Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 1505/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 15 tháng 10 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “ĐÀO TẠO THEO CHƯƠNG TRÌNH TIÊN TIẾN TẠI MỘT SỐ TRƯỜNG ĐẠI HỌC VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2008 - 2015”

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 02 tháng 11 năm 2005 của Chính phủ về “Đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 – 2020”;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Đào tạo theo chương trình tiên tiến tại một số trường đại học Việt Nam giai đoạn 2008 – 2015”, với những nội dung chính như sau:

1. Mục tiêu

a) Mục tiêu tổng quát

Triển khai thực hiện một số chương trình tiên tiến đào tạo trình độ đại học nhằm tạo điều kiện để xây dựng và phát triển một số ngành đào tạo, khoa, trường đại học mạnh đạt chuẩn khu vực và đẳng cấp quốc tế; góp phần nâng cao chất lượng và triển khai các chương trình đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam; phấn đấu đến năm 2020 có một số trường đại học của Việt Nam được xếp hạng trong số 200 trường đại học hàng đầu thế giới.

b) Mục tiêu cụ thể

- Đến hết năm 2015 triển khai thực hiện được ít nhất 30 chương trình đào tạo cử nhân tiên tiến ở một số trường đại học của Việt Nam.

- Đến năm 2015 có khoảng 4000 cử nhân, 600 thạc sĩ, tiến sĩ được đào tạo theo các chương trình đào tạo tiên tiến.

- Đến năm 2015 thu hút khoảng 3000 sinh viên quốc tế đến học tập và ít nhất 700 lượt cán bộ khoa học quốc tế đến giảng dạy, nghiên cứu tại các cơ sở đào tạo theo chương trình tiên tiến ở Việt Nam.

- Đến năm 2015 đào tạo được 1000 giảng viên đại học đạt chuẩn khu vực và quốc tế; 100% số giảng viên giảng dạy lý thuyết trong các chương trình tiên tiến đạt trình độ tiến sĩ.

- Đến năm 2015 có ít nhất 100 cán bộ quản lý giáo dục đại học được đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn khu vực và quốc tế, đáp ứng được yêu cầu mới của công tác quản lý trong các trường đại học ở Việt Nam.

- Đến năm 2015 có ít nhất 100 công trình khoa học trong các lĩnh vực, ngành thực hiện đào tạo theo chương trình tiên tiến được công bố trên các tạp chí khoa học có uy tín ở nước ngoài.

- Tăng cường trang thiết bị phục vụ việc giảng dạy, học tập và nghiên cứu theo tiêu chuẩn quốc tế, phấn đấu đến năm 2015 có ít nhất 20 phòng thí nghiệm và 15 thư viện điện tử được đầu tư, hoàn thiện đạt chuẩn khu vực và quốc tế.

2. Tiêu chí xác định và triển khai các chương trình tiên tiến

a) Chương trình tiên tiến được áp dụng thực hiện là chương trình do các cơ sở đào tạo thiết kế, xây dựng phù hợp dựa trên cơ sở của chương trình đào tạo đang được áp dụng ở trường đại học tiên tiến trên thế giới (gọi tắt là chương trình gốc), kể cả nội dung, phương pháp, quy trình tổ chức và quản lý đào tạo và được giảng dạy bằng tiếng Anh; có các môn học Khoa học Mác – Lênin theo quy định bắt buộc đối với sinh viên Việt Nam.

b) Chương trình gốc phải được chọn từ các chương trình đào tạo của các trường đại học thuộc nhóm 200 trường đại học hàng đầu thế giới trong bảng xếp hạng của các hiệp hội, tổ chức giáo dục có uy tín trên thế giới hoặc thuộc nhóm 20% những chương trình đào tạo tốt nhất trong bảng xếp hạng các ngành đào tạo của các hiệp hội, tổ chức kiểm định giáo dục cấp quốc gia hoặc quốc tế; có nội dung tiên tiến, gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của nước ta và phù hợp với năng lực triển khai thực hiện của trường đại học được áp dụng.

c) Trong những năm đầu, sử dụng chương trình đào tạo được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt cho toàn khóa, đảm bảo cấu phần thực tập, điều kiện thực hành, thực tập môn học theo chương trình gốc; sau mỗi khóa đào tạo, tổ chức đánh giá, điều chỉnh, bổ sung nếu thấy cần thiết, đảm bảo cho chương trình đào tạo đáp ứng tốt nhu cầu kinh tế - xã hội của Việt Nam và hội nhập quốc tế.

d) Giảng viên giảng dạy chương trình tiên tiến phải có trình độ thạc sĩ trở lên, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tiếng Anh đáp ứng yêu cầu giảng dạy. Đối với khóa đào tạo đầu tiên, chủ yếu mời giảng viên nước ngoài giảng dạy, nhưng từ những khóa tiếp theo, cơ sở đào tạo phải có kế hoạch cụ thể từng bước có giảng viên trong nước đảm nhận được việc giảng dạy chương trình tiên tiến được giao.

đ) Cán bộ quản lý đào tạo chương trình tiên tiến phải có đủ năng lực chuyên môn, năng lực quản lý, trình độ tin học và tiếng Anh đáp ứng yêu cầu.

e) Sinh viên theo học chương trình tiên tiến là những sinh viên trúng tuyển vào đạo học hệ chính quy; có trình độ tiếng Anh đáp ứng yêu cầu học tập; tự nguyện đăng ký theo học chương trình tiên tiến và đóng học phí theo quy định của cơ sở đào tạo.

g) Thời gian đào tạo theo chương trình tiên tiến của một khóa học là từ 4,5 năm đến 5 năm, trong đó năm đầu tập trung đào tạo tăng cường tiếng Anh cho sinh viên; quy mô tuyển sinh đào tạo ở khóa đầu khoảng từ 30 đến 50 sinh viên và được mở rộng tăng dần tùy theo khả năng, điều kiện thực tiễn; bằng tốt nghiệp khóa đào tạo do trường đại học của Việt Nam cấp hoặc cả hai trường của Việt Nam và nước ngoài cùng cấp.

h) Áp dụng đào tạo theo học chế tín chỉ, sử dụng phương pháp giảng dạy và đánh giá hiện đại; tổ chức cho sinh viên đánh giá môn học và giảng viên theo các mẫu phiếu của trường đối tác; nghiên cứu sử dụng phần mềm quản lý của trường đối tác vào việc quản lý đào tạo, quản lý sinh viên; đề nghị trường đối tác đánh giá chương trình tiên tiến đang đào tạo tại trường, lập kế hoạch kiểm định, tiến tới sử dụng các tiêu chí kiểm định và đăng ký kiểm định chương trình tiên tiến với tổ chức đã kiểm định chương trình gốc ở trường đối tác.

i) Giảng viên dạy chương trình tiên tiến được tạo điều kiện để bảo đảm có tối thiểu 40% quỹ thời gian cho nghiên cứu khoa học; thành lập các nhóm nghiên cứu, tạo cơ chế để khuyến khích thực hiện hoạt động khoa học và công nghệ; hợp tác nghiên cứu với nước ngoài.

k) Trong quá trình thực hiện chương trình tiên tiến, các trường chủ động nghiên cứu mô hình tổ chức, quản trị trường đại học, cơ cấu tổ chức hội đồng trường và cách thức quản lý của trường đối tác để đưa ra được mô hình tổ chức và quản trị phù hợp, áp dụng hiệu quả vào điều kiện thực tế của nhà trường.

3. Tiêu chí chọn trường đại học thực hiện chương trình tiên tiến

Trường đại học được giao nhiệm vụ triển khai chương trình tiên tiến khi đáp ứng các tiêu chí sau:

a) Đề án đăng ký đào tạo chương trình tiên tiến của trường đạt chất lượng và được lựa chọn theo quy trình đánh giá, lựa chọn chung do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.

b) Bảo đảm số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên cơ hữu theo quy định, đáp ứng yêu cầu triển khai có chất lượng chương trình tiên tiến; có kế hoạch về đội ngũ giảng viên đáp ứng tối thiểu 80% yêu cầu đối với các CTTT của giai đoạn 1, đáp ứng 100% yêu cầu đối với các CTTT của các giai đoạn tiếp theo.

c) Bảo đảm cơ sở vật chất đồng bộ với chương trình đào tạo và đội ngũ giảng viên, phấn đấu chuẩn bị đủ trang thiết bị, phòng thí nghiệm trước khi giảng dạy chuyên ngành.

d) Có kế hoạch cụ thể, khả thi bảo đảm kinh phí để triển khai chương trình tiên tiến, có khả năng vận động các doanh nghiệp và các đối tác khác tham gia triển khai hoặc tài trợ cho chương trình tiên tiến.

đ) Có kinh nghiệm đào tạo, nhất là đối với ngành đăng ký đào tạo theo chương trình tiên tiến; có nhiều thành tích trong hoạt động đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, đổi mới tổ chức, quản lý nhà trường. Ưu tiên các trường đại học trọng điểm trong việc xét để lựa chọn trường tham gia triển khai các chương trình tiên tiến.

4. Thời gian thực hiện Đề án: Từ năm 2008 đến năm 2015.

5. Số lượng chương trình tiên tiến được triển khai: tối thiểu là 30 chương trình (kể cả các chương trình tiên tiến đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho triển khai thí điểm từ năm 2006).

6. Nguồn và cơ chế tài chính

a) Ngân sách nhà nước hỗ trợ từ nguồn kinh phí chi thường xuyên cho các cơ sở đào tạo để thực hiện đào tạo theo chương trình tiên tiến của các khóa từ khóa 1 đến khóa 3 là khoảng 859,743 tỷ VNĐ (bằng khoảng 60% dự tính nhu cầu chi phí đào tạo); kinh phí do nhà trường tự cân đối bằng 25% dự tính nhu cầu chi phí; người học đóng góp bằng khoảng 15% dự tính nhu cầu chi phí.

b) Cơ chế tài chính: trường đại học triển khai chương trình tiên tiến được quy định về mức thu học phí, về các định mức chi cho các hoạt động phục vụ giảng dạy, học tập của các khóa đào tạo theo chương trình tiên tiến theo nguyên tắc hợp lý, công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả và bảo đảm thực hiện được các mục tiêu đề ra cho từng giai đoạn, phù hợp với các quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý và sử dụng nguồn ngân sách.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm:

a) Quy định thống nhất về việc xây dựng đề án đăng ký nhận nhiệm vụ triển khai chương trình tiên tiến cho các trường, các tiêu chí, trình tự, thủ tục xét lựa chọn ngành đào tạo, cơ sở đào tạo để giao nhiệm vụ triển khai chương trình tiên tiến, bảo đảm chất lượng, khách quan.

b) Chỉ đạo, có kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện Đề án này có hiệu quả nhất; tổ chức những hoạt động để thúc đẩy việc triển khai đào tạo chương trình tiên tiến một cách có hiệu quả và đạt được mục tiêu đề ra.

c) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra, thanh tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện; tổ chức sơ kết, tổng kết và rút kinh nghiệm để kịp thời điều chỉnh, xử lý những vướng mắc.

d) Phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc giao nhiệm vụ khoa học và công nghệ cho các chương trình tiên tiến; kiểm tra, đánh giá và nghiệm thu các hoạt động khoa học và công nghệ trong các chương trình tiên tiến.

đ) Phối hợp với Bộ Ngoại giao trong việc giúp các cơ sở đào tạo được giao nhiệm vụ triển khai chương trình tiên tiến triển khai thực hiện kế hoạch hợp tác quốc tế; phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan liên quan giải quyết các thủ tục xuất nhập cảnh có liên quan đến các hoạt động triển khai các chương trình tiên tiến.

2. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo bố trí ngân sách để thực hiện kế hoạch của Đề án Đào tạo chương trình tiên tiến; xây dựng định mức tài chính cho các hoạt động triển khai chương trình tiên tiến.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
-
Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN; các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu Văn thư, KGVX (5b).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Nguyễn Thiện Nhân

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1505/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Đào tạo theo chương trình tiên tiến tại một số trường đại học Việt Nam giai đoạn 2008 – 2015 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 1505/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 15/10/2008
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Thiện Nhân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 585 đến số 586
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản