- 1Nghị định 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 2Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 3Nghị định 04/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 92/2006/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 4Quyết định 581/QĐ-TTg năm 2011 về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Kon Tum đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 139/QĐ-UBND | Kon Tum, ngày 06 tháng 09 năm 2013 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội và Nghị định 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92/2006/NĐ-CP ;
Căn cứ Quyết định số 581/QĐ-TTg , ngày 20 tháng 4 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Kon Tum đến năm 2020;
Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân thành phố Kon Tum;
Theo đề nghị cùa Hội đồng thẩm định Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Kon Tum đến năm 2020, định hướng đến năm 2025,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Kon Tum đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 với những nội dung chủ yếu sau đây;
Xây dựng thành phố Kon Tum trở thành thành phố sinh thái. Phát triển kinh tế - xã hội phải lấy con người làm trung tâm, hài hoà giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội. Khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên không tái tạo gán với bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu đang diễn ra.
1. Mục tiêu tổng quát
Xây dựng thành phố Kon Tum trở thành vùng kinh tế động lực, xứng tầm là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hoá, khoa học, giáo dục và đào tạo; đầu mối giao lưu lớn của tỉnh và vùng Bắc Tây Nguyên; trở thành một thành phố văn minh, hiện đại, sinh thái và mang đậm bản sắc Tây Nguyên. Tiếp tục chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả theo hướng đẩy mạnh sản xuất hàng hóa. Tạo lập một môi trường sống tốt, đáp ứng các nhu cầu vật chất và tinh thần ngày càng cao của nhân dân; đảm bảo phát triển hài hoà và bền vững giũa nông thôn và thành thị. Phấn đấu đến năm 2015, xây dựng Thành phố đạt 70% tiêu chuẩn của đô thị loại II (vùng cao, vùng sâu, biên giới) và trở thành đô thị loại II giữa giai đoạn 2016-2020.
2. Mục tiêu cụ thể
2.1 Mục tiêu kinh tế:
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2011 - 2020 đạt 15,5% (giai đoạn 2011 - 2015: 16%/năm, giai đoạn 2016 - 2020: 15%/năm). Trong đó: Công nghiệp - xây dựng tăng bình quân 18,2%/năm (giai đoạn 2011-2015) và 19% - 20,5%/năm (giai đoạn 2016 - 2020). Tương ứng với 2 giai đoạn trên, khu vực dịch vụ tăng 19,4% và 19,8%/năm, nông, lâm, thủy sản tăng 10,3% và 7,2%/năm.
- Thu nhập bình quân đầu người đạt 34,7 triệu đồng/người/năm vào năm 2015 (tương đương 1.500 USD); đến năm 2020 đạt khoảng 62 triệu đồng/ người/năm (tương đương 2.600 USD).
- Cơ cấu kinh tế theo GTGT (giá hiện hành): Ngành công nghiệp - xây dựng; thương mại - dịch vụ; nông - lâm - thủy sản vào năm 2015 lần lượt là 48,35%; 41,01% và 10,64%, năm 2020 là 49,72%; 40,92 % và 9,36% .
- Về các thành phần kinh tế: phấn đấu đến năm 2020 kinh tế tư nhân và sở hữu hỗn hợp chiếm hơn 70% tổng giá trị tăng thêm của Thành phố.
2.2 Mục tiêu xã hội:
- Quy mô dân số đến năm 2015 đạt 172 nghìn người; năm 2020 trên 204 nghìn người. Lực lượng lao động năm 2020 là 94 nghìn người, trong đó khu vực nông lâm thủy sản chỉ chiếm 22,6%.
- Đến năm 2020, khu vực dịch vụ phấn đấu giải quyết việc làm cho 2.200- 2.500 lao động/năm; ngành công nghiệp giải quyết việc làm cho 1.000-1.500 lao động/năm.
- Đến 2015: 100% trạm y tế xã có bác sỹ; 90% xã, phường có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020 và đạt 100% vào năm .2020. Phấn đấu đến năm 2015 số giường bệnh viện/vạn dân là 46,7 và đến năm 2020 là 50 giường bệnh/vạn dân. Chấm dứt tình trạng quá tải của bệnh viện.
- Tỷ lệ trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia tối thiểu 45% (mầm non 45%; tiểu học 50%; trung học cơ sở 43%). Tỷ lệ huy động học sinh đi học các cấp đạt 85-90% vào năm 2015 và đạt trên 99% vào năm 2020. Hoàn thành phổ cập bậc trung học trước năm 2020. Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề lên 35% vào năm 2015 và khoảng 45% vào năm 2020.
- Xây dựng con người đô thị có nếp sống văn minh, trật tự, kỷ cương; có văn hóa ứng xử và tinh thần tự hào về truyền thống Kon Tum.
- Đến năm 2015 số xã, phường có trung tâm văn hóa - thể thao là 60% và đạt trên 90% vào năm 2020.
- Đến năm 2020, 70% số xã ngoại thành có đầy đủ sân luyện tập thể thao (sân bóng chuyền, sân bóng đá mini).
- Giảm bình quân hàng năm 3-4% số hộ nghèo, đến năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 4%.
2.3 Mục tiêu môi trường:
Đến năm 2020 các khu công nghiệp trên địa bàn phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung cho toàn khu công nghiệp; tất cả các doanh nghiệp đầu tư tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phải có hệ thống xử lý chất thải rắn, chất thải lỏng và cam kết thực hiện tạo môi trường làm việc trong lành cho người lao động.
III. PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH, LĨNH VỰC
1. Về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp
Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp - xây dựng 18,2%/năm giai đoạn 2011-2015 và 20,5% giai đoạn 2016 - 2020. Ưu tiên đầu tư phát triển các ngành mũi nhọn và các sản phẩm chủ lực, phát triển công nghiệp chế biến một số loại nông sản như: Cao su, cà phê, các sản phẩm từ rừng trồng, hoa quả và dược liệu; các ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp như chế tạo máy, nông cụ; chế biến thức ăn gia súc; giải quyết nhiều công ăn việc làm như: May mặc, da giày. Lựa chọn khai thác, chế tác một số sản phẩm từ nguồn khoáng sản hiện có như: Đá ốp lát, gạch ngói, đồ gốm, sành sứ; khuyến khích phát triển sản xuất mộc mỹ nghệ, sản phẩm mộc dân dụng phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu.
Rà soát và lựa chọn một số ngành nghề có tính cạnh tranh cao và có tiềm năng, lợi thế như: sản xuất gạch ngói, gốm, sứ có công nghệ tiên tiến, ít gây ô nhiễm môi trường để đầu tư mở rộng; Triển khai các chương trình và có chính sách trợ giúp cho công tác đào tạo nghề với sự giám sát tay nghề của các nghệ nhân trong làng nghề.
Nghiên cứu quy hoạch cụm công nghiệp sạch công nghệ cao cho vùng Bắc Tây Nguyên và cho Tam giác phát triển trong hành lang kinh tế Đông Tây.
Hoàn thành đầu tư và lấp đầy các khu công nghiệp Sao Mai, Hòa Bình; các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Thôn 5 - Hòa Bình, Đăk Hno - Lê Lợi, Thanh Trung - Vinh Quang, Kon Tơ Pach - Đăk Bla. Quy hoạch thêm một khu sản xuất tập trung đối với lĩnh vực công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp nhằm di dời dứt điểm các cơ sở sản xuất thủ công đang nằm trong khu dân cư.
Rà soát lại các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề truyền thống, trên cơ sở đó lựa chọn một số ngành nghề có tính cạnh tranh cao, mang đậm giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, gắn với các tiêu chí như: Có đội ngũ thợ lành nghề, có nguồn nguyên liệu tại chỗ, không gây ô nhiễm môi trường.
2. Về lĩnh vực dịch vụ
Phấn đấu tốc độ tăng trưởng lĩnh vực dịch vụ khoảng 19,4%/năm giai đoạn 2011 -2015 và 19,8%/năm giai đoạn 2016-2020. Thu hút lao động của lĩnh vực này vào khoảng 30%-31% vào năm 2015 và 35% vào năm 2020.
- Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá tiềm năng phát triển du lịch.
- Lựa chọn một số làng đồng bào dân tộc thiểu số tiêu biểu, đặc trưng, giàu bản sắc văn hóa trong nội thành thành phố Kon Tum để đầu tư xây dựng thành làng văn hóa du lịch, thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng.
- Xây dựng, ban hành một số cơ chế, chính sách về quản lý du lịch trên địa bàn Thành phố.
- Khuyến cáo các doanh nghiệp phải có trách nhiệm cùng nhà nước thực hiện đào tạo nghề dịch vụ, du lịch, nâng cao chất lượng lao động.
- Xây dựng mô hình thí điểm, tôn tạo, bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể.
- Phát triển mạnh các dịch vụ vận tải, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm... chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, các dịch vụ cung ứng vật tư kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp.
3. Về nông lâm thủy sản
Phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm lĩnh vực nông lâm thủy sản đạt 10,3% giai đoạn 2011-2015 và 7,2% giai đoạn 2016-2020.
- Triển khai rà soát lại các quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp. Có kế hoạch sử dụng có hiệu quả quỹ đất nông nghiệp, đất bán ngập hiện có...
- Áp dụng các tiến bộ về giống cây trồng, vật nuôi và áp dụng các biện pháp khuyến nông hữu hiệu với sự tham gia của nông dân.
- Tổng kết một số mô hình kinh doanh nông nghiệp có hiệu quả trên đất dốc, từ đó xây dựng quy trình sản xuất kinh doanh có hiệu quả phổ biến cho nông dân.
- Sử dụng hợp lý ngân sách khuyến nông, giảm dần cách tập huấn cổ truyền, tăng cường tập huấn chuyển giao kỹ thuật đầu bờ. Triển khai lồng ghép chương trình khuyến nông của các chương trình dự án hỗ trợ nông nghiệp, chương trình giảm nghèo, nhằm hỗ trợ cho nông dân và đồng bào dân tộc ít người áp dụng tốt các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi.
- Nâng cấp các công trình thủy lợi không chỉ phục vụ cho canh tác lúa mà còn phục vụ cho việc chỉnh trang đô thị, cung cấp nước sinh hoạt, du lịch...Gắn với phục vụ cho sản xuất chuyên canh rau, hoa và các cây trồng có giá trị kinh tế cao khác.
- Thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ cho hộ nông dân thực hiện cơ giới hoá nông nghiệp, phát triển công nghệ chế biến, công nghệ sau thu hoạch ở những nơi có điều kiện.
- Tiếp tục tuyên truyền và vận động liên kết 4 nhà trong tiêu thụ, sản xuất nông sản hàng hoá ở các vùng nông thôn.
- Về thông tin thị trường: Tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong tỉnh tiếp cận với thị trường trong nước và quốc tế; tổ chức các kênh giới thiệu nông sản của thành phố trên các phương tiện thông tin đại chúng.
4. Về phát triển các lĩnh vực xã hội
4.1. Dân số, lao động và giải quyết việc làm
- Tổng dân số năm 2020 khoảng 204 ngàn người; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên dưới 1,1%. Tổng số lao động khoảng 94 ngàn người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề năm 2015 đạt 35%; đến 2020 đạt trên 45%.
- Phát triển dân số dựa trên mục tiêu phát triển con người, kiểm soát mức tăng dân số tự nhiên.
- Xây dựng chiến lược nâng cao trình độ chuyên môn, khoa học kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ, lao động trên địa bàn Thành phố.
- Tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả chương trình tạo việc làm.
4.2. Giáo dục - đào tạo:
- Huy động trên 99% trẻ em trong độ tuổi đến lớp.
- Đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm tăng tính chủ động học tập của học sinh ngay từ khi bước vào bậc tiểu học.
- Tiếp tục chỉnh trang và nâng cấp hệ thống trường học.
- Thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục tất cả các trường trong địa bàn Thành phố để có kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và CBQLGD nhằm nâng cao chất lượng dạy và học.
- Ưu tiên cho các học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số vào học trong các trường chuyên nghiệp. Chú ý việc cử tuyển một số ngành cần cho cán bộ xã như y tế, giáo dục, hạ tầng. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục; phát triển hệ thống giáo dục tư thục, dân lập chất lượng cao.
4.3. Y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng
- Phát triển đồng bộ hệ thống y tế, đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Đa dạng hóa các hình thức chăm sóc sức khỏe nhân dân đi đôi với đầu tư phát triển một số cơ sở y tế chuyên sâu, kỹ thuật cao.
- Phấn đấu có 90% phường, xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020; 100% trạm y tế xã có bác sỹ; 46,7 giường bệnh/1 vạn dân vào năm 2015. Đến năm 2020,100% xã phường đạt chuẩn quốc gia về y tế xã.
- Đầu tư mạng lưới y tế dự phòng đủ khả năng dự báo, giám sát và khống chế được các dịch bệnh một cách chủ động.
- Khuyến khích đầu tư bệnh viện tư nhân chất lượng cao.
4.4. Văn hóa, thông tin, thể dục thể thao
- Tập trung tuyên truyền tới tất cả người dân về văn hóa đô thị, về phong trào xây dựng nếp sống văn minh đô thị, bảo vệ giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên.
- Vận động người dân xây dựng nếp sống văn minh, xóa bỏ các hủ tục trong cộng đồng cư dân nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
- Có kế hoạch, biện pháp phù hợp để đẩy lùi các tệ nạn xã hội, xây dựng nếp sống lành mạnh trên địa bàn thành phố.
- Tiến hành quy hoạch không gian đô thị và ven đô để giành quỹ đất đầu tư cơ sở vật chất như sân bãi, công viên phục vụ cho nhu cầu vui chơi, giải trí và phong trào luyện tập thể thao của quần chúng.
- Phối hợp tổ chức các hoạt động thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe cộng đồng hàng năm.
- Đào tạo và nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ hoạt động trong lĩnh vực này, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa trong một số lĩnh vực văn hóa, thể dục thể thao.
- Tiếp tục đầu tư, xây dựng thiết chế văn hoá trên địa bàn đáp ứng nhu cầu văn hoá tinh thần lành mạnh của người dân.
4.5. Khoa học và công nghệ
- Xây dựng chương trình nghiên cứu khoa học phục vụ trực tiếp phát triển sản xuất trong những năm tới. Nghiên cứu các chuỗi giá trị hàng hóa nông sản vùng ngoại ô, hình thành các vùng chuyên canh rau, hoa phục vụ cho thành phố và toàn tỉnh.
- Quản lý đô thị bền vững trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở vùng Tây Nguyên.
- Chương trình khoa học khuyến nông, khuyến lâm cần được tiếp tục nghiên cứu triển khai với sự hỗ trợ của các chuyên gia cấp tỉnh, cấp vùng, trung ương nhằm thực hiện tốt các mục tiêu của Đề án xây dựng nông thôn mới của Chính phủ.
4.6. Xóa đói giảm nghèo và các chính sách xã hội
Thực hiện tốt các chính sách xã hội và bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân, thu hẹp khoảng cách giàu-nghèo giữa thành thị và nông thôn. Quan tâm phát triển các chỉ số phát triển con người (HDI).
Tiếp tục thực hiện mạnh mẽ và có hiệu quả chính sách đền ơn, đáp nghĩa, chương trình giảm nghèo bền vững; cải thiện đời sống của nhóm hộ nghèo nhằm hạn chế gia tăng sự chênh lệch về thu nhập, mức sống, tài sản giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bào dân tộc thiểu số và người Kinh, giữa nhóm hộ giàu nhất và nhóm hộ nghèo nhất làm tiền đề hộ nghèo vươn lên khá, giàu. Phấn đấu giảm bình quân hàng năm 3-4% số hộ nghèo; đến năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 4%.
Vận động xã hội cùng với nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở (xóa nhà tạm) cho các đối tượng chính sách và hộ nghèo... cơ bản hoàn thành kế hoạch xóa nhà tạm trên địa bàn thành phố.
5. Bảo vệ môi trường
Kịp thời xử lý ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường các làng nghề, các khu và cụm công nghiệp; quản lý và xử lý chất thải rắn các đô thị, khu dân cư, khu cụm công nghiệp; bảo vệ đa dạng sinh học. Tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về môi trường; đào tạo, tập huấn chuyên môn, quản lý về bảo vệ môi trường. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các điểm nóng về môi trường.
6. Phát triển kinh tế gắn với bảo đảm an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội
Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh. Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị - xã hội. Xây dựng vững chắc thế trận lòng dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; thường xuyên kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ quốc phòng, công tác quân sự địa phương với bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Ngăn chặn kịp thời làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch; thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội, nhất là tội phạm thanh thiếu niên; xử lý hiệu quả các vấn đề phức tạp nảy sinh, không để bị động, bất ngờ.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng, nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, thường xuyên làm tốt công tác quân sự địa phương. Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên đủ số lượng, đảm bảo chất lượng.
Tiếp tục tuyên truyền vận động nhân dân đề cao cảnh giác, chống âm mưu thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch. Vận động nhân dân tích cực tham gia đấu tranh tố giác tội phạm. Phối hợp đồng bộ giữa gia đình, nhà trường và xã hội nhằm quản lý có hiệu quả tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật; tăng cường các biện pháp quản lý và kiềm chế tai nạn giao thông; tổ chức tốt phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở khu dân cư, nhất là tại các thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số.
7. Hệ thống kết cấu hạ tầng
7.1. Quy hoạch giao thông:
- Đường bộ: Hoàn chỉnh các đường gồm:
+ Đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 24 (đoạn qua thành phố Kon Tum).
+ Tỉnh lộ 671; Tỉnh lộ 675 (đoạn qua thành phố Kon Tum).
+ Đường từ làng Plei Đôn đi trung tâm xã Ngok Bay.
+ Đường từ thành phố Kon Tum đi trung tâm xã Đăk BLà.
+ Đường từ ngã ba Trung tín đi trung tâm xã Đăk Cấm.
- Giao thông đô thị: Khu đô thị cũ chủ yếu cải tạo chỉnh trang, hạn chế phá dỡ. Khu đô thị mới quy hoạch xây dựng hệ thống đường tiêu chuẩn cao (trong đó, tập trung đầu tư xây dựng đường phía Tây thành phố - từ xã Vinh Quang đi khu công nghiệp Sao Mai, làm tiền đề để mở rộng không gian đô thị về phía Tây thành phố).
- Đường thủy:
Xây dựng tuyến và tổ chức vận tải đường thủy trên sông Đăk Bla và các tuyến ngang sông; Phát triển hệ thống bến thủy nội địa gồm bến phục vụ dân sinh, phục vụ du lịch, bến thủy nội địa tổng hợp trên địa bàn thành phố Kon Tum phù hợp với Quy hoạch phát triển đường thủy nội địa tỉnh Kon Tum đến năm 2020.
- Đường hàng không:
Triển khai thực hiện Quy hoạch xây dựng sân bay Kon Tum đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 tại xã Ngọc Bay, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum; phục vụ bay hàng không chung, bay taxi, bay tìm kiếm cứu nạn; dùng cho cả dân dụng và quân sự.
7.2. Thủy lợi, thoát nước và vệ sinh môi trường
- Tiếp tục đầu tư xây dựng mới và nâng cấp sửa chữa các công trình thủy lợi đã có, công trình kè chống lũ cho các đồng bào dân tộc thiểu số dọc sông Đăk Bla, các công trình cấp thoát nước... theo hướng hiện đại, đồng bộ.
- Triển khai thực hiện tốt Quyết định số 288/QĐ-UBND , ngày 30/3/2011 của UBND tỉnh về quy hoạch môi trường tỉnh Kon Tum đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 cụ thể:
+ Về thoát nước thải: Chú trọng cải tạo hệ thống thoát nước đô thị tiến tới xây dựng hệ thống riêng giữa thoát nước mưa và nước bẩn sinh hoạt. Tiếp tục vận động kêu gọi dự án đầu tư xây dựng và cải tạo hệ thống thoát nước Thành phố từ nguồn vốn ODA.
+ Đối với các khu công nghiệp: Nước thải công nghiệp được xử lý tại các trạm xử lý đặt trong các khu công nghiệp.
+ Xử lý chất thải rắn: Tổ chức hợp lý các điểm trung chuyển rác trong các khu vực nội thành.
+ Lập dự án kêu gọi đầu tư nhà máy xử lý chất thải rắn tại thành phố Kon Tum.
+ Lập dự án phân loại rác sinh hoạt tại nguồn để khuyến khích kêu gọi đầu tư chế biến các sản phẩm từ rác thải.
+ Dự án phát triển nhà vệ sinh công cộng tại những nơi trung tâm, đông người.
+ Nhà tang lễ, Nghĩa địa: Xây dựng Nhà tang lễ của tỉnh và thành phố, Nghĩa trang nhân dân phía Nam thành phố thuộc địa bàn xã ChưHreng, quản lý chặt chẽ việc sử dụng nghĩa trang nhân dân (phía Bắc) hiện có.
7.3. Kiến trúc, cảnh quan đô thị
Tôn tạo và giải phóng mặt bằng xung quanh các di tích lịch sử văn hóa. Cải tạo và nâng cấp hệ thống công viên, vườn hoa, cây xanh hiện có, xây dựng các khu vui chơi giải trí trong thành phố. Phát huy lợi thế riêng có của sông Đăk Bla để thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng kiến trúc, cảnh quan đô thị của thành phố.
IV. ĐỊNH HƯỚNG TỔ CHỨC KHÔNG GIAN THÀNH PHỐ
Mở rộng không gian đô thị của thành phố từ 4.500 ha lên 10.000 ha theo hướng Bắc - Nam và Tây của thành phố. Theo đó:
- Trục Bắc - Nam: Mở rộng về phía Tây (từ Km8, xã Vinh Quang đến đèo Sao Mai) đi qua các xã Vinh Quang, phường Ngô Mây và vùng ven xã Đoàn Kết, phường Trần Hưng Đạo, xã Hòa Bình.
- Trục Đông - Tây: Quy hoạch và đầu tư các khu đô thị, trung tâm hành chính dọc 2 bên bờ sông Đăk Bla (trong phạm vi mở rộng đô thị thành phố từ 4.500 ha lên 10.000 ha).
1. Phân khu chức năng và định hướng phát triển nội thành
1.1. Khu công nghiệp: Khu công nghiệp Hòa Bình, Sao Mai tại xã Hòa Bình, Đoàn kết... Ngoài ra tổ chức các làng nghề tiểu thủ công nghiệp; các cụm công nghiệp nhỏ.
1.2. Trung tâm hành chính:
- Cấp tỉnh (dự kiến từ 150 - 300 ha): Quy hoạch dọc sông Đăk Bla (đoạn từ cầu Đăk Bla đến cầu treo Kon Klor- thuộc địa phận xã Chư Hreng);
- Cấp thành phố: Trung đoàn 66, hoặc tại các cơ sở cũ của các cơ quan tỉnh khi đã chuyển đến vị trí mới.
1.3. Trung tâm y tế: Đầu tư hoàn chỉnh Trung tâm y tế khu vực phía Nam thành phố.
1.4. Trung tâm- giáo dục đào tạo: Trung tâm giáo dục đào tạo tổ chức ở khu vực phía Tây - Bắc thành phố, gắn với phân hiệu đại học Đà Nẵng tại Kon Tum
1.5. Trung tâm thương mại dịch vụ: Tập trung tại khu vực xung quanh siêu thị Vinatex, Trung tâm thương mại. Chỉnh trang trục dịch vụ thương mại trên đường Lê Hồng Phong, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Huệ, Trần Hưng Đạo.
1.6. Trung tâm văn hóa, thể dục thể thao: Xây dựng hoàn chỉnh khu trung tâm thể dục thể thao của Tỉnh ở khu vực phía Bắc đường Trường Chinh (trước mặt Trung đoàn 66).
1.7. Khu công viên cây xanh: Tổ chức hệ thống cây xanh công viên, vườn hoa đô thị như: Công viên giọt nước ĐăkBla, Công viên Trung tâm 2/9, Công viên ĐăktorReh và Quảng trường 16.3, Công viên cây xanh đường Trương Quang Trọng, dọc sông ĐăkBla... Cây xanh tại các khu dân cư, cây xanh đường phố, trung tâm hành chính mới của tỉnh và thành phố.
2- Tổ chức không gian khu vực ngoại thành:
2.1. Tiếp tục điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Từ nay đến năm 2015, thành lập thêm 03 phường. Mở rộng quy hoạch thành phố từ 4.500 ha, lên 10.000 ha.
2.2. Tổ chức lại không gian đô thị ngoại thành theo hướng:
- Xã Ngok Bay: Gắn với Sân bay Kon Tum.
- Xã Kroong, ĐăkNăng, Iachim: Gắn với quy hoạch đô thị sinh thái thủy điện PleiKrông và Yaly.
- Xã Đoàn Kết, Hòa Bình: Gắn với Khu công nghiệp Sao Mai, Hòa Bình.
- Xã ĐăkBlà: Gắn với hồ chứa nước đa chức năng Kon Pơ Lang.
- Xã Đăk Rơ Wa, Chư Hreng: Gắn với chuỗi du lịch sinh thái Kon Kơ Tu và trung tâm hành chính mới của tỉnh.
V. PHÂN KỲ PHÁT TRIỂN TRONG THỜI KỲ QUY HOẠCH
1. Giai đoạn 2011 - 2015; Xây dựng thành phố Kon Tum đạt 70% mức tiêu chí của đô thị loại II (vùng cao, vùng sâu, biên giới):
- Tiến hành rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt các quy hoạch chi tiết ngành, lĩnh vực của Thành phố theo hưởng khai thác tối đa mọi tiềm năng, thế mạnh, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bảo đảm sự phát triển, gắn kết hài hòa giữa thành phố Kon Tum với các địa phương trong tỉnh.
- Tập trung quy hoạch chi tiết từng phân khu chức năng và quy hoạch chi tiết các phường. Công khai, minh bạch các nội dung quy hoạch không gian đô thị cho người dân và cán bộ công chức hiểu rõ để cùng thực thi các nội dung quy hoạch.
- Xây dựng đề án chuyển đổi kinh tế khu vực nông nghiệp nông thôn và triển khai thực hiện với sự trợ giúp của các ngành chức năng của tỉnh.
- Phát triển mạng lưới siêu thị quy mô vừa ở khu đô thị phía Nam vả phía Bắc thành phố.
- Tập trung nguồn lực phát triển hệ thống giao thông nội đô, giao thông hướng tâm đảm bảo hiện đại, đồng bộ.
- Chuẩn bị đầu tư một số tuyến đường lớn và mặt bằng cho mở rộng đô thị phía Nam sông ĐăkBla. Xây dựng quy hoạch chi tiết các khu đô thị mới phía Tây thành phố và dọc đường Hồ Chí Minh.
- Từng bước tổ chức triển khai đầu tư kết cấu hạ tầng Khu trung tâm hành chính mới của tỉnh; đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Đề án tái định cư, giãn dân các làng đồng bào dân tộc thiểu số nội thành thành phố Kon Tum và Phương án đầu tư hạ tầng để phát triển quỹ đất khu đô thị Nam cầu Đăk Bla...
- Về các vấn đề xã hội: Tiếp tục chỉnh trang và nâng cấp các trường học trên địa bàn thành phố, đến năm 2015 các trường trong nội thành đảm bảo số học sinh đủ chỗ học 2 buổi/ngày.
2. Giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến 2025: Xây dựng thành phố đạt tiêu chuẩn đô thị loại II (vùng cao, vùng sâu, biên giới):
Đây là giai đoạn phát triển chiều sâu và tạo đà cho thành phố cất cánh sau những năm 2020. Giai đoạn này Thành phố sẽ kết nối mạnh mẽ với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, trong tam giác phát triển Việt Nam - Lào - CampuChia. Do đó:
- Trong nông nghiệp hình thành và phát triển 3 chuỗi hàng hoá đặc trưng là rau xanh, hoa quả tươi và cao su. Các khu công nghiệp Sao Mai, Hòa Bình... và các làng nghề đi vào hoạt động với hiệu quả, chất lượng cao.
- Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết của Chính phủ về chính sách phát triển nông thôn mới.
- Tập trung hiện đại hoá kết cấu hạ tầng ở mức cao hơn, hình thành và đưa vào hoạt động một số siêu thị lớn. Kêu gọi các nhà đầu tư một số khách sạn sang trọng đón dòng khách doanh nhân vào Tây Nguyên đầu tư phát triển.
- Phát triển, mở rộng nội thành và hình thành các cụm đô thị phía Tây thành phố với các các khu đô thị mới văn minh và hiện đại, đồng bộ đảm bảo chất lượng cuộc sống của dân cư tốt hơn.
- Về phát triển xã hội, hoàn thiện phần cứng hạ tầng dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục chất lượng cao.
- Phấn đấu giảm tỷ lệ nghèo toàn thành phố xuống còn dưới 3%.
VI. DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN (có danh mục kèm theo)
VII. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỰC HIỆN QUY HOẠCH
1.Các giải pháp huy động vốn đầu tư
1.1 - Đối với nguồn vốn ngân sách địa phương
- Tập trung, ưu tiên các nguồn lực từ ngân sách để đầu tư thực hiện mục tiêu phát triển vùng kinh tế động lực Thành phố Kon Tum, hướng tới đạt tiêu chuẩn đô thị loại II vào giữa giai đoạn 2016-2020.
- Nghiên cứu, tổ chức triển khai các biện pháp huy động vốn từ quỹ đất để phát triển đô thị, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; xác định rõ danh mục các công trình được đầu tư từ nguồn vốn phát triển quỹ đất.
- Tăng cường công tác thu, tìm nguồn thu, nuôi dưỡng nguồn thu để đầu tư thực hiện các mục tiêu đã được xác định.
1.2- Đối với ngân sách Trung ương
- Lựa chọn, xác định các công trình quan trọng, cấp thiết, có tính đột phá về kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội để đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh trình Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ vốn để triển khai thực hiện.
- Phối hợp, tạo điều kiện để thực hiện tốt các dự án đầu tư của các bộ, ngành Trung ương và các tập đoàn kinh tế đầu tư trên địa bàn tỉnh (các Quốc lộ; mạng lưới điện; sân bay;...)
1.3- Vốn dân cư và các doanh nghiệp:
- Chú trọng công tác huy động vốn từ dân cư và các doanh nghiệp thông qua công tác vận động, xúc tiến đầu tư. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, các làng nghề để tạo điều kiện thu hút đầu tư các ngành công nghiệp có lợi thế của Thành phố.
- Thực hiện linh hoạt, có hiệu quả cơ chế "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Tổ chức triển khai thực hiện tốt các giải pháp, cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các ngành kinh tế mũi nhọn, sản phẩm chủ lực của tỉnh và vào địa bàn vùng kinh tế động lực.
- Tăng cường xã hội hóa một số lĩnh vực: giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, du lịch... nhằm phát huy nội lực, thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng nguồn thu ngân sách và giảm các khoản chi từ ngân sách cho các lĩnh vực này.
1.4- Huy động vốn từ nguồn ODA: Chủ động đề xuất danh mục dự án vận động nguồn vốn ODA cho từng giai đoạn; đồng thời, làm tốt công tác chuẩn bị dự án và tiếp cận với các tổ chức được Chính phủ cho phép triển khai hoạt động trên địa bàn tỉnh để vận động, kêu gọi đầu tư.
1.5- Nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI): Tích cực cải thiện môi trường đầu tư, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính, kết hợp với các giải pháp tăng cường vận động, xúc tiến đầu tư để tăng cường thu hút nguồn vốn FDI.
1.6- Nguồn viện trợ của các tổ chức phi chính phủ: Phối hợp, tạo điều kiện để tranh thủ các nguồn vốn từ các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội để giải quyết các vấn đề của địa phương, giảm áp lực chi ngân sách.
2. Cơ chế, chính sách
- Nghiên cứu xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách tạo vốn đầu tư phát triển đô thị; chỉnh trang đô thị.
- Tổ chức thực hiện tốt các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp; triển khai các hình thức đầu tư mới như BT, BOO, BOT, PPP,...
3. Phát triển nguồn nhân lực
- Là địa phương đi đầu trong công tác phổ cập giáo dục trung học và trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
- Tập trung nâng cấp các trường dạy nghề cả hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật và đội ngũ giáo viên. Khảo sát, đánh giá kỹ nhu cầu của doanh nghiệp toàn vùng Bắc Tây nguyên và nhu cầu xuất khẩu lao động trong khu vực và các thị trường khác để thiết kế quy mô đào tạo hợp lý. Kết hợp với doanh nghiệp và khuyến khích doanh nghiệp kết hợp đào tạo nguồn nhân lực để đón đầu thị trường lao động cùng ngành ở vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung.
Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề mang tính truyền thống (truyền nghề).
- Tổ chức thực hiện tốt chính sách thu hút nguồn nhân lực Tỉnh đã ban hành. Nghiên cứu xây dựng chế độ kiêm nhiệm, chế độ thuê tư vấn, thuê chuyên gia để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ các trường Đại học danh tiếng, các Viện nghiên cứu hợp tác với Thành phố.
4. Nâng cao năng lực quản lý hành chính; xây dựng chính quyền các cấp vững mạnh
- Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính và tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức; đẩy mạnh cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
- Tăng cường năng lực cho chính quyền Thành phố trong việc quản lý và phát triển đô thị. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của UBND các xã, phường, các cơ quan chuyên môn thuộc Thành phố.
- Xây dựng đội ngũ cán bộ của thành phố có trình độ, năng lực, ý thức trách nhiệm cao, tâm huyết với công việc, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Rà soát để tổ chức bồi dưỡng hoặc đào tạo lại các cán bộ trẻ về quản lý đô thị phát triển bền vững. Phấn đấu cán bộ quản lý có trình độ từ Cao đẳng, Đại học trở lên, nắm vững kiến thức về quản lý đô thị hiện đại mang bản sắc Tây Nguyên đạt 50-60% vào năm 2015 và đạt 100% vào năm 2020.
- Củng cố năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ bằng cách tuyển cán bộ trẻ, có năng lực và được đãi ngộ về làm cán bộ chuyên trách tại các xã phường của Thành phố. Ưu tiên nâng cao trình độ chuyên môn làm hạt nhân lãnh đạo trẻ trong quá trình phát triển của Thành phố.
- Tập trung xây dựng hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở thực sự trong sạch, vững mạnh. Huy động tối đa sức mạnh tổng hợp cả về vật chất và tinh thần của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố Kon Tum, sự ủng hộ của cán bộ, nhân dân trên địa bàn tính để xây dựng và phát triển thành phố tương xứng với vai trò, vị trí trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh; bảo đảm phát triển bền vững, kết hợp giữa phát triển chiều rộng với phát triển chiều sâu.
5. Khoa học - công nghệ
- Nghiên cứu xây dựng quỹ khuyến khích sáng tạo và chuyển giao công nghệ, từ nguồn ngân sách nghiên cứu khoa học và huy động sự đóng góp của doanh nghiệp trên địa bàn.
- Tổ chức xây dựng các chương trình, dự án nghiên cứu khoa học và công nghệ phù hợp với nhu cầu phát triển, trong đó ưu tiên nghiên cứu về cấp thoát nước, hệ thống sinh thái đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu, cơ cấu kinh tế đô thị và phát triển nông thôn ven đô, lựa chọn mô hình phát triển đô thị xanh và thích ứng với biến đổi môi trường trong vùng Tây Nguyên.
- Tăng cường chỉ đạo ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, đời sống và trong công tác quản lý. Khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng công nghệ mới tiến bộ hơn vào sản xuất.
6. Hợp tác phát triển với các huyện, trong tỉnh, trong vùng
- Tổ chức trao đổi, thảo luận với các huyện trong tỉnh và các huyện, thành phố lân cận thuộc các tỉnh trong vùng về những vấn đề chung của các địa phương và các nội dung cần phối hợp, hỗ trợ trong từng thời kỳ.
- Tổ chức tham quan, học hỏi kinh nghiệm về quản lý đô thị phát triển bền vững; tổ chức các cuộc hội thảo về phát triển đô thị sinh thái mang đậm bản sắc văn hóa Tây nguyên với các Thành phố khác trong vùng và đề nghị các thành phố khác luân phiên tổ chức để trao đổi những bài học quý giá về phát triển đô thị sinh thái, bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu toàn cầu.
VIII. TỔ CHỨC VÀ GIÁM SÁT THỰC HIỆN QUY HOẠCH
1. Tổ chức công bố, phổ biến Quy hoạch
Tổ chức công bố, phổ biến Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Kon Tum đến năm 2020 cho cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, trong Thành phố.
Tổ chức giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, lợi thế của Thành phố; các chương trình, dự án ưu tiên nghiên cứu đầu tư.
2. Xây dựng chương trình hành động
- Sau khi Quy hoạch được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, trên cơ sở các mục tiêu của quy hoạch, Thành phố cần xây dựng chương trình hành động để thực hiện quy hoạch;
- Cụ thể hoá các mục tiêu Quy hoạch bằng các kế hoạch trung hạn, ngắn hạn để thực hiện Quy hoạch có hiệu quả. Hàng năm có đánh giá việc thực hiện quy hoạch, trên cơ sở đó tiến hành rà soát, kiến nghị theo thẩm quyền việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố trong từng thời kỳ;
- Các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch.
Điều 2. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Kon Tum đến năm 2020 là cơ sở cho việc lập, trình duyệt và triển khai thực hiện các quy hoạch xây dựng; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch khác có liên quan, các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố Kon Tum.
Điều 3. Giao Ủy ban nhân dân thành phố Kon Tum căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ và phương hướng phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố trong Quy hoạch được phê duyệt; chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan chỉ đạo việc lập, trình duyệt và triển khai thực hiện theo quy định các nội dung sau:
1. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trung hạn và ngắn hạn; các chương trình, dự án cụ thể để tập trung thu hút đầu tư, ưu tiên bố trí nguồn vốn một cách hợp lý.
2. Nghiên cứu xây dựng, ban hành, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành (nếu vấn đề vượt quá thẩm quyền) một số cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển của Thành phố trong từng giai đoạn, nhằm thu hút, huy động các nguồn lực để thực hiện Quy hoạch.
Điều 4. Các Sở, ban, ngành liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:
1. Hướng dẫn và giúp Ủy ban nhân dân thành phố Kon Tum trong quá trình thực hiện quy hoạch; nghiên cứu xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành một số chủ trương, cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Kon Tum trong từng giai đoạn nhằm sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; khuyến khích, thu hút đầu tư theo mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố nêu trong Quy hoạch.
2. Nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh, bổ sung vào quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực của tỉnh để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa các Quy hoạch; xem xét, hỗ trợ Thành phố trong việc bố trí và huy động các nguồn vốn đầu tư trong nước và nước ngoài để thực hiện Quy hoạch; tổ chức triển khai các chương trình, dự án do sở, ngành quản lý thực hiện trên địa bàn Thành phố đảm bảo hiệu quả và tiến độ quy định.
Điều 5. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 6. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Kon Tum chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
|
I. Nguồn vốn ngân sách nhà nước, ODA và Trái phiếu Chính phủ
1. Đường ngã ba Trung Tín đi trung tâm xã Đăk Cấm, tổng mức đầu tư: 119,8 tỷ đồng, đã bố trí đến năm 2013 là: 119,35 tỷ đồng;
2. Đường từ TP. Kon Tum đi trung tâm xã Đăk Bla (đường Trần Văn Hai,) tổng mức đầu tư: 89,9 tỷ đồng, đã bố trí đến năm 2013 là: 89,04 tỷ đồng;
3. Đường từ làng Plei Đôn đi trung tâm xã Ngọk Bay (đường đi qua xã Vinh Quang), tổng mức đầu tư: 102 tỷ đồng, đã bố trí đến năm 2013 là: 58,61 tỷ đồng;
4. Kè chống sạt lở quốc lộ 24 (đoạn qua Thành phố Kon Tum) tổng mức đầu tư: 102 tỷ đồng, đã bố trí đến năm 2013 là: 70 tỷ đồng;
5. Kè chống sạt lở sông ĐắkBla (đoạn qua làng Plei Đôn và Kon Rờ Bàng -TP. Kon Tum), tổng mức đầu tư: 622 tỷ đồng, đã bố trí đến năm 2013 là: 204,85 tỷ đồng;
6. Đường Trần Phú nối dài (đoạn Bạch Đằng - Bờ kè ĐăkBla), tổng mức đầu tư: 72,85 tỷ đồng đã bố trí đến năm 2011 là: 31,039 tỷ đồng;
7. Đường Trần Phú nối dài phía Bắc thành phố Kon Tum tổng mức đầu tư: 37,3 tỷ đồng, đã bố trí đến năm 2012 là: 29,5 tỷ đồng;
8. Công viên giọt nước ĐăkBla, tổng mức đầu tư ước khoảng: 27 tỷ đồng đã bố trí đến năm 2012 là: 12,7 tỷ đồng;
9. Đường từ Quốc lộ 14 đi trung tâm xã Hoà Bình, dự kiến khoảng: 30 tỷ đồng.
10. Đường từ Quốc lộ 14 đi trung tâm xã Chưhreng, dự kiến khoảng: 100 tỷ đồng.
11. Đường từ tỉnh lộ 671 đi trung tâm xã Kroong, dự kiến khoảng 30 tỷ đồng.
12. Đường từ tỉnh lộ 671 đi trung tâm xã Đăk Rơ Wa, dự kiến khoảng 41 tỷ đồng.
13. Đường từ QL 14 đi trung tâm xã Đăk Tơ Re (Đoạn từ kè Bạch Đằng- cầu treo Đăk Rơ Wa), tổng mức đầu tư khoảng 300 tỷ đồng.
14. Dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung thành phố Kon Tum, dự kiến khoảng 1.000 tỷ đồng, từ nguồn vốn ODA và ngân sách Nhà nước đầu tư.
15. Dự án xây dựng bãi chôn lấp chất thải rắn nguy hại tại thành phố Kon Tum, dự kiến khoảng: 300 tỷ đồng, từ nguồn vốn ODA và ngân sách Nhà nước.
16. Khu đô thị phía Nam cầu ĐăkBla, dự kiến khoảng 618 tỷ đồng, từ nguồn kêu gọi đầu tư.
17. Làng nghề tiểu thủ công nghiệp, dự kiến khoảng 100 tỷ đồng;
18. Cải tạo sông ĐăkBla (đoạn qua Trung tâm Thành phố), dự kiến khoảng 700 tỷ đồng.
19. Xây dựng hồ chứa đa năng Kon Pơ Lang, xã Đăk Rơ Wa, dự kiến khoảng 200 tỷ đồng.
20. Khu liên hợp thể thao, dự kiến khoảng 300 tỷ đồng
21. Khu trung tâm hành chính của tỉnh và thành phố, dự kiến khoảng 800 tỷ đồng.
22. Cải tạo nâng cấp hệ thống cung cấp nước sinh hoạt, dự kiến khoảng 800 tỷ đồng.
23. Dự án kè chống lũ lụt, sạt lở các làng đồng bào dân tộc thiểu số dọc sông Đăk Bla (đoạn từ làng plei Groi đến làng Kon Klor 2 và từ làng Kon Hra Chót đến làng Kon Tum Kơ Pơng) khoảng 900 tỷ đồng.
24. Dự án đường bao khu dân cư phía Bắc thành phố Kon Tum (đoạn từ đường Trần phú đến cầu treo Kon Klor) khoảng 340 tỷ đồng.
25. Dự án Đường bao khu dân cư phía Nam thành phố Kon Tum (đoạn từ đường Hồ Chí Minh đến cầu treo Kon Klor, khoảng 215 tỷ đồng.
26. Cầu qua sông Đăk Bla (qua khu TT hành chính mới), khoảng 100 tỷ đồng.
II. Nguồn vốn kêu gọi đầu tư + ngân sách nhà nước:
1. Khu dân cư phía Bắc Phường Duy Tân, dự kiến khoảng 300 tỷ đồng.
2. Lò giết mổ gia súc, dự kiến khoảng 3 tỷ đồng.
3. Khu vui chơi giải trí (3 đến 5 điểm), dự kiến khoảng 60 tỷ đồng.
4. Sân bay Kon Tum tại xã Ngọk Bay, dự kiến khoảng 2.000 tỷ đồng.
5. Đường phía Tây thành phố - từ xã Vinh Quang đi khu công nghiệp Sao Mai, dự kiến khoảng 4.000 tỷ đồng.
6. Dự án phân loại rác sinh hoạt tại nguồn để khuyến khích kêu gọi đầu tư chế biến các sản phẩm từ rác thải, dự kiến khoảng 1 tỷ đồng.
7. Dự án phát triển nhà vệ sinh công cộng tại những nơi trung tâm đông người, dự kiến khoảng 1,5 tỷ đồng.
8.Dự án XD mô hình cộng đồng bảo vệ môi trường nông thôn, dự kiến khoảng 5 tỷ đồng.
9. Một số hạng mục thiết yếu khác (Bến xe, chợ, siêu thị... ), dự kiến khoảng 1.200 tỷ đồng.
III. Nguồn vốn kêu gọi đầu tư:
1. Khu chung cư đường Trần Cao Vân, dự kiến khoảng 200 tỷ đồng.
2. Khu Trung tâm nghỉ ngơi ĐăkBla, dự kiến khoảng 300 tỷ đồng.
3. Trường học đa cấp chất lượng cao, dự kiến khoảng 800 tỷ đồng.
4. Bệnh viện tư nhân đa khoa, dự kiến khoảng 300 tỷ đồng.
- 1Quyết định 1335/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- 2Quyết định 1336/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- 3Quyết định 1334/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- 1Nghị định 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 2Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 3Nghị định 04/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 92/2006/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 4Quyết định 581/QĐ-TTg năm 2011 về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Kon Tum đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Quyết định 1335/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- 6Quyết định 1336/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- 7Quyết định 1334/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- 8Quyết định 288/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt Dự án quy hoạch bảo vệ môi trường tỉnh Kon Tum đến năm 2020, định hướng đến năm 2025
Quyết định 139/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum đến năm 2020, định hướng đến năm 2025
- Số hiệu: 139/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 06/09/2013
- Nơi ban hành: Tỉnh Kon Tum
- Người ký: Nguyễn Văn Hùng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 06/09/2013
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực