Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 142/QĐ-BYT

Hà Nội, ngày 12 tháng 01 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP GIỮA CHƯƠNG TRÌNH PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS VÀ DỰ ÁN PHÒNG, CHỐNG BỆNH LAO

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20/6/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế phối hợp giữa Chương trình Phòng, chống HIV/AIDS và Dự án Phòng, chống bệnh Lao”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, ban hành và thay thế cho Quyết định số 2496/QĐ-BYT ngày 18/7/2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Quy trình phối hợp giữa chương trình phòng, chống HIV/AIDS và dự án phòng, chống bệnh lao thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia y tế.

Điều 3. Các ông, bà: Chánh Văn phòng Bộ; Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS; Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh; Trưởng ban Điều hành Dự án Phòng, chống bệnh Lao quốc gia; Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng y tế các ngành và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các Thủ trưởng (để phối hợp chỉ đạo);
- Cổng Thông tin điện tử Bộ Y tế;
- Trang thông tin điện tử Cục PC HIV/AIDS;
- Lưu: VT, AIDS, KCB.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đỗ Xuân Tuyên

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP GIỮA CHƯƠNG TRÌNH PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS VÀ DỰ ÁN PHÒNG, CHỐNG BỆNH LAO
(Ban hành kèm theo Quyết định số 142/QĐ-BYT ngày 12 tháng 01 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quy chế này quy định về nội dung phối hợp giữa Chương trình Phòng, chống HIV/AIDS và Dự án Phòng, chống bệnh lao trong hoạt động quản lý; hoạt động dự phòng, chăm sóc và điều trị người nhiễm HIV mắc lao và người bệnh lao nhiễm HIV (dưới đây gọi tắt là người bệnh HIV/lao).

2. Quy chế này áp dụng đối với Chương trình Phòng, chống HIV/AIDS và Dự án Phòng, chống bệnh lao tại các tuyến và các cơ sở y tế của Nhà nước, tư nhân có chức năng dự phòng, chăm sóc, chẩn đoán, điều trị bệnh lao và HIV/AIDS.

Điều 2. Nguyên tắc phối hợp

1. Lồng ghép các hoạt động phòng, chống bệnh lao với phòng, chống HIV/AIDS từ dự phòng, khám phát hiện, chẩn đoán, điều trị đến quản lý người bệnh ở tất cả các tuyến từ trung ương đến địa phương.

2. Người mắc bệnh lao phải được tư vấn để tự nguyện xét nghiệm phát hiện HIV; người nhiễm HIV phải được sàng lọc, khám phát hiện, chẩn đoán bệnh lao; người có hành vi nguy cơ cao phải được tư vấn xét nghiệm HIV, khám phát hiện và quản lý bệnh lao, điều trị lao tiềm ẩn.

Điều 3. Kinh phí hoạt động

1. Nguồn kinh phí thực hiện các hoạt động phối hợp phòng chống HIV/lao gồm:

a) Ngân sách nhà nước cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS;

b) Ngân sách nhà nước cho hoạt động phòng, chống bệnh lao;

c) Nguồn kinh phí viện trợ;

d) Quỹ bảo hiểm y tế;

e) Phí sử dụng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh;

g) Các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

2. Việc quản lý và sử dụng các nguồn kinh phí quy định tại khoản 1 Điều này phải tuân thủ các quy định của pháp luật.

Chương II

CÁC HOẠT ĐỘNG PHỐI HỢP

Điều 4. Phối hợp trong việc lập kế hoạch hoạt động

1. Xây dựng kế hoạch các hoạt động phối hợp HIV/lao bao gồm các hoạt động quản lý, điều hành và cung cấp dịch vụ chẩn đoán, điều trị, dự phòng và chăm sóc người bệnh HIV/lao và nguồn lực thực hiện.

2. Căn cứ trên kế hoạch quy định tại khoản 1 Điều này, Trung tâm kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là cơ quan đầu mối phòng, chống HIV/AIDS tỉnh) và các Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi cấp tỉnh phải thực hiện việc lồng ghép các hoạt động phòng, chống lao và phòng, chống HIV/AIDS vào kế hoạch hoạt động hàng năm. Việc xây dựng, lập kế hoạch hoạt động hằng năm phải bảo đảm có sự tham gia của cả cơ quan phòng, chống HIV/AIDS và cơ quan phòng, chống bệnh lao của từng tuyến.

Điều 5. Phối hợp trong hoạt động giám sát dịch tễ học và theo dõi, đánh giá

1. Phối hợp trong hoạt động giám sát dịch tễ học:

a) Dự án Phòng, chống bệnh lao tổ chức điều tra giám sát tình hình nhiễm HIV ở bệnh nhân lao

b) Chương trình Phòng, chống HIV/AIDS tổ chức điều tra giám sát tình hình mắc bệnh lao ở người nhiễm HIV.

c) Giám sát dịch tễ học: Việc lựa chọn phương pháp đánh giá phụ thuộc vào tình hình dịch HIV, tình hình mắc lao, nguồn lực và kinh nghiệm của cán bộ địa phương.

2. Phối hợp trong theo dõi và đánh giá:

a) Xây dựng bộ chỉ số và bộ công cụ thu thập số liệu chung của các hoạt động phối hợp cung cấp dịch vụ. Tổ chức thu thập số liệu để theo dõi và đánh giá hoạt động phối hợp chẩn đoán, điều trị và quản lý người bệnh HIV/lao.

b) Tổ chức giám sát, theo dõi, đánh giá các hoạt động phối hợp phòng chống HIV/lao do hai chương trình thực hiện. Củng cố hệ thống kết nối giữa các cơ sở cung cấp dịch vụ chẩn đoán, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS và lao.

c) Chia sẻ thông tin, số liệu và kinh nghiệm về chuyên môn kỹ thuật giữa hai chương trình, bảo đảm cải thiện kỹ năng thực hành thường xuyên, liên tục đối với các hoạt động phối hợp phòng chống HIV/lao.

Điều 6. Phối hợp trong hoạt động dự phòng

1. Phối hợp các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống bệnh lao theo nguyên tắc các nội dung về phòng, chong HIV/AIDS phải được lồng ghép trong nội dung thông tin, giáo dục, truyền thống về phòng, chống bệnh lao và ngược lại.

2. Phối hợp trong việc tư vấn và khuyến khích sử dụng các biện pháp phòng, chống bệnh lao và phòng, chống HIV/AIDS đối với các đối tượng có hành vi nguy cơ cao đề dự phòng bệnh lao và lây nhiễm HIV.

Điều 7. Phối hợp trong chẩn đoán và điều trị HIV/AIDS đối với người bệnh lao

1. Khai thác, đánh giá nguy cơ nhiễm HIV trong quá trình khám và điều trị cho người đến khám lao, kể cả người đã mắc bệnh lao đến khám lại.

2. Thực hiện tư vấn và xét nghiệm HIV cho người mắc bệnh lao theo hướng dẫn quốc gia xét nghiệm HIV ban hành kèm theo Quyết định số 2674/QĐ-BYT ngày 27/4/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

3. Trường hợp người mắc bệnh lao đã có kết quả xét nghiệm khẳng định là nhiễm HIV thì tiến hành việc điều trị, chăm sóc HIV/AIDS theo Hướng dẫn điều trị và chăm sóc HIV/AIDS ban hành kèm theo Quyết định số 5456/QĐ-BYT ngày 20/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Trường hợp cơ sở không đủ điều kiện thực hiện điều trị HIV/AIDS phải giới thiệu người bệnh đó đến Cơ sở điều trị HIV/AIDS để được điều trị thuốc kháng vi rút (ARV) lâu dài.

Điều 8. Phối hợp trong chẩn đoán và điều trị bệnh lao đối với người nhiễm HIV

1. Khai thác tiền sử, bệnh sử có liên quan đến bệnh lao trong quá trình khám và điều trị HIV/AIDS cho người nhiễm HIV.

2. Nếu người nhiễm HIV có các triệu chứng hoặc các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh lao thì tiến hành xét nghiệm phát hiện bệnh lao theo “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao” ban hành kèm theo Quyết định số 1314/QĐ-BYT ngày 24/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Trường hợp cơ sở không đủ điều kiện thực hiện xét nghiệm hoặc điều trị phải giới thiệu người đó đến cơ sở điều trị bệnh lao để xét nghiệm hoặc điều trị lao.

Điều 9. Phối hợp trong việc quản lý người mắc bệnh lao và người nhiễm HIV

1. Quản lý người mắc bệnh lao nhiễm HIV tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh lao:

a) Đối với bệnh nhân lao được phát hiện nhiễm HIV tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh lao: Điều trị, quản lý, chăm sóc bệnh nhân tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh lao trong thời gian điều trị lao. Sau khi người bệnh điều trị lao dung nạp thuốc thực hiện điều trị thuốc kháng vi rút (ARV) kịp thời hoặc phối hợp, giới thiệu chuyển tuyến bệnh nhân tới cơ sở điều trị HIV/AIDS để bệnh nhân lao nhiễm HIV được điều trị ARV kịp thời theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị HIV/AIDS của Bộ Y tế. Đồng thời bệnh nhân vẫn tiếp tục được điều trị lao theo Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và dự phòng lao. Hồ sơ quản lý bệnh nhân điều trị lao được quản lý tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh lao. Hồ sơ quản lý bệnh nhân điều trị ARV được quản lý tại cơ sở điều trị HIV/AIDS. Đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh lao và cơ sở điều trị HIV/AIDS đã được lồng ghép thành một cơ sở điều trị chung thì chỉ cần lập 01 hồ sơ bệnh án để quản lý điều trị đồng thời cả lao và HIV. Sau khi điều trị lao ổn định hoặc điều trị khỏi bệnh lao, người bệnh được quản lý, chăm sóc và điều trị lâu dài tại cơ sở chăm sóc và điều trị HIV/AIDS;

b) Đối với bệnh nhân HIV từ cơ sở điều trị HIV/AIDS được phát hiện mắc lao và được giới thiệu, chuyển tuyến đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh lao đê điều trị lao: Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh lao tiếp nhận, quản lý điều trị lao kịp thời theo Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao của Bộ Y tế. Đồng thời bệnh nhân tiếp tục điều trị HIV/AIDS theo Hướng dẫn Điều trị và chăm sóc HIV/AIDS. Hồ sơ quản lý bệnh nhân điều trị lao được quản lý tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh lao. Hồ sơ quản lý bệnh nhân điều trị ARV được quản lý tại cơ sở điều trị HIV/AIDS. Đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh lao và cơ sở điều trị HIV/AIDS đã được lồng ghép thành một cơ sở điều trị chung thì chỉ cần lập 01 hồ sơ bệnh án để quản lý điều trị đồng thời cả lao và HIV. Sau khi điều trị lao ổn định hoặc điều trị khỏi bệnh lao, người bệnh được quản lý, chăm sóc và điều trị lâu dài tại cơ sở chăm sóc và điều trị HIV/AIDS;

c) Tổng hợp, thông báo, đối chiếu số liệu người mắc bệnh lao nhiễm HIV và người đang điều trị HIV/AIDS phát hiện mắc lao được điều trị lao tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh lao để báo cáo cho cơ quan đầu mối phòng, chống HIV/AIDS và cơ quan đầu mối phòng, chống lao của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định.

2. Quản lý người nhiễm HIV mắc bệnh lao tại cơ sở chăm sóc, điều trị HIV/AIDS:

a) Đối với bệnh nhân lao phát hiện nhiễm HIV được giới thiệu, chuyển tuyến đến cơ sở điều trị HIV/AIDS để điều trị ARV: Cơ sở điều trị HIV/AIDS tiếp nhận, quản lý điều trị và chăm sóc HIV/AIDS kịp thời theo Hướng dẫn Điều trị và chăm sóc HIV/AIDS của Bộ Y tế. Đồng thời bệnh nhân tiếp tục điều trị lao theo Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao. Hồ sơ quản lý bệnh nhân điều trị ARV được quản lý tại cơ sở điều trị HIV/AIDS. Hồ sơ quản lý bệnh nhân điều trị lao được quản lý tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh lao. Đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh lao và cơ sở điều trị HIV/AIDS đã được lồng ghép thành một cơ sở điều trị chung thì chỉ cần lập 01 hồ sơ bệnh án để quản lý điều trị đồng thời cả lao và HIV. Sau khi điều trị lao ổn định hoặc điều trị khỏi bệnh lao, người bệnh được quản lý, chăm sóc và điều trị lâu dài tại cơ sở chăm sóc và điều trị HIV/AIDS;

b) Đối với bệnh nhân điều trị HIV/AIDS phát hiện mắc lao được giới thiệu, chuyển tuyến đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh lao để điều trị lao: Bệnh nhân tiếp tục được quản lý, điều trị và chăm sóc HIV/AIDS theo hướng dẫn Điều trị và chăm sóc HIV/AIDS của Bộ Y tế. Đồng thời bệnh nhân được điều trị lao theo Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao. Hồ sơ quản lý bệnh nhân điều trị ARV được quản lý tại cơ sở điều trị HIV/AIDS. Hồ sơ quản lý bệnh nhân điều trị lao được quản lý tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh lao. Đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh lao và cơ sở điều trị HIV/AIDS đã được lồng ghép thành một cơ sở điều trị chung thì chỉ cần lập 01 hồ sơ bệnh án để quản lý điều trị đồng thời cả lao và HIV. Sau khi điều trị lao ổn định hoặc điều trị khỏi bệnh lao, người bệnh được quản lý, chăm sóc và điều trị lâu dài tại cơ sở chăm sóc và điều trị HIV/AIDS;

b) Tổng hợp, thông báo, đối chiếu số liệu người nhiễm HIV mắc bệnh lao và người mắc bệnh lao nhiễm HIV được điều trị ARV tại cơ sở điều trị HIV/AIDS để báo cáo cho cơ quan đầu mối phòng, chống lao và cơ quan đầu mối phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo quy định,

3. Thiết lập quy trình phản hồi giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh lao và điều trị HIV/AIDS khi có người bệnh đồng nhiễm lao/HIV.

- Cơ sở điều trị HIV/AIDS ghi nhận, theo dõi và báo cáo được các trường hợp người bệnh HIV được giới thiệu, chuyển tuyến đến khám phát hiện, điều trị lao tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh lao. Cơ sở điều trị HIV/AIDS phản hồi cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh lao các trường hợp người bệnh được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh lao chuyển đến. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh lao ghi nhận, theo dõi và báo cáo được các trường hợp người bệnh lao được giới thiệu, chuyển tuyến đến khám phát hiện, điều trị HIV/AIDS tại cơ sở chẩn đoán nhiễm HIV, cơ sở điều trị HIV/AIDS. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh lao phản hồi cho cơ sở điều trị HIV/AIDS các trường hợp người bệnh được cơ sở điều trị HIV/AIDS chuyển đến. Định kỳ hằng quý, hằng năm cơ sở điều trị HIV/AIDS và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh lao rà soát đối chiếu các trường hợp chuyển gửi giữa hai chương trình, nắm bắt được các trường hợp chuyển gửi thành công và những trường hợp mất dấu trong quá trình chuyển gửi, số người bệnh đồng nhiễm lao/HIV được điều trị đồng thời cả lao và HIV.

Chương III

BAN ĐIỀU PHỐI HOẠT ĐỘNG PHỐI HỢP

Điều 10. Ban điều phối HIV/lao quốc gia

1. Tổ chức của Ban điều phối HIV/lao quốc gia:

a) Thành lập Ban điều phối HIV/lao quốc gia để giúp Bộ trưởng Bộ Y tế quản lý, điều hành, thực hiện các hoạt động phối hợp giữa Chương trình Phòng, chống HIV/AIDS và Dự án Phòng, chống Lao trên phạm vi toàn quốc;

b) Thành phần cơ bản của Ban điều phối HIV/lao quốc gia gồm:

- Lãnh đạo Bộ Y tế làm trưởng ban;

- Lãnh đạo Chương trình phòng, chống HIV/AIDS làm Phó Trưởng ban thường trực;

- Trưởng Ban điều hành Dự án Phòng, chống Lao quốc gia làm Phó trưởng ban;

- Các thành viên khác do Trưởng Ban quyết định trên cơ sở đề xuất của Cục Phòng, chống HIV/AIDS.

c) Thường trực của Ban điều phối HIV/lao quốc gia đặt tại Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế.

2. Nhiệm vụ:

a) Xây dựng chiến lược, kế hoạch và điều phối các hoạt động phối hợp trong phòng chống HIV/lao;

b) Huy động và điều phối các nguồn lực dành cho hoạt động phối hợp phòng chống HIV/lao;

c) Xây dựng kế hoạch phối hợp trong nâng cao năng lực hệ thống y tế bao gồm cả đào tạo cho các tuyến về phối hợp phòng chống HIV/lao;

d) Kiểm tra, giám sát hỗ trợ các hoạt động phối hợp phòng chống HIV/lao;

đ) Theo dõi và đánh giá chung để đảm bảo gắn kết và chia sẻ thông tin về phòng chống HIV/lao;

e) Điều phối vấn đề cung ứng và phân phối thuốc, sinh phẩm;

g) Nghiên cứu khoa học và phát triển hoạt động phối hợp;

h) Tổ chức giao ban định kỳ mỗi 6 tháng. Sơ kết, tổng kết định kỳ hàng năm.

Điều 11. Ban điều phối HIV/lao tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

1. Tổ chức:

a) Thành lập Ban điều phối HIV/lao tỉnh, thành, phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là tỉnh) để giúp Giám đốc Sở Y tế quản lý, điều hành, thực hiện các hoạt động phối hợp giữa Chương trình Phòng, chống HIV/AIDS và Dự án Phòng, chống Lao trên phạm vi địa bàn tỉnh;

b) Thành phần cơ bản của Ban điều phối HIV/lao tỉnh gồm:

- Lãnh đạo Sở Y tế làm Trưởng ban;

- Lãnh đạo cơ quan đầu mối phòng, chống HIV/AIDS tỉnh làm Phó trưởng ban thường trực;

- Lãnh đạo Dự án Phòng, chống lao tuyến tỉnh là Phó trưởng ban;

- Các thành viên khác do Trưởng Ban quyết định do cơ quan đầu mối phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đề nghị.

c) Thường trực của Ban điều phối HIV/lao tỉnh đặt tại cơ quan đầu mối phòng, chống HIV/AIDS tỉnh.

2. Nhiệm vụ:

a) Chỉ đạo xây dựng kế hoạch phối hợp, tổ chức thực hiện, giám sát, đánh giá các hoạt động phối hợp giữa hai chương trình trên địa bàn;

b) Chỉ đạo các đơn vị y tế có liên quan thực hiện Quy chế;

c) Tổ chức giao ban định kỳ hàng quý. Sơ kết, tổng kết định kỳ hằng năm.

Điều 12. Ban điều phối HIV/lao huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố.

1. Tổ chức:

a) Thành lập Ban điều phối HIV/lao huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là huyện) để giúp Trung tâm y tế huyện quản lý, điều hành, thực hiện các hoạt động phối hợp giữa Chương trình Phòng, chống HIV/AIDS và Dự án Phòng, chống Lao trên phạm vi địa bàn huyện;

b) Thành phần cơ bản của Ban điều phối HIV/lao huyện gồm:

- Giám đốc Trung tâm Y tế là Trưởng ban;

- Giám đốc bệnh viện huyện là Phó Trưởng ban (đối với các quận, huyện, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc thành phố có cả Trung tâm Y tế và bệnh viện);

- Các thành viên khác do Trưởng Ban quyết định trên cơ sở đề xuất của Đội y tế dự phòng tuyến huyện.

c) Thường trực của Ban điều phối HIV/lao huyện đặt tại Trung tâm y tế huyện.

2. Nhiệm vụ:

a) Điều hành thực hiện quy trình phối hợp trong chẩn đoán, điều trị và quản lý người bệnh HIV/lao trên địa bàn;

b) Xây dựng kế hoạch phòng chống HIV/lao và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt trên địa bàn;

c) Định kỳ theo quý tổ chức giao ban nhằm chia sẻ thông tin (kết quả thực hiện trong quý) giữa hai chương trình và thống nhất kế hoạch triển khai trong quý tới. Sơ kết, tổng kết định kỳ hằng năm;

d) Tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện phối hợp HIV/lao từ phòng khám lao và cơ sở điều trị HIV/AIDS. Gửi báo cáo về Ban điều phối HIV/lao theo quy định hiện hành;

e) Theo dõi, đánh giá và giám sát việc thực hiện Quy chế này.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13. Bộ Y tế có trách nhiệm

1. Cục Phòng, chống HIV/AIDS có trách nhiệm:

a) Chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý khám, chữa bệnh trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện Quy chế này;

b) Chỉ đạo các cơ sở phòng, chống HIV/AIDS phối hợp với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc thực hiện các nội dung phối hợp theo quy định cửa Quy chế này.

2. Cục Quản lý khám, chữa bệnh có trách nhiệm:

a) Phối hợp với Cục Phòng, chống HIV/AIDS trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện Quy chế này;

b) Chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phối hợp với các cơ sở phòng, chống HIV/AIDS trên toàn quốc thực hiện các nội dung phối hợp theo quy định của Quy chế này.

Điều 14. Sở Y tế tỉnh có trách nhiệm

1. Chỉ đạo việc tổ chức thực hiện việc phối hợp theo các nội dung quy định tại Quy chế này trên địa bàn.

2. Kiểm tra, đánh giá, tổng kết, sơ kết việc thực hiện Quy chế này và báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Y tế.

Điều 15. Cơ quan đầu mối phòng, chống HIV/AIDS tỉnh có trách nhiệm

1. Tham mưu cho Trưởng Ban điều phối trong lập kế hoạch cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Đầu mối tổ chức triển khai kế hoạch phối hợp và tổng hợp báo cáo kết quả hoạt động phối hợp theo Quy chế này.

3. Chủ trì, phối hợp với đơn vị phòng, chống lao tuyến tỉnh hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho tuyến dưới về việc phối hợp giữa hai chương trình.

4. Chủ trì, phối hợp với đơn vị phòng, chống lao tuyến tỉnh tổ chức theo dõi, đánh giá và giám sát việc thực hiện Quy chế này.

Điều 16. Dự án Phòng, chống bệnh lao tuyến tỉnh có trách nhiệm

1. Phối hợp với cơ sở chăm sóc và điều trị HIV/AIDS trong việc chẩn đoán, điều trị lao ở người nhiễm HIV và điều trị sớm ARV ở người bệnh lao nhiễm HIV.

2. Thực hiện tư vấn, xét nghiệm và dự phòng HIV ở người bệnh lao.

3. Hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho tuyến dưới về việc phối hợp giữa Chương trình Phòng, chống HIV/AIDS và Dự án Phòng, chống Lao tại tuyến quận/huyện và tương đương.

4. Phối hợp với Cơ quan đầu mối phòng, chống HIV/AIDS tỉnh trong triển khai theo dõi, đánh giá và giám sát việc thực hiện Quy chế này.

Điều 17. Điều khoản tham chiếu

Trường hợp các văn bản, hướng dẫn trong Quy chế này được thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung thì áp dụng theo các văn bản, hướng dẫn thay thế, sửa đổi, bổ sung.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 142/QĐ-BYT năm 2021 về Quy chế phối hợp giữa chương trình phòng, chống HIV/AIDS và Dự án phòng, chống bệnh lao do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu: 142/QĐ-BYT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 12/01/2021
  • Nơi ban hành: Bộ Y tế
  • Người ký: Đỗ Xuân Tuyên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 12/01/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản