Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 151-CT | Hà Nội, ngày 21 tháng 6 năm 1986 |
QUYẾT ĐỊNH
Trong những năm gần đây, ngành thuỷ sản đã có những cố gắng và đạt được một số kết quả bước đầu, khắc phục được tình trạng sa sút của những năm 1976-1980, tăng khá về kim ngạch xuất khẩu và tăng dần về sản lượng hải sản cung cấp cho tiêu dùng trong nước.
Để phù hợp với đặc điểm của nghề cá, quy luật di chuyển của các loài hải sản, tập quán sản xuất trên biển của ngư dân và khắc phục những thiếu sót nêu trên đây, nhằm khai thác có hiệu quả nguồn lợi, từng bước đưa nghề cá lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định một số nhiệm vụ về tổ chức lại sản xuất nghề cá như sau:
1. Tổ chức lại sản xuất trên các ngư trường.
Bộ thuỷ sản chủ trì cùng với Uỷ ban Nhân dân các tỉnh ven biển và các ngành có liên quan, căn cứ vào những kết quả điều tra sơ bộ và quy hoạch tạm thời của ngành thuỷ sản, tiến hành tổ chức lại sản xuất nghề cá trên các ngư trường vịnh Bắc bộ, Nam Trung bộ, Đông và Tây Nam bộ, viễn dương.
Trước mắt Bộ thuỷ sản cần tập trung điều tra, quy hoạch và phối hợp với uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố có liên quan tổ chức lại sản xuất ở ngư trường Đông và Tây nam bộ để thí điểm rút kinh nghiệm, mặt khác cần tổ chức, sắp xếp lại các trung tâm nghề cá của cả nước như Hải Phòng, Cửa Hội, Đà Nẵng, Phan Thiết, Năm Căn, Vũng Tàu, sông Ông Đốc, Rạch Giá và Phú Quốc. Đối với các ngư trường nhỏ khác và các bãi ngang, bến cá địa phương, Bộ Thuỷ sản hướng dẫn và giúp đỡ để Uỷ ban Nhân dân tỉnh sở tại chỉ đạo việc tổ chức lại sản xuất, phù hợp với quy hoạch chung của ngành thuỷ sản.
Việc tổ chức lại sản xuất trên các ngư trường phải gắn chặt khai thác với nuôi trồng, sản xuất với thu mua, chế biến và dịch vụ hậu cần, nhằm bảo đảm khai thác có hiệu quả nguồn lợi thuỷ sản.
a) Sắp xếp lại lực lượng đánh bắt hải sản: Sắp xếp củng cố lại các quốc doanh để quốc doanh vừa là chủ đạo, vừa là nòng cốt trong việc dịch vụ, hậu cần và đánh bắt hải sản phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Sắp xếp, tổ chức lại số tầu thuyền của hợp tác xã, tập đoàn sản xuất và ngư dân cá thể thành đoàn, thành đội khi đi sản xuất trên biển. Bố trí kết hợp giữa lực lượng cơ giới, bán cơ giới và thủ công để sản xuất theo các tuyến khơi, lộng và ven bờ cho phù hợp với năng lực sản xuất, tính chất nghề nghiệp và yêu cầu bảo vệ an ninh, quốc phòng trên biển. Bố trí kiêm nghề trên tất cả các tầu thuyền để tận dụng mọi thời gian và lao đông, đánh bắt được nhiều sản phẩm, tiết kiệm vật tư, nhiên liệu và hạ giá thành. Phân bố lại cơ cấu nghề nghiệp, số lượng tầu thuyền, lưới và công cụ đánh bắt ở từng ngư trường cho phù hợp với sản lượng cho phép đánh bắt hàng năm.
Việc đưa tầu thuyền di chuyển đến ngư trường khác để khai thác theo mùa vụ, Bộ Thuỷ sản và các địa phương phải quán triệt tinh thần vùng biển đặc quyền kinh tế là sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý, chỉ có quốc doanh và đơn vị tập thể mới được đưa tầu thuyền di chuyển đến các ngư trường thuộc địa phận của tỉnh khác để đánh bắt hải sản nhưng phải tổ chức theo đoàn, theo đội có đăng ký hành nghề, tuân theo quy hoạch, kế hoạch và sự quản lý thống nhất của Bộ Thuỷ sản và các quy định cụ thể của Uỷ ban Nhân dân tỉnh sở tại với sự nhất trí của Bộ Thuỷ sản, Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng.
Các lực lượng vũ trang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và an ninh trên biển nếu được Bộ Quốc phòng cho phép thì được kết hợp làm kinh tế đánh bắt hải sản ở vùng biển đặc quyền kinh tế của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhưng phải đăng ký với Bộ Thuỷ sản và do Bộ Thuỷ sản chỉ đạo, quản lý về sản xuất và kỹ thuật.
b) Sắp xếp, tổ chức lại hệ thống hậu cần, dịch vụ cho nghề cá. Sắp xếp lại các cơ sở đóng mới và sửa chữa tầu thuyền của Trung ương và địa phương để cân đối đủ cho nhu cầu đóng và sửa chữa tầu thuyền hàng năm của cả nước và của mỗi vùng. Sắp xếp lại các cơ sở đông lạnh, bảo đảm đủ cho việc cung cấp nước đá và chế biến, bảo quản các sản phẩm hải sản xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Sắp xếp lại các cơ sở cung ứng vật tư, xăng dầu, lưới sợi, lương thực và hàng hoá tiêu dùng thiết yếu khác nhằm bảo đảm phục vụ thuận tiện và kịp thời cho các tầu thuyền đánh bắt hải sản. Các cơ sở hậu cần và dịch vụ này do các công ty và quốc doanh của trung ương và địa phương phụ trách và được sắp xếp theo hướng trung ương đảm nhận dịch vụ ở những ngư trường chính, nếu cần vẫn có thể liên kết, liên doanh với các địa phương, địa phương chủ yếu dịch vụ cho các lực lượng sản xuất của địa phương mình và chi viện một phần cho tầu thuyền của địa phương bạn khi đến sản xuất ở vùng biển thuộc địa phương mình quản lý.
Các cơ sở hậu cần, dịch vụ của cả trung ương và địa phương nói trên đây phải xây dựng ở cả trên bờ, trên đảo và tổ chức "trạm nổi" trên biển, điều chỉnh giữa nơi thừa và nơi thiếu về năng lực hậu cần, dịch vụ, để bảo đảm cho các cơ sở hậu cần dịch vụ phát huy hết công suất thiết kế và phục vụ sản xuất có hiệu quả. Bộ Thuỷ sản và các địa phương bàn bạc với các ngành tham gia dịch vụ cho nghề cá để tổ chức tốt mạng lưới hậu cần dịch vụ theo hướng trên đây, bảo đảm sản phẩm đánh bắt được chế biến ngay, làm cho chất lượng tốt, giá thành hạ.
c) Tổ chức, sắp xếp lại các cơ sở thu mua, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm, Bộ Thuỷ sản và Uỷ ban Nhân dân các tỉnh thống nhất chỉ đạo việc tổ chức các công ty và quốc doanh thu mua hải sản. Các tổ chức thu mua phải được giao nhiệm vụ rõ ràng và bố trí ở cả trên bờ, trên đảo và trên biển để bảo đảm thu mua đại bộ phận các sản phẩm khai thác được, phương thức thu mua phải cải tiến, thuận tiện và không gây phiền hà cho người bán, giá cả phải theo quy định của Nhà nước. Nghiêm cấm việc treo giá, tranh mua, tranh bán, đầu cơ buôn lậu và nâng giá. Các tầu thuyền khai thác không được thu mua sản phẩm, kể cả lực lượng vũ trang. Trường hợp các quốc doanh chưa đảm nhận hết, có thể giao cho đơn vị tập thể làm một phần dịch vụ và thu mua hải sản để chế biến hoặc đại lý cho Nhà nước, nhưng không được giao cho tư thương làm việc này và phải được quản lý chặt chẽ.
Mọi tầu thuyền của các đơn vị tập thể và tư nhân khai thác hải sản trên biển có nghĩa vụ bán sản phẩm cho Nhà nước ngay tại nơi tầu thuyền mình hoạt động thông qua hợp đồng kinh tế hai chiều và theo giá quy định của Nhà nước ở khu vực đó. Riêng các tầu thuyền di chuyển có thể đem toàn bộ hay một phần sản phẩm khai thác được về tiêu dùng ở địa phương mình, nhưng không được bán cho tư thương, tầu thuyền nước ngoài và bọn buôn lậu dưới bất cứ hình thức nào.
2. Bảo vệ nguồn lợi, bảo vệ sản xuất và an ninh vùng biển.
Để bảo vệ cho nguồn lợi hải sản phát triển phong phú và lâu dài, khai thác một cách có hiệu quả tài nguyên của đất nước, mọi tầu thuyền đánh bắt phải tuân theo các quy trình kỹ thuật do Bộ Thuỷ sản ban hành. Cấm tất cả các tổ chức và cá nhân sử dụng các chất hoá học, chất nổ và điện để giết hại hàng loạt hải sản; cấm dùng các loại lưới có kích thước mắt lưới quá nhỏ để đánh bắt các loài hải sản chưa đủ quy cỡ; không dùng các loại tầu thuyền, nhất là tầu thuyền có mã lực lớn để đánh bắt hải sản ở vùng nước nông và sát gần bờ; không được đánh bắt các loài hải sản trong thời kỳ đi đẻ và đánh bắt ở các bãi cá đẻ.
Để đảm bảo duy trì trật tự, an ninh chính trị trên biển, Bộ Thuỷ sản và Uỷ ban Nhân dân các tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và các cấp huyện, xã phải làm tốt các việc quản lý chặt chẽ lao động và tầu thuyền làm nhiệm vụ khai thác hải sản của các quốc doanh, các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất và ngư dân cá thể thuộc phạm vi mình phụ trách; biên chế các lực lượng này thành các đơn vị tự vệ theo từng địa phương hoặc từng đơn vị sản xuất, tổ chức các lực lượng này sản xuất theo loại nghề và trong phạm vi vùng biển đã đăng ký, có kế hoạch phối hợp và thường xuyên thông báo cho các lực lượng của Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh ở vùng đó biết về tình hình hoạt động của các tầu thuyền đánh cá của địa phương mình, đơn vị mình, giáo dục ngư dân và cán bộ, công nhân viên các quốc doanh về trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc.
Các lực lượng sản xuất, thu mua trên biển có trách nhiệm phối hợp với các lực lượng vũ trang để bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn trên biển, phát hiện, ngăn chặt, bắt giữ kịp thời các tầu thuyền nước ngoài vi phạm hải phận của ta, bọn gián điệp biệt kích xâm nhập, bọn vượt biển trốn đi nước ngoài và bọn buôn lậu. Những người có nghi vấn về chính trị và những người có hành vi về mua bán lậu không được đi đánh bắt, thu mua, chế biến hải sản trên biển.
Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ chỉ đạo Bộ Tư lệnh Hải quân, Bộ tư lệnh Biên phòng, Bộ Chỉ huy quân sự địa phương và các lực lượng an ninh dưới quyền mình phụ trách có kế hoạch hợp đồng, trang bị vũ khí quản lý và huấn luyện chiến đấu cho các hải đoàn, hải đội của ngành Thuỷ sản làm nhiệm vụ sản xuất trên biển, để các đơn vị này tham gia vào việc bảo vệ ngư trường, lãnh hải, bảo vệ sản xuất, chống lại các âm mưu phá hoại của địch.
Tổng cục Bưu điện giúp đỡ ngành thuỷ sản xây dựng hệ thống thông tin liên lạc và báo bão, để việc chỉ huy và chỉ đạo sản xuất trên biển được nhanh nhạy, chính xác và kịp thời, đồng thời phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu có hiệu quả.
Các vấn đề về tổ chức chỉ huy, thông tin, thông báo tình hình, ký tín hiệu và hiệp đồng trên biển... để bảo vệ an ninh và quốc phòng do Bộ Tư lệnh Hải quân hướng dẫn thực hiện theo Quyết định số 13-HĐBT ngày 11-2-1986 của Hội đồng Bộ trưởng về tăng cường bảo vệ chủ quyền và an ninh các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam.
a) Việc tổ chức sắp xếp lại các lực lượng đánh bắt và cơ sở hậu cần dịch vụ, thu mua, chế biến hải sản phải quán triệt theo tinh thần các Nghị quyết 6, 7, 8, 9 và Nghị quyết 10 của Ban Chấp hành Trung ương, chuyển mạnh sang hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa, củng cố và chấn chỉnh lại các cơ sở yếu kém, chuyển hướng sản xuất hoặc giải thể những cơ sở làm ăn không có hiệu quả và thua lỗ kéo dài, sắp xếp bộ máy cho gọn nhẹ, giảm bớt đầu mối phòng, ban và số cán bộ, nhân viên gián tiếp, tăng cường mạnh cho các bộ phận trực tiếp sản xuất cả về số lượng và chất lượng cán bộ, công nhân.
b) Để việc tổ chức lại sản xuất trên các ngư trường đem lại kết quả tốt, ở mỗi ngư trường chính có nhiều tầu thuyền của nhiều địa phương đến đánh bắt, được thành lập một ban chỉ đạo chung để giúp Bộ thuỷ sản và cấp uỷ, chính quyền địa phương chỉ đạo, điều hoà và quản lý sản xuất. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng giao cho Bộ thuỷ sản thống nhất với các địa phương và các ngành có liên quan để quy định chức năng, nhiệm vụ và ra quyết định thành lập các ban chỉ đạo ở từng ngư trường, theo từng mùa vụ hàng năm. ở những ngư trường quan trọng, Ban chỉ đạo chung cần có một đồng chí Thứ trưởng Bộ Thuỷ sản tham gia (làm thử ở ngư trường Tây và Đông Nam bộ).
c) Để đóng góp vào việc quản lý, sửa chữa và xây dựng các cơ sở hậu cần dịch vụ cho nghề cá ở từng địa phương và chi cho Ban chỉ đạo sản xuất ở các ngư trường chính hoạt động hàng năm, tạm thời cho phép Sở thuỷ sản các tỉnh Kiên Giang, Minh Hải và Thuận Hải được thu của các tầu thuyền địa phương khác di chuyển đến đánh bắt hải sản ở vùng biển thuộc địa phương mình quản lý một khoản phí thuê cảng không quá 1,5% giá trị tổng sản lượng do tầu thuyển đó khai thác được. Số tiền này các Sở Thuỷ sản phải nộp vào ngân sách của địa phương để chi cho các mục nói trên và do Uỷ ban Nhân dân cấp tỉnh địa phương đó quyết định. Đối với các ngư trường ở tỉnh khác giao cho Bộ thuỷ sản căn cứ tình hình cụ thể để quy định cho phù hợp.
d) Bộ Thuỷ sản chịu trách nhiệm phối hợp cùng với các địa phương, các ngành có liên quan và Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng để ban hành các thể lệ, quy định và thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định này.
Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu, sau khi thống nhất với Bộ Thuỷ sản và các ngành có liên quan, có trách nhiệm ban hành các quy định cho từng vùng ngư trường thuộc địa phương mình quản lý; những quy định của địa phương không được trái với quy định của Bộ Thuỷ sản và các ngành Trung ương.
Bộ Thuỷ sản và Uỷ ban Nhân dân các tỉnh có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục và phổ biến Quyết định này đến tận đơn vị tầu thuyền và ngư dân, để mọi người thông suốt và chấp hành đầy đủ.
Các Bộ Quốc phòng, Nội vụ và các ngành có liên quan theo chức năng của mình, phối hợp với Bộ Thuỷ sản và Uỷ ban Nhân dân các tỉnh kiểm tra, đôn đốc và tổ chức thực hiện Quyết định này.
Quyết định này áp dụng cho mọi lực lượng sản xuất trên các ngư trường thuộc vùng biển đặc quyền của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (đối với các tầu thuyền nước ngoài có quy định riêng), và có hiệu lực kể từ ngày ký. Những đơn vị và cá nhân làm tốt sẽ được khen thưởng kịp thời, đơn vị cá nhân nào vi phạm sẽ tuỳ theo lỗi nặng, nhẹ mà Bộ Thuỷ sản và Uỷ ban Nhân dân các tỉnh xử lý bằng các biện pháp hành chính - kinh tế theo pháp luật hiện hành.
Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản, Thủ trưởng các ngành có liên quan và Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Tố Hữu (Đã ký) |
Quyết định 151-CT năm 1986 về việc tổ chức lại sản xuất nghề cá trên các ngư trường do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- Số hiệu: 151-CT
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 21/06/1986
- Nơi ban hành: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
- Người ký: Tố Hữu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 12
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra