Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1514/QĐ-BNN-KHCN

Hà Nội, ngày 03 tháng 07 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG CỦA DỰ ÁN: NÂNG CẤP CỐNG CẦU XE THUỘC HỆ THỐNG THỦY LỢI BẮC HƯNG HẢI

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ Quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường;

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 và Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10/09/2009 của Chính phủ sửa đổi Điều 3 Nghị định số 01/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Thông tư số 26/2011/TT-BTNMT ngày 18 tháng 7 năm 2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường;

Xét đề nghị của hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án: Nâng cấp cống Cầu Xe thuộc hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải họp ngày 23/4/2013. Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án: Nâng cấp cống Cầu Xe thuộc hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đã được chỉnh sửa, bổ sung gửi kèm Công văn số 132/BQL2 ngày 17/6/2013 của Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 2;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án: Nâng cấp cống Cầu Xe thuộc hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải (sau đây gọi là Dự án) được lập bởi Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 2 (sau đây gọi là Chủ dự án) với các nội dung chủ yếu sau đây:

1. Phạm vi, quy mô, công suất của Dự án:

1.1. Cụm các công trình đầu mối gồm:

1.1.1. Vị trí xây dựng:

Xây dựng mới bên bờ hữu sông Cầu Xe, cách cống cầu xe cũ khoảng 1550m (phía bờ lồi đoạn sông cong khu vực trồng vải) thuộc địa phận xã Quang Trung, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương.

1.1.2. Quy mô công trình:

- Cống gồm 6 cửa 8m và 1 cửa âu thuyền 9m; âu thuyền đặt phía đồng bên bờ hữu, dài 200 m cho tàu 800 tấn qua lại, cao trình đáy cống (- 4,30);

- Cầu giao thông tải trọng ô tô thiết kế H13, bề rộng mặt cầu rộng 5m, cao trình mặt cầu giao thông (+5,20).

1.1.3. Kết cấu công trình:

- Cống kết cấu BTCT mác 250#, bản đáy dài 21,5m, dày 1,40 m; trụ pin dày 1,40m, 6 cửa 8 m cửa van phẳng bằng thép 2 tầng đóng mở bằng tời điện 50 tấn 2 tang.

- Âu thuyền có 2 cửa van, cửa van thượng lưu van bằng thép 2 tầng, cửa van hạ lưu (ở thân cống) của van phẳng đóng mở bằng tời điện 50 tấn 2 tang; cửa van phía thượng lưu âu đóng mở bằng tời điện 50 tấn 2 tang.

1.2. Các hạng mục công trình phụ trợ phục vụ Dự án.

Bao gồm các công trình: khu nhà quản lý; nâng cấp tuyến đường từ cống Cầu Xe cũ về cống Cầu Xe mới; hệ thống điện quản lý vận hành (đường dây 35KV, trạm biến áp treo công suất 160KVA-35(22)/0,4KV, điện chiếu sáng, điện hạ thế phục vụ quản lý).

1.3. Phạm vi của báo cáo đánh giá tác động môi trường này không bao gồm nội dung đánh giá tác động môi trường đối với các hoạt động xây dựng khu tái định cư, khai thác vật liệu xây dựng phục vụ Dự án.

2. Yêu cầu bảo vệ môi trường đối với Dự án:

2.1. Khoanh định và cắm mốc giới địa bàn thực hiện các hạng mục công trình của Dự án và chỉ được thực hiện thi công sau khi hoàn thành các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án theo quy định hiện hành;

2.2. Tổ chức rà phá bom mìn và báo cáo kết quả đến cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra trước khi triển khai thi công;

2.3. Bố trí, thiết kế các công trình phục vụ thi công như: ban chỉ huy công trường, lán trại của công nhân, kho chứa nguyên vật liệu, bãi tập kết máy móc thiết bị, nhà vệ sinh, bãi chứa chất thải ở những nơi phù hợp, bảo đảm các yêu cầu về an toàn và bảo vệ môi trường trong suốt quá trình thi công và vận hành các công trình của Dự án. Các bãi chứa thải chỉ được phép đổ thải khi có văn bản chấp thuận của chính quyền địa phương nơi có bãi thải của dự án;

2.4. Thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt ở khu vực nhà ở tạm bảo đảm đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sinh hoạt (QCVN 14:2008/BTNMT) trước khi thải ra môi trường; áp dụng các biện pháp quản lý và kỹ thuật phù hợp trong quá trình triển khai Dự án, bảo đảm các yêu cầu về tiếng ồn và nồng độ các chất gây ra ô nhiễm khí thải phát sinh từ các thiết bị phục vụ thi công, các phương tiện vận chuyển vật liệu, đào đắp đất, theo các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia: (QCVN 26:2010/BTNMT; QCVN 05:2009/BTNMT);

2.5. Tổ chức thu gom, vận chuyển và xử lý toàn bộ các chất thải rắn thông thường, chất thải sinh hoạt, chất thải nguy hại đảm bảo tuân thủ các quy định tại Nghị định số 59/2007/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ quy định về quản lý chất thải rắn và Thông tư số 12/2011/TT-BTNMT ngày 14 tháng 4 năm 2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải nguy hại. Đặc biệt chú ý đến biện pháp kỹ thuật che chắn bụi, bùn đất rơi vãi dọc đường, nước rỉ bùn chảy ra từ các phương tiện vận chuyển phục vụ công tác đào, đắp đất các hạng mục của Dự án;

2.6. Thực hiện các biện pháp gia cố kỹ thuật (đắp đê bao, tường quây...) các bãi chứa bùn, đất phục vụ công tác đào hố móng, đảm bảo nước rỉ từ bùn, đất không chảy tràn ra các khu vực xung quanh;

2.7. Có biện pháp quản lý cán bộ, công nhân lao động của Dự án để ngăn chặn các hiện tượng xung đột xã hội đối với người dân địa phương; có chương trình tập huấn nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho cán bộ, công nhân lao động trong quá trình thi công xây dựng và vận hành công trình.

2.8. Có biện pháp giảm thiểu tác động đến việc ngăn lũ, ngăn mặn từ sông Thái Bình; lấy nước ngọt từ sông Thái Bình để tưới hỗ trợ cho hệ thống;

2.9. Thực hiện công tác phục hồi môi trường toàn bộ diện tích chiếm đất tạm thời phục vụ thi công; phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan khác thực hiện việc bàn giao lại sau khi hoàn thành thi công các hạng mục công trình của Dự án;

2.10. Giám sát quá trình xói lở ở thượng hạ lưu các cống, âu thuyền hiện tượng bồi lắng lòng kênh, sự xâm nhập mặn phía hạ lưu trong quá trình vận hành khai thác để có các giải pháp kỹ thuật phù hợp, kịp thời khắc phục các tác động tiêu cực gây ra;

2.11. Thực hiện chương trình quản lý và giám sát môi trường như đã nêu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt và lưu giữ số liệu để các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường kiểm tra khi cần thiết;

3. Các điều kiện kèm theo:

3.1. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng đối với các hộ dân bị ảnh hưởng của Dự án theo đúng các quy định hiện hành;

3.2. Thực hiện các quy định về an toàn thi công và phòng chống cháy nổ; lập kế hoạch ứng cứu sự cố trong thi công, vận hành công trình, đảm bảo ứng phó kịp thời các sự cố xảy ra;

3.3. Lập kế hoạch ngăn lũ, ngăn mặn từ sông Thái Bình; lấy nước ngọt từ sông Thái Bình để tưới hỗ trợ cho hệ thống; phân luồng giao thông trên sông nhằm đảm bảo thoát lũ cho toàn hệ thống và an toàn giao thông đi lại của nhân dân;

3.4. Tuân thủ các quy định về khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả thải vào nguồn nước được quy định tại Nghị định số 149/2004/NĐ-CP ngày 27 tháng 7 năm 2004 của Chính phủ quy định việc cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả thải vào nguồn nước;

Điều 2. Chủ dự án có trách nhiệm:

1. Lập, phê duyệt và niêm yết công khai kế hoạch quản lý môi trường của Dự án trước khi triển khai thực hiện Dự án;

2. Thực hiện nghiêm túc các yêu cầu về bảo vệ môi trường quy định tại khoản 2, 3 Điều 1 Quyết định này và các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

3. Lập hồ sơ đề nghị kiểm tra, xác nhận việc thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của Dự án gửi cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xác nhận trước khi đưa dự án vào vận hành chính thức;

Điều 3. Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án là căn cứ để quyết định việc đầu tư Dự án; là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường của Dự án.

Điều 4. Giao Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương thực hiện việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung bảo vệ môi trường trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt tại Quyết định này.

Điều 5. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 6. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Chủ dự án và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 6;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Sở TN và MT tỉnh Hải Dương;
- Lưu VT, KHCN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Xuân Thu

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1514/QĐ-BNN-KHCN năm 2013 phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án Nâng cấp cống Cầu Xe thuộc hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 1514/QĐ-BNN-KHCN
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 03/07/2013
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Nguyễn Thị Xuân Thu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 03/07/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản