Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1467/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 24 tháng 08 năm 2015 |
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN CÁC THỊ TRƯỜNG KHU VỰC THỜI KỲ 2015 - 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015;
Căn cứ Quyết định số 2471/QĐ-TTg ngày 28 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 25 tháng 7 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương tại Tờ trình số 6646/TTr-BCT ngày 02 tháng 7 năm 2015,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án phát triển các thị trường khu vực thời kỳ 2015 - 2020, định hướng đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Đề án) với những nội dung chủ yếu sau đây:
I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, ĐỊNH HƯỚNG
1. Quan điểm phát triển các thị trường khu vực
a) Đẩy mạnh và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu của Việt Nam nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển, tạo công ăn việc làm cho người lao động, giải quyết các vấn đề xã hội; đồng thời tăng thu ngoại tệ cho đất nước, nâng cao trình độ kỹ thuật công nghệ phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
b) Phát triển xuất khẩu theo hướng tăng trưởng bền vững, phù hợp với đặc điểm của từng thị trường khu vực, bảo đảm vừa mở rộng quy mô xuất khẩu vừa chú trọng nâng cao giá trị gia tăng xuất khẩu.
c) Phát triển thị trường xuất khẩu phù hợp với chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên cơ sở Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 - 2020, Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030.
d) Định hướng và đẩy mạnh xuất khẩu theo các thị trường khu vực: Đông Nam Á, Đông Bắc Á, thị trường nói tiếng Trung Quốc, Châu Đại Dương, Châu Âu (Liên minh Châu Âu, Trung và Đông Âu, Nga và các nước SNG), Hoa Kỳ và Ca-na-da, Mỹ La-tinh, Châu Phi, Tây Á và Nam Á.
a) Mục tiêu chung
Phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đến năm 2020 đạt 300 tỷ USD; tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân từ 11% - 12%/năm trong giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2020; phấn đấu cân bằng thương mại ổn định vào năm 2020 và đạt thặng dư thương mại bền vững từ năm tiếp theo.
b) Mục tiêu cụ thể
Phù hợp với đặc thù và tình hình xuất khẩu tại mỗi thị trường khu vực, mục tiêu xuất khẩu cụ thể đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 cho từng thị trường khu vực như sau:
- Đông Nam Á đạt khoảng 30 tỷ USD vào năm 2020; tăng trưởng xuất khẩu trung bình 10% giai đoạn 2015 - 2020 và từ 9% - 10% giai đoạn 2020 - 2030.
- Đông Bắc Á đạt khoảng 45 tỷ USD vào năm 2020; tăng trưởng xuất khẩu trung bình 11% giai đoạn 2015 - 2020 và từ 10% -11% giai đoạn 2020 - 2030;
- Thị trường nói tiếng Trung Quốc đạt khoảng 35 tỷ USD vào năm 2020; tăng trưởng xuất khẩu trung bình 10% giai đoạn 2015 - 2020 và từ 9% - 10% giai đoạn 2020 - 2030;
- Châu Đại Dương đạt khoảng 10 tỷ USD vào năm 2020; tăng trưởng xuất khẩu trung bình 6% giai đoạn 2015 - 2020 và từ 6% - 8% giai đoạn 2020 -2030;
- Châu Âu đạt khoảng 60 tỷ USD vào năm 2020; tăng trưởng xuất khẩu trung bình 15% giai đoạn 2015 - 2020 và từ 10% - 14% giai đoạn 2020 - 2030;
- Hoa Kỳ và Ca-na-da đạt khoảng 70 tỷ USD vào năm 2020; tăng trưởng xuất khẩu trung bình 15% giai đoạn 2015 - 2020 và từ 12% - 15% giai đoạn 2020 - 2030;
- Mỹ La-tinh đạt khoảng 10 tỷ USD vào năm 2020; tăng trưởng xuất khẩu trung bình 15% giai đoạn 2015 - 2020 và từ 15% - 18% giai đoạn 2020 - 2030;
- Châu Phi đạt khoảng 13 tỷ USD vào năm 2020; tăng trưởng xuất khẩu trung bình 25% giai đoạn 2015 - 2020 và từ 15% - 20% giai đoạn 2020 - 2030;
- Tây Á đạt khoảng 18 tỷ USD vào năm 2020; tăng trưởng xuất khẩu trung bình 15% giai đoạn 2015 - 2020 và 13% giai đoạn 2020 - 2030;
- Nam Á đạt khoảng 9 tỷ USD vào năm 2020; tăng trưởng xuất khẩu trung bình 15% giai đoạn 2015 - 2020 và 12% giai đoạn 2020 - 2030.
3. Định hướng phát triển thị trường
a) Định hướng chung
- Củng cố vững chắc và từng bước mở rộng thị phần hàng hóa Việt Nam tại các thị trường truyền thống bao gồm Đông Nam Á, Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc), Trung Quốc, Ô-xtrây-li-a, Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu (EU), Nga và các nước Đông Âu, Ca-na-da, Ấn Độ. Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tập trung và tạo bước đột phá mở rộng thị trường xuất khẩu mới, có tiềm năng tại khu vực Châu Phi, Mỹ La-tinh, Trung Đông và Ấn Độ;
- Giảm bớt sự phụ thuộc của xuất khẩu vào một số thị trường nhất định nhằm hạn chế rủi ro trước những biến động của thị trường cũng như các yếu tố kinh tế, chính trị khu vực và thế giới.
- Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại tại những thị trường truyền thống và thị trường mới tiềm năng; tham gia sâu, rộng vào hệ thống phân phối tại các thị trường khu vực, đặc biệt là thị trường khu vực Châu Mỹ và Châu Âu.
- Khai thác và tận dụng tốt cơ hội mở cửa thị trường theo lộ trình cắt giảm thuế quan và dỡ bỏ các rào cản phi thuế quan để đẩy mạnh xuất khẩu; nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang các thị trường đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA); đẩy mạnh hoạt động đàm phán thương mại song phương và đa phương, tạo thuận lợi cho xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các nước phát triển đã ký FTA với Việt Nam để tiếp nhận công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia ngày càng sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
b) Định hướng cụ thể
Định hướng phát triển thị trường, mặt hàng trọng điểm tại từng thị trường khu vực như sau:
- Đông Nam Á: Tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường Xinh-ga-po, Ma-lai-xi-a, Thái Lan, In-đô-nê-xi-a và các thị trường còn nhiều tiềm năng xuất khẩu là Lào, Cam-pu-chia, Mi-an-ma.
Về mặt hàng, tăng cường xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo có hàm lượng công nghệ cao, nguyên liệu đầu vào là sản phẩm trong nước; tiếp tục đẩy mạnh và duy trì xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản, đặc biệt là các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như gạo, thực phẩm, rau quả, cà phê, ca cao, sản phẩm cao su, thủy sản.
- Đông Bắc Á: Tập trung đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc theo hướng cân bằng thương mại và Nhật Bản theo hướng duy trì ổn định thặng dư thương mại.
Về mặt hàng, tăng cường xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản nhóm hàng dệt may, thủy sản, thực phẩm chế biến, sản phẩm ngũ cốc, rau quả đông lạnh và tươi sống, sắn và các sản phẩm từ sắn, giày dép, xơ sợi dệt các loại, sản phẩm cao su, gỗ và sản phẩm từ gỗ, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, hàng gia dụng, sản phẩm cơ khí, sản phẩm điện tử tin học.
- Thị trường nói tiếng Trung Quốc: Tập trung đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan nhằm giúp giảm dần nhập siêu, giảm xuất khẩu nguyên nhiên liệu thô, tăng cường xuất khẩu mặt hàng có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, sử dụng nguyên liệu đầu vào xuất xứ trong nước.
Về mặt hàng, tăng cường xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản gồm rau quả, thủy sản, thịt gia súc gia cầm, hạt điều, sắn lát, sản phẩm cao su; nhóm hàng công nghiệp gồm sản phẩm dệt may, giày dép, sản phẩm nhựa, máy vi tính và linh kiện, dây và cáp điện, hàng tiêu dùng, đồ gia dụng, gỗ nội thất nguồn gốc tự nhiên...
- Châu Đại Dương: Đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Ô-xtrây-li-a và Niu-Di-Lân.
Về mặt hàng, tăng cường xuất khẩu nhóm hàng có hàm lượng công nghệ cao (điện thoại, máy ảnh và linh kiện); đồng thời nghiên cứu, phát triển xuất khẩu nhóm hàng dệt may, rau quả, cà phê, ca cao, sản phẩm cao su, phân bón.
- Châu Âu: Đẩy mạnh xuất khẩu nhằm duy trì vững chắc và mở rộng thị phần xuất khẩu tại các thị trường Đức, Pháp, Hà Lan, Anh, I-ta-li-a và các nước thành viên Liên minh kinh tế Á - Âu.
Về mặt hàng, thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng có hàm lượng công nghệ cao, sản xuất chế tạo và chế biến có giá trị gia tăng cao nhằm khai thác tốt lợi thế về thuế khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU có hiệu lực; đẩy mạnh xuất khẩu nhóm hàng sản phẩm cao su, hàng thủ công mỹ nghệ, giày dép, dệt may, thủy sản, cà phê, chè, hạt tiêu, điện tử, điện thoại; đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường các nước là thành viên Liên minh kinh tế Á - Âu nhóm hàng thực phẩm, gạo, dệt may, đồ da, đồ gỗ, thủy sản, hàng điện tử, điện thoại.
- Châu Mỹ: Tiếp tục củng cố và mở rộng thị phần xuất khẩu tại thị trường Hoa Kỳ, Ca-na-đa và Mê-hi-cô; thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường Ác-hen-ti-na, Bra-xin, Chi Lê, Pê-ru.
Về mặt hàng, đối với thị trường Hoa Kỳ, Ca-na-đa và Mê-hi-cô, thúc đẩy xuất khẩu những nhóm hàng có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt nhóm hàng dệt may, da giày, điện, điện tử, đồ gỗ, cơ khí; đối với khu vực Mỹ La-tinh, thúc đẩy xuất khẩu nhóm hàng giày dép, ba lô, túi xách, nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ, dệt may, điện, điện tử, cơ khí, động cơ điện, thiết bị máy móc, đồ gỗ.
- Châu Phi: Đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Ai Cập, An-giê-ri, Ma- rốc, Cộng hòa Nam Phi, Ăng-gô-la, Mô-dăm-bích, Bờ Biển Ngà, Gha-na, Ni-giê-ri-a, Xê-nê-gan, Ê-ti-ô-pi-a, Kên-ny-a, Tan-da-ni-a, Ca-mơ-run và Cộng hòa Công-gô.
Về mặt hàng, thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng gạo, cà phê, hạt tiêu, điện thoại di động, thủy sản, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, dệt may, giày dép, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng, xơ sợi dệt các loại.
- Tây Á: Đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE), Thổ Nhĩ Kỳ, Ả-rập Xê-Út, I-xra-en, Li-băng.
Về mặt hàng, thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng điện thoại, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện tử gia dụng, dây và cáp điện, vật liệu xây dựng, nông sản các loại, thực phẩm chế biến, thủy sản, sợi, dệt may, giày dép, sữa và sản phẩm sữa, sản phẩm cao su, sản phẩm gỗ, gốm sứ, sắt thép, hàng thủ công mỹ nghệ và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác.
- Nam Á: Đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ, Pa-ki-xtan, Băng-la-đét và Xri Lan-ca.
Về mặt hàng, thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản, lương thực, chè, cà phê, sản phẩm cao su, hạt tiêu, nhiên liệu, thiết bị điện và điện tử, nhựa và sản phẩm nhựa, sản phẩm gỗ.
1. Đẩy mạnh hoạt động đàm phán song phương, đa phương
a) Nghiên cứu, đẩy mạnh công tác đàm phán, ký kết và triển khai thực hiện các điều ước quốc tế song phương, đa phương mới
- Đàm phán, ký kết và triển khai thực hiện Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA), giữa Việt Nam và Hiệp hội mậu dịch tự do Châu Âu (EFTA), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc, Hiệp định xúc tiến và tạo thuận lợi thương mại trong khu vực Tam giác phát triển Cam-pu-chia, Lào, Việt Nam; Hiệp định biên mậu giữa Việt Nam với Lào, Việt Nam với Cam-pu-chia.
- Nghiên cứu, đề xuất ký kết Thỏa thuận thương mại với các đối tác có tiềm năng đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt đối với nhóm hàng nông, lâm, thủy sản là thế mạnh của Việt Nam gồm: Ma-lai-xi-a, Đông Timo, Cộng hòa Pa-lau, Cộng hòa Va-nu-a-tu; Trung Quốc, Đài Loan, I-xra-en, EU, Ma-đa-gát-xca, Cộng hòa Công-gô, Buốc-ki-na Pha-xô, Bờ Biển Ngà, Ăng-gô-la, Cu-ba.
b) Rà soát tình hình thực hiện để đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ký mới cho phù hợp với tình hình thực tế và những cam kết quốc tế mới của Việt Nam, nhất là các thỏa thuận dưới đây:
- Hiệp định khu vực mậu dịch tự do: Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA); các Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA), ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), ASEAN - Ô-xtơ-rây-li-a - Niu Di-lân (AANZFTA); ASEAN - Nhật Bản (AJCEP), ASEAN - Ấn Độ (AIFTA); Hiệp định thương mại tự do song phương Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA), Việt Nam - Chi-lê.
- Hiệp định tránh đánh thuế hai lần Việt Nam - Hoa Kỳ, Hiệp định thành lập Ủy ban hỗn hợp với Pa-le-xtin; Hiệp định thương mại giữa Việt Nam với các đối tác Cam-pu-chia, In-đô-nê-xi-a, Mi-an-ma, Phi-lip-pin, Xinh-ga-po; Hiệp định ưu đãi thương mại (PTA) với Xri Lan-ca;
- Bản thỏa thuận thương mại gạo giữa Việt Nam với Phi-lip-pin và In-đô-nê-xi-a; Bản thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương Việt Nam và Cam-pu-chia; Hiệp định về mua bán hàng hóa vùng biên giới Việt Nam - Trung Quốc; Bản thỏa thuận về Thương mại gạo với Băng-la-đét; tái khởi động việc yêu cầu Hoa Kỳ trao Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập cho Việt Nam.
c) Nghiên cứu đề xuất cơ chế hợp tác với các nước có cùng thế mạnh về sản phẩm xuất khẩu hoặc có thế mạnh trong thương mại quốc tế để xuất khẩu và trung chuyển hàng hóa của Việt Nam sang nước thứ ba
- Các nước và nền kinh tế có cùng thế mạnh về sản phẩm xuất khẩu trong khu vực như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN (Thái Lan, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Cam-pu-chia, Mi-an-ma) và một số quốc gia khu vực Nam Á (Ấn Độ, Bang-la-đét)...
- Các nước và nền kinh tế có thế mạnh trong thương mại quốc tế và trung chuyển hàng hóa xuất khẩu như Xinh-ga-po, Hồng Kông.
d) Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến các cam kết, chính sách và giới thiệu tiềm năng thị trường từ các điều ước quốc tế trong lĩnh vực thương mại
- Triển khai công tác tuyên truyền sâu rộng các nội dung về Cộng đồng kinh tế ASEAN, các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam ký kết với các nước, khối nước và khu vực kinh tế; về cơ hội, thách thức trong cam kết hội nhập, cách thức lồng ghép nội dung hội nhập kinh tế quốc tế vào chiến lược phát triển của địa phương, doanh nghiệp.
- Thực hiện toàn diện công tác thông tin tuyên truyền đối với các Hiệp định đang trong quá trình đàm phán và mới ký kết như TPP, RCEP, EVFTA, EFTA, Liên minh kinh tế Á - Âu, Hiệp định thương mại Việt Nam - Lào...
a) Định kỳ hàng năm tiến hành rà soát, thúc đẩy việc triển khai kết quả các kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ, Ủy ban hỗn hợp, Tiểu ban hỗn hợp; triển khai tích cực, có hiệu quả cơ chế họp này trong đó thường xuyên nghiên cứu, đề xuất phương thức hợp tác mới thúc đẩy xuất khẩu; đồng thời tìm phương án xử lý hiệu quả đối với những vấn đề tồn tại, phát sinh gây cản trở cho hoạt động trao đổi thương mại. Trước mắt triển khai đối với Ủy ban hỗn hợp Kinh tế - Thương mại Việt Nam - Niu Di-lân; Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam - Triều Tiên về hợp tác kinh tế khoa học và kỹ thuật, Việt Nam - Hàn Quốc về hợp tác trong lĩnh vực điện hạt nhân, năng lượng và công nghiệp; Ủy ban hỗn hợp Thương mại Việt Nam - Ma-lai-xi-a.
b) Nghiên cứu, xác định các thị trường mới, thị trường tiềm năng để đề xuất, thiết lập các cơ chế hợp tác Ủy ban liên Chính phủ, Ủy ban hỗn hợp, Tiểu ban hỗn hợp hỗ trợ thúc đẩy trao đổi thương mại.
c) Tăng cường cơ chế trao đổi thông tin ở các cấp hoạch định và thực thi chính sách để xử lý vướng mắc, rào cản thương mại và các vấn đề nổi cộm lớn, đặc biệt là vấn đề kiểm dịch động thực vật, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tại các thị trường có yêu cầu khắt khe về điều kiện nhập khẩu (Hàn Quốc, Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân, EU, Hoa Kỳ).
d) Khuyến khích doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước trong công tác đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế về kinh tế, thương mại để mở rộng thị trường xuất khẩu.
a) Thực hiện các giải pháp tổng thể hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường ngoài nước, đặc biệt là tại các hội chợ chuyên ngành thường niên uy tín giúp kết nối với các hệ thống phân phối và thu hút được nhiều đối tác trên thế giới tại các thị trường trọng điểm đã định hướng tại Khoản 3 Mục I Điều 1 Quyết định này.
b) Tăng cường công tác xây dựng, quảng bá thương hiệu hàng hóa Việt Nam gắn với các hoạt động xúc tiến thương mại tại các thị trường xuất khẩu nhằm xây dựng hình ảnh, tạo cơ sở phát triển xuất khẩu hàng Việt Nam ổn định, vững chắc. Ưu tiên hỗ trợ thâm nhập thị trường nước ngoài đối với các thương hiệu hàng hóa thuộc Chương trình Thương hiệu quốc gia.
c) Đẩy mạnh công tác khảo sát thị trường, xúc tiến thương mại để phát triển xuất khẩu, đưa hàng Việt Nam tới các thị trường mới tại khu vực Châu Phi và Mỹ La-tinh; các thị trường tiềm năng khu vực Bắc Âu, Đông Âu và SNG, khu vực Nam Thái Bình Dương (Đông Timo, Pa-lau, Va-nu-a-tu), khu vực Đông Bắc Á (Mông Cổ, Triều Tiên), một số bang vùng Trung Hoa Kỳ.
a) Tăng cường công tác ngoại giao phục vụ kinh tế nhằm thúc đẩy xuất khẩu và quan hệ thương mại song phương với các quốc gia, vùng lãnh thổ có quan hệ ngoại giao; đổi mới mô hình tổ chức để tạo sự chủ động và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Thương vụ, cơ quan xúc tiến thương mại của Việt Nam ở nước ngoài. Hoạt động ngoại giao phục vụ kinh tế cần được triển khai gắn với Chương trình xúc tiến thương mại, phát triển xuất khẩu của Việt Nam ở nước ngoài;
b) Tăng cường công tác nghiên cứu chính sách, pháp luật, xu hướng phát triển kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học, công nghệ và các vấn đề liên quan khác có tác động đến quan hệ thương mại với Việt Nam; phối hợp và chỉ đạo Thương vụ kịp thời thông báo, đề xuất giải pháp ứng phó với những thay đổi tại thị trường của nước sở tại để tiếp tục duy trì và đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam.
c) Hỗ trợ Bộ Công Thương, các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách nhằm động viên, khuyến khích doanh nghiệp, Hiệp hội và người Việt Nam ở nước ngoài từng bước xây dựng kênh phân phối hàng hóa Việt Nam tại nước sở tại.
d) Phối hợp với Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất việc mở rộng hệ thống Thương vụ và văn phòng xúc tiến thương mại tại các thị trường khu vực Châu Mỹ, Châu Phi, Trung Quốc.
5. Củng cố các thị trường xuất khẩu truyền thống, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu
a) Củng cố, phát triển nhóm thị trường trọng điểm và những mặt hàng xuất khẩu thế mạnh nêu tại Khoản 3 Mục I Điều 1 Quyết định này. Nghiên cứu, xây dựng chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu của các nhóm ngành hàng xuất khẩu chủ lực trong từng thời kỳ nhằm mở rộng và duy trì ổn định thị trường xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam.
b) Nghiên cứu, xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào mạng lưới sản xuất, phân phối ở nước ngoài. Tích cực hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp chủ động tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu với hàng hóa có thương hiệu, giá trị gia tăng cao. Tăng cường cơ chế hợp tác toàn diện với hệ thống phân phối lớn ở các thị trường khu vực.
c) Nghiên cứu, phát triển xuất khẩu sản phẩm Halal sang các thị trường người Hồi giáo tại Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Bru-nây; các nước cộng hòa SNG; Trung Á; Pa-kit-xtan, các nước Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), I-ran, Giooc-đa-ni, các nước Bắc Phi, Đông Phi. Tăng cường công tác tuyên truyền, trao đổi thông tin về tiềm năng thị trường sản phẩm Halal tới cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
6. Ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại và tranh chấp thương mại quốc tế
a) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, tập huấn để nâng cao kiến thức của các cơ quan quản lý nhà nước liên quan, hiệp hội, doanh nghiệp, luật sư, chuyên gia kinh tế, pháp lý về pháp luật cạnh tranh, chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ, về các vụ điều tra phòng vệ thương mại, vụ kiện trong thương mại quốc tế cũng như quy định, thủ tục điều tra của một số nước thường xuyên tiến hành các biện pháp phòng vệ thương mại trong thương mại quốc tế.
b) Khuyến khích doanh nghiệp chủ động phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong chuẩn bị, ứng phó và tham gia vào các vụ việc cụ thể để đảm bảo các quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, hàng hóa Việt Nam tại thị trường nước ngoài.
c) Tiếp tục củng cố và triển khai hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại.
7. Nâng cao năng lực của doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng
a) Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chiến lược xuất khẩu của doanh nghiệp phù hợp với đặc thù từng thị trường khu vực; hình thành đại diện của doanh nghiệp, Hiệp hội ở các thị trường khu vực trọng điểm bao gồm EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, các thị trường tại khu vực Châu Phi, Mỹ La-tinh; nghiên cứu, đầu tư mở kho ngoại quan ở các nước có khoảng cách địa lý xa Việt Nam tại Châu Phi, Châu Mỹ, Châu Âu để hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu.
b) Nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, sản phẩm xuất khẩu thông qua đầu tư đổi mới công nghệ và quy trình sản xuất sản phẩm hàng hóa đạt quy chuẩn và tiêu chuẩn của thị trường quốc gia phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng các phương thức quản lý và liên kết doanh nghiệp hiện đại.
1. Bộ Công Thương
a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp triển khai thực hiện Đề án đối với các nhiệm vụ sau đây:
- Đẩy mạnh công tác đàm phán song phương và đa phương;
- Phối hợp với các nước đối tác để thiết lập và triển khai các cơ chế trao đổi thông tin cấp Chính phủ, xử lý các rào cản thương mại và các vấn đề vướng mắc trong quan hệ thương mại với các nước đối tác;
- Triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó ưu tiên các thị trường trọng điểm, có tiềm năng theo định hướng đề ra tại Đề án này, cụ thể:
+ Phối hợp với Bộ Ngoại giao, Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài để triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, nghiên cứu chính sách, thông tin thị trường và xây dựng mạng lưới các đầu mối tiếp cận thông tin và các đối tác thương mại tại nước sở tại.
+ Xây dựng kế hoạch phát triển xuất khẩu tại các thị trường truyền thống và các thị trường mới, có tiềm năng gắn với phát triển thương hiệu hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam;
- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về cam kết hội nhập, các chính sách mới và tiềm năng thị trường tới cộng đồng doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng những lợi thế, ưu đãi mà cam kết mang lại; tuyên truyền, phổ biến kiến thức về pháp luật chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ tới cộng đồng các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư mở kho ngoại quan; khuyến khích thiết lập hiện diện thương mại phục vụ công tác xúc tiến và hoạt động của doanh nghiệp tại thị trường nước ngoài, đặc biệt tại các nước có khoảng cách địa lý xa Việt Nam.
b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, đánh giá việc triển khai thực hiện và đề xuất sửa đổi, bổ sung Đề án nếu cần thiết; tiến hành tổng kết sau 05 năm thực hiện Đề án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện và đề xuất phương hướng tổ chức thực hiện Đề án này cho giai đoạn tiếp theo.
2. Bộ Ngoại giao
a) Chỉ đạo các Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài hỗ trợ công tác phát triển thị trường, xúc tiến xuất khẩu hàng hóa Việt Nam; tạo điều kiện về các nguồn lực cần thiết để triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm hiểu thông tin thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam và hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thâm nhập thị trường nước ngoài.
b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan xây dựng, triển khai các hoạt động ngoại giao phục vụ kinh tế trên cơ sở kết hợp với các hoạt động phát triển thị trường, xúc tiến thương mại của Việt Nam tại nước sở tại cũng như giải quyết các tranh chấp thương mại, bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế của Việt Nam.
c) Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan xây dựng cơ chế cung cấp, trao đổi thông tin giữa Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài với các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp về chính sách, tình hình thị trường nước sở tại.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư
a) Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài để hỗ trợ xuất khẩu theo hướng khuyến khích chuyển giao công nghệ, phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao tỷ trọng sản xuất hàng xuất khẩu từ nguyên liệu trong nước, giảm dần tỷ trọng hàng gia công lắp ráp.
b) Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các quy định về đầu tư ra nước ngoài, mô hình quản lý đầu tư ra nước ngoài nhằm tạo điều kiện thuận lợi và định hướng cho các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài an toàn, hiệu quả.
c) Quy định đồng bộ, cụ thể các biện pháp khuyến khích và hỗ trợ đầu tư ra nước ngoài, trong đó chú trọng các biện pháp hỗ trợ về cung cấp thông tin về môi trường, cơ hội đầu tư ở nước ngoài, bảo hộ quyền lợi của doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài trong quá trình đầu tư, kinh doanh ở nước ngoài.
d) Thu hút, điều phối và quản lý sử dụng vốn ODA có hiệu quả nhằm hỗ trợ tăng cường và nâng cao năng lực thể chế, năng lực cạnh tranh đối với sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam.
4. Bộ Tài chính
a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, các Bộ, ngành liên quan bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ của Đề án, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phát triển thị trường xuất khẩu.
b) Tăng cường hợp tác với cơ quan hải quan các nước có chung đường biên giới với Việt Nam trong việc trao đổi thông tin, phối hợp điều tra chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới nhằm lành mạnh hóa và phát triển bền vững hoạt động thương mại biên giới, đồng thời đáp ứng được yêu cầu quản lý và bảo vệ lợi ích kinh tế quốc gia.
5. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đàm phán, ký thỏa thuận hợp tác với cơ quan đồng cấp của các đối tác thương mại chủ yếu của Việt Nam (EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Trung Quốc,..) trong lĩnh vực kiểm nghiệm, kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng nông, lâm, thủy sản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa nông, lâm, thủy sản của doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp các nước.
b) Khuyến khích phát triển sản xuất và tăng cường quản lý chất lượng hàng xuất khẩu, nhất là các khâu nuôi trồng, sản xuất, thu hoạch, chế biến các mặt hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu chủ lực; từng bước xây dựng thương hiệu hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam, góp phần bảo vệ và phát triển thị trường xuất khẩu.
c) Phối hợp với Bộ, ngành và các đơn vị liên quan phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức của doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu về các loại rào cản thị trường liên quan đến hàng nông, lâm, thủy sản để ngăn ngừa rủi ro cho hoạt động xuất khẩu.
6. Bộ Tư pháp
Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong việc rà soát, thẩm định nội dung các Hiệp định thương mại, các bản Thỏa thuận hợp tác song phương và đa phương; đồng thời nghiên cứu đề xuất việc ký mới, bổ sung các Hiệp định thương mại đã hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp với tình hình thực tế.
7. Các Bộ, ngành và địa phương
Tổ chức, nghiên cứu, xây dựng chính sách phát triển thị trường xuất khẩu thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ quản lý được giao phù hợp với nội dung Đề án này và cam kết quốc tế tại các Hiệp định và thỏa thuận đa phương, song phương đã được ký kết.
8. Các doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng
a) Chủ động triển khai các giải pháp nêu tại Khoản 7 Mục II Điều 1 Quyết định này.
b) Phối hợp với Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan tiến hành các hoạt động nghiên cứu, khảo sát thị trường và xúc tiến xuất khẩu.
c) Nghiên cứu, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài đầu tư mở kho ngoại quan, thiết lập hiện diện thương mại tại các nước có khoảng cách địa lý xa Việt Nam, phục vụ tốt công tác nghiên cứu thị trường và hỗ trợ cho xuất khẩu.
d) Tăng cường quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp và người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt tại các thị trường có số lượng người Việt Nam ở nước ngoài lớn, có hệ thống kênh phân phối hàng hóa để đưa các sản phẩm hàng hóa đặc trưng, sản xuất và chế biến tại Việt Nam thâm nhập thị trường.
9. Kinh phí triển khai thực hiện Đề án
a) Kinh phí thực hiện Đề án được bảo đảm từ nguồn Ngân sách nhà nước; tự chủ của doanh nghiệp; các nguồn vốn tài trợ, hỗ trợ hợp pháp khác.
b) Căn cứ các nhiệm vụ được giao tại Đề án này, các Bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng kế hoạch hoạt động hàng năm, dự toán vào kinh phí sự nghiệp của cơ quan, đơn vị trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. THỦ TƯỚNG |
- 1Công văn số 1201/TTg-KTN về việc phê duyệt danh mục dự án Hỗ trợ kỹ thuật "Hỗ trợ phát triển thị trường vốn và tăng cường năng lực khu vực tài chính" do Ngân hàng Phát triển châu Á tài trợ do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Công văn 585/VPCP-KTTH năm 2014 Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam giai đoạn 2014-2020 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3Công văn 4497/VPCP-KTTH năm 2015 về Đề án phát triển các thị trường khu vực do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 4Chỉ thị 18/CT-BCT thực hiện giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2015 và dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 do Bộ Công thương ban hành
- 5Công văn 2714/VPCP-KTTH năm 2016 về tình hình và chính sách, giải pháp quản lý, phát triển thị trường bán lẻ trong nước do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 6Quyết định 1463/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Đề án phát triển mạng lưới doanh nghiệp dịch vụ môi trường đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1Luật Tổ chức Chính phủ 2001
- 2Công văn số 1201/TTg-KTN về việc phê duyệt danh mục dự án Hỗ trợ kỹ thuật "Hỗ trợ phát triển thị trường vốn và tăng cường năng lực khu vực tài chính" do Ngân hàng Phát triển châu Á tài trợ do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 2471/QĐ-TTg năm 2011 Phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 950/QĐ-TTg năm 2012 về Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Công văn 585/VPCP-KTTH năm 2014 Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam giai đoạn 2014-2020 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 6Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 do Chính phủ ban hành
- 7Công văn 4497/VPCP-KTTH năm 2015 về Đề án phát triển các thị trường khu vực do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 8Chỉ thị 18/CT-BCT thực hiện giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2015 và dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 do Bộ Công thương ban hành
- 9Công văn 2714/VPCP-KTTH năm 2016 về tình hình và chính sách, giải pháp quản lý, phát triển thị trường bán lẻ trong nước do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 10Quyết định 1463/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Đề án phát triển mạng lưới doanh nghiệp dịch vụ môi trường đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Quyết định 1467/QĐ-TTg năm 2015 phê duyệt Đề án phát triển thị trường khu vực thời kỳ 2015 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 1467/QĐ-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 24/08/2015
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Hoàng Trung Hải
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 975 đến số 976
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra