Hệ thống pháp luật

BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1424/QĐ-BTTTT

Hà Nội, ngày 29 tháng 8 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH KIỂM TRA, CHẤN CHỈNH HOẠT ĐỘNG QUẢNG CÁO TRONG LĨNH VỰC BÁO CHÍ, XUẤT BẢN, VIỄN THÔNG VÀ CÔNG NGHỆ THÔNG TIN

BỘ TRƯỞNG BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

Căn cứ Nghị định số 17/2017/NĐ-CP ngày 17/02/217 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;

Căn cứ chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 09/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo;

Xét đề nghị của Chánh Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, viễn thông và công nghệ thông tin.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, Vụ trưởng các Vụ: Kế hoạch - Tài chính, Công nghệ thông tin; Cục trưởng các Cục: Báo chí, Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Xuất bản, In và Phát hành, Thông tin cơ sở; Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ trưởng Trương Minh Tuấn (để b/c);
- Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo;
- Sở TT&TT các tỉnh, TP;
- Lưu: VT, TTra, HSTT(HP-80).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Hoàng Vĩnh Bảo

 

KẾ HOẠCH

KIỂM TRA, CHẤN CHỈNH HOẠT ĐỘNG QUẢNG CÁO TRONG LĨNH VỰC BÁO CHÍ, XUẤT BẢN, VIỄN THÔNG VÀ CÔNG NGHỆ THÔNG TIN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1424/QĐ-BTTTT ngày 29/8/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông)

Thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 09 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành kế hoạch kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên lĩnh vực báo chí, xuất bản, viễn thông và công nghệ thông tin như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Triển khai có hiệu quả Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đến các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về hoạt động quảng cáo trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, viễn thông và công nghệ thông tin.

- Chấn chỉnh những tồn tại, vi phạm trong hoạt động quảng cáo thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông, góp phần lập lại trật tự, kỷ cương trong hoạt động quảng cáo nói chung.

- Phát hiện những bất cập, vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật đề xuất cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung quy định phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

2. Yêu cầu

- Kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào việc quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ có liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người; sản phẩm, dịch vụ có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội; sản phẩm, dịch vụ không khuyến khích sử dụng.

Thông qua việc kiểm tra, tiến hành đánh giá công tác quản lý quảng cáo của ngành thông tin và truyền thông từ trung ương đến cơ sở.

- Thực hiện đúng quy định của pháp luật về hoạt động kiểm tra. Quá trình thanh tra đảm bảo chính xác, khách quan, trung thực, công khai dân chủ không làm cản trở đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra

- Phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng có liên quan ở trung ương và địa phương trong quá trình kiểm tra để bảo đảm các đoàn kiểm tra đủ khả năng phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về quảng cáo theo quy định của pháp luật.

- Tránh tình trạng kiểm tra chồng chéo hoặc làm không đồng bộ, không hiệu quả.

II. NỘI DUNG

2.1. Đối tượng kiểm tra

- Cơ quan báo chí: Đài Truyền hình, Đài phát thanh và truyền hình Đài Tiếng nói Việt Nam, báo in, báo điện tử

- Nhà xuất bản

- Doanh nghiệp viễn thông

- Doanh nghiệp có hoạt động thông tin điện tử

- Cá nhân cung cấp thông tin quảng cáo trên môi trường mạng

2.2. Thời kỳ kiểm tra

Từ 1/6/2016 đến thời điểm tiến hành kiểm tra

2.3. Nội dung kiểm tra

2.3.1. Việc chấp hành quy định pháp luật về hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo:

- Quảng cáo những sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo quy định tại Điều 7 Luật Quảng cáo, bao gồm: Thuốc lá; Rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên; Sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi; bình bú và vú ngậm nhân tạo; Thuốc kê đơn; thuốc không kê đơn nhưng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc; Các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích dục; Súng săn và đạn súng săn, vũ khí thể thao và các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích động bạo lực.

- Quảng cáo làm tiết lộ bí mật nhà nước, phương hại đến độc lập, chủ quyền quốc gia, an ninh, quốc phòng.

- Quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam.

- Quảng cáo gây ảnh hưởng xấu đến sự tôn nghiêm đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Đảng kỳ, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

- Quảng cáo có tính chất kỳ thị dân tộc, phân biệt chủng tộc, xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo, định kiến về giới, về người khuyết tật

- Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.

- Quảng cáo bằng việc sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp về giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình với giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cùng loại của tổ chức, cá nhân khác.

- Quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

2.3.2 Việc chấp hành quy định của pháp luật về tiếng nói, chữ viết trong quảng cáo

Sản phẩm quảng cáo phải có nội dung thể hiện bằng tiếng Việt (trừ những trường hợp được quy định riêng).

2.3.3 Việc chấp hành quy định của pháp luật về nội dung quảng cáo

Nội dung quảng cáo phải bảo đảm trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh và người tiếp nhận quảng cáo.

2.3.4 Việc chấp hành quy định của pháp luật về điều kiện quảng cáo

- Quảng cáo về hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

- Quảng cáo cho các loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải có các tài liệu chứng minh về sự hợp chuẩn, hợp quy của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật.

- Quảng cáo cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt phải đảm bảo các điều kiện sau đây:

a) Quảng cáo thuốc được phép quảng cáo theo quy định của pháp luật về y tế; phải có giấy phép lưu hành tại Việt Nam đang còn hiệu lực và tờ hướng dẫn sử dụng do Bộ Y tế phê duyệt;

b) Quảng cáo mỹ phẩm phải có phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm theo quy định của pháp luật về y tế;

c) Quảng cáo hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế phải có giấy chứng nhận đăng ký lưu hành do Bộ Y tế cấp;

d) Quảng cáo sữa và sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ không thuộc quy định tại khoản 4 Điều 7 của Luật Quảng cáo phải có giấy chứng nhận tiêu chuẩn, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm dinh dưỡng sản xuất trong nước; đối với sản phẩm dinh dưỡng nhập khẩu thì phải có giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm của cơ quan có thẩm quyền của nước sản xuất và giấy phép lưu hành;

đ) Quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm phải có giấy chứng nhận đăng ký chất lượng vệ sinh an toàn đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm thuộc danh mục phải đăng ký chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc giấy tiếp nhận hồ sơ công bố tiêu chuẩn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm thuộc danh mục phải công bố tiêu chuẩn;

e) Quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phải có giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn hành nghề do ngành y tế cấp theo quy định của pháp luật;

g) Quảng cáo trang thiết bị y tế phải có giấy phép lưu hành đối với thiết bị y tế sản xuất trong nước hoặc giấy phép nhập khẩu đối với thiết bị y tế nhập khẩu;

h) Quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật, nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật, vật tư bảo vệ thực vật phải có giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật. Quảng cáo sinh vật có ích dùng trong bảo vệ thực vật phải có giấy phép kiểm dịch thực vật do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp;

i) Quảng cáo thuốc thú y, vật tư thú y phải có giấy phép lưu hành sản phẩm và bản tóm tắt đặc tính của sản phẩm;

k) Quảng cáo phân bón, chế phẩm sinh học phục vụ trồng trọt, thức ăn chăn nuôi, chế phẩm sinh học phục vụ chăn nuôi phải có giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm hoặc văn bản tự công bố chất lượng sản phẩm.

2.3.5 Việc chấp hành quy định của pháp luật về quảng cáo trên báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử, trang thông tin điện tử; quảng cáo trên phương tiện điện tử, thiết bị đầu cuối và các thiết bị viễn thông khác; quảng cáo trên các sản phẩm in theo quy định tại Điều 21, 22, 23, 24, 25 Luật Quảng cáo.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

3.1. Ở Trung ương

Các đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và truyền thông (Thanh tra Bộ, Cục Báo chí, Cục Xuất bản, In và phát hành, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Cục Thông tin cơ sở, Vụ Công nghệ thông tin) chủ trì phối hợp với đơn vị chức năng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế tiến hành kiểm tra trọng điểm một số cơ quan báo chí, nhà xuất bản, Công ty viễn thông, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thông tin điện tử.

Trong tháng 8 năm 2017, Thanh tra Bộ làm văn bản gửi các cơ quan liên quan đề nghị cử người tham gia đoàn kiểm tra.

Từ tháng 9 đến tháng 12 năm 2017 triển khai 2 đợt kiểm tra, cụ thể như sau;

Đợt 1: Kiểm tra một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội vào tháng 9 năm 2017 (danh mục các đơn vị kèm theo).

Đợt 2: Kiểm tra một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam vào tháng 10 năm 2017 (danh mục các đơn vị kèm theo).

Đối với cá nhân cung cấp thông tin quảng cáo trên môi trường mạng, nếu xác định được danh tính, địa chỉ mời đến trụ sở Bộ Thông tin và Truyền thông làm việc. Nếu chưa xác định được danh tính, địa chỉ phối hợp với cơ quan công an điều tra, xác minh, xử lý.

Sau khi hoàn thành hai đợt kiểm tra, tiến hành sơ kết, đánh giá kết quả đạt được. Trong trường hợp cần thiết, Thanh tra Bộ sẽ tiếp tục tiến hành các đợt kiểm tra tiếp theo hoặc kiểm tra đột xuất đối với các cơ sở có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quảng cáo.

Hàng năm, Thanh tra Bộ, các đơn vị được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành lồng ghép nội dung thanh tra, kiểm tra về hoạt động quảng cáo trong các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất, các cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch.

Giao Thanh tra Bộ ra quyết định thành lập đoàn kiểm tra.

3.2. Ở địa phương

Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào tình hình thực tiễn ở địa phương, tham mưu cho UBND cùng cấp ban hành kế hoạch thanh tra hoặc kiểm tra hoạt động quảng cáo trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý nhà nước.

Quá trình kiểm tra cần phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương như Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Y tế, Sở nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để đảm bảo hiệu quả.

Phối hợp với đoàn thanh tra, kiểm tra của Trung ương khi triển khai thực hiện thanh tra, kiểm tra trên địa bàn khi có yêu cầu.

IV. XỬ LÝ VI PHẠM

Các đoàn kiểm tra khi phát hiện vi phạm phải lập biên bản, đề nghị xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Xem xét áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả phù hợp để đảm bảo tính răn đe.

Công bố công khai kết quả xử lý vi phạm, các tổ chức, cá nhân vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.

V. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO

Thanh tra Bộ có trách nhiệm tổng hợp kết quả kiểm tra của hai đợt và của Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, báo cáo lãnh đạo Bộ trong tháng 1/2018.

Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố báo cáo kết quả kiểm tra gửi Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông trước ngày 15/11/2017.

VI. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Kinh phí phục vụ cho công tác kiểm tra do ngân sách nhà nước ở Trung ương và địa phương bảo đảm theo quy định của Luật ngân sách Nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác. Việc sử dụng kinh phí thực hiện theo quy định của pháp luật.

Trên đây là Kế hoạch triển khai công tác kiểm tra về quảng cáo trong lĩnh vực thông tin và truyền thông. Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các đơn vị trực thuộc và Sở Thông tin và Truyền thông các địa phương triển khai thực hiện./.

 

DANH MỤC

CÁC ĐƠN VỊ ĐƯỢC KIỂM TRA

(Đợt 1)

Số thứ tự

Tên đơn vị

Loại hình

Đơn vị thực hiện

Ghi chú

1

Đài Truyền hình Việt Nam

Báo chí

- Thanh tra Bộ

- Cục PTTH&TTĐT

- Đại diện Bộ VHTT&DL

- Đại diện Bộ Y tế

 

2

Đài Tiếng nói Việt Nam (Kênh VOV Giao thông)

3

Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Ninh

- Như trên

- Đại diện Sở TT&TT Quảng Ninh

 

4

Báo Lao Động

- Thanh tra Bộ

- Cục Báo chí

- Đại diện Bộ VHTT&DL

- Đại diện Bộ Y tế

 

5

Báo Đời sống và Pháp luật

6

Báo Tiền Phong

7

Công ty Cổ phần Công nghệ EPI

Thông tin điện tử

- Thanh tra Bộ

- Cục PTTH&TTĐT

- Đại diện Bộ VHTT&DL

- Đại diện Sở TT&TT Hà Nội

 

8

Công ty Cổ phần VCCorp

9

Tập đoàn Bưu chính, Viễn thông Việt Nam (VNPT)

Viễn thông

- Thanh tra Bộ

- Vụ Công nghệ thông tin

- Cục Viễn thông

- Đại diện Bộ VHTT&DL

 

10

Tổng Công ty Viễn thông Mobiphone

11

Kiểm tra, rà soát một số đơn vị

Xuất bản

- Thanh tra Bộ

- Cục Xuất bản, in và Phát hành

- Cục Thông tin cơ sở

 

 

DANH MỤC

CÁC ĐƠN VỊ ĐƯỢC KIỂM TRA

(Đợt 2)

Số thứ tự

Tên đơn vị

Loại hình

Đơn vị thực hiện và đơn vị phối hợp

Ghi chú

1

Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh

Báo chí

- Thanh tra Bộ

- Cục PTTH&TTĐT

- Đại diện Bộ VHTT&DL

- Đại diện Bộ Y tế

- Đại diện Sở TT&TT thành phố Hồ Chí Minh

- Đại diện Sở TT&TT tỉnh Vĩnh Long

 

2

Đài Phát thanh - Truyền hình Vĩnh Long

3

Báo Tuổi Trẻ

- Thanh tra Bộ

- Cục Báo chí

- Đại diện Bộ VHTT&DL

- Đại diện Bộ Y tế

4

Báo Thanh Niên

5

Công ty TNHH Truyền hình cáp Saigontouris (SCTV)

Truyền hình trả tiền

- Thanh tra Bộ

- Cục PTTH&TTĐT

- Đại diện Bộ VHTT&DL

- Đại diện Sở TT&TT TP. Hồ Chí Minh

 

6

Công ty Cổ Phần Dịch Vụ Thông Tin Trẻ Thơ (www.webtretho.com)

Thông tin điện tử

- Thanh tra Bộ

- Cục PTTH&TTĐT

- Đại diện Bộ VHTT&DL

- Đại diện Sở TT&TT TP. Hồ Chí Minh

 

7

Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel

Viễn thông

- Thanh tra Bộ

- Vụ Công nghệ thông tin

- Cục Viễn thông

- Đại diện Bộ VHTT&DL

 

8

Công ty Cổ phần di động Vietnamobile

9

Kiểm tra, rà soát một số đơn vị

Xuất bản

- Thanh tra Bộ

- Cục Xuất bản, in và Phát hành

- Cục Thông tin cơ sở

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1424/QĐ-BTTTT năm 2017 về Kế hoạch kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, viễn thông và công nghệ thông tin do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

  • Số hiệu: 1424/QĐ-BTTTT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 29/08/2017
  • Nơi ban hành: Bộ Thông tin và Truyền thông
  • Người ký: Hoàng Vĩnh Bảo
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/08/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản