Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1438/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 03 tháng 10 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CHUNG XÂY DỰNG KHU KINH TẾ ĐÌNH VŨ – CÁT HẢI, THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG ĐẾN NĂM 2025

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

n cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2005 về quy hoạch xây dựng;

Xét đề nghị của Bộ Xây dựng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, thành phố Hải Phòng đến năm 2025 (gọi tắt là Khu kinh tế) với những nội dung chính như sau:

1. Tính chất

- Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải (gọi tắt là Khu kinh tế) là khu kinh tế tổng hợp nhằm phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hải Phòng và vùng duyên hải Bắc Bộ.

- Là một trung tâm kinh tế biển, đa ngành, đa lĩnh vực của vùng duyên hải Bắc Bộ và của cả nước, bao gồm: Kinh tế hàng hải (trọng tâm là phát triển dịch vụ cảng), trung tâm công nghiệp, dịch vụ tài chính, ngân hàng, du lịch, thương mại.

- Là khu kinh tế có cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội hiện đại, đồng bộ gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

2. Phạm vi, ranh giới lập quy hoạch

- Phạm vi lập Quy hoạch chung Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, thành phố Hải Phòng gồm: Các xã thuộc khu vực Bến Rừng của huyện Thủy Nguyên (các xã Trung Hà, Thủy Triều, An Lư, Ngũ Lão, Phục Lễ, Phả Lễ, Lập Lễ, Tam Hưng và một phần thuộc địa bàn các xã: Tân Dương, Thủy Sơn, Dương Quan, Thủy Đường (huyện Thủy Nguyên) nằm trong phạm vi quy hoạch Dự án Khu đô thị, công nghiệp và dịch vụ VSIP Hải Phòng), toàn bộ đảo Vũ Yên; phường Tràng Cát thuộc quận Hải An, bán đảo Đình Vũ thuộc quận Hải An; Đảo Cát Hải (các xã: Văn Phong, Hoàng Châu, Nghĩa Lộ, Đồng Bài, thị trấn Cát Hải) thuộc huyện Cát Hải.

- Tổng diện tích khu vực lập quy hoạch là: 22.140 ha, được giới hạn như sau:

+ Phía Đông: Giáp sông Bạch Đằng, cửa Lạch Huyện và biển;

+ Phía Tây: Giáp xã Hòa Bình và phần còn lại của các xã: Thủy Sơn, Thủy Đường, Tân Dương, Dương Quan huyện Thủy Nguyên, phường Đông Hải 1, Nam Hải, một phần phường Đông Hải 2, quận Hải An và sông Lạch Tray;

+ Phía Bắc: Giáp sông Giá;

+ Phía Nam: Giáp biển.

3. Quy mô dân số và đất đai

a) Quy mô dân số:

- Hiện trạng năm 2010 là 106.823 người;

- Đến năm 2025 là 310.000 người.

b) Quy mô đất đai: Tổng diện tích đất tự nhiên là 22.140 ha gồm:

- Đất các khu phi thuế quan là 1.258 ha bằng 5,70% đất tự nhiên;

- Đất các khu thuế quan là 12.532 ha bằng 56,60% đất tự nhiên;

- Đất khác là 8.350 ha bằng 37,70% đất tự nhiên.

4. Định hướng phát triển không gian

a) Mô hình cấu trúc không gian:

- Mở rộng chức năng cảng trên cơ sở xây dựng mới, mở rộng lấn biển, cải tạo luồng tàu nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao;

- Phân cách hợp lý giữa các khu dân cư đô thị với hệ thống cảng và khu công nghiệp bằng mạng lưới mặt nước và cây xanh;

- Bố trí các khu dân cư đô thị gần nơi làm việc, đồng thời xây dựng mạng lưới giao thông kết nối với các khu cảng, công nghiệp và dịch vụ.

b) Phân khu chức năng: Gồm 2 khu chức năng chính là khu phi thuế quan và khu thuế quan.

- Khu phi thuế quan: Khu phi thuế quan có tổng diện tích đất tự nhỉên là: 1.258 ha, được bố trí tại khu vực Nam Đình Vũ khoảng 448 ha và tại khu vực cảng Lạch Huyện khoảng 810 ha, với các chức năng chính: Chế xuất, kho tàng, quảng bá, trưng bày sản phẩm, dịch vụ, điều hành, hải quan và an ninh quốc phòng.

- Khu thuế quan: Khu thuế quan có tổng diện tích đất tự nhiên là 12.532 ha, gồm các khu chức năng chính sau:

+ Hệ thống cảng: Tổng diện tích đất tự nhiên là 1.046 ha bao gồm: Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (cảng Lạch Huyện): 640 ha; cảng Đình Vũ: 251 ha; cảng Nam Đình Vũ: 144 ha; cảng Cát Hải (cảng cá): 11 ha.

+ Các khu công nghiệp: Tổng diện tích đất tự nhiên là 4.150 ha, bao gồm: Khu công nghiệp Bến Rừng: 319 ha; Khu công nghiệp VSIP: 698 ha; Khu công nghiệp Nam Tràng Cát: 138 ha; Khu công nghiệp Đình Vũ: 681 ha; Khu công nghiệp Nam Đình Vũ: 867 ha; Khu công nghiệp Cát Hải và Lạch Huyện: 1.447 ha.

+ Kho tàng: Tổng diện tích đất tự nhiên là 209 ha, bố trí gắn với các cảng và khu công nghiệp.

+ Các trung tâm phục vụ công cộng: Tổng diện tích đất tự nhiên là 761 ha, bao gồm: Trung tâm phục vụ công cộng của Khu kinh tế bố trí tại khu vực Nam sân bay quốc tế Cát Bi quy mô 22 ha. Các trung tâm phục vụ công cộng khu vực được bố trí tại các đô thị mới, khu dân cư trong Khu kinh tế quy mô 739 ha.

+ Các trung tâm chuyên ngành: Tổng diện tích đất tự nhiên là 2.105 ha, bao gồm:

. Trung tâm y tế, chữa bệnh khoảng 7 ha, bố trí tại khu đô thị mới Bắc sông Cấm và khu đô thị Nam sân bay quốc tế Cát Bi;

. Trung tâm giáo dục - đào tạo và nghiên cứu khoa học khoảng 69 ha gồm trường đại học bố trí phía Tây Nam sân bay quốc tế Cát Bi và các trường trung học chuyên nghiệp, dạy nghề bố trí tại khu Lạch Huyện, Nam khu công nghiệp VSIP, các cơ sở nghiên cứu khoa học bố trí gần với các trung tâm Bắc sông Cấm và Nam sân bay quốc tế Cát Bi;

. Các cơ sở du lịch - nghỉ dưỡng khoảng 87 ha bố trí tại Nam Tràng Cát và các khu vực công viên;

. Hệ thống công viên cây xanh sử dụng mục đích công cộng và thể dục thể thao có diện tích tự nhiên là 1.839 ha gồm các công viên: Hồ Đông và Nam Tràng Cát; đảo Vũ Yên; Bến Rừng và Trung tâm thể dục thể thao Nam Tràng Cát, các khu công viên cây xanh;

. Đất quốc phòng, an ninh: 103 ha.

+ Các khu đô thị và khu dân cư: Tổng diện tích đất tự nhiên là 2.062 ha, bao gồm: Khu đô thị Bến Rừng: 390 ha; Khu đô thị VSIP: 364 ha; Khu đô thị Nam sông Giá (từ sông Giá đến ranh giới khu VSIP và khu Bến Rừng): 371 ha; Khu đô thị Nam Tràng Cát: 629 ha; Khu đô thị Nam sân bay quốc tế Cát Bi (từ sân bay quốc tế Cát Bi đến đường kéo dài sang phía Tây của đường Tân Vũ - Lạch Huyện): 221 ha; Khu dân cư Cát Hải: 87 ha.

+ Hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật: Tổng diện tích đất tự nhiên là 2.196 ha, bao gồm: Đất giao thông đối ngoại (trừ cảng) khoảng 557 ha; đất giao thông đối nội trong Khu kinh tế khoảng 1474 ha; đất các công trình hạ tầng kỹ thuật là 165 ha.

- Các khu đất khác: Tổng diện tích đất tự nhiên là 8.350 ha, bao gồm: Đất cây xanh sinh thái, cây xanh cách ly: 3.133 ha; mặt nước: 5.217 ha.

5. Quy hoạch sử dụng đất

a) Khu phi thuế quan:

- Tại khu vực Lạch Huyện có diện tích khoảng 810 ha, bao gồm các loại: Đất công nghiệp: 443 ha; đất kho tàng: 286 ha; đất giao thông và hạ tầng kỹ thuật: 56 ha; đất cây xanh: 25 ha.

+ Chỉ tiêu sử dụng đất tại các khu công nghiệp: Hệ số sử dụng đất: 0,8 - 1,2 lần; mật độ xây dựng: 40 - 60% và tầng cao trung bình: 2 tầng.

+ Chỉ tiêu sử dụng đất tại các khu kho tàng: Hệ số sử dụng đất: 0,4 - 1,2 lần; mật độ xây dựng: 20 - 60% và tầng cao trung bình: 2 tầng.

- Tại khu vực Nam Đình Vũ có diện tích khoảng 448 ha, bao gồm các loại: Đất công nghiệp: 118 ha; đất kho tàng: 98,5 ha; đất phục vụ công cộng: 70 ha; đất cây xanh: 73,5 ha; đất giao thông và hạ tầng kỹ thuật: 83,0 ha; đất an ninh, quốc phòng: 5 ha;

+ Chỉ tiêu sử dụng đất tại các khu công nghiệp gồm: Hệ số sử dụng đất: 0,8 - 1,2 lần; mật độ xây dựng: 40 - 60% và tầng cao trung bình: 2 tầng.

+ Chỉ tiêu sử dụng đất tại các khu kho tàng gồm: Hệ số sử dụng đất: 0,4 - 1,2 lần; mật độ xây dựng: 20 - 60% và tầng cao trung bình: 2 tầng.

+ Chỉ tiêu sử dụng đất tại các khu phục vụ công cộng gồm: Hệ số sử dụng đất: 2,4 - 3,6 lần; mật độ xây dựng: 40 - 60% và tầng cao trung bình: 6 tầng.

b) Khu thuế quan:

- Chỉ tiêu sử dụng đất tại các khu công nghiệp gồm: Hệ số sử dụng đất: 0,8 - 1,2 lần; mật độ xây dựng: 40 - 60% và tầng cao trung bình: 2 tầng.

- Chỉ tiêu sử dụng đất tại các khu kho tàng gồm: Hệ sổ sử dụng đất: 0,4 - 1,2 lần; mật độ xây dựng: 20 - 60% và tầng cao trung bình: 2 tầng.

- Chỉ tỉêu sử dụng đất tại các trung tâm phục vụ công cộng gồm: Hệ số sử dụng đất: 2,4 - 3,6 lần; mật độ xây dựng: 40 - 60% và tầng cao trung bình: 6 tầng.

- Chỉ tiêu sử dụng đất tại các trung tâm chuyên ngành y tế chữa bệnh, các trung tâm giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học gồm: Hệ số sử dụng đất: 1 - 1,2 lần; mật độ xây dựng: 30 - 40% và tầng cao trung bình: 3 tầng.

- Chỉ tiêu sử dụng đất tại các trung tâm chuyên ngành du lịch, nghỉ dưỡng gồm: Hệ số sử dụng đất: 1,0 - 2,0 lần; mật độ xây dựng: 20 - 40% và tầng cao trung bình: 5 tầng.

- Chỉ tiêu sử dụng đất tại các khu đô thị và dân cư:

+ Khu ở thấp tầng gồm: Hệ số sử dụng đất: 1,0 - 1,8 lần; mật độ xây dựng: 30 - 60% và tầng cao trung bình: 3 tầng;

+ Khu ở trung, cao tầng: Hệ số sử dụng đất: 1,8 - 3,0 lần; mật độ xây dựng: 30 - 50% và tầng cao trung bình: 6 - 10 tầng.

c) Khu đất khác:

Việc sử dụng đất an ninh quốc phòng, đất giao thông, hạ tầng kỹ thuật, cây xanh sinh thái, cây xanh cách ly và mặt nước theo quy hoạch chi tiết được duyệt phù hợp với quy định của pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng.

6. Thiết kế đô thị

a) Vùng kiến trúc cảnh quan: Chia làm 04 vùng được thiết kế có kiến trúc cảnh quan đặc trưng, phù hợp với điều kiện tự nhiên và sử dụng đất: Khu vực Bắc sông Cấm; khu vực Đảo Vũ Yên; khu vực Tràng Cát, Nam sân bay Cát Bi và khu vực cảng Lạch Huyện, khu công nghiệp Đình Vũ.

b) Tổ chức không gian kiến trúc - cảnh quan:

- Các trục, trọng điểm và cửa ngõ của Khu kinh tế:

+ Các trục không gian chủ đạo thu hút các hoạt động đô thị gồm: Trục trung tâm đô thị tại Tràng Cát, Nam sân bay Cát Bi và ba trục đường chính tại khu vực Bến Rừng gồm: Trục từ trung tâm Khu kinh tế qua sông Cấm đến vành đai 2; trục từ đảo Vũ Yên đến vành đai 2 và trục từ trung tâm khu đô thị Bắc sông Cấm đến ga đường sắt đô thị. Hình thành một số trục cảnh quan kết nối hài hòa với hệ thống sông, hồ, kênh và dải cây xanh ven biển tạo cảnh quan và thu hút các hoạt động du lịch, nghỉ dưỡng của Khu kinh tế.

+ Các trọng điểm gồm: Các nhà ga đường sắt đô thị; khu trọng điểm thương mại Tây Bắc đảo Vũ Yên; khu Trung tâm thương mại văn phòng Nam sân bay Cát Bi; khu giải trí Nam Tràng Cát. Tại từng khu vực phường, dọc tuyến đường phố, bố trí một số công trình điểm nhấn làm biểu tượng kiến trúc - cảnh quan đặc trưng.

+ Các cửa ngõ bao gồm: Các trục đường vào Khu kinh tế tại các nút giao thông lập thể; cầu qua sông; nhà ga và ba điểm tại ranh giới của Khu kinh tế với thành phố Hải Phòng.

- Các khu vực cảnh quan thiên nhiên đặc trưng gồm: Công viên đảo Vũ Yên với mật độ xây dựng thấp; các không gian cây xanh quy mô lớn gồm: Đảo Cát Hải, đảo Vũ Yên, công viên Bến Rừng, công viên Hồ Đông; các vùng cây xanh sinh thái, cây xanh cách ly khác có chức năng duy trì đa dạng sinh học, tạo lập cảnh quang, tổ chức các hoạt động du lịch, thể thao vui chơi giải trí và bảo vệ môi trường.

7. Quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật

a) Giao thông:

- Giao thông đối ngoại

+ Giao thông đường bộ:

. Đường cao tốc: Hà Nội - Hải Phòng, Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh; các tuyến đường chính: Đường vành đai 2, đường vành đai 3, đường trung tâm phía Nam sân bay Cát Bi, đường Tân Vũ - Lạch Huyện, đường Bắc - Nam Lạch Huyện - Quảng Ninh, đường tỉnh lộ 359.

. Các nút giao cắt lập thể gồm: Nút Lập Lễ (quy mô 12 ha), nút đảo Vũ Yên (quy mô 11 ha), nút Tân Vũ (quy mô 20 ha) và nút vượt đập Đình Vũ.

+ Giao thông đường sắt:

. Đường sắt: Đường sắt cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đi cảng Lạch Huyện, nhánh vào khu công nghiệp Nam Đình Vũ và nhánh vào khu công nghiệp Đình Vũ. Các ga đầu mối đường sắt gồm: Ga Đình Vũ, ga khu vực khu công nghiệp Nam Đình Vũ, ga Tiền Cảng (ga khu vực cảng Lạch Huyện).

. Đường sắt đô thị gồm 3 tuyến: Tuyến số 01 từ Tràng Cát đi ngầm qua sân bay Cát Bi; tuyến số 02 từ Đăng Cương (huyện An Dương) đi cảng Lạch Huyện và tuyến số 03 chạy dọc đường vành đai 2 có điểm cuối giao cắt với tuyến số 1. Tổng chiều dài đường sắt đô thị qua Khu kinh tế khoảng 36,1 km.

+ Giao thông đường thủy:

. Đường biển: Hai luồng sông Bạch Đằng - Kênh Hà Nam - Lạch Huyện và Bạch Đằng - Nam Triệu với 03 bến cảng gồm: Cảng Lạch Huyện, cảng Khu công nghiệp Đình Vũ, cảng Khu công nghiệp Nam Đình Vũ;

. Đường sông: Theo các sông Bạch Đằng, sông Cấm, sông Lạch Tray; bến cảng vận chuyển hành khách du lịch bố trí tại khu vực Tây đảo Vũ Yên (khu vực sông Ruột Lợn), khu vực Đông Nam Tràng Cát và điểm kết nối phía Bắc cảng Lạch Huyện với đảo Cát Bà.

. Khu bến cảng Lạch Huyện: Tổng lượng hàng hóa qua cảng đến năm 2025 khoảng 68,3 triệu tấn, gồm 18 bến cảng có tổng chiều dài là 6.000 m.

+ Giao thông đường hàng không: Sân bay quốc tế Cát Bi hiện có nâng cấp (tiêu chuẩn 4E) và sân bay quốc tế Hải Phòng mới dự kiến tại huyện Tiên Lãng (theo Quy hoạch chung xây dựng thành phố Hải Phòng, tiêu chuẩn 4F).

- Giao thông đối nội:

+ Mạng lưới đường của Khu kinh tế đảm bảo đồng bộ, giao thông thuận lợi và nối kết hợp lý với hệ thống giao thông đối ngoại và mạng lưới đường trục chính, đường vành đai của thành phố Hải Phòng bao gồm: Trục đường chính khu đô thị và công nghiệp Bến Rừng (lộ giới 50,5 m); trục đường chính khu công nghiệp VSIP (lộ giới 50,0m); trục đường chính khu công nghiệp Đình Vũ (lộ giới 68,0 m và 50,5 m); trục đường chính khu công nghiệp Nam Đình Vũ (lộ giới 68,0 m và 100 m); trục đường chính khu vực Nam Tràng Cát (lộ giới 100 m); trục đường chính khu vực cảng Lạch Huyện (lộ giới 41 m - 68 m); mạng lưới các tuyến đường liên khu vục, đường khu vực (lộ giới 25 m - 50 m) đảm bảo mật độ phù hợp.

+ Giao thông công cộng:

. Xe buýt: Bố trí các tuyến xe buýt đường dài vào trung tâm thành phố, tuyến xe buýt đến khu công nghiệp, khu cảng và tuyến xe buýt vòng quanh Khu kinh tế.

. Bến xe khách liên tỉnh: Quy mô 3 ha, vị trí gần nút giao thông Tân Vũ nối kết với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

. Hệ thống bãi đỗ xe được bố trí trong các khu chức năng, đảm bảo đáp ứng nhu cầu tại chỗ.

b) Chuẩn bị kỹ thuật đất đai và công trình phòng tránh thiên tai:

- San nền: Khu vực Thủy Nguyên, Bến Rừng và VSIP (cao độ nền) là +4,3 m; khu vực đảo Vũ Yên có cao độ nền là +4,3 m; bán đảo Đình Vũ có cao độ nền là +5,0 m; khu Nam Đình Vũ có cao độ nền là +5,5 m; Nam sân bay Cát Bi, phường Tràng Cát có cao độ nền là +5,0 m; Lạch Huyện có cao độ nền là +5,5 m; đảo Cát Hải: Phía Bắc và trung tâm có cao độ nền là +5,0 m; phía Nam có cao độ nền là 5,5 m.

- Thoát nước mưa:

+ Việc thoát nước mưa phải đảm bảo xây dựng hợp lý các loại cống theo tính toán: Đối với khu vực có lưu lượng thoát nước lớn sử dụng cống hộp bê tông cốt thép; bố trí tuyến cống thu gom thoát nước với chiều dài ngắn nhất, các tuyến kênh và cửa xả của công trình thoát nước mưa phải bố trí cửa ngăn triều.

+ Các lưu vực thoát nước mưa chủ yếu gồm: Khu vực Thủy Nguyên (Bến Rừng, Hải Phòng VSIP), khu vực đảo Vũ Yên, khu vực bán đảo Đình Vũ, khu vực Nam sân bay Cát Bi, khu vực Tràng Cát và đảo Cát Hải. Tại các khu vực này xây dựng và bố trí hệ thống thu gom thoát nước phù hợp, bám sát địa hình tự nhiên.

- Xây dựng hệ thống đê sông, đê biển phòng tránh thiên tai:

+ Cao độ đỉnh đê biển đoạn tiếp giáp biển là +7.5 m, đoạn khu vực cảng là +7.0 m; cao độ đê sông là +6.5 m (theo cao độ hải đồ);

+ Cấu tạo đê: Mặt cắt đê tiêu chuẩn chia làm 3 loại đối với đê biển và 10 loại đối với đê sông có kết cấu theo quy định, đảm bảo an toàn, ổn định nền đất ven sông, ven biển, đáp ứng yêu cầu trị thủy, sử dụng đất hợp lý, tạo cảnh quan và gìn giữ môi trường sinh thái tự nhiên.

c) Cấp nước:

- Nguồn nước: Nước mặt theo Quy hoạch chung xây dựng thành phố Hải Phòng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 được duyệt.

- Chỉ tiêu cấp nước: Theo tiêu chuẩn đô thị loại I, đáp ứng 100% lượng nước sạch cấp từ nhà máy tới các hộ tiêu thụ.

- Tổng nhu cầu cấp nước sạch là Q= 342.200 m3/ngày đêm: cấp nước cho đô thị Q=110.800 m3/ngày đêm; cấp nước cho công nghiệp Q=231.400 m3/ngày đêm.

Trong đó, sử dụng nước tái chế để tưới cây, rửa đường, nhà vệ sinh tại các khu công nghiệp và cảng: Q= 40.300 m3/ngày đêm.

- Các nhà máy cấp nước:

+ Nhà máy nước Ngũ Lão (Sông Giá): Tổng công suất 290.000 m3/ngày đêm; cấp nước cho Khu kinh tế 133.000 m3/ngày đêm;

+ Nhà máy nước Đình Vũ (ỉấy nước sông Đa Độ thông qua đường ống cấp nước thô D700): cấp cho Khu kinh tế 33.000 m3/ngày đêm;

+ Nhà máy nước Hưng Đạo (sông Đa Độ): Tổng công suất 290.000 m3/ngày đêm; cấp nước cho Khu kinh tế 121.000 m3/ngày đêm;

+ Nhà máy nước An Dương (sông Rế): Tổng công suất 200.000 m3/ngày đêm; cấp nước cho Khu kinh tế 32.000 m3/ngày đêm;

- Xây dựng 06 trạm bơm tăng áp bao gồm: Trạm bơm số 1 (Q=69.000 m3/ngày đêm), Trạm bơm số 2 (Q=116.000 m3/ngày đêm), Trạm bơm số 3 (Q=70.000 m3/ngày đêm), Trạm bơm số 4 (Q=41.000 m3/ngày đêm), Trạm bơm số 5 (Q=56.000 m3/ngày đêm), Trạm bơm số 6 (Q=34.000 m3/ngày đêm).

- Mạng lưới phân phối nước được thiết kế tối ưu theo quy trình: Nguồn - Trạm thu nước - Nhà máy nước - Bơm tăng áp - Đường ống dẫn và đường ống phân phối đến các khu chức năng của Khu kinh tế.

d) Cấp điện:

- Chỉ tiêu cấp điện: Theo Quy hpạch chung xây dựng thành phố Hải Phòng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 được duyệt.

- Tổng công suất cấp điện cho Khu kinh tế đến năm 2025: 1.246 MVA.

- Nguồn điện lấy từ các tuyến: Đường dây 110 KV từ nhà máy nhiệt điện Hải Phòng; đường dây 110 KV từ trạm 220/110 KV Đình Vũ; đường dây 110 KV từ trạm biến áp 110/22 KV chợ Rọc, đường dây 220 KV từ đường dây 220 KV nhà máy nhiệt điện Phả Lại - Đồng Hòa - Đình Vũ và đường dây 220 KV từ nhà máy nhiệt điện Hải Phòng đi Đình Vũ.

- Lưới điện cao áp:

+ Các tuyến điện hiện có: Đường dây 220 KV từ Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng cấp cho trạm biến áp 220 KV Đình Vũ; đường dây 220 KV từ nhà máy nhiệt điện Hải Phòng cấp cho trạm biến áp 220 KV Vật Cách; đường dây từ trạm biến áp Đồng Hòa cấp cho trạm biến áp 220 KV Đình Vũ.

+ Các tuyến điện xây dựng mới: Đường dây 110 KV từ nhà máy nhiệt điện Hải Phòng đi các trạm biến áp 110/22 KV Bến Rừng và Bắc Sông Cấm 1,2,3; đường dây 110 KV từ trạm biến áp 220/110 KV Đình Vũ cấp cho trạm biến áp 110/22 KV Khu công nghiệp Nam Đình Vũ; đường dây 110 KV từ trạm 220/110 KV Phấn Dũng (Dương Kinh) cấp cho trạm biến áp 110/22 KV Nam Tràng Cát; đường dây 110 KV từ trạm biến áp 110/22 KV Cát Hải cấp cho trạm 110/22 KV Cát Bà; tuyến cáp ngầm 110 KV hai mạch từ trạm biến áp 220 KV Đình Vũ cấp cho trạm biến áp khu vực Lạch Huyện.

+ Lưới điện cao áp 110 KV, 220 KV thiết kế mạch kép, sử dụng cột hai mạch, bốn mạch nhằm giảm yêu cầu về hành lang an toàn và tạo mỹ quan đô thị.

- Lưới điện trung áp: Bố trí lưới trung áp 22 KV đi cáp ngầm trong hào/ tunel và có kết cấu mạch vòng kín vận hành hở; nguồn cấp điện từ 2 trạm 110 KV hoặc từ hai thanh cái phân đoạn của trạm 110 KV có hai máy biến áp.

- Trạm biến áp:

+ Các trạm biến áp hiện có: Giữ nguyên công suất trạm 220 KV Đình Vũ (2x250 MVA) và trạm 110 KV Bắc Sông Cấm 1 (2x63 MVA); nâng công suất trạm 110 KV Thủy Nguyên I (2x63 MVA), trạm 110 KV Thép Đình Vũ (2x63 MVA) và trạm 110 KV Cát Hải (2x63 MVA).

+ Các trạm biến áp xây mới: Trạm 110 KV Bến Rừng (2x63 MVA); trạm 110 KV Bắc Sông Cấm 2 (2x40 MVA); trạm 110 KV Bắc Sông Cấm 3 (2x40 MVA); trạm 110 KV Nam Đình Vũ (4x63 MVA); trạm 110 KV Nam Tràng Cát (2x63 MVA) và trạm 110 KV Lạch Huyện (3x63 MVA).

đ) Bưu chính viễn thông:

- Nguồn tín hiệu chính lấy từ các tổng đài Thủy Nguyên, Hải An, Đình Vũ, Cát Hải của thành phố Hải Phòng.

- Chỉ tiêu tính toán: Trong đô thị 50 máy/100 người dân; trong khu công nghiệp 10 máy/ha - Tổng số thuê bao là 295.000 thuê bao.

- Các khu vực cung cấp: Khu công nghiệp Bến Rừng, khu Hải Phòng VSIP, đảo Vũ Yên, Tràng Cát, Nam Cát Bi, khu vực Đình Vũ.

e) Thoát nước thải và vệ sinh môi trường:

- Thoát nước thải: Bằng 90% công suất cung cấp nước sạch; cho khu đô thị là 109.718 m3/ngày đêm; cho khu công nghiệp là 199.083 m3/ngày đêm.

+ Các trạm xử lý nước thải tập trung: Tổng công suất xử lý nước thải là 311.700 m3/ngày đêm bao gồm 14 trạm (ký hiệu từ Q1 đến Q14) được bố trí tại khu vực Bến Rừng, Hải Phòng VSIP, đảo Vũ Yên, Nam Tràng Cát, Nam Cát Bi, Đình Vũ, đảo Cát Hải – Lạch Huyện.

+ Các đường ống dẫn nước thải bố trí theo nguyên tắc tự chảy, trường hợp không thể tự chảy phải sử dụng các trạm bơm cưỡng bức. Tổng số trạm bơm cưỡng bức là 46 trạm.

- Thu gom và xử lý chất thải rắn:

+ Hệ thống thu gom và xử lý chất thải rắn đảm bảo đồng bộ và vệ sinh môi trường: 85% chất thải được xử lý bằng phương pháp tái chế, tái sử dụng và chế biến thành phân hữu cơ, xử lý công cộng và khuyến khích phân loại rác; còn lại 15% chất thải được chôn lấp hợp vệ sinh.

+ Lượng rác thải rắn: 460 tấn/ngày đêm đối với rác thải sinh hoạt và 1.250 tấn/ngày đêm đối với rác thải công nghiệp.

+ Chất thải rắn sinh hoạt, y tế: Sau khi đóng cửa bãi xử lý chôn lấp hiện hữu ở Tràng Cát và Đình Vũ sẽ được đưa về bãi chôn lấp tập trung của thành phố Hải Phòng tại xã Gia Minh, huyện Thủy Nguyên với quy mô diện tích 35,0 ha hoặc đưa về Khu xử lý chất thải rắn Trấn Dương, huyện Vĩnh Bảo.

+ Chất thải rắn công nghiệp đưa về Khu xử lý chất thải rắn Trấn Dương, huyện Vĩnh Bảo.

+ Chất thải rắn nguy hại được chuyển đến Khu xử lý chất thải tập trung tại xã Sơn Dương, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh.

8. Đánh giá môi trường chiến lược

a) Xử lý hiện trạng ô nhiễm môi trường bao gồm: Xử lý ô nhiễm nước mặt sông Bạch Đằng, sông Cấm và nước biển; cải thiện chất lượng môi trường không khí và các chỉ tiêu kim loại có ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.

b) Các giải pháp giảm thiểu tác động môi trường bao gồm: Xây dựng chính sách, cơ chế thích hợp bảo vệ môi trường; nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; quản lý kỹ thuật các thành phần của môi trường và sử dụng các công nghệ, kỹ thuật phù hợp để xử lý ô nhiễm môi trường.

c) Xây dựng chương trình quản lý giám sát đối với: Môi trường không khí, môi trường nước, môi trường đất, chất thải rắn, tiếng ồn, phóng xạ và điện từ.

9. Quy hoạch ngắn hạn đến năm 2015

a) Các dự án ưu tiên đầu tư:

- Xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật và tuyến đường bộ huyết mạch của Khu kinh tế;

- Xây dựng các khu tái định cư;

- Xây dựng cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (cảng Lạch Huyện);

- Triển khai các dự án khu đô thị, khu công nghiệp tập trung: Khu Nam Đình Vũ, Khu đô thị Bắc Sông Cấm, trục đường 50, Khu Bến Rừng, Khu đô thị mới Nam Cát Bi, Khu công viên du lịch đảo Vũ Yên.

b) Các biện pháp thực hiện quy hoạch và quản lý theo quy hoạch:

- Cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực quản lý quy hoạch, kiến trúc, đất đai và đầu tư xây dựng;

- Chủ động chuẩn bị quỹ đất sạch và bố trí các khu tái định cư;

- Có giải pháp thu hút các nguồn vốn và huy động các nguồn lực từ đất đai, lao động và đầu tư trong nước, ngoài nước để triển khai các dự án đầu tư trong Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải.

Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

- Tổ chức công bố, công khai đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, thành phố Hải Phòng đến năm 2025 theo quy định;

- Ban hành Quy định quản lý theo Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải;

- Triển khai lập, xét duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng khu chức năng làm cơ sở triển khai các dự án đầu tư và quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch;

- Xây dựng các phương án phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Quốc phòng, Giao thông vận tải, Tài chính, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hải Phòng;
- Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, Cổng TTĐT, các Vụ: TH, KTTH, NC, ĐP;
- Lưu: Văn thư, KTN (3b).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1438/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, thành phố Hải Phòng đến năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 1438/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 03/10/2012
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản