Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
CỤC QUẢN LÝ LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 143/2003/QĐ-CQLLĐNN | Hà Nội, ngày 25 tháng 6 năm 2003 |
CỤC TRƯỞNG CỤC QUẢN LÝ LAO ĐỘNG NGOÀI NƯỚC
Căn cứ Nghị định số 29/2003/NĐ-CP này 31/03/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Căn cứ Quyết định 666/2003/QĐ-BLĐTBXH ngày 30/05/2003 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý lao động ngoài nước;
Xét đề nghị của các ông Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Trưởng phòng Thị trường lao động,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy trình cấp giấy phép hoạt động và đăng ký hợp đồng đưa lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài" tại Cục Quản lý lao động ngoài nước.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2003, thay thế Quyết định số 09/2000/QĐ-CQLLĐNN ngày 16/02/2000 của Cục trưởng Cục Quản lý lao động với nước ngoài.
Điều 3: Các ông Chánh Văn phòng Cục, 'Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Trưởng phòng Thị trường lao động và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Trần Văn Hằng (Đã ký) |
CẤP GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG VÀ ĐĂNG KÝ HỢP ĐỒNG ĐƯA LAO ĐỘNG VÀ CHUYÊN GIA VIỆT NAM ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 143/2003/QĐ-CQLLĐNN ngày 25/6/2003 của Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước)
I. CẤP GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG
a. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động chuyên doanh:
- Đơn đề nghị cấp giấy phép có xác nhận của thủ trưởng cơ quan cấp bộ, ngành, địa phương hoặc tổ chức đoàn thể Trung ương.
- Quyết định thành lập doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh (bản sao) có chức năng hoạt động đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
- Luận chứng kinh tế về việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
- Sơ yếu lý lịch của người lãnh đạo doanh nghiệp và danh sách trích ngang cán bộ của doanh nghiệp trực tiếp thực hiện nhiệm vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
- Bản xác nhận vốn tại thời điểm xin cấp giấy phép của cơ quan có thẩm quyền.
- Báo cáo tài chính và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp của năm liền kề
- Tài liệu chứng minh khả năng khai thác, ký kết hợp đồng và thực hiện việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (nếu có).
b. Hồ sơ đề nghị bổ sung chức năng xuất khẩu lao động cho doanh nghiệp:
Ngoài những văn bản nêu ở phần a, phải có công văn đề nghị bổ sung chức năng xuất khẩu lao động cho doanh nghiệp của thủ trưởng cơ quan chủ quản cấp bộ, ngành, tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương, tổ chức đoàn thể Trung ương.
c. Hồ sơ đề nghị thoả thuận thành lập doanh nghiệp:
- Công văn của thủ trưởng cơ quan chủ quản cấp bộ, ngành, tỉnh thành phố trực thuộc Trung trong, tổ chức đoàn thể Trung ương.
- Đề án thành lập doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động.
- Mức vốn điều lệ và ý kiến bằng văn bản của cơ quan tài chính có thẩm quyền về nguồn và mức vốn điều lệ được cấp.
a. Tiếp nhận hồ sơ: Phòng Thị trường lao động nhận hồ sơ (do doanh nghiệp trực tiếp chuyển đến hoặc gửi qua bưu điện). Phòng Thị trường lao động kiểm tra về thủ tục, nếu đầy đủ thì cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ (theo mẫu) cho doanh nghiệp.
Trong trường hợp hồ sơ không đầy đủ hoặc không hợp lệ, Phòng Thị trường lao động phải thông báo rõ cho doanh nghiệp biết để hoàn chỉnh hồ sơ.
b. Trường hợp doanh nghiệp bổ sung hồ sơ cũng phải được đăng ký vào sổ văn thư. Sau khi phòng Thị trường lao động kiểm tra hồ sơ, nếu đúng quy định thì coi ngày đó là ngày bắt đầu tiếp nhận hồ sơ.
c. Thẩm định hồ sơ: Khi hồ sơ đã đủ thủ tục theo phiếu tiếp nhận hồ sơ thì phòng Thị trường lao động gửi phiếu yêu cầu thẩm định kèm theo hồ sơ cho phòng Kế hoạch - Tài chính để xem xét khả năng tài chính của doanh nghiệp theo quy định. Phòng Kế hoạch - Tài chính sau khi xem xét xong chuyển hồ sơ cho Thanh tra Cục để thẩm định về tư cách pháp nhân của doanh nghiệp và sau khi xem xét xong chuyển hồ sơ cho phòng Đào tạo - Giáo dục định hướng để thẩm định về các điều kiện liên quan đến công tác đào tạo của doanh nghiệp. Thời gian xem xét hồ sơ tại mỗi phòng không quá hai ngày làm việc và các phòng phải ghi rõ ý kiến đồng ý hay không đồng ý với lý do có liên quan vào phiếu yêu cầu thẩm định. Sau đó, hồ sơ được chuyển lại cho phòng Thị trường lao động.
d. Phòng Thị trường lao động sau khi nhận lại hồ sơ và phiếu yêu cầu thẩm định của các phòng, trong thời hạn hai ngày làm việc phải xem xét hồ sơ và tổng hợp ý kiến trình lãnh đạo Cục để trình Bộ quyết định việc cấp giấy phép cho doanh nghiệp.
Trường họp ý kiến của các phòng chưa thống nhất, phòng Thị trường lao động chủ trì họp với các phòng để thống nhất ý kiến cũng như dự kiến tổ chức thẩm tra trực tiếp tại doanh nghiệp, trình lãnh đạo Cục quyết định
II. ĐĂNG KÝ THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG
a. Đối với doanh nghiệp có giấy phép hoạt động xuất khẩu lao động:
- Đơn đề nghị đăng ký thực hiện hợp đồng (một bản chính và một bản sao photo).
- Bản sao hợp đồng và các văn bản kèm theo (nếu có) có xác nhận sao y bản chính của thủ trưởng doanh nghiệp.
Nếu là hợp đồng khung thì phải có văn bản yêu cầu nhận lao động của đối tác theo từng đợt và các văn bản kèm theo.
b. Đối với doanh nghiệp không có giấy phép hoạt động chuyên doanh, ký được hợp đồng cung ứng lao động phù hợp với ngành nghề trong đăng ký kinh doanh và có lao động đáp ứng yêu cầu của hợp đồng:
- Đơn đề nghị đăng ký thực hiện hợp đồng, có ý kiến chấp thuận của thủ trưởng cơ quan chủ quản của doanh nghiệp. (Bộ, ngành hay UBND tỉnh, thành phố).
- Bản sao đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp có công chứng Nhà nước.
- Bản sao hợp đồng và các văn bản kèm theo (nếu có) có xác nhận sao y bản chính của thủ trưởng doanh nghiệp. Nếu là hợp đồng khung thì phải có văn bản yêu cầu nhận lao động của đối tác theo từng đợt và các văn bản kèm theo.
- Báo cáo tài chính và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp của năm liền kề.
c. Đối với hợp đồng nhận thầu, khoán công trình, liên doanh chia sản phẩm ở nước ngoài, đầu tư ra nước ngoài (bao gồm cả doanh nghiệp có giấy phép hoạt động hay không có giấy phép hoạt động xuất khẩu lao động), thì ngoài các văn bản đã nêu trong điểm b của mục này; phải có phương án nhân công có ý kiến phê duyệt của thủ trưởng cơ quan chủ quản trực tiếp của doanh nghiệp.
a. Khi doanh nghiệp gửi hồ sơ tại Phòng Thị trường lao động, nếu hồ sơ hợp lệ thì phòng Thị trường lao động cấp cho doanh nghiệp một (01) Phiếu tiếp nhận hồ sơ đăng ký hợp đồng.
b. Trong thời hạn 03 ngày làm việc đối với hồ sơ của doanh nghiệp có giấy phép hoạt động chuyên doanh và 07 ngày làm việc đối với hồ sơ của doanh nghiệp không có giấy phép hoạt động chuyên doanh xuất khẩu lao động, Phòng Thị trường lao động phải xem xét hồ sơ, tổng hợp nội dung hợp đồng và lưu vào hồ sơ đăng ký thực hiện hợp đồng. Trong trường hợp hợp đồng còn có những điểm cần xem xét, chưa cho phép thực hiện, Phòng Thị trường lao động báo cáo lãnh đạo Cục bằng văn bản và dự thảo văn bản trình Lãnh đạo Cục gửi tới doanh nghiệp thông báo lý do chưa cho phép thực hiện hợp đồng. Văn bản thông báo lý do chưa cho phép thực hiện hợp đồng cùng được gửi cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an.
c. Đối với các hợp đồng đưa lao động đến các thị trường mới, đến các khu vực nhạy cảm hay đối với các ngành nghề có tính chất phức tạp, Phòng Thị trường lao động có trách nhiệm gửi hồ sơ đăng ký hợp đồng tới các phòng Quản lý lao động, Kế hoạch - Tài chính và Thanh tra Cục để lấy ý kiến tham khảo, đồng thời tổng hợp ý kiến của các Phòng trình lãnh đạo Cục xem xét, quyết định.
d. Hàng tuần, Phòng Thị trường lao động có trách nhiệm tổng hợp tình hình đăng ký thực hiện hợp đồng, báo cáo lãnh đạo Cục đồng thời gửi tới các phòng Quản lý lao động, Kế hoạch - Tài chính, Đào tạo - Giáo dục định hướng, Thanh tra Cục và Trung tâm Thông tin - Tư vấn để theo dõi, tổng hợp. Tổng hợp tình hình đăng ký thực hiện hợp đồng cùng được gửi cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an.
Quy trình này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2003. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc phát sinh, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ xem xét để thay đổi bổ sung cho phù hợp.
- 1Nghị định 29/2003/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
- 2Thông tư liên tịch 107/2003/TTLT-BTC-BLĐTBXH hướng dẫn chế độ tài chính đối với người lao động và doanh nghiệp đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo Nghị định 81/2003/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động về người lao động VN làm việc ở nước ngoài do Bộ Tài chính - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành
- 3Quyết định 666/2003/QĐ-BLĐTBXH quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý lao động ngoài nước do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
Quyết định 143/2003/QĐ-CQLLĐNN ban hành quy trình cấp giấy phép hoạt động và đăng ký hợp đồng đưa lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài do Cục quản lý lao động nước ngoài ban hành
- Số hiệu: 143/2003/QĐ-CQLLĐNN
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 25/06/2003
- Nơi ban hành: Cục Quản lý lao động ngoài nước
- Người ký: Trần Văn Hằng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra