÊN GIAI ĐOẠN 2016 - 2020.
(Kèm theo Quyết định số: 152/QĐ-UBND ngày 25/01/2016 của UBND tỉnh)
Thực hiện Quyết định số 1235/QĐ-TTg ngày 03 tháng 8 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em giai đoạn 2016-2020 và Công văn số 4311/LĐTBXH-BVCSTE ngày 26/10/2015 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về việc xây dựng kế hoạch triển khai Quyết định số 1235/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Ủy ban nhân dân tỉnh xây dự kế hoạch thực hiện Chương trình thúc đầy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề trẻ em giai đoạn 2016-2020, với những nội dung như sau:
TÌNH HÌNH THỰC HIỆN QUYỀN THAM GIA CỦA TRẺ EM TRONG THỜI GIAN VỪA QUA
1. Thực hiện quyền tham gia của trẻ em trong gia đình còn mờ nhạt: Trẻ em trong gia đình thường được tiếp cận thông tin chủ yếu thông qua hình thức trò chuyện với cha mẹ. Có nhiều trường hợp cha mẹ có điều kiện kinh tế, quá chiều chuộng con, đáp ứng mọi nhu cầu của con nhưng lại thiếu thời gian dành riêng để lắng nghe, trò chuyện với con. Điều này làm cho trẻ em trở nên ích kỷ, thậm chí mắc vào các thói hư, tật xấu. Ngày nay nhiều cha mẹ tập trung làm kinh tế, ít có thời gian chăm sóc, lắng nghe con chuyện trò, trẻ em bị sao nhãng về nhiều mặt. Đồng thời, quan niệm truyền thống kính trên nhường dưới và văn hóa thứ bậc khiến các cuộc trò chuyện giữa cha mẹ với con cái ít có sự cởi mở, khó có thể tâm sự với con như bạn bè mà mang tính chỉ bảo, răn dạy nhiều hơn. Việc trẻ em bày tỏ ý kiến về những vấn đề liên quan đến trẻ em cơ bản đã được bố mẹ quan tâm, nhưng còn rất ít cha mẹ xem xét, phản hồi ý kiến của trẻ em. Đa số các bậc cha mẹ có quan niệm trẻ em vẫn còn nhỏ, chưa có sự chín chắn cần thiết nên thường áp dụng cách giáo dục con mang tính mệnh lệnh, ít sự lắng nghe, xem xét phản hồi ý kiến của trẻ em.
2. Thực hiện quyền tham gia của trẻ em trong nhà trường chưa được quan tâm đúng mức: Trẻ em được tiếp cận thông tin chủ yếu thông qua hoạt động giảng dạy (môn đạo đức, giáo dục công dân, giáo dục kỹ năng sống), ngoài ra trẻ em còn được tiếp cận qua các buổi sinh hoạt lớp, chào cờ, hoạt động ngoại khóa và hoạt động thư viện của trường, mạng Ineternet của trường, các buổi nói chuyện chuyên đề, các chương trình phát thanh trường học, các buổi truyền thông phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, hòm thư góp ý. Tuy vậy, những hình thức trên chưa được tổ chức ở tất cả các trường, việc tiếp cận thông tin chưa được tập trung theo chuyên đề và mang tính chất thường xuyên. Số lượng đầu sách trong thư viện còn hạn chế và ít được cập nhật; phòng Internet chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn; khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa rất thiếu, mặt khác vấn đề Internet cũng đáng lo ngại vì trẻ em sử dụng internet quá nhiều, tiếp nhận cả thông tin tích cực và tiêu cực, nguồn thông tin rất khó kiểm soát.
Khác với sự tham gia trong gia đình, sự tham gia của trẻ em trong nhà trường hiện nay được thể hiện với nhiều hình thức như: bày tỏ ý kiến nguyện vọng trực tiếp với giáo viên, bày tỏ ý kiến thông qua các buổi sinh hoạt lớp, sinh hoạt dưới cờ toàn trường, thông qua hòm thư điều em muốn nói, tư vấn học đường hoặc thông qua phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, những hình thức trên chưa đạt được hiệu quả cao và còn mang tính hình thức như: hòm thư điều em muốn nói chưa phát huy được hiệu quả và thực tế là có rất ít thư, ý kiến của trẻ em được gửi qua hình thức này; hình thức tư vấn học đường mới chỉ tập trung hình thức cung cấp thông tin, giải đáp thắc mắc về tâm sinh lý tuổi dậy thì, sức khoẻ sinh sản…; Ban phụ huynh của trường, lớp được thành lập chủ yếu là để vận động, quyên góp quỹ và nhiều phụ huynh không có thời gian tham gia các hoạt động của Ban phụ huynh.
Nhìn chung, quyền tham gia của trẻ em trong nhà trường chưa được quan tâm đúng mức, các em ít có cơ hội được nói lên tiếng nói của mình về những vấn đề học tập, Đoàn Đội, văn nghệ, xây dựng kế hoạch hoạt động trong nhà trường... Mặt khác, khi trẻ em tham gia tổ chức Đội Thiếu niên trong trường học còn mang tính hình thức, phong trào và thành tích, các em chưa thực sự là người được lắng nghe, được ra quyết định về các hoạt động liên quan đến tổ chức Đội của mình. Các em chủ yếu là người thực hiện theo quyết định của Ban giám hiệu, thầy cô giáo. Trẻ em trong các gia đình nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số ít có cơ hội tham gia các hoạt động trong nhà trường.
3. Thực hiện quyền tham gia của trẻ em ở cộng đồng, xã hội còn hạn chế: Trẻ em được tiếp cận thông tin qua các hoạt động truyền thông, hoạt động Đoàn, Đội, câu lạc bộ trẻ em, các sự kiện dành cho trẻ em. Tuy nhiên, việc tiếp cận với các loại hình hoạt động này chủ yếu tập trung ở khu vực đô thị còn hạn chế ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Các hoạt động ở trong cộng đồng chưa thực sự thu hút và tạo hứng thú cho trẻ em. Đoàn thanh niên cơ sở thiếu cán bộ, thiếu kỹ năng tổ chức các hoạt động, vì vậy ít thu hút được trẻ em tham gia vào các hoạt động này. Trẻ em được bày tỏ ý kiến, được xem xét, lắng nghe và phản hồi ý kiến tại cộng đồng cũng hạn chế hơn nhiều so với trong trường học, trẻ em chủ yếu bày tỏ ý kiến nguyện vọng của mình qua một số mô hình như: câu lạc bộ, nhóm trẻ về quyền trẻ em hoặc tại một số sự kiện thỉnh thoảng tổ chức như diễn đàn trẻ em, thăm dò ý kiến trẻ em, hội nghị, hội thảo, hội thi...
4. Các hình thức thực hiện quyền tham gia của trẻ em:
Diễn đàn trẻ em được tổ chức ở cấp tỉnh và huyện nhưng cách thức tổ chức chưa được thống nhất trên phạm vi toàn tỉnh. Trẻ em được tham gia Diễn đàn trẻ em các cấp còn hạn chế về số lượng, số lần tham dự, Diễn đàn trẻ em cấp huyện hình thức tổ chức còn đơn điệu, cấp xã hầu như chưa tổ chức được. Chỉ có một số lượng nhỏ trẻ em biết đến Diễn đàn, chủ yếu trẻ em ở vùng trung tâm huyện, thị, còn trẻ em các khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ít có cơ hội được tiếp cận và tham dự; việc lắng nghe, phản hồi ý kiến, nguyện vọng của trẻ em vẫn còn nặng tính hình thức, báo cáo và nội dung được chuẩn bị sẵn thay vì đối thoại cởi mở.
Thăm dò ý kiến của trẻ em là một kênh thông tin rất quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý; tuy vậy việc thăm dò ý kiến trẻ em ít triển khai, hầu như chưa thực hiện việc thăm dò ý kiến của trẻ em trong quá trình hoạch định chính sách, xây dựng các chương trình.
Câu lạc bộ quyền trẻ em: Trẻ em tham gia các câu lạc bộ quyền trẻ em sẽ được nâng cao nhận thức, hiểu biết về quyền trẻ em, quyền tham gia của trẻ em; nâng cao năng lực và sự tự tin cho trẻ em, đồng thời tăng cường công tác truyền thông với trẻ em. Tuy nhiên, các câu lạc bộ, nhóm quyền trẻ em chưa có nhiều, số lượng trẻ em được tham gia ít, hoạt động của các câu lạc bộ chưa tạo được sức ảnh hưởng lớn vì còn lẻ tẻ, thiếu kinh phí để hoạt động, chủ yếu kinh phí tự lo... Hiện nay, câu lạc bộ về quyền trẻ em có xu hướng thu hẹp hơn do khó khăn về kinh phí và trẻ em bị nhiều bởi áp lực học hành, thi cử và bị cuốn hút bởi các trò chơi điện tử.
Hội nghị, hội thảo, hội thi có sự tham gia của trẻ em: các em tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, hội trại ... Hiện nay tại các hội nghị, hội thảo có rất ít trẻ em được tham gia, nếu được tham gia chỉ mang tính chất hình thức, và có rất ít hội nghị, hội thảo dành riêng cho trẻ em.
Các kênh thông tin dành cho trẻ em: thông qua các kênh thông tin như sách, báo, đài, Internet … với nội dung, chương trình dành cho trẻ em. Qua các kênh thông tin, trẻ em được tiếp cận thông tin phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, các chương trình này chưa thực sự lan tỏa và chương trình do trẻ em tự thực hiện còn ít, chưa thu hút được trẻ em tham gia. Hiện nay, bên cạnh những chương trình bản quyền của Việt Nam vẫn còn nhiều chương trình mua bản quyền của các nước phát triển để phát cho trẻ em xem... Các chuyên trang, chuyên mục, sách, báo, của tỉnh chủ yếu là cung cấp thông tin cho trẻ em và những vấn đề liên quan đến trẻ em, do vậy các em ít có cơ hội được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về những vấn đề liên quan đến trẻ em.
Qua phân tích thực trạng nêu trên cho thấy, việc thực hiện quyền tham gia của trẻ em vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập về nhận thức, cơ chế và tổ chức thực hiện theo quy định của Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em. Các hoạt động thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em còn nhỏ lẻ, phân tán, sự tham gia chỉ diễn ra ở các khu vực thành thị là chủ yếu, ít có sự tham gia của trẻ em vùng sâu, vùng xa và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Quyền tham gia của trẻ em chưa được quan tâm đúng mức, trẻ em tham gia còn mang nặng tính hình thức. Một số mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em còn thiếu tính bền vững. Điều quan trọng nhất là trẻ em chưa được thực sự tham gia vào các quá trình ra quyết định của cơ quan Nhà nước, nhà trường, gia đình có liên quan đến trẻ em.
5.1. Lãnh đạo các cấp, gia đình và xã hội chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng và nội hàm quyền tham gia của trẻ em; chưa tham vấn ý kiến trẻ em trong quá trình xây dựng pháp luật, chính sách liên quan đến trẻ em. Quan niệm về quyền tham gia của trẻ em chủ yếu tập trung vào công tác tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí và những hoạt động đáp ứng quyền cơ bản của trẻ em.
5.2. Văn hóa phương Đông truyền thống đặt ra nguyên tắc trong phương pháp dạy con: trên bảo dưới nghe, trọng lão, nghe lời; sự khác nhau về văn hóa vùng miền, phong tục tập quán, nếp sống cũng ảnh hưởng đến quyền tham gia của trẻ em. Bên cạnh đó do tâm lý của chính trẻ em và năng lực, nhận thức của trẻ em còn hạn chế, chưa tự tin và chủ động thực hiện quyền này.
5.3. Cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn thiếu và yếu về năng lực, thiếu kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm trong việc tổ chức thực hiện quyền tham gia của trẻ em. Ngân sách dành cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đặc biệt để thực hiện quyền tham gia của trẻ em, còn hạn chế. Quyền tham gia của trẻ em chưa được thể chế hóa, hướng dẫn cụ thể bằng văn bản quy phạm pháp luật; thiếu cơ chế và chuẩn mực về sự tham gia của trẻ em.
5.4. Đối với trẻ em dân tộc thiểu số còn có rào cản về ngôn ngữ, điều kiện kinh tế - xã hội, vì vậy việc tiếp cận những thông tin cơ bản giúp các em đạt được trình độ nhận thức đầy đủ, thực hiện quyền tham gia còn rất nhiều hạn chế. Còn bất bình đẳng trong quyền tham gia: nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nhóm trẻ em dân tộc thiểu số ít có cơ hội thực hiện quyền tham gia (tiếp cận thông tin, bày tỏ ý kiến).
CHƯƠNG TRÌNH THÚC ĐẨY QUYỀN THAM GIA CỦA TRẺ EM VÀO CÁC VẤN ĐỀ CỦA TRẺ EM GIAI ĐOẠN 2016-2020.
1. Mục tiêu tổng quát: Tạo môi trường thuận lợi và nâng cao năng lực cho trẻ em trong việc thực hiện quyền tham gia vào các vấn đề liên quan đến trẻ em theo quy định của pháp luật và Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em.
2. Các mục tiêu cụ thể
a) 100% pháp luật, chính sách về trẻ em ở cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện được tham vấn ý kiến trẻ em.
b) 90% các quyết định có liên quan đến trẻ em trong nhà trường được tham vấn ý kiến trẻ em.
c) 90% các quyết định có liên quan đến trẻ em trong cộng đồng, xã hội được tham vấn ý kiến trẻ em.
d) 50% các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện ít nhất 02 mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em.
II. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI, THỜI GIAN THỰC HIỆN
1. Đối tượng: Trẻ em từ 6 tuổi trở lên; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện các quyền của trẻ em.
2. Phạm vi: Các huyện, thị xã, thành phố trên toàn tỉnh.
3. Thời gian: Từ năm 2016 đến năm 2020.
III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH
1. Nâng cao nhận thức cho các cấp chính quyền, các tổ chức, cá nhân về ý nghĩa, sự cần thiết về quyền tham gia của trẻ em, giúp cho trẻ em chủ động, sáng tạo, tự tin trong cuộc sống, trở thành chủ nhân tương lai của đất nước. Nâng cao năng lực về quản lý nhà nước, kiến thức, kỹ năng thực hiện quyền tham gia của trẻ em cho các cấp chính quyền, các tổ chức, cá nhân.
2. Các cơ quan nhà nước khi xây dựng và thực hiện pháp luật, chính sách có liên quan đến trẻ em; nhà trường, cộng đồng, xã hội khi xây dựng và thực hiện quyết định, kế hoạch, hoạt động có liên quan đến trẻ em phải tổ chức các hình thức tham vấn, lấy ý kiến của trẻ em phù hợp.
3. Đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực của xã hội, cộng đồng và doanh nghiệp để thực hiện Chương trình; khuyến khích các tổ chức, cá nhân hỗ trợ nguồn lực để tổ chức các hoạt động, các mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em.
4. Thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em như tổ chức Diễn đàn trẻ em, Liên hoan gặp mặt trẻ em, Câu lạc bộ quyền trẻ em, ...
5. Tạo môi trường thuận lợi và nâng cao năng lực cho trẻ em trong việc thực hiện quyền tham gia vào các vấn đề liên quan đến trẻ em theo quy định của pháp luật và Công ước của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em.
IV. CÁC DỰ ÁN CỦA CHƯƠNG TRÌNH
1. Dự án 1: Truyền thông, nâng cao nhận thức và kỹ năng thực hiện quyền tham gia của trẻ em
a) Mục tiêu
Nâng cao nhận thức, cung cấp kiến thức, kỹ năng thực hiện quyền tham gia của trẻ em cho các cấp chính quyền, các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện quyền trẻ em.
b) Chỉ tiêu
- 90% cán bộ bảo vệ, chăm sóc trẻ em có hiểu biết và kỹ năng thực hiện quyền tham gia của trẻ em.
- 70% cán bộ chính quyền các cấp tại địa phương có hiểu biết và kỹ năng thực hiện quyền tham gia của trẻ em.
- 70% cha mẹ, người chăm sóc trẻ em có hiểu biết về kỹ năng và thực hiện quyền tham gia trẻ em.
c) Đối tượng
Các cơ quan, tổ chức, người dân, cha mẹ, người chăm sóc trẻ, trẻ em từ 6 tuổi trở lên.
d) Nội dung hoạt động
Nghiên cứu, xây dựng các tài liệu định hướng công tác truyền thông, các sản phẩm truyền thông về quyền tham gia của trẻ em trên các phương tiện truyền thông đại chúng, thông tin ở cơ sở và các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về quyền tham gia của trẻ em; tạo điều kiện cho trẻ em tham gia xây dựng tài liệu truyền thông.
Lồng ghép nội dung truyền thông của Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các chương trình chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em ở các cấp, các ngành.
Hàng năm tổ chức các chiến dịch truyền thông trong Tháng hành động vì trẻ em nhằm thay đổi nhận thức và vận động sự tham gia của toàn xã hội ủng hộ việc thực hiện quyền tham gia của trẻ em.
Xây dựng chuyên trang, chuyên mục về thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em trên báo in, tạp chí, phát thanh, truyền hình, báo điện tử.
Tổ chức truyền thông cho các cán bộ, giáo viên, học sinh trong nhà trường về quyền tham gia của trẻ em; truyền thông tại cộng đồng: tại các nhà văn hóa thôn, bản, xã/phường, tại các dịch vụ tư vấn nhằm thay đổi nhận thức cho trẻ em, cán bộ bảo vệ, chăm sóc trẻ em, cán bộ Đoàn, Đội, cha mẹ về quyền tham gia của trẻ em, chú trọng truyền thông kiến thức, kỹ năng cho cha mẹ trẻ em. Đẩy mạnh truyền thông về quyền tham gia của trẻ em, cam kết, tập huấn, trao đổi biểu dương những tấm gương điển hình về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Theo dõi, đánh giá kết quả các hoạt động truyền thông trên các phương tiện truyền thông đại chúng, truyền thông trong gia đình, nhà trường, định kỳ đánh giá tác động của hoạt động truyền thông đối với trẻ em, người lớn tại địa bàn thực hiện Chương trình.
đ) Cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện:
- Cơ quan chủ trì: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
- Các cơ quan phối hợp: Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin-Truyền thông, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Yên, Báo Phú Yên.
2. Dự án 2: Nâng cao năng lực thực hiện quyền tham gia của trẻ em
a) Mục tiêu
Nâng cao năng lực trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật, chính sách về bảo đảm quyền tham gia của trẻ em cho các cấp chính quyền, các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện quyền trẻ em, chú trọng đối tượng cán bộ bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp, giáo viên, cán bộ Đoàn, Đội, cha mẹ và trẻ em; xây dựng quy trình, tiêu chuẩn, tài liệu hướng dẫn thực hiện và nâng cao năng lực theo dõi, đánh giá việc thực hiện quyền tham gia của trẻ em.
b) Chỉ tiêu
- 90% cán bộ quản lý nhà nước về trẻ em, cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em từ tỉnh đến cấp huyện, được nâng cao năng lực về quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án, mô hình về quyền tham gia của trẻ em.
- 70% cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở cấp xã và cộng tác viên, tình nguyện viên tham gia công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở thôn xóm, buôn làng, cụm dân cư được nâng cao năng lực thực hiện quyền tham gia của trẻ em.
- 70% cha mẹ trẻ em tại địa bàn được chọn làm thí điểm được tập huấn trang bị kỹ năng thực hiện quyền tham gia của trẻ em.
c) Đối tượng
Đội ngũ cán bộ và cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, giáo viên, cán bộ Đoàn, Đội, cộng tác viên làm công tác trẻ em tại thôn, buôn, khu phố, cha mẹ và trẻ em.
d) Nội dung hoạt động
Thu thập số liệu, theo dõi, đánh giá thực hiện quyền tham gia của trẻ em trong đó có các chỉ số theo dõi, đánh giá Chương trình: Nghiên cứu, rà soát chỉ số theo dõi, đánh giá về thực hiện các quyền trẻ em hiện nay tại cộng đồng, trên cơ sở đó bổ sung, hoàn thiện bộ chỉ số theo dõi, đánh giá thực hiện quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em.
Tổ chức các khảo sát, đánh giá việc thực hiện các quyền tham gia của trẻ em, việc xây dựng và thực hiện các mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em.
Khảo sát, nghiên cứu về tình hình thực hiện quyền tham gia của trẻ em bao gồm: quyền được tiếp cận thông tin, lắng nghe, bày tỏ ý kiến, được xem xét phản hồi trong môi trường gia đình, nhà trường, cộng đồng và các địa bàn dự kiến thực hiện các mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em.
Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng trong tỉnh khảo sát, đánh giá tình hình thực hiện quyền tham gia của trẻ em trên các kênh thông tin đại chúng và mạng xã hội.
Khảo sát, đánh giá việc lắng nghe, xem xét phản hồi ý kiến của trẻ em của các cơ quan xây chính sách liên quan đến trẻ em trong tỉnh.
Phát hành tài liệu và cung cấp thông tin, dữ liệu về tình hình thực hiện quyền tham gia của trẻ em.
Tổ chức các đợt kiểm tra, đánh giá và hỗ trợ cho cán bộ chuyên trách ở các địa phương trong việc thu thập, cập nhật thông tin về quyền tham gia của trẻ em.
Tổ chức tập huấn và bồi dưỡng kỹ năng quản lý và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch, đề án, dự án về quyền trẻ em và quyền tham gia của trẻ em, về các văn bản quản lý nhà nước hướng dẫn thực hiện quyền tham gia của trẻ em, các hình thức, nguyên tắc, trách nhiệm, quy trình, tiêu chuẩn, kỹ năng làm việc với trẻ em… cho đội ngũ cán bộ các cấp và cộng tác viên, tình nguyện viên tham gia công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; kiến thức và các kỹ năng thúc đẩy quyền tham gia cho trẻ em, cha mẹ, giáo viên, cán bộ Đoàn, Đội.
đ) Cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện:
- Cơ quan chủ trì: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Cơ quan phối hợp: Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Tư pháp, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.
3. Dự án 3: Xây dựng và thực hiện các mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em
3.1. Mô hình 1: Diễn đàn trẻ em
Diễn đàn trẻ em là hoạt động để trẻ em nói lên ý kiến, nguyện vọng của trẻ em hoặc để các cơ quan, tổ chức lấy ý kiến của trẻ em về những vấn đề có liên quan đến trẻ em.
a) Mục tiêu
- Tham dự Diễn đàn trẻ em quốc gia định kỳ tổ chức 2 năm/lần.
- Diễn đàn trẻ em cấp tỉnh định kỳ tổ chức 1 năm/lần.
- Diễn Đàn trẻ em cấp huyện, thị xã, thành phố tổ chức 1 năm /1 lần.
b) Nội dung hoạt động
Tổ chức Diễn đàn trẻ em:
- Xây dựng kế hoạch, xây dựng tài liệu tập huấn và tổ chức tập huấn cho trẻ em và người phụ trách trẻ em tham dự Diễn đàn trẻ em.
- Tổ chức Diễn đàn trẻ em: Trẻ em tham gia các trò chơi, giao lưu văn nghệ, thăm quan; trẻ em thảo luận nhóm để đưa ra các khuyến nghị, thông điệp, trẻ em tham gia giao lưu, đối thoại với đại diện của lãnh đạo tỉnh, các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội.
- Truyền thông về Diễn đàn trẻ em và các thông điệp, khuyến nghị của trẻ em, tổng kết, hội nghị, hội thảo đánh giá tình hình thực hiện các Diễn đàn trẻ em.
c) Cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện
- Cơ quan chủ trì: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Các cơ quan phối hợp: Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tỉnh đoàn, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.
3.2. Mô hình 2: Câu lạc bộ Quyền trẻ em và câu lạc bộ Phóng viên nhỏ
Câu lạc bộ quyền tham gia của trẻ em là tổ chức được thành lập trên cơ sở tham gia tự nguyện của trẻ em, do trẻ em chủ động xây dựng và triển khai các hoạt động liên quan đến quyền và bổn phận của trẻ em.
a) Mục tiêu
Ít nhất 20 câu lạc bộ quyền tham gia của trẻ em được thành lập, tổ chức hoạt động tại nhà trường và cộng đồng. Mỗi huyện, thị xã, thành phố trong 5 năm thành lập và duy trì cho được 2 CLB quyền tham gia của trẻ, một ở cộng đồng (chọn làm điểm ở 1 Hội đồng Đội cấp xã/phường/thị trấn), 1 ở đại diện trường học khối THCS, Trung tâm hoạt động TTN 2 CLB (CLB Quyền trẻ em, CLB PVN).
b) Nội dung hoạt động
- Rà soát, đánh giá tình hình thực hiện mô hình câu lạc bộ trẻ em.
- Hướng dẫn thành lập và duy trì câu lạc bộ trẻ em.
- Lập kế hoạch tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ trẻ em; xây dựng tài liệu hướng dẫn và triển khai tài liệu hướng dẫn sinh hoạt câu lạc bộ.
- Tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ, ghi nhật ký và lập báo cáo sinh hoạt câu lạc bộ.
- Tổ chức tập huấn kỹ năng tổ chức điều hành hoạt động câu lạc bộ, giao lưu, liên hoan các câu lạc bộ; hội nghị, tổng kết, đánh giá, đúc kết, rút kinh nghiệm về triển khai mô hình.
c) Cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện
- Cơ quan chủ trì: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Các cơ quan phối hợp: Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tỉnh đoàn, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.
3.3. Mô hình 3: Các chương trình, hoạt động do trẻ em khởi xướng và thực hiện
Các chương trình, hoạt động do trẻ em khởi xướng và thực hiện là những đề xuất, sáng kiến của trẻ em nhằm giải quyết các nhu cầu của trẻ em, cộng đồng và xã hội. Những chương trình, hoạt động này do trẻ em đề xuất, xây dựng, triển khai và giám sát thực hiện với sự hướng dẫn của các cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ đáp ứng các quyền tham gia của trẻ em theo quy định của pháp luật.
a) Mục tiêu
Ít nhất 10 chương trình, hoạt động do trẻ em khởi xướng và được thực hiện tại nhà trường và cộng đồng liên quan đến quyền tham gia của trẻ em.
b) Nội dung hoạt động
- Rà soát, đánh giá, rút ra các bài học thực hiện chương trình, các hoạt động xã hội có trẻ em tham gia.
- Xây dựng tài liệu hướng dẫn thực hiện chương trình, hoạt động của trẻ em.
- Xây dựng kế hoạch, lựa chọn địa bàn thực hiện mô hình.
- Thành lập nhóm giảng viên nguồn cấp tỉnh, cấp huyện là cán bộ ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh do cấp tỉnh lựa chọn, đề xuất.
- Lựa chọn thành viên tham gia mạng lưới hỗ trợ trẻ em tại cấp xã: Là cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, cán bộ Đoàn, Đội, giáo viên, tổng phụ trách của các địa bàn thí điểm; thành lập nhóm trẻ nòng cốt.
- Tập huấn cho nhóm giảng viên nguồn cấp tỉnh; cấp huyện, tập huấn mạng lưới hỗ trợ trẻ em cấp xã; tập huấn cho nhóm trẻ em nòng cốt; phát động trẻ em xây dựng chương trình, hoạt động; thẩm định phê duyệt chương trình, hoạt động để trẻ em thực hiện.
- Nhóm trẻ nòng cốt thực hiện chương trình, hoạt động với sự giám sát, hỗ trợ của mạng lưới hỗ trợ trẻ em: khảo sát ban đầu, phát triển khung logic và kế hoạch can thiệp, kế hoạch giám sát, tổ chức hội thảo thông qua chương trình, hoạt động do trẻ em khởi xướng, hội thảo đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện, giám sát các chương trình, hoạt động.
- Mạng lưới hỗ trợ trẻ báo cáo đánh giá kết quả thực hiện với các cơ quan cấp tỉnh và Trung ương.
- Tổ chức hội thảo, hội nghị, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về triển khai mô hình.
c) Cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện
- Cơ quan chủ trì: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Các cơ quan phối hợp: Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tỉnh đoàn, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.
V. KINH PHÍ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH
Kinh phí thực hiện Chương trình, bao gồm:
- Ngân sách Trung ương hỗ trợ (nếu có);
- Ngân sách tỉnh (căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách, hàng năm sẽ bố trí kinh phí phù hợp);
- Các nguồn huy động hợp pháp khác (nếu có).
1. Chương trình sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức của các nhà quản lý, gia đình, nhà trường và trẻ em về thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em. Tạo cơ hội, điều kiện để trẻ em được nói lên tiếng nói của mình, được người lớn hiểu, chia sẻ với trẻ em, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của trẻ em.
2. Chương trình góp phần quan trọng vào việc xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng tốt hơn trong tương lai, tăng năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tiết kiệm chi phí xã hội trong việc chi tiêu xử lý các vấn đề xã hội bức xúc có liên quan đến trẻ em; góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập và tạo nền tảng cho phát triển bền vững.
3. Chương trình thực hiện sẽ góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, môi trường pháp lý và hành chính thuận lợi, tạo cơ sở pháp lý và cơ chế phối hợp liên ngành, liên cấp đồng bộ, hiệu quả.
4. Chương trình được thực hiện tốt sẽ góp phần duy trì và phát huy những kết quả của các lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ, dinh dưỡng, giáo dục cho trẻ em.
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội căn cứ các văn bản hướng dẫn, quy định của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm:
a) Xây dựng kế hoạch thực hiện và điều phối các hoạt động của Chương trình;
b) Tổ chức thực hiện tốt các dự án đã được phân công trong Chương trình theo Quyết định phê duyệt của UBND tỉnh;
c) Đẩy mạnh và đổi mới các hoạt động truyền thông về chủ trương của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước về quyền tham gia của trẻ em;
d) Hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra, tổng hợp tình hình thực hiện Chương trình và định kỳ báo cáo UBND tỉnh và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội;
e) Tổ chức tổng kết việc thực hiện Chương trình (vào cuối năm 2020).
2. Sở Giáo dục và Đào tạo: Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Tỉnh đoàn thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
a) Triển khai bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên, cán bộ phụ trách Đoàn, Đội trong trường học về việc xây dựng và áp dụng phương pháp giáo dục gắn liền với sự tham gia của trẻ em;
b) Tích hợp, lồng ghép các nội dung có sự tham gia của trẻ em vào các môn học chính khóa, hoạt động ngoại khóa phù hợp với cấp học, trình độ đào tạo và năng lực, sự phát triển của trẻ em.
3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, đề xuất chính sách thúc đẩy các hoạt động tham gia của trẻ em trong gia đình.
4. Sở Tài chính: Hàng năm, căn cứ khả năng cân đối ngân sách, chủ trì phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện Chương trình theo quy định.
5. Các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật có nội dung liên quan đến trẻ em phải có hình thức tham vấn ý kiến trẻ em phù hợp và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.
6. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm:
- Tổ chức chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện tốt nội dung Kế hoạch tại địa phương theo hướng dẫn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các ngành có liên quan;
- Xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch hoạt động hang năm về thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em; lồng ghép hiệu quả việc thực hiện Chương trình này với các chương trình khác có liên quan trên địa bàn;
- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị khi xây dựng và thực hiện chính sách, chương trình... có nội dung liên quan đến trẻ em phải tham vấn ý kiến của trẻ em;
- Ưu tiên hỗ trợ kinh phí, nhân lực để đảm bảo thực hiện tốt Chương trình;
- Kiểm tra việc thực hiện Chương trình tại địa phương và định lỳ báo cáo gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo chung.
7. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và hội, đoàn thể tỉnh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình tích cực tham gia các hoạt động của Chương trình; phối hợp đẩy mạnh công tác truyền thông và tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật, chính sách về quyền tham gia của trẻ em theo quy định pháp luật./.
- 1Quyết định 1563/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt chương trình bảo vệ trẻ em tỉnh Phú Yên giai đoạn 2011-2015
- 2Quyết định 1425/QĐ-UBND năm 2013 Quy định nội dung, mức chi thực hiện Dự án xây dựng và nhân rộng mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng (Dự án 4) thuộc Chương trình bảo vệ trẻ em tỉnh Phú Yên giai đoạn 2011 - 2015
- 3Quyết định 35/2014/QĐ-UBND quy định đối tượng, tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ đối với cộng tác viên làm công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em tại thôn, buôn, khu phố trên địa bàn tỉnh Phú Yên theo Nghị quyết 112/2014/NQ-HĐND
- 4Kế hoạch 1440/KH-UBND năm 2016 thực hiện Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào vấn đề về trẻ em trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2016 - 2020
- 5Quyết định 1270/QĐ-UBND năm 2016 về Kế hoạch thực hiện Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề của trẻ em giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh
- 6Quyết định 147/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào vấn đề về trẻ em giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long
- 7Kế hoạch 38/KH-UBND thực hiện Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em năm 2017 do thành phố Cần Thơ ban hành
- 8Kế hoạch 247/KH-UBND năm 2016 thực hiện Quyết định 1235/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em giai đoạn 2016-2020 do tỉnh An Giang ban hành
- 1Quyết định 1563/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt chương trình bảo vệ trẻ em tỉnh Phú Yên giai đoạn 2011-2015
- 2Quyết định 1425/QĐ-UBND năm 2013 Quy định nội dung, mức chi thực hiện Dự án xây dựng và nhân rộng mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng (Dự án 4) thuộc Chương trình bảo vệ trẻ em tỉnh Phú Yên giai đoạn 2011 - 2015
- 3Quyết định 35/2014/QĐ-UBND quy định đối tượng, tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ đối với cộng tác viên làm công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em tại thôn, buôn, khu phố trên địa bàn tỉnh Phú Yên theo Nghị quyết 112/2014/NQ-HĐND
- 4Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 5Quyết định 1235/QĐ-TTg năm 2015 phê duyệt Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Kế hoạch 1440/KH-UBND năm 2016 thực hiện Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào vấn đề về trẻ em trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2016 - 2020
- 7Quyết định 1270/QĐ-UBND năm 2016 về Kế hoạch thực hiện Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề của trẻ em giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh
- 8Quyết định 147/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào vấn đề về trẻ em giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long
- 9Kế hoạch 38/KH-UBND thực hiện Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em năm 2017 do thành phố Cần Thơ ban hành
- 10Kế hoạch 247/KH-UBND năm 2016 thực hiện Quyết định 1235/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em giai đoạn 2016-2020 do tỉnh An Giang ban hành
Quyết định 152/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em tỉnh Phú Yên giai đoạn 2016-2020
- Số hiệu: 152/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 25/01/2016
- Nơi ban hành: Tỉnh Phú Yên
- Người ký: Phan Đình Phùng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 25/01/2016
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra