Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 142-TCQĐ | Hà Nội , ngày 02 tháng 5 năm 1991 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY TẮC VÀ BIỂU PHÍ BẢO HIỂM HOẢ HOẠN VÀ CÁC RỦI RO ĐẶC BIỆT
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
Căn cứ Quyết định số 155-HĐBT ngày 15-10-1988 của Hội đồng Bộ trưởng về việc quy định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính;
Căn cứ Quyết định số 179-CP ngày 17-12-1964 của Hội đồng Chính phủ về việc thành lập Công ty Bảo hiểm Việt Nam;
Theo đề nghị của Tổng Giám đốc Công ty Bảo hiểm Việt Nam,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành theo Quyết định này Quy tắc và biểu phí bảo hiểm hoả hoạn và các rủi ro đặc biệt thay cho Quy tắc và biểu phí bảo hiểm hoả hoạn ban hành theo Quyết định số 06/TCQĐ ngày 17-1-1989 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký và áp dụng đối với những đơn bảo hiểm (giấy chứng nhận bảo hiểm) cấp sau ngày Quyết định này có hiệu lực.
Điều 3. Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bảo hiểm Việt Nam, Giám đốc Sở Tài chính các tỉnh, thành phố, đặc khu, Chánh văn phòng Bộ Tài chính và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Phạm Văn Trọng (Đã Ký) |
QUY TẮC
BẢO HIỂM HOẢ HOẠN VÀ CÁC RỦI RO ĐẶC BIỆT
(Ban hành theo Quyết định số 142-TCQĐ ngày 2-5-1991 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)
Chương 1:
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Trong quy tắc này, các cụm từ và từ dưới đây được hiểu như sau:
- Cháy là phản ứng hoá học có toả nhiệt và phát ra ánh sáng.
- Hoả hoạn: Là cháy xảy ra không kiểm soát được ngoài nguồn lửa chuyên dùng và gây thiệt hại cho tài sản và người xung quanh.
- Đơn vị rủi ro: Là nhóm tài sản tách biệt khỏi nhóm tài sản khác với khoảng cách không cho phép lửa từ nhóm này lan sang nhóm khác, tuy nhiên khoảng cách gần nhất không dưới 12m.
Số tiền bảo hiểm: Là giá trị tài sản được BAOVIET chấp nhận bảo hiểm ghi trong giấy chứng nhận bảo hiểm. Trong mọi trường hợp, đó là giới hạn trách nhiệm tối đa của BAOVIET đối với tài sản được bảo hiểm bị thiệt hại .
- Tổn thất toàn bộ:
a. Tổn thất toàn bộ thực tế: Tài sản được bảo hiểm bị phá huỷ hoàn toàn hoặc hư hỏng nghiêm trọng đến mức không thể phục hồi lại trạng thái ban đầu.
b. Tổn thất toàn bộ ước tính: Tài sản được bảo hiểm bị phá huỷ hoặc hư hỏng đến mức nếu sửa chữa, phục hồi thì chi phí sửa chữa, phục hồi bằng hoặc lớn hơn số tiền bảo hiểm.
Chương 2:
PHẠM VI BẢO HIỂM
Điều 2. Trên cơ sở các điều kiện quy định trong Quy tắc bảo hiểm này, BAOVIET có nghĩa vụ bồi thường cho người được bảo hiểm:
- Những thiệt hại do những rủi ro được bảo hiểm gây ra cho tài sản được bảo hiểm ghi trong giấy chứng nhận bảo hiểm (hoặc danh mục kèm theo giấy chứng nhận bảo hiểm) nếu người được bảo hiểm đã nộp phí bảo hiểm và những thiệt hại ấy xảy ra trước lúc 4 giờ chiều ngày cuối cùng của thời hạn bảo hiểm ghi trong giấy chứng nhận bảo hiểm.
- Chi phí cần thiết và hợp lý nhằm hạn chế tổn thất tài sản được bảo hiểm trong và sau khi cháy.
BAOVIET cũng sẽ bồi thường cho Người được bảo hiểm cả chi phí thu dọn hiện trường sau khi cháy nếu những chi phí này được ghi rõ trong giấy chứng nhận bảo hiểm là được bảo hiểm và Người được bảo hiểm nộp thêm phí bảo hiểm theo tỷ lệ phí quy định.
Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, trách nhiệm của BAOVIET không vượt quá số tiền bảo hiểm của mỗi hạng mục tài sản ghi trong danh mục hoặc gộp lại, không vượt quá tổng số tiền bảo hiểm ghi trong giấy chứng nhận bảo hiểm.
Rủi ro được bảo hiểm nói ở đây là những rủi ro ghi trong giấy yêu cầu bảo hiểm, chọn trong số những rủi ro quy định trong phụ lục "Những rủi ro có thể lựa chọn để bảo hiểm" theo Quy tắc này.
Chương 3:
NHỮNG LOẠI TRỪ ÁP DỤNG CHUNG CHO TẤT CẢ CÁC RỦI RO
Điều 3. BAOVIET không có trách nhiệm bồi thường:
1. Những tài sản bị thiệt hại do:
a. Nổi loạn, bạo động dân sự, trừ khi những rủi ro này được xác nhận trong giấy chứng nhận bảo hiểm là được bảo hiểm.
b. Chiến tranh, xâm lược, hành động thù địch của nước ngoài, chiến sự (dù có tuyên chiến hay không tuyên chiến), nổi loạn, nội chiến, khởi nghĩa, cách mạng, binh biến, bạo động, đảo chính, lực lượng quân sự tiếm quyền...
c. Khủng bố (nghĩa là sử dụng bạo lực nhằm các mục đích chính trị, bao gồm cả việc sử dụng bạo lực nhằm gây hoang mang trong xã hội hay một bộ phận xã hội).
2. Bất kỳ tổn thất nào (dù là tổn thất tài sản trực tiếp hay chi phí có liên quan hay tổn thất có tính chất hậu quả) trực tiếp hay gián tiếp mà nguyên nhân gây ra có liên quan đến:
a. Phóng xạ ion hoá hay nhiễm phóng xạ từ nhiên liệu hạt nhân hay từ chất thải hạt nhân do đốt cháy nhiên liệu hạt nhân.
b. Các thuộc tính phóng xạ, độc, nổ hoặc các thuộc tính nguy hiểm khác của thiết bị nổ hạt nhân hay các bộ phận của thiết bị đó.
3. Những tổn thất do hành động cố ý hoặc đồng loã của Người được bảo hiểm gây ra.
4. Những tổn thất về:
a. Hàng hoá nhận uỷ thác hay ký gửi trừ khi những hàng hoá đó được xác nhận trong giấy chứng nhận bảo hiểm là được bảo hiểm và Người được bảo hiểm trả thêm phí bảo hiểm theo tỷ lệ phí quy định.
b. Tiền bạc, kim loại quý, đá quý, chứng khoán, thư bảo lãnh, tem phiếu, tài liệu, bản thảo, sổ sách kinh doanh, tài liệu lưu trữ trong máy tính điện tử, bản mẫu, văn bằng, khuôn mẫu, bản vẽ, tài liệu thiết kế, trừ khi những hạng mục này được xác nhận trong giấy chứng nhận bảo hiểm là được bảo hiểm.
c. Chất nổ.
d. Người, động vật và thực vật sống.
e. Những tài sản mà vào thời điểm xẩy ra tổn thất được bảo hiểm theo đơn bảo hiểm hàng hải hoặc lẽ ra được bảo hiểm theo đơn bảo hiểm hàng hải, trừ phần thiệt hại vượt quá số tiền bồi thường theo đơn bảo hiểm hàng hải hoặc lẽ ra được bồi thường theo đơn bảo hiểm hàng hải và dù có hay không có bảo hiểm hoả hoạn và các rủi ro đặc biệt.
f. Tài sản bị cướp hay bị mất cắp.
5. Những thiệt hại mang tính chất hậu quả dưới bất kỳ hình thức nào, trừ thiệt hại về tiền thuê nhà nếu tiền thuê nhà được xác nhận trong giấy chứng nhận bảo hiểm là được bảo hiểm.
6. Những thiệt hại gây ra cho bên thứ ba.
7. Những thiệt hại trong phạm vi mức miễn bồi thường.
Chương 4:
PHÍ BẢO HIỂM
Điều 4. Phí bảo hiểm được quy định riêng cho từng rủi ro (xem biểu phí kèm theo quy tắc này).
Thời hạn nộp phí do BAOVIET và Người được bảo hiểm thoả thuận.
Chương 5:
THỜI HẠN BẢO HIỂM VÀ HIỆU LỰC BẢO HIỂM
Điều 5. Thời hạn bảo hiểm
1. Tuỳ theo yêu cầu của Người được bảo hiểm BAOVIET nhận bảo hiểm thời hạn một năm hoặc bảo hiểm ngắn hạn. Sau khi kết thúc thời hạn bảo hiểm, Người được bảo hiểm có thể đóng phí tiếp và yêu cầu tiếp tục bảo hiểm.
2. Hiệu lực bảo hiểm được ghi trong giấy chứng nhận bảo hiểm.
Chương 6:
THỦ TỤC BẢO HIỂM
Điều 6. Người được bảo hiểm gửi cho BAOVIET giấy yêu cầu bảo hiểm (theo mẫu của BAOVIET).
Điều 7. Người được bảo hiểm phải kê khai đầy đủ và đúng sự thực giá trị tài sản cần được bảo hiểm theo từng đơn vị rủi ro.
Bảo hiểm sẽ không có giá trị trong trường hợp kê khai sai, miêu tả sai hoặc không khai báo những chi tiết quan trọng về tài sản yêu cầu bảo hiểm.
Điều 8. BAOVIET có thể yêu cầu Người được bảo hiểm cung cấp sơ đồ vị trí tài sản được bảo hiểm, bản kê khai chi tiết và tài sản sơ đồ hệ thống PCCC.
BAOVIET có thể cử giám định viên hoặc cộng tác viên tới xem xét đối tượng bảo hiểm và góp ý về hệ thống PCCC hoặc yêu cầu Người được bảo hiểm bổ sung phương tiện PCCC...
Chương 7:
SỐ TIỀN BẢO HIỂM
Điều 9. Trên cơ sở kiểm tra đối tượng bảo hiểm của Người được bảo hiểm và các giấy tờ sổ sách liên quan, BAOVIET và Người được bảo hiểm thoả thuận số tiền bảo hiểm của tài sản.
Điều 10. Trường hợp số lượng tài sản (hàng hoá trong kho, trong cửa hàng...) thường xuyên tăng giảm thì có thể bảo hiểm theo giá trị trung bình hoặc giá trị tối đa (còn gọi là giá trị điều chỉnh).
1. Bảo hiểm theo giá trị trung bình: Người được bảo hiểm ước tính và thông báo cho BAOVIET giá trị của số hàng hoá trung bình có trong kho, trong cửa hàng... trong thời hạn bảo hiểm. Giá trị trung bình này được coi là số tiền bảo hiểm. Phí bảo hiểm được tính trên cơ sở giá trị trung bình. Khi tổn thất xảy ra thuộc trách nhiệm bảo hiểm, BAOVIET bồi thường thiệt hại thực tế nhưng không vượt quá giá trị trung bình đã khai báo.
2. Bảo hiểm theo giá trị tối đa (hay còn gọi là giá trị điều chỉnh).
a. Người được bảo hiểm ước tính và thông báo cho BAOVIET giá trị số hàng hoá tối đa có thể đạt vào một thời điểm nào đó trong thời hạn bảo hiểm. Phí bảo hiểm được tính trên cơ sở giá trị tối đa này nhưng chỉ thu trước 75%. Khi tổn thất xảy ra thuộc trách nhiệm bảo hiểm, BAOVIET bồi thường thiệt hại thực tế nhưng không vượt quá giá trị tối đa đã khai báo.
b. Đầu mỗi tháng hoặc mỗi quý (tuỳ hai bên thoả thuận), Người được bảo hiểm thông báo cho BAOVIET số hàng tối đa thực có trong tháng (trong quý) trước đó.
c. Cuối thời hạn bảo hiểm, trên cơ sở các giá trị được thông báo, BAOVIET tính giá trị số hàng tối đa bình quân của cả thời hạn bảo hiểm và tính lại phí bảo hiểm trên cơ sở giá trị tối đa bình quân này. Nếu số phí bảo hiểm tính được trên cơ sở giá trị tối đa bình quân nhiều hơn số phí bảo hiểm đã nộp thì Người được bảo hiểm trả thêm cho BAOVIET số phí còn thiếu. Ngược lại, nếu số phí bảo hiểm đã nộp nhiều hơn số phí bảo hiểm tính được trên cơ sở giá trị tối đa bình quân thì BAOVIET hoàn trả số chênh lệch cho Người được bảo hiểm. Tuy nhiên, số phí bảo hiểm chính thức phải nộp không được thấp hơn 2/3 số phí bảo hiểm đã nộp đầu năm.
Nếu trong thời hạn bảo hiểm đã có tổn thất được BAOVIET bồi thường và số tiền bồi thường vượt quá giá trị tối đa bình quân tính được thì phí bảo hiểm được tính trên cơ sở số tiền bồi thường đã trả (trong trường hợp này, số tiền được bồi thường coi như số tiền bảo hiểm).
BAOVIET có quyền yêu cầu Người được bảo hiểm xuất trình sổ sách kế toán để kiểm tra các số liệu được thông báo.
Chương 8:
HUỶ BỎ BẢO HIỂM
Điều 11. Bảo hiểm sẽ chấm dứt hiệu lực đối với những hạng mục tài sản:
1. Di chuyển ra ngoài khu vực được bảo hiểm.
2. Không còn thuộc quyền sở hữu của Người được bảo hiểm.
Điều 12. Bảo hiểm bị huỷ bỏ toàn bộ trong các trường hợp sau:
1. Một trong hai bên ký bảo hiểm thông báo trước 30 ngày bằng văn bản cho bên kia về việc huỷ bỏ bảo hiểm.
2. Có những thay đổi làm tăng mức độ rủi ro của đối tượng bảo hiểm, trừ khi những thay đổi đó được BAOVIET chấp nhận bằng văn bản.
3. Thay đổi quyền sở hữu hoặc quyền quản lý đối với toàn bộ tài sản được bảo hiểm.
Tuy nhiên nếu tại thời điểm tài sản được bảo hiểm bị phá huỷ hay hư hại, Người được bảo hiểm đã ký xong hợp đồng bán quyền lợi của mình đối với tài sản đó nhưng thủ tục mua bán chưa hoàn tất thì bên mua sau khi hoàn tất thủ tục mua bán sẽ được hưởng quyền lợi của bảo hiểm này nếu điều đó không phương hại đến quyền lợi và nghĩa vụ của Người được bảo hiểm hay BAOVIET trước ngày hoàn tất thủ tục, với điều kiện là bên mua hay người đại diện của bên mua chưa kịp mua bảo hiểm cho tài sản đó tại một công ty bảo hiểm khác.
Điều 13.
1. Trường hợp Người được bảo hiểm huỷ bỏ bảo hiểm như quy định trong Điều 12 và phí bảo hiểm đã đóng đủ thì BAOVIET sẽ hoàn trả cho Người được bảo hiểm khoản chênh lệch giữa số phí bảo hiểm đã đóng và số phí bảo hiểm tính cho khoảng thời gian đã được bảo hiểm theo biểu phí ngắn hạn.
2. Trường hợp BAOVIET huỷ bỏ bảo hiểm và Người được bảo hiểm đã nộp đủ phí thì BAOVIET sẽ hoàn trả cho Người được bảo hiểm khoản chênh lệch giữa số phí bảo hiểm đã đóng và số phí bảo hiểm tính cho khoảng thời gian đã bảo hiểm theo biểu phí thông thường.
Chương 9:
TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI ĐƯỢC BẢO HIỂM
Điều 14. Người được bảo hiểm có trách nhiệm:
1. Bảo vệ và quản lý tài sản được bảo hiểm, bảo quản tốt phương tiện phòng cháy chữa cháy, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về PCCC của Nhà nước.
2. Đóng phí đầy đủ và đúng hạn.
3. Thông báo kịp thời cho BAOVIET những thay đổi về tài sản được bảo hiểm, các yếu tố làm thay đổi mức độ rủi ro để BAOVIET kịp thời điều chỉnh điều kiện và phí bảo hiểm.
4. Khi xảy ra tổn thất:
a. Báo ngay cho cảnh sát PCCC đến cứu chữa kịp thời và lập biên bản, bảo vệ hiện trường tổn thất.
b. Báo ngay cho BAOVIET bằng phương tiện nhanh nhất và sau đó trong vòng 5 ngày kể từ ngày xảy ra tổn thất, xác nhận lại bằng văn bản (theo mẫu của BAOVIET).
c. Kịp thời áp dụng mọi biện pháp cần thiết nhằm hạn chế thiệt hại, cứu chữa và bảo vệ tài sản. Phối hợp với BAOVIET nhanh chóng xác định mức độ thiệt hại.
d. Trường hợp thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm do người thứ ba gây ra, Người được bảo hiểm có trách nhiệm báo ngay cho BAOVIET và làm những thủ tục pháp lý cần thiết để bảo lưu quyền khiếu nại của BAOVIET, hỗ trợ BAOVIET đòi người thứ ba.
Trường hợp thiệt hại do người có hành động ác ý gây ra, Người được bảo hiểm phải báo ngay cho công an biết.
e. Cung cấp cho BAOVIET những thông tin cần thiết, gửi cho BAOVIET trong thời hạn ngắn nhất những hoá đơn, chứng từ chứng minh thiệt hại cùng với bản kê khai thiệt hại, BAOVIET có quyền yêu cầu Người được bảo hiểm xuất trình sổ tài sản và chứng từ kế toán để kiểm tra.
Điều 15. Nếu Người được bảo hiểm không thực hiện đầy đủ những quy định ở Điều 14, BAOVIET có quyền giảm hoặc từ chối bồi thường ở mức tương ứng với thiệt hại do lỗi của Người được bảo hiểm gây ra.
Điều 16. Người được bảo hiểm không có quyền từ bỏ tài sản được bảo hiểm bị tổn thất cho BAOVIET. Trường hợp tài sản bị tổn thất toàn bộ (tổn thất toàn bộ thực tế hay tổn thất toàn bộ ước tính) và đã được BAOVIET bồi thường, thì nếu BAOVIET yêu cầu, Người được bảo hiểm có trách nhiệm chuyển quyền sở hữu tài sản đó cùng với các giấy tờ liên quan cho BAOVIET.
Điều 17. Nếu BAOVIET chọn phương án phục hồi hay thay thế tài sản, thì Người được bảo hiểm bằng chi phí của mình, phải cung cấp cho BAOVIET tất cả các bản vẽ, tài liệu sổ sách và thông tin mà BAOVIET yêu cầu. BAOVIET không buộc phải phục hồi tài sản một cách chính xác hoặc hoàn toàn như cũ, mà chỉ làm tới mức hoàn cảnh cho phép và tới mức độ đầy đủ hợp lý và trong mọi trường hợp sẽ không buộc phải chi cho việc phục hồi một hạng mục nào đó trong số các hạng mục được bảo hiểm một số tiền lớn hơn số tiền bảo hiểm của hạng mục đó.
Điều 18. Mọi cam kết của Người được bảo hiểm liên quan đến tài sản được bảo hiểm hay bất kỳ hạng mục nào của tài sản, sẽ bắt đầu có hiệu lực kể từ khi cam kết được công bố và tiếp tục có hiệu lực trong suốt thời hạn bảo hiểm. Người được bảo hiểm phải thực hiện đầy đủ những cam kết này. Mọi sự vi phạm cam kết, dù có làm tăng rủi ro hay không, đều sẽ làm mất quyền khiếu nại về tài sản hay hạng mục của tài sản có liên quan. Tuy nhiên nếu bảo hiểm này được tái tục thì những khiếu nại về tài sản bị thiệt hại trong thời gian tái tục bảo hiểm sẽ không bị ảnh hưởng vì lý do vi phạm cam kết trước thời hạn tái tục bảo hiểm.
Chương 10:
GIÁM ĐỊNH VÀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI
Điều 19.
1. Sau khi nhận được thông báo tổn thất, BAOVIET hoặc cộng tác viên của BAOVIET sẽ cùng Người được bảo hiểm tiến hành giám định và lập biên bản giám định thiệt hại.
BAOVIET hoặc đại diện của BAOVIET có thể đến xem hiện trường, kiến nghị cách xử lý hoặc tự xử lý tài sản bị tổn thất, nhằm hạn chế tổn thất. Việc làm này không làm tăng trách nhiệm và cũng không phương hại đến quyền lợi của BAOVIET được hành động đúng với điều kiện của Quy tắc bảo hiểm này. Nếu Người được bảo hiểm hay người thay mặt cho Người được bảo hiểm không tuân theo những yêu cầu của BAOVIET hay che dấu hoặc cản trở BAOVIET thực hiện các công việc nói trên, thì mọi quyền lợi liên quan đến bảo hiểm này sẽ bị vô hiệu lực.
2. Nếu BAOVIET và Người được bảo hiểm không thoả thuận được mức độ thiệt hại, hai bên hoặc một trong hai bên có thể mời giám định viên chuyên ngành để xác định. Kết luận của giám định viên xác nhận ý kiến của bên nào sai bên ấy phải chịu chi phí giám định.
Điều 20. Giá trị thiệt hại của tài sản được bảo hiểm xác định theo giá trị tại thời điểm xảy ra tổn thất.
Điều 21. Phương án bồi thường theo tỷ lệ:
1. Nếu vào thời điểm xẩy ra tổn thất, số tiền bảo hiểm lớn hơn hoặc bằng giá trị thực tế của tài sản được bảo hiểm thì BAOVIET sẽ bồi thường thiệt hại thực tế.
2. Nếu vào thời điểm xảy ra tổn thất, số tiền bảo hiểm nhỏ hơn giá trị thực tế của tài sản được bảo hiểm, BAOVIET sẽ bồi thường theo tỷ lệ: số tiền bồi thường bằng giá trị thiệt hại nhân với tỷ lệ giữa số tiền bảo hiểm và giá trị tài sản được bảo hiểm tại thời điểm xảy ra tổn thất.
3. Nếu tại thời điểm tài sản được bảo hiểm bị phá huỷ hay hư hại, tài sản đó đã được bảo hiểm bằng một hợp đồng bảo hiểm khác thì trách nhiệm của BAOVIET trong bất kỳ trường hợp nào cũng chỉ giới hạn ở phần tổn thất phân bổ cho bảo hiểm này theo tỷ lệ.
Điều 22. Hồ sơ đòi bồi thường bao gồm:
1. Giấy thông báo tổn thất.
2. Biên bản giám định thiệt hại của BAOVIET.
3. Biên bản giám định vụ tổn thất của cảnh sát PCCC.
4. Bản kê khai thiệt hại và các giấy tờ chứng minh thiệt hại.
Điều 23. Thời hạn thanh toán bồi thường:
1. Nếu tổn thất thuộc trách nhiệm của BAOVIET thì BAOVIET sẽ thanh toán số tiền bồi thường trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đòi bồi thường đầy đủ và hợp lệ.
2. Trường hợp trong vòng 60 ngày kể từ ngày gửi giấy báo từ chối bồi thường mà người được bảo hiểm không có ý kiến gì thì coi như Người được bảo hiểm đã chấp nhận việc từ chối bồi thường.
Điều 24. Thời hạn đòi bồi thường:
Thời hạn để Người được bảo hiểm đòi bồi thường thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm là một năm kể từ ngày xảy ra tổn thất (trừ trường hợp đặc biệt có thoả thuận trước với BAOVIET). Quá thời hạn nói trên BAOVIET không có trách nhiệm giải quyết bồi thường.
Chương 1:
XỬ LÝ TRANH CHẤP
Điều 25. Mọi tranh chấp giữa Người được bảo hiểm và BAOVIET liên quan đến bảo hiểm này nếu không giải quyết được bằng thương lượng sẽ đưa ra trọng tài kinh tế Nhà nước xét xử.
Trường hợp Người được bảo hiểm là xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc cơ quan, tổ chức nước ngoài thì mọi tranh chấp được chuyển cho trọng tài viên do hai bên chỉ định theo tập quán quốc tế giải quyết.
PHỤ LỤC
KÈM THEO QUY TẮC BẢO HIỂM HOẢ HOẠN VÀ CÁC RỦI RO ĐẶC BIỆT NHỮNG RỦI RO CÓ THỂ LỰA CHỌN ĐỂ BẢO HIỂM
(Tuân theo các điểm loại trừ chung quy định trong Quy tắc và các điểm loại trừ quy định dưới đây).
A. Hoả hoạn (do nổ hay do nguyên nhân khác). Nhưng loại trừ:
a. Nổ do ảnh hưởng của hoả hoạn;
b. Động đất hoặc lửa ngầm dưới đất;
c. Tài sản được bảo hiểm bị phá huỷ hoặc hư hỏng do:
i. Tự lên men hoặc toả nhiệt;
ii. Quá trình xử lý bằng nhiệt.
d. Sét, nổ:
i. Nồi hơi phục vụ sinh hoạt;
ii. Hơi đốt phục vụ sinh hoạt, thắp sáng hoặc sưởi ấm trong một ngôi nhà không phải là xưởng thợ làm các công việc có sử dụng hơi đốt; Nhưng loại trừ trường hợp tài sản bị phá huỷ hay hư hại do động đất hoặc lửa ngầm dưới đất gây ra.
B. Nổ. Nhưng loại trừ:
a. Tài sản được bảo hiểm bị phá huỷ hay hư hại do nồi hơi, thùng đun nước bằng hơi đốt, bình chứa, máy móc hoặc thiết bị mà áp suất bên trong hoàn toàn do hơi nước tạo ra bị nổ (chứ không phải do cháy bắt nguồn từ nổ) nếu nồi hơi và những máy móc thiết bị đó thuộc quyền sở hữu hay điều khiển của Người được bảo hiểm.
b. Bình chứa, máy móc hay thiết bị hoặc chất liệu bên trong các dụng cụ đó bị hư hại hay phá huỷ do nổ các chất liệu đó (điểm loại trừ này không áp dụng trong trường hợp bảo hiểm cháy nổ xăng dầu).
Áp suất sóng do máy bay hoặc các phương tiện hàng không khác bay với tốc độ ngang hay vượt tiếng động gây ra không được coi là nổ.
C. Máy bay và các phương tiện hàng không khác hoặc các thiết bị trên các phương tiện đó rơi vào, nhưng loại trừ tài sản bị phá huỷ hay hư hại bởi áp suất sóng do máy bay hay phương tiện hàng không khác bay với tốc độ ngang hoặc vượt tiếng động gây ra.
E. Nổi loạn, bạo động dân sự, đình công, bế xưởng hoặc hành động của những người tham gia các cuộc gây rối bạo động hay những người có ác ý không mang tính chất chính trị.
Loại trừ tài sản bị:
a. Mất mát hay hư hại do tịch thu, phá huỷ hoặc trưng dụng theo lệnh của Chính phủ hoặc nhà cầm quyền.
b. Mất mát hay hư hại do ngừng công việc.
G. Động đất.
K. Lửa ngầm dưới đất.
L. Cháy mà nguyên nhân duy nhất là do bản thân tài sản tự lên men, toả nhiệt hay bốc cháy.
N. Giông tố hay bão táp và lũ lụt, nhưng loại trừ:
a. Tài sản bị phá huỷ hay hư hại do sương muối, sụt lở đất.
b. Hàng rào, cổng ngõ và các động sản ngoài trời bị phá huỷ hay hư hại.
P. Vỡ hay tràn nước từ các bể chứa, thiết bị chứa nước hay đường ống dẫn, nhưng loại trừ tài sản bị phá huỷ hay hư hại do nước chảy, rò rỉ từ hệ thống thiết bị phòng cháy tự động.
Q. Xe cộ hay súc vật không thuộc quyền sở hữu hay quyền kiểm soát của Người được bảo hiểm hay của người làm thuê cho họ đâm vào.
S. Nước chảy hay rò rỉ ra từ thiết bị vòi phun Sprinkler tự động lắp đặc sẵn trong nhà nhưng không phải do:
a. Đóng băng khi ngôi nhà của Người được bảo hiểm hoặc ngôi nhà Người được bảo hiểm thuê bị bỏ trống hoặc không sử dụng.
b. Nổ, động đất hay cháy ngầm hoặc bị sức nóng do hoả hoạn. Nhưng phải tuân theo những điều kiện đặc biệt sau đây:
1. Người được bảo hiểm phải tiến hành mọi biện pháp hợp lý để đề phòng sự đóng băng và hư hại khác đối với hệ thống thiết bị phòng cháy tự động và với trách nhiệm tối da của mình phải duy trì các hệ thống này (kể cả các tín hiệu báo động tự động phụ trợ) trong điều kiện đảm bảo tốt. Trong trường hợp có sự chảy hay rò rỉ từ các thiết bị đó, Người được bảo hiểm phải thực hiện và cho phép thực hiện mọi biện pháp có thể làm được như di chuyển hay bằng một cách nào khác để cứu và bảo vệ tài sản được bảo hiểm.
2. Trong trường hợp có dự kiến thay đổi, sửa chữa hay sửa đổi hệ thống cứu hoả tự động thì phải thông báo bằng văn bản cho BAOVIET và phải được sự đồng ý bằng văn bản của BAO VIET.
3. Vào bất kỳ thời điểm thích hợp nào, BAOVIET cũng có quyền đến các ngôi nhà được bảo hiểm để kiểm tra và nếu thấy cần thiết phải thay đổi hay sửa chữa, BAOVIET cũng có thể thông báo bằng văn bản cho Người được bảo hiểm về việc tạm ngừng bảo hiểm cho đến khi việc thay đổi và sửa chữa đó hoàn thành và được BAOVIET chấp nhận.
4. Rủi ro này không bảo hiểm các thiết bị phòng cháy tự động trong trường hợp nguyên nhân thiệt hại không phải là do nước chay hay rò rỉ bất ngờ từ các thiết bị đó.
BIỂU PHÍ BẢO HIỂM HOẢ HOẠN VÀ CÁC RỦI RO ĐẶC BIỆT
A. Tỷ lệ phí bảo hiểm rủi ro A - Cháy, sét, nổ (rủi ro cơ bản) 2,9%o (phần ngàn) tính trên số tiền bảo hiểm. Đây là tỷ lệ phí trung bình. Vì vậy để tính phí bảo hiểm rủi ro A cho một đối tượng bảo hiểm cụ thể, cần lấy tỉ lệ phí trung bình nói trên nhân với các hệ số tương ứng dưới đây:
1. Đối với đơn vị sản xuất.
1. Loại PCCC Hệ số phí
- Tốt 0,7
- Trung bình 1,0
- Yếu 1,5
2. Bậc chịu lửa Hệ số phí
- Dễ cháy 1,5
- Khó cháy 1,0
- Không cháy 0,8
3. Hạng sản xuất Hệ số phí
- A 2,0
- B 1,5
- C 1,2
- D 1,0
- E 0,9
- F 0,8
2. Đối với đơn vị kinh doanh, dịch vụ.
Tỷ lệ phí = Tỷ lệ phí trung bình x Hệ số phí loại PCCC x Hệ số phí bậc chịu lửa của kiến trúc x Hệ số phí loại cơ sở.
4. Loại cơ sở Hệ số phí
- A 1,5
- B 1,0
- C 0,9
3. Đối với kho.
Tỷ lệ phí = Tỷ lệ phí trung bình x Hệ số phí loại PCCC x Hệ số phí bậc chịu lửa của kho x Hệ số phí mức độ nguy hiểm của tài sản trong kho x Hệ số phí bảo hiểm theo giá trị điều chỉnh.
5. Mức độ nguy hiểm của tài sản Hệ số phí
- Rất dễ cháy, nổ 2,0
- Dễ cháy 1,5
- Khó cháy, không cháy 1,0
Hệ số phí bảo hiểm theo giá trị điều chỉnh 1,1
B. Tỷ lệ phí bảo hiểm của những rủi ro đặc biệt bảo hiểm thêm ngoài rủi ro A (rủi ro cơ bản).
Tên rủi ro Tỷ lệ phí bảo hiểm
(phần ngàn)
B. Nổ 0,15
C. Máy bay... rơi vào 0,10
D. Nổi loạn... 0,20
G. Động đất... 0,20
K. Cháy ngầm dưới đất... 0,10
L. Cháy do tự lên men... 0,15
N. Giông bão, lụt... 0,25
P. Vỡ, tràn nước... 0,10
Q. Va đập của xe cộ... 0,05
S. Nước chảy hay rò rỉ... 0,10
Trên đây là những tỷ lệ phí cố định, do đó không cần nhân với các hệ số như rủi ro cơ bản (rủi ro A).
C. Biểu phí bảo hiểm ngắn hạn:
- Dưới 1 tháng: 15% phí năm
- Từ 1 tháng đến 3 tháng: 40% phí năm
- Từ 3 tháng đến 6 tháng: 60% phí năm
- Từ 6 tháng đến 9 tháng: 80% phí năm
- Từ 9 tháng đến 12 tháng: 100%
QUY TẮC BẢO HIỂM TRỘM CƯỚP
Trên cơ sở Người được bảo hiểm đã gửi cho Tổng Công ty Bảo hiểm Việt Nam (gọi tắt là BAOVIET) một giấy yêu cầu bảo hiểm (giấy yêu cầu bảo hiểm này được xem như một bộ phận không tách rời của hợp đồng bảo hiểm) và đã nộp hoặc đồng ý cho BAOVIET số phí bảo hiểm đã thoả thuận, BAOVIET đồng ý rằng căn cứ vào các điều khoản, các điểm loại trừ, các giới hạn trách nhiệm và các điều kiện quy định dưới đây, BAOVIET sẽ bồi thường cho Người được bảo hiểm những tổn thất xảy ra trong thời gian bảo hiểm có hiệu lực do:
a. Bất kỳ tài sản để trong ngôi nhà hoặc phần ngôi nhà ghi trong giấy yêu cầu bảo hiểm (dưới đây gọi là ngôi nhà) bị mất mát hư hỏng do trộm cướp có kèm theo:
i. Hàng động đột nhập hoặc thoát khỏi ngôi nhà bằng vũ lực hoặc các phương tiện cưỡng bức.
Hoặc
ii. Tấn công, dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực đối với Người được bảo hiểm, người làm thuê hoặc người được giao quản lý tài sản.
b. Ngôi nhà bị hư hại mà Người được bảo hiểm phải chịu trách nhiệm do hậu quả của hành động trộm cướp.
BAOVIET có quyền lựa chọn một trong những hình thức bồi thường sau đây: Trả tiền, thay thế hoặc sửa chữa tài sản bị tổn thất.
NHỮNG ĐIỂM LOẠI TRỪ
BAOVIET không chịu trách nhiệm bồi thường:
1. Tài sản bị mất mát, phá huỷ hoặc hư hại do hậu quả trực tiếp, gián tiếp có thể quy cho bức xạ ion hoá hoặc nhiễm phóng xạ do nhiên liệu hạt nhân hoặc do chất thải, do đốt cháy nhiên liệu hạt nhân,
2. Tổn thất do cháy hoặc nổ dưới mọi hình thức,
3. Tổn thất xảy ra đối với thuỷ tinh màu, kính, vật trang trí hoặc các biển chữ gắn trên đó,
4. Những mất mát hoặc hư hại do người sống hợp pháp trong ngôi nhà gây nên, những tổn thất gián tiếp hoặc trực tiếp phát sinh với sự đồng loã của người cư trú trong nhà của thành viên trong gia đình Người được bảo hiểm, của nhân viên hoặc người phục vụ của Người được bảo hiểm,
5. Tổn thất về tiền mặt, chứng khoán, tiền kim loại, huy chương, con dấu, bộ sưu tập tem, đồ trang sức, đồng hồ, lông thú, kim loại quý, đá quý hoặc các chi tiết đi kèm với những vật đó, tài liệu sổ sách chuyên môn, số liệu máy tính, bản thảo, những tác phẩm điêu khắc cổ, sách hiếm, mẫu máy móc, mô hình đồ án, thiết kế, xì gà, thuốc lá, trừ khi có thoả thuận đặc biệt,
6. Tổn thất đối với tài sản, trừ khi phần còn lại của ngôi nhà được sử dụng để ở một cách bình thường như nhà riêng của Người được bảo hiểm hoặc của người làm công được Người được bảo hiểm thuê trông nom,
7. Bất kỳ hậu quả nào của chiến tranh xâm lược, hành động thù địch của nước ngoài (bất kể tuyên chiến hay không tuyên chiến), nội chiến, nổi loạn, cách mạng, khởi nghĩa, đảo chính, tiếm quyền, binh biến hoặc bạo động...
GIỚI HẠN TRÁCH NHIỆM
Trách nhiệm của BAOVIET theo hợp đồng bảo hiểm này:
a. Đối với từng hạng mục tài sản - không vượt quá số tiền bảo hiểm tương ứng của hạng mục của tài sản đó.
b. Đối với những hư hại của ngồi nhà không vượt quá số tiền đủ để sửa chữa ngôi nhà bị hư hỏng mà Người được bảo hiểm chịu trách nhiệm.
c. Đối với toàn bộ tài sản bị mất mát hoặc hư hại không vượt quá tổng số tiền bảo hiểm.
Khi số tiền bảo hiểm được xác định trên cơ sở toàn bộ giá trị hợp đồng này (không kể phần hư hỏng ngôi nhà do kẻ trộm gây ra) phải tuân theo điều kiện phân bổ tổn thất (toàn bộ giá trị tài sản) nghĩa là nếu tài sản được bảo hiểm tại thời điểm xảy ra tổn thất có giá trị lớn hơn số tiền bảo hiểm thì Người được bảo hiểm chỉ được bồi thường một phần tổn thất ứng với tỷ lệ của số tiền bảo hiểm chia cho toàn bộ giá trị thực tế của tài sản. Nếu có từ hai hạng mục tài sản trở lên được bảo hiểm theo hợp đồng này với những số tiền bảo hiểm quy định riêng cho từng hạng mục thì từng hạng mục tuân theo điều kiện phân bổ tổn thất một cách riêng biệt.
Hoặc
Khi số tiền bảo hiểm được xác định trên cơ sở một phần giá trị tài sản, hợp đồng bảo hiểm này (không kể phần hư hỏng ngôi nhà do kẻ trộm gây ra) phải tuân theo điều kiện phân bổ tổn thất (một phần trị giá tài sản), nghĩa là nếu toàn bộ giá trị của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm xảy ra tổn thất lớn hơn giá trị công bố trong giấy yêu cầu bảo hiểm thì Người được bảo hiểm chỉ được bồi thường một phần tổn thất ứng với tỷ lệ của giá trị công bố chia cho giá trị toàn bộ tài sản, nhưng không vượt quá số tiền bảo hiểm ghi trong giấy yêu cầu bảo hiểm.
ĐIỀU KIỆN BẢO HIỂM
1. Khi phát sinh bất kỳ một sự cố nào có thể dẫn đến việc khiếu nại theo hợp đồng này, Người được bảo hiểm có trách nhiệm ngay lập tức:
a. Thông báo cho công an và dành cho họ mọi sự giúp đỡ hợp lý để họ tìm ra, trừng phạt kẻ có tội và tìm ra tài sản bị mất cắp.
b. Thông báo cho BAOVIET bằng văn bản và trong vòng 7 ngày sau đó gửi cho BAOVIET hồ sơ khiếu nại bồi thường cùng với tất cả những bằng chứng chi tiết và cụ thể.
Trong mọi trường hợp, BAOVIET sẽ không chịu trách nhiệm đối với bất kỳ mất mát hoặc hư hại nào nếu không được thông báo trong vòng 30 ngày kể từ khi sự cố xảy ra.
2. Người được bảo hiểm phải áp dụng mọi biện pháp phòng ngừa hợp lý để bảo đảm an toàn cho tài sản, bao gồm cả a. Việc lựa chọn và theo dõi người làm thuê,
b. Việc bảo đảm an toàn cho tất cả các cửa ra vào, cửa sổ và các lối vào khác.
3. Trong trường hợp khiếu nại đòi BAOVIET bồi thường theo hợp đồng này.
a. Người được bảo hiểm phải thoả mãn đầy đủ yêu cầu của BAOVIET về mọi chứng cứ chứng minh rằng tổn thất thực sự đã xảy ra do một trong những rủi ro do được bảo hiểm gây nên và tài sản đòi bồi thường không phải bị thất lạc hoặc mất tích một cách bình thường.
b. Bất kỳ lúc nào BAOVIET cũng có thể thay mặt Người được bảo hiểm và bằng chi phí của mình, tiến hành mọi biện pháp hợp pháp để thu hồi tài sản bị tổn thất và Người được bảo hiểm có nghĩa vụ giúp đỡ BAOVIET đạt mục đích này.
c. BAOVIET có quyền sở hữu những tài sản bị tổn thất mà BAOVIET đã bồi thường, và Người được bảo hiểm có nhiệm vụ làm mọi thủ tục chuyển nhượng và đảm bảo an toàn cho những tài sản này, nhưng không có quyền từ bỏ tài sản cho BAOVIET.
4. Không có một khiếu nại nào được bồi thường theo hợp đồng này:
a. Nếu có sự thay đổi về ngôi nhà hoặc các Điều kiện rủi ro so với lúc nhận bảo hiểm.
hoặc
b. Nếu giá trị thực của tài sản trong ngôi nhà tăng lên một cách cơ bản vào bất kỳ lúc nào.
hoặc
c. Nếu quyền lợi theo hợp đồng của Người được bảo hiểm được chuyển giao cho người khác trừ khi có sự đồng ý trước bằng văn bản của BAOVIET.
5. Tất cả những số tiền bồi thường mà BAOVIET đã trả lẻ tẻ suốt trong thời gian bảo hiểm, được khấu trừ vào số tiền bảo hiểm tương ứng sao cho tổng số tiền BAOVIET bồi thường trong suốt thời gian bảo hiểm không vượt quá số tiền bảo hiểm tương ứng của từng hạng mục tài sản hoặc tổng hợp lại, không vượt quá tổng số tiền bảo hiểm nói chung.
6. Nếu vào thời điểm xảy ra mất mát hoặc hư hại tài sản đã được bảo hiểm bằng một hợp đồng khác ký thay Người được bảo hiểm hoặc do Người được bảo hiểm ký thì trách nhiệm của BAOVIET theo hợp đồng này chỉ giới hạn ở phần tổn thất tỷ lệ với trách nhiệm của BAOVIET.
Nếu một hợp đồng bảo hiểm khác đó tuân theo bất kỳ điều khoản phân bố tổn thất nào thì đơn bảo hiểm này cũng sẽ áp dụng tương ứng như đã nêu trong mục hạn mức trách nhiệm. Nếu hợp đồng bảo hiểm khác đó được thực hiện với nội dung bảo hiểm bất kỳ tài sản nào đã được bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm này nhưng lại có điều kiện là hợp đồng bảo hiểm đó được miễn toàn bộ hoặc một phần trách nhiệm đã được bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm này hoặc được miễn nghĩa vụ đóng góp theo tỷ lệ vào tổn thất đã xảy ra thì trách nhiệm của BAOVIET theo hợp đồng này sẽ giới hạn ở phần tổn thất tương ứng với tỷ lệ của số tiền bảo hiểm theo hợp đồng này chia cho giá trị của tài sản.
7. BAOVIET sẽ không chịu trách nhiệm bồi thường bất kỳ khiếu nại nào của Người được bảo hiểm hoặc của người thay mặt Người được bảo hiểm nếu khiếu nại đó tỏ ra thiếu căn cứ hoặc gian trá về bất kỳ phương diện nào hoặc được phóng đại với dụng ý xấu hoặc có những lời tuyên bố hoặc kê khai sai sự thật nhằm bênh vực cho khiếu nại đó.
8. BAOVIET hoặc Người được bảo hiểm đều có thể huỷ bỏ hợp đồng bảo hiểm này bằng cách thông báo trước 7 ngày cho phía bên kia bằng thư bảo đảm theo địa chỉ mới nhất mà mình biết và trong trường hợp như vậy Người được bảo hiểm hoàn trả một phần phí bảo hiểm tỷ lệ với thời gian còn lại của hợp đồng với điều kiện là trước đó chưa có khiếu nại nào được bồi thường hoặc sẽ được bồi thường theo hợp đồng này. Trường hợp Người được bảo hiểm chủ động yêu cầu huỷ bỏ hợp đồng, BAOVIET chỉ hoàn lại cho Người được bảo hiểm 90% phần phí bảo hiểm tỷ lệ với thời gian còn lại của hợp đồng.
9. Nếu có sự bất đồng về số bồi thường theo hợp đồng bảo hiểm này (trách nhiệm được chấp nhận khác nhau) thì hai bên sẽ chỉ định một trọng tài để giải quyết theo các điều luật hiện hành về các vấn đề đó. Khi đã được đưa ra trọng tài theo điều kiện này thì phán quyết của trọng tài sẽ là điều kiện tiên quyết để dành quyền khiếu nại với BAOVIET, chi phí trọng tài do bên thua kiện chịu.
10. Điều kiện tiên quyết để ràng buộc trách nhiệm bồi thường của BAOVIET là Người được bảo hiểm phải tuân theo và thi hành đúng các điều kiện, điều khoản và các điểm sửa đổi bổ sung của hợp đồng bảo hiểm này và đảm bảo tính trung thực, chính xác của các lời khai và các câu trả lời trong giấy yêu cầu bảo hiểm.
QUY TẮC
BẢO HIỂM TRÁCH NHIỆM ĐỐI VỚI NGƯỜI THỨ BA NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
1. Theo quy tắc này, Tổng Công ty Bảo hiểm Việt Nam (dưới đây gọi tắt là BAOVIET) nhận bảo hiểm trách nhiệm đối với người thứ ba cho Người được bảo hiểm, được nêu tên trong đơn bảo hiểm.
2. Quy tắc này và giấy bảo hiểm trách nhiệm đối với người thứ ba do Người được bảo hiểm làm, là một bộ phận cấu thành của đơn bảo hiểm (dưới đây gọi chung là đơn bảo hiểm).
Trên cơ sở Người được bảo hiểm trả cho BAOVIET số phí bảo hiểm ghi trong đơn bảo hiểm và tuân theo các điều khoản, các điểm loại trừ, các quy định và các điều kiện dưới đây hoặc bất kỳ phụ bản bổ sung nào đính kèm, BAOVIET sẽ bồi thường cho Người được bảo hiểm những số tiền mà Người được bảo hiểm có trách nhiệm pháp lý phải bồi thường những thiệt hại xảy ra do hậu quả của việc gây ra:
a. Thương tật hay đau ốm bất ngờ cho bên thứ ba (dù chết người hay không).
b. Mất mát hay hư hại bất ngờ đối với tài sản của bên thứ ba, nếu những thiệt hại nói trên (a và b) xảy ra có liên quan trực tiếp đến hoạt động ghi trong đơn bảo hiểm và diễn ra trong thời gian bảo hiểm.
Đối với những khiếu nại đòi bồi thường được giải quyết theo quy định của đơn bảo hiểm này, BAOVIET sẽ bồi thường thêm cho Người được bảo hiểm.
a. Tất cả các chi phí kiện cáo mà Người được bảo hiểm buộc phải trả cho bất kỳ bên nguyên đơn nào.
b. Tất cả những chi phí mà Người được bảo hiểm thực hiện với sự đồng ý bằng văn bản của BAOVIET.
Luôn luôn với điều kiện là trách nhiệm của BAOVIET theo quy tắc này không bao giờ vượt quá giới hạn trách nhiêm trong đơn bảo hiểm.
3. Việc Người được bảo hiểm tuân thủ và thi hành đúng các quy định trong đơn bảo hiểm về những việc mà họ phải làm, thực hiện đúng các nghĩa vụ và khai báo trung thực trong giấy yêu cầu bảo hiểm là điều kiện tiên quyết để ràng buộc trách nhiệm của BAOVIET.
4. Bằng chi phí của mình, Người được bảo hiểm phải thực hiện mọi biện pháp đề phòng hợp lý và tuân thủ mọi kiến nghị hợp lý của BAOVIET, nhằm hạn chế thiệt hại hay trách nhiệm và tuân theo mọi quy định của pháp luật.
5. a. Đại diện của BAOVIET có quyền vào bất kỳ thời gian hợp lý nào tiến hành xem xét và kiểm tra các rủi ro được bảo hiểm và Người được bảo hiểm phải cung cấp cho đại diện của BAOVIET mọi chi tiết và thông tin có liên quan đến rủi ro được bảo hiểm.
b. Người được bảo hiểm phải lập tức thông báo cho BAOVIET bằng telex và bằng văn bản về bất kỳ thay đổi nào đối với rủi ro được bảo hiểm và bằng chi phí của mình phải thực hiện các biện pháp đề phòng cần thiết do hoàn cảnh đòi hỏi và nếu cần thiết thì điều chỉnh phạm vi bảo hiểm và/hoặc phí bảo hiểm cho phù hợp.
6. Trường hợp xảy ra tổn thất có thể dẫn tới khiếu nại theo đơn bảo hiểm này Người được bảo hiểm cần:
a. Thông báo ngay cho BAOVIET hoặc đại diện của BAOVIET bằng điện thoại, telex hay telefax cũng như bằng văn bản, trong đó nêu rõ tính chất và mức độ tổn thất.
b. Bằng khả năng mình có tiến hành mọi biện pháp nhằm giảm bớt đến mức thấp nhất mức độ của tổn thất.
c. Bảo quản các tài sản bị thiệt hại (nếu có) và sẵn sàng để lại cho đại diện hay giám định viên của BAOVIET tiến hành giám định.
d. Cung cấp thông tin và tài liệu theo yêu cầu của BAOVIET. e. Thông báo cho công an trong những trường hợp cần thiết.
Trong mọi trường hợp, BAOVIET sẽ không chịu trách nhiệm đối với các tổn thất hay trách nhiệm nếu trong vòng 14 ngày kể từ ngày xảy ra sự cố, BAOVIET không nhận được thông báo về tổn thất hay trách nhiệm đó.
7. Với chi phí do BAOVIET chịu, Người được bảo hiểm cần thực hiện phối hợp thực hiện và cho phép được thực hiện mọi hành động và mọi công việc cần thiết hay theo yêu cầu của BAOVIET nhằm bảo vệ quyền lợi hay quyền miễn trách nhiệm hoặc quyền đòi người thứ ba bồi thường (khác với Người được bảo hiểm theo đơn bảo hiểm này), những khoản mà BAOVIET sẽ được hưởng hay có thể được hưởng hoặc có thể được thế quyền sau khi đã thanh toán bồi thường tổn thất theo đơn bảo hiểm này, cho dù mọi hành động công việc đó cần thiết phải tiến hành trước hay sau khi BAOVIET bồi thường cho Người được bảo hiểm.
8. Trường hợp có sự gian lận trong khiếu nại hay khai báo sai nhằm mục đích hỗ trợ cho khiếu nại đó; hay Người được bảo hiểm hay người thay mặt họ sử dụng những phương tiện hay thủ đoạn gian lận nhằm đạt được quyền lợi qua đơn bảo hiểm này thì mọi quyền lợi đó đều không có giá trị.
9. Nếu vào thời điểm phát sinh bất kỳ khiếu nại nào theo đơn bảo hiểm này mà có bất cứ một đơn bảo hiểm nào khác cũng bảo hiểm trách nhiệm tương tự (cho Người được bảo hiểm) thì BAOVIET sẽ không bồi thường nhiều hơn tỷ lệ của họ trong khiếu nại về trách nhiệm đó.
10. Người được bảo hiểm hay đại diện của họ không được thừa nhận đề xuất, hứa hẹn thanh toán hay bồi thường bất kỳ khoản nào mà không có sự chấp thuận bằng văn bản của BAOVIET. Nếu muốn, BAOVIET có quyền dưới danh nghĩa của Người được bảo hiểm tiến hành và chỉ đạo việc bảo vệ hay giải quyết bất kỳ khiếu nại nào hay tiến hành khởi tố hay bằng cách khác, đòi bồi thường thiệt hại và có toàn quyền trong việc kiện cáo hay giải quyết khiếu tố. Người được bảo hiểm sẽ phải cung cấp mọi thông tin liên quan và hỗ trợ BAOVIET khi được yêu cầu.
CÁC ĐIỂM LOẠI TRỪ
11. BAOVIET sẽ không bồi thường cho Người được bảo hiểm các tổn thất liên quan tới:
a. Chiến tranh, xâm lược, hành động thù địch của bên ngoài, chiến sự (dù có tuyên chiến hay không), nội chiến, bạo loạn, cách mạng, khởi nghĩa, binh biến nổi loạn, đình công, bế xưởng, bạo động của quần chúng, hành động quân sự hay tiếm quyền, hàng động ác ý của nhóm người hay những người đại diện cho hay có liên quan tới các tổ chức chính trị việc tịch biên, tịch thu hay phá huỷ theo lệnh của bất kỳ Chính phủ hay chính quyền hợp pháp nào,
b. Phản ứng hạt nhân, phóng xạ hạt nhân hay nhiễm phóng xạ,
c. Hành động cố ý hay cố tình của Người được bảo hiểm hay đại diện của họ.
12. Mức khấu trừ (được ghi rõ trong đơn bảo hiểm) mà Người được bảo hiểm phải tự gánh chịu trong mọi sự cố.
13. Trách nhiệm do hậu quả của:
a. Thương tật hay ốm đau của người làm thuê hay công nhân của Người được bảo hiểm hoặc thành viên trong gia đình họ,
b. Tổn thất đối với các tài sản thuộc sở hữu, chăm sóc, giám sát hay kiểm tra của Người được bảo hiểm,
c. Bất kỳ tai nạn nào gây ra bởi các xe cơ giới được phép lưu hành trên đường công cộng, hay bởi tàu thuyền, sà lan hay máy bay.
d. Bất kỳ thoả thuận nào của Người được bảo hiểm đồng ý trả một khoản tiền nào đó dưới hình thức đền bù hay hình thức nào khác, trừ trường hợp trách nhiệm đó BAOVIET phải bồi thường cho dù không có thoả thuận như vậy.
14. Mọi trách nhiệm phát sinh không phải từ phạm vi hoạt động của Người được bảo hiểm (bao gồm cả các hoạt động phụ trợ có liên quan).
THỜI HẠN BẢO HIỂM
15. Phụ thuộc vào việc thanh toán phí đầy đủ và đúng thời hạn, trách nhiệm của BAOVIET sẽ bắt đầu và chấm dứt vào ngày ghi trên đơn bảo hiểm.
Bất kỳ sự kéo dài thời hạn bảo hiểm nào cũng đều phải có sự chấp thuận bằng văn bản của BAOVIET và phí bảo hiểm sẽ được điều chỉnh cho phù hợp, nếu cần thiết.
PHÍ BẢO HIỂM VÀ GIẢI QUYẾT BỒI THƯỜNG
16. Phí bảo hiểm sẽ do Người được bảo hiểm trả cho BAOVIET bằng loại tiền ghi trong đơn bảo hiểm hoặc bằng một loại tiền khác do sự thoả thuận giữa hai bên. Việc thanh toán phí cho BAOVIET phải hoàn tất trong vòng 30 ngày kể từ khi nhận được thông báo thu tiền của BAOVIET và không được chậm trễ, trừ khi có thoả thuận khác.
17. Việc bồi thường của BAOVIET phụ thuộc vào Luật của Việt Nam và các điều khoản, các điểm loại trừ và các điều kiện của đơn bảo hiểm này. Trong phạm vi giới hạn trách nhiệm của mình, BAOVIET cũng sẽ bồi thường cho Người được bảo hiểm các chi phí tố tụng có liên quan đến việc giải quyết các khiếu nại của bên thứ ba.
Tiền bồi thường sẽ được BAOVIET trả cho Người được bảo hiểm hay trực tiếp cho Người khiếu nại liên quan bằng loại tiền như ghi trong đơn bảo hiểm hay loại tiền khác đã thoả thuận giữa hai bên và chậm nhất 30 ngày sau khi phát hành thông báo bồi thường của BAOVIET.
18. Bất kỳ sự tranh chấp nào có liên quan đến khiếu nại đối với BAOVIET sẽ được xử theo quyết định của trọng tài do hai bên chỉ định hay theo quyết của Toà án tại Việt Nam theo luật pháp hiện hành.
ĐƠN BẢO HIỂM BỒI THƯỜNG CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG
Trên cơ sở Người được bảo hiểm có tên trong bản kê kèm theo (sau đây gọi là "Người được bảo hiểm") đã gửi cho Tổng Công ty Bảo hiểm Việt Nam (sau đây gọi là "BAOVIET") giấy yêu cầu bảo hiểm với tất cả các chi tiết cần thiết và đã trả hoặc đồng ý trả cho BAOVIET số phí bảo hiểm ghi trong bản kê (số phí này sẽ được điều chỉnh theo cách thức quy định dưới đây).
BAOVIET thoả thuận rằng, căn cứ vào các điều kiện, điều khoản quy định trong đơn bảo hiểm này nếu trong thời hạn bảo hiểm có hiệu lực hoặc trong thời hạn tiếp tục được BAOVIET thoả thuận bằng văn bản, người lao động nào đó có tên trong bản kê làm thuê theo hợp đồng cho Người được bảo hiểm (phục vụ trực tiếp cho Người được bảo hiểm hoặc làm việc theo lệnh của Người được bảo hiểm) bị thương vong do tai nạn trong khi làm nhiệm vụ và theo Luật lao động của Việt Nam hoặc theo hợp đồng thuê mướn lao động Người được bảo hiểm có trách nhiệm phải bồi thường cho người bị tai nạn thì BAOVIET căn cứ vào các điều kiện, điều khoản quy định trong đơn bảo hiểm này, sẽ bồi thường cho Người được bảo hiểm tất cả những số tiền mà Người được bảo hiểm phải trả theo luật hoặc theo hợp đồng nói trên.
Ngoài ra, BAOVIET còn chịu trách nhiệm hoàn trả tất cả các khoản chi phí và phí tổn mà Người được bảo hiểm đã thực hiện với sự đồng ý bằng văn bản của BAOVIET nhằm bào chữa chống lại một khiếu nại đòi bồi thường nào đó.
NHỮNG RỦI RO BỊ LOẠI TRỪ
1. Những rủi ro sau đây không được bảo hiểm theo bảo hiểm này:
- Bị thương hoặc chết do chiến tranh (dù có tuyên chiến hay không) nội chiến hay tự tử,
- ốm đau, bại liệt, nhồi máu, động kinh, chấn thương não (trừ những trường hợp gây ra do bị chấn thương đột xuất) xơ rữa động mạch (trừ khi xảy ra trong trường hợp lặn chuyên nghiệp), những hậu quả của việc mổ xẻ trừ khi việc mổ xẻ ấy được thực hiện do hậu quả của một tai nạn đã xảy ra với nạn nhân,
- Điều khiển máy bay,
- Đi lại bằng đường hàng không, trừ trường hợp với tư cách là hành khách đi ở trên máy bay có giấy phép bay thích hợp và dưới sự điều khiển của người có giấy chứng nhận có hiệu lực đối với máy bay đó (trừ phi Người được bảo hiểm và nạn nhân không lưu ý đến việc người điều khiển máy bay có giấy chứng nhận không hoặc giấy chứng nhận đó đã hết giá trị chưa),
- Tai nạn do người thừa hưởng quyền lợi cố tình gây ra hay kích động, và những tai nạn là hậu quả của những hành vi vi phạm luật một cách rõ ràng, cố ý và nghiêm trọng của người thừa hưởng quyền lợi,
- Tai nạn do người say hay người bị bệnh tâm thần gây ra, trừ khi bệnh tâm thần phát sinh do hậu qua của tai nạn được bảo hiểm theo đơn bảo hiểm này,
2. Đối tượng không được bảo hiểm:
- Những người mắc bệnh mù hoặc điếc hoàn toàn, những người bị bệnh tâm thần, động kinh hoặc bị liệt do ảnh hưởng của trạng thái mê sảng, rượu cấp hay trên 65 tuổi.
ĐIỀU KIỆN BẢO HIỂM
1. Về bất kỳ tai nạn nào có khả năng dẫn đến khiếu nại theo đơn bảo hiểm này và về tất cả các trường hợp thương vong phát sinh từ tai nạn đó, Người được bảo hiểm phải thông báo bằng văn bản cho BAOVIET biết càng sớm càng tốt và trong bất kỳ trường hợp nào cũng không được chậm quá 72 giờ kể từ khi đại diện của Người được bảo hiểm nhận được tin tức về tai nạn đó. Người được bảo hiểm sẽ gửi cho BAOVIET mọi thông báo hoặc thông tin viết hay miệng về các khiếu nại hay các đơn kiện ngay sau khi nhận được các thông báo hoặc thông tin đó từ đại diện của mình.
2. Người được bảo hiểm không được tự ý, nhận trả bất kỳ khoản chi phí nào, dù là chi phí xét xử hay chi phí khác, không được trả tiền hoặc thanh toán bồi thường, không được chấp nhận trách nhiệm về các trường hợp thương vong mà BAOVIET có thể phải chịu trách nhiệm theo đơn bảo hiểm này, nếu chưa được BAOVIET đồng ý bằng văn bản, Người được bảo hiểm sẽ cung cấp mọi thông tin cần thiết cho BAOVIET và dành cho BAOVIET sự giúp đỡ cần thiết để tạo Điều kiện cho BAOVIET giải quyết hoặc từ chối bồi thường, tuỳ theo từng trường hợp.
3. BAOVIET sẽ không chiếm dụng các khoản tiền đền bù phải trả cho người khiếu nại hoặc phải bồi hoàn cho Người được bảo hiểm khi các khoản đó đã được công nhận là phải thanh toán theo đơn bảo hiểm này, và BAOVIET sẽ giải quyết các khoản tiền đó nhân danh BAOVIET và nhân danh Người được bảo hiểm và sẽ thông báo cho Người được bảo hiểm biết các khoản thanh toán bồi thường đã trả và sau khi giải quyết xong vụ khiếu nại, BAOVIET sẽ gửi cho Người được bảo hiểm bản sao giấy giải miễn trách nhiệm của Người được bảo hiểm về khiếu nại ấy.
4. Người được bảo hiểm phải thực hiện mọi biện pháp hợp lý để đề phòng tai nạn và chỉ thuê những người lao động có tay nghề.
5. Các thời hạn thuê mướn người lao động và các khoản lương bổng dùng làm cơ sở cho việc tính số tiền bồi thường quy định trong đơn bảo hiểm này phải được ghi chép đầy đủ trong sổ đăng ký theo mẫu đã thoả thuận với BAOVIET.
6. Việc bồi thường được cam kết theo đơn bảo hiểm này hoặc đơn bảo hiểm tái tục, sẽ không áp dụng cho trách nhiệm của Người được bảo hiểm đối với những người lao động do các nhà thầu phụ của Người được bảo hiểm thuê mướn, trừ khi có sự thoả thuận riêng với BAOVIET bằng văn bản và có phụ bản bổ sung kèm theo đơn bảo hiểm.
7. Vào bất kỳ thời điểm nào, BAOVIET và Người được bảo hiểm bằng thư bảo đảm hoặc thư giao tay đều có thể huỷ bỏ đơn bảo hiểm này sau 8 ngày kể từ ngày gửi thư bảo đảm hoặc chuyển thư tay tới địa chỉ nêu trong đơn bảo hiểm, tuy nhiên với điều kiện là không phương hại đến các quyền lợi hoặc các khiếu nại của BAOVIET hoặc của Người được bảo hiểm phát sinh trong đơn bảo hiểm này trước ngày đó.
8. Nếu tình trạng ốm đau hay tàn tật đã có trước khi xảy ra tai nạn hay xảy ra sau khi đã bị tai nạn mà không phải do tại nạn gây ra, nhưng đã tác động làm trầm trọng thêm hậu quả của tai nạn thì BAOVIET sẽ chịu trách nhiệm đối với những hậu quả có thể có của tai nạn đó như trường hợp nó không bị trầm trọng thêm bởi bệnh tật hay tàn tật nói trên.
9. Trong trường hợp có sự bất đồng ý kiến giữa BAOVIET và Người được bảo hiểm hay người thừa hưởng quyền lợi về việc xác định những hậu quả cuối cùng của vụ tai nạn, thì mỗi bên sẽ tự chịu chi phí chỉ định thầy thuốc cho mình. Các thầy thuốc đại diện cho hai bên sẽ cố gắng thống nhất với nhau về những hậu quả của tai nạn đó, dựa trên cơ sở bảng tỷ lệ thương tật vĩnh viễn và mức độ bồi thường kèm theo. Nếu các thầy thuốc không nhất trí được với nhau thì cũng chỉ định người thứ ba và quyết định của đa số sẽ là quyết định cuối cùng. Nếu một trong hai bên quên hoặc từ chối chỉ định thầy thuốc cho mình, hoặc nếu hai thầy thuốc đã chỉ định không thống nhất được việc chỉ định ra một thầy thuốc thứ ba thì trong trường hợp đó thầy thuốc thứ ba sẽ do thẩm phán có hàm vị tại nơi xảy ra tai nạn hoặc tại nơi cư trú của người thừa hưởng quyền lợi bảo hiểm chỉ định.
10. Đơn bảo hiểm này được mở rộng để bảo hiểm cả chi phí nằm viện trong chừng mực các khoản chi phí đó không được bồi thường theo chế độ bảo hiểm xã hội, nhưng luôn luôn với điều kiện là toàn bộ số tiền bồi thường kể cả các khoản chi phí đó, sẽ không vượt quá số tiền bảo hiểm quy định.
BỒI THƯỜNG BẢO HIỂM CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG BẢNG TỶ LỆ THƯƠNG TẬT VÀ MỨC BỒI THƯỜNG
(Tính theo tỷ lệ của tiền bảo hiểm)
Chết |
| 100% |
Thương tật tàn phế hoàn toàn |
|
|
- Mù hoàn toàn và không thể phục hồi được cả hai mắt |
| 100% |
- Rối loạn tâm thần hoàn toàn và không thể chữa được |
| 100% |
- Mất hai tay hoặc hai chân |
| 100% |
- Điếc hoàn toàn hai tai |
| 100% |
- Cắt bỏ hàm dưới |
| 100% |
- Câm |
| 100% |
- Mất một cánh tay và một bàn chân hoặc mất một cánh tay hoặc một cẳng chân hoặc một bàn tay và một cẳng chân hoặc một bàn tay và một bàn chân |
| 100% |
- Mất hai cẳng chân hoặc hai bàn chân |
| 100% |
Thương tật bộ phận |
|
|
Đầu: Mất một phần xương sọ với toàn bộ bề dày của xương |
|
|
- Mất với diện tích ít nhất là 6 cm2 |
| 40% |
- Mất với diện tích từ 3-6 cm2 |
| 20% |
- Cắt bỏ một phần hàm dưới, cắt bỏ toàn bộ hoặc một nửa thân hàm trên |
| 40% |
- Mất một mắt |
| 40% |
- Điếc hoàn toàn một tai |
| 30% |
Thương tật bộ phận |
|
|
Chi trên | Phải | Trái |
- Mất một cánh tay hay một bàn tay | 60% | 50% |
- Mất phần xương chủ yếu của phần trên cánh tay (thương tật vĩnh viễn và không có khả năng chữa lành) | 50% | 40% |
- Liệt hoàn toàn cánh tay trên (tổn thương các dây thần kinh không có khả năng chữa lành) | 65% | 55% |
- Liệt hoàn toàn dây thần kinh mũ | 20% | 15% |
- Dính khớp bả vai | 40% | 30% |
- Dính khớp khuỷu tay (ở vị trí thuận lợi 15o xung quanh góc vuông) | 25% | 20% |
(Ở vị trí không thuận lợi) | 40% | 35% |
- Mất phần xương chủ yếu của hai xương cẳng tay (thương tổn vĩnh viễn không còn khả năng chữa lành) | 40% | 30% |
- Liệt hoàn toàn dây thần kinh giữa | 45% | 35% |
- Liệt hoàn toàn dây thần kinh quay (ở rãnh xoắn) | 40% | 35% |
- Liệt hoàn toàn dây thần kinh quay ở cẳng tay | 30% | 25% |
- Liệt hoàn toàn dây thần kinh quay ở bàn tay | 20% | 15% |
- Liệt hoàn toàn dây thần kinh trụ | 30% | 25% |
- Dính khớp cổ tay ở vị trí thuận lợi (Tư thế thẳng và xấp) | 20% | 15% |
- Dính khớp cổ tay ở vị trí không thuận lợi (gấp quá hoặc duỗi ngửa) | 30% | 25% |
- Mất hoàn toàn ngón cái | 20% | 15% |
- Cụt toàn bộ ngón trỏ | 15% | 15% |
- Cụt đồng thời ngón cái và ngón trỏ | 35% | 25% |
- Cụt ngón cái và một ngón khác ngoài ngón trỏ | 25% | 20% |
- Cụt 3 ngón trừ ngón cái và ngón trỏ | 30% | 25% |
- Cụt 4 ngón trong đó có ngón cái | 45% | 40% |
- Cụt 4 ngón trong đó còn ngón cái | 40% | 35% |
Khi tính toán tỷ lệ bồi thường, nếu nạn nhận thuận tay trái thì bản tính toán tỷ lệ sẽ được áp dụng ngược lại, tức là đổi phần tỷ lệ cho tay phải sang tay trái và ngược lại. |
|
|
Chi dưới |
|
|
- Cụt một đùi (phần trên) |
| 60% |
- Cụt một đùi (phần dưới) |
| 50% |
- Mất hoàn toàn một bàn chân (tháo khớp chày, cổ chân) |
| 45% |
- Mất một phần bàn chân (tháo khớp dưới lên) |
| 40% |
- Mất một bàn chân (tháo khớp giữa cổ chân) |
| 35% |
- Mất một phần bàn chân (tháo khớp cổ bàn chân) |
| 30% |
- Liệt hoàn toàn một chi dưới (thương tổn thần kinh không có khả năng chữa lành) |
| 60% |
- Liệt hoàn toàn dây thần kinh hông khoeo ngoài |
| 30% |
- Liệt hoàn toàn dây thần kinh hông khoeo trong |
|
|
- Liệt hoàn toàn hai dây thần kinh (hông, hông khoeo ngoài và hông khoeo trong) |
| 40% |
- Dính khớp cẳng |
| 40% |
- Dính khớp đầu gối |
| 20% |
- Mất phần lớn xương đùi hay phần lớn 2 xương chân (không có khả năng chữa lành) |
| 60% |
- Mất phần lớn của xương bánh chè, bị vỡ thành nhiều mảnh và giới hạn nhiều khả năng duỗi cẳng chân trên đùi |
| 40% |
- Mất phần lớn xương bánh chè nhưng vẫn còn khả năng vận động chi |
| 20% |
- Ngắn chi dưới ít nhất 5cm |
| 30% |
- Ngắn chi dưới từ 3-5 cm |
| 20% |
- Cụt hoàn toàn 4 ngón chân trong đó có ngón cái |
| 20% |
Trường hợp bị dính khớp các ngón tay (trừ ngón cái và ngón trỏ) và dính khớp các ngón chân (trừ ngón cái) thì số tiền bồi thường chỉ bằng 50% tiền bồi thường quy định trong trường hợp bị cụt (mất).
Những trường hợp tàn tật không liệt kê trong bảng danh mục này sẽ được bồi thường theo tỷ lệ trên cơ sở so sánh tính nghiêm trọng của nó với những trường hợp khác có nêu trong bảng danh mục này và không phương hại đến nghề nghiệp của nạn nhân.
Chức năng của một chi hay một phần coi là bị mất hoàn toàn và tuyệt đối khi nó bị cắt rời ra.
Trong trường hợp nạn nhân trước khi xảy ra tai nạn chỉ có một mắt và bị mất mắt còn lại thì được coi là tàn phế 100% thay cho 40% theo như bảng danh mục này quy định.
Chỉ bồi thường những trường hợp thương tật một phần vĩnh viễn từ 15% trở lên.
ĐƠN BẢO HIỂM MỌI RỦI RO CHO CHỦ THẦU
Số:....................................
Vì lẽ, Người được bảo hiểm có tên trong phụ lục kèm theo đã gửi cho Tổng Công ty Bảo hiểm Việt Nam (dưới đây gọi tắt là Người bảo hiểm) Giấy yêu cầu bảo hiểm bằng cách điền vào Bản câu hỏi, Bản câu hỏi cùng với các bản kê khai khác của Người được bảo hiểm có liên quan đến Đơn bảo hiểm này là một bộ phận cấu thành của Đơn bảo hiểm này,
Đơn bảo hiểm này xác nhận với điều kiện Người được bảo hiểm thanh toán cho Người bảo hiểm số phí bảo hiểm nêu trong Phụ lục kèm theo và tuân theo các Điều khoản, Điều kiện và các điểm loại trừ quy định trong Đơn bảo hiểm hoặc đính kèm theo Đơn bảo hiểm, Người bảo hiểm sẽ trả tiền bồi thường cho Người được bảo hiểm theo cách thức và mức độ quy định dưới đây.
CÁC ĐIỂM LOẠI TRỪ CHUNG
Người bảo hiểm sẽ không bồi thường cho Người được bảo hiểm những thiệt hại hoặc những trách nhiệm trực tiếp hay gián tiếp gây nên bởi các rủi ro sau:
a. Chiến tranh, xâm lược, hành động thù địch của nước ngoài, chiến sự (dù tuyên chiến hay không tuyên chiến), nội chiến, bạo loạn, cách mạng, khởi nghĩa, binh biến, nổi loạn, đình công, bãi công, bế xưởng, bạo động của quần chúng, hành động quân sự hay lực lượng tiếm quyền, hành động của nhóm người hay những người thù địch - đại diện hay có liên quan tới tổ chức chính trị, tịch biên, tịch thu hay phá huỷ theo lệnh của Chính phủ thực tế tồn tại (de jure or de facto) hoặc theo lệnh của bất kỳ của nhà đương cục nào;
b. Phản ứng hạt nhân, phóng xạ hạt nhân hay nhiễm phóng xạ;
c. Hành động cố ý hay cố tình sơ suất của Người được bảo hiểm hay đại diện của họ;
d. Ngừng công việc dù là toàn bộ hay một phần;
Trong các trường hợp khiếu tố, kiện tụng hay kiện cáo mà Người bảo hiểm cho là do có Điểm loại trừ a. nói trên, các tổn thất hay trách nhiệm nào đó không được bồi thường theo Đơn bảo hiểm này thì việc chứng minh rằng các tổn thất hay trách nhiệm đó thuộc trách nhiệm bảo hiểm là nhiệm vụ của Người được bảo hiểm.
THỜI HẠN BẢO HIỂM
Trách nhiệm của Người bảo hiểm sẽ bắt đầu từ lúc khởi công công trình hoặc sau khi dỡ xong các hạng mục có tên trong Phụ lục xuống công trường dù ngày quy định trong Phụ lục có thể khác.
Sau khi từng phần của công trình được bảo hiểm đã được bàn giao và đưa vào sử dụng thì trách nhiệm của Người bảo hiểm sẽ chấm dứt đối với phần đó.
Chậm nhất thì bảo hiểm này sẽ chấm dứt hiệu lực vào ngày quy định ghi trong Phụ lục. Mọi sự kéo dài thời hạn bảo hiểm (sự gia hạn) đều phải được Người bảo hiểm đồng ý bằng văn bản.
ĐIỀU KIỆN CHUNG
1. Việc Người được bảo hiểm tuân thủ và chấp hành đúng các Điều khoản của Đơn bảo hiểm này về những việc mà Người được bảo hiểm có nghĩa vụ phải làm hay thực hiện và việc khai báo trả lời các câu hỏi trong Bản câu hỏi và giấy yêu cầu bảo hiểm sẽ là điều kiện tiên quyết để ràng buộc trách nhiệm bồi thường của Người bảo hiểm.
2. Phụ lục và các phần sau được coi là bộ phận cấu thành và nằm trong Đơn bảo hiểm này và thuật ngữ "Đơn bảo hiểm này" dù sử dụng ở chỗ nào trong đơn bảo hiểm này đều được coi là bao gồm cả Phụ lục và các phần sau. Bất kỳ một từ ngữ hay thuật ngữ nào có giải nghĩa kèm theo ở trong một phần nào đó của Đơn bảo hiểm này hay trong Phụ lục hoặc các phần sau, thì từ ngữ hay thuật ngữ ấy luôn mang nghĩa đó, dù nó xuất hiện ở bất kỳ chỗ nào.
3. Người được bảo hiểm, bằng chi phí riêng của mình, phải thực hiện mọi biện pháp đề phòng hợp lý và tuân theo mọi kiến nghị hợp lý của Người bảo hiểm để ngăn chặn tổn thất hay trách nhiệm xảy ra và phải tuân thủ mọi quy chế, kiến nghị của người sản xuất.
4. a. Đại diện của Người bảo hiểm có quyền vào bất kỳ thời gian hợp lý nào xem xét và kiểm tra rủi ro được bảo hiểm, và Người được bảo hiểm cũng phải cung cấp cho đại diện của Người bảo hiểm mọi chi tiết thông tin cần thiết để đánh giá rủi ro được bảo hiểm.
b. Người được bảo hiểm phải lập tức thông báo cho Người được bảo hiểm bằng điện tín và bằng văn bản bất kỳ thay đổi quan trọng nào đối với các rủi ro được bảo hiểm và bằng chi phí của mình, phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết mà hoàn cảnh yêu cầu và nếu cần thì phạm vi bảo hiểm và/hoặc phí bảo hiểm sẽ được điều chỉnh một cách thích hợp.
Người được bảo hiểm không được tự ý tiến hành hay chấp nhận bất cứ sự thay đổi quan trọng nào làm tăng mức độ rủi ro bảo hiểm, trừ phi việc đó được Người bảo hiểm chấp thuận bằng văn bản.
5. Trong trường hợp xảy ra những sự cố có thể dẫn đến việc đòi bồi thường theo Đơn bảo hiểm này, Người được bảo hiểm phải:
a. Lập tức thông báo ngay cho Người bảo hiểm bằng điện thoại hay điện tín cũng như bằng văn bản, nêu rõ tính chất và mức độ tổn thất;
b. Thực hiện mọi biện pháp phù hợp với khả năng của mình để hạn chế tổn thất ở mức thấp nhất;
c. Bảo quản các bộ phận bị tổn thất và sẵn sàng để cho đại diện hay giám định viên của Người bảo hiểm giám định các bộ phận đó;
d. Cung cấp mọi thông tin và chứng từ, văn bản theo yêu cầu của Người bảo hiểm;
e. Thông bao cho cơ quan công an trong trường hợp tổn thất do trộm cắp.
Trong mọi trường hợp, Người bảo hiểm sẽ không chịu trách nhiệm đối với tổn thất vật chất hay trách nhiệm, nếu trong vòng 14 ngày kể từ ngày xảy ra sự cố Người bảo hiểm không nhận được thông báo tổn thất.
Sau khi thông báo cho Người bảo hiểm theo điều kiện này, Người được bảo hiểm có thể tiến hành sửa chữa hay thay thế các hư hỏng nhỏ. Còn trong mọi trường hợp khác, đại diện của Người bảo hiểm sẽ có mặt để giám định tổn thất trước khi thực hiện việc sửa chữa hay thay thế. Nếu đại diện của Người bảo hiểm không tiến hành giám định trong một thời gian được xem là hợp lý xét theo tình hình thực tế thì Người được bảo hiểm có quyền xúc tiến việc sửa chữa hay thay thế.
Trách nhiệm của Người bảo hiểm theo Đơn bảo hiểm này với bất kỳ hạng mục bị tổn thất nào sẽ chấm dứt nếu hạng mục đó không được sửa chữa kịp thời, chu đáo.
6. Người được bảo hiểm với chi phí do Người bảo hiểm chịu, phải thực hiện, kết hợp thực hiện và cho phép thực hiện mọi hành động và mọi công việc xét thấy cần thiết hay theo yêu cầu của Người bảo hiểm nhằm bảo vệ quyền lợi hay quyền miễn trách hay tiền đòi bồi thường từ người thứ ba (khác với những Người được bảo hiểm theo Đơn bảo hiểm này), những khoản mà Người bảo hiểm sẽ được hưởng hay có thể được hưởng hoặc được thế quyền sau khi đã thanh toán hay bồi thường tổn thất theo Đơn bảo hiểm này, dù cho hành động hay những việc như vậy cần phải làm hoặc phải yêu cầu làm trước hay sau khi Người bảo hiểm bồi thường cho Người được bảo hiểm.
7. Nếu có sự tranh chấp về số tiền bảo hiểm theo Đơn bảo hiểm (trách nhiệm được chấp nhận theo cách khác), thì việc tranh chấp sẽ chuyển cho một Trọng tài quyết định. Trọng tài này do hai bên chỉ định bằng văn bản hoặc nếu hai bên không nhất trí được một Trọng tài chung thì vấn đề sẽ được chuyển cho hai Trọng tài, mỗi bên chỉ định một Trọng tài bằng văn bản trong vòng một tháng, kể từ khi một trong hai bên gửi văn bản yêu cầu phía bên kia cũng làm như vậy hoặc trong trường hợp hai Trọng tài không nhất trí được với nhau thì cùng nhau chỉ định một Trọng tài chung trước khi đưa tranh chấp ra giải quyết. Trọng tài chung sẽ ngồi với hai trọng tài kia và chủ toạ cuộc họp của họ. Phán quyết của cuộc họp sẽ là điều kiện tiên quyết đối với tính chất đúng đắn của việc khiếu tố chống Người bảo hiểm.
8. Nếu có sự khiếu nại hay gian lận hay khai báo sai (được đưa ra hay hỗ trợ cho khiếu nại đó) hay nếu Người được bảo hiểm hoặc người thay mặt họ sử dụng những phương tiện hay thủ đoạn gian lận nhằm kiếm lời qua Đơn bảo hiểm này hoặc nếu khiếu nại đòi bồi thường bị khước từ mà không có việc tiến hành tố tụng trong vòng ba tháng kể từ khi từ chối, hoặc kể từ khi hai Trọng tài viên hay Trọng tài chung đưa ra phán quyết, trường hợp đưa ra Trọng tài như quy định ở trên thì tất cả các quyền lợi theo Đơn bảo hiểm này sẽ không có giá trị.
9. Nếu vào thời điểm phát sinh khiếu nại theo Đơn bảo hiểm này mà có bất kỳ một Đơn bảo hiểm nào khác cũng bảo hiểm tổn thất vật chất hay trách nhiệm đó thì Người bảo hiểm sẽ không bồi thường nhiều hơn tỷ lệ của họ trong khiếu nại về tổn thất vật chất hay trách nhiệm đó.
Phần I:
TỔN THẤT VẬT CHẤT
Đơn bảo hiểm số:
Trong phần này, Người bảo hiểm thoả thuận với Người được bảo hiểm rằng nếu vào bất kỳ lúc nào trong thời hạn bảo hiểm, một hạng mục nào đó có tên trong Phụ lục hay bất kỳ bộ phận nào của hạng mục đó bị tổn thất vật chất bất ngờ và không lường trước được do bất kỳ nguyên nhân nào khác với những nguyên nhân bị loại trừ dưới đây và với mức độ cần thiết phải sửa chữa hoặc thay thế, thì Người bảo hiểm sẽ bồi thường cho Người được bảo hiểm tổn thất đó theo quy định dưới đây bằng tiền, bằng cách sửa chữa, thay thế (tuỳ Người bảo hiểm lựa chọn), mức bồi thường đối với từng hạng mục ghi trong Phụ lục sẽ không vượt quá số tiền được ghi đối diện với hạng mục đó và đối với mỗi sự cố sẽ không vượt quá hạn mức trách nhiệm bồi thường (nếu có) và tổng cộng lại, toàn bộ số tiền được bồi thường không vượt quá tổng số tiền được bảo hiểm ở phần này, quy định trong Phụ lục.
Người bảo hiểm cũng sẽ bồi thường cho Người được bảo hiểm chi phí dọn dẹp hiện trường sau khi xảy ra sự cố dẫn đến khiếu nại theo Đơn bảo hiểm này với điều kiện là số tiền đó phải được quy định riêng trong Phụ lục.
ĐIỀU KHOẢN LOẠI TRỪ CHỈ ÁP DỤNG RIÊNG CHO PHẦN I
Tuy nhiên, Người bảo hiểm sẽ không chịu trách nhiệm đối với:
a. Mức miễn bồi thường quy định trong Phụ lục mà Người được bảo hiểm phải tự chịu trong mọi sự cố;
b. Tất cả các loại tổn thất có tính chất hậu quả, bao gồm tiền phạt, tổn thất do chậm trễ, do không đảm bảo công việc, thiệt hại hợp đồng;
c. Những tổn thất do thiết kế sai, do khuyết tật của nguyên vật liệu hay khuôn mẫu, do tay nghề kém nhưng không phải lỗi trong khi xây dựng;
d. Những chi phí thay thế, sửa chữa, chỉnh lý khuyết tật của vật liệu hoặc tay nghề, tuy nhiên loại trừ này chỉ hạn chế trong chính những hạng mục bị ảnh hưởng trực tiếp còn tổn thất của các hạng mục khác xảy ra do một tai nạn là hậu quả khuyết tật của nguyên vật liệu và tay nghề thì không bị loại trừ;
e. Ăn mòn, mài mòn, ô xy hoá, mục rữa do ít sử dụng hay do Điều kiện áp suất, nhiệt độ bình thường;
f. Đổ vỡ cơ học và/hoặc do điện hay do sự trục trặc của các trang thiết bị và máy móc xây dựng;
g. Mất mát hay thiệt hại đối với xe cơ giới được phép sử dụng trên đường công cộng hay đối với tàu thuỷ hoặc sà lan;
h. Mất mát hay thiệt hại đối với hồ sơ, sơ đồ, chứng từ kế toán, hoá đơn, tiền mặt, tiền phạt, tem phiếu, văn bản, chứng thư nợ nần, cổ phiếu, thư bảo lãnh, séc;
i. Mất mát hay thiệt hại chỉ phát hiện được vào thời điểm kiểm kê.
ĐIỀU KHOẢN ÁP DỤNG CHO PHẦN I
Điều 1. Số tiền bảo hiểm: Yêu cầu của loại bảo hiểm này là số tiền được bảo hiểm nêu trong bản Phụ lục không được thấp hơn:
Đối với hạng mục 1: Giá trị đầy đủ của công trình theo hợp đồng tại thời điểm hoàn thành việc xây dựng, bao gồm toàn bộ vật liệu, lương bổng, cước phí vận chuyển, thuế hải quan, các loại thuế khác, nguyên vật liệu hay các hạng mục do chủ công trình (bên A) cung cấp;
Đối với hạng mục 2 và 3: Giá trị thay thế của trang thiết bị và máy móc xây dựng, tức là chi phí thay thế các khoản mục được bảo hiểm bằng khoản mục mới cùng loại và cùng tính năng;
Và Người được bảo hiểm cam kết sẽ tăng hay giảm số tiền trong trường hợp có sự biến động về nguyên vật liệu, lương bổng hay giá cả, luôn luôn với điều kiện là việc tăng giảm này chỉ có hiệu lực sau khi việc đó đã được Người bảo hiểm ghi nhận trong Đơn bảo hiểm.
Trong trường hợp có tổn thất, nếu phát hiện thấy số tiền bảo hiểm thấp hơn số tiền lẽ ra phải yêu cầu bảo hiểm, thì số tiền Người được bảo hiểm được bồi thường theo Đơn bảo hiểm này sẽ giảm đi tỷ lệ giữa số tiền bảo hiểm chia cho số tiền lẽ ra phải yêu cầu bảo hiểm. Mọi đối tượng và khoản mục chi phí đều phải tuân theo điều kiện này một cách riêng biệt.
Điều 2. Cơ sở giải quyết bồi thường: Trong mọi trường hợp có tổn thất cơ sơ để giải quyết bồi thường theo Đơn bảo hiểm này là:
a. Đối với trường hợp tổn thất có thể sửa chữa được - chi phí sửa chữa cần thiết để phục hồi các hạng mục bị tổn thất trở lại trạng thái như trước khi xảy ra tổn thất trừ đi phần thu hồi, hoặc
b. Đối với trường hợp tổn thất toàn bộ - giá trị thực tế của hạng mục đó ngay trước khi xảy ra sự cố trừ đi phần giá trị thu hồi.
Tuy nhiên, chỉ bồi thường ở mức độ chi phí mà Người được bảo hiểm thực tế phải gánh chịu và ở mức độ mà các khoản đó được tính chung trong số tiền bảo hiểm và luôn luôn với điều kiện là các điều kiện và điều khoản này đều được tuân thủ đầy đủ.
Người bảo hiểm sẽ chỉ bồi thường sau khi thoả mãn với việc xuất trình các hoá đơn, chứng từ cần thiết để chứng tỏ rằng việc sửa chữa đã được tiến hành hay việc thay thế đã được thực hiện, tuỳ theo từng trường hợp cụ thể. Mọi tổn thất có thể sửa chữa được đều phải được sửa chữa, nhưng nếu chi phí sửa chữa tương đương hay vượt quá giá trị của hạng mục đó tại thời điểm trước khi xảy ra tổn thất thì việc thanh toán bồi thường sẽ được thực hiện trên cơ sở quy định ở Điểm b. trên.
Chi phí sửa chữa tạm thời sẽ do Người bảo hiểm chịu nếu như chi phí đó là một bộ phận cấu thành của việc sửa chữa chính thức và không làm tăng chi phí sửa chữa.
Mọi chi phí nhằm sửa đổi, bổ sung và/hoặc hoàn thiện thêm sẽ không được bồi thường theo Đơn bảo hiểm này.
Điều 3. Mở rộng phạm vi bảo hiểm: Chi phí cho việc làm thêm giờ, làm việc ban đêm, làm việc trong ngày lễ, cước phí vận chuyển hoả tốc chỉ được bảo hiểm bằng Đơn bảo hiểm này nếu như có thoả thuận riêng trước bằng văn bản.
Phần II:
TRÁCH NHIỆM ĐỐI VỚI NGƯỜI THỨ BA
Đơn bảo hiểm số:
Trong phạm vi và không vượt quá số tiền quy định trong Phụ lục, Người bảo hiểm sẽ bồi thường cho Người được bảo hiểm những số tiền mà Người được bảo hiểm có trách nhiệm pháp lý bồi thường đối với những thiệt hại xảy ra do hậu quả của việc gây:
a. Thương tật ốm đau bất ngờ cho bên thứ ba (dù chết hay không);
b. Tổn thất bất ngờ đối với tài sản thuộc bên thứ ba, xảy ra có liên quan trực tiếp đến việc xây dựng hay lắp đặt các hạng mục được bảo hiểm theo Phần I tại khu vực công trường hay phụ cận với công trường trong thời hạn bảo hiểm.
Đối với những khiếu nại đòi bồi thường được giải quyết theo các quy định áp dụng trong Đơn bảo hiểm này, Người bảo hiểm sẽ bồi thường thêm cho Người được bảo hiểm:
a. Tất cả các chi phí kiện tụng mà bên nguyên đơn đòi được từ Người được bảo hiểm, và
b. Tất cả các chi phí đã được thực hiện với sự đồng ý bằng văn bản của Người bảo hiểm, luôn luôn với điều kiện là trách nhiệm của Người bảo hiểm trong phần này sẽ không vượt quá hạn mức bồi thường ghi trong Phụ lục.
NHỮNG LOẠI TRỪ ÁP DỤNG RIÊNG CHO PHẦN II
Người bảo hiểm sẽ không bồi thường cho Người được bảo hiểm:
1. Mức miễn thường quy định trong Phụ lục mà Người được bảo hiểm tự chịu trong mỗi sự cố;
2. Chi phí phát sinh trong việc làm, làm lại, làm hoàn thiện hơn, sửa chữa hay thay thế một hạng mục nào đó được bảo hiểm theo Phần I của Đơn bảo hiểm này;
3. Thiệt hại đối với tài sản hay đất đai hay nhà cửa do chấn động hay do bộ phận chống đỡ bị chuyển dịch hay suy yếu hoặc thương vong hay thiệt hại đối với người hay tài sản do bất kỳ tổn thất nào nêu trên gây ra (trừ khi được thoả thuận khác bằng điều khoản sửa đổi bổ sung);
4. Trách nhiệm là hậu quả của:
a. Các thương tích hay ốm đau gây ra cho người làm thuê hay công nhân của chủ thầu hay chủ công trình hoặc bất kỳ doanh nghiệp nào khác có liên quan đến công trình, được bảo hiểm toàn bộ hay chỉ một phần theo Phần I hay gây ra cho thành viên trong gia đình họ;
b. Tổn thất gây ra đối với tài sản thuộc sở hữu hay dưới sự chăm nom, coi sóc hay kiểm soát của chủ thầu, chủ công trình hay bất kỳ doanh nghiệp nào khác có liên quan đến công trình, được bảo hiểm toàn bộ hay chỉ một theo Phần I hay của người làm thuê hoặc công nhân của một trong những người nói trên;
c. Tai nạn gây ra bởi xe cơ giới được phép lưu hành trên đường công cộng hay bởi tàu thuyền, sà lan hay máy bay;
d. Bất kỳ thoả thuận nào của Người được bảo hiểm về trả bất kỳ một khoản nào dưới hình thức đền bù hay hình thức nào khác, trừ khi trách nhiệm đó thuộc trách nhiệm bồi thường của Người bảo hiểm cho dù không có thoả thuận đó.
CÁC KIỆN ÁP DỤNG RIÊNG CHO PHẦN II
1. Người được bảo hiểm hay người thay mặt Người được bảo hiểm không được tự ý đưa ra bất kỳ một sự thừa nhận, một đề xuất, một hứa hẹn thanh toán hay bồi thường nào mà không có sự đồng ý bằng văn bản của Người bảo hiểm, là người nếu họ muốn có quyền tiến hành và chỉ đạo dưới danh nghĩa Người được bảo hiểm việc bảo vệ hay giải quyết một khiếu nại nào đó hay có quyền đứng tên Người được bảo hiểm vì quyền lợi riêng của họ tiến hành khởi tố hay bằng cách khác đòi bồi thường thiệt hại và có toàn quyền trong việc tiến hành kiện tụng hay giải quyết khiếu nại và Người được bảo hiểm phải cung cấp mọi thông tin có liên quan và hỗ trợ khi Người bảo hiểm yêu cầu.
2. Trong trường hợp xảy ra sự cố, Người bảo hiểm có thể trả cho Người được bảo hiểm toàn bộ hạn mức bồi thường với mỗi sự cố (nhưng khấu trừ đi bất kỳ khoản nào đã được coi là khoản tiền đền bù cho sự cố đó) hoặc trả một khoản tiền ít hơn đúng với số tiền mà khiếu nại hay các khiếu nại phát sinh từ sự cố trên có thể được giải quyết và sau đó Người bảo hiểm sẽ không chịu trách nhiệm về sự cố đó theo quy định của Phần II này.
- 1Quyết định 179-CP năm 1964 về việc lập Công ty Bảo hiểm Việt nam do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 2Nghị định 155-HĐBT năm 1988 quy định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 3Quyết định 927 TC/QĐ/TCNH năm 1995 sửa đổi phạm vi áp dụng các quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 4Công văn 6180/BTC-QLBH năm 2015 hướng dẫn về ngân sách nhà nước hỗ trợ đối với chủ tàu tham gia điều khoản bảo hiểm rủi ro đặc biệt do Bộ Tài chính ban hành
Quyết định 142-TCQĐ năm 1991 ban hành Quy tắc và biểu phí bảo hiểm hoả hoạn và các rủi ro đặc biệt do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- Số hiệu: 142-TCQĐ
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 02/05/1991
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính
- Người ký: Phạm Văn Trọng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 02/05/1991
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra