Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14/QĐ-UBND

Vĩnh Long, ngày 05 tháng 01 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC NĂM 2023 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG.

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Phòng, chống tham nhũng ngày 20/11/2018;

Căn cứ Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng; Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị;

Căn cứ Hướng dẫn số 25-HD/BCĐTW ngày 01/8/2022 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực về Hướng dẫn một số nội dung về công tác phòng, chống tiêu cực;

Theo đề nghị của Chánh Thanh tra tỉnh tại Tờ trình số 69/TTr-TT ngày 30 tháng 12 năm 2022,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2023 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long”.

Điều 2. Giao Chánh Thanh tra tỉnh chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Chánh Thanh tra tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thanh tra Chính phủ (Cục IV);
- TT.TU, TT.HĐND tỉnh;
- CT, PCT.UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Ban Nội chính Tỉnh ủy;
- Công an tỉnh, TAND tỉnh, VKSND tỉnh;
- Các cơ quan đoàn thể tỉnh;
- Các đơn vị sự nghiệp công lập;
- Các doanh nghiệp nhà nước;
- Các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước;
- LĐ.VPUBND tỉnh;
- Ban TCDNC;
- Lưu: VT, 2.18.05.

CHỦ TỊCH




Lữ Quang Ngời

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC NĂM 2023 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG
(Kèm theo Quyết định số    /QĐ-UBND ngày    /01/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các quy định của Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, địa phương về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC).

Chủ động thực hiện việc đẩy mạnh nâng cao hiệu quả công tác PCTN, TC; thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa tham nhũng theo quy định Luật PCTN năm 2018 và các văn bản pháp luật có liên quan, các chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác PCTN,TC; phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các cá nhân, tổ chức có vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trong công tác PCTN, TC; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị nhằm thực hiện có hiệu quả công tác PCTN, TC.

2. Yêu cầu

Xác định công tác PCTN, TC là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, liên tục, lâu dài; là trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, trước hết là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực Nhà nước (sau đây gọi là cơ quan, tổ chức, đơn vị) và doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước.

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước căn cứ theo quy định của Luật PCTN năm 2018; các văn bản pháp luật có liên quan và trên cơ sở kế hoạch này xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết phù hợp theo chức năng, nhiệm vụ, đặc thù hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, đạt yêu cầu nhiệm vụ đề ra.

II. NỘI DUNG

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương, chính sách, pháp luật về PCTN, TC đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, thành viên, hội viên và Nhân dân thực hiện quy định của pháp luật về PCTN, TC; nhận thức đầy đủ, sâu sắc tác hại, nguy cơ của tham nhũng với sự nghiệp phát triển của đất nước nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội cùng tham gia tích cực PCTN, TC.

Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN phải gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Thông qua công tác này để nâng cao ý thức rèn luyện đức tính liêm khiết và tuân thủ nghiêm túc quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức công vụ của người cán bộ, công chức, viên chức; Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 03/01/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; Quy định số 65-QĐ/TW ngày 03/02/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chỉ đạo, định hướng cung cấp thông tin tuyên truyền về PCTN và các văn bản khác có liên quan đến công tác PCTN, Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 28/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 50/CT- TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; Hướng dẫn số 25- HD/BCĐTW ngày 01/8/2022 một số nội dung về công tác phòng, chống tiêu cực;

2. Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước trên địa bàn tỉnh tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực theo quy định của Luật PCTN năm 2018; Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ và thực hiện đầy đủ việc công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định Luật PCTN và quy định pháp luật có liên quan, tập trung ở các lĩnh vực sau:

a) Cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực Nhà nước

- Công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị:

Việc thực hiện chính sách, pháp luật có nội dung liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức; người lao động; cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang và công dân;

Việc bố trí, quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công hoặc kinh phí huy động từ các nguồn hợp pháp khác;

Công tác tổ chức cán bộ của cơ quan, tổ chức, đơn vị; quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn;

Công khai việc thực hiện các chính sách, pháp luật khác mà theo quy định phải công khai, minh bạch;

Công khai, minh bạch về thủ tục hành chính trong giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân.

- Xây dựng, ban hành, công khai quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; công khai kết quả thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ; kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm về định mức, tiêu chuẩn, chế độ:

Thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị;

Thực hiện quy định về việc tặng quà và nhận quà tặng;

Thực hiện quy định về kiểm soát xung đột lợi ích;

Thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

- Thực hiện các Quy định về chế độ trách nhiệm, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp khi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp do mình quản lý.

b) Doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước

- Các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, tổ chức xã hội trên cơ sở các quy định của pháp luật về PCTN, TC và đặc thù trong tổ chức, hoạt động của đơn vị mình, có trách nhiệm quy định cụ thể hình thức công khai, nội dung, trách nhiệm thực hiện việc công khai, minh bạch trong doanh nghiệp, tổ chức; nội dung công khai, minh bạch, bao gồm:

Việc thực hiện chính sách, pháp luật có nội dung liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, thành viên; chế độ lương, thưởng; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và các chế độ phúc lợi xã hội khác; quy tắc ứng xử, điều lệ doanh nghiệp, tổ chức; công tác tổ chức, bố trí nhân sự và các nội dung khác phải công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật có liên quan;

Công khai, minh bạch: Quy chế huy động, quản lý, sử dụng các khoản đóng góp để hoạt động từ thiện; quyền lợi và nghĩa vụ của người đóng góp, người được hưởng lợi; mục đích huy động các khoản đóng góp để hoạt động từ thiện; đối tượng, hình thức và mức huy động các khoản đóng góp; kết quả huy động, bao gồm: danh sách các đối tượng đóng góp, tài trợ, hình thức và mức đóng góp, tài trợ của từng đối tượng; kết quả quản lý, sử dụng các khoản huy động vào mục đích từ thiện;

Thực hiện việc kiểm soát xung đột lợi ích trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước theo quy định của pháp luật về PCTN, TC;

Xây dựng ban hành quy tắc đạo đức kinh doanh, quy tắc đạo đức nghề nghiệp đối với người lao động, thành viên, hội viên của mình;

Xây dựng ban hành quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực;

3. Thực hiện cải cách hành chính; ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý; thanh toán không dùng tiền mặt

- Hướng dẫn, niêm yết, công khai đầy đủ, kịp thời các thủ tục hành chính; tăng cường đơn giản hóa thủ tục hành chính; thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả, đúng quy định trong giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông;

- Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; quy định về vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức, đơn vị;

- Đầu tư trang thiết bị, nâng cao năng lực, đẩy mạnh sáng tạo và ứng dụng khoa học, công nghệ trong tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức đơn vị;

- Thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các khoản thu, chi có giá trị lớn tại địa bàn đáp ứng điều kiện về cơ sở hạ tầng để thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định của Chính phủ; các khoản chi lương, thưởng và chi khác có tính chất thường xuyên; áp dụng biện pháp tài chính, công nghệ để giảm việc sử dụng tiền mặt trong các giao dịch.

4. Tổ chức triển khai, thực hiện việc kiểm soát tài sản, thu nhập; kê khai, công khai tài sản, thu nhập theo quy định Luật PCTN năm 2018 và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

5. Thực hiện trách nhiệm giải trình của cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định Luật PCTN năm 2018 và Nghị định số 59/2019/NĐ-CP, ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCTN.

6. Tiếp tục rà soát, đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ theo Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 28/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 50/CT-TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng.

Tăng cường thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị về bảo vệ người phát hiện, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; Kết luận số 05-KL/TW ngày 03/6/2021 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.

7. Thực hiện nghiêm quy định về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.

8. Thiết lập, công khai các hình thức tiếp nhận tố cáo hành vi tham nhũng, tiêu cực (số điện thoại đường dây nóng; địa chỉ hộp thư điện tử...), để tiếp nhận, xem xét, xử lý kịp thời phản ánh, báo cáo, tố cáo, tố giác, tin báo về hành vi tham nhũng, tiêu cực; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người phản ánh, báo cáo, tố cáo, tố giác, báo tin, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng, tiêu cực.

9. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm xây dựng kế hoạch kiểm tra việc chấp hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của mình nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý tham nhũng, tiêu cực; Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chủ động tổ chức tự kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người có chức vụ, quyền hạn do mình quản lý mà thường xuyên, trực tiếp giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý tham nhũng, tiêu cực theo quy định.

10. Nhận định tình hình tham nhũng, tiêu cực và đánh giá công tác PCTN, TC tại cơ quan, tổ chức, đơn vị mình đúng theo quy định.

11. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận có trách nhiệm tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện quy định của pháp luật về PCTN, TC; phản biện xã hội, kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật về PCTN, TC, việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực; động viên Nhân dân tham gia tích cực vào việc phát hiện, phản ánh, tố cáo, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng, tiêu cực; cung cấp thông tin cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực; giám sát việc thực hiện pháp luật về PCTN, TC.

12. Phát huy vai trò và trách nhiệm của cơ quan báo chí, nhà báo trong công tác đấu tranh chống tham nhũng, đưa tin về hoạt động PCTN, TC và vụ việc tham nhũng, tiêu cực.

13. Doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề có trách nhiệm tuyên truyền, động viên người lao động, thành viên, hội viên của mình thực hiện quy định của pháp luật về PCTN, TC; tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện tham nhũng, tiêu cực; kịp thời thông báo với cơ quan có thẩm quyền về hành vi tham nhũng, tiêu cực; kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật về PCTN, TC.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị và người đứng đầu các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước trên địa bàn tỉnh căn cứ kế hoạch này và hướng dẫn của bộ, ngành quản lý để xây dựng kế hoạch thực hiện công tác PCTN, TC của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp mình; Đồng thời, triển khai, quán triệt, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch với nội dung chi tiết, cụ thể, phù hợp theo lĩnh vực quản lý và đúng theo quy định của pháp luật về PCTN, TC để tổ chức triển khai thực hiện. Kịp thời biểu dương, khen thưởng đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt và kiến nghị xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân thực hiện không tốt công tác PCTN, TC theo quy định.

2. Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan liên quan

- Tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN, TC và các văn bản pháp luật có liên quan cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trên địa bàn tỉnh; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp, báo cáo kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN, TC của các cơ quan, đơn vị, địa phương.

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc tổng hợp, báo cáo, thu thập các văn bản, tài liệu, số liệu về công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện các nội dung phục vụ cho việc đánh giá công tác PTCN, TC; việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về PCTN, TC; kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL về PCTN, TC; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, TC; việc kiểm tra, theo dõi thi hành văn bản QPPL về PCTN, TC.

3. Sở Tài chính

- Tham mưu UBND tỉnh thực hiện việc chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra, tổng hợp báo cáo kết quả công khai, minh bạch ngân sách Nhà nước. Việc thực hiện các quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổng hợp, báo cáo, thu thập các văn bản, tài liệu, số liệu về kết quả thực hiện các nội dung phục vụ cho việc đánh giá công tác PTCN, TC; công khai minh bạch trong việc bố trí, quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công hoặc kinh phí huy động từ các nguồn hợp pháp khác; kết quả việc thực hiện các quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường

Tham mưu UBND tỉnh thực hiện việc chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra; tổng hợp báo cáo việc công khai các nội dung liên quan đến lĩnh vực đất đai, tài nguyên và môi trường thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định Luật PCTN năm 2018 và pháp luật có liên quan.

5. Sở Nội vụ

Tham mưu UBND tỉnh thực hiện việc chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra; tổng hợp báo cáo việc thực hiện cải cách hành chính; công khai trong công tác tổ chức, cán bộ; việc thực hiện quy tắc ứng xử và việc chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh theo quy định Luật PCTN và các quy định của pháp luật có liên quan.

6. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện việc công khai, minh bạch các nội dung liên quan đến lĩnh vực đầu tư, mua sắm công do UBND tỉnh là chủ đầu tư và chủ quản đơn vị.

7. Sở Giáo dục và Đào tạo

Tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện tại cơ sở giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, có trách nhiệm đưa nội dung giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống nhằm đưa việc PCTN, TC vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng đối với học sinh trung học phổ thông, sinh viên, học viên và người có chức vụ, quyền hạn theo quy định của Luật PCTN năm 2018; tổng hợp báo cáo kết quả việc triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh.

8. Đề nghị UBMTTQ tỉnh và các tổ chức thành viên thực hiện, chỉ đạo thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN,TC; tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh và UBND các cấp trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN, TC, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN, đánh giá công tác PCTN, TC năm 2022 trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch của Thanh tra Chính phủ.

9. Giao Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện tốt nội dung kế hoạch này; đồng thời, theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp và báo cáo kết quả việc triển khai, thực hiện kế hoạch này theo đúng quy định.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị phản ánh kịp thời về Thanh tra tỉnh để được hướng dẫn, giải quyết và tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét quyết định./.