Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1468/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 29 tháng 09 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT “ĐỀ ÁN XỬ LÝ CÁC TỒN TẠI, YẾU KÉM CỦA MỘT SỐ DỰ ÁN, DOANH NGHIỆP CHẬM TIẾN ĐỘ, KÉM HIỆU QUẢ THUỘC NGÀNH CÔNG THƯƠNG”

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 33/2016/QH14 ngày 23 tháng 11 năm 2016 của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rà soát, đánh giá tổng thể về thực trạng, mức độ thiệt hại, khẩn trương xử lý dứt điểm đối với các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả trong ngành Công Thương;

Căn cứ Quyết định số 2551/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo của Chính phủ xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công Thương;

Căn cứ Thông báo số 43-TB/VPTW ngày 19 tháng 6 năm 2017 của Văn phòng Trung ương Đảng về ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị đối với việc xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương;

Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ xử lý các tồn tại yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương tại công văn số 2957/VPCP-KTTH ngày 25 tháng 9 năm 2017 của Văn phòng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Công Thương - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ ký Quyết định phê duyệt Đề án;

Xét đề nghị của Bộ Công Thương tại Tờ trình Thủ tướng Chính phủ số 748/TTr-BCT ngày 31 tháng 8 năm 2017 về việc xem xét thông qua “Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương”,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương” (sau đây gọi tắt là Đề án), với các nội dung chính sau:

1. Quan điểm

a) Kiên quyết xử lý các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả theo nguyên tắc và cơ chế thị trường; tôn trọng nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp; Nhà nước kiên quyết không cấp thêm vốn vào các dự án, doanh nghiệp.

b) Căn cứ kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, và báo cáo kiểm tra pháp lý, kiên quyết xử lý sớm, dứt điểm các tranh chấp, bất cập phát sinh giữa chủ đầu tư và các nhà thầu, đặc biệt là các nhà thầu EPC; tái cơ cấu các dự án, doanh nghiệp theo hướng ưu tiên các phương án bán, thoái vốn cho các nhà đầu tư ngoài nhà nước, đồng thời kiên quyết thực hiện cho phá sản, giải thể theo quy định của pháp luật đối với các dự án, doanh nghiệp không có khả năng khắc phục, thu hồi tối đa tài sản của Nhà nước, hạn chế thấp nhất thất thoát và những tác động tiêu cực đối với ngân sách Nhà nước và với nền kinh tế nói chung.

c) Bảo đảm thực hiện các phương án xử lý theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch; tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong quá trình thực hiện các chủ trương, giải pháp xử lý các dự án, doanh nghiệp; quan tâm toàn diện bảo đảm lợi ích cao nhất của Nhà nước, quyền của người lao động, an sinh - xã hội, an ninh - quốc phòng, môi trường và ổn định xã hội; hết sức lưu ý đối với khâu định giá tài sản, nhất là giá trị quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.

d) Tiến hành thanh tra, kiểm toán, điều tra làm rõ những sai phạm, vi phạm pháp luật ở từng dự án, doanh nghiệp; làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức liên quan; xử lý nghiêm minh và sớm hoàn tất các thủ tục tố tụng theo quy định của pháp luật; không để tái diễn những yếu kém, khuyết điểm trong quá trình quản lý điều hành đối với doanh nghiệp nhà nước như thời gian qua.

2. Mục tiêu

a) Sớm giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc để chấm dứt tình trạng thua lỗ, khắc phục tối đa thiệt hại cho nhà nước. Trong đó:

- Trong năm 2017: Hoàn thành phương án xử lý đối với từng dự án, doanh nghiệp và kế hoạch chi tiết tổ chức triển khai thực hiện.

- Đến hết năm 2018: Phấn đấu xử lý căn bản các tồn tại, yếu kém đối với các dự án, doanh nghiệp.

- Đến năm 2020: Hoàn thành việc xử lý các tồn tại, yếu kém ở các dự án, doanh nghiệp.

b) Xác định rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quá trình đầu tư, quản lý, vận hành, khai thác từng dự án, doanh nghiệp.

3. Các giải pháp chung

a) Giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc tranh chấp với nhà thầu tại các hợp đồng EPC và vướng mắc trong hợp đồng liên doanh với đối tác.

b) Xử lý các vấn đề về cơ chế, chính sách chung để tạo điều kiện về phát triển thị trường một số sản phẩm công nghiệp, trong đó có sản phẩm của các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương. Cụ thể: tiếp tục tập trung vào các giải pháp chung về đẩy mạnh phát triển thị trường các sản phẩm nhiên liệu sinh học, phân bón, thép, đóng tàu; các giải pháp về áp dụng các biện pháp tự vệ để bảo vệ các sản phẩm sản xuất trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia cũng như trên cơ sở xem xét, đánh giá toàn diện các vấn đề về sản xuất, tiêu thụ và quyền lợi của các đối tượng có liên quan trong các lĩnh vực phân bón, thép, xơ sợi...

c) Thực hiện các giải pháp tài chính, tín dụng theo nguyên tắc thị trường, cùng chia sẻ rủi ro giữa ngân hàng, nhà đầu tư và doanh nghiệp trên cơ sở quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch. Tiến hành xem xét, rà soát và điều chỉnh một số Luật thuế nhằm tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp và môi trường thuận lợi cho phát triển các ngành hàng, sản phẩm công nghiệp trong nước; xem xét việc tái cơ cấu các khoản nợ liên quan đến các dự án, doanh nghiệp để tạo điều kiện cho các dự án tiếp tục được vay vốn tại các ngân hàng thương mại, phục vụ sản xuất kinh doanh ổn định.

d) Tập trung thực hiện quyết liệt các biện pháp về quản trị doanh nghiệp, sắp xếp và tổ chức lại sản xuất, lao động để tiết giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và đầu tư.

đ) Giám sát chặt chẽ vấn đề vệ sinh môi trường, kể cả chất thải rắn, chất thải khí, nước thải để đảm bảo an toàn cho khu vực xung quanh nhà máy.

e) Tiến hành thanh tra, kiểm toán, điều tra để làm rõ những sai phạm, vi phạm pháp luật ở từng dự án, doanh nghiệp; làm rõ trách nhiệm từng tổ chức, cá nhân liên quan; xử lý nghiêm minh và sớm hoàn tất các thủ tục tố tụng theo quy định của pháp luật.

4. Phương án xử lý đối với từng dự án, doanh nghiệp

a) Đối với nhóm 4 dự án nhà máy sản xuất phân bón, gồm: Dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình; Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc; Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng; Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai:

Tập trung xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để tiếp tục triển khai, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của Dự án. Sau khi đã hoạt động có hiệu quả sẽ thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước khỏi doanh nghiệp.

b) Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi:

Ưu tiên chọn Phương án: Khởi động, vận hành lại Nhà máy trước khi các đơn vị của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chuyển nhượng hoặc thoái vốn khỏi Dự án.

c) Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ:

Ưu tiên chọn Phương án: Tổng công ty dầu Việt Nam chuyển nhượng/thoái vốn khỏi Dự án; Trong trường hợp Phương án này thực hiện không thành công sẽ xem xét cân nhắc lựa chọn các phương án còn lại, gồm: (1) Tiếp tục triển khai Dự án với nhà thầu là Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam; (2) Tiếp tục triển khai Dự án, thanh lý hợp đồng với nhà thầu là Tổng Công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam để tìm nhà thầu khác; và (3) Dừng triển khai Dự án, phá sản Công ty.

d) Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước:

Ưu tiên chọn Phương án: Khởi động, vận hành lại nhà máy trước khi Tổng công ty dầu Việt Nam chuyển nhượng vốn/thoái vốn khỏi Dự án. Trong trường hợp Phương án này thực hiện không thành công sẽ xem xét cân nhắc lựa chọn phương án: Cho thuê tài chính - Bán tài sản.

đ) Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên:

Ưu tiên chọn Phương án: Thoái vốn nhà nước và tái cơ cấu lại Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên. Trong trường hợp Phương án này thực hiện không thành công sẽ xem xét cân nhắc lựa chọn các phương án: (1) Bán Dự án hoặc (2) Kêu gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư góp vốn đầu tư Dự án.

e) Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và Dự án nhà máy gang thép Lào Cai:

Tập trung xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để tiếp tục triển khai, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của Dự án.

g) Công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS):

Ưu tiên chọn Phương án: Chuyển đổi sở hữu DQS thông qua định giá, bán đấu giá tài sản, công nợ. Trong trường hợp Phương án này thực hiện không thành công sẽ chuyển sang triển khai Phương án: Phá sản DQS theo quy định của pháp luật.

h) Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ (PVTex):

Ưu tiên chọn Phương án: Khởi động, vận hành lại nhà máy, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn hoặc Phương án: PVTex chuyển nhượng Công ty. Trong trường hợp cả 2 phương án triển khai không thành công thì sẽ xem xét Phương án: Phá sản Công ty theo quy định của pháp luật.

i) Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam:

Khẩn trương tháo gỡ các khó khăn vướng mắc để tiếp tục triển khai tổ chức bán đấu giá thành công đối với toàn bộ tài sản và hàng hóa tồn kho của Dự án; đồng thời, Tổng công ty Giấy Việt Nam tiếp tục tập trung thu hồi các khoản nợ phải thu của Dự án; lập báo cáo tình hình thực hiện các khoản nợ phải thu, phải trả của Dự án đến thời điểm 31 tháng 12 năm 2016.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, các thành viên Ban Chỉ đạo của Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng thành viên và Tổng giám đốc các Tập đoàn: Dầu khí Việt Nam, Hóa chất Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc các Tổng công ty: Thép Việt Nam, Giấy Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Văn phòng Chính phủ: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, Đơn vị trực thuộc;
- Lưu: VT, KTTH (3b).

TUQ. THỦ TƯỚNG
BỘ TRƯỞNG, BỘ CÔNG THƯƠNG




Trần Tuấn Anh
Phó Trưởng Ban thường trực
Ban Chỉ đạo

 

ĐỀ ÁN

XỬ LÝ CÁC TỒN TẠI, YẾU KÉM CỦA MỘT SỐ DỰ ÁN, DOANH NGHIỆP CHẬM TIẾN ĐỘ, KÉM HIỆU QUẢ THUỘC NGÀNH CÔNG THƯƠNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1468/QĐ-TTg ngày 29 tháng 9 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ)

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ VÀ BỐI CẢNH THỰC HIỆN

1. Ngày 23 tháng 11 năm 2016, Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 33/2016/QH14 về chất vấn và trả lời chất vấn, trong đó giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rà soát, đánh giá tổng thể về thực trạng, mức độ thiệt hại, khẩn trương xử lý dứt điểm đối với các dự án thua lỗ, kém hiệu quả trong ngành Công Thương. Để triển khai chỉ đạo của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2551/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2016 thành lập Ban Chỉ đạo của Chính phủ xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công Thương và giao Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ làm Trưởng Ban Chỉ đạo.

Không chỉ dừng lại ở 5 dự án bước đầu được báo cáo với Quốc hội tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV (gồm các dự án: Dự án nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ (PVTex); Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam; Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên (TISCO); Dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi; và Dự án nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình), Ban Chỉ đạo đã xác định 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương để xem xét, đánh giá (gồm 5 dự án nêu trên và bổ sung 7 dự án, doanh nghiệp là: Dự án cải tạo, mở rộng nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc; Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai; Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng; Dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ; Dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước; Công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS); Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và Dự án nhà máy gang thép Lào Cai (VTM)). Đây đều là các dự án đầu tư có quy mô lớn thuộc nhóm A, có ý nghĩa và tác động quan trọng tới sự phát triển các ngành công nghiệp chủ yếu của đất nước, là bước cụ thể hóa triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng IX, X và các chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp hóa chất, năng lượng, thép, đóng tàu và giấy. Tuy nhiên, những khuyết điểm, sai sót, thậm chí sai phạm trong quá trình đầu tư, xây dựng, vận hành và khai thác đã làm cho các dự án, doanh nghiệp rơi vào tình trạng dở dang hoặc hoạt động thua lỗ, kém hiệu quả, phải điều chỉnh tổng mức đầu tư lên cao so với dự toán ban đầu; hầu hết các gói thầu EPC của dự án, doanh nghiệp đều có phát sinh tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu và chưa được xử lý triệt để; khi đi vào vận hành sản xuất đều gặp khó khăn về tài chính, nhân sự và thị trường.

2. Để triển khai đánh giá tình hình và xây dựng phương án xử lý, Ban Chỉ đạo của Chính phủ (sau đây gọi là Ban Chỉ đạo) đã trực tiếp làm việc tại 9/12 dự án, doanh nghiệp để xem xét các vấn đề và có các chỉ đạo xử lý cụ thể đối với từng dự án (3 dự án không tới làm việc trực tiếp là: Dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ đang xây dựng dở dang; Dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước là dự án liên doanh với nước ngoài và Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam đã rõ phương án xử lý); giao Bộ Công Thương chủ trì xây dựng “Báo cáo về tình hình và phương án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương” và tổ chức các phiên họp Ban Chỉ đạo để thống nhất các phương án xử lý đối với 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công Thương để trình Thường trực Chính phủ và Bộ Chính trị. Ngày 26 tháng 5 năm 2017, sau khi được sự đồng ý của Thường trực Chính phủ, Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương đã hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Chính trị tại Tờ trình số 01-TTr/BCSĐ về việc xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương.

3. Ngày 17 tháng 6 năm 2017, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã họp dưới sự chủ trì của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để xem xét và cho ý kiến chỉ đạo về việc xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương và đã có Thông báo số 43-TB/VPTW ngày 19 tháng 6 năm 2017 của Văn phòng Trung ương Đảng về ý kiến của Bộ Chính trị đối với việc xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương.

Thực hiện ý kiến của Bộ Chính trị và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ “Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương” (Tờ trình số 749/TTr-BCT ngày 31 tháng 8 năm 2017). Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo Chính phủ Vương Đình Huệ đã xem xét, giao Bộ trưởng Bộ Công Thương - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban Chỉ đạo Chính phủ ký Quyết định phê duyệt Đề án sau khi hoàn thiện, tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng (tại công văn số 2957/VPCP-KTTH ngày 25 tháng 9 năm 2017 của Văn phòng Chính phủ).

II. THỰC TRẠNG VỀ CÁC DỰ ÁN, DOANH NGHIỆP CHẬM TIẾN ĐỘ, KÉM HIỆU QUẢ THUỘC NGÀNH CÔNG THƯƠNG

1. Tình hình chung

Trong 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công Thương, tại thời điểm xem xét xử lý, có 06 dự án, nhà máy đang được vận hành sản xuất, kinh doanh nhưng bị thua lỗ (gồm 04 dự án sản xuất phân bón; Công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Dung Quất - DQS và Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và Dự án nhà máy gang thép Lào Cai - VTM); 03 dự án đang bị dừng thi công do chi phí tăng cao và thiếu vốn (Dự án sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ; Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên; Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam); 03 dự án, nhà máy đang bị dừng sản xuất do giá thành cao, thua lỗ lớn (Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất; Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước; Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ).

Tổng mức đầu tư ban đầu của 12 dự án trên là: 43.673,63 tỷ đồng, sau đó được phê duyệt điều chỉnh tăng lên: 63.610,96 tỷ đồng (tăng 45,65%). Trong đó: Vốn chủ sở hữu là: 14.350,04 tỷ đồng, chiếm 22,56%; vốn vay là: 47.451,24 tỷ đồng, chiếm 74,6%; còn lại 2,84% là từ các nguồn khác. Trong tổng số vốn vay: Vốn vay các ngân hàng trong nước: 41.801,24 tỷ đồng, trong đó vay Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) là: 16.858,63 tỷ đồng và vay nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ là: 6.617,24 tỷ đồng.

Tổng số lỗ lũy kế của 10 nhà máy đang sản xuất hoặc đã dừng sản xuất tới thời điểm 31 tháng 12 năm 2016 là: 16.126,02 tỷ đồng, tổng số vốn chủ sở hữu của các nhà máy này còn lại là: 3.985,14 tỷ đồng; Tổng tài sản của 12 nhà máy là: 57.679,02 tỷ đồng; Tổng nợ phải trả là: 55.063,38 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả VDB là: 10.633,43 tỷ đồng và nợ phải trả nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ là: 4.299,83 tỷ đồng.

Tổng số vốn đã giải ngân của 03 dự án dở dang, đang bị dừng thi công là 8.614 tỷ đồng, trên tổng nguồn thanh toán dự kiến là 13.066 tỷ đồng.

Chi tiết tại các dự án, doanh nghiệp như sau:

a) Nhóm 04 dự án đầu tư sản xuất phân bón:

Các dự án đầu tư sản xuất phân bón được ra đời trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ IX, X và “Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến 2010, có tính đến năm 2020” theo Quyết định số 343/2005/QĐ-TTg ngày 26 tháng 12 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ nhằm mục tiêu phát triển những sản phẩm phân bón quan trọng của nền kinh tế và kịp thời bổ sung lượng thiếu hụt phân bón trong nước do nhu cầu sử dụng đang ngày càng cao, đặc biệt là DAP và Urê.

Trong số 04 dự án đầu tư, có 03 dự án đầu tư mới là Dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình; Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng; Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai; và 01 Dự án cải tạo, mở rộng nâng công suất là Dự án cải tạo, mở rộng nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc. Hai dự án sản xuất phân bón DAP có tổng công suất là 660 nghìn tấn/năm với công nghệ của Hoa Kỳ, Bỉ và Tây Ban Nha. Hai dự án sản xuất ure có tổng công suất là 880 nghìn tấn ure/năm với công nghệ của Hoa Kỳ.

Chủ đầu tư của cả 04 dự án là Tập đoàn hóa chất Việt Nam (Vinachem) và các công ty là đơn vị thành viên của Tập đoàn, trong đó Vinachem là cổ đông chính với số vốn góp từ 59,5% đến 97,66%. Tổng mức đầu tư ban đầu của các dự án là 19.470,8 tỷ đồng, sau đó được phê duyệt điều chỉnh tăng lên 28.861,95 tỷ đồng (tăng 48,2%). Trong đó, vốn chủ sở hữu là 5.329 tỷ đồng, vốn vay là 23.484,95 tỷ đồng (vay của VDB là 12.625,35 tỷ đồng).

Các dự án được khởi công trong khoảng thời gian từ 2008 đến 2011, ngoại trừ Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng được khởi công từ năm 2003. Thời gian thực hiện các dự án bị kéo dài và tiến độ thực hiện bị chậm từ 11 tháng đến 36 tháng, riêng dự án Nhà máy DAP số 2 - Lào Cai đã thực hiện đúng tiến độ so với kế hoạch.

Ngoại trừ Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng đã hoàn thành quyết toán, mặc dù bị chậm so với thời gian quy định, các dự án còn lại vẫn chưa hoàn thành quyết toán do phát sinh vướng mắc, tranh chấp với nhà thầu thực hiện gói thầu chính EPC. Tính đến thời điểm 31 tháng 12 năm 2016, cả 04 dự án đều gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và lâm vào tình trạng thua lỗ do giá thành sản phẩm không đủ bù đắp chi phí sản xuất. Tổng số lỗ lũy kế của 04 dự án là: 6.416,3 tỷ đồng, tổng số vốn chủ sở hữu của các nhà máy này còn lại là: 1.500,72 tỷ đồng; Tổng tài sản của các nhà máy là: 26.792,68 tỷ đồng; Tổng nợ phải trả là: 25.292,46 tỷ đồng (trong đó nợ VDB là: 8.945,77 tỷ đồng). Chi tiết như sau:

- Dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình: vốn chủ sở hữu là - 987,84 tỷ đồng; tổng nợ phải trả của nhà máy là 11.063 tỷ đồng; tổng lỗ lũy kế là 3.217 tỷ đồng.

- Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc: vốn chủ sở hữu là 1.006,03 tỷ đồng; nợ phải trả của Nhà máy là 8.776 tỷ đồng; tổng lỗ lũy kế 1.716 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước là 130 tỷ đồng.

- Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng: luôn có lãi trong giai đoạn từ 2010 - 2015. Tính đến 31 tháng 12 năm 2015, lãi lũy kế đạt khoảng 747 tỷ đồng; nộp ngân sách 244,98 tỷ đồng. Tuy nhiên, sang năm 2016, sản xuất kinh doanh của nhà máy gặp nhiều khó khăn đã dẫn đến phát sinh khoản lỗ là 420 tỷ đồng.

- Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai: vốn chủ sở hữu còn lại là 483,19 tỷ đồng; tổng lỗ lũy kế là 1.013,17 tỷ đồng, tổng số nợ phải trả là 4.287 tỷ đồng.

b) Nhóm 03 dự án đầu tư sản xuất nhiên liệu sinh học (NLSH):

Các dự án đầu tư sản xuất NLSH được triển khai nhằm thực hiện “Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến 2025” được phê duyệt tại Quyết định số 177/2007/QĐ-TTg ngày 20 tháng 11 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu phát triển NLSH để thay thế một phần năng lượng truyền thống góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và bảo vệ môi trường.

Cả 03 dự án đầu tư sản xuất NLSH đều là dự án đầu tư xây mới, gồm: Dự án Nhà máy sản xuất NLSH Quảng Ngãi; Dự án Nhà máy sản xuất NLSH Phú Thọ và Dự án Nhà máy sản xuất NLSH Bình Phước. Ngoại trừ Dự án Nhà máy NLSH Quảng Ngãi có 100% vốn góp của các cổ đông là công ty thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), còn lại 02 dự án là Dự án Nhà máy NLSH Phú Thọ và Dự án nhà máy NLSH Bình Phước có vốn góp của Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) tương ứng là 29% và 39,76%.

Tổng mức đầu tư ban đầu của các dự án là: 4.303,1 tỷ đồng, sau đó được điều chỉnh tăng lên 6.020,03 tỷ đồng (tăng 40%). Trong đó, vốn chủ sở hữu là: 2.422,5 tỷ đồng, vốn vay là: 2.597,45 tỷ đồng. Công suất của 03 dự án Nhà máy đều là 100 triệu lít ethanol/năm (tương đương với 80 nghìn tấn/năm) với công nghệ, thiết bị sản xuất bản quyền của Hoa Kỳ, Thụy Sỹ, Đức và Ấn Độ.

Các dự án được khởi công trong khoảng thời gian từ 2009 - 2010. Đến nay, có 02 dự án đã hoàn thành đưa vào vận hành sản xuất, trong đó Dự án Nhà, máy nhà máy NLSH Quảng Ngãi chậm tiến độ 30 tháng. Riêng Dự án Nhà máy sản xuất NLSH Phú Thọ vẫn đang xây dựng dở dang chưa hoàn thành (mới chỉ đạt 78% khối lượng công việc) và đã tạm dừng thi công do phát sinh vướng mắc, tranh chấp về chi phí phát sinh đối với gói thầu EPC giữa các Bên tham gia (PVOil không phải là cổ đông chính của Dự án nên không thể quyết định được toàn bộ các vấn đề của Dự án).

Đối với 02 dự án Nhà máy đã hoàn thành và đi vào vận hành sản xuất thương mại do gặp phải các khó khăn về thị trường đầu ra, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp, giá thành sản phẩm không đủ bù chi phí sản xuất đã dẫn đến thua lỗ và phải tạm dừng hoạt động (Nhà máy NLSH Bình Phước tạm dừng từ tháng 4 năm 2013 và Dự án Nhà máy NLSH Quảng Ngãi tạm dừng từ tháng 4 năm 2015). Trong quá trình vận hành sản xuất, công suất vận hành của các dự án chỉ đạt từ 20 - 30% so với công suất thiết kế.

Tính đến thời điểm 31 tháng 12 năm 2016, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh và tình hình tài chính các dự án như sau:

- Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi: Trong thời gian vận hành (khoảng 15 tháng), nhà máy đã sản xuất được 61.000m3 ethanol. Vốn chủ sở hữu là 511,8 tỷ đồng; Lỗ lũy kế là 620,69 tỷ đồng, tổng nợ phải trả 1.144,81 tỷ đồng. Số lỗ lũy kế thực tế có thể lên đến 1.080 tỷ đồng nếu tính đủ các yếu tố: Tính đúng khấu hao, lãi vay bị phạt, các chi phí chạy thử và chi phí lãi vay vượt dự toán.

- Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước: Trong thời gian vận hành, Nhà máy sản xuất được 16.200 m3 ethanol, chủ yếu cung cấp cho thị trường nội địa. vốn chủ sở hữu của Nhà máy là - 214,69 tỷ đồng; tổng số nợ gốc còn phải trả là 701,55 tỷ đồng và 35,81 triệu USD; tổng lỗ lũy kế là 858 tỷ đồng.

- Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ: Chủ đầu tư đã giải ngân 1.456 tỷ đồng, bao gồm 685/696 tỷ đồng vốn chủ sở hữu và 771/856 tỷ đồng vốn vay để triển khai Hợp đồng EPC và các hoạt động khác; tổng nợ phải trả là 826 tỷ đồng. Hạn mức vốn vay còn lại là 80,74 tỷ đồng. Tuy nhiên, thời hạn giải ngân đã hết từ ngày 31 tháng 12 năm 2013. Từ tháng 8 năm 2014 đến nay, Chủ đầu tư đã không còn khả năng chi trả lãi vay hàng tháng và khoản nợ gốc đợt 1.

c) Nhóm 02 dự án đầu tư sản xuất thép:

Các dự án đầu tư sản xuất thép được ra đời trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ X nhằm mục tiêu phát triển các sản phẩm quan trọng của nền kinh tế, trong đó có khai thác quặng và luyện thép, gồm: Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và Dự án nhà máy gang thép Lào Cai (VTM) và Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên (TISCO). Các dự án này đã được đưa vào “Quy hoạch phát triển ngành Thép Việt Nam giai đoạn 2007 - 2015, có xét đến năm 2025” được phê duyệt tại Quyết định số 145/2007/QĐ-TTg ngày 04 tháng 9 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ.

Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS) tham gia đầu tư các dự án dưới các hình thức: vốn góp cổ phần (42,1%) đối với Dự án TISCO và vốn góp liên doanh (46,86%) đối với Dự án VTM (Dự án có sự tham gia góp vốn của đối tác Trung Quốc là Công ty Khống Chế cổ phần Gang thép Côn Minh - KISC với số vốn góp 45%).

Tổng mức đầu tư ban đầu của 02 dự án là 6.661,75 tỷ đồng, và sau đó được điều chỉnh tăng lên 13.569 tỷ đồng (tăng 104%). Trong đó, vốn chủ sở hữu là: 4.160 tỷ đồng, vốn vay là 9.420 tỷ đồng (vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam là: 2.964 tỷ đồng). Sản phẩm chính của 02 dự án là quặng sắt và phôi thép. Công suất sản xuất của các Dự án là 500 nghìn tấn phôi thép/năm và 300 nghìn tấn quặng/năm đối với Dự án TISCO; 1,5 triệu tấn quặng/năm (giai đoạn 2007 - 2010) và 3 triệu tấn quặng/năm (giai đoạn 2011 - 2020) đối với Dự án VTM. Công nghệ của các Dự án là công nghệ lò cao với thiết bị có xuất xứ từ Trung Quốc.

Các dự án được khởi công trong khoảng thời gian từ 2007 đến 2011 và cho đến thời điểm hiện tại mặc dù đều chưa hoàn thiện hết các hạng mục đầu tư nhưng vẫn tổ chức được hoạt động sản xuất kinh doanh và có sản phẩm cung cấp cho thị trường. Đối với Dự án TISCO đã hoàn thành đưa vào sử dụng hạng mục công trình khai thác và nhà máy tuyển rửa mỏ sắt Tiến Bộ (tháng 7 năm 2014), nhưng vẫn còn hạng mục dây chuyền công nghệ luyện kim khu vực Lưu Xá đang trong tình trạng xây dựng dở dang do phát sinh các vướng mắc, tranh chấp chưa giải quyết với nhà thầu hợp đồng EPC là Tập đoàn luyện kim Trung Quốc (MCC) dẫn đến việc triển khai các gói thầu xây lắp trên hiện trường bị đình trệ.

Nguyên nhân chính làm đình trệ Dự án là do TISCO đã ký thỏa thuận tách phần xây dựng - phần C của gói thầu EPC để giao cho các nhà thầu phụ Việt Nam thực hiện và ký các phụ lục điều chỉnh hợp đồng EPC trong đó quy định: Áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn của Trung Quốc đối với việc xây dựng và lắp đặt các hạng mục của Dự án; MCC có thể yêu cầu thay đổi thiết bị gắn với điều chỉnh thiết kế do các sai sót của các nhà thầu phụ Việt Nam và không chịu trách nhiệm đối với tiến độ hoàn thành Dự án... làm cho TISCO bị động và yếu thế trong việc đàm phán thỏa thuận với MCC để giải quyết dứt điểm các tranh chấp.

Dự án VTM đã hoàn thành đưa vào sử dụng đối với hợp phần Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ Quý Xa và hợp phần Dự án Nhà máy gang thép Lào Cai, tuy nhiên vẫn chưa thể triển khai đầu tư dây chuyền cán thép do vướng mắc chính là quy định về cơ chế đồng thuận tuyệt đối trong các quyết định đầu tư ở hợp đồng và điều lệ ký kết giữa các bên trong liên doanh VTM, mặc dù phía Việt Nam góp vốn nhiều hơn so với Trung Quốc.

Tính đến thời điểm 31 tháng 12 năm 2016, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh và tình hình tài chính các Dự án như sau:

- Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên:

Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên bị đình trệ kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh của toàn bộ Nhà máy. Thời điểm 31 tháng 12 năm 2014, TISCO ghi nhận tổng lỗ lũy kế là 275 tỷ đồng. Tuy nhiên, với việc Công trình khai thác và nhà máy tuyển rửa quặng sắt mỏ Tiến Bộ đi vào hoạt động đã góp phần cải thiện hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhà máy, Công ty đã có lãi trở lại trong hai năm 2015 và 2016 và đã xóa hết lỗ lũy kế. Tính đến thời điểm 31 tháng 12 năm 2016, tổng số vốn đã giải ngân cho Dự án là 4.519 tỷ đồng; Chủ đầu tư Dự án đã trả nợ gốc cho ngân hàng là 241,1 tỷ đồng; tổng số nợ còn phải trả là 2.987,8 tỷ đồng (chưa kể các hợp đồng vay vốn bổ sung ký năm 2015 nhưng chưa giải ngân).

- Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và Dự án nhà máy gang thép Lào Cai:

+ Hợp phần Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa mới khai thác được 11,5 triệu tấn (thấp hơn nhiều so với công suất được cấp phép), trong đó có 5 triệu tấn khoáng vật deluvi chưa có công nghệ xử lý, hiện đang lưu giữ tại mỏ. Dự án ghi nhận lợi nhuận qua các năm với lợi nhuận lũy kế là 608 tỷ đồng (trong đó lợi nhuận trong giai đoạn từ 2014 - 2016 là 320 tỷ đồng);

+ Hợp phần Dự án nhà máy gang thép Lào Cai đã sản xuất 870 nghìn tấn phôi thép và tiêu thụ được 857 nghìn tấn với công suất vận hành của nhà máy năm 2016 đạt 85%. Từ khi đi vào hoạt động, Dự án liên tục ghi nhận lỗ với số lỗ lũy kế là 1.397 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm 31 tháng 12 năm 2016: tổng tài sản của cả 2 hợp phần Dự án là 7.376 tỷ đồng; tổng số nợ phải trả là 6.449 tỷ đồng; và tổng số lỗ lũy kế là 789 tỷ đồng (nếu tính từ năm 2014 thì lỗ lũy kế là 1.077 tỷ đồng).

d) Dự án Nhà máy đầu tư sản xuất sơ xợi polyester Đình Vũ:

Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ được ra đời trong bối cảnh thực hiện “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp Dệt may Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2020” được phê duyệt tại Quyết định số 36/2008/QĐ-TTg ngày 10 tháng 3 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ; “Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến 2010, có tính đến năm 2020” và “Quy hoạch phát triển ngành dầu khí Việt Nam” được phê duyệt tương ứng tại các Quyết định số 343/2005/QĐ-TTg ngày 26 tháng 12 năm 2005 và Quyết định 223/QĐ-TTg ngày 18 tháng 2 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ nhằm mục tiêu sử dụng các sản phẩm hóa dầu để sản xuất xơ sợi polyester cung cấp nguyên liệu cho ngành dệt may Việt Nam. Chủ đầu tư của Dự án là Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex). PVTex được thành lập ban đầu bởi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VINATEX) và một số đơn vị thành viên của PVN và VINATEX. Tuy nhiên tới thời điểm hiện nay, PVTex chỉ còn 2 cổ đông là PVN với tỷ lệ vốn góp chiếm 74% và Tổng Công ty phân bón và hóa chất dầu khí (PVFCCo) - một đơn thành viên của PVN có tỷ lệ vốn góp 26%, Tổng mức đầu tư ban đầu của Dự án là 324,8 triệu USD, trong đó vốn chủ sở hữu chiếm 30% và vốn vay chiếm 70%. Trong số vốn vay có 224,8 triệu USD (tương đương 5.028,44 tỷ đồng) do PVN bảo lãnh thông qua Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV làm đầu mối.

Dự án có công suất là 175.000 tấn xơ sợi/năm (khoảng 400 tấn xơ PSF/ngày và 100 tấn sợi DTY/ngày) với công nghệ, thiết bị bản quyền của Thụy Sỹ, Đức, EU và Hoa Kỳ, được khởi công tháng 7 năm 2009 và hoàn thành nghiệm thu sơ bộ vào tháng 8 năm 2013, chậm tiến độ 31 tháng. Đến tháng 9 năm 2015, Nhà máy phải dừng sản xuất sau một thời gian hoạt động do thua lỗ và không bố trí được vốn lưu động.

Trong thời gian nhà máy hoạt động (khoảng 12 tháng) đã sản xuất và tiêu thụ được 117.103 tấn sản phẩm (trong đó, bán cho VINATEX là 18.505 tấn chiếm 15,8% và một phần sản phẩm đã xuất khẩu sang thị trường Thổ Nhĩ Kỳ) bước đầu đã thiết lập được hệ thống tiêu thụ sản phẩm, chăm sóc khách hàng. Mặc dù vậy, Nhà máy liên tục bị lỗ trong quá trình hoạt động do giá thành sản phẩm cao hơn nhiều so với giá bán (thậm chí giá bán không đủ bù biến phí). Đến thời điểm hiện tại Dự án vẫn chưa hoàn thành quyết toán.

Tính đến hết 31 tháng 12 năm 2016, PVTex đã thanh toán gần 339 triệu USD so với tổng mức đầu tư được duyệt là 324,8 triệu USD; tổng số lỗ lũy kế là 3.459,7 tỷ đồng trên tổng vốn chủ sở hữu là 2.165,11 tỷ đồng; tổng nợ phải trả là 7.213,59 tỷ đồng.

đ) Công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Dung Quất:

Công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Dung Quất là doanh nghiệp Nhà nước thuộc Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin), được thành lập vào tháng 2 năm 2006 với vốn điều lệ là 3.758 tỷ đồng. Công ty được chuyển về PVN vào thời điểm 30 tháng 6 năm 2010.

Tại thời điểm được bàn giao về PVN, DQS là Công ty với 7 đơn vị thành viên và 1 đơn vị liên kết với 2.345 người lao động, 15 phòng ban chức năng và 16 phân xưởng. Tuy nhiên, trong tổng số 8 đơn vị thành viên, các Công ty Đóng tàu Dung Quất, Công ty Tư vấn thiết kế Công nghiệp tàu thủy Dung Quất và Công ty cổ phần Vinashin Đất Quảng gần như không hoạt động. Các Công ty còn lại hoạt động chủ yếu phục vụ Công ty mẹ với quy mô nhỏ, hoạt động rất khó khăn. Công ty mẹ hầu như chưa đầu tư vốn điều lệ cho các Công ty thành viên. Mặt khác, DQS đang là Chủ đầu tư 15 dự án (01 dự án nhóm A, 11 dự án nhóm B và 03 dự án nhóm C) với tổng mức đầu tư là 9.953 tỷ đồng, giá trị thực hiện đạt 4.091 tỷ đồng và đã giải ngân thanh toán, tạm ứng 3.803 tỷ đồng. Tuy nhiên, do khả năng thu xếp, cân đối vốn theo tiến độ dự án hạn chế nên tất cả các dự án đều bị tạm dừng, không hoàn thành đưa vào vận hành khai thác theo kế hoạch đề ra nên ảnh hưởng đến năng lực hoạt động của nhà máy. Ngoài ra, một số hợp đồng đóng mới các tàu của DQS phải tạm dừng thi công do các chủ tàu gặp khó khăn làm cho hoạt động sản xuất của DQS bị ngưng trệ, người lao động không có việc làm, thu nhập không đảm bảo.

Tại thời điểm bàn giao, DQS mất cân đối về tài chính, không có khả năng thanh toán nợ và Vinashin chỉ cấp 75 tỷ đồng trong tổng số vốn điều lệ đăng ký. Vốn chủ sở hữu là -974,8 tỷ đồng; Lỗ lũy kế là 1.235,7 tỷ đồng; Tổng dư nợ gốc vay Ngân hàng và các tổ chức tín dụng và VNS là 4.803,68 tỷ đồng, và hàng năm DQS phải trả lãi vay là 358,08 tỷ đồng.

Trước tình hình đó, PVN đã cấp vốn điều lệ cho DQS là 1.915,5 tỷ đồng, nâng số vốn điều lệ thực góp lên 1.990,5 tỷ đồng để DQS có vốn hoạt động và trả nợ vay cho các ngân hàng và tổ chức tín dụng. Mặt khác, PVN đã hỗ trợ cho DQS thanh toán các khoản nợ vay với số tiền 3.243,3 tỷ đồng (bao gồm cả gốc và lãi). Trong số 3.243,3 tỷ đồng trên, PVN đã trả nợ thay DQS cho Vinashin là 1.758,9 tỷ đồng, cho Nhà thầu là Công ty xuất nhập khẩu máy Vân Nam, Trung Quốc (YMC) là 1.059,4 tỷ đồng và cho Ngân hàng Natixis của Pháp là 407,9 tỷ đồng.

Sau khi bàn giao về PVN, DQS đã tiến hành tái cấu trúc doanh nghiệp và sắp xếp lại lao động, giải thể 03 Công ty con, bàn giao 03 Công ty khác sang Tổng Công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans), Công ty cổ phần xây lắp dầu khí miền Trung (PVC-MT), Tổng Công ty cổ phần dịch vụ tổng hợp dầu khí (Petrosetco) và giữ lại Công ty TNHH MTV đầu tư công nghiệp và tàu thủy Dung Quất về Công ty mẹ. Đến hết tháng 12 năm 2016, tổng số lao động của DQS là 1.303 người. Tuy nhiên, hoạt động của DQS vẫn không cải thiện và tiếp tục lâm vào tình trạng khó khăn. Doanh thu của DQS chủ yếu ghi nhận từ các hợp đồng đóng mới và sửa chữa với các đơn vị trong ngành dầu khí nhưng không đáng kể. DQS liên tục thua lỗ, ngoại trừ hai năm là 2014 và 2015 có lãi do PVN đã ban hành Nghị quyết chấp thuận phương án khoanh các chi phí khấu hao, chi phí lãi vay đối với tài sản không tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh (khoảng 340 tỷ đồng). Nếu tính khấu hao toàn bộ tài sản đã đầu tư thì DQS vẫn lỗ trong hai năm này.

Tính đến thời điểm 31 tháng 12 năm 2016, lỗ lũy kế của DQS là 3.721,13 tỷ đồng, trong đó lỗ phát sinh giai đoạn từ ngày 01 tháng 7 năm 2010 đến 31 tháng 12 năm 2016 là 2.485,43 tỷ đồng. Nợ phải trả là 6.948,48 tỷ đồng (trong đó vay của các ngân hàng/tổ chức tín dụng không có khả năng thanh toán là 1.106,36 tỷ đồng).

e) Dự án đầu tư sản xuất bột giấy Phương Nam:

Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam do Công ty TNHH một thành viên phát triển Công nghiệp và Vận tải (Tracodi) làm Chủ đầu tư với tổng mức đầu tư ban đầu là 1.487 tỷ đồng, sau đó chuyển sang Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) làm Chủ đầu tư, trong đó vốn chủ sở hữu là 39,3 tỷ đồng, còn lại là vốn vay. Công suất của Nhà máy là 100.000 tấn bột giấy/năm, được sản xuất từ nguyên liệu chính là cây đay với công nghệ hóa nhiệt cơ (PR - C APMP) của nhà cung cấp ANDRITZ AG - Áo, là công nghệ mới. Dây chuyền thiết bị theo hồ sơ tài liệu cung cấp tương tự như các dây chuyền sản xuất APMP từ gỗ mà Công ty ANDRITZ AG đã bán cho nhiều đối tác trên thế giới. Công nghệ PRC - APMP tuy đã được áp dụng thành công vào thực tế sản xuất đối với nguyên liệu gỗ nhưng chưa được áp dụng vào nhà máy nào trên thế giới để sản xuất bột thương phẩm từ cây đay hoặc các loại nguyên liệu thực vật tương tự.

Dự án khởi công đầu năm 2004 và đến tháng 6 năm 2008 dừng thi công do Chủ đầu tư không huy động được vốn để đầu tư. Đến tháng 6 năm 2009, Dự án được chuyển giao từ Tracodi sang Vinapaco. Sau khi tiếp nhận, Vinapaco đã tiến hành lập báo cáo điều chỉnh Dự án và phê duyệt tổng mức đầu tư Dự án là 3.409,93 tỷ đồng (Quyết định số 564/QĐ-GVN.HN ngày 07 tháng 9 năm 2012). Tháng 4 năm 2010, Vinapaco đã hoàn thành cơ bản các hạng mục xây lắp và tiến hành chạy thử liên động không tải và chạy thử có tải vào tháng 9 năm 2012. Trong quá trình chạy thử có tải, cả hệ thống bị tắc nghẽn ngay từ khâu chặt mảnh cho đến các công đoạn tiếp theo. Mặc dù Vinapaco và các chuyên gia nước ngoài đã tích cực khắc phục nhưng dây chuyền vẫn gặp sự cố và không vận hành phần có tải được.

Từ tháng 5 năm 2014, Dự án dừng đầu tư theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ. Đồng thời, Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Ủy ban nhân dân tỉnh Long An xây dựng phương án xử lý đối với Dự án theo phương án thanh lý, nhượng bán. Tháng 9 năm 2016, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã có ý kiến đồng ý về chủ trương bán đấu giá toàn bộ tài sản cố định và hàng hóa tồn kho của nhà máy và Tổng công ty Giấy Việt Nam đã tiến hành thực hiện định giá, xây dựng phương án để tiến hành tổ chức bán đấu giá toàn bộ tài sản cố định và hàng hóa tồn kho của nhà máy. Ngày 14 tháng 7 năm 2017, Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam đã được đưa ra đấu giá với giá khởi điểm hơn 1.885 tỷ đồng (tăng vốn đầu tư dự án xấp xỉ 3.000 tỷ đồng), tuy nhiên, kết quả không thành công do không có nhà đầu tư nào tham gia đấu giá.

Tính đến thời điểm 31 tháng 12 năm 2016, tổng tài sản của Dự án là 2.718,7 tỷ đồng; tổng nợ phải trả là 2.695 tỷ đồng.

2. Những khó khăn, tồn tại của các dự án, doanh nghiệp và nguyên nhân

a) Những khó khăn, tồn tại

- Những khó khăn, tồn tại chung:

Mặc dù thuộc các nhóm ngành khác nhau và được khởi công xây dựng, đưa vào khai thác ở những thời điểm khác nhau, nhưng các dự án này đều có chung những khó khăn, tồn tại lớn như sau:

+ Tổng mức đầu tư đều phải điều chỉnh trong quá trình thi công, làm tăng giá thành sản phẩm (đối với các dự án đã kết thúc và đưa vào khai thác) hoặc làm cho dự án không còn khả thi, buộc phải dừng thi công thực hiện.

+ Tiến độ kéo dài, có dự án chậm tiến độ 10 năm nhưng vẫn chưa hoàn thành, khiến cho tình trạng đội vốn càng trầm trọng hơn.

+ Trong quá trình thi công dự án, hầu hết các gói thầu EPC của dự án đều có phát sinh tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu. Nhiều dự án, mặc dù đã kết thúc nhưng vẫn chưa thanh lý được hợp đồng, chưa quyết toán được dự án.

+ Tất cả các dự án khi đi vào vận hành sản xuất đều gặp khó khăn về tài chính. Do tỷ trọng vốn vay của dự án lớn đã làm tăng chi phí vốn, dẫn đến chi phí sản xuất tăng cao làm dự án không hiệu quả, bị thua lỗ.

+ Nhiều dự án gặp phải khó khăn về thị trường tiêu thụ cho sản phẩm đầu ra và nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất.

- Các khó khăn, tồn tại cụ thể ở các dự án, doanh nghiệp:

+ Đối với nhóm 04 dự án đầu tư sản xuất phân bón: Giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào tăng cao và giá đầu ra của sản phẩm giảm sâu; công tác tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh chưa tối ưu; tranh chấp vướng mắc đối với hợp đồng EPC.

+ Đối với Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi: Sự thiếu ổn định về thị trường tiêu thụ sản phẩm, chi phí nguyên, nhiên vật liệu đầu vào tăng cao dẫn đến giá thành sản phẩm bán ra không bù đắp được chi phí sản xuất (thấp hơn cả biến phí), năng lực tài chính hạn chế nên không chủ động được các phương án sản xuất kinh doanh; vướng mắc với nhà thầu về hợp đồng EPC về hạng mục xử lý nước thải để hoàn thành việc quyết toán Dự án.

+ Đối với Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ: Dự án đang xây dựng dở dang và phải dừng thi công do phát sinh tranh chấp giữa chủ đầu tư với nhà thầu EPC là Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam; thiếu vốn để triển khai xây dựng do tổng mức đầu tư dự án điều chỉnh tăng cao; và Tổng Công ty Dầu Việt Nam không phải là cổ đông chính nên không quyết định được toàn bộ các vấn đề của Dự án.

+ Đối với Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước: Thị trường tiêu thụ xuống thấp, chi phí nguyên, nhiên vật liệu tăng cao dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh không hiệu quả. PVOil không phải là cổ đông chính nên không quyết định được toàn bộ các vấn đề của Dự án.

+ Đối với Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên: Tranh chấp, vướng mắc tại hợp đồng EPC của dự án giữa chủ đầu tư và nhà thầu là Tập đoàn luyện kim Trung Quốc (MCC) là nguyên nhân chính dẫn đến dự án bị kéo dài làm gia tăng tổng mức đầu tư và khó khăn trong thu xếp nguồn vốn để tiếp tục triển khai Dự án.

+ Đối với Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và Dự án nhà máy gang thép Lào Cai: Vướng mắc ở hợp đồng liên doanh ký kết giữa hai bên liên doanh của Công ty TNHH khoáng sản và luyện kim Việt - Trung đã gây bất lợi và khó khăn cho phía Việt Nam trong việc đưa ra các quyết định kinh doanh; thị trường sản phẩm đầu ra và nguyên liệu đầu vào cho sản xuất là phôi thép và than cốc đều gặp khó khăn.

+ Đối với Dự án Nhà máy đầu tư sản xuất sơ xợi polyester Đình Vũ: Công ty bị âm vốn chủ sở hữu nên không thu xếp được nguồn vốn lưu động để duy trì hoạt động của nhà máy; thị trường tiêu thụ sản phẩm và chất lượng sản phẩm không ổn định, thiết kế kỹ thuật của nhà máy còn một bất cập dẫn tới sự không hiệu quả trong tiết giảm chi phí; vướng mắc, tranh chấp giữa chủ đầu tư với nhà thầu EPC vẫn chưa được giải quyết dứt điểm dẫn đến chưa quyết toán được Dự án.

+ Đối với Công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Dung Quất: Công ty đang phải chịu gánh nặng tài chính lớn do thua lỗ từ thời kỳ chủ sở hữu là Vinashin; chi phí đầu tư tài sản cố định quá lớn trong khi không có khách hàng để khai thác hết công suất các hạng mục đã đầu tư; cơ sở vật chất của DQS còn thiếu và chưa đồng bộ; nhiều hạng mục công trình đầu tư còn dở dang và chưa hoàn thành công tác quyết toán.

+ Đối với Dự án đầu tư sản xuất bột giấy Phương Nam: Giá khởi điểm cho bán đấu giá Dự án theo quy định hiện nay là quá cao và chưa tìm được nhà đầu tư để bán lại dự án.

b) Nguyên nhân

- Nguyên nhân chủ quan:

+ Công tác lập dự án có nhiều yếu kém. Các vấn đề về thị trường các yếu tố đầu vào, đầu ra, về thiết bị công nghệ, về giá cả, lãi suất... được dự báo, đánh giá và xây dựng thiếu chính xác, không sát với tình hình thực tế.

+ Công tác thẩm định, phê duyệt dự án còn nhiều hạn chế. Cơ chế, quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan tham gia trong quá trình thẩm định dự án chưa cụ thể, rõ ràng; năng lực thực hiện yếu kém.

+ Năng lực và trách nhiệm quản lý dự án của các chủ đầu tư còn hạn chế, yếu kém ở hầu hết các khâu gồm: lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư; tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm thi công dự án; đàm phán ký kết hợp đồng với các nhà thầu; quản lý giám sát, xử lý phát sinh, vướng mắc tại công trường; nghiệm thu vận hành, chạy thử, bàn giao đưa vào sử dụng.

+ Công tác đàm phán, ký kết hợp đồng với các nhà thầu nước ngoài còn lúng túng, thiếu kinh nghiệm, đặc biệt là đối với các dự án có công nghệ hiện đại dẫn đến phát sinh các tranh chấp, vướng mắc khó giải quyết.

+ Công tác quản lý, tổ chức sản xuất còn thiếu hiệu quả do năng lực và kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ quản lý còn hạn chế; chưa chủ động trong kế hoạch đào tạo nguồn lao động để vận hành nhà máy; chưa chủ động trong tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm. Đội ngũ công nhân lao động kỹ thuật tay nghề chưa cao và chưa có nhiều kinh nghiệm.

+ Công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá đầu tư đối với các dự án của các cơ quan quản lý nhà nước còn chưa thường xuyên, sâu sát dẫn tới không kịp thời phát hiện, xử lý các khó khăn, vướng mắc.

- Nguyên nhân khách quan:

+ Thị trường nguyên, nhiên vật liệu đầu vào ở một số dự án biến động tăng ở mức cao hơn nhiều so với tính toán ban đầu khi lập và phê duyệt dự án.

+ Thị trường của sản phẩm hàng hóa đầu ra ở một số dự án (nhiên liệu sinh học, phân đạm, xơ sợi....) biến động bất lợi so với tính toán ban đầu khi lập và phê duyệt dự án.

+ Tác động của diễn biến tỷ giá, lãi suất nằm ngoài dự tính ban đầu, cộng thêm tình trạng chậm tiến độ kéo dài của dự án càng làm trầm trọng hơn tác động này.

+ Thay đổi trong chính sách, trong đó có chính sách về đầu tư xây dựng, chính sách về thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón, cũng ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh của sản phẩm đầu ra ở các dự án sản xuất phân đạm.

3. Tình hình tổ chức thực hiện và các nội dung chỉ đạo

a) Tổ chức thực hiện:

- Để xử lý các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu của của ngành Công Thương, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo của Chính phủ với thành phần là lãnh đạo của các Bộ, ngành liên quan do đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban Chỉ đạo; thành lập Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo để thống nhất chỉ đạo, phân công, phân cấp trách nhiệm triển khai các nhiệm vụ;

- Bộ Công Thương và các Tập đoàn, Tổng Công ty là chủ đầu tư các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả cũng đã thành lập các Ban Chỉ đạo và Tổ Giúp việc để tổ chức triển khai các nhiệm vụ được giao.

b) Công tác chỉ đạo:

Từ trước khi có quyết định thành lập các Ban Chỉ đạo để xử lý những tồn tại, yếu kém ở các dự án như nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều cuộc làm việc, văn bản chỉ đạo xử lý các vấn đề tồn tại, yếu kém ở các dự án này. Ngay sau khi Ban Chỉ đạo của Chính phủ được thành lập, Trưởng Ban Chỉ đạo đã trực tiếp cùng đại diện các Bộ, ngành làm việc tại 9/12 Dự án (trong thời gian từ ngày 17 tháng 12 năm 2016 đến ngày 16 tháng 01 năm 2017) để xem xét các vấn đề cụ thể và có kết luận chỉ đạo xử lý ở từng Dự án.

Ban Chỉ đạo và các đồng chí Lãnh đạo Chính phủ đã tổ chức nhiều cuộc làm việc với các Bộ, ngành, các Tập đoàn, Tổng Công ty và cơ quan liên quan để xem xét, xử lý các dự án, qua đó đã thống nhất chỉ đạo xuyên suốt những nội dung chủ yếu sau:

- Các Tập đoàn, Tổng công ty và Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án khẩn trương rà soát, đánh giá, làm rõ thực trạng và nguyên nhân các vướng mắc, khó khăn của từng dự án, trên cơ sở đó đề xuất các phương án xử lý cho từng dự án. Các phương án xử lý cần tập trung vào một số nhóm nội dung sau:

+ Công tác quản trị doanh nghiệp: các Tập đoàn, Tổng công ty và Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án tập trung xử lý các vấn đề cụ thể về tài chính, kỹ thuật của dự án, quản trị doanh nghiệp, vận hành nhà máy, tiêu thụ sản phẩm, đàm phán với đối tác...

+ Cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước: các Bộ, ngành nghiên cứu xử lý các vấn đề về cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về tài chính doanh nghiệp, điều chỉnh điều kiện vay vốn, trả gốc và lãi khoản vay, tạo dựng thị trường, chuyển giao công nghệ... cho các dự án.

- Song song với việc xây dựng, thực hiện các phương án xử lý khó khăn của các dự án, Ban Chỉ đạo còn giao cho các cơ quan chức năng (Bộ Công an, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ) tập trung điều tra, thanh tra, kiểm toán để làm rõ những sai phạm, vi phạm pháp luật ở các dự án.

Cho đến thời điểm hiện tại, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo đã ký ban hành 41 Thông báo, văn bản chỉ đạo giao 217 nhiệm vụ cho các Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của từng dự án. Đến nay, đã hoàn thành 142 nhiệm vụ, qua đó, bước đầu đã tạo chuyển biến tích cực, có một số kết quả cụ thể ở một số dự án, doanh nghiệp như sau:

+ Đối với 04 nhà máy sản xuất phân bón: Cả 04 nhà máy đã đi vào hoạt động ổn định, thời gian chạy máy đạt từ 19 - 24 ngày (trừ nhà máy Đạm Ninh Bình đang dừng sản xuất để tiến hành sửa chữa lớn theo kế hoạch từ ngày 25 tháng 8 năm 2017 đến ngày 10 tháng 10 năm 2017), phụ tải trung bình khoảng đạt từ 75 - 90%. Các nhà máy vận hành cũng đã nỗ lực tăng cường công tác quản trị, tiết giảm các chi phí sản xuất để giảm lỗ, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao chất lượng và đa dạng chủng loại sản phẩm. Do vậy, kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tiếp tục được cải thiện, chi phí biến đổi đã thấp hơn giá bán từ 52.000 đến 892.000 đồng/tấn. Từ tháng 8 năm 2017, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng đã có lãi trong kỳ khoảng 4 tỷ đồng, tháng 9 năm 2017 ước tính lãi 6,766 tỷ đồng và dự kiến cuối năm 2017 có lãi lũy kế.

+ Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và Dự án nhà máy gang thép Lào Cai: Từ tháng 3 năm 2017, hoạt động sản xuất kinh doanh của VTM đã bắt đầu có lãi, ước tính lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm là 163 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, Công ty đã nộp tổng cộng 502 tỷ đồng tiền thuế các loại vào ngân sách nhà nước, trong đó tiền cấp quyền khai thác đã nộp đến ngày 21 tháng 9 năm 2017 là 164 tỷ đồng, còn lại 38 tỷ đồng phải nộp tiếp sẽ hoàn thành trong quý IV năm 2017.

+ Đã rút 1.000 tỷ đồng vốn của Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước - SCIC đầu tư vào Dự án mở rộng giai đoạn 2 Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên.

III. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU XỬ LÝ CÁC DỰ ÁN, DOANH NGHIỆP CHẬM TIẾN ĐỘ, KÉM HIỆU QUẢ CỦA NGÀNH CÔNG THƯƠNG TRONG THỜI GIAN TỚI

1. Quan điểm

a) Kiên quyết xử lý các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả theo nguyên tắc và cơ chế thị trường; tôn trọng nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp; Nhà nước kiên quyết không cấp thêm vốn vào các dự án, doanh nghiệp.

b) Căn cứ kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, và báo cáo kiểm tra pháp lý, kiên quyết xử lý sớm, dứt điểm các tranh chấp, bất cập phát sinh giữa chủ đầu tư và các nhà thầu, đặc biệt là các nhà thầu EPC; tái cơ cấu các dự án, doanh nghiệp theo hướng ưu tiên các phương án bán, thoái vốn cho các nhà đầu tư ngoài nhà nước, đồng thời kiên quyết thực hiện cho phá sản, giải thể theo quy định của pháp luật đối với các dự án, doanh nghiệp không có khả năng khắc phục, thu hồi tối đa tài sản của Nhà nước, hạn chế thấp nhất thất thoát và những tác động tiêu cực đối với ngân sách Nhà nước và với nền kinh tế nói chung.

c) Bảo đảm thực hiện các phương án xử lý theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch; tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong quá trình thực hiện các chủ trương, giải pháp xử lý các dự án, doanh nghiệp; quan tâm toàn diện bảo đảm lợi ích cao nhất của Nhà nước, quyền của người lao động, an sinh - xã hội, an ninh - quốc phòng, môi trường và ổn định xã hội; hết sức lưu ý đối với khâu định giá tài sản, nhất là giá trị quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.

d) Tiến hành thanh tra, kiểm toán, điều tra làm rõ những sai phạm, vi phạm pháp luật ở từng dự án, doanh nghiệp; làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức liên quan; xử lý nghiêm minh và sớm hoàn tất các thủ tục tố tụng theo quy định của pháp luật; không để tái diễn những yếu kém, khuyết điểm trong quá trình quản lý điều hành đối với doanh nghiệp nhà nước như thời gian qua.

2. Mục tiêu

a) Sớm giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc để chấm dứt tình trạng thua lỗ, khắc phục tối đa thiệt hại cho nhà nước. Trong đó:

- Trong năm 2017: Hoàn thành phương án xử lý đối với từng dự án, doanh nghiệp và kế hoạch chi tiết tổ chức triển khai thực hiện.

- Đến hết năm 2018: Phấn đấu xử lý căn bản các tồn tại, yếu kém đối với các dự án, doanh nghiệp.

- Đến năm 2020: Hoàn thành việc xử lý các tồn tại, yếu kém ở các dự án, doanh nghiệp.

b) Xác định rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quá trình đầu tư, quản lý, vận hành, khai thác từng dự án, doanh nghiệp.

IV. CÁC GIẢI PHÁP VÀ PHƯƠNG ÁN XỬ LÝ CÁC DỰ ÁN, DOANH NGHIỆP CHẬM TIẾN ĐỘ, KÉM HIỆU QUẢ CỦA NGÀNH CÔNG THƯƠNG TRONG THỜI GIAN TỚI

1. Các giải pháp chung xử lý các dự án, doanh nghiệp

a) Giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc tranh chấp với nhà thầu tại các hợp đồng EPC và vướng mắc trong hợp đồng liên doanh với đối tác.

b) Xử lý các vấn đề về cơ chế, chính sách chung để tạo điều kiện về phát triển thị trường một số sản phẩm công nghiệp, trong đó có sản phẩm của các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương. Cụ thể: tiếp tục tập trung vào các giải pháp chung về đẩy mạnh phát triển thị trường các sản phẩm nhiên liệu sinh học, phân bón, thép, đóng tàu; các giải pháp về áp dụng các biện pháp tự vệ để bảo vệ các sản phẩm sản xuất trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia cũng như trên cơ sở xem xét, đánh giá toàn diện các vấn đề về sản xuất, tiêu thụ và quyền lợi của các đối tượng có liên quan trong các lĩnh vực phân bón, thép, xơ sợi...

c) Thực hiện các giải pháp tài chính, tín dụng theo nguyên tắc thị trường, cùng chia sẻ rủi ro giữa ngân hàng, nhà đầu tư và doanh nghiệp trên cơ sở quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch. Tiến hành xem xét, rà soát và điều chỉnh một số Luật thuế nhằm tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp và môi trường thuận lợi cho phát triển các ngành hàng, sản phẩm công nghiệp trong nước; xem xét việc tái cơ cấu các khoản nợ liên quan đến các dự án, doanh nghiệp để tạo điều kiện cho các dự án tiếp tục được vay vốn tại các ngân hàng thương mại, phục vụ sản xuất kinh doanh ổn định.

d) Tập trung thực hiện quyết liệt các biện pháp về quản trị doanh nghiệp, sắp xếp và tổ chức lại sản xuất, lao động để tiết giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và đầu tư.

đ) Giám sát chặt chẽ vấn đề vệ sinh môi trường, kể cả chất thải rắn, chất thải khí, nước thải để đảm bảo an toàn cho khu vực xung quanh nhà máy.

e) Tiến hành thanh tra, kiểm toán, điều tra để làm rõ những sai phạm, vi phạm pháp luật ở từng dự án, doanh nghiệp; làm rõ trách nhiệm từng tổ chức, cá nhân liên quan; xử lý nghiêm minh và sớm hoàn tất các thủ tục tố tụng theo quy định của pháp luật.

2. Phương án xử lý đối với từng dự án, doanh nghiệp

a) Đối với nhóm 4 dự án nhà máy sản xuất phân bón, gồm: (1) Dự án nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình; (2) Dự án cải tạo, mở rộng nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc; (3) Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai; (4) Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng.

- Phương án xử lý:

Tập trung xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để tiếp tục triển khai, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của Dự án. Sau khi đã hoạt động có hiệu quả sẽ thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước khỏi doanh nghiệp (dự kiến sau năm 2018).

- Các công việc cần triển khai để thực hiện phương án:

+ Hoàn thành việc quyết toán Hợp đồng EPC và quyết toán Dự án.

+ Tiếp tục tập trung tiết giảm chi phí sản xuất, tiền lương, nhân công, sửa chữa bảo dưỡng máy móc thiết bị, tiêu hao vật tư...

+ Làm chủ công nghệ, đảm bảo chạy đủ tải, dài ngày, tiêu hao thấp, hạn chế chi phí.

+ Tăng cường công tác quản trị, đặc biệt là quản trị nhân sự, thiết bị, máy móc, vật tư, nhân sự, tài chính.

+ Xây dựng chiến lược, kế hoạch mở rộng thị trường, tăng cường khả năng tiêu thụ.

b) Dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi

- Các phương án được xem xét:

+ Phương án 1: Khởi động, vận hành lại Nhà máy trước khi các đơn vị của PVN chuyển nhượng hoặc thoái vốn khỏi Dự án.

Nội dung của phương án: Khởi động, vận hành lại nhà máy và tiến hành định giá tài sản Công ty và tổ chức bán đấu giá công khai. Trường hợp bán đấu giá không thành công thì thực hiện chào bán cạnh tranh thông qua hình thức đấu giá bán cổ phần theo lô hoặc bán thỏa thuận trực tiếp với nhà đầu tư trong trường hợp bán đấu giá cổ phần theo lô không thành công (chỉ có một nhà đầu tư mua cổ phần hoặc được Thủ tướng Chính phủ cho phép bằng văn bản).

Điều kiện thực hiện: (i) Giải quyết dứt điểm các tranh chấp phát sinh với nhà thầu EPC để quyết toán Dự án và hoàn thiện một số hạng mục công trình chưa hoàn thiện, trong đó có hệ thống xử lý nước thải để nhà máy vận hành đạt được 100% công suất thiết kế; (ii) Các ngân hàng đồng tài trợ đồng ý phương án bán Nhà máy; (iii) Các cổ đông phê duyệt chủ trương bán Nhà máy; (iv) Tuyển dụng, đào tạo bổ sung và thuê chuyên gia để vận hành nhà máy.

+ Phương án 2: Tái cơ cấu lại Công ty nhiên liệu sinh học miền Trung.

Nội dung phương án: Thực hiện đồng bộ các giải pháp phù hợp nhằm tiết giảm chi phí sản xuất (chi phí nguyên vật liệu đầu vào, chi phí nhân công, chi phí quản lý, chi phí gián tiếp...); chủ động xây dựng vùng nguyên liệu đầu vào cho nhà máy; phát triển đa dạng hóa thị trường đầu ra cho sản phẩm; tái cơ cấu các khoản nợ vay; hoàn thiện dây chuyền công nghệ để vận hành nhà máy đảm bảo công suất thiết kế.

Điều kiện thực hiện: (i) Giải quyết dứt điểm các tranh chấp phát sinh với nhà thầu EPC để quyết toán Dự án và hoàn thiện một số hạng mục công trình chưa hoàn thiện, trong đó có hệ thống xử lý nước thải để nhà máy vận hành đạt được 100% công suất thiết kế; (ii) Tuyển dụng, đào tạo bổ sung và thuê chuyên gia để vận hành nhà máy.

- Phương án chọn:

+ Ưu tiên chọn Phương án 1: Khởi động, vận hành lại Nhà máy trước khi các đơn vị của PVN chuyển nhượng hoặc thoái vốn khỏi Dự án.

+ Các công việc cần triển khai để thực hiện phương án chọn: (i) Xây dựng kế hoạch định giá tài sản nhà máy để làm cơ sở triển khai thực hiện việc bán đấu giá nhà máy; (ii) Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện việc xử lý dứt điểm những vướng mắc, tồn tại khác của Dự án như đã được Ban Chỉ đạo của Chính phủ chỉ đạo.

c) Dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ

- Các phương án được xem xét:

+ Phương án 1: Tiếp tục triển khai Dự án với nhà thầu là Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).

Nội dung của phương án: Tiếp tục tháo gỡ các khó khăn và giải quyết vướng mắc với nhà thầu PVC để triển khai dự án, hoàn thiện các hạng mục còn dang dở, sớm đưa nhà máy vào vận hành sản xuất.

Điều kiện thực hiện: (i) Giải quyết dứt điểm các vấn đề hiện có, đặc biệt là việc kết nối các giao diện công nghệ, chạy thử vận hành nhà máy và đối với hệ thống xử lý nước thải; (ii) Thị trường nhiên liệu sinh học có sự ổn định tương đối, sự sẵn có và ổn định của nguyên liệu đầu vào; (iii) Có chế tài đối với nhà thầu PVC trong việc đảm bảo thực hiện Hợp đồng EPC.

+ Phương án 2: Tiếp tục triển khai Dự án, thanh lý hợp đồng với nhà thầu PVC để tìm nhà thầu khác.

Nội dung của phương án: Tiến hành đàm phán với nhà thầu PVC để thanh lý hợp đồng xây lắp; đồng thời thực hiện các thủ tục pháp lý để lựa chọn nhà thầu mới có đủ năng lực triển khai dự án, sớm đưa nhà máy vào vận hành sản xuất.

Điều kiện thực hiện: (i) Xử lý dứt điểm các vấn đề còn tồn tại trong quan hệ trong liên danh nhà thầu PVC-ALI; (ii) Xác định được giá trị quyết toán và trách nhiệm của nhà thầu PVC; Chọn được nhà thầu mới thay thế; hoàn thành thanh lý hợp đồng và giá trị quyết toán với nhà thầu PVC; (iii) Thị trường đầu ra đối với các sản phẩm nhiên liệu sinh học bảo đảm tương đối ổn định.

+ Phương án 3: Dừng triển khai Dự án, phá sản Công ty.

Nội dung của phương án: Thực hiện các công việc theo trình tự và thủ tục được quy định tại Luật Phá sản, Nghị định số 22/2015/NĐ-CP và các văn bản pháp lý có liên quan.

Điều kiện thực hiện: (i) Các cổ đông của Công ty cổ phần Hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB) sẽ phải chấp nhận mất khoản vốn đã góp và chịu trách nhiệm đối với cam kết bảo lãnh cho các khoản vay của PVB ứng với giá trị phần vốn góp tại PVB; (ii) Thống nhất được trong các cổ đông về thực hiện việc phá sản Công ty.

+ Phương án 4: Tổng công ty dầu Việt Nam chuyển nhượng/thoái vốn khỏi Dự án

Nội dung của phương án: PVN sẽ chỉ đạo PVOil đàm phán với đối tác là cổ đông chi phối của Dự án hoặc với đối tác khác để chuyển nhượng vốn hoặc thoái vốn khỏi Dự án.

Điều kiện thực hiện: (i) Thực hiện việc định giá khởi điểm của Dự án; (ii) Tìm được đối tác để chuyển nhượng phần vốn góp vào Dự án.

- Phương án chọn:

+ Ưu tiên chọn Phương án 4: Tổng công ty dầu Việt Nam chuyển nhượng/thoái vốn khỏi Dự án. Trong trường hợp Phương án thực hiện không thành công sẽ xem xét cân nhắc lựa chọn các phương án còn lại, gồm: Phương án 1: Tiếp tục triển khai Dự án với nhà PVC; Phương án 2: Tiếp tục triển khai Dự án, thanh lý hợp đồng với nhà thầu PVC để tìm nhà thầu khác; và Phương án 3: Dừng triển khai Dự án, phá sản Công ty.

+ Những công việc cần triển khai để thực hiện phương án chọn: (i) Xây dựng phương án thoái vốn khỏi Dự án; (ii) Tiến hành đàm phán với các cổ đông khác để thực hiện phương án; (iii) Phối hợp với các cổ đông khác tiến hành giải quyết các phát sinh vướng mắc với nhà thầu PVC để thống nhất thanh toán dứt điểm khối lượng công việc mà nhà thầu đã thực hiện; (iv) Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện việc xử lý dứt điểm những vướng mắc, tồn tại khác của Dự án như đã được Ban Chỉ đạo của Chính phủ chỉ đạo.

d) Dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước

- Các phương án được xem xét:

+ Phương án 1: Tạm dừng nhà máy và vận hành trở lại khi thuận lợi.

Nội dung của phương án: Tiến hành các xử lý các vấn đề cần thiết có liên quan về lao động, an ninh, bảo hiểm, bảo dưỡng máy móc thiết bị... để tạm dừng nhà máy, đồng thời tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và vận hành nhà máy trở lại khi có điều kiện thuận lợi.

Điều kiện thực hiện: (i) Phải đảm bảo doanh thu tối thiểu bù đắp biến phí; (2) Phải đạt được sự đồng thuận của các cổ đông.

+ Phương án 2: Cho thuê tài chính - Bán tài sản.

Nội dung của phương án: Tìm kiếm đối tác để tiến hành cho thuê nhà máy. Hiện tại Công ty TNHH nhiên liệu sinh học Phương Đông (OBF) đã có trao đổi với đối tác là Doanh nghiệp Tín Thành về việc thuê mua nhà máy với thời gian thuê là 3 năm để sản xuất nhiên liệu sinh học từ nguồn nguyên liệu khác là cây cao lương ngọt và sẽ lắp đặt bổ sung các thiết bị (máy ép, lò hơi, tua bin) để sản xuất E100.

Điều kiện thực hiện: (i) Phải đảm bảo đơn vị thuê sử dụng máy móc thiết bị hạn chế đến mức tối thiểu các hỏng hóc và gây thiệt hại tài sản cho Công ty; (ii) Có đối tác sẵn sàng thuê nhà máy; (iii) Phải đạt được sự đồng thuận của các cổ đông.

+ Phương án 3: Khởi động, vận hành lại nhà máy trước khi PVOil chuyển nhượng vốn/thoái vốn khỏi Dự án

Nội dung của phương án: PVN chỉ đạo PVOil đàm phán với đối tác là cổ đông chi phối của Dự án hoặc với đối tác khác để chuyển nhượng vốn hoặc thoái vốn khỏi Dự án theo các quy định hiện hành.

Điều kiện thực hiện: (i) Phải đạt được sự đồng thuận của các cổ đông; (ii) Phải có đối tác sẵn sàng nhận chuyển nhượng vốn; (iii) Thời gian tìm kiếm đối tác phải không quá dài để ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện phương án và các hệ lụy của việc kéo dài xử lý dự án.

- Phương án chọn:

+ Ưu tiên chọn Phương án 3: Khởi động, vận hành lại nhà máy trước khi PVOil chuyển nhượng vốn/thoái vốn khỏi Dự án. Trong trường hợp Phương án thực hiện không thành công sẽ xem xét cân nhắc lựa chọn Phương án 2: Cho thuê tài chính - Bán tài sản.

+ Những công việc cần triển khai để thực hiện phương án chọn: (i) Xây dựng phương án chuyển nhượng vốn/Thoái vốn khỏi Dự án; (ii) Tiến hành đàm phán với đối tác để thực hiện chuyển nhượng vốn hoặc thoái vốn của PVOil khỏi Dự án; (iii) Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện việc xử lý dứt điểm những vướng mắc, tồn tại khác của Dự án đã được Ban Chỉ đạo của Chính phủ chỉ đạo.

đ) Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên

- Các phương án được xem xét:

+ Phương án 1: Bán Dự án

Nội dung của phương án: Tư vấn thẩm định lại giá trị của Dự án và tính toán lại tổng mức đầu tư phù hợp; Tiến hành các thủ tục cần thiết để tách riêng Dự án để thành lập Công ty cổ phần sản xuất phôi thép mới và chào bán cổ phần ra thị trường cho các nhà đầu tư mới để đảm bảo tiếp tục triển khai hoàn thành Dự án. Tiến hành thẩm định, xác định giá trị của Dự án và tính toán tổng mức đầu tư của; đàm phán với các Ngân hàng cho vay vốn.

Điều kiện thực hiện: (i) Các ngân hàng chấp nhận rủi ro mất một phần số vốn đã cho vay; (ii) Thời gian thực hiện có nguy cơ kéo dài, do vậy, Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên phải chấp nhận chi phí lãi vay, qua đó tiếp tục làm đội vốn Dự án, giảm hiệu quả đầu tư; (iii) Chấp nhận một số khó khăn trong quản lý khai thác sử dụng hạ tầng kỹ thuật chung trong điều kiện với một hệ thống hạ tầng kỹ thuật có 2 chủ thể quản lý, tương đối phức tạp.

+ Phương án 2: Kêu gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư góp vốn đầu tư Dự án

Nội dung của phương án: TISCO tiến hành xây dựng phương án huy động vốn cho Dự án góp thông qua phát hành trái phiếu hoặc tăng vốn điều lệ.

+ Phương án 3: Thoái vốn nhà nước và tái cơ cấu TISCO

Nội dung của phương án: Sau khi SCIC đã thoái phần vốn góp 1.000 tỷ đồng (tương đương 35,2% vốn điều lệ của TISCO) của nhà nước ra khỏi TISCO, công việc tiếp theo là tiếp tục thoái phần vốn nhà nước còn lại (là phần vốn góp của VNS) xuống dưới 30%.

- Phương án chọn:

+ Ưu tiên chọn Phương án 3: Thoái vốn nhà nước và tái cơ cấu lại Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên. Trong trường hợp Phương án này thực hiện không thành công sẽ xem xét cân nhắc lựa chọn các phương án: Phương án 1: Bán Dự án hoặc Phương án 2: Kêu gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư góp vốn đầu tư Dự án.

+ Các công việc cần triển khai để thực hiện phương án chọn: (i) Chủ động đàm phán và giải quyết dứt điểm các vướng mắc của Dự án; (ii) Thoái phần vốn Nhà nước còn lại tại TISCO (42,1% cổ phần sở hữu của VNS) xuống dưới 30% trong đó cần tập trung hoàn thành việc xác định giá trị Dự án và xây dựng phương án thoái vốn; (iii) Tiếp tục triển khai thực hiện việc xử lý dứt điểm những vướng mắc, tồn tại khác của Dự án đã được Ban Chỉ đạo của Chính phủ chỉ đạo.

e) Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và Dự án nhà máy gang thép Lào Cai

- Phương án xử lý:

Tập trung xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để tiếp tục triển khai, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của Dự án.

- Các công việc cần triển khai để thực hiện:

+ Tổng Công ty Thép Việt Nam tiếp tục chỉ đạo hoàn thành đàm phán với đối tác liên doanh nước ngoài trong việc sửa đổi và ký kết chính thức Hợp đồng liên doanh, Điều lệ liên doanh và quy định đề cử chức danh Tổng giám đốc.

+ Tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạng mục dây chuyền cán thép 500.000 tấn/năm và hệ thống xử lý xỉ thu hồi kim loại.

+ Nâng cao hiệu quả đầu tư: (i) Đối với Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ sắt Quý Xa: Tổ chức khai thác mỏ sắt Quý Xa đạt 100% công suất thiết kế đạt 3 triệu tấn/năm; tăng cường công tác tiêu thụ quặng sắt trong nước và xuất khẩu, phấn đấu tiêu thụ đạt khoảng 2 triệu tấn/năm để nâng cao hiệu quả kinh tế của mỏ và giảm nhu cầu vay vốn lưu động của Công ty. (ii) Đối với Dự án Nhà máy gang thép Lào Cai: (1) Tổ chức sản xuất Nhà máy gang thép Lào Cai đạt 100% công suất thiết kế là 500.000 tấn phôi thép/năm; tiêu thụ triệt để các loại khí O2, N2; giảm lượng chuyên gia xuống mức thấp nhất hướng tới làm chủ hoàn toàn dây chuyền công nghệ sản xuất; (2) Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hoàn thành Dây chuyền cán thép 500.000 tấn/năm để phát huy hết cơ sở hạ tầng hiện nay đã đầu tư xong cho cả Dây chuyền cán.

g) Công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Dung Quất

- Các phương án được xem xét:

+ Phương án 1: Chuyển đổi sở hữu Công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Dung Quất thông qua định giá, bán đấu giá tài sản, công nợ.

Nội dung của phương án: Tiến hành định giá và xây dựng, phê duyệt phương án bán doanh nghiệp; xử lý tài sản, tài chính, công nợ, lao động; và tổ chức bán theo các phương thức: (1) đấu giá công khai trong trường hợp có từ 2 nhà đầu tư đăng ký mua trở lên, hoặc (2) theo phương thức bán thỏa thuận trực tiếp trong trường hợp chỉ có một nhà đầu tư đăng ký mua doanh nghiệp hợp lệ và được cấp có thẩm quyền cho phép.

Điều kiện thực hiện: (i) Xử lý dứt điểm các hợp đồng xây dựng cơ bản dở dang chưa quyết toán để làm cơ sở để định giá, khả năng thu hồi các khoản đầu tư đã bỏ ra thấp và thị trường ngành đóng tàu và dầu khí có sự phục hồi trở lại để hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước; (ii) Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khẩn trương chỉ đạo thuê tư vấn xác định giá trị của tàu 104.000 DWT để làm cơ sở kiểm toán, quyết toán bàn giao tàu và mời Kiểm toán Nhà nước tiến hành thẩm định kết quả đã kiểm toán của tổ chức tư vấn để xác định giá trị tàu.

+ Phương án 2: Phá sản Công ty DQS theo quy định của pháp luật.

Nội dung của phương án: Thực hiện các công việc theo trình tự và thủ tục được quy định tại Luật Phá sản, Nghị định số 22/2015/NĐ-CP và các văn bản pháp lý có liên quan.

Điều kiện và khả năng để thực hiện phương án: (i) Theo tính toán, hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn là 0,36 ở mức dưới 1 cho thấy khả năng thanh toán không được đảm bảo (DQS không thể thực hiện nghĩa vụ thanh toán đối với các khoản nợ đến hạn). Hệ số nợ là 1,2 và tỷ suất tài trợ là -20,02% cho thấy DQS không tự chủ về tài chính; (ii) Nguồn vốn chủ sở hữu đã bị âm do thua lỗ, tổng tài sản không thể đảm bảo cho khả năng thanh toán các khoản nợ của DQS; (iii) Hệ số đầu tư vào tài sản dài hạn là 0,57, lớn hơn 0,5 cho thấy mức độ đầu tư để phục vụ sản xuất kinh doanh của Công ty về lâu dài là khó ổn định.

Như vậy, xét tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như các chỉ số tài chính của DQS hiện tại thì DQS đã lâm vào tình trạng phá sản. Do đó, việc thực hiện phá sản DQS tại thời điểm này là hoàn toàn phù hợp với các quy định của pháp luật về phá sản doanh nghiệp và Nhà nước/PVN sẽ không phải tiếp tục chịu nhiều rủi ro khác trong tương lai khi tiếp tục duy trì hoạt động của DQS.

+ Phương án 3: Tiếp tục tái cơ cấu Công ty DQS.

Nội dung của phương án: Tiếp tục tổ chức xử lý các tồn tại của DQS và tiến hành cổ phần hóa, đảm bảo doanh thu tối thiểu để DQS hoạt động có hiệu quả sau khi tái cơ cấu.

Điều kiện và khả năng để thực hiện phương án: Khả năng thực hiện phương án này là khó bởi gặp phải những khó khăn, rủi ro như đã nêu trên.

- Phương án chọn:

+ Chọn Phương án 1: Chuyển đổi sở hữu Công ty DQS thông qua định giá, bán đấu giá tài sản, công nợ. Trong trường hợp Phương án này thực hiện không thành công sẽ chuyển sang triển khai Phương án 2: Phá sản Công ty DQS theo quy định của pháp luật.

+ Các công việc để triển khai thực hiện phương án chọn: (i) Chuẩn bị các thủ tục để tiến hành phá sản Công ty theo luật định; (ii) Song song với đó, nghiên cứu và chuẩn bị sẵn các thủ tục trong trường hợp sẽ lựa chọn thực hiện Phương án 1, gồm: (i) Tập trung xử lý ở mức cao nhất những tồn tại, vướng mắc của Công ty, đặc biệt là về tài chính, công nợ... Trên cơ sở đó, sẽ xem xét để quyết định thời điểm chuyển nhượng Công ty một cách phù hợp; (ii) Xây dựng kế hoạch định giá tài sản Công ty để làm cơ sở triển khai thực hiện phương án chuyển đổi sở hữu Công ty; (iii) Tìm kiếm, thảo luận sơ bộ với các đối tác tiềm năng để thực hiện phương án chuyển đổi sở hữu Công ty; (iii) Trong thời gian thực hiện các công việc nêu trên, tiếp tục triển khai thực hiện việc xử lý dứt điểm những vướng mắc, tồn tại của Dự án đã được Ban Chỉ đạo của Chính phủ chỉ đạo để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty đảm bảo việc làm cho người lao động.

h) Dự án nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ

- Các phương án được xem xét:

+ Phương án 1: Khởi động, vận hành lại nhà máy, tái cơ cấu, cổ phần hóa và thoái vốn.

Nội dung của phương án: Phương án này được thực hiện theo hai bước, cụ thể như sau: Bước 1 - Khởi động lại Nhà máy và Bước 2: Thực hiện hợp tác với đối tác để sản xuất kinh doanh xơ PSF hoặc tái cơ cấu lại nhà máy và tự vận hành sản xuất kinh doanh, sau đó thoái vốn.

Điều kiện thực hiện: (i) PVTex phải tuyển dụng lại lao động do các lao động do có tay nghề tốt trong thời gian qua đã tìm kiếm công việc ở nơi khác; (ii) PVTex phải chấp nhận mất chi phí cho bảo dưỡng, bảo quản và tiện ích; (iii) PVTex sẽ phải chấp nhận mất một phần trong tổng số chi phí đã bỏ ra để khởi động lại nhà máy trong trường hợp xấu là Nhà máy vẫn có thể phải dừng sản xuất nếu thị trường quá xấu.

+ Phương án 2: PVTex chuyển nhượng Công ty

Nội dung phương án: Tiến hành định giá tài sản Công ty và tổ chức bán đấu giá công khai. Trường hợp bán đấu giá không thành công thì thực hiện chào bán cạnh tranh thông qua hình thức đấu giá bán cổ phần theo lô hoặc bán thỏa thuận trực tiếp với nhà đầu tư trong trường hợp bán đấu giá cổ phần theo lô không thành công (chỉ có một nhà đầu tư mua cổ phần hoặc được Thủ tướng Chính phủ cho phép bằng văn bản).

Điều kiện thực hiện: (i) PVN/PVFCCo phải chịu trách nhiệm xử lý toàn bộ nghĩa vụ nợ của PVTex (bao gồm cả các nghĩa vụ nợ có thể phát sinh sau thời điểm bàn giao); (ii) PVN sẽ phải ngay lập tức trả ngân hàng khoản vay đã đứng ra bảo lãnh cho PVTex (số tiền 224.85 triệu USD).

+ Phương án 3: Phá sản Công ty theo luật định

Nội dung phương án: Thực hiện các công việc theo trình tự và thủ tục được quy định tại Luật Phá sản, Nghị định số 22/2015/NĐ-CP và các văn bản pháp lý có liên quan.

Điều kiện thực hiện: (i) Các cổ đông PVN sẽ phải, chấp nhận mất khoản tiền đang cho PVTex vay là 439 tỷ đồng; (ii) Các cổ đông của PVTex sẽ mất hoàn toàn vốn chủ sở hữu và chịu trách nhiệm về các khoản nợ khác không có bảo lãnh được xử lý theo quy định của pháp luật; (iii) PVN phải ngay lập tức trả ngân hàng khoản vay đã đứng ra bảo lãnh cho PVTex số tiền 224,8 triệu USD theo Hợp đồng ban đầu với dư nợ hiện tại là 221 triệu USD; (iv) Các cổ đông của PVTex sẽ phải chịu các chi phí tại PVTex trong quá trình thực hiện thủ tục phá sản (khoảng 109,4 tỷ đồng), ngoài ra, có thể còn các chi phí chưa tính toán trước được từ các tranh chấp khiếu kiện khác; (v) PVTex có nguy cơ mất khoản nợ phải thu hiện nay khoảng 56 tỷ đồng (chủ yếu từ các đơn vị trong ngành) và khoảng 15,3 tỷ đồng đã đầu tư vào PVTex - Kinh Bắc.

- Phương án chọn:

+ Ưu tiên chọn Phương án 1: Khởi động, vận hành lại nhà máy, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn hoặc Phương án 2: PVTex chuyển nhượng Công ty. Trong trường hợp cả 2 phương án trên triển khai không thành công thì sẽ xem xét Phương án 3: Phá sản Công ty theo quy định của pháp luật.

+ Các công việc cần triển khai để thực hiện phương án chọn: (i) PVTex phải khởi động lại nhà máy. Để thực hiện được việc này PVTex phải có khoản kinh phí để khởi động lại nhà máy nên các cổ đông phải thống nhất góp thêm vốn; (ii) Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, trong đó có Tập đoàn Dệt may Việt Nam, ưu tiên sử dụng nguồn nguyên liệu xơ, sợi của PVTex; (iii) Xây dựng kế hoạch định giá tài sản Công ty để làm cơ sở triển khai thực hiện phương án chuyển đổi sở hữu Công ty; (iv) Tìm kiếm, thảo luận sơ bộ với các đối tác tiềm năng để thực hiện phương án chuyển đổi sở hữu Công ty; (v) Tiếp tục triển khai thực hiện việc xử lý dứt điểm những vướng mắc, tồn tại của Dự án khác đã được Ban Chỉ đạo của Chính phủ chỉ đạo để đảm bảo duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty.

i) Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam

Khẩn trương tháo gỡ các khó khăn vướng mắc để tiếp tục triển khai tổ chức bán đấu giá thành công đối với toàn bộ tài sản và hàng hóa tồn kho của Dự án; đồng thời, Tổng Công ty Giấy Việt Nam tiếp tục tập trung thu hồi các khoản nợ phải thu của Dự án; lập báo cáo tình hình thực hiện các khoản nợ phải thu, phải trả của Dự án đến thời điểm 31 tháng 12 năm 2016.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban Chỉ đạo Chính phủ

a) Tổ chức chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; triển khai xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương.

b) Tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện hàng năm, báo cáo Bộ Chính trị, Chính phủ kết quả chỉ đạo thực hiện Đề án. Trong trường hợp cần thiết, kiến nghị bổ sung các biện pháp xử lý các vướng mắc cụ thể đối với từng dự án, doanh nghiệp để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

2. Bộ Công Thương

a) Làm đầu mối kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện Đề án; báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo Chính phủ tại các cuộc họp Ban Chỉ đạo và tổng hợp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

b) Tập trung chỉ đạo quyết liệt các Tập đoàn, Tổng công ty khẩn trương giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc tranh chấp với nhà thầu ở các hợp đồng EPC để quyết toán gói thầu và tiến tới quyết toán toàn bộ dự án, doanh nghiệp và vướng mắc trong hợp đồng liên doanh với đối tác nước ngoài.

c) Giám sát các Tập đoàn, Tổng công ty và chủ đầu tư các dự án, doanh nghiệp thực hiện các giải pháp quản trị doanh nghiệp, đảm bảo tiết giảm tối đa chi phí sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các dự án, doanh nghiệp.

d) Chỉ đạo các Tập đoàn, Tổng công ty và chủ đầu tư các dự án, doanh nghiệp xây dựng phương án cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các dự án, doanh nghiệp.

đ) Bám sát, theo dõi thị trường và nghiên cứu khả năng tồn tại hành vi bán phá giá của các doanh nghiệp nước ngoài, làm cơ sở đánh giá thêm về khả năng áp dụng biện pháp chống bán phá giá, từ đó xây dựng các biện pháp, hàng rào kỹ thuật thương mại phù hợp với các cam kết quốc tế để bảo vệ sản xuất các sản phẩm của các dự án, doanh nghiệp;

e) Chủ trì, cùng các Bộ ngành, địa phương, cơ quan liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo đảm thực hiện lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống theo đúng nội dung quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành.

3. Bộ Tài chính

a) Hướng dẫn các Tập đoàn, Tổng công ty và chủ đầu tư dự án, doanh nghiệp thực hiện giảm mức trích khấu hao cơ bản tài sản cố định phù hợp với điều kiện thực tế của các dự án, doanh nghiệp đảm bảo việc trả nợ các khoản vay ngân hàng.

b) Đề xuất việc xử lý, cơ cấu lại các khoản nợ vay của các dự án, doanh nghiệp tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

4. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng căn cứ vào quy định pháp luật và khả năng tài chính để xem xét các biện pháp cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho vay, đồng thời xem xét tiếp tục cho vay để đảm bảo vốn phục vụ cho sản xuất, kinh doanh trên cơ sở phương án sản xuất khả thi và có khả năng trả nợ của các dự án, doanh nghiệp.

5. Ngân hàng Phát triển Việt Nam

Xem xét, xử lý đề nghị của các Tập đoàn, Tổng công ty và chủ đầu tư các dự án, doanh nghiệp về việc cơ cấu các khoản nợ, giảm lãi suất cho vay đầu tư dự án.

6. Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Xây dựng

Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng có giải pháp hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp trong việc xử lý chất thải gypsum của các nhà máy sản xuất DAP và sử dụng thạch cao nhân tạo để sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng.

7. Bộ Tài nguyên và Môi trường

Chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án, doanh nghiệp đóng trên địa bàn chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ môi trường khu vực xung quanh các dự án, doanh nghiệp để phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố ô nhiễm môi trường, đồng thời chủ động phối hợp với chủ đầu tư các dự án, doanh nghiệp đề xuất xử lý dứt điểm vấn đề môi trường, nhất là bãi thải, chất thải và khí thải.

8. Bộ Tư pháp

Hỗ trợ tư vấn pháp lý cho các Tập đoàn, Tổng công ty và chủ đầu tư các dự án, doanh nghiệp trong việc giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc tranh chấp với nhà thầu tại các hợp đồng EPC và vướng mắc trong hợp đồng liên doanh với đối tác khi có đề nghị trợ giúp.

9. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ trì, phối hợp với một số Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xử lý vấn đề về quy hoạch giống, sản lượng sắn để bảo đảm nguồn cung nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học.

10. Thanh tra Chính phủ

Sớm hoàn thành và báo cáo kết quả thanh tra tại 12 dự án, doanh nghiệp theo chương trình, kế hoạch đã đề ra.

11. Kiểm toán Nhà nước

Xây dựng kế hoạch và thực hiện kiểm toán các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo phù hợp với tình hình thực tiễn và báo cáo kết quả kiểm toán với Ban Chỉ đạo.

12. Bộ Công an

a) Tiến hành rà soát kết quả thanh tra, kiểm toán đã thực hiện đối với các dự án, doanh nghiệp để nắm tình hình, điều tra, xác minh làm rõ về các sai phạm, dấu hiệu vi phạm pháp luật tại các dự án, doanh nghiệp.

b) Chủ động phối hợp với các Bộ ngành nắm tình hình quá trình thực hiện, kịp thời phát hiện các vấn đề phức tạp về an ninh để kiến nghị Ban Chỉ đạo điều chỉnh trong quá trình thực hiện xử lý các dự án, doanh nghiệp.

13. Các Tập đoàn: Hóa chất Việt Nam và Dầu khí Việt Nam; Các Tổng công ty: Thép Việt Nam và Giấy Việt Nam.

a) Củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo của các đơn vị mình; phân công, xác định rõ nhiệm vụ của từng đơn vị, người đứng đầu trong việc xử lý các dự án, doanh nghiệp thuộc đơn vị mình.

b) Tổ chức thực hiện đầy đủ các ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ ngành liên quan.

14. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Có trách nhiệm phối hợp và tổ chức thực hiện những nhiệm vụ, nội dung công tác thuộc lĩnh vực chịu trách nhiệm.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1468/QĐ-TTg năm 2017 về phê duyệt "Đề án xử lý các tồn tại,yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công thương" do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 1468/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 29/09/2017
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Trần Tuấn Anh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản