Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 14/2010/QĐ-UBND

Vinh, ngày 29 tháng 01 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH KHẮC PHỤC HẬU QUẢ BÃO, LỤT ĐỐI VỚI CÁC CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG ĐỊA PHƯƠNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26 /11/2003; Căn cứ Luật Giao thông đường bộ năm 2008;
Căn cứ Luật Giao thông đường thuỷ nội địa năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 08/2006/NĐ-CP ngày 16/01/2006 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh phòng, chống lụt, bão đã được sửa đổi, bổ sung ngày 24/8/2000;
Căn cứ Nghị định số 186/2004/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ ban hành ngày 05/11/2004;
Căn cứ các Quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành kèm theo Quy chế phòng chống, khắc phục hậu quả bão, lụt: Quyết định số 2988/2001/QĐ-BGTVT ngày 12/9/2001 áp dụng cho Ngành đường bộ; Quyết định số 1035/2000/QĐ-BGTVT ngày 28/4/2000 áp dụng cho Ngành đường sông;
Xét đề nghị của Sở Giao thông Vận tải tại Công văn số 2354/SGTVT-QLHTGT ngày 31/12/2009 và Văn bản số 1347/STP-VB ngày 29/10/2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về việc khắc phục hậu quả bão, lụt đối với các công trình giao thông địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An"

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Giao thông Vận tải, Kế hoạch và đầu tư, Tài chính, Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn; Giám đốc Công an tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; UBND các xã, phường, thị trấn và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hồ Đức Phớc

 

QUY ĐỊNH

VỀ VIỆC KHẮC PHỤC HẬU QUẢ BÃO, LỤT ĐỐI VỚI CÁC CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG ĐỊA PHƯƠNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 14/2010/QĐ-UBND ngày 29/01/2010)

Chương I

NHỮNG QUI ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng:

1. Phạm vi điều chỉnh: Quy định này quy định về việc khắc phục hậu quả do bão, lụt gây ra đối với hệ thống công trình giao thông địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

2. Đối tượng áp dụng: Các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc khắc phục hậu quả do bão, lụt gây ra đối với hệ thống công trình giao thông địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Điều 2. Giải thích từ ngữ:

Trong quy định này các từ ngữ sau đây được hiểu như sau:

1. Hệ thống đường bộ địa phương là các tuyến đường tỉnh, đường đô thị, đường huyện, đường xã và đường chuyên dùng.

2. Đảm bảo giao thông bước 1: Bao gồm các công việc khắc phục tạm thời hậu quả do bão, lụt gây nên nhằm đáp ứng mục tiêu đảm bảo giao thông luôn thông suốt và an toàn.

3. Khắc phục đảm bảo giao thông bước 2: Bao gồm các công việc được thực hiện sau khi đảm bảo xong bước 1 nhằm mục đích khôi phục hoặc xây dựng mới, đảm bảo công trình có quy mô tương đương như trước khi bị bão, lụt phá hoại.

4. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, thị xã Thái Hoà: sau đây được gọi là UBND cấp huyện.

5. Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn sau đây được gọi là UBND cấp xã.

6. Các Ban chỉ huy PCLB tại quy định này bao gồm:

- Ban chỉ huy PCLB Sở GTVT: Do Giám đốc Sở thành lập, là bộ phận tham mưu giúp Giám đốc Sở GTVT thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trong công tác phòng chống, khắc phục hậu quả bão, lụt ở khu vực mình phụ trách; chịu sự chỉ đạo về nghiệp vụ của Ban chỉ huy PCLB tỉnh, Bộ GTVT, Cục Đường bộ Việt Nam;

- Ban chỉ huy PCLB cấp huyện: Do Chủ tịch UBND cấp huyện thành lập, là bộ phận tham mưu giúp UBND huyện thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trong công tác phòng chống, khắc phục hậu quả bão, lụt trong phạm vi địa bàn cấp huyện quản lý; chịu sự chỉ đạo của Ban chỉ huy PCLB tỉnh.

- Ban chỉ huy PCLB cấp xã: Do Chủ tịch UBND cấp xã thành lập, là bộ phận tham mưu giúp UBND cấp xã thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trong công tác phòng chống, khắc phục hậu quả bão, lụt trong phạm vi địa bàn cấp xã quản lý; chịu sự chỉ đạo của Ban chỉ huy PCLB cấp huyện.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Nội dung khắc phục đảm bảo giao thông bước 1:

Ban chỉ huy PCLB cơ quan quản lý tuyến đường phải huy động lực lượng để khắc phục đảm bảo giao thông bước 1 nhanh nhất, với các nội dung cụ thể như sau:

1. Tổ chức đảm bảo giao thông: Cắm biển báo hiệu hai đầu đoạn tuyến bị hư hại, tổ chức lực lượng đảm bảo giao thông để khắc phục hậu quả, thực hiện ngay phương án đảm bảo giao thông tạm thời cho 1 làn xe qua lại an toàn. Những đoạn

hư hại nặng phải có rào chắn, người trực gác điều tiết giao thông, tổ chức phân luồng đảm bảo giao thông và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng biết, việc phân luồng phải được cảnh báo từ xa.

2. Xây dựng hồ sơ thiết kế, dự toán đảm bảo giao thông bước 1 và thanh toán:

Hồ sơ thiết kế, dự toán đảm bảo giao thông bước 1 do đơn vị Tư vấn thiết kế lập trên cơ sở thực tế công trình bị hư hỏng. Tài liệu hồ sơ khảo sát, thiết kế bao gồm: bản vẽ, khối lượng, ảnh chụp hiện trường; biên bản thiệt hại bao gồm các thành phần tham gia xác nhận sau:

a) Đối với công trình do Sở GTVT quản lý: Sở GTVT, đơn vị quản lý; UBND cấp huyện nơi công trình bị ảnh hưởng.

b) Đối với công trình do UBND cấp huyện quản lý: UBND cấp huyện, Ban chỉ huy PCLB cấp huyện, và đại diện phòng liên quan (phòng Công thương, Tài chính kế hoạch), công an huyện.

c) Đối với công trình do UBND cấp xã quản lý: UBND cấp xã, Ban chỉ huy PCLB cấp xã và cán bộ phụ trách giao thông, thuỷ lợi, công an xã.

3. Lập phương án sửa chữa công trình, dự toán kinh phí, tiến độ khắc phục đảm bảo giao thông. Chủ động tổ chức lực lượng cứu chữa để đảm bảo giao thông bước 1, đồng thời báo cáo về Ban chỉ huy PCLB, đơn vị quản lý cấp trên.

Điều 4. Tổ chức thực hiện đảm bảo giao thông bước 1:

1. Đối với công trình bị thiệt hại nhỏ: Đơn vị quản lý giao thông, Ban chỉ huy PCLB cấp huyện chủ trì tổ chức lực lượng cứu chữa để đảm bảo giao thông tạm, sau đó hoàn thiện thủ tục thực hiện đảm bảo giao thông bước 1. Nội dung bao gồm:

- Bố trí người trực gác đảm bảo giao thông, cắm biển báo hiệu, tiêu vè, thực hiện phương án phân luồng giao thông.

- Tổng hợp khối lượng công việc thực hiện, có văn bản có xác nhận của các thành phần theo đúng quy định tại Khoản 2 - Điều 3.

2. Đối với công trình bị thiệt hại lớn: Công trình thiệt hại với khối lượng lớn làm ách tắc giao thông như: Sạt lở ta luy nền đường, sập cầu, trôi cống, đứt đường, phù sa bồi lấp cả luồng chạy tàu, v.v... thì đơn vị quản lý, UBND cấp huyện, xã phải trực tiếp tổ chức khắc phục đảm bảo giao thông. Nếu khối lượng quá lớn thì báo cáo cấp trên để xin chi viện đồng thời huy động các đơn vị đóng quân trên địa bàn để phối hợp thực hiện.

Điều 5. Đảm bảo giao thông bước 2:

1. Ngay sau khi thực hiện xong việc đảm bảo giao thông bước 1, các đơn vị quản lý, chính quyền địa phương, chủ đầu tư tuỳ theo chức năng, quyền hạn có trách nhiệm triển khai ngay thủ tục khôi phục lại công trình như trạng thái ban đầu (xin chủ trương đầu tư khôi phục hoặc nâng cấp cải tạo làm mới công trình).

2. Khi thực hiện đảm bảo giao thông bước 2, mọi thủ tục hồ sơ đầu tư xây dựng khôi phục công trình đều thực hiện theo đúng trình tự, quy định về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản hiện hành.

Điều 6. Khắc phục đảm bảo giao thông với các tuyến đường có dự án:

1. Đối với dự án thi công trên tuyến đang khai thác, sử dụng:

a) Đơn vị thi công chịu trách nhiệm chính trong việc phòng, chống và khắc phục hậu quả đối với công trình nâng cấp cải tạo do bão, lụt gây ra kể từ khi nhận bàn giao từ đơn vị quản lý, huyện, xã để thực hiện dự án.

b) Sau lụt, bão đơn vị thi công phải báo cáo cho chủ đầu tư, cơ quan bảo hiểm, chính quyền địa phương nơi đang thực hiện dự án và các cơ quan liên quan kiểm tra hiện trường, xác định khối lượng thiệt hại do lụt, bão gây ra và đưa ra phương án khắc phục làm cơ sở cho cơ quan bảo hiểm bồi thường.

c) Khi có thiệt hại xảy ra gây ách tắc giao thông, nhà thầu thi công báo cáo với chủ đầu tư và phải triển khai khắc phục ngay để đảm bảo giao thông, đồng thời cùng Chủ đầu tư, Tư vấn thiết kế có giải pháp khắc phục triệt để hậu quả. Nếu đơn vị thi công không đủ lực lượng đảm bảo giao thông thì phải chủ động bàn bạc cùng các bên liên quan để phối hợp thực hiện.

d) Đơn vị, tổ chức quản lý tuyến đường đang khai thác, sử dụng phải phối hợp với các đơn vị thi công để xử lý phương án phân luồng, đảm bảo giao thông khi xảy ra sự cố ách tắc.

2. Đối với công trình làm mới:

Đơn vị thi công phải chủ động báo cáo Chủ đầu tư, cơ quan bảo hiểm, chính quyền địa phương nơi có dự án và các cơ quan liên quan về tình hình thiệt hại để kiểm tra hiện trường, xác định khối lượng thiệt hại do bão, lụt gây ra và đưa ra phương án khắc phục làm cơ sở cho cơ quan bảo hiểm bồi thường theo đúng quy định hiện hành.

Điều 7. Khắc phục đảm bảo giao thông với công trình đường thuỷ:

Việc khắc phục hậu quả bão, lụt với công trình đường thuỷ bao gồm:

1. Kịp thời sửa chữa các công trình, các trang thiết bị an toàn giao thông và các phương tiện vận tải, nhanh chóng thanh thải các chướng ngại vật trong phạm vi luồng chạy tàu, hoặc đặt biển báo đảm bảo giao thông an toàn thông suốt.

2. Ngay sau khi bão, lụt xảy ra, đơn vị quản lý tiến hành khảo sát, điều chỉnh biển báo hiệu đảm bảo luồng lạch an toàn, tổ chức điều tiết giao thông nếu cần thiết, thông báo luồng chạy tàu sau bão, lụt.

3. Sửa chữa các trang thiết bị thi công, thực hiện các biện pháp phục hồi sản xuất.

4. Điều tra, thống kê xác định thiệt hại, lập biên bản xác nhận thiệt hại gồm các đại diện của các cơ quan: Sở GTVT, đơn vị quản lý đường sông, chính quyền cấp huyện nơi có công trình thiệt hại và tìm biện pháp khôi phục sau lũ.

5. Khi nước sông dâng cao, chảy xiết phải đình chỉ hoạt động của các bến đò.

6. Tổ chức khảo sát, đo đạc lập hồ sơ và thực hiện nạo vét luồng đảm bảo giao thông bước 1.

Điều 8. Nguồn vốn khắc phục hậu quả bão lụt:

Nguồn vốn khắc phục hậu quả bão, lụt do ngân sách Nhà nước cấp, ngân sách tỉnh hỗ trợ một phần, khoản cứu trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước khi bão lụt xảy ra và nguồn huy động hợp pháp khác; huy động nguồn lực của địa phương, lao động công ích hoặc tự nguyện tham gia theo quy định của pháp luật.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Trách nhiệm của các Sở, ngành:

1. Sở Giao thông vận tải:

a) Tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành các văn bản về phòng, chống và khắc phục hậu quả bão, lụt đảm bảo giao thông trên các tuyến giao thông địa phương theo phân cấp quản lý.

b) Trực tiếp chỉ đạo các Đơn vị quản lý huy động nhân lực, vật tư, thiết bị để bảo vệ công trình, khắc phục kịp thời đảm bảo giao thông khi có sự cố ách tắc giao thông xảy ra trên các tuyến đường được UBND tỉnh giao nhiệm vụ quản lý; chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông vận tải phối hợp đơn vị quản lý và chính quyền địa phương, lực lượng an ninh để thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông, an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.

c) Phối hợp chặt chẽ cùng các đơn vị quản lý, xây dựng giao thông đóng quân trên địa bàn cùng chính quyền địa phương cấp huyện, xã, công an, quân đội để tham mưu UBND tỉnh thực hiện phương án phối hợp ứng cứu khi có sự cố xảy ra.

d) Ngay sau bão lụt phải kịp thời tổng hợp số liệu báo cáo thiệt hại do bão, lụt gây ra đối với hệ thống công trình giao thông trên địa bàn tỉnh để báo cáo Ban

Chỉ huy PCLB tỉnh, Bộ GTVT, Cục Đường bộ VN.

e) Phối hợp cùng Ban PCLB các cấp để kiểm tra tình hình thiệt hại, tham mưu giúp UBND tỉnh phương án hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả do bão, lụt gây ra đối với công trình giao thông địa phương trên địa bàn tỉnh.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính cân đối nguồn hỗ trợ của Trung ương, kế hoạch ngân sách tỉnh và các nguồn hỗ trợ khác để tham mưu giúp UBND tỉnh quyết định hỗ trợ khắc phục hậu quả bão, lụt đối với các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh.

3. Sở Tài chính:

Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan thực hiện kiểm tra, giám sát việc sử dụng, thanh quyết toán nguồn kinh phí được hỗ trợ khắc phục bão, lụt theo quy định.

4. Công an tỉnh:

Chỉ đạo lực lượng Công an các cấp phối hợp với các lực lượng của Sở Giao thông vận tải, đơn vị quản lý đường bộ, chính quyền địa phương nơi bị thiệt hại tiến hành phân luồng đảm bảo trật tự an toàn giao thông, đảm bảo trật tự an toàn xã hội bảo vệ tài sản và an toàn tính mạng của nhân dân nơi xảy ra sự cố.

Điều 10. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân cấp huyện:

1. Chỉ đạo phòng, ban chuyên môn trực thuộc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trong lĩnh vực phòng, chống và khắc phục hậu quả bão, lụt; huy động mọi lực lượng, vật tư, thiết bị để bảo vệ công trình, thực hiện đảm bảo giao thông, tổ chức thanh, kiểm tra việc khắc phục hậu quả bão lụt gây nên trên các tuyến đường được phân cấp quản lý. Phối hợp với đơn vị quản lý đảm bảo an toàn giao thông, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh.

2. Tổng hợp, báo cáo kịp thời tình hình thiệt hại do bão, lụt gây nên với hệ thống công trình giao thông do huyện, xã quản lý về Ban chỉ huy PCLB Sở GTVT biết để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Ban chỉ huy PCLB cấp tỉnh, Bộ GTVT biết để có kế hoạch hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả bão, lụt.

3. Trực tiếp chỉ đạo Ban chỉ huy PCLB cấp xã thực hiện phương án phối hợp ứng cứu khi cấp trên điều động.

Điều 11. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân cấp xã:

1. Chỉ đạo các khối, thôn, xóm huy động mọi lực lượng, nhân dân cùng tham gia bảo vệ công trình giao thông, khắc phục đảm bảo giao thông khi có sự cố ách tắc giao thông xảy ra trên các tuyến giao thông được phân cấp quản lý.

2. Báo cáo kịp thời tình hình thiệt hại do bão, lụt gây nên với hệ thống công trình giao thông do xã quản lý về Ban chỉ huy PCLB cấp huyện để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Ban chỉ huy PCLB tỉnh, Sở GTVT được biết.

3. Sẵn sàng huy động lực lượng phối hợp thực hiện phương án ứng cứu khi có sự cố xảy ra.

Điều 12. Khen thưởng và xử lý vi phạm:

1. Khen thưởng: Hàng năm, Sở Giao thông vận tải, UBND cấp huyện, UBND cấp xã và các đơn vị có nhiệm vụ tổ chức phòng, chống và khắc phục hậu quả do bão, lụt gây ra đối với công trình giao thông địa phương phải tiến hành tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm. Căn cứ kết quả thực hiện để quyết định theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp trên, Ban PCLB tỉnh tặng các danh hiệu thi đua khen thưởng kịp thời nhằm động viên các tổ chức, đơn vị, cá nhân có thành tích trong công tác phòng chống, khắc phục hậu quả bão, lụt đảm bảo giao thông đối với đường bộ, đường sông địa phương.

Mức thưởng: Theo quy định tại Luật Thi đua, khen thưởng ngày 26/11/2003 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng ngày 14/6/2005; Nghị định số 121/2005/NĐ-CP ngày 30/9/2005 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng.

Kinh phí: Trích từ ngân sách Nhà nước cấp hàng năm, quỹ phòng chống lụt bão của địa phương.

2. Xử lý vi phạm: Tổ chức, cá nhân vi phạm những quy định này, gây thất thoát trong công tác quản lý vốn về khắc phục hậu quả bão, lụt gây ra đối với hệ thống đường bộ, đường sông địa phương, tuỳ theo tính chất, mức độ và hậu quả xảy ra sẽ bị xử lý kỷ luật. Trường hợp vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Trong quá trình thực hiện, nếu có điều gì vướng mắc, chưa hợp lý, Uỷ ban nhân dân cấp huyện, UBND cấp xã và các tổ chức, cá nhân, đơn vị liên quan phản ánh kịp thời bằng văn bản gửi về Sở Giao thông vận tải để tổng hợp, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 14/2010/QĐ-UBND ban hành Quy định khắc phục hậu quả bão, lụt đối với các công trình giao thông địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An do Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành

  • Số hiệu: 14/2010/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 29/01/2010
  • Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An
  • Người ký: Hồ Đức Phớc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/02/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản