Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 15/2009/QĐ-UBND | Cà Mau, ngày 07 tháng 7 năm 2009 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 153/2004/QĐ-TTg ngày 17/8/2004 của Thủ tướng Chính phủ về định hướng Chiến lược Phát triển bền vững ở Việt Nam;
Căn cứ Quyết định số 163/2008/QĐ-TTg ngày 11/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cà Mau đến năm 2020;
Căn cứ Thông tư số 01/2005/TT-BKH ngày 09/3/2005 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn triển khai thực hiện Quyết định số 153/2004/QĐ-TTg ngày 17/8/2004 của Thủ tướng Chính phủ về định hướng Chiến lược Phát triển bền vững ở Việt Nam;
Căn cứ Nghị quyết số 01/2009/NQ-HĐND ngày 09/5/2009 của Hội đồng nhân dân về Chương trình Phát triển bền vững tỉnh Cà Mau giai đoạn 2009 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020;
Theo đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 84/TTr-KHĐT.TH ngày 18 tháng 6 năm 2009,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Chương trình Phát triển bền vững tỉnh Cà Mau giai đoạn 2009 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, với những nội dung chủ yếu như sau:
1. Quan điểm chỉ đạo Phát triển bền vững:
- Tập trung huy động mọi nguồn lực, khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, trọng tâm là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các ngành dịch vụ trên cơ sở phát triển nông nghiệp toàn diện, từng bước công nghiệp hóa, hiện đại nông nghiệp, nông thôn.
- Tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường; bảo đảm sự hài hòa giữa môi trường nhân tạo với môi trường thiên nhiên và giữ gìn đa dạng sinh học. Chú trọng đến chất lượng tăng trưởng, đảm bảo tính ổn định và độ bền vững của sự phát triển.
- Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa. Phát triển nền văn hóa tiên tiến, lành mạnh làm nền tảng tư tưởng xã hội. Nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, đẩy lùi các tệ nạn xã hội.
Thứ nhất, quá trình phát triển phải bảo đảm đáp ứng nhu cầu cuộc sống của thế hệ hiện tại nhưng không gây trở ngại tới cuộc sống của các thế hệ tương lai. Tạo điều kiện để mọi công dân có cơ hội để phát triển về mọi mặt, tạo ra nền tảng vật chất, tri thức và văn hóa tốt đẹp cho thế hệ hiện tại và mai sau.
Thứ hai, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, thu ngắn khoảng cách và tiến đến đạt mức cao hơn so với mặt bằng phát triển kinh tế bình quân của vùng và cả nước, tạo nền tảng kinh tế vững chắc cho quá trình điều tiết tăng trưởng theo hướng bền vững; đồng thời kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa với phát triển xã hội.
Thứ ba, khai thác hợp lý, sử dụng có hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường lâu bền. Cải thiện và bảo vệ môi trường phải được coi là yếu tố không thể tách rời của quá trình phát triển. Tích cực và chủ động phòng ngừa, ngăn chặn những tác động tiêu cực đối với môi trường do hoạt động của con người gây ra. Xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch, chương trình và các dự án phát triển kinh tế - xã hội phải gắn với việc thực hiện nghiêm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Thứ tư, con người là đối tượng trung tâm và cũng là một trong những động lực quan trọng của phát triển bền vững. Đáp ứng ngày càng đầy đủ hơn nhu cầu vật chất và tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân, phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân lực, đào tạo nhân tài.
Thứ năm, khoa học - công nghệ là nền tảng và là động lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thúc đẩy phát triển nhanh, mạnh và bền vững. Khuyến khích sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, công nghệ sạch và ứng dụng khoa học - công nghệ vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Thứ sáu, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường với đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.
Thứ bảy, phát triển bền vững là sự nghiệp của toàn Đảng, của các cấp chính quyền, các ngành, địa phương, doanh nghiệp, đoàn thể xã hội và nhân dân. Do đó, cần phải huy động tối đa sự tham gia của cộng đồng trong việc lựa chọn các quyết định về phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường ở địa phương.
3. Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội - môi trường:
a) Mục tiêu tổng quát:
Phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao, bền vững, đẩy nhanh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Phấn đấu đến năm 2015 hình thành cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp; đến năm 2020 xây dựng Cà Mau trở thành một tỉnh có nền kinh tế - xã hội phát triển gắn với bảo vệ môi trường, đóng góp tích cực vào sự phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước; đời sống nhân dân được cải thiện và nâng cao; chính trị ổn định, an ninh và quốc phòng được giữ vững.
b) Mục tiêu cụ thể:
* Về kinh tế:
- Tốc độ tăng trưởng GDP (tổng sản phẩm trong tỉnh) bình quân hàng năm từ nay đến năm 2010 đạt 13,3%; giai đoạn 2011 - 2015 đạt 13,7% và giai đoạn 2016 - 2020 đạt 14,2%.
- GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt khoảng 962 USD, năm 2015 đạt khoảng 1.670 USD và năm 2020 đạt khoảng 3.000 USD.
- Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, cụ thể: năm 2010 nông nghiệp 39,7%, công nghiệp 32%, dịch vụ 28,3%; đến năm 2015 nông nghiệp 28,7%, công nghiệp 37,8%, dịch vụ 33,5%; đến năm 2020 nông nghiệp 19,6%, công nghiệp 43,5%, dịch vụ 36,9%.
- Tổng vốn đầu tư xã hội hàng năm huy động đạt từ 38% - 40% GDP.
- Kim ngạch xuất khẩu năm 2010 đạt khoảng 1 tỷ USD; năm 2015 đạt 1,4 tỷ USD - 1,5 tỷ USD; năm 2020 đạt 1,8 tỷ USD - 2 tỷ USD.
- Phấn đấu năm 2010 có 100% đường ô tô đến trung tâm các xã.
- 100% dân số đô thị và 80% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh vào năm 2010, đến năm 2020 đáp ứng nhu cầu về nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho dân cư đô thị và nông thôn.
* Về xã hội:
- Giảm tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên xuống dưới 1,2% vào năm 2015 và đạt khoảng 1,1% vào năm 2020. Quy mô dân số năm 2010 khoảng 1,33 triệu người; năm 2015 khoảng 1,418 triệu người; năm 2020 khoảng 1,5 triệu người.
- Đến năm 2010 có 20% xã, phường, thị trấn đạt phổ cập giáo dục trung học phổ thông, đến năm 2015 có 50% xã, phường, thị trấn đạt phổ cập giáo dục trung học phổ thông và phấn đấu hoàn thành phổ cập giáo dục trung học phổ thông vào năm 2020.
- Đến năm 2010 toàn bộ các huyện, thành phố trực thuộc tỉnh và 50% số xã, phường, thị trấn có trung tâm sinh hoạt văn hóa - thể thao; đến năm 2015 đạt 100% số xã, phường, thị trấn có trung tâm sinh hoạt văn hóa - thể thao.
- Đến năm 2010 có 95% hộ gia đình, 85% số khóm ấp, 55% đơn vị cấp xã và 1 - 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn văn hóa; năm 2015 có 85% số khóm, ấp, 60% - 65% đơn vị cấp xã và 2 - 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn văn hóa; năm 2020 có 90% số khóm ấp, 70% số đơn vị cấp xã và 3 - 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn văn hóa.
- Hoàn thành chương trình đạt chuẩn quốc gia về y tế xã theo quy định vào năm 2010; giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng xuống dưới 16% vào năm 2010, dưới 13% vào năm 2015 và dưới 10% vào năm 2020.
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 30% vào năm 2010; đạt khoảng 40 - 45% vào năm 2015 và đạt khoảng 60% vào năm 2020. Tỷ lệ lao động nông nghiệp giảm còn 35% - 40% vào năm 2020.
- Tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 10% vào năm 2010; dưới 3% vào năm 2020 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2006 - 2010) hoặc dưới 10% (theo chuẩn thu nhập dưới 2 USD/người/ngày).
c) Về môi trường:
- Tỷ lệ che phủ rừng và cây phân tán đạt 24% năm 2010 và 28% vào năm 2020.
- Thu gom, xử lý chất thải rắn đạt 80% vào năm 2010, đạt 100% vào năm 2020.
- Năm 2010 bảo đảm 100% rác thải y tế được xử lý đúng quy định.
4. Định hướng phát triển bền vững ngành và lĩnh vực:
a) Phát triển ngư, nông, lâm nghiệp và kinh tế nông thôn:
- Tiếp tục duy trì nhịp độ phát triển kinh tế nông nghiệp trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng và tài nguyên tự nhiên của một tỉnh đồng bằng ven biển và lực lượng lao động nông thôn để phát triển tổng hợp kinh tế ngư - nông - lâm nghiệp.
- Thực hiện chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đẩy mạnh sự liên kết hỗ trợ giữa nông nghiệp - công nghiệp và dịch vụ để nâng cao hiệu quả kinh tế.
- Đa dạng ngành nghề nông thôn kể cả làng nghề truyền thống và các ngành nghề mới theo định hướng thị trường bao gồm cả thị trường tiêu thụ hàng nông sản, thủy sản, thị trường lao động, thị trường tài chính, thị trường đất đai, thị trường khoa học công nghệ.
b) Công nghiệp:
Phát triển công nghiệp là cơ sở để thúc đẩy nhanh tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn phát triển công nghiệp với phát triển tiểu thủ công nghiệp địa phương, hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tiếp tục phát triển đa dạng các ngành công nghiệp có lợi thế về nguyên liệu tại chỗ (chế biến thủy sản, nông lâm sản), giải quyết nhiều việc làm cho lao động, từng bước giảm dần tỷ lệ các sản phẩm sơ chế để chuyển sang các sản phẩm tinh chế, tiến tới thu hút phát triển một số ngành công nghiệp mới, có hàm lượng khoa học công nghệ cao để nâng cao hiệu quả kinh tế.
Khôi phục và phát triển các làng nghề nông thôn gắn với giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; triển khai xây dựng các khu, cụm công nghiệp để sắp xếp và thu hút các cơ sở sản xuất công nghiệp gắn với xử lý nước thải, rác thải công nghiệp. Di chuyển các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm trong nội ô thành phố Cà Mau vào các khu, cụm công nghiệp.
c) Các ngành dịch vụ:
Phát triển mạnh lĩnh vực dịch vụ là yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế nhanh và bền vững, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất, tiêu dùng và đời sống dân cư, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động trong tỉnh. Trong giai đoạn đến năm 2010 và đến năm 2020 cần phát triển mạnh hơn nữa kinh tế dịch vụ, coi đây là hướng chiến lược phát triển của tỉnh, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Phát triển các ngành dịch vụ sẽ thúc đẩy cung ứng các dịch vụ đầu vào cho nhiều ngành sản xuất quan trọng, kích cầu xã hội, nhất là nhóm dịch vụ hạ tầng như viễn thông, công nghệ thông tin, thị trường vốn.
d) Khoa học và công nghệ:
Khoa học và công nghệ là động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra sự phát triển nhanh và tăng hiệu quả cho nền kinh tế. Đối với hoạt động khoa học cấp tỉnh, chủ yếu là nghiên cứu ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ mới, nhân rộng các mô hình có hiệu quả vào sản xuất và đời sống.
Thực hiện đổi mới cơ chế quản lý khoa học và công nghệ, xã hội hóa hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển mạnh hoạt động sự nghiệp khoa học và công nghệ sang cơ chế cung ứng dịch vụ phù hợp với kinh tế thị trường, mở rộng sự tham gia của mọi thành phần kinh tế vào các dịch vụ khoa học công nghệ. Đối với các hoạt động khoa học công nghệ sử dụng nguồn kinh phí ngân sách nhà nước ở cấp tỉnh chủ yếu chuyển sang nghiên cứu chuyển giao ứng dụng là chính, giảm bớt các đề tài nghiên cứu lý luận để tăng hiệu quả, thiết thực với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, các đề tài khoa học cần chuyển đổi sang hình thức đặt hàng.
Từng bước xây dựng và phát triển thị trường công nghệ, chuyển các tổ chức khoa học và công nghệ công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Chuyển các đơn vị nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ của nhà nước có sản phẩm gắn với thị trường sang hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp, sự nghiệp có thu.
Phát triển mạnh hơn các dịch vụ khoa học và công nghệ nhằm nâng cao trình độ công nghệ của các ngành kinh tế, hợp lý hóa sản xuất, tăng cường quản lý chất lượng, môi trường của các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý.
đ) Giáo dục và đào tạo:
Tiếp tục thực hiện các biện pháp đồng bộ, để nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, lưu ban, kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục văn hóa và đạo đức, thực hiện tốt giáo dục hướng nghiệp cho học sinh bậc trung học phổ thông.
Phát triển nhanh giáo dục chuyên nghiệp và đào tạo nghề, thực hiện đào tạo theo hướng liên thông, mở ra nhiều cơ hội học tập khác nhau cho mọi người. Xây dựng cơ cấu ngành nghề đào tạo phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế, thực hiện tuyển sinh đào tạo theo địa chỉ để gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo. Củng cố trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm dạy nghề ở các huyện, xây dựng trường dạy nghề chất lượng cao, tiến tới hội đủ các điều kiện để sớm thành lập trường đại học đa ngành tại tỉnh Cà Mau.
Đẩy mạnh công tác xã hội hóa về giáo dục - đào tạo, trước hết cần tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân nhằm nâng cao nhận thức xã hội về tầm quan trọng của giáo dục, đảm bảo quyền lợi học tập cho mọi người, thay đổi căn bản về cách suy nghĩ, nếp sống trong từng gia đình, phải thấy được tầm quan trọng của giáo dục, nhất là trong xu thế phát triển của xã hội. Tiếp tục động viên sự tham gia của quần chúng nhân dân trong việc đóng góp tiền của, công sức, đất đai để xây dựng trường học; từng bước phát triển hệ thống trường tư thục để thực hiện xã hội hóa giáo dục. Phát huy sự đóng góp của các tổ chức đoàn thể, các Hội Khuyến học, Hội Cựu giáo chức cho phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo của địa phương.
e) Y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân:
Xây dựng mạng lưới y tế từng bước hiện đại để nâng cao hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, giảm tỷ lệ mắc bệnh, ngăn ngừa, khống chế có hiệu quả các dịch bệnh, mọi người dân đều được cung cấp các dịch vụ y tế cơ bản, có điều kiện tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế chất lượng nhằm nâng cao thể chất, sức khỏe và tuổi thọ cho nhân dân.
Phát triển và hoàn thiện hệ thống y tế trong tỉnh bao gồm mạng lưới cung cấp dịch vụ y tế dự phòng, y tế cơ sở, khám chữa bệnh và phục hồi chức năng, mạng lưới sản xuất và cung ứng thuốc chữa bệnh, đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế.
g) Văn hóa, thông tin, thể dục thể thao:
Văn hóa là nền tảng của xã hội, có vai trò đóng góp rất lớn vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân và tác động sâu sắc tạo nên nhân cách con người, góp phần đẩy lùi tệ nạn xã hội. Đảm bảo sự gắn kết giữa phát triển kinh tế với không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.
Nâng cao công tác thông tin, tuyên truyền, tăng cường công tác quản lý, tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng, các di tích văn hóa. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu di tích lịch sử cách mạng, các Trung tâm văn hóa - thể thao cấp huyện, cấp xã.
Phát triển thể dục, thể thao nhằm bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người, góp phần nâng cao thể lực, thể chất, giáo dục phát triển nhân cách, đạo đức, lối sống lành mạnh.
h) Dân số, lao động, việc làm, giảm nghèo và xã hội:
Tiếp tục thực hiện các giải pháp thực hiện kế hoạch hóa gia đình nhằm kiềm chế tốc độ tăng dân số tự nhiên, xây dựng mỗi gia đình có từ 1 - 2 con. Phấn đấu sớm đạt và duy trì mức sinh thay thế. Nâng cao chất lượng dân số về thể chất và tinh thần. Phân bố hợp lý dân cư giữa các vùng trong tỉnh (giữa vùng ven biển và vùng nội địa, giữa đô thị và nông thôn).
Đẩy mạnh công tác dạy nghề và tạo ra việc làm, sử dụng có hiệu quả nguồn lao động hiện có để phát triển kinh tế - xã hội nhằm tăng thu nhập cho người lao động, từng bước giảm tỷ lệ thất nghiệp.
Tiếp tục thực hiện sắp xếp bố trí dân cư theo quy hoạch nhằm đảm bảo nơi ở gắn với điều kiện sản xuất của nhân dân, nhất là đối với gần 3.000 hộ dân đang sống ở ngoài đê biển, các cửa sông, rừng phòng hộ ven biển.
Phát triển các hoạt động an sinh xã hội, thực hiện tốt các chính sách xã hội như đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công với nước; cùng với tăng chi ngân sách cho đảm bảo xã hội cần khuyến khích các hoạt động từ thiện nhân đạo, vận động giúp đỡ những đối tượng bị rủi ro, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Đẩy mạnh công tác phòng chống các tệ nạn xã hội, nhất là ma túy; xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh, từng bước đẩy lùi tệ nạn xã hội.
5. Phát triển kết cấu hạ tầng:
Đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tập trung vào những lĩnh vực thiết yếu như: giao thông, thủy lợi, điện, thông tin, truyền thông, cấp thoát nước, hạ tầng các khu công nghiệp, giáo dục, y tế..., trong đó hạ tầng giao thông là khâu đột phá.
Đầu tư hạ tầng giao thông để tạo yếu tố lan tỏa phát triển nhanh, vì vậy cần ưu tiên đầu tư phát triển đồng bộ cả đường bộ, đường sông, biển và đường hàng không. Quy hoạch các tuyến giao thông phải đảm bảo ổn định lâu dài, có điều kiện phát triển mở rộng, thực hiện phân kỳ đầu tư theo từng giai đoạn phù hợp với sự tăng mật độ lưu thông và khả năng nguồn vốn, phát triển giao thông phải kết hợp với vận hành hệ thống thủy lợi. Ưu tiên đầu tư xây dựng các tuyến đường đấu nối đến trung tâm xã, cụm dân cư, các chợ nông thôn. Phấn đấu đến năm 2020 cơ bản hoàn thiện mạng lưới giao thông vận tải, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, vận chuyển hàng hóa và hành khách, góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng. Mật độ đường ô tô năm 2010 bình quân đạt 0,8 - 1 km/km2, năm 2015 đạt 1 - 1,2 km/km2, năm 2020 đạt 1,3 - 1,5 km/km2.
6. Định hướng quy hoạch sử dụng đất:
Quan điểm cơ bản là phải sử dụng đất một cách tiết kiệm, nhanh chóng đưa vào khai thác sử dụng diện tích đất chưa sử dụng; bố trí đất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản một cách hợp lý.
Bảo vệ môi trường là một trong ba thành tố của Chiến lược phát triển bền vững; đầu tư cho bảo vệ môi trường là đầu tư phát triển. Việc sử dụng hợp lý tài nguyên, tăng cường đầu tư cho bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai là nhiệm vụ của toàn xã hội; phương châm là lấy phòng ngừa và hạn chế tác động xấu đối với môi trường là chính, kết hợp với xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái và cải thiện môi trường. Chủ động và phối hợp hành động phòng ngừa sự tác động của tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu.
Củng cố xây dựng lực lượng quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, chú trọng xây dựng lực lượng dân quân tự vệ và dự bị động viên. Xây dựng lực lượng công an nhân dân trong sạch vững mạnh, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa đấu tranh với các loại tội phạm, tạo chuyển biến vững chắc về an ninh, trật tự và an toàn xã hội.
- Nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng và kiện toàn hệ thống chính trị để tổ chức thực hiện Chương trình phát triển bền vững: sử dụng công cụ tài chính phục vụ cho phát triển bền vững; xây dựng hệ thống chỉ tiêu đánh giá phát triển bền vững; tăng cường giáo dục, nâng cao năng lực và nhận thức của cấp ra quyết định, cơ quan quản lý, cộng đồng và người dân về phát triển bền vững.
- Đẩy mạnh hợp tác trong và ngoài nước về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
- Chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình cụ thể ở từng lĩnh vực, từng ngành, từng cấp, đồng bộ nhằm đạt được mục tiêu đã đề ra.
10. Tổ chức thực hiện Chương trình:
- Sở Kế hoạch và Đầu tư (Thường trực Ban Chỉ đạo Phát triển bền vững tỉnh Cà Mau) chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố Cà Mau tổ chức triển khai thực hiện Chương trình; lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện của Chương trình này vào Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội các ngành, các huyện, thành phố, các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hàng năm của tỉnh; cân đối các nguồn lực để thực hiện các chương trình, dự án theo định hướng Chương trình; tham mưu cho UBND tỉnh kiến nghị và phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương đầu tư các chương trình, dự án có liên quan.
- Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tiến hành rà soát quy hoạch ngành, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội các huyện, thành phố cho phù hợp với định hướng của Chương trình Phát triển bền vững tỉnh Cà Mau giai đoạn 2009 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020.
- Hàng năm, trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện Chương trình, đề xuất điều chỉnh, bổ sung Chương trình cho phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu phát triển. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
(Kèm theo Phụ lục Danh mục các chương trình phát triển và các dự án ưu tiên nghiên cứu đầu tư).
Điều 2. Chương trình này là định hướng, cơ sở để lập, trình duyệt và triển khai thực hiện các quy hoạch, chương trình, các dự án của tỉnh.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính; Thủ trưởng các sở, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Cà Mau căn cứ Quyết định thi hành.
Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
|
DANH MỤC CÁC CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN VÀ CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN NGHIÊN CỨU ĐẦU TƯ
(Kèm theo Quyết định số 15/2009 /QĐ-UBND ngày 07/7/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau)
A. CÁC CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN:
1. Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng biển và ven biển;
3. Chương trình phát triển đô thị;
4. Chương trình phát triển nguồn nhân lực;
5. Chương trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất ngư, nông, lâm nghiệp;
6. Chương trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp;
7. Chương trình phát triển kinh tế dịch vụ;
8. Chương trình phát triển giao thông vận tải;
9. Thành lập và phát triển Khu kinh tế Năm Căn;
10. Chương trình bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
B. CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN:
I. CÁC DỰ ÁN HẠ TẦNG DO TRUNG ƯƠNG ĐẦU TƯ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH:
1. Nâng cấp tuyến đê biển Tây;
2. Xây dựng tuyến đê biển Đông;
3. Trung tâm giống thủy hải sản cấp I;
4. Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cấp vùng;
5. Cụm dịch vụ và công nghiệp dầu khí;
6. Xây dựng tuyến đường ven biển;
7. Tuyến đường Hồ Chí Minh (đoạn Năm Căn - Mũi Cà Mau);
8. Tuyến đường hành lang ven biển phía Nam;
9. Nâng cấp quốc lộ 63;
10. Đường tránh quốc lộ 1A qua Tp Cà Mau;
11. Đường tránh quốc lộ 63 qua Tp Cà Mau;
12. Cầu Gành Hào 2;
13. Cầu Đầm Cùng;
14. Nâng cấp, mở rộng sân bay Cà Mau;
15. Khôi phục nâng cấp sân bay Năm Căn;
16. Cải tạo các tuyến đường thủy quốc gia trên địa bàn tỉnh;
17. Nâng cấp, cải tạo hệ thống thông tin liên lạc trên địa bàn toàn tỉnh.
II. CÁC DỰ ÁN DO TỈNH QUẢN LÝ:
1. Xây dựng các tiểu vùng thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp và thủy sản;
2. Hệ thống kè thủy lợi chống sạt lở các cửa sông, ven sông, khu dân cư;
3. Cảng cá và dịch vụ hậu cần nghề cá;
4. Các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cấp tỉnh;
5. Bảo vệ, phát triển Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau;
6. Bảo vệ phát triển Vườn Quốc gia U Minh hạ;
7. Khôi phục, bảo vệ rừng phòng hộ ven biển;
8. Đường vành đai Tây Nam thành phố Cà Mau;
9. Dự án nâng cấp đô thị thành phố Cà Mau;
10. Xây dựng cơ sở hạ tầng thị trấn Sông Đốc, thị trấn Năm Căn;
11. Công trình hạ tầng trên đảo Hòn Khoai;
12. Các công trình hạ tầng trên đảo Hòn Chuối;
13. Nâng cấp mở rộng tuyến đường Tắc Thủ - Rạch Ráng - Sông Đốc;
14. Nâng cấp mở rộng tuyến đường Rau Dừa - Rạch Ráng - Sông Đốc;
15. Xây dựng mới bến xe liên tỉnh;
16. Xây dựng bến tàu - xe liên hợp tại trung tâm các huyện;
17. Cầu Chà Là;
18. Cầu Hoà Trung;
19. Cầu Cái Keo;
20. Cầu qua sông Trẹm tại kênh Zero;
21. Cầu qua Cái Đôi Vàm huyện Phú Tân;
22. Cầu Rạch Ráng qua sông Ông Đốc;
23. Cầu Vàm Đầm;
24. Nâng cấp các tuyến đường đến trung tâm các huyện;
25. Đường ô tô đến trung tâm các xã;
26. Bến phà thị trấn Sông Đốc;
27. Nâng cấp, mở rộng hệ thống cấp nước các đô thị;
28. Xây dựng, nâng cấp hệ thống thoát nước và xử lý nước thải các đô thị;
29. Xây dựng bãi rác ở các đô thị trung tâm huyện lỵ, các xã;
30. Dự án xây dựng trung tâm quan trắc, giám sát môi trường;
31. Quảng trường văn hóa tỉnh;
32. Nhà văn hóa trung tâm tỉnh;
33. Bảo tàng tỉnh;
34. Xây dựng, nâng cấp các Khu di tích lịch sử cách mạng;
35. Trung tâm văn hóa - thể thao các huyện;
36. Trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã;
37. Nâng cấp sân vận động Cà Mau;
38. Xây dựng Bệnh viện đa khoa khu vực, đa khoa huyện;
39. Bệnh viện phụ sản;
40. Bệnh viện nhi;
41. Bệnh viện lao và các bệnh về phổi;
42. Bệnh viện Đông y và điều dưỡng;
43. Trường Cao đẳng Y tế;
44. Trường Cao đẳng Cộng đồng;
45. Trường Trung học văn hóa nghệ thuật;
46. Trường Trung cấp nghề;
47. Xây dựng, nâng cấp hệ thống trường phổ thông, mầm non;
48. Nâng cấp nghĩa trang liệt sỹ, công trình ghi công liệt sỹ;
49. Khu đô thị trung tâm Hành chính - Chính trị tỉnh;
50. Xây dựng trụ sở cơ quan Đảng, Nhà nước các cấp, trụ sở xã, huyện;
51. Các khu tái định cư;
52. Đầu tư nâng cấp một số trung tâm về công tác xã hội;
53. Chợ đầu mối thủy sản;
54. Nhà thi đấu đa năng;
55. Trung tâm sinh hoạt văn hóa thanh thiếu niên.
III. CÁC DỰ ÁN SẢN XUẤT KINH DOANH:
1. Nhà máy Đạm Cà Mau;
1. Công nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu thủy Năm Căn;
3. Khu công nghiệp Khánh An;
4. Khu công nghiệp Hòa Trung;
5. Khu công nghiệp Năm Căn;
6. Khu công nghiệp Sông Đốc;
7. Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp đa canh;
8. Vùng chăn nuôi heo, gia cầm tập trung quy mô trang trại;
9. Các vùng nuôi tôm công nghiệp;
10. Khôi phục và phát triển vùng nuôi cá đồng;
11. Tổ chức lại sản xuất và bố trí dân cư vùng rừng tràm U Minh hạ;
12. Đầu tư mới các nhà máy chế biến thủy sản;
13. Nhà máy may mặc xuất khẩu;
14. Nhà máy sản xuất đồ gỗ dân dụng;
15. Nhà máy sản xuất ván MDF;
16. Phát triển các khu đô thị mới;
17. Phát triển hệ thống chợ nông thôn;
18. Xây dựng bãi đậu xe thành phố Cà Mau;
19. Khu thương mại và văn phòng cao cấp;
20. Các trung tâm thương mại, siêu thị;
21. Trung tâm hội chợ triển lãm tỉnh Cà Mau;
22. Các khu, cụm du lịch sinh thái ven biển, biển đảo;
23. Phát triển khách sạn, nhà hàng;
24. Công viên văn hóa du lịch Cà Mau;
25. Nhà máy xử lý, chế biến rác thải thành phố Cà Mau.
Ghi chú: về vị trí, quy mô diện tích chiếm đất và tổng mức đầu tư của các dự án nêu trên sẽ được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong giai đoạn lập và trình duyệt dự án đầu tư, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư của từng thời kỳ./.
- 1Quyết định 50/2006/QĐ-UBND về Chương trình Phát triển bền vững tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2006 - 2010 và tầm nhìn đến năm 2020
- 2Quyết định 105/QĐ-UBND năm 2021 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau ban hành quy định chi tiết hết hiệu lực toàn bộ và một phần
- 3Quyết định 329/QĐ-UBND năm 2024 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau ban hành kỳ 2019-2023
- 1Quyết định 105/QĐ-UBND năm 2021 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau ban hành quy định chi tiết hết hiệu lực toàn bộ và một phần
- 2Quyết định 329/QĐ-UBND năm 2024 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau ban hành kỳ 2019-2023
- 1Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 2Quyết định 153/2004/QĐ-TTg ban hành Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam) do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Thông tư 01/2005/TT-BKH triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình Nghị sự 21 của Việt Nam) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 4Quyết định 163/2008/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cà Mau đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Nghị quyết 01/2009/NQ-HĐND về Chương trình Phát triển bền vững tỉnh Cà Mau giai đoạn 2009-2015 và tầm nhìn đến năm 2020
- 6Quyết định 50/2006/QĐ-UBND về Chương trình Phát triển bền vững tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2006 - 2010 và tầm nhìn đến năm 2020
Quyết định 15/2009/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình Phát triển bền vững tỉnh Cà Mau giai đoạn 2009 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau ban hành
- Số hiệu: 15/2009/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 07/07/2009
- Nơi ban hành: Tỉnh Cà Mau
- Người ký: Bùi Công Bửu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 17/07/2009
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra