Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 142/2005/QĐ-UBND

Đà Nẵng, ngày 03 tháng 10 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM CHO NGƯỜI TRONG ĐỘ TUỔI LAO ĐỘNG CỦA THÀNH PHỐ

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết số 25/2005/NQ-HĐND ngày 26 tháng 7 năm 2005 của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng khóa VII, kỳ họp thứ 5 về thực hiện Chương trình xây dựng “Thành phố 3 có”: Có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hóa - văn minh đô thị;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động -Thương binh và Xã hội,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án Giải quyết việc làm cho người trong độ tuổi lao động của thành phố.

Điều 2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực của Đề án, chịu trách nhiệm tổ chức triển khai, hướng dẫn và kiểm tra thực hiện Đề án này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố; Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Bộ LĐTB&XH, Bộ Tư pháp (b/c);
- TVTU. TT HĐND TP (b/c);
- Đoàn ĐBQH TP;
- UBMTTQVN TP;
- CT, các PCT UBND TP;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể;
- Báo ĐN, TT THVN tại ĐN, Đài PTTHĐN;
- Lưu: VT, VX, NC-PC,TH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Hoàng Tuấn Anh

 

ĐỀ ÁN

GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM CHO NGƯỜI TRONG ĐỘ TUỔI LAO ĐỘNG CỦA THÀNH PHỐ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 142/2005/QĐ-UBND ngày 03 tháng 10 năm 2005 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng)

Mở đầu

Việc làm được coi là một trong những vấn đề sống còn của toàn xã hội. Mọi hoạt động lao động tạo ra nguồn thu nhập, không bị pháp luật cấm đều được thừa nhận là việc làm. Những hoạt động lao động được thể hiện dưới các hình thức:

- Làm các công việc được trả công dưới dạng bằng tiền hoặc hiện vật hoặc để đổi công.

- Các công việc tự làm để thu lợi cho bản thân.

- Làm các công việc nhằm tạo thu nhập (bằng tiền hoặc hiện vật) cho gia đình mình nhưng không hưởng tiền lương, tiền công.

Giải quyết việc làm, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp vừa là trách nhiệm, vừa là nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài của Đảng bộ, chính quyền thành phố và phải được quán triệt trong cả hệ thống chính trị, trong các doanh nghiệp, tổ chức… nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho mọi người dân của thành phố trong độ tuổi lao động, có khả năng lao động, có nhu cầu làm việc, có cơ hội tìm được việc làm. Bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước, mỗi gia đình, mỗi công dân trong độ tuổi lao động cần nhận thức đầy đủ về vấn đề việc làm, khắc phục tư tưởng tâm lý trông chờ, ỷ lại vào nhà nước, chủ động phấn đấu vươn lên trong học tập, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, để tạo cho mình một việc làm, có thu nhập, ổn định đời sống.

Sự phát triển kinh tế-xã hội và quá trình đô thị hóa của thành phố Đà Nẵng trong những năm qua đã có những tác động tích cực: Thúc đẩy thị trường lao động phát triển, cơ cấu lại lực lượng lao động, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo môi trường và nhiều cơ hội cho người lao động tìm được việc làm, ổn định đời sống. Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực, quá trình đô thị hóa và phát triển của thành phố cũng làm nảy sinh một số khó khăn về việc giải quyết việc làm cho một bộ phận lao động. Trong quá trình cơ cấu, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, một bộ phận lao động không đáp ứng yêu cầu sử dụng, nhưng không thể đào tạo lại, bị mất việc làm; vấn đề chuyển đổi ngành nghề, đào tạo, phục hồi thu nhập, tạo việc làm cho số lao động của các hộ trong diện di dời, chỉnh trang đô thị, còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, số học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường hàng năm, bộ đội xuất ngũ, lao động nhập cư cần tìm việc làm… càng làm cho vấn đề giải quyết việc làm trở nên bức xúc.

Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa lớn của miền Trung, là một đô thị hiện đại, có môi trường văn hóa - xã hội lành mạnh, gắn tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội, tạo công ăn việc làm, ổn định đời sống cho người lao động, từng bước nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống cho nhân dân là một trong những mục tiêu quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Phần 1.

SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. Thực trạng dân số, lao động - việc làm:

1. Khái quát về dân số, lao động:

Theo thống kê của thành phố, đến năm 2004, dân số thành phố là 764.549 người, trong đó, dân số đô thị là 607.458 người, chiếm gần 80%; dân số trong độ tuổi lao động là 467.860 người, chiếm trên 61% tổng dân số; nguồn lao động của thành phố là 451.663 người, chiếm 59,07% dân số; lực lượng lao động là 370.978 người, chiếm 48,52% dân số. Trong đó, khu vực thành thị chiếm gần 81% dân số trong độ tuổi và 77,70% lực lượng lao động. Lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế là 351.836 người, chiếm 94,84% lực lượng lao động (Xem phụ lục 1).

2. Giải quyết việc làm giai đoạn 2001 - 2005 (Ước thực hiện 2005):

2.1. Kết quả giải quyết việc làm (Phụ lục 2, 3):

Tăng trưởng kinh tế đã góp phần giải quyết việc làm và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong 5 năm, từ 2001 - 2005, đã có trên 104.000 lao động được giải quyết việc làm, ước bình quân hàng năm giải quyết việc làm cho gần 23.000 lao động. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức 5,0%, tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn ước đạt 83% vào cuối năm 2005.

Cùng với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từ năm 2001-2004, cơ cấu lao động ngành công nghiệp tăng từ 35,02% lên 37,24%, ngành thương mại - dịch vụ từ 40,27% tăng lên 43,06%, ngành thủy sản - nông lâm từ 24,71% giảm xuống còn 19,70%.

2.2. Đánh giá:

- Trong những năm qua, thành phố đã tập trung cho đầu tư phát triển, ban hành nhiều chính sách, tạo cơ chế thuận lợi, nhằm thu hút mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế đầu tư vào phát triển sản xuất. Nguồn vốn đầu tư toàn xã hội ngày một tăng, tạo ra nhiều việc làm mới, đời sống của người dân nói chung và người lao động được cải thiện đáng kể, tạo điều kiện thuận lợi để giải quyết cơ bản vấn đề việc làm của địa phương. Hoạt động đào tạo nghề cũng đạt được những kết quả khả quan, lao động qua đào tạo có những chuyển biến tích cực về chất lượng và số lượng, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

- Tuy nhiên, tình trạng việc làm chưa bền vững, nhu cầu việc làm và học nghề vẫn là vấn đề bức xúc. Bên cạnh một bộ phận lao động bị mất việc làm do di dời, giải tỏa, chỉnh trang đô thị, do cơ cấu, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, số thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, học sinh, sinh viên ra trường cần tìm việc làm, lực lượng lao động tăng hàng năm…, còn một bộ phận lớn lao động từ các địa phương khác đến thành phố tìm việc, càng làm gia tăng áp lực về vấn đề giải quyết việc làm của thành phố. Lao động qua đào tạo, tuy đã có những chuyển biến tích cực về chất lượng, nhưng cơ cấu chưa hợp lý, nên vẫn tồn tại tình trạng thừa lao động có bằng cấp, thiếu lao động có kỹ thuật, lao động qua đào tạo vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động về chất lượng, số lượng.

3. Tình trạng lao động chưa có việc làm:

Theo kết quả điều tra lao động hàng năm trên địa bàn, tỷ lệ thất nghiệp của Đà Nẵng được đánh giá là ổn định và hợp lý với một đô thị đang phát triển và có tốc độ đô thị hóa cao.

TỶ LỆ THẤT NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2001 - 2004

ĐVT: %

Chỉ tiêu

2001

2002

2003

2004

- Tỷ lệ thất nghiệp

5,64%

5,26%

5,17%

5,16%

- Tỷ lệ sử dụng thời gian LĐ nông thôn

79,61%

81,13%

81,24%

82%

Qua phân tích tình trạng của lao động chưa có việc làm ở thành phố (năm 2004) theo một số đặc trưng cơ bản, như: Độ tuổi (Phụ lục 4), Trình độ học vấn (Phụ lục 5), Trình độ chuyên môn kỹ thuật (Phụ lục 6) cho thấy:

Nguyên nhân chưa có việc làm:

Trong tổng số: 19.142 lao động chưa có việc làm:

+ Có 712 lao động, chiếm 3,72%, do doanh nghiệp phá sản, giải thể, đổi mới công nghệ.

+ Có 3.503 lao động, chiếm 18,3%, do bản thân chưa sẵn sàng làm việc do lựa chọn nơi làm việc; chờ di chuyển nơi làm việc; còn tâm lý thích làm việc trong khu vực nhà nước, doanh nghiệp có quy mô lớn, không thích làm việc ở các khu vực kinh tế khác.

+ Có 2.778 lao động, chiếm 14,51%, do ngành nghề đào tạo chưa phù hợp, chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

+ Có 12.149 lao động, chiếm 63,47%, do chưa qua đào tạo nghề nên không thể tìm được việc làm. Trong đó, có khoảng 3.000 lao động (chiếm 25%) không thích học nghề, ngại làm lao động trực tiếp, chỉ thích làm công việc nhẹ nhàng, có mức thu nhập cao.

II. Sự cần thiết xây dựng đề án:

1. Dự báo giải quyết việc làm:

Theo quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội thành phố đến 2010: Thời kỳ 2001 - 2005, tăng trưởng GDP bình quân là 13%, thời kỳ 2006 - 2010 là 14%. Dân số vào năm 2005 ước khoảng 778.861 người và năm 2010 là 859.052 người, dân số trong độ tuổi lao động tương ứng là 478.000 và 536.000 người. Vào năm 2010, người lao động trên 503.000 người, lực lượng lao động khoảng 443.000 người.

Giai đoạn 2006-2010, dự báo các ngành kinh tế sẽ tạo việc làm cho 130.000 - 135.000 lao động; các hoạt động hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm, chương trình giảm nghèo tạo việc làm cho 25.000 - 30.000 lao động. Như vậy, giai đoạn 2006 - 2010, toàn thành phố sẽ tạo việc làm cho 155.000 - 160.000 lao động, bình quân mỗi năm 31.000 - 32.000 người.

Dự kiến cơ cấu lao động từ năm 2004-2010: ngành công nghiệp-xây dựng: tăng từ 37,24% lên 40%; ngành thương mại-dịch vụ: tăng từ 43,06% lên 46%; ngành thủy sản-nông lâm: giảm từ 19,70% xuống còn 14%. (phụ lục 8)

2. Sự cần thiết xây dựng đề án:

Trên cơ sở dự báo giải quyết việc làm thành phố đến năm 2010, để giải quyết vấn đề việc làm cho người lao động, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp, việc xây dựng Đề án “giải quyết việc làm cho người trong độ tuổi lao động của thành phố” là cần thiết trong giai đoạn hiện nay, nhằm cụ thể hóa chủ trương của Thành ủy, của HĐND thành phố về thực hiện Chương trình 3 có: “Có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hóa - văn minh đô thị”, từng bước giải quyết hợp lý và ngày càng tốt hơn mối quan hệ cung - cầu lao động trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của thành phố hiện tại cũng như cho những năm đến, hướng đến mục tiêu mọi người dân của thành phố, trong độ tuổi lao động đều được hỗ trợ, tạo điều kiện, cơ hội để có việc làm, ổn định đời sống góp phần xây dựng thành phố Đà Nẵng văn minh-hiện đại.

Phần 2.

NỘI DUNG ĐỀ ÁN

I. Phương hướng:

1. Đẩy mạnh việc triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo ra nhiều việc làm.

2. Thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động chưa qua đào tạo để họ có nhiều cơ hội tham gia thị trường lao động, nâng cao chất lượng đào tạo, gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động.

3. Đẩy mạnh hoạt động cho vay vốn giải quyết việc làm, vay vốn giảm nghèo để hỗ trợ cho lao động có hoàn cảnh khó khăn, lao động vùng di dời giải tỏa tự tạo việc làm thông qua các hoạt động sản xuất nhỏ, hoạt động dịch vụ ở khu vực phi kết cấu. Hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm cho lao động nghèo, ưu tiên lao động vùng giải tỏa.

4. Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động thông tin thị trường lao động tại các trung tâm giới thiệu việc làm nhằm giải quyết tốt hơn mối quan hệ về cung - cầu lao động; đồng thời, thường xuyên thông tin tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người lao động về vấn đề lao động-việc làm.

II. Mục tiêu:

1. Mục tiêu: Chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với cơ cấu kinh tế, đảm bảo việc làm ổn định cho người lao động, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người lao động; hướng đến mọi cư dân của thành phố trong độ tuổi lao động, có khả năng lao động, sẵn sàng làm việc, đều có cơ hội tìm được việc làm ổn định, phù hợp.

2. Các chỉ tiêu cụ thể: (phụ lục 8)

Giai đoạn 2006 - 2010, tạo việc làm cho 155.000-160.000 lao động, bình quân mỗi năm 31.000-32.000 lao động. Phấn đấu đến cuối năm 2010, tỷ lệ thất nghiệp ở thành phố còn 3,6% - 4%, tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn đạt 87% - 88%.

III. Đối tượng và phạm vi áp dụng:

Mọi công dân của thành phố, trong độ tuổi lao động đều thuộc đối tượng áp dụng của đề án.

IV. Các giải pháp thực hiện:

1. Phát triển kinh tế để tạo việc làm:

Thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách của nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, sủa đổi, bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Tập trung phát triển những ngành có lợi thế, giải quyết nhiều việc làm như: dệt, may mặc, da-giày, thêu, đồ chơi, chế biến hàng thủy sản xuất khẩu… đẩy mạnh phát triển công nghiệp cơ khí, điện, điện tử, công nghệ phần mềm, sản xuất vật liệu xây dựng… triển khai xây dựng và hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp, các dự án trọng điểm trong chương trình đầu tư phát triển công nghiệp để đưa vào khai thác. Chú trọng giải quyết việc làm tại các doanh nghiệp đang hoạt động trong khu công nghiệp, các doanh nghiệp, dự án đang triển khai thu hút nhiều lao động. Xây dựng các cụm công nghiệp, hỗ trợ đầu tư cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để phát triển sản xuất, tạo việc làm.

Tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng dịch vụ; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại; khuyến khích đầu tư phát triển các dịch vụ: Tài chính, tín dụng, bảo hiểm, kiểm toán… để thu hút đầu tư vào ngành thương mại-dịch vụ; xúc tiến triển khai các dự án phát triển du lịch - dịch vụ trong chương trình tập trung phát triển du lịch và các dịch vụ mà thành phố có thế mạnh, tạo ra nhiều việc làm.

Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nghề cá, đẩy mạnh chế biến thủy sản xuất khẩu, phát triển khai thác hải sản xa bờ; đầu tư các dịch vụ hỗ trợ nghề cá, phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghiệp, xây dựng và hình thành các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá, xây dựng trung tâm thương mại thủy sản, trung tâm đào tạo lao động nghề cá… nhằm hỗ trợ phát triển thủy sản. Phát triển nông nghiệp sạch, hình thành vùng trồng rau quả sạch, cây cảnh, phát triển chăn nuôi công nghiệp, khu giết mổ tập trung, hình thành trung tâm mua bán hàng nông sản, đầu tư khoa học công nghệ cho nông nghiệp, phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản; khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống, có chính sách hỗ trợ khuyến khích đầu tư phát triển làng nghề, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm làng nghề thủ công mỹ nghệ…, đẩy mạnh các chương trình khuyến nông, khuyến ngư… giải quyết việc làm cho người lao động, chú trọng việc làm đối với nông dân, ngư dân vùng di dời.

Trong 5 năm (2006-2010): Cơ cấu lao động vào năm 2010 là: công nghiệp - xây dựng: 40%, thương mại - dịch vụ: 46%, thủy sản - nông lâm: 14%.

- Ngành công nghiệp - xây dựng: Tạo việc làm cho 50.000 lao động, bình quân mỗi năm 10.000 lao động.

- Ngành thương mại - dịch vụ: Tạo việc làm cho 56.000 lao động, bình quân mỗi năm 11.000 lao động.

- Ngành thủy sản - nông lâm: Tạo việc làm cho 24.000 lao động, bình quân mỗi năm 4.800 lao động.

2. Đào tạo nghề:

Tập trung phát triển hoạt động đào tạo nghề đáp ứng với yêu cầu của thị trường lao động, gắn với định hướng và nhu cầu phát triển của các ngành kinh tế.

- Sớm hoàn chỉnh và ban hành kế hoạch phát triển mạng lưới đào tạo nghề đến năm 2010, làm cơ sở để phát triển hoạt động đào tạo nghề của thành phố.

- Triển khai thực hiện Đề án xã hội hóa hoạt động dạy nghề đến năm 2010; xây dựng Trường Kỹ thuật-Kinh tế Đà Nẵng thành trường dạy nghề chất lượng cao.

- Tiếp tục thực hiện chính sách đào tạo nghề miễn phí tại các cơ sở dạy nghề tập trung cho đối tượng là con liệt sỹ, con thương binh, gia đình diện chính sách, có công với cách mạng, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, lao động thuộc hộ nghèo, dân tộc ít người, lao động thuộc diện chỉnh trang đô thị, nông dân không còn đất sản xuất.

- Có chính sách hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp tiếp nhận và đào tạo lao động phổ thông thuộc đối tượng là lao động nghèo, lao động thuộc diện chính sách, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, gắn với giải quyết việc làm cho họ sau thời gian học nghề tại doanh nghiệp. Tổ chức việc kết nối giữa các trường và các doanh nghiệp để đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề theo địa chỉ, phù hợp với yêu cầu sử dụng của doanh nghiệp.

Phấn đấu giai đoạn 2006-2010, đào tạo nghề cho khoảng 105.000 lao động, bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho 20.000-21.000 lao động. Đến năm 2010, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 37%. Trong đó: ngành công nghiệp - xây dựng đạt 20%, ngành nông nghiệp đạt 7% và ngành thương mại-dịch vụ đạt 10%.

3. Cho vay vốn từ Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm, xóa đói giảm nghèo

- Tiếp tục triển khai hoạt động cho vay vốn từ Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm để hỗ trợ cho người thất nghiệp, thiếu việc làm tự tạo việc làm, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ phát triển sản xuất nhằm tạo thêm việc làm mới cho người lao động.

- Thực hiện lồng ghép các hoạt động của Đề án này với Đề án giảm nghèo; Đề án hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho đối tượng thuộc diện di dời chỉnh trang đô thị để huy động nhiều nguồn lực vào việc giải quyết việc làm.

Trong 5 năm (2006-2010) hoạt động cho vay vốn giải quyết việc làm, hỗ trợ tín dụng giảm nghèo, cho vay giải quyết việc làm cho đối tượng di dời sẽ hỗ trợ, tạo việc làm cho 25.000-30.000 lao động, bình quân mỗi năm 5.000-6.000 người.

+ Vay vốn giải quyết việc làm: Hỗ trợ tạo việc làm cho 10.000 lao động, bình quân mỗi năm 2.000 người.

+ Cho vay vốn đối tượng di dời giải tỏa: Hỗ trợ, tạo việc làm cho 5.000 lao động, bình quân mỗi năm 1.000 người.

+ Hoạt động hỗ trợ tín dụng cho người nghèo, hướng dẫn cách làm ăn cho hộ nghèo, tạo việc làm cho 15.000 lao động, bình quân mỗi năm 3.000 người.

- Hình thành quỹ hỗ trợ việc làm thành phố:

+ Nguồn hình thành: Từ ngân sách thành phố cấp hàng năm và các nguồn huy động hợp pháp khác.

+ Mục đích sử dụng: Quỹ được sử dụng để hỗ trợ cho các địa phương, ngành và các đoàn thể thực hiện các hoạt động hỗ trợ người thất nghiệp, người thiếu việc làm tìm việc làm.

4. Xuất khẩu lao động:

- Tập trung chỉ đạo các doanh nghiệp tiếp tục duy trì các thị trường truyền thống, hạn chế đưa lao động sang các thị trường có nhiều rủi ro, chú trọng phát triển thị trường ở các nước có nhu cầu về lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật, trước mắt là thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu lao động, chấn chỉnh những sai sót, tăng cường trách nhiệm của các doanh nghiệp đối với người lao động; nâng cao chất lượng đào tạo và giáo dục định hướng để tạo nguồn lao động; tuyên truyền, khuyến khích người lao động tham gia xuất khẩu lao động.

- Triển khai thực hiện thí điểm tuyển chọn học sinh đang học nghề tại các trường dạy nghề trên địa bàn thành phố để đưa sang làm việc tại Hàn Quốc theo thỏa thuận của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Lao động - Hàn Quốc. Chỉ đạo các doanh nghiệp phối hợp với các trường, các địa phương triển khai các hoạt động thông tin, tuyên truyền, khuyến khích người lao động của thành phố đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

5. Hoạt động dịch vụ việc làm:

- Củng cố hoạt động các trung tâm dịch vụ việc làm, chú trọng hoạt động thu thập thông tin thị trường lao động tại các trung tâm. Tổ chức thu thập thông tin về lao động chưa có việc làm, nhu cầu tìm việc làm, chỗ việc làm trống, thông tin về xuất khẩu lao động, nhu cầu học nghề, lao động mất việc do di dời chỉnh trang đô thị… để giải quyết tốt hơn mối quan hệ về cung cầu lao động của thành phố. Giai đoạn 2006-2010, dự kiến thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm cho 92.000 lượt người lao động (18.000 lượt lao động/năm). Trong đó, số có việc làm đạt trên 11.500 lao động.

- Định kỳ tổ chức Hội chợ việc làm để người lao động, người sử dụng lao động, các trung tâm giới thiệu việc làm, các trường và cơ sở đào tạo trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc, giao lưu, nắm bắt thông tin, nhu cầu về lao động việc làm, tuyển dụng, thông qua đó đáp ứng nhu cầu tuyển lao động của các doanh nghiệp, giúp người lao động tìm được việc làm, định hướng học nghề, thúc đẩy sự phát triển của thị trường lao động thành phố. Từ nay đến năm 2010, tổ chức 3 lần Hội chợ việc làm; phấn đấu qua mỗi lần hội chợ, hỗ trợ cho khoảng 3.000 lao động tìm được việc làm, hỗ trợ cho khoảng 2.000 lao động đăng ký học nghề. Bên cạnh nguồn kinh phí Trung ương bố trí, thành phố dành nguồn kinh phí hỗ trợ đủ để tổ chức Hội chợ việc làm.

- Đẩy nhanh việc thực hiện Dự án Trung tâm giới thiệu việc làm Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, theo Quyết định số 55/QĐ-LĐTBXH ngày 14/01/2005 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, góp phần tạo thị trường lao động thông suốt, thống nhất, nối cung-cầu lao động trong thành phố, trong vùng và các vùng trong cả nước, thực hiện Chương trình hành động đẩy mạnh phát triển thị trường lao động của Chính phủ.

6. Điều tra lao động việc làm:

- Hàng năm, thực hiện điều tra để cung cấp thông tin về lao động - việc làm phục vụ cho nhu cầu của địa phương. Bên cạnh nguồn kinh phí do Trung ương cấp, thành phố bố trí kinh phí để mở rộng mẫu điều tra, điều tra bổ sung một số chỉ tiêu, tổ chức xử lý thông tin tại chỗ, tổng hợp.

V. Kinh phí thực hiện Đề án (phụ lục *):

1. Nguồn kinh phí:

- Tổng kinh phí thực hiện đề án: 48.175 triệu

Trong đó:

+ Ngân sách Trung ương: 17.750 triệu

Chia ra:

- Kinh phí cấp chi hoạt động: 750 triệu

- Vốn cho vay có thu hồi: 17.000 triệu

+ Ngân sách địa phương: 30.425 triệu

Chia ra:

- Kinh phí cấp chi hoạt động: 425 triệu

- Vốn cho vay có thu hồi: 30.000 triệu

2. Sử dụng kinh phí:

+ Kinh phí ngân sách Trung ương cấp hằng năm bổ sung cho hoạt động cho vay giải quyết việc làm, tổ chức điều tra lao động việc làm, tổ chức hội chợ việc làm, hỗ trợ đào tạo cán bộ.

+ Kinh phí ngân sách địa phương cấp hằng năm cho hoạt động cho vay giải quyết việc làm, hỗ trợ điều tra lao động - việc làm, hỗ trợ tổ chức hội chợ việc làm (chưa có kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp tiếp nhận lao động vào đào tạo và bố trí việc làm - xem phụ lục *).

Phần 3.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. Phân công trách nhiệm:

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Là cơ quan thường trực, có trách nhiệm:

- Giúp Ban chỉ đạo chương trình việc làm thành phố quản lý, điều hành và tổng hợp báo cáo tình hình triển khai thực hiện Đề án.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp, biện pháp có liên quan đến vấn đề lao động - việc làm.

- Chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương, hội; đoàn thể, doanh nghiệp triển khai thực hiện các nội dung sau:

+ Cho vay giải quyết việc làm

+ Tổ chức điều tra lao động - việc làm hàng năm

+ Tổ chức Hội chợ việc làm (2005, 2007, 2010)

+ Triển khai các hoạt động đào tạo nghề; xây dựng quy hoạch mạng lưới đào tạo nghề đến năm 2020; Đề án xã hội hóa hoạt động dạy nghề đến năm 2010; Đề án xây dựng trường Kỹ thuật-Kinh tế Đà Nẵng thành trường dạy nghề chất lượng cao, trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.

+ Tổ chức triển khai các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của ngành.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, xây dựng phương án thành lập Quỹ hỗ trợ việc làm thành phố, trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Phân bổ chỉ tiêu kế hoạch kinh phí đã được Trung ương bố trí hàng năm cho Đề án.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cân đối ngân sách hàng năm cho các hoạt động của Đề án, trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.

- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các ngành liên quan đề xuất các chính sách, giải pháp, cũng như việc tổ chức lồng ghép các chương trình, dự án, đề án, có liên quan đến lĩnh vực lao động - việc làm.

- Cung cấp thông tin về lao động của các doanh nghiệp được cấp phép hoạt động cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

3. Sở Tài chính:

- Chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội bố trí và đảm bảo ngân sách nhà nước cấp hàng năm cho Đề án; hướng dẫn, giám sát việc sử dụng kinh phí đúng mục đích, có hiệu quả.

- Phối hợp với các ngành, địa phương trong việc tham gia xây dựng đề xuất các chính sách, triển khai thực hiện các nhiệm vụ của ngành.

4. Sở Ngoại vụ:

- Hỗ trợ cho các doanh nghiệp tích cực tìm đối tác, để đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, tại các thị trường có nhu cầu tiếp nhận lao động qua đào tạo ở trình độ trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học để tạo việc làm cho số sinh viên, học sinh tốt nghiệp ra trường.

5. Các sở, ngành liên quan:

- Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và chiến lược phát triển của ngành, xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch hàng năm, kế hoạch 5 năm, gắn với chỉ tiêu tạo việc làm, thu hút lao động, ưu tiên cho lao động địa phương và xem đó như là một trong những chỉ tiêu cơ bản để hoàn thành kế hoạch; tổ chức quản lý, điều hành và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để hoàn thành kế hoạch. Thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và thành phố về lao động-việc làm; chủ động phối hợp với các ngành, địa phương đề xuất các biện pháp để tháo gỡ, khắc phục tình trạng mất việc làm, tạo thêm việc làm mới, duy trì việc làm, hạn chế thất nghiệp và giải quyết những bức xúc về vấn đề việc làm của ngành mình; chỉ đạo các cơ quan, doanh nghiệp thuộc ngành quản lý cung cấp thông tin về lao động - việc làm.

6. Ủy ban nhân dân các quận, huyện:

- Trên cơ sở Đề án, căn cứ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và thực tế của địa phương, xây dựng kế hoạch giải quyết việc làm cho người trong độ tuổi lao động của địa phương và tổ chức thực hiện lồng ghép với Đề án giảm nghèo. Đề án “Hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm và ổn định đời sống đối với các đối tượng trong diện thu hồi đất sản xuất, di dời, giải tỏa”, các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, các dự án khác để giải quyết vấn đề việc làm cho người lao động của địa phương.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất, các Ban quản lý dự án, Ban đền bù giải tỏa và các ngành chức năng, vận động các doanh nghiệp trên địa bàn, các doanh nghiệp được giao đất tại các Khu công nghiệp, các doanh nghiệp được giao đất tại địa bàn giải tỏa tiếp nhận lao động của địa phương vào làm việc tại doanh nghiệp.

- Chỉ đạo UBND các phường (xã), phối hợp với các Ban quản lý dự án, Ban giải tỏa đền bù, khảo sát, thống kê thông tin lao động-việc làm thuộc địa bàn di dời, giải tỏa (về độ tuổi, giới tính, tình trạng việc làm, nhu cầu học nghề, nhu cầu chuyển đổi ngành nghề…) để có biện pháp giải quyết.

Trong quá trình triển khai thực hiện, các quận (huyện) cần chủ động phối hợp với các sở, ngành, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đề xuất các chính sách, giải pháp để khắc phục tình trạng mất việc làm, tạo thêm việc làm mới, giải quyết những bức xúc về vấn đề việc làm của địa phương.

- Củng cố đội ngũ cán bộ làm công tác lao động - việc làm, xóa đói - giảm nghèo từ quận (huyện) đến cơ sở để thực hiện tốt nhiệm vụ.

7. Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội thành phố:

- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các quận (huyện), hội, đoàn thể chỉ đạo các Phòng giao dịch - Ngân hàng chính sách xã hội tiếp tục các hoạt động cho vay vốn từ Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm, xóa đói giảm nghèo, vay vốn để xuất khẩu lao động.

- Phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ có liên quan trong Đề án “hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm, ổn định đời sống đối với đối tượng trong diện thu hồi đất sản xuất, di dời, giải tỏa”.

8. Ban Quản lý các Khu công nghiệp:

Chủ động thông tin về nhu cầu lao động của các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp đến các địa phương; hỗ trợ các địa phương tìm việc làm cho người lao động; vận động các doanh nghiệp tiếp nhận lao động vào làm việc.

9. Các Ban Quản lý dự án, Ban Đền bù giải tỏa:

- Ưu tiên bố trí kịp thời đất tái định cư cho các hộ di dời, giải tỏa, thực hiện đầy đủ các chính sách của thành phố về bồi thường thiệt hại, hỗ trợ tái định cư.

- Phối hợp với các địa phương để cung cấp thông tin, thống kê thông tin lao động - việc làm của các hộ thuộc địa bàn di dời, giải tỏa về: độ tuổi, giới tính, tình trạng việc làm, nhu cầu học nghề, nhu cầu chuyển đổi ngành nghề…

- Phối hợp với các ngành, địa phương vận động các doanh nghiệp được giao đất tại địa bàn giải tỏa tiếp nhận lao động của địa phương vào làm việc tại doanh nghiệp.

10. Các trường Dạy nghề, trường THCN, trường Cao đẳng, Đại học:

Cung cấp thông tin về số học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường; tổ chức đăng ký nhu cầu tìm việc làm, nhu cầu đi xuất khẩu lao động; phối hợp với các ngành, địa phương, doanh nghiệp để xúc tiến các hoạt động đào tạo, tìm việc làm cho sinh viên, học sinh khi tốt nghiệp ra trường.

11. Bộ Chỉ huy quân sự thành phố:

Chỉ đạo các cơ quan quân sự địa phương rà soát, thống kê về tình trạng việc làm, nhu cầu học nghề của số thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về và phối hợp với các ngành, địa phương có biện pháp hỗ trợ để giải quyết nhu cầu học nghề, tìm việc làm.

12. Đài Phát thanh Truyền hình Đà Nẵng - Báo Đà Nẵng:

- Phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức thông tin, tuyên truyền các chính sách của Đảng và Nhà nước về giải quyết việc làm cho người lao động, kịp thời đưa tin những cá nhân điển hình về tự tạo việc làm cho bản thân và tạo việc làm cho người khác, những doanh nghiệp điển hình về làm ăn hiệu quả và giải quyết nhiều chỗ làm việc cho người lao động.

13. Đề nghị các tổ chức chính trị, các hội, đoàn thể:

- Tham gia thực hiện và giám sát việc thực hiện Đề án ở các cấp.

- Tổ chức tuyên truyền cho hội viên của mình về các chính sách và hoạt động của Đề án; hướng dẫn xây dựng dự án vay vốn, thực hiện tín chấp vay vốn để giải quyết việc làm, vận động các thành viên tự tạo việc làm cho mình và tạo việc làm cho người khác.

II. Chế độ báo cáo, kiểm tra:

- Các sở, ban, ngành và các địa phương có kế hoạch triển khai Đề án trong kế hoạch công tác hàng năm, 5 năm. Định kỳ 6 tháng, hàng năm, báo cáo tình hình thực hiện cho UBND thành phố (qua sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp).

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực, có trách nhiệm theo dõi, tổng hợp. Định kỳ 6 tháng, hàng năm, báo cáo cho Ủy ban nhân dân thành phố tình hình thực hiện Đề án và đề xuất giải quyết các vướng mắc, khó khăn.

 

PHỤ LỤC *

KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

ĐVT: Triệu đồng

Nội dung

2005

2006

2007

2008

2009

2010

2005-2010

Tổng số:

2.765

8.600

9.280

9.110

9.110

9.310

48.175

Trong đó:

 

 

 

 

 

 

 

1. Ngân sách Trung ương cấp mới hàng năm

2.670

2.570

3.170

3.080

3.080

3.180

17.750

- Cho vay GQVL

2.500

2.500

3.000

3.000

3.000

3.000

17.000

- Điều tra LĐVL

40

40

40

50

50

50

270

- Tổ chức Hội chợ VL

100

 

100

 

100

 

300

- Hỗ trợ đào tạo cán bộ

30

30

30

30

30

30

180

2. Ngân sách địa phương cấp:

95

6.030

6.110

6.030

6.030

6.130

30.425

- Cho vay GQVL (1)

(đối tượng di dời giải tỏa)

 

6.000

6.000

6.000

6.000

6.000

30.000

- Hỗ trợ điều tra LĐVL(2)

30

30

30

30

30

30

180

- Tổ chức Hội chợ VL(3)

65

 

80

 

100

 

245

- (1): Vốn cấp cho vay giải quyết việc làm cho đối tượng di dời, giải tỏa, đã được phê duyệt theo đề án “Hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm, ổn định đời sống đối với lao động bị thu hồi đất sản xuất; di dời, giải tỏa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”

- (2): Kinh phí hỗ trợ điều tra lao động - việc làm năm 2005: Đã được phê duyệt trong các chương trình thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW

- (3): Kinh phí hỗ trợ tổ chức hội chợ, việc làm năm 2005: đã được phê duyệt trong chương trình thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW

- Kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiếp nhận lao động vào đào tạo tại chỗ và bố trí việc làm được thực hiện theo phê duyệt khi ban hành chính sách.

 

PHỤ LỤC 1

DÂN SỐ TRONG ĐỘ TUỔI (2000 - 2004)

STT

Chỉ tiêu

Giai đoạn 2001 - 2004

2000

2001

2002

2003

2004

1

Dân số

722.826

734.831

747.607

757.270

764.549

2

Nguồn lao động

413.900

423.500

482.600

438.962

451.663

3

Lực lượng lao động

330.827

338.500

348.997

355.820

370.987

4

Dân số trong độ tuổi

438.162

446.398

456.237

461.400

467.860

 

Trong đó: Nữ

217.747

221.468

226.049

230.789

232.575

4.1

Thành thị

354.379

361.066

361.116

373.147

378.746

 

Trong đó: Nữ

176.138

179.142

182.870

187.653

189.281

4.2

Nông thôn

83.783

85.333

87.121

88.253

89.114

 

Trong đó: Nữ

41.609

42.326

43.179

43.136

43.294

 

PHỤ LỤC 2

LAO ĐỘNG ĐƯỢC GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM GIAI ĐOẠN 2001 - 2005

Chỉ tiêu

2001

2002

2003

2004

Ư 2005

- Lao động được giải quyết việc làm

18.500

19.800

22.120

24.136

30.000

- Tỷ lệ thất nghiệp

5,64%

5,26%

5,17%

5,16%

5,00%

- Tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn

79,61%

81,13%

81,24%

82%

83%

 

PHỤ LỤC 3

CƠ CẤU LAO ĐỘNG ĐANG LÀM VIỆC PHÂN THEO NGÀNH KINH TẾ

ĐVT: %

Lao động đang làm việc phân theo ngành

2001

2002

2003

2004

Ư 2005

- Công nghiệp xây dựng

35,02

35,75

36,50

37,24

38,0

- Thủy sản nông lâm

24,71

23,04

21,37

19,70

18,0

- Thương mại dịch vụ

40,27

41,21

42,13

43,06

44,0

 

100%

100%

100%

100%

100%

 

PHỤ LỤC 4

CƠ CẤU LAO ĐỘNG CHƯA CÓ VIỆC LÀM CHIA THEO NHÓM TUỔI

ĐVT: %

Đặc trưng theo nhóm tuổi

Chung thành phố

Thành thị

Nông thôn

Số lượng

%

Số lượng

%

Số lượng

%

Tổng số

19.142

100%

16.358

100%

2.784

100%

- Từ 15  - 24 tuổi

7.774

40,61

6.219

38,02

1.558

55,97

- Từ 25  - 34 tuổi

6.503

33,97

5.696

34,82

810

29,08

- Từ 35 tuổi trở lên

4.860

25,39

4.443

27,16

416

14,95

 

PHỤ LỤC 5

CƠ CẤU LAO ĐỘNG CHƯA CÓ VIỆC LÀM CHIA THEO TRÌNH ĐỘ VĂN HÓA

ĐVT: %

Đặc trưng theo trình độ văn hóa

Chung thành phố

Thành thị

Nông thôn

Số lượng

%

Số lượng

%

Số lượng

%

Tổng số

19.142

100%

16.358

100%

2.784

100%

- Không biết chữ

792

4,14

710

4,34

80

2,86

- Tốt nghiệp tiểu học

3.610

18,86

3.164

19,34

765

27,48

- Tốt nghiệp trung học cơ sở

4.772

24,93

3.602

22,02

1.039

37,32

- Tốt nghiệp trung học phổ thông

9.967

52,07

8.882

54,3

900

32,34

 

PHỤ LỤC 6

CƠ CẤU LAO ĐỘNG CHƯA CÓ VIỆC LÀM CHIA THEO TRÌNH ĐỘ KỸ THUẬT

ĐVT: %

Đặc trưng theo trình độ chuyên môn nghiệp vụ

Chung thành phố

Thành thị

Nông thôn

Số lượng

%

Số lượng

%

Số lượng

%

Tổng số

19.142

100%

16.358

100%

2.784

100%

- Chưa qua đào tạo

12.149

63,47

10.132

61,94

2.019

72,51

- Đã qua đào tạo nghề

1.208

6,31

981

6

227

8,14

Trong đó: CNKT có bằng

356

1,86

357

2,18

-

 

- Trung học chuyên nghiệp trở lên

5.783

30,21

5.243

32,05

539

19,35

 

PHỤ LỤC 8

DỰ BÁO DÂN SỐ, LAO ĐỘNG - VIỆC LÀM 2006 - 2010

STT

Chỉ tiêu

Ước 2005

Kế hoạch 2005 - 2010

2006

2007

2008

2009

2010

1

Dân số

778.861

795.885

811.928

827.388

843.263

859.052

 

- Thành thị

622.582

637.766

652.021

666.530

680.922

695.693

 

- Nông thôn

156.279

158.121

159.908

160.859

162.341

163.359

2

Dân số trong độ tuổi

478.559

489.734

502.302

512.921

526.171

536.838

 

- Thành thị

388.623

396.730

408.006

416.500

427.718

436.758

 

- Nông thôn

89.936

93.004

94.296

96.421

98.453

100.080

3

Nguồn lao động

467.483

474.224

482.833

488.122

496.108

503.690

 

- Thành thị

379.596

385.070

392.061

396.355

402.839

408.996

 

- Nông thôn

87.887

89.154

90.772

91.767

93.296

94.694

4

Lực lượng lao động

382.234

393.831

405.781

418.093

430.778

443.849

5

Lao động đang làm việc trong các ngành KT

363.123

374.928

386.913

399.279

412.470

426.096

6

Cơ cấu lao động đang làm việc theo ngành

 

 

 

 

 

 

 

- TSNL

18,0%

17,2%

16,4%

15,6%

14,8%

14,0%

 

- CNXD

38,0%

38,4%

38,8%

39,2%

39,6%

40,0%

 

- TMDV

44,0%

44,4%

44,8%

45,2%

45,6%

46,0%

7

Tỷ lệ thất nghiệp

5,0%

4,80%

4,65%

4,50%

4,25%

3,6-4%

8

Tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn

83%

83,60%

84,30%

85,10%

86,0%

87-88%