Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 1470/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 10 tháng 10 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ CƯƠNG CÁC HOẠT ĐỘNG TIẾN TỚI KỶ NIỆM 1000 NĂM THĂNG LONG - HÀ NỘI VÀ ĐẠI LỄ KỶ NIỆM

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Quyết định số 759/QĐ-TTg ngày 18 tháng 6 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long;
Căn cứ Quyết định số 836/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long;
Xét đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội tại tờ trình số 13/TTr-UBND ngày 02 tháng 10 năm 2008,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt Đề cương các hoạt động tiến tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và Đại lễ kỷ niệm kèm theo.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Ban Chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Nguyễn Sinh Hùng

 

ĐỀ CƯƠNG

CÁC HOẠT ĐỘNG TIẾN TỚI KỶ NIỆM 1000 NĂM THĂNG LONG - HÀ NỘI VÀ ĐẠI LỄ KỶ NIỆM

(Ban hành kèm theo Quyết định số 1470/QĐ-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ)

Thăng Long - Hà Nội, kinh đô nước Đại Việt xưa, Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày nay là nơi địa linh, nhân kiệt với bề dầy hàng ngàn năm lịch sử, nơi tinh hoa của dân tộc hội tụ, phát triển thành biểu tượng của nền văn hiến Việt Nam. Thăng Long -Hà Nội, nơi hội tụ nhân tài cả nước, toả sáng tinh hoa trí tuệ, văn hoá của dân tộc và lan truyền đến mọi miền đất nước.

Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội là một sự kiện trọng đại mà thế hệ chúng ta may mắn được nhận lĩnh trọng trách. Ngày 04 tháng 5 năm 1998, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII đã ban hành Chỉ thị số 32-CT/TƯ về việc kỷ niệm 1000 năm Thăng Long (năm 1010 - 2010) Chỉ thị viết: "Đây là một sự kiện trọng đại trong lịch sử nước nhà. Bởi vậy việc tổ chức kỷ niệm 1000 năm Thăng Long là một sự biểu thị tình cảm và đạo lý uống nước nhớ nguồn của người Việt Nam đối với các thế hệ cha ông đã có công dựng nước và giữ nước, là dịp giáo dục truyền thống lịch sử và cách mạng của dân tộc, động viên toàn Đảng, toàn dân phấn đấu xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đây cũng là dịp để giới thiệu và nâng cao tầm vóc Thủ đô Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung ở khu vực và trên thế giới".

Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long là nhiệm vụ quan trọng của Đảng bộ và nhân dân Hà Nội, đồng thời là cuộc vận động mang ý nghĩa rộng lớn trên phạm vi toàn quốc Quá trình tổ chức kỷ niệm cần thiết thực, gắn liền với chương trình phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng Thủ đô, gắn với việc bồi dưỡng xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy truyền thống Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Ngày 15 tháng 12 năm 2000, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW về "Phương hướng nhiệm vụ phát triển của Thủ đô trong thời kỳ 2001 - 2010" đã xác định Thủ đô Hà Nội"... là trái tim của cả nước đầu não chính trị - hành chính Quốc gia, trung tâm lớn về văn hoá, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, xứng đáng với danh hiệu Thủ đô anh hùng và Thành phố vì hoà bình.

Thành uỷ Hà Nội ban hành Chương trình số 05-CT/TU ngày 30 tháng 5 năm 2001 về kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Chương trình số 08-CTr/TU ngày 04 tháng 8 năm 2006 về "Phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thiết thực kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội".  

Vì vậy, các hoạt động hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long và Đại lễ kỷ niệm phải được chuẩn bị và tổ chức xứng đáng với yêu cầu đã đặt ra.

A. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các chương trình công tác của Thành uỷ và kế hoạch của Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội về kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.

- Thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn đối với các thế hệ cha ông đã có công dựng nước và giữ nước.

- Giáo dục truyền thống lịch sử - cách mạng cho quần chúng nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

- Động viên nhân dân phát huy lòng tự hào về Thăng Long - Hà Nội, phấn đấu hết mình xây dựng Thủ đô và đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

2. Yêu cầu

- Tổ chức các hoạt động hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long và Đại lễ kỷ niệm đảm bảo: phong phú, đa dạng, thiết thực, tiết kiệm, giàu bản sắc dân tộc, gắn với chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và cả nước, tạo bước chuyển biến mới của Thủ đô ngàn năm văn hiến trên con đường phát triển và hội nhập quốc tế.

- Đảm bảo an toàn tuyệt đối về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông trong suốt quá trình tổ chức. 

3. Phương châm tổ chức các hoạt động

- Cả nước cùng Hà Nội, Hà Nội cùng cả nước.

- Trung ương với Hà Nội.

- Bạn bè quốc tế với Hà Nội.

- Các hoạt động thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia; nhân dân được thể hiện và được hưởng thụ.

- Huy động tối đa các nguồn lực xã hội, bạn bè quốc tế tham gia các hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

B. NỘI DUNG CÁC HOẠT ĐỘNG

I. CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN - GIÁO DỤC, QUẢNG BÁ

Công tác tuyên truyền - giáo dục, quảng bá nhằm khơi dậy trong mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô và cả nước về ý thức tự giác, lòng tự hào, trách nhiệm của người dân Thăng Long - Hà Nội trong mọi hoạt động hướng về kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, quảng bá hình ảnh và văn hóa Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, Thủ đô anh hùng, thành phố vì hòa bình với cả nước và bạn bè quốc tế.

1. Công tác tuyên truyền giáo dục: công tác tuyên truyền, giáo dục tiến hành thường xuyên, với nhiều hình thức phong phú, sâu rộng, hiệu quả. Các hình thức hoạt động chính gồm:

a) Tổ chức cuộc thi sáng tác biểu trưng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội trong nhân dân cả nước, người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài có một biểu trưng chính thức đưa vào mọi hoạt động trong dịp kỷ niệm;

b) Tổ chức thi tìm hiểu 1000 năm Thăng Long - Hà Nội trong mọi tầng lớp nhân dân trên phạm vi toàn quốc, cho người người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế;

c) Tổ chức các buổi nói chuyện về lịch sử 1000 năm Thăng Long - Hà Nội ở cơ sở, nhất là trong trường học và các tổ chức thanh, thiếu niên;

d) Phát động, vận động, khuyến khích các cơ quan báo đài trung ương Hà Nội và các địa phương mở chuyên trang, chuyên mục về nội dung kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội;

đ) Các đội thông tin lưu động của các quận, huyện xây dựng nội dung và tổ chức tuyên truyền gắn với lịch sử 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Cung cấp các bộ triển lãm lưu động có chủ đề "Hà Nội xưa và nay" tới cấp quận, huyện để trưng bày tuyên truyền trực quan theo chiều sâu, lưu động ở các phường, xã.

2. Công tác cổ động trực quan, quảng bá, thông tin:

Song song với tuyên truyền, giáo dục, đẩy mạnh công tác cổ động trực quan thông tin, quảng bá trong suốt quá trình chuẩn bị tiến đến thời điểm lịch sử kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

a) Tuyên truyền cổ động trực quan về Thăng Long - Hà Nội bằng hệ thống panô tấm lớn trên các tuyến đường lớn của Hà Nội (bằng tiếng Việt và tiếng Anh). Hệ thống panô này lắp đặt thường xuyên liên tục từ năm 2009 đến hết năm 2010.

b) Thiết kế cổng chào, trang trí kết hoa cách điệu chào mừng Thủ đô ngàn năm tại các cửa ngõ ra vào thành phố, những huyết mạch giao thông quan trọng, gồm:

- Đầu đường 1 (khu vực tiếp giáp với tỉnh Hà Nam): đây là hướng Nam tiến mở mang bờ cõi của dân tộc và cũng là con đường Nam tiến để đấu tranh bảo vệ non sông, thống nhất đất nước.

- Đường Hà Nội - Lạng Sơn (khu vực tiếp giáp huyện Tiên Sơn tỉnh Bắc Ninh): nơi phát tích nhà Lý với Lý Thái Tổ khai sáng Kinh đô Thăng Long.

- Đường vào sân bay Nội Bài (khu vực ngã tư Thăng Long - Nội Bài và đường số 2 đi Vĩnh Phúc): cửa ngõ Hà Nội giao lưu quốc tế.

- Đường Láng - Hoà Lạc (khu vực ngã 3 rẽ vào khu liên hợp Thể thao Mỹ Đình): hướng về dãy núi Ba Vì với ngọn Tản Viên in đậm dấu ấn lịch sử dân tộc.

- Đường số 5 đi Hải Phòng (khu vực đền thờ ỷ Lan). Hướng ra biển Đông với những chiến công giữ nước lẫy lừng trong lịch sử.

Đây là những cổng chào có tính chất trang hoàng Thành phố nhân dịp kỷ niệm.

c) Lắp đặt tại một số địa điểm đồng hồ đếm ngược đến ngày Đại lễ kỷ niệm: tại khu vực vườn hoa đền Bà Kiệu gần hồ Hoàn Kiếm (đã hoàn thành).

Ngoài ra, còn có một số địa điểm khác vào từng thời điểm còn 500 ngày, còn một năm sẽ tổ chức triển khai tiếp: vòng xoay khu vực Trung tâm Hội nghị Quốc gia; địa đầu thành phố Hà Đông; vòng xoay cầu chui v.v ...

d) Triển khai các cụm panô cổ động trực quan trên toàn thành phố theo quy hoạch thống nhất.

đ) Các tỉnh, thành phố trong cả nước triển khai tuyên truyền cổ động trực quan chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

e) Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Ban Chỉ đạo Quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội mở trang Web về phương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long đề cập nhật và phổ biến các hoạt động kỷ niệm.

g) Gửi thông báo tới các tỉnh, thành phố trong cả nước, Thủ đô các nước có quan hệ ngoại giao với Việt Nam, các thành phố có 1000 năm tuổi trở lên trên thế giới về chủ trương và thời điểm tổ chức Lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

h) Lắp dựng một bảng LED mầu điện tử chất lượng cao trên hành lang ban công Nhà triển lãm Thành phố 93 Đinh Tiên Hoàng, thường xuyên đưa hình ảnh Hà Nội phát triển.

3. Công tác trang trí mỹ thuật và làm vệ sinh sạch đẹp từ cơ sở đến thành phố.

Duy trì công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trang trí mỹ thuật và vệ sinh sạch đẹp đường phố từ cơ sở đến thành phố thường xuyên hàng tuần.

a) Công ty Thiết bị và Chiếu sáng đô thị thiết kế ánh sáng mỹ thuật các quảng trường, công viên và các trục đường chính trong thành phố.

b) Công ty Môi trường đô thị tăng cường lực lượng và thiết bị làm sạch đường phố, có giải pháp giải quyết triệt để các điểm ô nhiễm và rác phế thải, đặc biệt là triệt xóa nạn đổ trộm phế thải.

c) Trung tâm Thông tin triển lãm thiết kế mỹ thuật một số trục đường chính, các cửa ô, phối hợp với trang trí mỹ thuật ánh sáng.

d) Các quận, huyện, thành phố trực thuộc, phường, xã, thị trấn vận động nhân dân chỉnh trang, trang trí mặt cửa hàng, đường phố, biển, bảng cửa hiệu, mái che hiên cho văn minh, hiện đại.

đ) Đẩy mạnh phong trào vệ sinh đường phố hàng ngày, hàng tuần và cải tiến cách thu gom rác với các thiết bị tiên tiến.

e) Các cơ quan, đơn vị, bệnh viện, trường học trên địa bàn tổ chức hành trang công sở, xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa; phát động phong trào về thành phố xanh - sạch - đẹp.

II. ĐỘNG VIÊN CỔ VŨ SÁNG TẠO VĂN HỌC NGHỆ THUẬT

Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long không thể thiếu những tác phẩm văn học nghệ thuật đỉnh cao để lại dấu ấn lâu dài. Ngay từ năm 1999 Thành phố đã phát động cuộc vận động sáng tạo văn học nghệ thuật có chủ đề "Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến", hàng năm hỗ trợ kinh phí để Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội triển khai cuộc vận động này.

Từ nay đến thời điểm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long vào năm 2010, Uỷ ban Toàn quốc các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam và Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội cùng các tỉnh, thành phố cả nước gắn với cuộc vận động "học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", đẩy mạnh và triển khai cuộc vận động, tuyển chọn các tác phẩm có giá trị về đề tài trên.

1. Văn học: sáng tác tiểu thuyết (chú ý tiểu thuyết lịch sử), truyện vừa và truyện ngắn, trường ca, thơ...

2. Sân khấu: sưu tầm, dàn dựng một số vở hay về đề tài Thăng Long - Hà Nội, sáng tác kịch bản và dàn dựng các vở diễn thuộc các thể loại: kịch, chèo, tuồng, cải lương...

3. Điện ảnh: thi viết kịch bản và xây dựng các bộ phim truyện, phim phóng sự, tài liệu, phim khoa học, lịch sử.

4. Âm nhạc: sưu tầm, in và phát hành tuyên truyền rộng rãi những tác phẩm hay về đề tài Hà Nội, sáng tác ca khúc, trường ca, phấn đấu có các vở nhạc kịch hoặc giao hưởng.

5. Mỹ thuật, hội họa: sưu tầm, tổ chức định kỳ triển lãm về đề tài Thăng Long - Hà Nội, sáng tạo các tác phẩm hội họa, điêu khắc có nội dung và chất lượng cao để hình thành một cuộc triển lãm Mỹ thuật lớn tổ chức vào dịp tháng 10 năm 2010.

6. Kiến trúc: có nhiều thiết kế kiến trúc, quy hoạch có thể ứng dụng thực tiễn, góp phần làm đẹp Thủ đô trên đà phát triển.

7. Nhiếp ảnh: sưu tầm tổ chức định kỳ triển lãm và sáng tác hình ảnh tiêu biểu về đề tài 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

8. Văn hóa dân gian: sưu tầm và giới thiệu tác phẩm văn hóa dân gian tiêu biểu vào dịp tháng 10 năm 2010, hoàn thành xuất bản toàn tập kho tàng văn hóa dân gian Hà Nội.

9. Múa: sưu tầm các điệu múa cổ và sáng tác các điệu múa hiện đại tiêu biểu, công diễn hàng năm và chọn lọc các tác phẩm đặc sắc giới thiệu vào dịp tháng 10 năm 2010.

Các tác phẩm văn học nghệ thuật ra đời trong thời điểm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long góp phần giáo dục lịch sử và thẩm mỹ đối với quần chúng.

Năm 2009 đến quý II năm 2010: tổ chức lựa chọn tác phẩm có chất lượng cao nhất để khen thưởng và giới thiệu vào dịp Đại lễ kỷ niệm.

III. THỰC HIỆN CUỘC VẬN ĐỘNG TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HOÁ, XÂY DỰNG NGƯỜI HÀ NỘI THANH LỊCH - VĂN MINH

1. Phát động phong trào xây dựng Thủ đô văn minh - xanh - sạch đẹp với chủ đề: "Mỗi người dân Thủ đô hãy bằng hành động thiết thực của mình để thành phố thân yêu ngày càng văn minh - xanh - sạch đẹp".

2. Triển khai có hiệu quả hơn các nội dung của Chương trình 08-CT/TU của Thành uỷ về "phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thiết thực kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội".

3. Đẩy mạnh công tác giáo dục đạo đức trong nhà trường, chú ý vận dụng các nội dung giáo dục truyền thống trong bộ môn giáo dục công dân, bộ môn "Hà Nội học", nêu cao tấm gương đạo đức của các thầy giáo, cô giáo trong quá trình giảng dạy để học sinh noi theo.

4. Tăng cường giáo dục pháp luật đối với công dân Thủ đô từ cơ sở, đặc biệt xây dựng ý thức tự giác trong việc chấp hành luật lệ giao thông, trật tự giao thông đô thị.

5. Thực hiện có hiệu quả cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá".

6. Các đoàn thể chính trị, các tổ chức xã hội của Thành phố xây dựng chương trình hoạt động hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, chú ý vấn đề nhân văn và văn hoá truyền thống.

7. Vận động nhân dân đóng góp công sức tu bổ tôn tạo các di tích lịch sử, văn hoá ở Thủ đô. Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản văn hóa của Thăng Long - Hà Nội.

8. Khuyến khích phục hồi các Lễ hội dân gian truyền thống mang tính tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội.

9. Xây dựng ý thức cộng đồng về văn minh thương mại, kinh doanh dịch vụ không bán hàng rong, không ép mua, ép bán, có hành vi, cử chỉ hiếu khách; thực hiện nếp sống hành vi ứng xử văn hóa trong gia đình, tại cộng đồng dân cư (thôn xóm, tổ dân phố...), trong các cơ quan, doanh nghiệp, các đơn vị trường học, bệnh viện... gắn với phong trào xây dựng gia đình văn hóa, tổ dân phố văn hoá, làng văn hoá, khu dân cư văn hóa, cơ quan, đơn vị văn hóa.

IV. CÁC CÔNG TRÌNH CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 1000 NĂM THĂNG LONG - HÀ NỘI

Xây dựng các công trình tiêu biểu kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội:

1. Các công trình tập trung chỉ đạo hoàn thành chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

- Các công trình văn hoá - xã hội:

+ Thành Cổ Hà Nội (chỉnh trang khu Thành cổ Hà Nội phần đã tiếp nhận bàn giao).

+ Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích khu Thành Cổ Loa (hoàn thành quy hoạch, khu trưng bầy hiện vật và sa bàn; chỉnh trang các di tích đã có, nâng cấp đường vào khu di tích).

+ Xây dựng Đền thờ Lý Thái Tổ.

+ Tôn tạo, bảo tồn và nâng cấp tượng đài Vua Lê Thái Tổ (tu bổ, tôn tạo Đình Nam Hương).

+ Cải tạo thí điểm phố cổ Hà Nội (cải tạo mặt đứng tuyến phố Tạ Hiện tu bổ di tích Đình Kim Ngân, cải tạo nhà cổ và xây dựng Trung tâm thông tin phố cổ).

+ Bảo tàng Hà Nội.

+ Tượng đài Thánh Dóng.

+ Tượng đài Bác Hồ - Bác Tôn.

+ Công viên Hoà Bình.

+ Tủ sách "Thăng Long ngàn năm văn hiến".

+ Thư viện Hà Nội.

+ Các rạp: Công nhân, Đại Nam, Kim Đồng.

+ Trung tâm Đào tạo vận động viên cấp cao Hà Nội.

+ Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội.

+ Xây dựng Trường trung học phổ thông chuyên Hà Nội Amsterdam.

+ Dự án Trường công nhân kỹ thuật cao Hà Nội.

+ Tu bổ, tôn tạo Thăng Long Tứ trấn (Đình Kim Liên, Đền Bạch Mã, Đền Quán Thánh, Đền Voi Phục).

+ Quảng trường Cách mạng Tháng 8.

+ Quảng trường Đàn Xã Tắc.

+ Con đường Gốm Sứ, kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

- Các công trình hạ tầng kỹ thuật - đô thị:

+ Cầu Thanh Trì.

+ Cầu Vĩnh Tuy.

+ Đường vành đai III (đoạn Mai Dịch - Pháp Vân).

+ Đường Láng - Hoà Lạc (hoàn thiện mở rộng mặt cắt 140 m).

+ Đường Kim Liên Ô Chợ Dừa.

+ Nút Kim Liên (thuộc đường vành đai I).

+ Đường Lạc Long Quân.

+ Đường Đội Cấn - Hồ Tây (đoạn Văn Cao - Hồ Tây).

+ Xây dựng hạ tầng kỹ thuật xung quanh Hồ Tây.

+ Quy hoạch chung thành phố Hà Nội.

+ Xây dựng tuyến đường trục phía Bắc thành phố Hà Đông (Ngọc Trục - Yên Nghĩa). 

+ Cải tạo nâng cấp tuyến đường quốc lộ 32; gồm 3 dự án: Nam Thăng Long - Cầu Diễn, đoạn Cầu Diễn - Nhổn và Nhổn - Sơn Tây.

+ Cầu Đen (thuộc thành phố Hà Đông).

+ Đường Lê Trọng Tấn (thành phố Hà Đông)

1. Đường Nguyễn Phong Sắc kéo dài: giai đoạn 2 tiếp tục triển khai thi công xây dựng (đoạn nối đường 32 với đường Hoàng Quốc Việt).

2. Các công trình khởi công vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long:

- Xây dựng cầu Nhật Tân.

- Xây dựng tuyến đường sắt đô thị - tuyến Nhổn - Ga Hà Nội.

- Nhà hát lớn Thăng Long.

- Đường nối cầu Nhật Tân - Nội Bài. Dự án do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư.

- Tuyến đường sắt đô thị Hà Nội - Hà Đông (chiều dài 14 km). Dự án do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư, sử dụng ODA Trung Quốc.

3. Các công trình kinh tế, khuyến khích hoàn thành vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long:

- Dự án xây dựng khu tổ hợp cao 65 tầng tại Liễu Giai - Đào Tấn.  

- Khách sạn Hà Nội Plaza tại khu đất X1 khu đô thị Đông Nam đường Trần Duy Hưng.

- Dự án xây dựng Khách sạn 5 sao tại đường Phạm Hùng (vị trí X2).

- Tổ hợp khách sạn - văn phòng - căn hộ cho thuê: Keangnam - Hanoi Landmark Tower tại khu đất E6 - Khu đô thị mới Cầu Giấy.

- Tổ hợp Crown Plaza (Khách sạn 5 sao - Văn phòng và căn hộ cho thuê) tại khu Trung tâm đào tạo vận động viên cấp cao Mỹ Đình.

- Chợ Nghệ, Sơn Tây.

4. Các công trình đẩy nhanh tiến độ triển khai từ nay đến năm 2010 theo kế hoạch:

- Xây dựng tuyến đường 5 kéo dài.

- Đường vành đai II đoạn nhật Tân - Bưởi.

- Trường Đào tạo công nhân kỹ thuật cao Việt - Hàn.

- Công viên Yên Sở.

- Công viên Tuổi trẻ.

- Dự án giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung cụm trường Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề Tây Mỗ.

- Đường vành đai I: các đoạn Ô Đông Mác - đê Nguyễn Khoái, Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu.

- Đường Cát Linh - La Thành - Thái Hà - Láng.

- Vùng hoa Từ Liêm.

- Xây dựng cụm công nghiệp Sóc Sơn (CN3).

- Khu công nghệ sinh học Hà Nội.

- Khu đô thị mới trung tâm Tây Hồ Tây.

- Khu Du lịch sinh thái văn hoá Sóc Sơn.

- Khu tưởng niệm Danh nhân Chu Văn An tại huyện Thanh Trì.

- Dự án đường trục phía Nam.

- Dự án đường trục phát triển kinh tế - xã hội Bắc Nam.

- Dự án làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ đầu tư.

- Dự án tu bổ tôn tạo di tích chùa Phật Tích (Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh chủ đầu tư).

- Dự án xây dựng cổng thành tại khu di tích Cố đô Hoa Lư (Uỷ ban nhân dân tỉnh Ninh Bình chủ đầu tư).

- Công trình xây dựng Tháp Tường Long, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng (Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng chủ đầu tư).

V. TỔ CHỨC CÁC HOẠT ĐỘNG, SỰ KIỆN THEO CÁC MỐC THỜI GIAN ĐẾM NGƯỢC TIẾN TỚI ĐẠI LỄ KỶ NIỆM (TỪ 2008 ĐẾN 2010)

1. Tổ chức hoạt động kỷ niệm đếm ngược còn 1000 ngày tới ngày Đại lễ: diễn ra vào chủ nhật ngày 13 tháng 01 năm 2008.

a) Tổ chức phát động 1000 ngày Thủ đô xanh, sạch đẹp.

b) Tổ chức lễ hội "Khoảnh khắc Thăng Long - Hà Nội và lễ khai trương đồng hồ đếm ngược tại vườn hoa đền Bà Kiệu.

c) Phát động cuộc thi sáng tác Mẫu biểu trưng (LOGO) kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

* Mục đích:

- Chọn mẫu biểu trưng để sử dụng chính thức trong các hoạt động chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

- Tạo sản phẩm cô đọng ghi nhớ giá trị của Thăng Long - Hà Nội trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước, khơi dậy lòng tự hào nêu cao ý thức giữ gìn và phát huy truyền thống thành phố 1000 năm Thăng Long - Hà Nội tới tất cả các tầng lớp nhân dân.

- Thông qua biểu trưng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, giúp nhân dân và du khách nước ngoài hiểu biết thêm về đất nước, con người, truyền thống của Hà Nội.

* Đối tượng dự thi: tất cả người Việt Nam trong nước và ngoài nước đều có quyền tham gia cuộc thi.

* Thời gian tổ chức thực hiện: trong năm 2008.

d) Phát động cuộc thi thiết kế Khu đặt phương tiện lưu giữ vật phẩm "Gửi tới mai sau" và Mẫu hình dáng phương tiện lưu giữ.

* Mục đích:

- Chọn mẫu thiết kế xuất sắc và ý nghĩa nhất cho mỗi loại để lưu giữ các vật phẩm "Gửi tới thế hệ mai sau".

- Góp phần quảng bá rộng rãi dự án tới tất cả các tầng lớp nhân dân, các tổ chức quốc tế, những người quan tâm biết thêm về dự án.

* Yêu cầu: mẫu thiết kế cần đáp ứng các tiêu chí sau:

- Thể hiện được tinh thần, ý tưởng của thiết bị sẽ được chứa các vật phẩm lưu truyền cho thế hệ mai sau.

- Thể hiện được nét đặc trưng của Việt Nam, có tính thẩm mỹ cao.

- Thiết kế phù hợp với công tác bảo quản trong yếu tố thời tiết, khí hậu và cảnh quang xung quanh Bảo tàng Hà Nội. 

* Đối tượng dự thi: mọi đối tượng trong và ngoài nước đều có quyền tham gia cuộc thi.

* Tổ chức và thực hiện: có mẫu thiết kế trong quý II năm 2009.

đ) Phát động cuộc vận động sáng tác Văn học Nghệ thuật hưởng ứng cuộc vận động "học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" thiết thực kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội do Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hà Nội phối hợp với Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội và Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long tổ chức.

* Mục đích, ý nghĩa:

- Nhằm tập hợp đông đảo các nhà sáng tác chuyên nghiệp và không chuyên, tạo ra những tác phẩm có giá trị về tư tưởng nghệ thuật. Qua cuộc vận động sáng tác các văn nghệ sĩ hiểu biết hơn nữa về cuộc đời, sự nghiệp và đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, sự nghiệp cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

- Tôn vinh quá khứ hào hùng của dân tộc, các thế hệ cha ông đã gắn liền với Thăng Long - Hà Nội ngàn năm tuổi, thành phố hoà bình, địa danh đã trở thành biểu tượng văn hoá, trí tuệ và sức mạnh của dân tộc Việt Nam.

* Đối tượng:

Tất cả các tác giả, đạo diễn, biên đạo, nhạc sĩ, họa sĩ, các nhà điêu khắc, nghệ sĩ nhiếp ảnh chuyên nghiệp và không chuyên ở trong nước và người Việt Nam hiện đang ở nước ngoài đều được tham gia cuộc thi.

* Chủ đề: đề tài sáng tác cần thể hiện rõ hai chủ đề:

- Cuộc đời, sự nghiệp và sự cống hiến to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho nền độc lập, tự do, hạnh phúc của dân tộc, cho lý tưởng cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam và những thành quả cách mạng do Đảng và Bác Hồ lãnh đạo mang lại, nhất là những thành tựu đạt được trong công cuộc đổi mới.

- Ca ngợi truyền thống yêu nước, tinh thần lao động sáng tạo, ý chí kiên cường, bất khuất của con người Việt Nam, nhất là trong thời kỳ đổi mới, gắn liền với lịch sử phát triển cùng các giá trị văn hoá của Thăng Long - Hà Nội. Đặc biệt, chú ý đến các đề tài phản ánh về các nhân vật, địa danh lịch sử thời kỳ dựng nước và giữ nước liên quan đến việc Nhà Lý dời đô ra Thăng Long và những dấu ấn lịch sử quan trọng diễn ra suốt 1000 năm trên đất Thăng Long - Hà Nội.

* Loại hình và thể loại: âm nhạc, múa, sân khấu, điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh.

2. Tổ chức các hoạt động kỷ niệm đếm ngược còn 2 năm sẽ đến ngày Đại lễ: diễn ra từ ngày thứ sáu ngày 10 tháng 10 năm 2008 với các nội dung:

a) Tổ chức cuộc thi sáng tác ca khúc "Chào Thăng Long - Hà Nội ngàn năm".

* Mục đích:

- Tạo ra được một số ca khúc đặc biệt đi vào lòng người cho Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

- Vận động được nhiều người tham gia.

* Đối tượng tham dự:

Tất cả các công dân Việt Nam có khả năng sáng tác âm nhạc đều có thể tham gia dự thi.

* Nội dung sáng tác:

Các chủ đề ca ngợi về truyền thống lịch sử của Hà Nội qua 1000 năm lịch sử, tình yêu đối với Hà Nội, về người Hà Nội, về vẻ đẹp của Hà Nội, Hà Nội trong quá trình hội nhập và phát triển.

* Yêu cầu:

Các tác phẩm dự thi gồm nhạc và lời (có thể gửi kèm 1 CD đã ghi âm, nếu có) phải là sáng tác mới, chưa từng được công bố theo thể loại ca khúc, hành khúc, bài hát cộng đồng có nội dung phù hợp với chủ đề đã nêu trên và được thể hiện bằng nhạc bản. Mỗi tác giả được gửi tham gia tối đa 02 tác phẩm.

Ban Tổ chức không xét giải đối với các tác phẩm sao chép, mô phỏng ý tưởng và giai điệu của tác phẩm khác trong và ngoài nước.

Thời hạn nhận tác phẩm: từ ngày 01 tháng 6 năm 2009 đến 01 tháng 01 năm 2010.

Các tác phẩm được xét duyệt vào vòng chung kết sẽ được hỗ trợ kinh phí dàn dựng thu âm, thu hình để tham gia cuộc bình chọn trên Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội. 

b) Tổ chức cuộc thi tìm hiểu về văn hoá lịch sử của các thành phố có 1.000 tuổi trên thế giới và gắn với cuộc thi "Hà Nội điểm hẹn của bạn" (phối hợp với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố).

Cuộc thi là một trong những chuỗi sự kiện tiến tới Lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, đồng thời là một hoạt động văn hoá trước thềm Hội thảo về công tác bảo vệ văn hoá vật thể và phi vật thể tại các thành phố 1000 năm tuổi (dự kiến có đại diện từ các thành phố có tuổi từ 1000 năm trở lên tham dự).

* Chủ đề cuộc thi: các cá nhân tập thể tham gia cuộc thi có thể viết về chủ đề sau:

"Tìm hiểu về lịch sử và văn hoá các thành phố có bề dầy lịch sử 1000 năm tuổi trên thế giới".

* Đối tượng dự thi: cuộc thi dành cho mọi người dân Việt Nam đang sống ở trong và ngoài nước.

* Hình thức tổ chức cuộc thi:

Thí sinh sẽ tìm hiểu và viết về các chủ đề do Ban Tổ chức cuộc thi gợi ý sẵn. Các thí sinh gửi một bài viết dự thi hợp lệ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện về địa chỉ của Ban Tổ chức tại Hà Nội.

* Thời gian: từ ngày 10 tháng 10 năm 2008 đến ngày 27 tháng 5 năm 2009.

c) Lễ trao giải cuộc thi sáng tác biểu trưng chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội vào ngày 10 tháng 10 năm 2008.

d) Tuyển chọn, sản xuất 20.000 đĩa DVD với những ca khúc chọn lọc về Hà Nội qua các thời kỳ để làm quà tặng cho các đại biểu đến dự Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

* Mục đích, ý nghĩa: nhằm quảng bá hình ảnh và giới thiệu về văn hoá Thăng Long - Hà Nội, thành phố hoà bình thông qua hình thức nghệ thuật ca múa nhạc và hình ảnh về Thăng Long - Hà Nội.

* Dự kiến Kế hoạch chuẩn bị và sản xuất:

- Tháng 4 năm 2009 hoàn thành công tác chuẩn bị.

+ Gặp gỡ các nhạc sĩ, thương thảo bản quyền tác giả, biên tập chương trình, chọn ca sĩ thể hiện...

+ Thành lập ê kíp thực hiện: đạo diễn, quay phim, phương án các điểm ghi hình, ấn định phục trang cho từng ca khúc và bối cảnh, đạo cụ.

+ Xây dựng kịch bản ghi hình cho từng bài hát, thu thanh.

- Tháng 12 năm 2009 hoàn thành công việc sản xuất tiền kỳ.

+ Quyết định về kịch bản phân cảnh kỹ thuật cho chương trình, xác định lần cuối bối cảnh ghi hình, thu thanh.

- Tháng 12 năm 2009 đến tháng 5 năm 2010 hoàn thành sản xuất hậu kỳ.

+ Kiểm tra hình ảnh đã quay, dựng phim, thực hiện kỹ xảo, đồ hoạ, ra bản Masteur gốc, sửa chữa, trình duyệt. 

- Tháng 6 năm 2010 hoàn thành nhân bản ra đĩa DVD và bàn giao.

+ Thiết kế vỏ đĩa, xin cấp tem phát hành, đóng gói, bàn giao.

3. Tổ chức các hoạt động kỷ niệm đếm ngược còn 500 ngày đến ngày Đại lễ: diễn ra từ thứ sáu ngày 28 tháng 5 năm 2009 với các nội dung sau:

a) Phát động cuộc thi lựa chọn hiện vật đặt trong phương tiện lưu giữ vật phẩm "Gửi tới mai sau".

* Mục đích: cuộc thi được phối hợp với 63 tỉnh, thành trong cả nước nhằm lựa chọn những đồ lưu niệm, sản vật có ý nghĩa đặc trưng cho mỗi tỉnh, thành để lưu giữ trong phương tiện lưu giữ vật phẩm "Gửi tới mai sau".

* Yêu cầu: mẫu vật phải đặc trưng, nhỏ gọn và có độ bền vĩnh cửu.

* Đối tượng dự thi: cuộc thi dành cho mọi người dân Việt Nam đang sống ở trong và ngoài nước.

Thời gian: từ ngày 28 tháng 5 năm 2009 đến ngày 10 tháng 10 năm 2009.

b) Lễ trưng bày và trao giải cuộc thi thiết kế khu đặt phương tiện lưu giữ vật phẩm và mẫu hình dáng phương tiện lưu giữ "Gửi tới mai sau".

c) Lễ trao giải cuộc thi tìm hiểu về văn hoá lịch sử của các thành phố có 1000 tuổi trên thế giới (ngày 28 tháng 5 năm 2009).

d) Liên hoan nghệ thuật "Trẻ em hôm nay - Thế giới ngày mai".

* Thời gian: từ ngày 28 tháng 5 đến ngày 02 tháng 6 năm 2009.

* Mục đích: tổ chức các hoạt động văn hoá dành cho đối tượng thanh thiếu niên đặc biệt là giới trẻ Hà Nội, chủ nhân tương lai của Thành phố 1000 năm tuổi" và mong muốn hội nhập quốc tế. Bao gồm:

. Tổ chức cho các đối tượng tham gia là thanh, thiếu niên thi giới thiệu về Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến với bạn bè, du khách quốc tế (khuyến khích sử dụng ngoại ngữ) nhằm giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng cho thế hệ trẻ.

. Biểu diễn của các đoàn, nhóm nghệ thuật phục vụ thanh, thiếu niên tới từ các tỉnh thành phố trong cả nước và một số đoàn nghệ thuật thiếu nhi quốc tế của những nước đồng ý tự túc vé máy bay đến Hà Nội. Hà Nội sẽ lo chi phí ăn ở đi lại tại Việt Nam.

. Hội thảo quốc tế trao đổi kinh nghiệm về công tác tổ chức biểu diễn nghệ thuật cho khán giả trẻ trong thời kỳ hội nhập.

Đại biểu quốc tế: mời các đại biểu thành viên của Hiệp hội tổ chức Biểu diễn nghệ thuật cho khán giả trẻ châu á - Thái Bình Dương và các đại biểu ở các nước khác trên thế giới đồng ý tự túc vé máy bay đến Hà Nội (Hà Nội sẽ lo chi phí ăn, ở, đi lại tại Việt Nam cho mỗi nước 01 đại biểu).

Đại biểu Việt Nam: các nhà tổ chức, đạo diễn, giám đốc các nhà hát phục vụ khán giả trẻ trong toàn quốc.

4. Tổ chức các hoạt động kỷ niệm đếm ngược còn 1 năm đến ngày Đại lễ: diễn ra từ ngày thứ bảy ngày 10 tháng 10 năm 2009 với các nội dung sau:

a) Lễ khởi công xây dựng khu đặt phương tiện lưu giữ các vật phẩm "Gửi tới mai sau" vào sáng ngày thứ bảy ngày 10 tháng 10 năm 2009. 

Địa điểm xây dựng: nằm trong khuôn viên của Bảo tàng Hà Nội.

b) Hội thảo quốc tế bàn về công tác bảo vệ di sản văn hoá (vật thể và phi vật thể)

* Mục đích:

. Bàn và trao đổi kinh nghiệm về công tác bảo vệ các di sản văn hoá (vật thể và phi vật thể).

. Là dịp để khơi dậy trong người dân Việt lòng tự hào dân tộc, nâng tầm và vị thế của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến; Thủ đô anh hùng, "Thành phố vì hoà bình" trước bạn bè quốc tế.

. Tìm kiếm sự hỗ trợ quốc tế trong công tác bảo vệ di sản văn hoá Thăng Long - Hà Nội.

* Địa điểm tổ chức: Trung tâm Hội nghị Quốc gia - Mỹ Đình.

. Hoạt động: gồm 2 hoạt động chính:

- Tổ chức Triển lãm quốc tế về các thành phố 1000 năm tuổi xưa và nay (từ ngày 10 - ngày 13 tháng 10 năm 2009).

Với các hình ảnh "Xưa và Nay" của gần 100 thành phố có từ 1000 năm tuổi trên thế giới sẽ là một cơ hội hiếm có để người dân Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế hiểu biết thêm về thế giới mà chúng đang cùng chung một bầu trời. Đây cũng là thông điệp "Hãy giữ gìn và bảo vệ các di sản văn hoá chung của nhân loại" của triển lãm.

- Tổ chức Hội thảo quốc tế về công tác bảo vệ văn hoá vật thể và phi vật thể (từ ngày 10 - ngày 13 tháng 10 năm 2009).

. Dự kiến các thành phố tham gia hội thảo: Thủ đô 1000 năm tuổi: 29 thủ đô; thành phố 1000 năm tuổi: 69 thành phố và một số thủ đô và thành phố có quan hệ đối ngoại với Hà Nội.

c) Lễ công bố ý tưởng thành lập "Câu lạc bộ Quốc tế các Thủ đô 1000 tuổi".

Trên thế giới hiện nay đã có 29 thành phố có trên 1000 năm tuổi là thủ đô của 29 quốc gia trên thế giới. ý tưởng thành lập một câu lạc bộ quốc tế các Thủ đô 1000 tuổi là sáng kiến của Hà Nội với mong muốn được làm bạn với thế giới và thiết lập mạng lưới Thủ đô các quốc gia cùng trao đổi, hỗ trợ nhau trong công tác bảo vệ di sản văn hoá cho các thành phố 1000 tuổi trên thế giới.

Hà Nội sẽ trở thành tâm điểm và đi đầu trong công tác gắn kết các hoạt động bảo vệ di sản văn hoá ở các Thủ đô. Thông qua việc này, vị thế của Hà Nội cũng sẽ được nâng lên một tầm cao mới trong con mắt của bạn bè quốc tế. Đó cũng là thông điệp mà Hà Nội - Việt Nam muốn gửi tới bạn bè thế giới trong quá trình hội nhập "Việt Nam không những chỉ là một đất nước đang phát triển với tốc độ nhanh mà còn là một đất nước luôn có ý thức giữ gìn, bảo vệ các di sản văn hoá và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc".

d) Lễ trao giải cuộc thi lựa chọn hiện vật đặt trong phương tiện lưu giữ vật phẩm "Gửi tới mai sau".

đ) Phát động cuộc thi sáng tác phim Video ngắn (Video clip) về Thăng Long - Hà Nội 1000 năm văn hiến.

Mục đích: cuộc thi nhằm lựa chọn những đoạn phim video giới thiệu về Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến để phát sóng quảng cáo tuyên truyền cho Đại lễ kỷ niệm và lưu trữ trong thiết bị gửi tới mai sau.

Thời gian: từ ngày 10 tháng 10 năm 2009 đến ngày 01 tháng 7 năm 2010.

e) Tổ chức trại điêu khắc quốc tế chào Thăng Long - Hà Nội 1000 năm.

* Mục đích: xây dựng một khu vực trong khuôn viên công viên để trưng bày lâu dài các tác phẩm điêu khắc ngoài trời của các nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế.

* Thời gian: trong tháng 10 năm 2009.

5. Tổ chức các hoạt động kỷ niệm đếm ngược còn 100 ngày: diễn ra từ ngày thứ sáu ngày 02 tháng 7 năm 2010 với các nội dung sau:

a) Tổ chức Triển lãm ngoài trời "Hình ảnh Hà Nội xưa và nay".

Triển lãm sử dụng các panô ảnh ngoài trời cỡ lớn được lắp đặt tại các vị trí thích hợp gần sát với địa danh theo chủ đề "Xưa và Nay". Những hình ảnh có tính chất đối chứng sẽ giúp người xem hình dung được quá trình thay đổi từ quá khứ tới hiện tại của Thăng Long - Hà Nội trong quá trình phát triển.

Thời gian triển lãm: từ ngày 02 tháng 7 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2010.

b) Lễ trao giải cuộc thi Video clip về Thăng Long - Hà Nội 1000 năm văn hiến ngày 01 tháng 7 năm 2010.

c) Liên hoan "Cả nước hát về Hà Nội" (từ ngày 02 tháng 7 đến ngày 05 tháng 7 năm 2010).

Mời các ca sĩ từ các tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia thể hiện các bài hát hay về Hà Nội đã đi vào lòng người trong suốt chặng đường dài lịch sử của Thủ đô và một số ca khúc đoạt giải cao trong cuộc thi sáng tác "Chào Thăng Long - Hà Nội ngàn năm". Tổ chức giao lưu giữa một số nhạc sĩ sáng tác những tác phẩm đó với khán giả.

* Lễ trao giải cuộc thi sáng tác ca khúc "Chào Thăng Long - Hà Nội ngàn năm" (trong tháng 7 năm 2010). 

6. Tổ chức hoạt động kỷ niệm đếm ngược còn 30 ngày: diễn ra từ thứ sáu ngày 10 tháng 9 năm 2010 với các nội dung sau:

a) Tổ chức chấm thi, trao giải thưởng cuộc thi "Giữ gìn ngõ, phố xanh, sạch, trang hoàng đường phố đẹp" giữa các phường, xã của Thủ đô chào mừng kỷ niệm Thăng Long - Hà Nội ngàn năm;

b) Tổ chức các lễ gắn biển các công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Ngoài ra có thể xây dựng kế hoạch tổ chức các cuộc triển lãm chuyên đề các hoạt động sân khấu, ca nhạc, tuần lễ phim diễn ra đều khắp các năm từ năm 2008 đến 2010 gắn với kỷ niệm 1000 năm Thăng Long .

VI. CHƯƠNG TRÌNH NĂM KỶ NIỆM 2010 VÀ THỜI ĐIỂM ĐẠI LỄ HỘI THÁNG 10 NĂM 2010

1. Các công tác chuẩn bị:

a) Các nội dung hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội gắn với các ngày kỷ niệm lớn của đất nước trong năm 2010 gồm:

- 80 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1930 - 2010).

- 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 - 2010).

- 35 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (1975 - 2010).

- 65 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1945 - 2010).

- 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (1010 - 2010).

b) Triển khai công tác tuyên truyền và thông báo nội dung tới các tỉnh, thành phố trong cả nước và Thủ đô các nước có quan hệ ngoại giao, các thành phố có 1000 năm tuổi trên thế giới.

c) Đề nghị 62 tỉnh, thành phố trong cả nước có các hoạt động thiết thực tại địa phương mình để hưởng ứng chào Thăng Long - Hà Nội 1000 năm tuổi. Đặc biệt mời một số tỉnh, thành tiêu biểu trong cả nước như: thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Hải Phòng, Ninh Bình, Hà Nam, Phú Thọ, Bắc Ninh xây dựng chương trình nghệ thuật đặc sắc tham gia Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.

d) Mời và đề nghị thủ đô các nước trong khối ASEAN và thủ đô các nước có quan hệ giao lưu hữu nghị, văn hoá với Việt Nam như: Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp... và đặc biệt là các thủ đô có 1000 năm tuổi hỗ trợ kinh phí cử đoàn nghệ thuật sang tham gia liên hoan nghệ thuật quốc tế chào Hà Nội 1000 năm.

đ) Gửi giấy mời chính thức tới thủ đô các nước trong dự kiến và đại diện các tỉnh thành phố trong cả nước, các cơ quan Trung ương và các tổ chức ngoại giao và quan khách đặc biệt.

e) Đẩy mạnh cuộc vận động "toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và "xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh".

g) Các phương tiện thông tin đại chúng từ trung ương đến các tỉnh, thành phố mở đợt cao điểm tuyên truyền về các nội dung tuyên truyền kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

h) Triển khai các công tác chuẩn bị địa điểm, cơ sở vật chất, nhân lực phục vụ cho các hoạt động sự kiện theo chương trình đã được phê duyệt.

2. Triển khai tổ chức các hoạt động sự kiện tiến tới Đại lễ kỷ niệm.

a) Tổ chức Liên hoan Du lịch quốc tế đến với lịch sử - văn hoá Thăng Long - Hà Nội ngàn năm.

b) Tổ chức các cuộc thi đấu thể thao quốc tế, đặc biệt tổ chức giải bóng đá quốc tế "Cúp Thủ đô, (Capital Cup).

c) Tổ chức khai trương, khánh thành các công trình chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.

d) Tổ chức Lễ gắn biển các công trình tiêu biểu kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.

đ) Tổ chức Hội chợ thương mại Thủ đô các nước ASEAN chào mừng Thăng Long - Hà Nội ngàn năm tại Trung tâm triển lãm Giảng Võ.

e) Tổ chức triển lãm lớn có tên gọi "Thăng Long - Hà Nội" (tranh, tượng, ảnh thư tịch cổ) khái quát toàn cảnh bức tranh lịch sử từ lúc khai sáng, quá trình đấu tranh, tồn tại và không ngừng phát triển của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm (tháng 10 năm 2010).

g) Tổ chức Lễ hội làng nghề - phố nghề Thăng Long - Hà Nội và vùng phụ cận.

h) Tổ chức Triển lãm mỹ thuật Thủ đô và ảnh nghệ thuật Thủ đô chào mừng Thăng Long - Hà Nội ngàn năm.

i) Tổ chức trọng thể nghiệm thu công trình nghiên cứu khoa học cấp nhà nước có mã số KX.09 về đề tài lịch sử 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

k) Lễ ra mắt Tủ sách "Thăng Long ngàn năm văn hiến" và công bố kết quả chương trình nghiên cứu khoá học cấp nhà nước: KX.09.

l) Tổ chức đều đặn các lễ hội văn hoá dân gian truyền thống Thăng Long - Hà Nội trên khắp các quận huyện của thành phố ngay từ đầu năm 2010.

3. Hoạt động của các Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố trong cả nước hưởng ứng chương trình Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.

a) Tổ chức đợt thi đua lao động sáng tạo và xây dựng đời sống văn hoá, văn minh thanh lịch tại các Bộ, ngành và các địa phương trong cả nước.

b) Xác định một số công trình xây dựng trọng điểm của Bộ, ngành, tỉnh, thành phố là công trình chào mừng Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long được khánh thành vào dịp Đại lễ.

c) Các tỉnh, thành phố ủng hộ hoặc đóng góp kinh phí hoặc tham gia đầu tư xây dựng một số công trình văn hoá xã hội tiêu biểu của Hà Nội kỷ niệm 1000 năm Thăng Long (có đăng ký cụ thể).

d) Động viên các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư xây dựng các công trình văn hoá, xã hội và phúc lợi công cộng của Hà Nội, thiết thực chào mừng Thủ đô ngàn tuổi.

đ) Các cơ quan báo chí, truyền hình của Trung ương và các tỉnh, thành phố trong cả nước dành thời lượng và chuyên mục cho chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

e) Tại các Trung tâm tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước xây dựng các chương trình Lễ hội truyền thống và văn hoá nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, tổ chức hoành tráng vào đúng thời điểm Đại lễ để đồng loạt hưởng ứng.

g) Một số tỉnh và thành phố trực tiếp tham gia Đại lễ kỷ niệm tại Thủ đô Hà Nội theo sự phân công của Ban Tổ chức quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long xây dựng một chương trình Lễ hội truyền thống địa phương và văn hoá nghệ thuật độc đáo để tham gia Lễ kỷ niệm từ ngày 01 đến ngày 10 tháng 10 năm 2010.

4. Mười ngày hoạt động văn hoá nghệ thuật, thể dục thể thao và Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long (có kịch bản chi tiết riêng từ ngày 01 tháng 10 năm 2010 đến ngày 10 tháng 10 năm 2010).

C. CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ VÀ CÁC BỘ, BAN, NGÀNH, ĐOÀN THỂ TRUNG ƯƠNG TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH TỔ CHỨC CÁC HOẠT ĐỘNG KỶ NIỆM 1000 NĂM THĂNG LONG - HÀ NỘI

1. Tổ chức tuyên truyền các hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và quảng bá hình ảnh về nền văn hóa của Thăng Long - Hà Nội, của địa phương với cả nước và bạn bè quốc tế.

Tổ chức sâu rộng các hình thức tuyên truyền về các hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, thông qua đó khơi dậy lòng tự hào của dân tộc đồng thời giới thiệu truyền thống lịch sử văn hóa và thành tựu kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế.

Tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng của địa phương, đơn vị, của Trung ương và Hà Nội; tuyên truyền cổ động, trực quan ở tất cả địa phương, đơn vị và tập trung ở các khu vực trung tâm.

Các cơ quan báo chí, truyền hình của Trung ương và các tỉnh, thành phố trong cả nước dành thời lượng và chuyên mục thường xuyên tuyên truyền các hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

2. Động viên cổ vũ các hoạt động sưu tầm, biên soạn, sáng tạo văn học nghệ thuật.

Tổ chức thực hiện tốt cuộc vận động sáng tạo văn học nghệ thuật kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, gắn với cuộc vận động học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do Uỷ ban Toàn quốc các Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động.

Sưu tầm, biên soạn, sáng tạo những tác phẩm văn học nghệ thuật đỉnh cao trong các lĩnh vực: văn học, sân khấu, điện ảnh, âm nhạc, mỹ thuật, hội hoạ, kiến trúc, nhiếp ảnh, văn hóa dân gian, múa... tổ chức lựa chọn tác phẩm có chất lượng cao nhất để giới thiệu vào dịp Đại lễ kỷ niệm.

Khuyến khích sưu tầm phục hồi các Lễ hội dân gian truyền thống mang tính tiêu biểu của địa phương gắn với truyền thống lịch sử Thăng Long - Hà Nội.

3. Tổ chức thực hiện tốt cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng: đời sống văn hóa, các phong trào, các cuộc vận động của địa phương, đơn vị, gắn với xây dựng người Hà Nội thanh lịch - văn minh.

Phát động phong trào thực hiện có hiệu quả cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá".

Xây dựng nếp sống, hành vi ứng xử văn hóa trong gia đình, tại cộng đồng dân cư (thôn xóm, tổ dân phố...), trong các cơ quan, doanh nghiệp, các đơn vị, trường học, bệnh viện... gắn với phong trào xây dựng Gia đình văn hóa, Tổ dân phố văn hoá, Làng văn hoá, khu dân cư văn hóa, Cơ quan, Đơn vị văn hoá.

Phát động các đợt thi đua lao động sáng tạo và xây dựng đời sống văn hoá, thanh lịch, văn minh tại các Bộ, Ban, ngành, đoàn thể và các địa phương trong cả nước.

Vận động nhân dân và các tổ chức đóng góp công sức tu bổ tôn tạo các di tích lịch sử, văn hoá, các công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Các đoàn thể chính trị, các tổ chức xã hội của địa phương, đơn vị xây dựng chương trình hoạt động hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, chú ý nội dung nhân văn và văn hoá truyền thống.

4. Triển khai các dự án, công trình xây dựng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Triển khai các dự án, công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội tại địa phương: Dự án tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, các công trình văn hóa xã hội, các dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị và kinh tế.

Phối hợp với thành phố Hà Nội và các đơn vị liên quan triển khai các dự án, công trình văn hóa xã hội, các dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị trên địa bàn Thủ đô Hà Nội. Các tỉnh, thành phố ủng hộ hoặc đóng góp kinh phí cho một số công trình văn hoá xã hội tiêu biểu của Hà Nội  kỷ niệm 1000 năm Thăng Long; những tập đoàn kinh tế lớn, những tổng công ty mạnh trong cả nước tham gia đầu tư xây dựng các công trình văn hoá, xã hội và phúc lợi công cộng của Hà Nội trong các công trình tiêu biểu kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.

5. Tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Tại các Trung tâm tỉnh và thành phố trong cả nước xây dựng chương trình Lễ hội truyền thống và văn hoá nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, tổ chức vào thời điểm Đại lễ kỷ niệm.

Tổ chức giới thiệu các giá trị nghệ thuật tiêu biểu của địa phương, đơn vị các làng nghề, sản phẩm của làng nghề thủ công truyền thống vào dịp Đại lễ kỷ niệm.

Trưng bày giới thiệu tư liệu, di vật, cổ vật liên quan đến quá trình hình thành phát triển của các vùng đất địa phương của tỉnh, thành phố: Phú Thọ, Bắc Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Huế, Bình Định, thành phố Hồ Chí Minh...

Trưng bày, giới thiệu các tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh tiêu biểu của các tác giả phản ánh nét đẹp về thiên nhiên, con người, các giá trị di sản văn hóa, thành tựu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, đơn vị và lựa chọn tác phẩm tiêu biểu tham gia Triển lãm mỹ thuật toàn quốc vào năm 2010 tổ chức tại Hà Nội.

Tổ chức giao lưu nghệ thuật quần chúng và nghệ thuật chuyên nghiệp giữa các địa phương, đơn vị và các vùng miền trong cả nước.

Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến du lịch, quảng bá hình ảnh của Thủ đô Hà Nội, của địa phương, đơn vị, xây dựng các tua, các tuyến du lịch có chủ đề gắn với 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Trực tiếp tham gia một số hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long và Đại lễ kỷ niệm tại Thủ đô Hà Nội theo sự phân công của Ban tổ chức quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.

Tham gia Liên hoan Du lịch quốc tế đến với lịch sử văn hoá Thăng Long Hà Nội ngàn năm do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.

Tham gia hội chợ thương mại Thủ đô các nước ASEAN chào mừng Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến; tổ chức triển lãm lớn có tên gọi "Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội" (tranh, tượng, ảnh, thư tịch cổ...) khái quát toàn cảnh bức tranh lịch sử từ lúc khai sáng, quá trình đấu tranh, tồn tại và không ngừng phát triển của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm.

Tham gia Lễ hội làng nghề - phố nghề Thăng Long - Hà Nội và vùng phụ cận; tổ chức Triển lãm mỹ thuật Thủ đô và ảnh nghệ thuật Thủ đô chào mừng Thăng Long - Hà Nội ngàn năm.

D. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Ngân sách trung ương: cấp cho các Bộ, ngành, đoàn thể, các tỉnh, thành phố chỉ thực hiện các hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội do Ban Chỉ đạo Quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long trực tiếp chỉ đạo giao nhiệm vụ.

2. Ngân sách địa phương: các tỉnh, thành phố bố trí thực hiện các nhiệm vụ của địa phương tham gia các hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội ngoài nguồn ngân sách do trung ương cấp.

3. Nguồn kinh phí xã hội hóa: huy động các nguồn lực xã hội, bạn bè quốc tế tham gia các hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Đ. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội:

Là đơn vị thường trực giúp Ban Chỉ đạo Quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long triển khai thực hiện toàn diện các hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và Đại lễ kỷ niệm tại Thủ đô Hà Nội và phạm vi cả nước. Là đầu mối liên hệ với các cơ quan liên quan của Trung ương và các tỉnh, thành phố tiếp nhận thông tin, phối hợp với Văn phòng Chính phủ đề xuất giải quyết các nhiệm vụ được phân công đảm bảo kịp thời, hiệu quả; đáp ứng các nhiệm vụ do Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long giao.

Phối hợp với các Bộ, Ban, ngành, đoàn thể trung ương, các tỉnh, thành phố tổ chức triển khai các hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và Đại lễ kỷ niệm; đôn đốc, tổng hợp tình hình thực hiện đúng thời gian, tiến độ và chất lượng các nhiệm vụ được giao.

Tập trung quyết liệt chỉ đạo hoàn thành các công trình trọng điểm để chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long; bảo tồn, tôn tạo một số di tích tiêu biểu; xây dựng và tôn tạo các công viên, khu vui chơi giải trí, du lịch; xây dựng Thủ đô Hà Nội xanh - sạch - đẹp, văn minh - thanh lịch và giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử 1000 năm Thăng Long, phát động các phong trào thi đua bằng những hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; phối hợp, giúp đỡ và hỗ trợ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương những công trình, hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; phối hợp với các đơn vị liên quan trong nước và quốc tế hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là di sản văn hóa thế giới; kêu gọi, vận động xã hội hóa các công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; tổ chức thành công Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội vào năm 2010.

2. Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Thừa Thiên Huế, Bắc Ninh, Ninh Bình, Phú Thọ:

Xây dựng kế hoạch cụ thể các hoạt động hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, xây dựng một chương trình Lễ hội truyền thống và văn hóa nghệ thuật tham gia hưởng ứng với Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội tại địa phương.

Xây dựng một số công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội tại địa phương, tập trung chỉ đạo, ưu tiên nguồn kinh phí đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ trước Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; phối hợp, hỗ trợ cho một số công trình kỷ niệm tại Thủ đô Hà Nội.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức tự giác, lòng tự hào và trách nhiệm của người dân đối với đất nước và Thủ đô Hà Nội trong các hoạt động hướng về kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.

Tổ chức các phong trào thi đua lao động sáng tạo; động viên, cổ vũ sáng tạo các tác phẩm văn học nghệ thuật về Thủ đô Hà Nội; vận động xây dựng đời sống văn hóa, văn minh, thanh lịch tại địa phương.

3. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

Xây dựng kế hoạch các hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội phù hợp với điều kiện, kinh tế - xã hội của địa phương.

Phát động phong trào thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử của địa phương và Thủ đô Hà Nội; tham gia đóng góp vào Đại lễ kỷ niệm tại Thủ đô Hà Nội theo sự phân công của Ban Chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.

4. Đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương:

Chỉ đạo xây dựng kế hoạch tuyên truyền, quảng bá các hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Phê duyệt nội dung chính trị tư tưởng các hoạt động văn hóa nghệ thuật kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và các ngày lễ lớn trong năm 2010.

5. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

Chủ trì, phối hợp với Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Chỉ đạo năm du lịch quốc tế, tu bổ tôn tạo các công trình di tích lịch sử - văn hóa, các hoạt động văn hóa nghệ thuật và tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Phối hợp cùng thành phố Hà Nội chuẩn bị các điều kiện để UNESCO công nhận Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là di sản văn hóa thế giới; phối hợp với Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội và Uỷ ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam phát động phong trào sáng tác các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật phục vụ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. 

Đôn đốc, phối hợp và hỗ trợ các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch kỷ niệm tại địa phương; tham mưu, đề xuất và chủ trì đề án xây dựng các công trình nghệ thuật, kiến trúc lịch sử phát huy giá trị lịch sử 1000 năm Thăng Long và thời đại Hồ Chí Minh, tham gia các hoạt động văn hóa nghệ thuật; Chương trình Đại lễ kỷ niệm vào tháng 10 năm 2010 của các tỉnh, thành phố trong cả nước.

6. Bộ Giao thông vận tải:

Tập trung chỉ đạo các dự án, công trình hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội, đảm bảo hoàn thành trước Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; hoàn chỉnh dự án cầu Thanh Trì, Nhật Tân; đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch - Pháp Vân, đường Láng - Hòa Lạc, nâng cấp quốc lộ 32 đoạn Diễn - Nhổn, đoạn quốc lộ 32 - Nam Thăng Long - Diễn; đường sắt đô thị Hà Nội để kịp khởi công vào năm 2009; chủ động phối hợp chặt chẽ với thành phố Hà Nội tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi triển khai các dự án, công trình trên địa bàn thành phố, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng.

7. Bộ Xây dựng:

Hoàn thành công tác điều chỉnh quy hoạch Trung tâm chính trị Ba Đình (phía Đông mở đến đường Nguyễn Tri Phương); hoàn thiện phương án kiến trúc Nhà Quốc hội để thành phố Hà Nội bàn giao Khu di tích khảo cổ học tại 18 Hoàng Diệu để Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội quản lý trong năm 2008; chủ trì, phối hợp với Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội mở rộng.

8. Bộ Quốc phòng:

Bàn giao phần diện tích còn lại tại Thành cổ Hà Nội (phía Tây đường Nguyễn Tri Phương) do Bộ đang quản lý cho thành phố Hà Nội trong quý II năm 2009; phối hợp với thành phố Hà Nội thống nhất vùng đệm của di tích Hoàng thành Thăng Long phục vụ công tác hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là di sản văn hóa thế giới, khẩn trương lập dự án xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quân sự Quốc gia.

9. Bộ Thông tin và Truyền thông:

Chủ trì, phối hợp với Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức công tác tuyên truyền, quảng bá các hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội trên các phương tiện thông tin đại chúng; có kế hoạch tổ chức cuộc thi tìm hiểu lịch sử - văn hóa Thăng Long - Hà Nội trong cả nước.

10. Bộ Ngoại giao:

Chỉ đạo công tác lễ tân đối ngoại và phối hợp tuyên truyền, quảng bá các hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội với bạn bè quốc tế. Chỉ đạo, hướng dẫn các Đại sứ quán Việt Nam tại các nước có quan hệ hữu nghị với ta để tuyên truyền, quảng bá và mời tham gia các hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội trong việc vận động UNESCO công nhận khu Trung tâm hoàng thành Thăng Long là di sản văn hóa thế giới.

11. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính:

Bố trí kinh phí và hướng dẫn kịp thời triển khai các hoạt động, các dự án, công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng.

Giúp các Bộ, ngành, Hà Nội và các tỉnh, thành phố liên quan giải quyết những khó khăn vượt thẩm quyền hoặc mang tính liên ngành nảy sinh trong quá trình thực hiện kế hoạch kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.

Đề xuất với Thủ tướng Chính phủ các cơ chế, chính sách cần thiết trong quá trình triển khai các hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long nhằm thực hiện tốt mục tiêu đã đề ra.

12. Các Bộ, ngành Trung ương:

Tổ chức phong trào thi đua lao động sáng tạo, xây dựng đời sống văn hóa văn minh, thanh lịch tại đơn vị; phối hợp, giúp đỡ thành phố Hà Nội trong việc thực hiện các hoạt động hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long; chủ động, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc liên quan đến lĩnh vực quản lý của đơn vị đối với các dự án, công trình phục vụ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long; phấn đấu hoàn thành các dự án, công trình phục vụ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội trên địa bàn thành phố Hà Nội trước Đại lễ kỷ niệm năm 2010; thực hiện các công việc liên quan Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội theo chỉ đạo của Chính phủ và phân công của Ban Chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.

13. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội:

Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và Đại lễ kỷ niệm.

Tuyên truyền vận động các đoàn thể chính trị, xã hội, quần chúng nhân dân trong cả nước tham gia các hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đẩy mạnh cuộc vận động "Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa" và các phong trào của các đoàn thể, các địa phương, đơn vị, lập thành tích kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

14. Các tổng công ty, các tập đoàn kinh tế tham gia các hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, đặc biệt tham gia đầu tư xây dựng các công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long trên địa bàn thành phố Hà Nội.

15. Trong quá trình thực hiện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội, các Bộ, ngành, đoàn thể, các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương tích cực chủ động, khẩn trương tổ chức triển khai các nội dung công việc liên quan đến kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; quản lý, sử dụng đúng mục đích, thiết thực và có hiệu quả các nguồn vốn phục vụ các dự án, công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1470/QĐ-TTg năm 2008 về việc phê duyệt Đề cương các hoạt động tiến tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và đại lễ kỷ niệm do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 1470/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 10/10/2008
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Sinh Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản