Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 1515/QĐ-UB

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 22 tháng 11 năm 1977

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ CẢI TẠO XÃ HỘI CHỦ NGHĨA ĐỐI VỚI NGÀNH ĐÁNH BẮT VÀ CHẾ BIẾN THỦY HẢI SẢN Ở THÀNH PHỐ

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chánh các cấp ngày 27-10-1962 ;
- Căn cứ bản tuyên bố của Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về chính sách đối với công thương nghiệp tư bản tư doanh ở miền Nam ngày 25-9-1976 ;
- Để tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy khôi phục và phát triển lực lượng đánh bắt cá ở thành phố, phục vụ cải thiện đời sống nhân dân,
- Theo đề nghị của ông Trưởng Ban Cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh Thành phố và ông Giám đốc Sở Thủy sản Thành phố,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1.- Nay Sở Thủy sản được phép tiến hành thực hiện công tác cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với ngành đánh bắt và chế biến thủy hải sản ở Thành phố Hồ Chí Minh. Việc thi hành theo như văn bản “Quy định tạm thời về một số điều cụ thể trong cải tạo và xây dựng ngành đánh bắt và chế biến thủy hải sản ở Thành phố”.

Điều 2.- Ông Trưởng Ban Cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh Thành phố Hồ Chí Minh, ông Giám đốc Sở Thủy hải sản Thành phố Hồ Chí Minh có mhiệm vụ hướng dẫn thực hiện bản Quy định tạm thời theo như điều 1 của quyết định này.

Điều 3.- Các đồng chí Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Trưởng Ban Cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh Thành phố, Giám đốc Sở Thủy sản Thành phố và đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Võ Thành Công

 

QUY ĐỊNH TẠM THỜI

MỘT SỐ CỤ THỂ VỀ CẢI TẠO VÀ XÂY DỰNG NGÀNH ĐÁNH BẮT VÀ CHẾ BIẾN THỦY HẢI SẢN Ở THÀNH PHỐ
(Ban hành kèm theo quyết định số 1515/QĐ-UB của Ủy ban nhân dân Thành phố ngày 22-11-1977)

Ngành đánh bắt và chế biến thủy sản ở thành phố ta đã có bước phát triển, phương tiện cơ giới hóa đã được áp dụng tương đối phổ biến, rộng rãi.

Từ sau ngày giải phóng, Nhà nước có chủ trương khôi phục và phát triển sản xuất nghề cá. Nhiều chủ tàu và anh em ngư phủ trở lại làm nghề, tích cực góp phần khôi phục và phát triển kinh tế chung của đất nước, nhưng còn nhiều chủ tàu vì nhiều lý do chưa đem hết phương tiện và khả năng của mình để góp phần thúc đẩy sản xuất.

Để nhanh chóng phát triển ngành đánh bắt và chế biến thủy hải sản. Ủy ban nhân dân Thành phố quy định tạm thời một số cụ thể thi hành chánh sách cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với ngành đánh bắt và chế biến thủy hải sản.

I.- MỤC ĐÍCH YÊU CẦU.

Tiến hành cải tạo và tổ chức sắp xếp lại toàn ngành đánh bắt và chế biến thủy hải sản ở thành phố nhằm huy động được toàn bộ lực lượng đánh bắt và chế biến của tất cả các nhà kinh doanh thủy hải sản ở thành phố ; xây dựng một lực lượng đánh bắt cá lớn mạnh, tăng nhanh sản lượng đáp ứng nhu cầu cá của nhân dân thành phố một mức nhứt định ; từng bước ổn định đời sống, giải quyết công ăn việc làm cho ngư phủ và chủ phương tiện ; đồng thời góp phần tích cực bảo vệ an ninh chính trị trên sông, biển.

Để đạt được mục đích đã nêu trên, phải nỗ lực thực hiện có kết quả các yêu cầu sau đây :

1/ Kết hợp chặt chẽ giữa cải tạo quan hệ sản xuất với tổ chức sắp xếp lại toàn ngành thủy sản thành phố, gắn bó mật thiết về trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi giữa Nhà nước, công nhân và nghiệp chủ trên cơ sở mọi người đều được sử dụng đúng mức về trí tuệ, tài năng, phương tiện, vốn liếng vào sự nghiệp xây dựng đất nước, tất cả đều được hưởng quyền lợi trước mắt và lâu dài cả về đời sống vật chất và tinh thần một cách hợp lý, để lực lượng đánh bắt ngày càng được phát triển.

2/ Nhanh chóng khôi phục, giữ vững và phát triển phương tiện đánh bắt, bao gồm : tàu thuyền hành nghề trên sông, biển, bến cảng, ụ bãi sửa chữa, đóng mới, cơ sở hậu cần, .. và phát huy trình độ, năng lực kỹ thuật về đánh bắt, sản xuất lưới, ngư cụ, sửa chữa và quản lý nghiệp vụ để đảm bảo sản lượng ngày càng tăng.

3/ Củng cố và phát triển tổ chức quốc doanh ; xây dựng tổ chức công tư hợp doanh và khẩn trương thành lập tổ đoàn kết sản xuất; tăng cường bộ máy quản lý ; xây dựng đội ngũ công nhân đông về số lượng, vững mạnh về chính trị, tiến hành tổ chức đoàn thể quần chúng rộng rãi, chặt chẽ ; phát huy cao độ quyền làm chủ tập thể của công nhân lao động, đề cao tinh thần phục vụ nhân dân, tuân thủ pháp luật, chấp hành nghiêm chỉnh nội quy hợp đồng, giữ gìn phẩm chất đạo đức tốt ; đồng thời chống những mặt tiêu cực : không tiếp tay với bọn xấu, không làm ăn gian dối, móc ngoặc và sa đọa trong sinh hoạt, v.v…

II.-CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH, HÌNH THỨC, BIỆN PHÁP LỚN TIẾN HÀNH CẢI TẠO XÂY DỰNG NGÀNH THỦY SẢN THÀNH PHỐ

A. Đối với tàu thuyền đánh bắt

Tiến hành củng cố đoàn tàu đánh cá quốc doanh trên cơ sở những phưong tiện đã có, đồng thời tiến hành mua hoặc trưng mua những tàu thuyền của chủ tư sản hoặc tiểu chủ có phương tiện mà không hành nghề hoặc muốn bán lại cho Nhà nước ; tích cực nghiên cứu điều chỉnh hợp lý số tàu thuyền đánh bắt cá do các ngành, các quận, huyện đang còn tạm giữ mà chưa sử dụng hoặc sử dụng không đúng khả năng…, tập trung các phương tiện đó giao cho Sở Thủy sản tổ chức đánh bắt, mặt khác ra sức tu bổ những tàu thuyền còn hư hỏng và cho đóng mới một số để tăng lên được trên 50 chiếc quốc doanh trong năm 1978.

Ngoài ra, những tàu thuyền và máy móc thiết bị, dụng cụ hành nghề của chủ tư nhân vắng mặt hay chưa đủ tư cách về quyền sở hữu hoặc còn chờ xử lý có tính chất phức tạp thì tạm thời trưng dụng hoặc trưng thuê đưa đi đánh bắt.

B. Nhanh chóng thực hiện ngay một, hai cơ sở công tư hợp doanh tàu thuyền đánh bắt để sớm có thực tế triển khai cho toàn thành

Công tư hợp doanh tàu đánh bắt cá được xây dựng trên cơ sở một số chủ tư sản hoặc tiểu chủ cùng hợp doanh với Nhà nưóc theo chính sách đã ban hành, tùy điều kiện cụ thể mà tổ chức mỗi công tư hợp doanh với một số lượng phù hợp.

Các đoàn tàu công tư hợp doanh chịu sự quản lý trực tiếp của Sở Thủy sản thuộc Thành phố Hồ Chí Minh.

- Vốn đưa vào công tư hợp doanh được động viên từ các nhà kinh doanh ngư nghiệp bỏ vào, gồm có tàu thuyền, máy móc thiết bị, lưới, ngư cụ, kể cả phụ tùng sửa chữa còn dự trữ ; nếu chủ phương tiện bỏ thêm vốn bằng tiền mặt và kim loại quý càng được hoan nghênh. Sau một thời gian, chủ phương tiện bỏ thêm vốn sẽ được số lãi cao hơn số vốn hợp doanh ban đầu. Nhà nước, ngư phủ và chủ phương tiện cùng bàn bạc để định giá vốn ban đầu cho thật thỏa đáng và sát hợp.

- Lãi, sẽ được chia cho chủ phương tiện đúng theo chính sách công tư hợp doanh của Nhà nước phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của thành phố.

- Tùy hoàn cảnh và điều kiện cụ thể, xí nghiệp công tư hợp doanh có thể giao cho chủ tàu thuyền và gia đình họ phụ trách trực tiếp việc giữ gìn, bảo dưỡng phương tiện đánh bắt ; xí nghiệp sẽ nghiên cứu xếp công đặt việc theo khả năng, trình độ của chủ phương tiện và người trong gia đình được tham gia lao động một cách hợp lý.

- Các thành viên của công tư hợp doanh, được bồi dưỡng về chính trị và nghiệp vụ, và tùy theo khả năng nghề nghiệp, trình độ quản lý, phẩm chất đạo đức tốt, được công nhân tín nhiệm, sẽ được cử vào các chức vụ lãnh đạo các cấp thuộc tổ chức công tư hợp doanh.

C. Nỗ lực hoàn thành việc đưa toàn bộ tàu đánh bắt vào các tổ đoàn kết sản xuất

1/ Tổ đoàn kết sản xuất là một tổ chức tập thể bao gồm những ngườI tiểu chủ bỏ vốn bằng phương tiện kinh doanh nghề đánh bắt cá như tàu thuyền, lưới, ngư cụ, máy móc thiết bị …, và những công nhân, ngư phủ bỏ sức lao động và nghề nghiệp của mình vào, trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi.

2/ Tổ đoàn kết sản xuất có trách nhiệm giữ vững và phát triển phương tiện sản xuất, đoàn kết tương trợ trong sản xuất, trong đời sống, chống mọi biểu hiện tiêu cực phát sinh, đồng thời tích cực góp phần giữ gìn, bảo vệ an ninh chính trị trên mặt biển.

3/ Thu nhập của các tổ đoàn kết sản xuất được phân chia theo sản phẩm thu hoạch, sau khi đã bỏ vào các quỹ cho yêu cầu xây dựng tái sản xuất, phúc lợi tập thể và các chi phí khác của tổ.

- Tổ đoàn kết sản xuất được cơ quan Nhà nước cho phép và hướng dẫn, giúp đỡ tổ chức hoạt động ; tổ chịu sự quản lý chặt chẽ của cơ quan Nhà nước về mọi mặt (tổ chức quản trị, nhân sự ; sử dụng và bảo vệ phương tiện ; cung cấp nguyên nhiên vật liệu ; hướng dẫn kế hoạch điều độ ; quy định chế độ tài chánh – ngân hàng và thu mua sản phẩm, v.v..).

- Sở Thủy sản Thành phố có trách nhiệm tổ chức, xây dựng các tổ đoàn kết sản xuất ngày một vững mạnh về mọi mặt ; giải quyết hợp lý những khó khăn ban đầu và tạo điều kiện thuận lợi cho tổ phát huy hết tinh thần và năng lực để sản xuất ngày càng nhiều, làm cho đời sống vật chất và tinh thần của tổ viên ngày càng cao, trình độ nghiệp vụ không ngừng phát triển.

D/ Riêng đối với loại tàu thuyền nhỏ đánh bắt cá trên sông, thì quận, huyện tiến hành cải tạo và sắp xếp tổ chức lại dưới các hình thức thích hợp như tổ đoàn kết sản xuất, hợp tác xã, v.v.. nhằm giữ vững và từng bước phát triển số lượng tàu thuyền đánh bắt, cung cấp cá cho nhân dân trong quận, huyện và góp phần tăng số lượng cá đánh bắt chung của thành phố.

E/ Đối với cơ sở hậu cần, ụ bãi sửa chữa và bến cảng :

1. Cơ sở hậu cần, ụ bãi sửa chữa :

Thực hiện công tư hợp doanh với các cơ sở sửa chữa, các ụ bãi có triển đà vĩnh cửu hoặc bán vĩnh cửu, nghiên cứu đầu tư mở rộng nhằm đảm bảo phục hồi, sửa chữa và đóng mới cho toàn bộ tàu thuyền đánh bắt cá của thành phố.

- Các cơ sở nhỏ được Nhà nước giúp đỡ, hướng dẫn để phục hồi và phát triển sản xuất theo quy định về chính sách gia công của Nhà nước, được đưa dần vào dây chuyền sản xuất của các xí nghiệp quốc doanh nhằm đảm bảo năng suất, giữ vững tay nghề và công ăn việc làm cho công nhân, tiểu chủ theo hướng đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

2/ Nhanh chóng cải tạo và xây dựng bến cảng, bãi đậu cho thuyền đánh bắt, đảm bảo một bước cho yêu cầu phát triển toàn bộ lực lượng tàu quốc doanh, công tư hợp doanh, các đoàn tàu hợp tác (tổ đoàn kết sản xuất). Nghiên cứu điều chỉnh những cơ sở bến bãi hiện có do một số ngành sử dụng không hợp lý hoặc không hết khả năng để xây dựng cơ sở ban đầu cho ngành thủy sản thành phố. Thực hiện việc thống nhất sử dụng cảng cá Chánh Hưng cho yêu cầu của đánh bắt của Sở Thủy sản và là nơi tập trung nguồn hàng và phân phốI của Sở Thương nghiệp cho toàn thành phố.

F/ Đối với cơ sở đông lạnh và chế biến nước mắm của tư nhân :

1. Tiến hành cải tạo và tổ chức sắp xếp lại toàn bộ cơ sở đông lạnh hiện có ở thành phố nhằm đảm bảo dự trữ và phục vụ hàng ngày cho nhân dân về hàng tươi sống thủy hải sản, vừa để phục vụ cho việc giữ gìn phẩm chất hàng xuất khẩu.

Với những cơ sở đông lạnh lớn thì làm công tư hợp doanh với từng hộ ; với những cơ sở vừa hoặc nhỏ, thì xem xét cụ thể để có thể tổ chức 2 hoặc 3 cơ sở thành một công tư hợp doanh.

Trong khi tiến hành cải tạo các cơ sở xí nghiệp lạnh và đông lạnh, cần có sự tính toán, cân nhắc kỹ về nhu cầu thực tế của ngành đến đâu thì tổ chức sắp xếp sử dụng đến đó ; không để khi tổ chức rồi lại trở thành gánh nặng cho Nhà nước và cũng không thể để sót 1 cơ sở nào bị mai một hay đình trệ sản xuất.

Trong trường hợp riêng lẻ, nếu có nhà kinh doanh nào muốn chuyển cả phưong tiện máy móc, gia đình đi xây dựng vùng kinh tế mới hoặc hồi hương lập nghiệp ở những tỉnh có điều kiện sản xuất và được chánh quyền địa phương nhất trí, thì cần nghiên cứu điều chỉnh cho thật phù hợp.

2. Toàn bộ các cơ sở chế biến nước mắm đều do Sở Thủy sản tiến hành cải tạo và tổ chức sắp xếp lại toàn ngành theo yêu cầu động viên toàn bộ khả năng của ngành này để cung cấp cho nhân dân thành phố, vừa đảm bảo phẩm chất và số lượng ngày càng tăng, đồng thời đáp ứng một phần cho yêu cầu xuất khẩu. Nên dành một vài cơ sở cho Sở Thương nghiệp tiến hành cải tạo và xây dựng để giải quyết chế biến số cá không thể phân phối tiêu dùng được.

Thực hiện công tư hợp doanh với từng hộ tư sản và tiểu chủ có cơ sở chế biến lớn ; với những cơ sở vừa và nhỏ cần nghiên cứu tổ chức hai, ba, bốn cơ sở thành một cơ sở công tư hợp doanh cho phù hợp.

Mọi chính sách, ngành chủ quản nghiên cứu áp dụng thật phù hợp với công nhân và các nhà kinh doanh ngành chế biến nước mắm.

G. Ra sức xây dựng Chi bộ Đảng, các tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, giáo dục ý thức cảnh giác, trách nhiệm bảo vệ an ninh trên biển, xác lập được sự lãnh đạo của Đảng và cơ chế chuyên chính vô sản tron toàn bộ ngành thủy hải sản thành phố, phát huy vai trò làm chủ tập thể của công nhân ngư phủ, không ngừng cải thiện đời sống cho họ và gia đình.

1. Quá trình cải tạo là quá trình dồn sức của ngành chủ quản cùng với các ngành, đoàn thể, tổ chức tăng cường cán bộ đảng viên, cán bộ công đoàn, đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh để vừa thực hiện cải tạo vừa xây dựng phát triển lực lượng trong phong trào.

2. Lực lượng công nhân, ngư phủ đánh bắt là vốn qúy cho yêu cầu xây dựng phát triển ngành thủy sản thành phố, phải được chăm sóc, bồi dưỡng và đào tạo phát triển lên kịp nhiệm vụ.

Phải giáo dục phát động công nhân, ngư phủ về ý thức giai cấp, về vai trò làm chủ của công nhân trong chế độ xã hội chủ nghĩa, mạnh dạn tuyển chọn những công nhân, ngư phủ ưu tú đưa lên phụ trách các tổ, đội sản xuất, và giao cho công nhân có trọn quyền bảo vệ, sử dụng, quản lý, làm chủ trên từng tàu trong các đoàn tàu quốc doanh, công tư hợp doanh, tổ đoàn kết sản xuất… ; thường xuyên tổ chức các lớp huấn luyện ngắn ngày, dài ngày để cho công nhân, cán bộ và nhân viên kỹ thuật của ngành thủy sản học tập.

Chú trọng đúng mức việc chăm lo đời sống cho công nhân, ngư phủ ; mọi công nhân, ngư phủ, nhân viên kỹ thuật cần được nghiên cứu xếp công đặt việc ; tùy điều kiện của các hình thức cải tạo mà xem xét từng người xếp họ vào biên chế Nhà nước hoặc ký hợp đồng lương sản phẩm… Ngoài ra phải quan tâm đúng mức việc cung cấp nhu yếu phẩm và nơi ăn chốn ở của công nhân ngư phủ, phải có chế độ phụ cấp, tiền thưởng để vừa đáp ứng nhu cầu tối thiểu và phát huy khả năng của mọi người, đồng thời cũng là khuyến khích hết mức yếu tố tích cực trong đội ngũ công nhân, ngư phủ.

H. Quá trình cải tạo ngành thủy sản thành phố là quá trình đẩy mạnh tăng năng suất, phát huy sáng tạo kỹ thuật, giữ vững, củng cố, xây dựng nền nếp kỷ luật lao động xã hội chủ nghĩa, bảo vệ tài sản Nhà nước và tập thể, chống mọi biểu hiện tiêu cực : thoái hóa, móc ngoặc, v.v…

Trong hoàn cảnh nền kinh tế của ta còn nhiều khó khăn, ngành thủy sản còn nhiều mặt yếu, phải ra sức động viên mọi người, mọi lực lượng trong ngành phát huy sáng tạo, phát triển kỹ thuật, nâng cao hiệu suất đánh bắt. Nhà nước khuyến khích, khen thưởng xứng đáng bằng mọi hình thức, bằng quà vật, tiền, v.v… cho những cá nhân xuất sắc, tập thể công nhân thủy thủ, từng tàu, từng tổ đoàn kết sản xuất, từng đội… có thành tích tăng năng suất vượt chỉ tiêu, tiết kiệm xăng dầu, bảo quản tàu thuyền, lưới, ngư cụ tốt…

Tích cực xây dựng đội ngũ công nhân, thủy thủ, những tập đoàn, tổ đoàn kết sản xuất… có ý thức kỷ luật tốt, thực hiện nghiêm minh mọi luật lệ của Nhà nước, mọi nội quy kỷ luật đã đề ra, chống mọi biểu hiện thoái hóa móc ngoặc đưa hàng cho bọn gian thương, bọn xấu gây rối loạn thị trường phá hoại cách mạng.

III.- TỔ CHỨC CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN.

1. Phải làm quán triệt những chủ trương, chính sách cải tạo, xây dựng ngành thủy sản thành phố đến các cấp Quận ủy, Huyện ủy, Ủy ban nhân dân quận, huyện và phường, xã trực tiếp tham gia cải tạo ngành này, biến những chủ trương, chính sách thành kế hoạch chỉ đạo thực hiện của quận, huyện và các ngành, ban, sở có liên quan.

2. Liên hiệp Công đoàn thành phố, Thành Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cùng với Sở Thủy sản nỗ lực xây dựng lực lượng công đoàn, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, đảm bảo trong một thời gian nhất định có được một lực lượng mạnh làm nền tảng cho việc nắm chắc từng tàu, từng đội đánh bắt trên biển. Qua đó mà chọn lọc những phần tử ưu tú, tuyên truyền giáo dục, đưa vào Đảng và đào tạo thành một đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật đánh bắt mới của chế độ xã hội chủ nghĩa.

3. Các đoàn thể phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc, Ban liên lạc công thương, Sở Văn hóa và thông tin… vừa tuyên truyền vừa đi sâu giải thích, vận động các nhà tư sản, tiểu chủ… để thực sự làm thăm nhập chính sách và đưa họ vào thực hiện cải tạo – xây dựng ngành thủy sản thành phố có kết quả tốt.

4. Ban Cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh Thành phố, Sở Thủy sản có kế hoạch phổ biến, hướng dẫn cho các quận, huyện và các ngành có liên quan nắm được chủ trương, chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với ngành đánh bắt ở thành phố và tiếp tục nghiên cứu những vấn đề mới nảy sinh trong quá trình cải tạo, báo cáo và đề xuất ý kiến trình với Thành ủy và Ủy ban nhân dân Thành phố kịp thời để có quyết định tiếp theo.

5. Sở Thủy sản có trách nhiệm phổ biến, giáo dục hướng dẫn cho tất cả chủ tàu tư nhân, ngư phủ, công nhân và chủ cơ sở sản xuất, sửa chữa… thông suốt chủ trương, chính sách này để họ tích cực thực hiện ; đồng thời tập trung những ý kiến chính đáng để bổ sung và chấn chỉnh kịp thời trong quá trình thực hiện.

6. Các cơ quan có trách nhiệm và quận, huyện tiếp tục nghiên cứu để có những chính sách cụ thể thật phù hợp trong quá trình vận dụng thực hiện cải tạo và xây dựng ngành đánh bắt và chế biến thủy hải sản có kết quả và nhanh chóng phát triển.