Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 138/QĐ.UB

Long Xuyên, ngày 13 tháng 04 năm 1992

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ LÀM VIỆC CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 11/7/1989;

Căn cứ Công văn số 360 ngày 5/11/1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc ban hành một số quy định về tiếp tục đổi mới chế độ làm việc của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Các quy định trước đây của Ủy ban nhân dân tỉnh trái nội dung quy định này đều bãi bỏ.

Điều 3. Các ông thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh, ông Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, giám đốc các sở chủ nhiệm ủy ban, trưởng ban trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện - thị chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Lưu: VPUB.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Khánh

 

QUY CHẾ

LÀM VIỆC CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 138/QĐ.UB ngày 13/4/1992)

Trong những năm gần đây, cùng với việc thực hiện đổi mới cơ chế quản lý kinh tế - xã hội của tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã cải tiến một bước chế độ làm việc và đã có một số tiến bộ nhất định. Tuy nhiên, so với yêu cầu chỉ đạo, quản lý của cơ quan hành pháp trong tình hình nhiệm vụ và cơ chế mới thì còn hạn chế.

Nguyên nhân chủ yếu là do đây là lĩnh vực còn mới, Hội đồng Bộ trưởng chưa có hướng dẫn cụ thể và chưa có mô hình thực tiễn. Mặt khác, nhận thức và quan điểm về công tác quản lý hành chính Nhà nước vừa còn giản đơn, vừa chưa được thống nhất.

Việc đổi mới một cách cơ bản chế độ làm việc của Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ được thực hiện sau khi có Hiến pháp mới và các luật có liên quan.

Trước mắt, vận dụng theo tinh thần một số quy định của Hội đồng Bộ trưởng về đổi mới chế độ làm việc, Ủy ban nhân dân tỉnh quy định một số điểm cụ thể về chế độ làm việc của Ủy ban nhân dân tỉnh như sau:

I. TẬP THỂ ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH:

a) Tập thể Ủy ban nhân dân bao gồm chủ tịch, các phó chủ tịch và ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh.

Ủy ban nhân dân tỉnh làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Mỗi thành viên vừa chịu trách nhiệm chung về công việc của Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng thời chịu trách nhiệm riêng về phần công việc của mình do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phân công phụ trách. Khi thảo luận tập thể nếu có những ý kiến khác nhau thì ý kiến Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh là ý kiến quyết định cuối cùng.

Tập thể Ủy ban nhân dân thảo luận thông qua những loại vấn đề chính sau đây:

- Xây dựng kế hoạch biện pháp phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, ngân sách Nhà nước, xử lý những cân đối lớn chủ yếu cho nền kinh tế quốc doanh hàng năm và 5 năm.

- Quyết định về tổ chức bộ máy thuộc hệ thống chính quyền theo phân cấp.

- Cụ thể hóa các chủ trương của Trung ương, của Tỉnh ủy và của Hội đồng nhân dân về cơ chế chính sách lớn và những vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, kinh tế đối ngoại.

- Báo cáo và chương trình công tác hàng năm, 6 tháng quí của Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Các quyết định, chỉ thị của Ủy ban nhân dân tỉnh về những vấn đề quan trọng khác…

Các vấn đề trên sẽ được thảo luận tại các kỳ họp thường lệ hoặc bất thường của Ủy ban nhân dân. Trong trường hợp không họp toàn thể được thì gởi văn bản dự thảo cho các thành viên để đóng góp ý kiến trước khi ký quyết định ban hành.

b) Các kỳ họp của Ủy ban nhân dân:

- Ủy ban nhân dân tỉnh họp thường lệ mỗi tháng một lần. Ngoài ra còn có các cuộc họp, hội nghị chuyên đề sơ tổng kết công tác v.v…. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh triệu tập, chủ tọa, điều khiển hội nghị. Khi Chủ tịch vắng Phó Chủ tịch thay. Các thành viên của Ủy ban nhân dân có trách nhiệm tham gia đầy đủ các phiên họp định kỳ của Ủy ban nhân dân trừ những trường hợp phải đi dự hội nghị cấp trên hoặc vì lý do sức khỏe, đồng thời chuẩn bị tốt đề án được phân công, thảo luận và thông qua các vấn đề thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân. Phiên họp thường lệ Ủy ban nhân dân chỉ gồm các thành viên Ủy ban nhân dân và các tổ chức theo luật định. Khi cần thiết Ủy ban nhân dân tỉnh có thể họp mở rộng.

- Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh có nhiệm vụ giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chuẩn bị chương trình nội dung hội nghị. Nếu hội nghị có tính chất chuyên ngành thì các ngành chủ đề tài phối hợp với văn phòng chuẩn bị. Nếu những văn bản có liên quan đến nhiều ngành thì Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức phối hợp để chuẩn bị trước khi trình ra Ủy ban nhân dân. Những nội dung do sở, ban, huyện, thị chuẩn bị nếu xét thấy nội dung chuẩn bị chưa đạt yêu cầu chưa đúng quy định thì không đưa vào chương trình hội nghị.

Quy trình cuộc hội nghị gồm những vấn đề chủ yếu:

Xác định mục đích, nội dung và yêu cầu phải đạt được.

Thành phần tham dự.

Thời gian, địa điểm.

Soạn thảo các văn bản và gởi trước cho các thành viên dự họp hoặc hội nghị chậm nhất trước 3 ngày (nếu đã ấn định ngày giờ họp thì gởi kèm theo thơ mời).

Lãnh đạo hội nghị chuẩn bị nội dung tóm tắt để giới thiệu và gợi ý những vấn đề tập trung cần phải thảo luận. Các đại biểu phát biểu thảo luận phải ngắn gọn, cần nói rõ đồng ý hay không đồng ý điểm nào, cần sửa đổi bổ sung những gì, không phát biểu tràn lan làm loãng nội dung và kéo dài thời gian.

Không chấp nhận đại biểu đi dự hội nghị không đúng thành phần quy định. Đại biểu đi dự phải có trách nhiệm dự họp đầy đủ từ đầu đến cuối.

Sau những cuộc họp hoặc hội nghị, Văn phòng Ủy ban nhân dân có thông báo kết luận của hội nghị đến các thành viên, hoặc các sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thị (đã được Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch thông qua).

II. CHỦ TỊCH VÀ CÁC PHÓ CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH (BỘ PHẬN THƯỜNG TRỰC CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH)

Chủ tịch Ủy ban nhân dân và các Phó Chủ tịch là bộ phận Thường trực của Ủy ban nhân dân để chỉ đạo công việc hàng ngày của Ủy ban nhân dân. Thường trực Ủy ban nhân dân không phải là một cấp mà là sự phân công để làm việc.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh: Là người đứng đầu Ủy ban nhân dân, lãnh đạo và điều hành công tác của Ủy ban nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của Ủy ban nhân dân tỉnh trước Hội đồng nhân dân và Hội đồng Bộ trưởng.

- Các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân: Ngoài trách nhiệm chung của Thường trực Ủy ban các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh được Chủ tịch phân công một số lĩnh vực, ngành hoặc chương trình công tác lớn của Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo, điều hòa phối hợp hoạt động của các sở, ban trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh được phân công phụ trách. Tổ chức triển khai thực hiện các quyết định của Hội đồng Bộ trưởng, của các bộ ngành Trung ương có liên quan và của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Phó Chủ tịch sau khi trao đổi thống nhất với Chủ tịch được thay mặt Chủ tịch Ủy ban nhân dân quyết định một số vấn đề thuộc thẩm quyền Ủy ban nhân dân trong lĩnh vực mình phụ trách để thực hiện các chủ trương của Ủy ban nhân dân, của luật và pháp lệnh đã ban hành. Những vấn đề khác thuộc cơ chế, chính sách chung thì đưa vào chương trình họp thường lệ hoặc bất thường của Ủy ban nhân dân để thảo luận quyết định.

- Phó Chủ tịch trực Ủy ban nhân dân tỉnh: Ngoài phần trực tiếp phụ trách các lĩnh vực được phân công như các Phó Chủ tịch khác, còn có nhiệm vụ giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân điều hành công việc hàng ngày của Ủy ban nhân dân như: quản lý và tổ chức thực hiện chương trình làm việc của Ủy ban nhân dân, giải quyết những vấn đề không thuộc các Phó Chủ tịch khác phụ trách, phối hợp với các Phó Chủ tịch khác để xử lý những vấn đề có liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, thay mặt Chủ tịch Ủy ban nhân dân khi Chủ tịch đi vắng.

- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch sử dụng các chuyên viên tổng hợp thuộc từng khối để làm thư ký trong các cuộc hội nghị, lập biên bản và biên tập dự thảo các văn bản để điều hành công việc hàng ngày thuộc lĩnh vực mình phụ trách.

Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh mỗi tuần hội ý một lần vào sáng thứ hai để:

- Xử lý các công việc thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh theo kiến nghị, đề xuất của các Phó Chủ tịch, các giám đốc sở, chủ nhiệm ủy ban, trưởng ban trực thuộc và Ủy ban nhân dân huyện, thị.

- Nghe Chánh Văn phòng báo cáo những công việc chính đã xử lý trong tuần và quyết định công việc của mình tuần tới. Nghe thông báo các nghị quyết, chỉ thị của Hội đồng Bộ trưởng mới ban hành trong tuần và có ý kiến triển khai thực hiện.

- Tại kỳ họp tuần cuối tháng còn chuẩn bị nội dung, chương trình cho kỳ họp của tập thể Ủy ban nhân dân.

Chủ tịch và các Phó Chủ tịch ít nhất mỗi tháng một lần đi kiểm tra các mặt công tác tại các cơ sở.

III. VIỆC RA VĂN BẢN VÀ THẨM QUYỀN KÝ VĂN BẢN:

Văn bản pháp quy của Ủy ban nhân dân theo luật định. Có hai hình thức chính là: quyết định và chỉ thị. Ngoài ra còn có các loại văn bản khác như thông báo, công văn…

Về thẩm quyền ký các văn bản pháp quy của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ký các văn bản thuộc về chủ trương cơ chế chính sách, tổ chức nhân sự, đối ngoại.

Phó Chủ tịch trực ký thay các văn bản thuộc thẩm quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh khi Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đi vắng. Thay mặt Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ký một số văn bản thuộc thẩm quyền Ủy ban nhân dân để điều hành xử lý công việc cụ thể thuộc lĩnh vực mình phụ trách và những vấn đề có liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều ngành và nhiều địa phương.

Các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ký thay Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh các văn bản mang tính chất đôn đốc, kiểm tra, điều hành, xử lý các công việc cụ thể trong phạm vi lĩnh vực mình được phân công phụ trách.

Không ra văn bản pháp quy với danh nghĩa Thường trực Ủy ban hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân.

Về thủ tục trình ký ban hành văn bản:

- Văn bản pháp quy của Ủy ban nhân dân tỉnh đều phải được thể hiện bằng hình thức văn bản chính thức, không sử dụng văn bản duyệt bên góc để làm văn bản pháp quy.

- Tất cả các văn bản pháp quy trước khi trình ký đều phải có chữ ký tắt của Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Văn bản do các sở, ủy ban, ban trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh dự thảo đối với những vấn đề quan trọng khi trình ký phải có tờ trình của giám đốc sở, chủ nhiệm ủy ban, trưởng ban và cũng phải gởi qua Chánh Văn phòng Ủy ban. Trường hợp Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các chuyên viên nhận trực tiếp cũng phải chuyển qua văn phòng để làm thủ tục trình ký. Khi tiếp nhận văn phòng phải trình ký ngay trong ngày. Trường hợp để chậm phải thông báo rõ lý do.

- Các văn bản có liên quan đến kinh phí, ngân sách, tài chính phải được tập thể Thường trực Ủy ban bàn bạc trước khi ký.

- Các văn bản pháp quy sau khi Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ký, Chánh Văn phòng có trách nhiệm sao nguyên bản chính và phát hành qua văn thư thuộc văn phòng. Không phát hành những văn bản chính (bản gốc) có bút tích của Chủ tịch, Phó Chủ tịch, văn bản này để lưu tại kho lưu trữ của văn phòng (trừ các văn bản gửi lên cấp trên, các quyết định về tổ chức cán bộ, xử lý hành chính được phát hành nguyên bản gốc.

IV. CÁC ỦY VIÊN ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH, GIÁM ĐỐC SỞ, CHỦ NHIỆM ỦY BAN, TRƯỞNG BAN THUỘC ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH, CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN, THỊ XÃ:

Ủy viên Ủy ban nhân dân vừa là thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh vừa trực tiếp làm giám đốc sở, chủ nhiệm ủy ban, trưởng ban thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm đối với nhiệm vụ chung của Ủy ban nhân dân tỉnh và trách nhiệm người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành.

- Giám đốc các sở, chủ nhiệm ủy ban, trưởng ban trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức bộ máy thông suốt từ tỉnh đến cơ sở, phải chủ động quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền và chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân những vấn đề thuộc ngành, lĩnh vực mình phụ trách trong toàn tỉnh. Đồng thời phối hợp trao đổi ý kiến với các sở, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị những vấn đề có liên quan, xử lý công việc theo đúng trách nhiệm và thẩm quyền, đúng thời gian quy định. Những vấn đề vượt quá thẩm quyền của mình và những vấn đề qua phối hợp giữa các ngành cũng như với chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị mà không thống nhất xin ý kiến quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, và phải có kiến nghị cả giải pháp xử lý của mình. Những vấn đề liên quan giữa hai ngành hoặc nhiều ngành khi trình lên Ủy ban nhân dân phải có ý kiến của các ngành có liên quan.

Giám đốc sở, chủ nhiệm ủy ban, trưởng ban thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị nếu có yêu cầu làm việc với Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh phải đăng ký trước với Chánh Văn phòng để đưa vào chương trình, lịch làm việc. Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện làm việc theo chương trình, theo lịch thông báo trước, hết sức hạn chế việc mời gọi đột xuất. Trường hợp khẩn cấp các sở, ban, huyện, thị báo cho Chánh Văn phòng để bố trí ưu tiên Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ tiếp và làm việc theo chương trình và lịch làm việc của Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã phải chấp hành và thực hiện nghiêm túc các quyết định của Chủ tịch và Ủy ban nhân dân tỉnh. Đồng thời phối hợp với giám đốc các sở và thủ trưởng các ban, ngành để trao đổi và thống nhất ý kiến trên các lĩnh vực trong tổ chức thực hiện.

V. VĂN PHÒNG ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH:

- Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh là bộ máy làm việc của Ủy ban nhân dân tỉnh và của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, có vị trí ngang các sở, ban cấp tỉnh, với chức năng tham mưu tổng hợp và phục vụ hậu cần cho mọi sự hoạt động của Ủy ban nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Có tư cách pháp nhân, được sử dụng con dấu riêng, là cấp dự toán ngân sách, được mở tài khoản tại Cục kho bạc tỉnh, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh làm việc theo chế độ thủ trưởng, Chánh Văn phòng là người đứng đầu Văn phòng chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của Văn phòng.

- Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh có nhiệm vụ chủ yếu là:

1. Xây dựng chương trình làm việc năm, quí, tháng và kế hoạch hoạt động của Ủy ban nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, tổ chức theo dõi đôn đốc các sở, ban, ủy ban trực thuộc Ủy ban nhân dân và Ủy ban nhân dân các huyện, thị thực hiện đúng chương trình, kế hoạch và các văn bản pháp quy của Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Tổ chức thẩm tra các đề án, phương án, các văn bản khác do các sở, ủy ban, ban thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và các huyện, thị chuẩn bị trình Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nhằm bảo đảm đúng thẩm quyền đảm bảo nội dung hình thức và pháp lý của văn bản. Được tham gia ý kiến với các sở trong việc chuẩn bị xây dựng đề án, phương án phù hợp với chương trình hoạt động và chủ trương của Ủy ban nhân dân tỉnh. Được phép từ chối tiếp nhận những vấn đề liên quan giữa hai ngành hoặc nhiều ngành mà các ngành liên quan chưa có ý kiến.

3. Thu thập và xử lý thông tin, cung cấp thông tin cho Ủy ban nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, nghiên cứu đề xuất ý kiến để phục vụ việc ban hành các văn bản và sự điều hành của Ủy ban nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân.

Tổng hợp làm báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh theo định kỳ, gởi các cơ quan cấp trên và cấp dưới.

Được đề nghị các sở, ban, ngành, công ty, xí nghiệp cung cấp thông tin, tư liệu, số liệu cần thiết theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

4. Tổ chức phục vụ các phiên họp của Ủy ban nhân dân, các cuộc hội nghị do Ủy ban nhân dân tỉnh triệu tập, các cuộc họp làm việc của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh với các ngành, các địa phương và khách nước ngoài.

Được tham dự các hội nghị thường kỳ của Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân, Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh và các hội nghị sơ tổng kết hoặc chuyên đề của các ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân các địa phương. Phải cử thư ký tổng hợp lại biên bản, thông báo kết luận các cuộc hội nghị, cuộc họp do Ủy ban nhân dân tỉnh triệu tập.

Tổ chức tiếp tân, tiếp dân bảo đảm lịch sự, nhã nhặn và trật tự. Phối hợp với Chánh Thanh tra Nhà nước tỉnh giúp Thường trực Ủy ban giải quyết kịp thời những khiếu nại tố cáo của công dân theo đúng thẩm quyền và đúng luật.

5. Tổ chức việc phổ biến các văn bản pháp quy của Hội đồng Bộ trưởng của các bộ, ngành Trung ương các văn bản của Ủy ban nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương trên phạm vi lãnh thổ.

Được thừa lệnh Chủ tịch Ủy ban nhân dân ký các văn bản của Thường trực Ủy ban như thông báo, công văn thường, chương trình làm việc, báo cáo tháng, thư triệu tập hội nghị, giấy giới thiệu công tác, sao lục các văn bản của Trung ương và của tỉnh.

Được tổ chức truyền đạt các chủ trương, chỉ thị, quyết định hoặc ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ủy ban cho các sở, ban, ngành cấp tỉnh, ủy ban nhân dân huyện, thị khi được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ủy nhiệm.

6. Quản lý công tác tài chính theo chế độ quy định bảo đảm cho mọi hoạt động của Ủy ban nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

Quản lý tài sản, bảo đảm phương tiện làm việc của Ủy ban nhân dân của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh theo chế độ quy định.

Làm nhiệm vụ công tác hậu cần cho hoạt động của Ủy ban nhân dân, cho Chủ tịch và Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

7. Bảo đảm công tác hành chính, văn thư, lưu trữ theo quy định chung.

Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh được trang bị máy vi tính, điện thoại nội bộ. Giúp văn phòng ủy ban nhân dân cấp dưới tổ chức công tác văn phòng nhất là công tác nghiệp vụ.

Được đi tham quan, nghiên cứu học tập trao đổi kinh nghiệm trong nước và ngoài nước.

Các công chức Nhà nước và nhân viên phục vụ của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh khi làm việc tại trụ sở phải chấp hành tốt các quy định về lề lối làm việc của văn phòng, chế độ trách nhiệm, chế độ bảo mật… chấp hành tốt quy định về y phục của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Về tổ chức bộ máy biên chế lề lối làm việc của văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ được quy định trong văn bản cụ thể riêng.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

Trên đây là một số quy định chủ yếu để thi hành trước mắt. Sau khi Quốc hội thông qua Hiến pháp sửa đổi và luật mới về tổ chức Hội đồng Bộ trưởng, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và có sự hướng dẫn của Hội đồng Bộ trưởng, sẽ tiếp tục hoàn chỉnh để trình Ủy ban nhân dân tỉnh thông qua.

- Căn cứ vào quy chế này các sở, ủy ban, ban và ủy ban nhân dân các huyện, thị xây dựng quy chế cho ngành mình, địa phương mình để thực hiện.

- Trong quá trình thực hiện có thuận lợi, khó khăn gì, cần thay đổi bổ sung điểm nào, kịp thời báo cáo về Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh để xem xét giải quyết./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 138/QĐ.UB năm 1992 về Quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang

  • Số hiệu: 138/QĐ.UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 13/04/1992
  • Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
  • Người ký: Nguyễn Hữu Khánh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 13/04/1992
  • Ngày hết hiệu lực: 01/03/1995
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản