Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1396/QĐ-UBND

Lâm Đồng, ngày 22 tháng 06 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG VÀ PHƯƠNG ÁN CẢI TẠO, PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG CỦA DỰ ÁN KHAI THÁC VÀ CHẾ BIẾN ĐÁ XÂY DỰNG TẠI XÃ TÂN THÀNH, HUYỆN ĐỨC TRỌNG, TỈNH LÂM ĐỒNG

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 17/11/2010;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23/6/2014;

Căn cứ Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đáng giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường;

Căn cứ Thông tư số 38/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản;

Theo đề nghị của Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và phương án cải tạo, phục hồi môi trường của dự án Khai thác và chế biến đá xây dựng tại xã Tân Thành, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 366/TTr-STNMT ngày 15/6/2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án Khai thác và chế biến đá xây dựng tại xã Tân Thành, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng (sau đây gọi là dự án) được lập bởi Công ty TNHH Xây dựng Lam Hồng (sau đây gọi là Chủ dự án) với các nội dung chủ yếu sau đây:

1. Phạm vi, quy mô, công suất:

a) Tổng diện tích đất sử dụng 5,4275 ha; trong đó khu vực: khai thác 4 ha; bãi thải 1 ha; sân công nghiệp 0,4 ha và các công trình phụ trợ 0,0275 ha.

b) Công suất khai thác 15.500 m3/đá nguyên khối/năm (sử dụng vật liệu nổ công nghiệp).

2. Yêu cầu bảo vệ môi trường đối với dự án:

a) Khai thác đúng thiết kế mỏ và tuân thủ các quy phạm, quy định về khai thác mỏ lộ thiên; đảm bảo an toàn trong khai thác và trong việc sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.

b) Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường và phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường nêu tại dự án. Đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành về chất lượng các thành phần môi trường: đất, nước, không khí trong khu vực dự án; thu gom, phân loại và xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại theo đúng quy định hiện hành.

c) Thực hiện đầy đủ các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường; giám sát chất lượng môi trường theo đúng tần suất, vị trí và cập nhật, lưu giữ số liệu tại đơn vị, định kỳ 01 năm/lần báo cáo UBND tỉnh Lâm Đồng và Sở Tài nguyên và Môi trường diễn biến về chất lượng môi trường trong suốt quá trình hoạt động của dự án.

3. Các điều kiện kèm theo đối với Chủ dự án:

a) Phối hợp tốt với chính quyền địa phương đảm bảo an toàn về phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự, an toàn giao thông trong khu vực dự án.

b) Trong quá trình thực hiện dự án, nếu để xảy ra sự cố gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và sức khỏe cộng đồng phải dừng ngay các hoạt động của dự án; tổ chức ứng cứu khắc phục sự cố; thông báo khẩn cấp đến Sở Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan chức năng sở tại, chính quyền địa phương nơi có dự án để chỉ đạo và phối hợp xử lý.

Điều 2. Phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường của dự án, với các nội dung chính sau:

1. Phương án cải tạo phục hồi môi trường:

a) Khu vực khai trường khai thác:

- Khu vực khai thác: Cải tạo vách moong, phủ đất diện tích đáy moong khai thác (bề dày 0,7 m); tạo mương thoát nước; trồng cây dâu tằm trên toàn bộ diện tích khai thác (4 ha); lập hàng rào lưới thép B40 tại chân vách moong (tổng chiều dài 550 m) và lắp đặt 14 biển cảnh báo nguy hiểm.

- Khu vực xung quanh khai trường khai thác: Lắp đặt biển báo nguy hiểm (16 biển báo); lập hàng rào lưới thép B40 (tổng chiều dài 654 m); cải tạo đê bao và trồng cây dứa gai xung quanh moong (diện tích 654 m2).

b) Khu vực sân công nghiệp (0,4 ha): tháo dỡ tổ hợp máy nghiền sàng và các hạng mục công trình trên mặt bằng sân công nghiệp, phủ đất với bề dày 0,7 m và trồng dâu tằm trên toàn bộ diện tích sân công nghiệp.

c) Khu vực bãi thải (1 ha): San gạt lớp đất mặt bãi thải (bề dày khoảng 0,3 m) và trồng dâu tằm.

d) Khu vực ngoài biên giới mỏ: Duy tu, sửa chữa tuyến đường vận chuyển từ mỏ đá đến đường liên thôn (khối lượng 1.500 m3).

(Chi tiết cụ thể như phương án được phê duyệt đính kèm)

2. Tổng kinh phí cải tạo, phục hồi môi trường:

a) Tổng kinh phí cải tạo, phục hồi môi trường là 578.119.711 đồng (năm trăm bảy mươi tám triệu, một trăm mười chín ngàn, bảy trăm mười một đồng); số lần ký quỹ là 30 lần; trong đó:

- Số tiền ký quỹ lần đầu là 86.717.957 đồng; thời gian nộp trước khi đưa mỏ vào khai thác 30 (ba mươi) ngày;

- Số tiền ký quỹ từ năm thứ 2 đến năm thứ 30: số tiền nộp hàng năm là 16.944.888 đồng; thời gian nộp: trước ngày 30 tháng 01 hàng năm.

- Số tiền nêu trên chưa bao gồm yếu tố trượt giá sau năm 2017.

b) Đơn vị nhận ký quỹ: Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh Lâm Đồng.

Điều 3. Chủ dự án có trách nhiệm

1. Lập, phê duyệt và niêm yết công khai kế hoạch bảo vệ môi trường tại UBND xã Tân Thành, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng kế hoạch quản lý môi trường của dự án trước khi triển khai thực hiện.

2. Lập hồ sơ gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để được kiểm tra, xác nhận việc đã thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án, trước khi đưa dự án vào vận hành chính thức.

3. Lập hồ sơ gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để được kiểm tra, xác nhận việc hoàn thành từng phần và toàn bộ phương án cải tạo, phục hồi môi trường đã được phê duyệt theo đúng quy định tại các Điều 16 và 20, Thông tư số 38/2015/TT- BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

3. Thực hiện nghiêm các yêu cầu về bảo vệ môi trường và cải tạo phục hồi môi trường quy định tại Khoản 2, Điều 1 và Điều 2 Quyết định này và các yêu cầu khác liên quan trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thi công và vận hành dự án theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có những thay đổi về nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc phương án cải tạo, phục hồi môi trường được phê duyệt, Chủ dự án phải có văn bản báo cáo UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường và chỉ được thực hiện những thay đổi đó sau khi có văn bản chấp thuận của UBND tỉnh Lâm Đồng.

Điều 5. Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và phương án cải tạo, phục hồi môi trường là căn cứ để quyết định việc đầu tư dự án; là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường của dự án.

Điều 6. Ủy nhiệm Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng thực hiện việc giám sát, kiểm tra và xác nhận việc thực hiện các nội dung bảo vệ môi trường trong báo cáo đánh giá tác động môi trường và phương án cải tạo, phục hồi môi trường đã được phê duyệt tại Quyết định này.

Điều 7. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Sở Tài nguyên và Môi trường;
- UBND xã Tân Thành, huyện Đức Trọng;
- Lưu: VT, MT.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm S

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1396/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và phương án cải tạo, phục hồi môi trường của dự án Khai thác và chế biến đá xây dựng tại xã Tân Thành, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng

  • Số hiệu: 1396/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 22/06/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
  • Người ký: Phạm S
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 22/06/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản