Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 15/2012/QĐ-UBND

Vũng Tàu, ngày 06 tháng 06 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ ĐỂ XẢY RA TÌNH TRẠNG KHAI THÁC, TẬP KẾT, VẬN CHUYỂN, KINH DOANH CÁT, SỎI LÒNG SÔNG TRÁI PHÉP GÂY ẢNH HƯỞNG ĐẾN AN TOÀN ĐÊ ĐIỀU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;

Căn cứ Luật Đê điều số 79/2006/QH11 được Quốc Hội thông qua tại kỳ họp thứ 10 và có hiệu lực ngày 01 tháng 7 năm 2007

Căn cứ Nghị định số 157/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 của Chính phủ Quy định chế độ, trách nhiệm Người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước thi hành công vụ, nhiệm vụ;

Căn cứ Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17/5/2011 của Chính phủ về xử lý kỷ luật với công chức;

Theo Chỉ thị số 447/CT-TTg ngày 25/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và quản lý việc khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát sỏi gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều.

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình liên Sở số 94/TTr-LS-SNN-TNMT ngày 29/5/2012 về việc Ban hành Quy định trách nhiệm của Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị để xảy ra tình trạng khai thác, tập kết, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi lòng sông trái phép gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định trách nhiệm của Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị để xảy ra tình trạng khai thác, tập kết, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi lòng sông trái phép gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Quy định này gồm 3 Chương và 15 điều,

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Công An, Công thương, Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch UBND thành phố Vũng Tàu, thị xã Bà Rịa; các huyện: Xuyên Mộc; Đất Đỏ, Long Điền, Tân Thành; Chủ tịch UBND các xã, Phường, thị Trấn; Chi cục Trưởng Chi cục thủy lợi và Phòng chống lụt bão; Giám đốc Trung tâm quản lý khai thác công trình thủy lợi, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ quyết định thi hành.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- VP Chính phủ, Website Chính phủ;
- Bộ Nội vụ (Vụ Pháp chế);
- Bộ NN&PTNT (Vụ Pháp chế);
- Bộ TN&MT (Vụ Pháp chế);
- Bộ Tư pháp (Cục kiểm tra văn bản);
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- TTr Tỉnh ủy, TTr HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND và các ủy viên UBND tỉnh;
- UBMT TQ và các tổ chức đoàn thể cấp tỉnh;
- Đài PTTH tỉnh, Báo BR-VT;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- Sở Tư Pháp;
- Lưu: VT-TH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Ngọc Thới

 

QUY ĐỊNH

TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ ĐỂ XẢY RA TÌNH TRẠNG KHAI THÁC, TẬP KẾT, VẬN CHUYỂN, KINH DOANH CÁT, SỎI LÒNG SÔNG TRÁI PHÉP GÂY ẢNH HƯỞNG ĐẾN AN TOÀN ĐÊ ĐIỀU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 15/2012/QĐ-UBND ngày 06/6/2012 của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu)

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định trách nhiệm của Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị để xảy ra tình trạng khai thác, tập kết, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi lòng sông trái phép gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Quy định này áp dụng đối với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, bao gồm:

a) Thủ trưởng các sở: Tài Nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận Tải, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Công thương, Công an.

b) Trưởng đoàn liên ngành kiểm tra các hoạt động khai thác, nạo vét luồng lạch có yếu tố tận thu vật liệu san lấp thuộc đường thủy nội địa tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu do UBND tỉnh thành lập.

c) Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố nơi có các hoạt động khai thác, tập kết, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi lòng sông (gọi chung là UBND cấp huyện).

d) Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có các hoạt động khai thác, tập kết, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi lòng sông (gọi chung là UBND cấp xã).

đ) Trung tâm Quản lý, khai thác công trình thủy lợi;

e) Trưởng thôn, Ấp, Khu phố, Tổ trưởng dân phố nơi có các hoạt động khai thác, tập kết, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi lòng sông (sau đây gọi chung là Trưởng thôn).

2. Cấp phó của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị quy định tại điểm a, b, c Khoản 1 của Điều này cũng phải chịu trách nhiệm như người đứng đầu trong lĩnh vực được phân công lãnh đạo, quản lý điều hành bằng văn bản ủy quyền hoặc bằng quyết định phân công phụ trách lĩnh vực được giao.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

- Khai thác, tập kết, vận chuyển, kinh doanh cát sỏi trái phép là các hoạt động khai thác, tập kết, vận chuyển, kinh doanh cát sỏi không có giấy phép; khai thác không đúng quy định của Giấy phép; vận chuyển quá tải trọng cho phép theo các quy định của pháp luật;

- Điểm khai thác trái phép là nơi có nguồn nguyên liệu cát, sỏi nhưng không được cấp có thẩm quyền cấp phép khai thác và có từ một phương tiện khai thác trái phép trở lên;

- Khu vực tập kết là nơi để chứa cát, sỏi; trong một khu vực tập kết có một hoặc nhiều bãi tập kết.

Điều 4. Nguyên tắc xác định trách nhiệm

1. Khi xem xét xác định trách nhiệm của người đứng đầu để khen thưởng, hoặc xử lý kỷ luật phải khách quan, đúng người, đúng việc, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của người đứng đầu.

2. Khi xử lý kỷ luật với người đứng đầu, căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm gây ra, tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng và những quy định của pháp luật mà người đứng đầu để xảy ra.

3. Việc khen thưởng, xử lý kỷ luật người đứng đầu được thực hiện theo các quy định của pháp luật về cán bộ, công chức;

Chương 2.

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

MỤC 1. TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU TRONG VIỆC PHÒNG NGỪA, NGĂN CHẶN TÌNH TRẠNG KHAI THÁC, TẬP KẾT, VẬN CHUYỂN, KINH DOANH CÁT, SỎI LÒNG SÔNG TRÁI PHÉP

Điều 5. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật và các văn bản có liên quan

Người đứng đầu có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật và các văn bản có liên quan đến các đến các hoạt động khai thác, tập kết, vận chuyển kinh doanh cát, sỏi lòng sông đến mọi cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân để tự giác thực hiện đúng quy định.

Điều 6. Xây dựng, triển khai, tổ chức thực hiện Kế hoạch kiểm tra

Hàng năm người đứng đầu có trách nhiệm xây dựng kế hoạch kiểm tra đối với các hoạt động khai thác, tập kết, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi lòng sông và triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc kế hoạch đề ra.

Điều 7. Tổ chức ký cam kết

1. Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải và Chủ tịch UBND cấp huyện có trách nhiệm ký cam kết với Chủ tịch UBND tỉnh không để xảy ra các hoạt động khai thác, tập kết, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi lòng sông trái phép trên địa bàn huyện.

2. Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm ký cam kết với Chủ tịch UBND huyện không để xảy ra các hoạt động khai thác, tập kết, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi lòng sông trái phép trên địa bàn xã.

3. Các trưởng thôn có trách nhiệm ký cam kết với Chủ tịch UBND cấp xã không để xảy ra các hoạt động khai thác, tập kết, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi lòng sông trái phép trên địa bàn thôn.

MỤC 2. TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU TRONG VIỆC PHÁT HIỆN VÀ XỬ LÝ VI PHẠM KHAI THÁC, TẬP KẾT, VẬN CHUYỂN, KINH DOANH CÁT, SỎI LÒNG SÔNG TRÁI PHÉP.

Điều 8. Trách nhiệm phát hiện hành vi vi phạm

Người đứng đầu có trách nhiệm chỉ đạo các Phòng, Ban, bộ phận chức năng phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định về khai thác, tập kết, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi lòng sông trái phép trên địa bàn. Phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm thuộc địa bàn quản lý của mình để chủ động xử lý, ngăn chặn.

Điều 9. Trách nhiệm xử lý hành vi, vi phạm

Khi phát hiện hành vi vi phạm khai thác, tập kết, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi lòng trái phép xảy ra trên địa bàn, người đứng đầu có trách nhiệm chỉ đạo, áp dụng ngay các biện pháp cần thiết và phù hợp để ngăn chặn, xử lý, hạn chế thấp nhất hậu quả do hành vi vi phạm gây ra. Xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức không làm tròn trách nhiệm trong việc phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm.

MỤC 3. KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU TRONG VIỆC NGĂN CHẶN, XỬ LÝ CÁC HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC, TẬP KẾT, VẬN CHUYỂN, KINH DOANH CÁT, SỎI LÒNG SÔNG TRÁI PHÉP

Điều 10. Các mức độ đánh giá trách nhiệm người đứng đầu

Trên cơ sở kết quả thực hiện việc ngăn chặn, xử lý các hoạt động khai thác, tập kết, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi lòng sông trái phép ở từng địa bàn để xem xét, đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị theo các mức sau đây:

1. Hoàn thành nhiệm vụ: Không để xảy ra các trường hợp vi phạm, phòng ngừa phát hiện ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.

2. Không hoàn thành nhiệm vụ: Để xảy ra tình trạng vi phạm không có biện pháp xử lý; xử lý thiếu kiên quyết để xảy ra tái diễn vi phạm gây ảnh hưởng đến đê điều, công trình thủy lợi; ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe và đời sống nhân dân.

Điều 11. Khen thưởng

Người đứng đầu có thành tích trong việc phòng ngừa ngăn chặn, xử lý các vi phạm về khai thác, tập kết, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi lòng sông trái phép và thực hiện tốt các quy định tại văn bản này thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Điều 12. Xử lý

Người đứng đầu không hoàn thành nhiệm vụ để xảy ra tình trạng khai thác, tập kết, vận chuyển kinh doanh cát, sỏi lòng sông trái phép thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả gây ra mà áp dụng việc xử lý, thực hiện theo quy định của Pháp luật.

Chương 3.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị

1. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:

- Tham mưu cho UBND tỉnh trong việc chỉ đạo, đôn đốc Chủ tịch UBND cấp huyện trong việc xử lý vi phạm khai thác, tập kết, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi lòng sông trái phép. Trường hợp không giải quyết dứt điểm tình trạng vi phạm phải báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh để có biện pháp xử lý theo Luật định.

- Chỉ đạo thanh tra Sở, Phòng Tài nguyên khoáng sản, Chi cục bảo vệ môi trường, tăng cường công tác kiểm tra.

- Đôn đốc, kiểm tra, theo dõi việc tổ chức thực hiện quy định này và tổng hợp tình hình báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh theo quy định.

2. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm đôn đốc kiểm tra, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm khu vực bảo vệ đê điều, công trình thủy lợi, phòng chống lụt bão.

3. Giám đốc Công an tỉnh, theo thẩm quyền có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý theo quy định của pháp luật các đối tượng khai thác, tập kết, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi lòng sông trái phép trên địa bàn tỉnh.

4. Giám đốc Sở giao thông Vận tải có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý theo quy định đối với việc vận chuyển kinh doanh cát, sỏi trái phép trên địa bàn tỉnh.

5. Giám đốc Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan hướng dẫn về trình tự, thủ tục khen thưởng, xử lý người đứng đầu theo quy định.

6. UBND cấp huyện có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến sâu rộng quy định này trong mọi tầng lớp nhân dân; tổ chức việc ký cam kết theo quy định, đồng thời chỉ đạo các Phòng, Ban chức năng phối hợp với UBND cấp xã tăng cường kiểm tra, ngăn chặn kịp thời và xử lý kiên quyết các trường vi phạm khai thác, tập kết, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi lòng sông trái phép trên địa bàn theo quy định của pháp luật; đối với vi phạm nghiêm trọng phải báo cáo ngay Chủ tịch UBND tỉnh.

7. UBND cấp xã có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến sâu rộng quy định này trong mọi tầng lớp nhân dân; tổ chức việc ký cam kết theo quy định, đồng thời chỉ đạo các bộ phận chức năng chủ động trong công tác kiểm tra, ngăn chặn kịp thời và xử lý kiên quyết các trường vi phạm khai thác, tập kết, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi lòng sông trái phép trên địa bàn theo quy định; đồng thời báo cáo lên UBND cấp huyện.

8. Đề nghị Viện kiểm soát nhân dân. Tòa án nhân dân các cấp phối hợp xem xét, xử lý kịp thời, nghiêm minh các tội phạm liên quan đến việc thực hiện Luật Đê điều, Luật Bảo vệ môi trường; chọn những vụ án điểm để xét xử lưu động nhằm răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.

9. Đề nghị UBMTTQ tỉnh và các tổ chức thành viên phối hợp tuyên truyền vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia thực hiện nghiêm túc Quy định này.

Điều 14. Chế độ thông tin, báo cáo

Người đứng đầu có trách nhiệm định kỳ hàng quý báo cáo tình hình thực hiện Quy định này với cấp trên trực tiếp. Khi có vi phạm xảy ra phải báo cáo ngay cấp trên về tình hình mức độ nguy hiểm, các biện pháp đã áp dụng và hướng xử lý tiếp theo.

Điều 15. Sửa đổi và bổ sung quy định

Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời phản ánh với Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp đề xuất, báo cáo UBND tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 15/2012/QĐ-UBND về Quy định trách nhiệm của Người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra tình trạng khai thác, tập kết, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi lòng sông trái phép gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

  • Số hiệu: 15/2012/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 06/06/2012
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
  • Người ký: Trần Ngọc Thới
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản