Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1464/QĐ-UBND

Bắc Giang, ngày 14 tháng 07 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI CHIẾN DỊCH TIÊM VẮC XIN PHÒNG COVID-19 GIAI ĐOẠN 2021-2022 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19;

Căn cứ Quyết định số 1421/QĐ-BYT ngày 09/7/2021 của UBND tỉnh Bắc Giang về việc thành lập Ban chỉ đạo triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang;

Theo đề nghị của Sở Y tế tại Tờ trình số 270/TTr-SYT ngày 12/7/2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 giai đoạn 2021-2022 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang”.

Điều 2. Kế hoạch này là căn cứ để các sở, cơ quan, địa phương trong tỉnh xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19. Kế hoạch này sẽ được cập nhật, bổ sung theo tình hình dịch và khả năng cung ứng vắc xin.

Điều 3. Quyết định này thay thế Quyết định số 436/QĐ-UBND ngày 11/3/2021 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 giai đoạn 2021-2022 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Điều 4. Giám đốc các sở, Thủ trưởng các cơ quan thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- BCĐ Quốc gia PCD COVID-19;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Y tế;
- TT Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các thành viên UBND tỉnh;
- VP Tỉnh ủy, VP Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh;
- Các thành viên BCĐ triển khai Chiến dịch;
- Văn phòng UBND tỉnh: LĐVP, TH, KT.
- Lưu: VT, KGVX.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Mai Sơn

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CHIẾN DỊCH TIÊM VẮC XIN PHÒNG COVID-19 NĂM 2021-2022 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1464/QĐ-UBND ngày 14/7/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh)

I. THỰC TRẠNG VÀ SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

1. Sự cần thiết xây dựng kế hoạch

Covid-19 là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm A do vi rút SARS-CoV-2 gây ra; đã và đang là mối đe dọa sức khỏe toàn cầu. Trên thế giới dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, tiềm ẩn nguy cơ lớn. Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan nhanh ở 222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tính đến ngày 10/7/2021 đã có hơn 187 triệu người mắc và hơn 4 triệu người tử vong. Đại dịch đã gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục và đời sống xã hội trên phạm vi toàn cầu.

Tại Việt Nam, tính đến 18h00 ngày 10/7/2021 cả nước đã ghi nhận 23.861 trường hợp mắc, đã có 105 trường hợp tử vong. Số ca Covid-19 đã được ghi nhận tại 60 tỉnh, thành phố; trong đó, Bắc Giang có số ca mắc đứng thứ 2 trên cả nước với tổng số mắc trên 5.700 trường hợp. Đợt dịch Covid-19 vừa qua, tỉnh Bắc Giang bằng tinh thần chủ động, triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống và nỗ lực vượt bậc; đến nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát, đẩy lùi.

Tuy nhiên, để thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội thì việc tiêm chủng vắc xin để phòng ngừa chủ động, tạo miễn dịch cộng đồng là giải pháp cần thiết và quan trọng để chống dịch bệnh (trên 70% dân số được tiêm phòng vắc xin COVID-19). Vắc xin phòng COVID-19 ngày càng trở nên cấp bách và là biện pháp căn cơ, hiệu quả, bền vững.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 18/5/2021 về việc mua vắc xin phòng COVID-19, Bộ Y tế đang khẩn trương triển khai ký kết hợp đồng mua vắc xin từ các nhà sản xuất, theo đó số lượng vắc xin từ nguồn mua, nguồn tài trợ của Tổ chức Y tế Thế giới và nguồn viện trợ của các nước sẽ có khoảng 120 triệu liều trong năm 2021. Để sẵn sàng tiếp nhận vắc xin từ Bộ Y tế và triển khai tiêm chủng cho nhân dân trong tỉnh trong năm 2021-2022, tỉnh Bắc Giang đã chủ động xây dựng kế hoạch để đáp ứng tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 sớm nhất, nhanh nhất và an toàn nhất ngay khi được Bộ Y tế phân bổ với số lượng vắc xin lớn. Vì vậy, việc xây dựng Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 với yêu cầu thực hiện tối đa 50.000 mũi tiêm/ngày là hết sức cần thiết và cấp bách.

2. Thực trạng nhân lực, hệ thống dây chuyền lạnh của tỉnh

a) Thực trạng nhân lực trong hệ thống tiêm chủng

Hiện nay, trên toàn tỉnh có 251 cơ sở tiêm chủng công lập và tư nhân thực hiện tiêm chủng dịch vụ, số nhân lực tại các tuyến tham gia công tác tiêm chủng mở rộng khoảng 1.410 cán bộ công lập và có khoảng 130 cán bộ chuyên môn của hệ thống tiêm chủng dịch vụ ngoài công lập.

b) Thực trạng hệ thống dây chuyền lạnh tại tuyến tỉnh, huyện cụ thể:

* Tủ bảo quản từ 2-8°C:

- Số tủ dung tích 240 lít (TCW4000AC): 12

- Số tủ dung tích 150 lít (TCW3000AC): 15

- Số tủ dung tích 150 lít (TCW3000): 11

- Tổng dung tích các tủ: 9.145 lít

- Số liều vắc xin được bảo quản theo tủ: 1.829.000 liều (ước tính một lít dung tích tủ bảo quản được 200 liều vắc xin)

- Như vậy, tổng thể chung của hệ thống dây chuyền lạnh của Bắc Giang có đủ năng lực tiếp nhận, bảo quản và phân phối vắc xin COVID-19 với điều kiện bảo quản nhiệt độ 2-8⁰C tại tỉnh và huyện.

(Chi tiết phụ lục I kèm theo)

* Tủ bảo quản âm từ -80°C đến -15 °C:

Hiện tại, trong hệ thống TCMR Bắc Giang chưa có hệ thống dây chuyền lạnh bảo quản vắc xin ở nhiệt độ này.

II. CĂN CỨ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

- Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm số 03/2007/QH12 ngày 21/11/2007.

- Luật Dược số 105/2016/QH13 ngày 06/4/2016.

- Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng.

- Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19;

- Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 08/06/2021 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2021;

- Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018 của Bộ Y tế quy định chi tiết một số điều của Nghị định 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng.

- Quyết định số 3355/QĐ-BYT ngày 08/07/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 năm 2021-2022;

III. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Phòng chống COVID-19 chủ động bằng việc sử dụng vắc xin phòng COVID-19 để tạo miễn dịch cộng đồng cho người dân trên địa bàn tỉnh trong thời gian sớm nhất. Đảm bảo an toàn và hiệu quả khi sử dụng vắc xin phòng COVID-19.

2. Yêu cầu

- Tiếp nhận, bảo quản và sử dụng số vắc xin phòng COVD-19 được Bộ Y tế cung ứng và các nguồn hợp pháp khác của tỉnh để tiêm cho người dân đảm bảo theo thứ tự ưu tiên được quy định trong các văn bản của Chỉnh phủ, Ban chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế và phù hợp với tình hình dịch trên địa bàn trong thời gian sớm nhất, an toàn nhất với yêu cầu thực hiện tối đa 50.000 mũi tiêm/ngày.

- Đảm bảo an toàn phòng, chống dịch cho các lực lượng tham gia tiêm chủng và người dân.

- Huy động sự vào cuộc của tất cả các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội, các ban, ngành, đoàn thể, y tế công lập và tư nhân… tham gia chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

IV. ĐỐI TƯỢNG, THỜI GIAN, HÌNH THỨC TRIỂN KHAI

1. Nguyên tắc

- Chiến dịch được triển khai tại tất cả các xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh.

- Sử dụng đồng thời tất cả các loại vắc xin đủ điều kiện từ Bộ Y tế phân bổ.

- Đảm bảo tiêm hết số lượng vắc xin trước khi hết hạn sử dụng.

- Đảm bảo tỷ lệ bao phủ và tỷ lệ sử dụng vắc xin cao cho người trong độ tuổi tiêm chủng được tiêm vắc xin phòng COVID-19 (đạt trên 90%).

- Đảm bảo tối đa an toàn, công bằng trong tiêm chủng.

2. Đối tượng tiêm chủng và phân bổ số mũi tiêm cần thực hiện/ngày

2.1. Đối tượng tiêm chủng

- Đối tượng ưu tiên căn cứ theo Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 về việc mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19 của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh dựa trên tình hình dịch từng địa phương để điều chỉnh các nhóm đối tượng ưu tiên từng đợt tiêm trong chiến dịch.

- Người dân đủ điều kiện tiêm vắc xin phòng Covid-19 theo khuyến cáo của nhà sản xuất và quy định của Bộ Y tế.

- Nguyên tắc ưu tiên:

Ưu tiên cho các lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch;

Ưu tiên cho các đối tượng có nguy cơ cao;

Ưu tiên tổ chức tiêm trước cho các vùng đang có dịch;

Ưu tiên các khu vực là đô thị lớn, có mật độ dân số cao, có nhiều khu công nghiệp, có đầu mối giao thông quan trọng.

Đối tượng tiêm chủng thuộc các cơ sở, tổ chức, doanh nghiệp nêu trên bao gồm cả nhà nước và tư nhân.

2.2. Phân bổ đối tượng và số mũi tiêm/ngày cho từng huyện, thành phố

Theo số liệu của Cục thống kê tỉnh Bắc Giang, dân số tỉnh Bắc Giang đến 31/12/2020 có 1.841.624 người, độ tuổi từ 18-65 tuổi là độ tuổi có chỉ định tiêm vắc xin theo hướng dẫn của nhà sản xuất (độ tuổi trên 65 tuổi thận trọng khi chỉ định tiêm), tỷ lệ người dân trong độ tuổi từ 18-65 tuổi chiếm 63,3%, theo thống kê nhanh từ các đợt tiêm vắc xin AstraZeneca vừa qua, tỷ lệ tiêm đạt khoảng 90% (có khoảng 10% đối tượng có chống chỉ định tiêm hoặc thận trọng khi tiêm). Từ các số liệu này sẽ tính ra tổng số đối tượng phải tiêm của từng huyện, thành phố như sau:

Số đối tượng tiêm được trong ngày của huyện, TP (18-65 tuổi) = dân số của huyện, thành phố x 63,3% (tỷ lệ dân từ 18-65 tuổi) x 90% (tỷ lệ tiêm)/Tổng đối tượng toàn tỉnh (18-65 tuổi) x số mũi tiêm tối đa/ngày trong toàn tỉnh (50.000) (Có Phụ lục III kèm theo).

3. Thời gian triển khai: Từ tháng 7/2021 đến tháng 4/2022.

Triển khai chiến dịch ngay khi tiếp nhận vắc xin đảm bảo đúng tiến độ yêu cầu. Thời gian cụ thể theo các đợt phân bổ vắc xin phòng Covid-19 của Bộ Y tế và nguồn cung ứng vắc xin (nhập khẩu và sản xuất trong nước) cho tỉnh Bắc Giang.

4. Hình thức tổ chức

4.1. Tổ chức tại các điểm tiêm chủng cố định

- Tổ chức tại 251 điểm tiêm chủng công lập và ngoài công lập cố định đã đủ điều kiện tiêm chủng trên địa bàn tiêm vắc xin phòng COVID-19.

- Mỗi điểm tiêm, tổ chức tiêm không quá 100 người/1 bàn tiêm/1 buổi tiêm. Như vậy trong một ngày có thể tiêm được 25.100 liều nếu tổ chức một buổi và 50.200 liều nếu tổ chức tiêm 2 buổi/ngày. Số lượng tiêm có thể tăng khi tuyến huyện, tuyến tỉnh tăng số bàn tiêm/mỗi điểm tiêm.

4.2. Tổ chức tại các điểm tiêm lưu động

Thiết lập các điểm tiêm chủng lưu động để triển khai tiêm chủng với số lượng lớn như: thực hiện tiêm cho công nhân tại các khu công nghiệp, các cơ quan, doanh nghiệp, khu chế xuất hoặc ở khu vực thành phố với đối tượng cần tiêm lớn, đông dân cư nhưng các điểm tiêm cố định trên địa bàn không đảm bảo cho giãn cách với số lượng người đông trong cùng 1 thời điểm. Điểm tiêm chủng lưu động có thể ở các trường học, cơ quan, doanh nghiệp, nhà văn hóa… có thể thiết lập nhiều bàn tiêm tại điểm tiêm chủng lưu động.

5. Bố trí nhân lực cho một bàn tiêm chủng

Để triển khai chiến dịch tiêm chủng đảm bảo chất lượng, an toàn, kịp tiến độ, phải đảm bảo số lượng nhân lực cần thiết để triển khai một điểm tiêm chủng như sau:

- Cần ít nhất 04 nhân viên y tế và 02 cán bộ hỗ trợ để thực hiện một điểm tiêm chủng bao gồm:

01 cán bộ thực hiện nhiệm vụ tiếp đón, hướng dẫn khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt (Đoàn Thanh niên);

01 cán bộ y tế thực hiện đo huyết áp, nhiệt độ, đếm nhịp thở, hoàn thiện thông tin hành chính;

01 y sỹ/bác sỹ khám sàng lọc, tư vấn, chỉ định tiêm chủng; 01 cán bộ thực hiện tiêm chủng;

01 cán bộ nhập thông tin đối tượng vào phần mềm (giáo viên);

01 cán bộ y tế theo dõi và xử trí phản ứng sau tiêm chủng.

- Cần ít nhất 06 người hỗ trợ vòng ngoài bao gồm:

01 người chỉ đạo, điều phối chung (nên là đại diện chính quyền, cơ quan quản lý);

02 người thực hiện rà soát đối tượng, gửi giấy mời, đôn đốc đối tượng đến tại điểm tiêm (trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố...);

02 người làm công tác giữ an ninh, trật tự tại điểm tiêm chủng, hướng dẫn giãn cách và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tại điểm tiêm chủng (công an, dân quan tự vệ);

01 người phục vụ, hậu cần (Hội phụ nữ).

6. Phạm vi triển khai: Triển khai trên phạm vi toàn tỉnh Bắc Giang.

V. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG

1. Công tác chỉ đạo

- Thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

- UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

- Căn cứ Kế hoạch này, UBND các huyện, thành phố xây dựng cụ thể kế hoạch và triển khai chiến dịch tiêm chủng trên địa bàn đảm bảo chỉ tiêu phân bổ số mũi tiêm cần thực hiện/ngày.

2. Truyền thông về triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19

- Xây dựng Kế hoạch truyền thông về chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 toàn dân, truyền thông đa dạng, phối hợp nhiều hình thức qua phóng sự, tài liệu truyền thông, thông điệp, bài truyền thông về vắc xin phòng COVID-19 nhằm mục đích để người dân tích cực hưởng ứng, tham gia.

- Chủ động cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí để truyền thông cho người dân về lợi ích của các loại vắc xin, lịch tiêm chủng, tính an toàn của các vắc xin, các sự cố bất lợi có thể gặp sau tiêm chủng; số điện thoại, địa chỉ liên hệ khi cần hỗ trợ.

- Xây dựng các phương án kịp thời ứng phó với sự cố truyền thông về tiêm chủng (nếu có).

- Nội dung truyền thông cần tập trung vào:

Mục đích, ý nghĩa, hiệu quả của việc tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Mục tiêu, đối tượng, địa bàn, phương thức triển khai tiêm vắc xin.

Chỉ định, chống chỉ định của vắc xin, phản ứng có thể gặp phải và hướng dẫn cách thức xử lý các phản ứng không mong muốn sau tiêm chủng.

3. Công tác tập huấn triển khai chiến dịch

- Tập huấn về mục đích, nội dung, cách thức tổ chức, giám sát chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID -19 toàn dân cho 100% cán bộ tham gia công tác chỉ đạo, giám sát.

- Hướng dẫn về công tác xây dựng kế hoạch chi tiết các buổi tiêm chủng, điều tra lập danh sách đối tượng, thông báo, mời đối tượng tham gia; tổ chức, chuẩn bị địa điểm tiêm đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tại điểm tiêm chủng theo quy định.

- Tập huấn về công tác tiếp nhận, bảo quản, sử dụng vắc xin; tổ chức điểm tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đảm bảo an toàn; khám sàng lọc; kỹ thuật tiêm; theo dõi và xử trí các sự cố bất lợi sau tiêm chủng, đặc biệt về xử trí phản ứng phản vệ.

- Tập huấn cấp chứng nhận An toàn tiêm chủng bổ sung cho các đối tượng cấp mới, cấp lại để đảm bảo đủ nhân lực tổ chức chiến dịch tiêm chủng.

- Công tác cập nhật phần mềm hồ sơ sức khỏe, thống kê, báo cáo.

4. Tiếp nhận, bảo quản, cấp phát vắc xin, vật tư tiêm chủng

4.1. Tiếp nhận, cấp phát vắc xin, vật tư tiêm chủng

- Trường hợp Bộ Y tế cấp phát vắc xin với số lượng lớn về Quân Khu 1: Quân Khu 1 sẽ chuyển vắc xin về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Trung tâm Y tế các huyện, thành phố.

- Trường hợp Bộ Y tế cấp phát vắc xin trực tiếp về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố.

- Các điểm tiêm tuyến tỉnh nhận vắc xin, vật tư y tế tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

- Trạm y tế tuyến xã nhận vắc xin, vật tư tiêm chủng tại Trung tâm Y tế huyện, thành phố vào sáng sớm ngày thực hiện tiêm chủng hoặc chiều hôm trước ngày thực hiện tiêm chủng (đối với các xã ở xa TTYT huyện).

4.2. Bảo quản vắc xin

- Bảo quản vắc xin: Tất cả các loại vắc xin khi Bộ Y tế bàn giao cho Quân khu 1 đều bảo quản ở nhiệt độ 2-8 ⁰C. Từ kho của Quân khu 1, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế Các huyện, thành phố đến các điểm tiêm yêu cầu bảo quản ở nhiệt độ 2 - 8⁰C.

- Việc tiếp nhận, bảo quản vắc xin, vật tư tiêm chủng thực hiện theo đúng các quy định tại Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ Quy định về hoạt động tiêm chủng và Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày 01/01/2018 của Bộ Y tế Quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng.

- Các địa phương rà soát và chủ động chuẩn bị trang thiết bị trong tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản vắc xin tại tất cả các điểm tiêm chủng bao gồm: tủ lạnh, hòm lạnh, phích vắc xin, nhiệt kế… Sẵn sàng đủ dây chuyền lạnh để tiếp nhận số lượng vắc xin với các đợt cung ứng lớn của Bộ Y tế.

5. Công tác điều tra đối tượng

Các địa phương tổ chức lập danh sách toàn bộ đối tượng thuộc độ tuổi từ 18-65 hiện đang cư trú, lưu trú trên địa bàn chưa được tiêm đủ hai mũi vắc xin phòng COVD-19 (Theo Phụ lục II kèm theo).

6. Tổ chức buổi tiêm chủng

- Công tác tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 cần thực hiện đúng theo các quy định của Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng và các quy định của Bộ Y tế về trong Công văn số 1734/BYT-DP ngày 17/3/2021 Hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Bố trí điểm tiêm chủng theo quy tắc 1 chiều.

- Tổ chức các điểm tiêm vắc xin phải đảm bảo thực hiện nghiêm túc quy định về phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế và của địa phương. Trong đó đặc biệt chú ý đảm bảo giãn cách, đeo khẩu trang và khử khuẩn.

- Công tác khám sàng lọc trước tiêm phải tuân thủ nghiêm ngặt theo hướng dẫn của Bộ Y tế trong Công văn số 2995/QĐ-BYT ngày 18/6/2021 về việc Hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

- Công tác giám sát, phát hiện và xử lý phản ứng sau tiêm chủng. Tăng cường 50 tổ cấp cứu được huy động từ các Bệnh viện chuyên khoa, ĐK tuyến tỉnh, TTYT huyện, PKĐK, Bệnh viện tư nhân trên địa bàn thường trực cấp cứu cho các cụm tiêm chủng cố định và lưu động đảm bảo an toàn tiêm chủng.

- Các cơ sở tiêm chủng, có phương án thu gom và xử lý bơm kim tiêm, rác thải y tế tại điểm tiêm theo quy định của Bộ Y tế. Lọ vắc xin sau khi sử dụng phải được hủy bỏ và ghi chép, báo cáo.

7. Hoạt động kiểm tra, giám sát, tổng hợp báo cáo

- Ban chỉ đạo chiến dịch phối hợp với Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 các cấp phân công thành viên phụ trách và trực tiếp đi kiểm tra, giám sát các điểm tiêm.

- Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế tuyến huyện, thành phố tổ chức kiểm tra, giám sát thường xuyên các hoạt động chuyên môn.

- Công tác thông tin, báo cáo:

Các UBND các huyện, thành phố báo cáo kết quả tiêm hàng ngày bằng nhập qua Google driver trước 16 giờ và cập nhật vào phần mềm hồ sơ sức khỏe.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh giám sát, đôn đốc việc cập nhật vào phần mềm hồ sơ sức khỏe, tổng hợp báo cáo về Sở Y tế trước 16h30’ hàng ngày.

Sở Y tế báo cáo Ban Chỉ đạo Chiến dịch tỉnh và Bộ Y tế trước 17 giờ hàng ngày.

- Sau khi kết thúc mỗi đợt tiêm chủng, UBND các huyện, thành phố báo cáo bằng văn bản theo mẫu hướng dẫn gửi về Ban Chỉ đạo Chiến dịch tỉnh (qua Sở Y tế) để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Y tế.

VI. KINH PHÍ THỰC HIỆN TRIỂN KHAI

1. Ngân sách Trung ương

- Vắc xin, một số vật tư tiêm chủng như bơm kim tiêm vắc xin, dịch pha vắc xin, hộp an toàn.

- Kinh phí vận chuyển vắc xin đến kho của Quân Khu 1.

- Các hoạt động tập huấn cho tuyến tỉnh.

- Chi phí bồi thường cho một số trường hợp tử vong theo Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ.

2. Ngân sách địa phương

- Chi phí vận chuyển vắc xin từ kho của Quân khu 1 đến các điểm tiêm; trang thiết bị bảo quản vắc xin theo quy định.

- Chi phí tổ chức chiến dịch tiêm chủng, bao gồm: Chi bồi dưỡng cho các kíp tiêm chủng, các vật tư tiêu hao (ngoài vật tư do Bộ Y tế bảo đảm), chi phí về điện, nước, nhiên liệu, xử lý chất thải y tế và vệ sinh môi trường trực tiếp cho việc thực hiện dịch vụ tiêm chủng...

- Các hoạt động tập huấn cho Trung tâm y tế huyện, thành phố.

- Các hoạt động truyền thông tại địa phương.

- Kinh phí mua vắc xin (đối với các vắc xin do các địa phương tự mua).

(Có dự trù kinh phí theo bảng chi tiết tại Phụ lục IV)

3. Nguồn kinh phí

- Ngân sách Nhà nước (gồm Ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, trong đó Ngân sách Trung ương hỗ trợ ngân sách địa phương theo quy định tại khoản 1, Điều 3 Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ);

- Quỹ vắc xin phòng COVID-19;

- Nguồn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước, các nguồn vốn hợp pháp khác đối với Trung ương và địa phương.

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

- Tham mưu UBND tỉnh xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 giai đoạn 2021 - 2022 trên địa bàn tỉnh.

- Tổ chức tập huấn chuyên môn cho cán bộ y tế từ tỉnh đến cơ sở để tổ chức tốt chiến dịch tiêm chủng.

- Tiếp nhận và cung cấp tài liệu chuyên môn cho các cơ quan thông tin đại chúng, các ban ngành, đoàn thể phục vụ cho công tác truyền thông, tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích, lợi ích của chiến dịch.

- Dự trù, tiếp nhận, bảo quản, cấp phát đủ vắc xin, vật tư, phương tiện tiêm chủng, đáp ứng cho Kế hoạch thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 giai đoạn 2021 - 2022 trên địa bàn tỉnh.

- Trên cơ sở số lượng vắc xin Bộ Y tế phân bổ từng đợt, tham mưu cho Ban chỉ đạo Chiến dịch tỉnh ra quyết định phân bổ số lượng vắc xin cho các địa phương phù hợp, kịp thời.

- Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trong ngành thành lập các đội tiêm chủng, thiết lập các điểm tiêm chủng phù hợp, đảm bảo cho việc triển khai tiêm vắc xin thuận lợi, đúng quy định và đạt mục tiêu.

- Chỉ đạo các cơ sở y tế thành lập các đội cấp cứu sẵn sàng cấp cứu, xử lý các tai biến, biến chứng nặng sau tiêm vắc xin, đảm bảo an toàn cho các đối tượng tiêm chủng.

- Chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng xử lý môi trường khu vực tiêm và chất thải sau tiêm chủng theo quy định.

- Tham mưu cho Ban chỉ đạo chiến dịch thành lập 05 đoàn kiểm tra, giám sát tại các địa phương.

- Tổng hợp kết quả hàng ngày, báo cáo tiến độ về Trưởng Ban chỉ đạo Chiến dịch tỉnh; kết thúc chiến dịch báo cáo, đánh giá, rút kinh nghiệm và đề xuất khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.

2. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh

- Phối hợp với ngành Y tế tiếp nhận, bảo quản vắc xin tại kho lạnh của Quân khu 1 khi lượng vắc xin tiếp nhận lớn quá công suất hoặc vắc xin có yêu cầu bảo quản đặc biệt theo hướng của nhà sản xuất mà các cơ sở y tế không đáp ứng được.

- Vận chuyển vắc xin phân bổ về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Chiến dịch.

- Chỉ đạo các Bệnh viện Quân đội trên địa bàn, lực lượng quân y của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tham gia các hoạt động của chiến dịch tiêm chủng theo đề nghị của Ban chỉ đạo Chiến dịch.

3. Công an tỉnh

- Cung cấp số liệu công dân ngoại tỉnh đang học tập, làm việc, sinh sống trên địa bàn tỉnh cho UBND các huyện, thành phố để rà soát đối tượng tiêm.

- Chỉ đạo lực lượng công an cơ sở phối hợp đảm bảo công tác an ninh trật tự tại các điểm tiêm chủng; phối hợp với các lực lượng địa phương rà soát, lập danh sách đối tượng tiêm chủng và đôn đốc hướng dẫn người dân đi tiêm chủng.

- Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an trong việc tổ chức tiêm chủng cho cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng Công an.

- Chỉ đạo các Bệnh xá Công an tỉnh tham gia các hoạt động của chiến dịch tiêm chủng theo đề nghị của Ban chỉ đạo Chiến dịch.

4. Sở Tài chính

- Tham mưu UBND tỉnh cấp đủ kinh phí cho triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 theo quy định.

- Hướng dẫn sử dụng, thanh quyết toán kinh phí theo các quy định hiện hành.

5. Sở Thông tin và Truyền thông

- Chỉ đạo việc thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin quản lý toàn bộ chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 từ khâu tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản, phân bổ đến khi tiêm chủng.

- Chỉ đạo việc ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng hồ sơ sức khỏe cá nhân cho tiêm chủng; xây dựng hệ thống chứng nhận tiêm chủng.

- Phối hợp với Sở Y tế, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo tổng hợp dữ liệu về nhu cầu, số lượng, tiến độ vắc xin phòng COVID-19 cho các điểm tiêm chủng và công khai trên bản đồ số hóa chiến dịch tiêm chủng.

- Chỉ đạo các cơ quan truyền thông trên địa bàn và hướng dẫn các đơn vị, địa phương tăng cường tuyên truyền trước và trong thời gian tổ chức các đợt của chiến dịch tiêm chủng.

- Tăng thời lượng phát sóng, tin bài tuyên truyền về mục tiêu, lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng COVID-19; chỉ định, chống chỉ định của vắc xin, phản ứng có thể gặp phải và hướng xử lý ban đầu các phản ứng không mong muốn sau tiêm chủng, số điện thoại và địa chỉ các đầu mối tiếp nhận thông tin..

6. Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh

- Có trách nhiệm phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, UBND các huyện tổ chức các điểm tiêm chủng trong các khu công nghiệp đảm bảo theo đúng quy định.

- Chỉ đạo các doanh nghiệp trong khu công nghiệp bố trí cho công nhân thực hiện tiêm chủng theo phương án của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, UBND các huyện.

- Tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 của các khu công nghiệp trên địa bàn.

- Báo cáo tổng hợp việc triển khai thực hiện về Ban chỉ đạo tỉnh.

7. Tỉnh Đoàn

- Huy động lực lượng thanh niên tình nguyện tham gia tại các điểm tiêm để hỗ trợ đảm bảo trật tự, đón tiếp, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch (thực hiện giãn cách, đeo khẩu trang…)

- Tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động, đôn đốc, hướng dẫn người dân đi tiêm chủng.

8. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Xây dựng kế hoạch chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 toàn dân phù hợp với tình hình dịch bệnh của địa phương, chủ động tiếp nhận vắc xin và tổ chức thực hiện tiêm hết số vắc xin được phân bổ, đảm bảo an toàn, đúng tiến độ.

- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tiến hành điều tra, thống kê, lập danh sách tổng thể toàn bộ đối tượng trong độ tuổi tiêm vắc xin trên bàn theo đơn vị hành chính và nơi cư trú để chuẩn bị sẵn sàng cho các đợt tiêm chủng theo sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Chiến dịch tiêm chủng tỉnh. Phê duyệt danh sách đối tượng tiêm chủng tại địa phương theo thứ tự ưu tiên.

- Chỉ đạo lực lượng giáo viên tham gia nhập thông tin đối tượng tiêm chủng vào phần mềm quản lý.

- Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động tiêm chủng trên địa bàn.

- Bố trí kinh phí cho triển khai chiến dịch tiêm chủng trên địa bàn.

Trên đây là Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 năm 2021-2022 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- BCĐ Quốc gia PCD COVID-19;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Y tế;
- TT Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các thành viên UBND tỉnh;
- Giám đốc các Sở;
- Chủ tịch UBND huyện, thành phố;
- VP Tỉnh ủy, VP Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh;
- Văn phòng UBND tỉnh: LĐVP, TH, KT.
- Lưu: VT, KGVX.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Mai Sơn

 

PHỤ LỤC I

TỔNG HỢP THỰC TRẠNG DÂY CHUYỀN LẠNH TỈNH BẮC GIANG
(Kèm theo Quyết định số 1464/QĐ-UBND ngày 14/7/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh)

TT

Kho vắc xin. Kho vật tư

Số tủ Dung tích 240l (TCW4 000AC)

Số tủ dung tích 150 lit (TCW30 00AC)

Số tủ dung tích 125 lit (TCW30 00)

Số tủ bảo quản khác

Tổng Dung tích các tủ (Lít)

Số vắc xin Dự kiến có theo Dung tích các tủ

1

Kho vắc xin DCD BG

4

4

2

2

2.290

458.000

2

TP Bắc Giang

1

1

0

1

630

126.000

3

Sơn Động

 

1

1

1

515

103.000

4

Lục Ngạn

1

1

1

1

755

151.000

5

Lục Nam

1

1

1

1

755

151.000

6

Lạng Giang

1

1

1

1

665

133.000

7

Yên Dũng

1

1

1

1

755

151.000

8

Tân Yên

1

1

1

1

755

151.000

9

Yên Thế

 

1

1

1

515

103.000

10

Việt Yên

1

1

1

1

755

151.000

11

Hiệp Hòa

1

1

1

1

755

151.000

Tổng số

12

15

11

12

9.145

1.829.000

 

PHỤ LỤC II

TRA ĐỐI TƯỢNG TIÊM VẮC XIN PHÒNG COVID-19 TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN, THÀNH PHỐ
(Kèm theo Quyết định số 1464/QĐ-UBND ngày 14/7/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh)

STT

Đối tượng từ 18 - 65 tuổi

Số lượng

Đã tiêm vắc xin phòng COVD- 19

Chưa tiêm vắc xin COVID-19

Mũi 1

Mũi 2

 

1

Đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết số 21/NQ-CP

 

 

 

 

1.1

Các lực lượng tuyến đầu, phòng chống dịch

 

 

 

 

 

- Người làm việc trong cơ sở y tế

 

 

 

 

- Người tham gia phòng chống dịch

 

 

 

 

- Quân đội

 

 

 

 

- Công an

 

 

 

 

1.2

Người cung cấp dịch vụ thiết yếu

 

 

 

 

1.3

Giáo viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục, đào tạo

 

 

 

 

1.4

Người làm việc tại các cơ quan nhà nước, đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp

 

 

 

 

1.5

Người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội,

 

 

 

 

2

Công nhân

 

 

 

 

 

Trong Khu Công nghiệp

 

 

 

 

 

Ngoài Khu Công nghiệp

 

 

 

 

3

Học sinh, sinh viên

 

 

 

 

4

Người dân (không trong các đối tượng trên)

 

 

 

 

 

Tổng

 

 

 

 

 

PHỤ LỤC III

TỔNG HỢP ĐỐI TƯỢNG TIÊM VĂC XIN COVID-19 TỈNH BẮC GIANG
(Kèm theo Quyết định số 1464/QĐ-UBND ngày 14/7/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh)

STT

Huyện, thành phố

Tổng số người dân đến 31/12/2020 (số liệu Cục thống kê tỉnh)

Số người trong độ tuổi từ 18-65 tuổi (tỷ lệ 63,3% dân số theo cục thống kê tỉnh)

Tổng số đối tượng cần tiêm (90% số người trong độ tuổi từ 18-65)

Số mũi tiêm tối đa/ngày của huyện, thành phố (trong tổng 50.000 mũi toàn tỉnh)

Thời gian dự kiến (khi trừ những đối tượng đã tiêm 2 mũi)/tốc độ 50.000 mũi/ngày)

(1)

(2)= (1)*0.633

(3)=(2)*0.9

(4)/tổng đối tượng x 50.000

 

1

Thành phố

179.553

113.657

102.291

4.875

 

2

Tân Yên

179.802

113.814

102.433

4.882

 

3

Việt Yên

213.028

134.846

121.361

5.784

 

4

Yên Dũng

155.776

98.606

88.745

4.229

 

5

Lạng Giang

220.238

139.410

125.469

5.979

 

6

Lục Nam

229.861

145.502

130.952

6.241

 

7

Lục Ngạn

230.662

146.009

131.408

6.263

 

8

Sơn Động

77.217

48.878

43.990

2.096

 

9

Hiệp Hòa

252.318

159.716

143.744

6.850

 

10

Yên Thế

103.169

65.305

58.775

2.801

 

 

Tổng

1.841.624

1.165.743

1.049.169

50.000

21

Ghi chú: Thời gian dự kiến (tổng đối tượng -số đã tiêm 2 mũi/tốc độ 50.000 mũi/ngày) =1.049.169-11.150/50.000 =21 ngày

 

PHỤ LỤC IV

TỔNG HỢP KINH PHÍ VẬT TƯ VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA CHIẾN DỊCH TIÊM VẮC XIN COVID - 19 NĂM 2021-2021
(Kèm theo Quyết định số 1464/QĐ-UBND ngày 14/7/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh)

TT

Nội dung

Kinh phí

I

KINH PHÍ TUYẾN TỈNH

7.965.798.220

1

Tập huấn chuyên môn cho các đội tiêm chủng lưu động tuyến tỉnh: 100 người gồm: nhân lực từ các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, bv đa khoa tỉnh

9.000.000

* Báo cáo viên 500.000đ/buổi x 02 buổi x 02 người

2.000.000

* Tài liệu, văn phòng phẩm: 30.000đ/bộ x 100 bộ (02 bản lưu)

3.000.000

* Nước uống 30.000đ/người/ngày x 100 người

3.000.000

*Trang trí , khánh tiết

1.000.000

2

Chi công tra đối tượng (100.000đ/người x 5 ngày x 3 ngườix 209 xã)

313.500.000

3

Chi hỗ trợ công tiêm (2.000đ/mũi tiêm x 1.049.169 mũi tiêm)

2.098.338.000

4

In tài liệu, biểu mẫu:

1.370.519.700

* Phiếu đăng ký (danh sách) đối tượng (2 mặt) 12.000 phiếu x 300đ/phiếu

3.600.000

* Phiếu giám sát báo cáo (trước, trong chiến dịch) bảng kiểm hoạt động chuẩn bị trước chiến dịch: 10.000 tờ x 300đ/phiếu

3.000.000

* Phiếu khám sàng lọc trước tiêm: 300đ/phiếu x 1.049.169 đối tượng*2

629.501.400

* Giấy mời (2 mặt): 400đ/phiếu x 1.049.169 đối tượng

419.667.600

* Giấy xác nhận đã tiêm vắc xin Covid 19 (2 mặt): 300đ/phiếu x 1.049.169 đối tượng

314.750.700

5

Xăng cho Ban Chỉ đạo và đoàn công tác thực hiện kiểm tra, giám sát trước và trong chiến dịch (xe ôtô): dự kiến 1.000.000đ/ngày x 10 ngày x 5 lần

50.000.000

6

Tiền xăng xe vận chuyển vắc xin, BKT, HAT từ trung ương về tỉnh dự kiến

30.000.000

7

Tiền xăng xe vận chuyển vắc xin vật tư tiêm chủng từ tỉnh đến huyện: 5 chuyến/huyện x 10 huyện x 1.000.000đ/chuyến

50.000.000

9

Tiền điện bảo quản vắc xin tại kho tuyến tỉnh: 5.000.000đ/tháng x 1 tháng

5.000.000

10

Kinh phí tuyên truyền cho chiến dịch

130.000.000

Băng rol khẩu hiệu qua đường

80.000.000

Kinh phí hỗ trợ tuyên truyền trên Đài PTTH tỉnh và Báo Bắc Giang 25.000.000/đơn vị x 02 đơn vị

50.000.000

11

Hoạt động mua sắm củng cố dây chuyền lạnh

980.000.000

Mua 01 kho lạnh tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tăng cường cho bảo quản vắc xin nhập khẩu nguyên chiếc (40 khối)

980.000.000

12

Thuốc chống sốc vật tư: cồn, bông, BKT,HAT phục vụ chiến dịch

3.242.940.520

* Cồn 700: 1lít/điểm tiêmx 50 x 40.000đ/lít

2.000.000

* Bông khô: 200g/điểm tiêm x50 x 40.000đ/200g.

2.000.000

* Mua bổ sung thuốc cho cơ số hộp chống sốc: 50 cơ số/tỉnh x 150.000đ

7.500.000

* Mua bơm kim tiêm nhựa tự khóa loại 1ml kèm kim,( tổng số mũi tiêm * hệ số hao phí *1.1) 1.049.169 * 1.1 * 1.400đ

2.937.673.200

* Hộp an toàn 5 lit (HAT = tổng số BKT * hệ số hao phí 1,1/100) 1049169 * 1.1 /100 * 14.000đ

293.767.320

II

KINH PHÍ HUYỆN (dự tính cho 10 huyện/TP)

1.457.270.000

1

Tập huấn chuyên môn triển khai tiêm vắc xin Covid - 19 cho toàn dân

88.860.000

* Báo cáo viên 500.000đ/buổi x 02 buổi x 02 người

20.000.000

* Tài liệu, văn phòng phẩm: 30.000đ/bộ x 982 bộ (02 bản lưu)

29.460.000

* Nước uống 30.000đ/người/ngày x 980 người

29.400.000

Trang trí , khánh tiết

10.000.000

2

Mua vật tư bông cồn phục vụ chiến dịch

550.410.000

* Cồn 700: 3lít/xã x 209 xã x 40.000đ/lít

25.080.000

* Bông khô: 600g/xã x 209 x 120.000đ/600g.

25.080.000

* Mua bổ sung thuốc cho cơ số hộp chống sốc: 20 cơ số/huyện x10 huyện x 150.000đ

30.000.000

* Mua bổ sung thuốc cho cơ số hộp chống sốc: 5 cơ số/xã x 209 xã x 150.000đ

156.750.000

3

Xăng xe vận chuyển vắc xin từ huyện đến xã và điểm tiêm: 300.000đ/xã x 209 xã

313.500.000

4

Tiền điện bảo quản vắc xin tại kho của huyện 5.000.000đ/tháng x 1 tháng x 10 huyện/TP.

50.000.000

5

Kinh phí hỗ trợ tuyên truyền

204.500.000

 

* Làm băng rôn tuyên truyền (500.000đ x10 chiếc x 10 huyện)

50.000.000

 

* Kinh phí hỗ trợ truyền thông, tuyên truyền trên phương tiện thông tin của huyện: 5.000.000đ/huyện/TP x 10 huyện

50.000.000

 

* Kinh phí tuyên truyền tại xã và các điểm tiêm: 500.000đ/xã x209 xã

104.500.000

6

Xăng xe kiểm tra, giám sát của BCĐ huyện, xã: 5.000.000đ/huyện x 10 huyện/TP

50.000.000

7

Xử lý rác thải (Dự kiến 10 tấn x 20.000đ/kg)

200.000.000

 

CỘNG

9.423.068.220

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1464/QĐ-UBND năm 2021 về Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 giai đoạn 2021-2022 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang

  • Số hiệu: 1464/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 14/07/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Giang
  • Người ký: Mai Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản