Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 14/2002/QĐ-UB

Hà Nội, ngày 21 tháng 02 năm 2002 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUI HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI QUẬN TÂY HỒ GIAI ĐOẠN 2001 - 2010

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND;
Căn cứ Chỉ thị số 32/1998/CT-TTg ngày 23/09/1998 của Thủ tướng Chính phủ về công tác qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2010.
Căn cứ kết luận của Hội đồng thẩm định quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội quận, huyện của Thành phố về kết quả thẩm định qui hoạch kinh tế - xã hội quận Tây Hồ giai đoạn 2001 - 2010 tại thông báo số 317/TB-KH&ĐT ngày 11/12/2001;
Xét đề nghị của Chủ tịch UBND quận Tây Hồ tại tờ trình số 133/TTr-UB ngày 25/12/2001
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại tờ trình số 139/TTr - KH&ĐT ngày 07 tháng 2 năm 2002.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1 : Phê duyệt qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội quận Tây Hồ giai đoạn 2001 - 2010 với những nội dung chủ yếu sau đây :

1. Mục tiêu cơ bản phát triển kinh tế - xã hội quận Tây Hồ giai đoạn 2001 - 2010.

 Tập trung mọi nguồn lực xây dựng quận Tây Hồ trở thành quận phát triển toàn diện về kinh tế - văn hoá - xã hội, tập trung dịch vụ - du lịch văn hoá của Thủ đô; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - du lịch - công nghiệp - nông nghiệp; phát triển kinh tế đi đôi với hiện đại hoá kết cấu hạ tầng đô thị và bảo vệ môi trường; khai thác tiềm năng dịch vụ du lịch, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá của địa phương, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, giữ vững an ninh, chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, củng cố quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, toàn diện.

2. Các chỉ tiêu phát triển chủ yếu.

2.1. Kinh tế

 - Tốc độ tăng giá trị sản xuất trung bình hàng năm giai đoạn 2001 - 2010 : 14 - 15%/năm, trong đó giai đoạn 2001 - 2005 là 13% - 14%/năm và giai đoạn 2006 - 2010 là 14% - 15%/năm.

 - Cơ cấu giá trị sản xuất các ngành kinh tế trên địa bàn :

  Năm 2005 : Công nghiệp mở rộng chiếm 53%; Dịch vụ 45%, Nông nghiệp 2%.

  Năm 2010 : Công nghiệp mở rộng 39,5%, Dịch vụ 60%, Nông nghiệp 0,5%.

 Cơ cấu giá trị sản xuất các ngành kinh tế do Quận quản lý :

  Năm 2005 : Công nghiệp mở rộng chiếm 27%; Dịch vụ 62%; Nông nghiệp 11%.

  Năm 2010 : Công nghiệp mở rộng 22%; Dịch vụ 72%; Nông nghiệp 6%.

2.2. Văn hoá - xã hội :

 - Phổ cập giáo dục trung học phổ thông và tương đương cho 75% đối tượng trong độ tuổi quy định vào năm 2005; hoàn thành phổ cập vào năm 2010. Năm 2005 có 85% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo đến lớp; 100% trẻ em 5 tuổi được học chương trình mẫu giáo lớn; 100% trẻ em 6 tuổi vào lớp 1; 80% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày, xoá các phòng học cấp 4, có 4 trường tiểu học và trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia. Đến năm 2010 có 90 - 95% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo đến lớp; 100% học sinh tiểu học, 60% học sinh trung học cơ sở và 40% học sinh trung học phổ thông được học 2 buổi/ngày; có 8 trường triểu học và trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia.

 - Thực hiện tốt công tác dân số, kế hoạch hoá gia đình; duy trì ổn định tốc độ tăng dân số tự nhiên là 0,95%/năm, từng bước nâng cao chất lượng dân số. Qui mô dân số trên địa bàn Quận đến năm 2005 là 106.000 người, năm 2010 là 120.000 người.

 - Tiếp tục duy trì tiêm chủng mở rộng cho 100% trẻ em trong độ tuổi; giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng xuống 11,6% năm 2005 và 5% năm 2010. Đến năm 2010, bảo đảm 100% các trường học thực hiện chương trình y tế học đường.

 - Phấn đấu đến năm 2005 có 45% lao động được qua đào tạo và năm 2010 là 60%. Giải quyết việc làm bình quân 2300 - 2500 lao động/năm; đến năm 2005 giảm được 50% số hộ nghèo và đến năm 2010 cơ bản giải quyết hộ nghèo.

 - Đến năm 2010 có 95% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá, giữ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

2.3. Đô thị :

 - Hình thành cơ bản các trục giao thông chính, bê tông hoá 100% đường ngõ xóm. Mật độ đường giao thông (từ đường phân khu vực trở lên) đạt 4 - 4,7 km/km2. Chỉ tiêu đất giao thông : 20% - 22%; đất công viên, cây xanh đạt 10 - 12m2/người. Mạng lưới điện được cải tạo căn bản.

 - Phấn đấu đến năm 2005 có 85% dân số được dùng nước sạch và năm 2010 là 100%.

 - Giải quyết cơ bản tình trạng ô nhiễm môi trường, bảo đảm môi trường thật sự trong sạch.

3. Nhiệm vụ và định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực chủ yếu.

3.1. Phát triển kinh tế :

 Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - du lịch - công nghiệp - nông nghiệp trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế so sánh của quận theo định hướng qui hoạch chung của Thành phố. Cơ cấu kinh tế trong nội bộ từng ngành chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

 a. Công nghiệp :

 - Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp theo hướng đầu tư chiều sâu, đột phá vào những ngành hàng, sản phẩm sử dụng công nghệ hiện đại; duy trì nghề truyền thống, khuyến khích phát triển công nghiệp ngoài quốc doanh phù hợp với tiềm năng, môi trường và điều kiện sẵn có của địa phương.

 - Phấn đấu tăng giá trị sản xuất công nghiệp trung bình hàng năm trong thời 2001 - 2010 là 13 - 14%/năm, trong đó giai đoạn 2001 - 2005 bình quân 14 - 15%/năm, giai đoạn 2006 - 2010 là 12 - 13%/năm. Đến năm 2005, công nghiệp chiếm 53% trong cơ cấu giá trị sản xuất trên địa bàn và năm 2010 là 39,5%.

 - Không xây dựng và phát triển các cơ sở công nghiệp tập trung, gây ô nhiễm; xây dựng phương án di chuyển các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm ở khu vực Thuỵ Khê ra khỏi địa bàn Quận.

 b. Dịch vụ :

 - Phát triển dịch vụ dựa trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn và tăng cường mối quan hệ hợp tác phát triển kinh tế với các địa phương khác, kể cả với nước ngoài trong khuôn khổ quan hệ hợp tác của Thành phố.

 - Phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất các ngành dịch vụ giai đoạn 2001 - 2010 là 14 - 15%/năm, trong đó giai đoạn 2001 - 2005 là 13 - 14%/năm, giai đoạn 2006 - 2010 là 14 - 15%/năm.

 - Phát triển và nâng cao chất lượng cách ngành dịch vụ : du lịch, thương mại, tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực ... Phấn đấu đến năm 2010, ngành dịch vụ du lịch chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu kinh tế trên địa bàn, xây dựng Quận thành Trung tâm du lịch dịch vụ, văn hoá của thủ đô.

 - Phát triển dịch vụ theo hướng văn minh, hiện đại; gắn phát triển dịch vụ với bảo vệ môi trường sinh thái. Phát triển các hoạt động dịch vụ vừa đạt hiệu quả kinh tế cao vừa tăng cường quốc phòng và an ninh trật tự xã hội.

 c. Nông nghiệp :

 - 2Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao; hình thành một số vùng sản xuất hàng hoá có chất lượng cao, vùng trồng hoa, cây cảnh, nuôi cá cảnh, chăn nuôi thuỷ sản, phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp sinh thái.

 - Giá trị sản xuất nông nghiệp/1 ha đất canh tác bình quân đạt 80 triệu đồng thời kỳ 2001 - 2005 và 90 triệu đồng thời kỳ 2006 - 2010.

3.2. Phát triển văn hoá - xã hội :

 a. Giáo dục - Đào tạo.

 - Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sơ vật chất, phấn đấu đến năm 2005 cơ bản các trường học trên địa bàn quận được nâng cấp và có đủ trang thiết bị tương đối hiện đại; có 4 trường tiểu học và trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia; đến năm 2010 có 8 trường đạt chuẩn quốc gia.

 - Phấn đấu đến năm 2005 có 85% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo đến lớp, 100% trẻ em 5 tuổi được học chương trình mẫu giáo lớn; 80% học sinh tiểu học, 30 - 40% học sinh trung học cơ sở được học 2 buổi/ngày. Năm 2010 có 100% học sinh tiểu học, 60% học sinh trung học cơ sở và 40% học sinh trung học phổ thông được học 2 buổi/ngày.

 - Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đến năm 2005 đạt phổ cập trung học phổ thông và tương đương 75%, năm 2010 hoàn thành phổ cập. Xây dựng và phát triển trung tâm dạy nghề, phấn đấu đến năm 2005 có 45% lao động được qua đào tạo và năm 2010 là 60%.

 - Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, đến năm 2010 có 100% giáo viên đạt chuẩn theo quy định của Bộ Giáo dục và đào tạo.

 b. Văn hoá - Thông tin.

 - Đầu tư nâng cấp các công trình văn hoá hiện có kết hợp với phát triển du lịch, xây dựng cụm văn hoá thể thao Tây Hồ. Đầu tư để duy trì và phát triển một số làng nghề, làng hoa, vùng hoa truyền thống, xây dựng vườn hoa cây cảnh mẫu phục vụ tham quan, du lịch.

 - Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hoá. Ngăn chặn văn hoá đồi truỵ và xoá bỏ các tệ nạn xã hội.

 - Hoàn thành xây dựng trung tâm văn hoá cấp Quận trước năm 2005, nâng cấp và xây dựng mới các công trình văn hoá, các điểm vui chơi, giải trí trên địa bàn; bảo vệ và tôn tạo các di tích lịch sư - văn hoá; đẩy mạnh sự nghiệp văn hoá thông tin, tuyên truyền. Phấn đấu 95% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá.

 c. Y tế :

 - Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất theo mạng lưới y tế từ Quận đến phường.

 - Duy trì tiêm chủng mở rộng cho 100% trẻ em trong độ tuổi, thực hiện tốt các chương trình y tế và kế hoạch hoá gia đình; giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng xuống 11,6% năm 2005 và 5% vào năm 2010; thực hiện chương trình y tế học đường ở 100% các trường học.

 - Đẩy mạnh công tác xã hội hoá y tế, khuyến khích phát triển các dịch vụ y tế tư nhân đồng thời tăng cường quản lý Nhà nước đối với các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân.

 - Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, bổ sung đội ngũ cán bộ y tế có chất lượng và đủ về số lượng.

 - Thực hiện có hiệu quả chương trình dân số, kế hoạch hoá gia đình. Duy trì ổn định tốc độ tăng dân số tự nhiên ở mức 0,95%/năm, từng bước nâng cao chất lượng dân số.

 d. Thể dục thể thao :

 - Đầu tư xây dựng trung tâm thể dục thể thao Quận; cải tạo nâng cấp các công trình hiện có ở các phường và cụm dân cư. Khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức tập thể và cá nhân đầu tư phát triển các cơ sở thể dục thể thao.

 - Phát triển phong trào thể dục thể thao quần chúng và một số môn thể thao mũi nhọn; đào tạo và bảo đảm đội ngũ cán bộ thể dục thể thao đủ về số lượng và có chất lượng cao.

 - Phấn đấu đến năm 2005 có 20% và năm 2010 có 30% số người tham gia luyện tập thể dục thể thao thường xuyên; năm 2010 có 100% trường học thực hiện tốt chương trình giáo dục thể chất theo quy định của Bộ Giáo dục và đào tạo.

3.3. Phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị.

 - Trong thời kỳ 2001 - 2005, tập trung hoàn chỉnh các tuyến đường : mở rộng đường Lạc Long Quân, âu Cơ (đoạn Nhật Tân - Phú Thượng), xây dựng đường dạo quanh Hồ Tây, vành đai III (đoạn từ ngã ba Nghi Tàm lên cầu Thăng Long) và nâng cấp, xây mới hệ thống đường nhánh. Tập trung đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật ở các xã mới chuyển thành phường. Đến năm 2010, tổng chiều dài mạng đường giao thông là 44,132 km, đạt 4,41 km/km2; tổng diện tích đất giao thông chiếm tỷ lệ 19,41%.

 - Đảm bảo đủ nhu cầu điện cho sản xuất và sử dụng. Đến năm 2005, xây mới 24 trạm biến áp (qui đổi theo trạm biến áp 400KVA) với tổng dung lượng 66.000 KVA; đến năm 2010, xây mới 147 trạm biến áp với tổng dung lượng 124.800 KVA. Hoàn thành bàn giao lưới điện cho ngành điện quản lý trước năm 2005; tăng cường công tác quản lý điện an toàn, hiệu quả.

 - Tiến hành cải tạo và xây dựng mới hệ thống cấp, thoát nước. Đến năm 2010, đảm bảo cấp nước sạch cho 100% dân số quận với mức 160 - 170 lít/người/ngày đêm, cung cấp đủ nhu cầu nước cho khu vực sản xuất và dịch vụ; giảm tỷ lệ thất thoát, thất thu nước dưới 30% vào năm 2010.

 - Đến năm 2010, diện tích đất công viên, cây cảnh đạt 10 - 12m2/người.

3.4. Bảo vệ môi trường sinh thái.

 - Bảo vệ, cải tạo nâng cao chất lượng môi trường nước Hồ Tây và khu vực xung quanh hồ, xây dựng Hồ Tây thành khu vực có môi trường xanh, sạch đẹp của Thủ đô.

 - Giảm thiểu ô nhiễm rác thải, không khí và tiếng ồn.

 - Tăng cường vai trò chính quyền cấp Quận và phường trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường.

4. Các trọng điểm đầu tư và danh mục những dự án đầu tư lớn trên địa bàn.

 Giai đoạn 2001 - 2005. Phấn đấu hoàn thành các dự án và công trình chủ yếu : dự án cải tạo, xây dựng các tuyến đường giao thông; dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật xung quanh Hồ Tây, dự án trường quốc tế Liên hiệp quốc, xây dựng nhà văn hoá trung tâm, nhà văn hoá thiếu nhi, trung tâm thể dục thể thao, trung tâm y tế, trung tâm dạy nghề; cải tạo và xây dựng mới các trường học theo qui hoạch; dự án cải tạo và phát triển mạng lưới chợ, siêu thị Bưởi; dự án cấp điện, cấp nước và thoát nước; dự án bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, các điểm vui chơi du lịch khu vực Hồ Tây; dự án xây dựng phố vườn, nhà vườn và một số làng nghề truyền thống. Triển khai dự án kè bờ sông Hồng, dự án xây dựng cầu Tứ Liên và cầu Nhật Tân qua sông Hồng. Xây dựng và triển khai qui hoạch khai thác, sử dụng đất khu vực ngoài đê sông Hồng.

 Giai đoạn 2006 - 2010. Tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống đường giao thông theo qui hoạch chi tiết đã được phê duyệt, hiện đại hoá kết cấu hạ tầng đô thị và hạ tầng xã hội; triển khai dự án xây dựng các khu đô thị mới thuộc dự án khu đô thị Nam Thăng Long.

Điều 2 : Tổ chức thực hiện qui hoạch :

 * UBND quận Tây Hồ có nhiệm vụ :

 - Công bố công khai qui hoạch để các cơ quan, tổ chức, cá nhân và nhân dân biết và thực hiện nghiêm chỉnh.

 - Chủ trì, có sự giúp đỡ của các Sở, Ngành liên quan của Thành phố, căn cứ mục tiêu, các chỉ tiêu và định hướng phát triển của qui hoạch này tổ chức xây dựng các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng các chương trình mục tiêu và dự án đầu tư phù hợp, đồng thời đề ra các giải pháp đồng bộ nhằm phát huy tối đa các nguồn lực phục vụ phát triển của Quận và Thành phố.

 - Nghiên cứu ban hành hoặc kiến nghị với Thành phố ban hành các cơ chế, qui chế phù hợp các quy định của Nhà nước để thực hiện qui hoạch.

 - Thực hiện đổi mới tổ chức, quản lý và cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi khuyến khích thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài. Chủ động khai thác các tiềm năng, đặc biệt là đất đai, lao động, vốn và các nguồn lực khác để thực hiện tốt mục tiêu phát triển và các định hướng của qui hoạch này.

 - Chỉ đạo đầu tư tập trung, có trọng điểm để nhanh chóng mang lại hiệu quả thiết thực, ưu tiên đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực mà quận có thế mạnh.

 - Theo dõi, chỉ đạo thực hiện qui hoạch, định kỳ tổ chức đánh giá và đề xuất điều chỉnh qui hoạch cho phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội cụ thể của Quận và Thành phố.

 * Các ngành chức năng của Thành phố có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn quận Tây Hồ trong quá trình thực hiện qui hoạch này để đạt được mục tiêu đã đề ra. Các đơn vị của Trung ương và Thành phố đóng trên địa bàn quận có trách nhiệm cùng quận thực hiện tốt mục tiêu của qui hoạch.

Điều 3 : Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký.

 Chánh Văn phòng HĐND và UBND thành phố, chủ tịch UBND quận Tây Hồ, Giám đốc các Sở, Ban, Ngành, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Thành phố Hà Nội và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

 

T/M. UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
K/T CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phan Văn Vượng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 14/2002/QĐ-UB phê duyệt qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội quận Tây Hồ giai đoạn 2001 - 2010 do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành

  • Số hiệu: 14/2002/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 21/02/2002
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Phan Văn Vượng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/03/2002
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản