Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 146/2000/QĐ-UB | Lào Cai, ngày 21 tháng 4 năm 2000 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ XÂY DỰNG , QUẢN LÝ, KHAI THÁC VÀ BẢO DƯỠNG ĐƯỜNG GIAO THÔNG NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI
Căn cứ luật tổ chức HĐND và UBND ngày 21 tháng 6 năm 1994;
Xét tờ trình số 93/KHKT ngày 17/2/2000 của Sở Giao thông vận tải và số 30/TP- VBPQ ngày 22/2/2000 của Sở Tư pháp,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Nay Ban hành kèm theo quyết định này bản quy định tạm thời về xây dựng, quản lý, khai thác và bảo dưỡng đường Giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Điều 2. Giao cho Giám đốc Sở Giao thông vận tải Lào Cai chủ trì phối hợp với Sở Tài chính Vật giá, Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện quy định này.
Điều 3. Các ông chánh văn phòng HĐND và UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Giám đốc Sở Tài chính Vật giá, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư và Thủ trưởng các Sở, ban nghành liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
Quyết định có hiệu lực từ ngày ký.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH |
QUY ĐỊNH TẠM THỜI
VỀ VIỆC TỔ CHỨC XÂY DỰNG, QUẢN LÝ, KHAI THÁC VÀ BẢO DƯỠNG CÔNG TRÌNH ĐƯỜNG GIAO THÔNG NÔNG THÔN TỈNH LÀO CAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 146/2000/QĐ- UBND ngày 21/4/2000)
Chương I:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đường giao thông nông thôn (GTNT) trong quy định này gồm:
- Đường từ huyện xuống xã, cụm xã.
- Đường từ xã này đến xã kia (Liên xã).
- Đường từ xã đến thôn bản.
- Đường từ thôn bản này đến thôn bản kia (Liên thôn).
Các thị trấn và các phường của thị xã có các thôn, cụm dân cư cũng thuộc phạm vi quy định này và gọi chung là xã, thôn bản.
Quy mô xây dựng gồm 3 loại chính:
+ Đường cấp A giao thông nông thôn: Bề rộng nền đường Bnền = 5m, bề rộng mặt đường Bmặt = 3,5m, độ dốc dọc lớn nhất Imax = 10% (cá biệt Icb = 12%), bán kính đường cong nhỏ nhất Rmin = 15m.
+ Do địa hình miền núi thường khó khăn, phức tạp, trong bước đầu phân kỳ xây dựng dùng đường cấp A giao thông nông thôn có châm chước với các chỉ tiêu: Bnền = 4m, Bmặt = 3m, Imax = 10% (Icb =12% ), Rmin=15m.
+ Đường giao thông liên thôn với các chỉ tiêu: Bnền = 2m, Lmax = 12% (Icb = 15%).
Tất cả các loại đường không phân biệt nguồn vốn xây dựng khi hoàn thành đều phải giao cho một tổ chức, hoặc cá nhân được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý và bảo dưỡng.
Điều 2. Công trình đường GTNT là cơ sở kinh tế kỹ thuật thuộc kết cấu hạ tầng của nền kinh tế, xã hội phục vụ hoạt động kinh tế xã hội địa phương và Nhà nước. Công trình GTNT phải được mọi tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng và bảo vệ. Nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm làm hư hỏng, gây ách tắc giao thông.
Điều 3. UBND cấp xã thành lập Ban quản lý khai thác và bảo dưỡng công trình GTNT do UBND huyện, thị xã quyết định hoặc công nhận thành lập theo điều kiện cụ thể ở từng địa phương, áp dụng theo mô hình sau:
Ban quản lý khai thác và bảo dưỡng công trình GTNT xã trực thuộc UBND Xã, do một ủy viên ủy ban xã là trưởng ban và một số thành viên do xã bàn bạc dân chủ đề xuất. Ban quản lý khai thác và bảo dưỡng công trình GTNT thay mặt UBND xã trực tiếp điều hành nhiệm vụ quản lý và sửa chữa thường xuyên đường GTNT, đồng thời điều hành xây dựng đường do dân đóng góp ngoài các dự án đã được đầu tư theo chương trình kế hoạch của tỉnh. Đối với đường của các dự án Nhà nước đầu tư thì Ban được tham gia giám sát kiểm tra.
Điều 4. Công tác quản lý sửa chữa phải được làm thường xuyên, nhằm khắc phục hoặc sửa chữa những hư hỏng cầu, cống, đường do tác động bên ngoài như hoạt động của con người, của thiên nhiên và sự diễn biến theo thời gian của bản thân công trình gây ra, để duy trì tình trạng khai thác bình thường của các công trình GTNT hạn chế tối đa sự phát triển từ hư hỏng nhỏ trở thành hư hỏng lớn.
Chương II:
XÂY DỰNG, BẢO DƯỠNG, SỬA CHỮA ĐƯỜNG GIAO THÔNG NÔNG THÔN
Điều 5. Về đầu tư xây dựng.
- Đường liên thôn, đường từ thôn đến xã do xã chịu trách nhiệm đầu tư xây dựng kế hoạch và chỉ đạo thi công trên cơ sở dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán. Nhà nước hỗ trợ phần nổ mìn phá đá xây dựng cống thoát nước vĩnh cửu qua đường.
- Đường liên xã và đường từ huyện đến xã Nhà nước đầu tư có sự đóng góp của nhân dân, xây dựng theo các dự án. UBND huyện xây dựng kế hoạch thông qua các ngành liên quan báo cáo UBND tỉnh phê duyệt theo kế hoạch hàng năm và huy động lao động địa phương thực hiện phần đào đắp đất nền đường.
Điều 6. Công tác quản lý đường.
Ban quản lý khai thác và bảo dưỡng công trình GTNT xã phải tiến hành kiểm tra thường xuyên, kiểm tra hàng tháng, kiểm tra định kỳ hàng năm, kiểm tra khẩn cấp trong những ngày bão lũ và cập nhật số liệu về tình hình cầu đường trên địa bàn xã mình, phát hiện sự cố do bão lũ gây ra, báo cáo huyện để có phương án xử lý kịp thời, đồng thời lập kế hoạch sửa chữa cầu đường cho từng thời kỳ trong năm theo sự hướng dẫn của Phòng Công nghiệp - Xây dựng huyện, thị xã.
Điều 7. Công tác sửa chữa, bảo dưỡng.
Đường qua thôn bản, xã nào thì thôn bản, xã đó huy động lao động địa phương thực hiện. Trường hợp đường liên xã, xã đến huyện có khối lượng phát sinh lớn thì UBND huyện chịu trách nhiệm tố chức.
Xã phải thường xuyên tiến hành công tác sửa chữa đường, bao gồm phát cây, dẫy cỏ, đào sửa rãnh dọc, đào đắp sửa lề đường, khơi rãnh thoát nước khi bị tắc.
Đối với những tuyến đường đã hoàn chỉnh, khi phát hiện sự cố ở các hạng mục như mặt đường, mố, trụ cầu cống, cọc tiêu biển báo... cần phải kịp thời sửa chữa, khắc phục hạn chế phát sinh hư hỏng lớn.
Những ngày mưa lũ huy động nhân dân sẵn sàng khắc phục sự cố đảm bảo giao thông khi có nguy cơ đường bị phá hỏng và ách tắc giao thông.
Điều 8. Về lao động.
UBND huyện, thị xã chỉ đạo UBND cấp xã huy động lao động làm công tác xây dựng và sửa chữa công trình GTNT theo 3 loại: Lao động tự nguyện theo huy động của thôn bản, xã phường; lao động công ích theo pháp lệnh của nhà nước và lao động có trả công.
Phần lao động trả công thực hiện theo quy định hiện hành, nên khuyến khích nhân dân làm tăng thêm để có điều kiện thu nhập nâng cao đời sống cho gia đình.
Lao động tự nguyện theo huy động của thôn bản, xã phường chỉ sử dụng xây dựng đường liên thôn, đường từ xã đến thôn bản. Số lượng do thôn bản bàn bạc dân chủ để quyết định.
Lao động công ích huy động theo quy định của Pháp lệnh Nghĩa vụ lao động công ích ban hành năm 1999.
Điều 9. Về kinh phí đầu tư và nguồn vốn. (Cả xây dựng mới, nâng cấp sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên và đảm bảo giao thông).
Kinh phí đầu tư : tùy theo điều kiện cụ thể tính toán phù hợp các loại đường.
Nguồn đầu tư:
+ Đường liên thôn, đường từ xã đến thôn căn cứ vào dự án được phê duyệt, các xã huy động lao động địa phương thực hiện, bằng công lao động công ích và lao động tự nguyện, Nhà nước có thể hỗ trợ một phần cho công tác phá đá, xây cống, làm cầu, đồng thời sẽ có sự hỗ trợ từ các nguồn vốn ngân sách hoặc đầu tư nước ngoài theo kế hoạch nếu dự án được bố trí.
+ Đường liên xã, đường từ huyện xuống xã đầu tư từ các nguồn gồm lao động công ích, lao động thủ công có trả công bằng ngân sách, các nguồn vốn Ngân sách Nhà nước và các nguồn hỗ trợ khác (chủ yếu bằng vật tư kỹ thuật để xây dựng cầu cống, nổ mìn phá đá ). Phần nổ mìn phá đá hỗ trợ, các địa phương tập hợp báo cáo để Sở Giao thông kiểm tra tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và chỉ đạo các đơn vị có chức năng thực hiện sau khi được UBND tỉnh phê duyệt.
Chương III:
KHAI THÁC VÀ BẢO VỆ CÔNG TRÌNH ĐƯỜNG GTNT
Điều 10. Việc khai thác công trình đường GTNT phải thực hiện đúng theo quy mô xây dựng, tải trọng của đường, cầu cống để đảm bảo an toàn cho người, phương tiện và tuổi thọ của đường.
Khi công trình xây dựng hoàn thành phải bàn giao hồ sơ hoàn công cho đơn vị quản lý. Hành lang bảo vệ công trình GTNT phải được UBND xã xác định cắm mốc lộ giới theo quy định của ngành Giao thông vận tải.
Điều 11. Nghiêm cấm việc xây dựng các công trình vĩnh cửu trong phạm vi cắm chỉ giới hành lang đường. Không được để các vật chiếm dụng lòng đường như cây cối, cát đá ... không tự ý đào mương hở dẫn nước qua đường. Khi cần dẫn nước tưới tiêu phải báo cấp có thẩm quyền để có biện pháp giải quyết hợp lý.
Điều 12. Các công trình phải được kiểm tra thường xuyên, sửa chữa thường xuyên, kịp thời xử lý khi có nguy cơ gây mất an toàn giao thông và hư hỏng đường, công trình.
Chương IV
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ LĨNH VỰC GTNT
Điều 13. Sở Giao thông vận tải là cơ quan chuyên môn tham mưu của UBND tỉnh thống nhất quản lý Nhà nước về giao thông, trực tiếp quản lý về quy hoạch, kế hoạch tham gia thẩm định dự án theo phân cấp của UBND tỉnh, thanh tra chuyên ngành và hướng dẫn công tác xây dựng quản lý, khai thác và bảo dưỡng công trình GTNT trong phạm vi tỉnh. Xây dựng quy chế phối hợp và hướng dẫn thực hiện quy chế giữa Phòng Giao thông nông thôn của ngành với các Phòng Công nghiệp - Xây dựng huyện, thị xã trong việc quản lý, khai thác và bảo dưỡng công trình GTNT, tổng hợp nhu cầu hỗ trợ thống nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư trình UBND tỉnh phê duyệt và chỉ đạo các đơn vị chuyên ngành giúp đỡ các xã thực hiện mở nền đường phá đá (trừ những tuyến đường đã thực hiện theo dự án) và có nhiệm vụ tổ chức hướng dẫn quản lý đường GTNT cho cán bộ các xã, phường và Phòng Công nghiệp - Xây dựng huyện.
Điều 14. Sở Kế hoạch và Đầu tư căn cứ quy hoạch thống nhất trình UBND tỉnh kế hoạch hàng năm xây dựng bảo dưỡng đường liên xã, đường từ huyện xuống xã.
Điều 15. Sở Tài chính Vật giá căn cứ khả năng ngân sách địa phương thống nhất với Sở Kế hoạch và Đầu tư để bố trí kế hoạch vốn hỗ trợ phát triển giao thông nông thôn hàng năm, trình UBND tỉnh phê duyệt, tổ chức hướng dẫn quản lý, cấp phát, thanh quyết toán các công trình.
Điều 16. UBND các huyện, thị xã duyệt kế hoạch xây dựng (theo quy hoạch), bảo dưỡng đường từ xã đến thôn bản, liên thôn và lập kế hoạch gửi Sở Giao thông vận tải và Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính Vật giá để tổng hợp trình UBND tỉnh kế hoạch xây dựng, bảo dưỡng đường liên xã, đường từ huyện xuống xã.
Điều 17. UBND xã căn cứ quy hoạch phát triển giao thông (nếu chưa quy hoạch phải thống nhất với cơ quan quy hoạch) lập kế hoạch xây dựng đường giao thông liên thôn, từ thôn đến xã, xây dựng kế hoạch huy động lao động tham gia vốn vật tư để xây dựng, bảo dưỡng đường Giao thông nông thôn hàng năm và gửi UBND huyện, thị, phòng Công nghiệp - Xây dựng huyện, thị xã.
Điều 18. Phòng Công nghiệp - Xây dựng của UBND huyện, thị xã thực hiện nhiệm vụ giúp UBND quản lý Nhà nước về GTNT. Phòng Công nghiệp - Xây dựng phải có cán bộ chuyên ngành về giao thông có trình độ trung cấp trở lên để thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công trình GTNT trên địa bàn.
Điều 19. UBND xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã ) phải có cán bộ hiểu biết về giao thông phải được học qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý giao thông để giúp UBND xã quản lý Nhà nước về GTNT ở xã và chịu sự chỉ đạo chuyên môn của cơ quan chuyên ngành cấp trên.
Chương V:
THANH TRA, KIỂM TRA
Điều 20. Hàng năm các sở, ban ngành lập kế hoạch kiểm tra, thanh tra về việc thực hiện quản lý, xây dựng, khai thác và bảo dưỡng đường GTNT. Kết quả kiểm tra được tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
Điều 21. Sở Giao thông vận tải thanh tra, kiểm tra việc thực hiện theo quy hoạch và kế hoạch hàng năm, kỹ thuật chất lượng thi công các công trình, chất lượng duy tu bảo dưỡng và đảm bảo giao thông.
Điều 22. UBND các huyện, thị xã thanh tra, kiểm tra thường xuyên kết quả chung về xây dựng, quản lý GTNT ở các xã và số lượng, hiệu quả việc huy động nhân công theo các hình thức lao động công ích, lao động tự nguyện và lao động có trả công.
Chương VI:
KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 23. Các đơn vị có thành tích trong việc quản lý, bảo vệ đường GTNT sẽ được đề nghị khen thưởng theo quy định của UBND tỉnh.
Những hành vi vi phạm trong việc quản lý, bảo vệ đường GTNT gây tổn hại đến công trình, gây mất an toàn và ách tắc giao thông tùy theo mức độ vi phạm mà bị xử lý từ xử phạt hành chính đến truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Chương VII:
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 24. Sở Giao thông vận tải phối hợp với Sở Tài chính Vật giá, Sở Kế hoạch và Đầu tư sớm hướng dẫn để các địa phương, các đơn vị quản lý công trình GTNT thực hiện quy định này có hiệu quả.
UBND các huyện, thị xã phải có các biện pháp huy động toàn dân tham gia quản lý, khai thác, bảo vệ và bảo dưỡng chăm sóc đường GTNT theo quy định.
Quá trình thực hiện có gì vướng mắc, chưa phù hợp, UBND các huyện, thị xã phản ánh về Sở Giao thông vận tải, báo cáo tỉnh nghiên cứu điều chỉnh.
- 1Quyết định 25/2008/QĐ-UBND ban hành Quy định về quản lý, xây dựng, khai thác và bảo dưỡng hệ thống đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Lào Cai do Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai ban hành
- 2Quyết định 15/2006/QĐ-UBND Quy định quản lý, khai thác và bảo vệ đường giao thông nông thôn tỉnh Bắc Giang
- 3Quyết định 1517/QĐ-UBND năm 2010 công bố danh mục văn bản do Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai ban hành từ năm 1991 đến ngày 30 tháng 6 năm 2009 hết hiệu lực thi hành
- 1Quyết định 25/2008/QĐ-UBND ban hành Quy định về quản lý, xây dựng, khai thác và bảo dưỡng hệ thống đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Lào Cai do Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai ban hành
- 2Quyết định 1517/QĐ-UBND năm 2010 công bố danh mục văn bản do Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai ban hành từ năm 1991 đến ngày 30 tháng 6 năm 2009 hết hiệu lực thi hành
Quyết định 146/2000/QĐ-UB về Quy định tạm thời xây dựng, quản lý, khai thác và bảo dưỡng đường Giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Lào Cai
- Số hiệu: 146/2000/QĐ-UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 21/04/2000
- Nơi ban hành: Tỉnh Lào Cai
- Người ký: Đặng Quốc Lộng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra