Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1377/QĐ-UBND

Bình Định, ngày 15 tháng 4 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH THIẾT KẾ MẪU MẶT ĐƯỜNG BÊ TÔNG XI MĂNG ĐỂ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH BÊ TÔNG HÓA GIAO THÔNG NÔNG THÔN, GIAI ĐOẠN 2021 - 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18/6/2014 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 23/7/2020;

Căn cứ Nghị quyết số 29/2020/NQ-HĐND ngày 06/12/2020 của HĐND tỉnh về Chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh;

Căn cứ Quyết định số 94/2020/QĐ-UBND ngày 28/12/2020 của UBND tỉnh về việc Ban hành Chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh;

Theo đề nghị của Sở Giao thông vận tải tại Văn bản số 47/TTr-SGTVT ngày 08/4/2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này thiết kế mẫu mặt đường bê tông xi măng để thực hiện Chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn, giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh, với nội dung chính như sau:

1. Đối với các tuyến đường giao thông nông thôn thực hiện Chương trình bê tông hóa

a. Đường cấp A: Mặt đường BTXM cho đường cấp A được thiết kế với tải trọng 6 tấn/trục. Lớp mặt bằng BTXM M250 đá 2x4 dày 20cm.

b. Đường cấp B: Mặt đường BTXM cho đường cấp B được thiết kế với tải trọng 2,5 tấn/trục. Lớp mặt bằng BTXM M250 đá 2x4 dày 18cm.

c. Đường cấp C: Mặt đường BTXM cho đường cấp C được thiết kế với tải trọng 2,5 tấn/trục. Lớp mặt bằng BTXM M200 đá 2x4 dày 16cm.

d. Đường cấp D: Lớp mặt bằng BTXM M200 đá 2x4 dày 16m.

2. Đối với các tuyến đường GTNT bị hư hỏng thực hiện sửa chữa, mở rộng .

a. Đối với các tuyến đường huyện: Sửa chữa, mở rộng các tuyến đường huyện đạt bề rộng mặt đường 5,5m, lớp mặt bằng BTXM M300 đá 2x4 dày 22 cm.

b. Đối với các tuyến đường xã (đường từ trung tâm xã xuống thôn, liên xã, trục chính xã): Sửa chữa, mở rộng các tuyến đường xã đạt bề rộng mặt đường tối đa 5,5m, lớp mặt bằng BTXM M300 đá 2x4 dày 20 cm.

c. Đối với các tuyến GTNT còn lại:

- Các đoạn tuyến đạt quy mô loại A, bề rộng mặt đường 3,5m bị hư hỏng hoàn toàn. Lớp mặt đường sửa chữa bằng BTXM M250 đá 2x4 dày 20 cm.

- Các đoạn tuyến đạt quy mô loại B, bề rộng mặt đường 3,0 m bị hư hỏng hoàn toàn. Lớp mặt đường sửa chữa bằng BTXM M250 đá 2x4 dày 18 cm.

(Chi tiết có thuyết minh thiết kế mẫu kèm theo).

Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Giao thông vận tải, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Nguyễn Tự Công Hoàng

 

THIẾT KẾ MẪU

MẶT ĐƯỜNG BÊ TÔNG XI MĂNG GIAO THÔNG NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH
(Kèm theo Quyết định số: 1377/QĐ-UBND ngày 15/4/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh).

Chương I

THIẾT KẾ MẪU

I. PHẠM VI ÁP DỤNG

- Các loại đường thuộc phạm vi chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn giai đoạn 2021 - 2025 được phê duyệt tại Quyết định số 94/2020/QĐ-UBND ngày 28/12/2020 của UBND tỉnh về việc Ban hành Chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh.

- Áp dụng cho đường GTNT thuộc loại đường ít xe (lưu lượng xe quy đổi trong một ngày đêm ≤ 200). Đối với đường GTNT loại A, loại B khi có trên 15% tổng lưu lượng xe là xe tải nặng (tải trọng trục lớn hơn 6000 kg) và bê tông hóa các đường GTNT có bề rộng mặt đường lớn hơn quy mô tối thiểu tại mục II chương II thì thiết kế kết cấu mặt đường theo quy định hiện hành.

II. TÀI LIỆU HƯỚNG DẪN

1. TCVN 4054 : 2005 Đường ô tô - Yêu cầu thiết kế.

2. TCVN 10380:2014 Đường giao thông nông thôn - yêu cầu thiết kế.

3. Quyết định số 4927/QĐ-BGTVT ngày 25 tháng 12 năm 2014 của Bộ Giao thông Vận tải về việc ban hành hướng dẫn lựa chọn quy mô kỹ thuật đường giao thông nông thôn phục vụ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020.

4. Quyết định số 1951/QĐ-BGTVT ngày 17 tháng 8 năm 2012 của Bộ Giao thông Vận tải về việc ban hành Quy định tạm thời về kỹ thuật thi công và nghiệm thu mặt đường bê tông xi măng trong xây dựng công trình giao thông.

5. Quyết định số 3230/QĐ-BGTVT ngày 14 tháng 12 năm 2012 của Bộ Giao thông Vận tải về việc ban hành Quy định tạm thời về thiết kế mặt đường bê tông xi măng thông thường có khe nối trong xây dựng công trình giao thông.

III. THIẾT KẾ MẪU KẾT CẤU MẶT ĐƯỜNG GTNT BẰNG BÊ TÔNG XI MĂNG (BTXM)

1. Đối với bê tông hóa GTNT

Theo Quyết định số 94/2020/QĐ-UBND ngày 28/12/2020 của UBND tỉnh, kết cấu áo đường tương ứng với từng cấp đường sau đây chỉ áp dụng cho bê tông hóa đường GTNT đối với các đường GTNT chưa bê tông hóa (đường đất cấp phối đồi, cấp phối đá dăm,…)

1.1. Đường cấp A: Mặt đường BTXM cho đường cấp A được thiết kế với tải trọng 6 tấn/trục. Lớp mặt bằng BTXM M250 đá 2x4 dày 20cm.

1.2. Đường cấp B: Mặt đường BTXM cho đường cấp B được thiết kế với tải trọng 2,5 tấn/trục. Lớp mặt bằng BTXM M250 đá 2x4 dày 18cm.

1.3. Đường cấp C: Mặt đường BTXM cho đường cấp C được thiết kế với tải trọng 2,5 tấn/trục. Lớp mặt bằng BTXM M200 đá 2x4 dày 16cm.

1.4. Đường cấp D: Lớp mặt bằng BTXM M200 đá 2x4 dày 16m.

Hình 1: Kết cấu mặt đường điển hình cho đường GTNT. Bề rộng nền đường, mặt đường, lề đường theo từng cấp đường (A, B, C, D) xem phụ lục 2

2. Đối với hỗ trợ xi măng để sửa chữa, mở rộng các tuyến đường GTNT bị hư hỏng

2.1. Đối với các tuyến đường huyện: Sửa chữa, mở rộng các tuyến đường huyện đạt bề rộng mặt đường 5,5m, lớp mặt bằng BTXM M300 đá 2x4 dày 22 cm. Kết cấu mặt đường xem hình 2.

Hình 2: Các tuyến đường huyện sau khi sửa chữa, mở rộng có mặt đường đạt bề rộng 5,5m

2.2. Đối với các tuyến đường xã (đường từ trung tâm xã xuống thôn, liên xã, trục chính xã): Sửa chữa, mở rộng các tuyến đường xã đạt bề rộng mặt đường tối đa 5,5m, lớp mặt bằng BTXM M300 đá 2x4 dày 20 cm. Kết cấu mặt đường xem hình 3.

Hình 3: Các tuyến đường xã sau khi sửa chữa, mở rộng có mặt đường đạt bề rộng tối đa 5,5m

2.3. Đối với các tuyến GTNT còn lại

2.3.1. Các đoạn tuyến đạt quy mô loại A, bề rộng mặt đường 3,5m bị hư hỏng hoàn toàn. Lớp mặt đường sửa chữa bằng BTXM M250 đá 2x4 dày 20 cm.

Hình 4: Kết cấu mặt đường các đoạn tuyến đạt quy mô loại A, bề rộng mặt đường 3,5m sau khi được sửa chữa

2.3.2. Các đoạn tuyến đạt quy mô loại B, bề rộng mặt đường 3,0 m bị hư hỏng hoàn toàn. Lớp mặt đường sửa chữa bằng BTXM M250 đá 2x4 dày 18 cm. Kết cấu mặt đường xem hình 4.

Hình 4: Kết cấu mặt đường các đoạn tuyến đạt quy mô loại B, bề rộng mặt đường 3,0m sau khi được sửa chữa.

Chương II

HƯỚNG DẪN ÁP DỤNG THIẾT KẾ MẪU

I. YÊU CẦU VỀ NỀN ĐƯỜNG

- Nền đường phải bảo đảm ổn định, duy trì được các kích thước hình học, có đủ cường độ để chịu được các tác động của tải trọng xe và của các yếu tố thiên nhiên trong suốt thời gian sử dụng.

- Hệ thống thoát nước của đường cần phải để đảm bảo cho nền đường và mái dốc ổn định và không làm ảnh hưởng đến hệ thống tưới tiêu của nông nghiệp (nếu có).

- Độ chặt nền đường nói chung không được nhỏ hơn 90%. Trong mọi trường hợp, 30cm lớp trên cùng của nền đường phải được lu lèn chặt, độ chặt yêu cầu tối thiểu từ 93% đến 95%.

- Khi khu vực xây dựng nền đường qua vùng đất yếu, sình lầy, đất không thích hợp,... mà không thể tránh được thì phải có thiết kế đặc biệt với những biện pháp xử lý thích hợp: xử lý thay đất, xử lý thoát nước, bố trí công trình chống đỡ và phòng hộ nền đường, xử lý nền đất yếu, xử lý chống sụt lở,…

II. XÁC ĐỊNH CẤP KỸ THUẬT ĐƯỜNG GTNT

Trong phạm vi chương trình chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn giai đoạn 2021 - 2025 được phê duyệt tại Quyết định số 94/2020/QĐ-UBND ngày 28/12/2020 của UBND tỉnh, các cấp kỹ thuật đường GTNT được đề cập gồm 4 cấp: cấp A, cấp B, cấp C và cấp D. Việc lựa chọn cấp hạng kỹ thuật tuyến đường tùy thuộc vào chức năng của đường và lưu lượng xe thiết kế theo các quy định hiện hành.

Tiêu chuẩn kỹ thuật của các tuyến đường theo các cấp A, B, C và D trong phạm vi chương trình chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn giai đoạn 2021 - 2025 cần đảm bảo các yêu cầu sau:

1. Đường cấp A

- Tốc độ tính toán: 30 (20) km/h;

- Chiều rộng mặt đường: 3,5 m;

- Chiều rộng lề đường: 1,50 (1,25) m;

- Chiều rộng nền đường: 6,5 (6,0) m;

- Độ dốc siêu cao lớn nhất: 6%;

- Bán kính đường cong nằm tối thiểu: 60 (30) m;

- Bán kính đường cong nằm tối thiểu không siêu cao: 350 (200) m;

- Độ dốc dọc lớn nhất: 9 (11)%;

- Chiều dài lớn nhất của đoạn có dốc dọc lớn hơn 5%: 300 m;

- Tĩnh không thông xe: 4,5 m.

2. Đường cấp B

- Tốc độ tính toán: 20 (15) km/h;

- Chiều rộng mặt đường: 3,0 m;

- Chiều rộng lề đường: 1,0 (0,5) m;

- Chiều rộng của nền đường: 5,0 (4,0) m;

- Độ dốc siêu cao lớn nhất: 5%;

- Bán kính đường cong nằm tối thiểu: 30 (15) m;

- Độ dốc dọc lớn nhất: 5 (13)%;

- Chiều dài lớn nhất của đoạn có dốc dọc lớn hơn 5%: 300 m;

- Tĩnh không thông xe: 3,5 m.

3. Đường cấp C

- Tốc độ tính toán: 15 (10) km/h;

- Chiều rộng mặt đường: 2,5 m;

- Chiều rộng nền đường: 4,0 (3,0) m;

- Bán kính đường cong nằm tối thiểu: 15 m;

- Độ dốc dọc lớn nhất: 5 (15)%;

- Chiều dài lớn nhất của đoạn có dốc dọc lớn hơn 5%: 300 m;

- Tĩnh không thông xe không nhỏ hơn 3,0 m.

4. Đường cấp D

- Bề rộng mặt đường: 2,0 m;

- Bề rộng nền đường: 4,0 (3,0) m;

- Bán kính đường cong nằm tối thiểu: 5 m;

Chú thích:

- Số trong ngoặc (.) chỉ áp dụng cho các trường hợp điều kiện địa hình khó khăn vùng trung du và miền núi.

- Chiều rộng nền đường, mặt đường, lề đường trên đây là tối thiểu, không khống chế chiều rộng tối đa.

III. HƯỚNG DẪN ÁP DỤNG KẾT CẤU MẪU MẶT ĐƯỜNG

1. Đối với bê tông hóa đường GTNT: Gồm các bước:

Bước 1: Nền đường đạt yêu cầu theo mục I chương này.

Bước 2: Xác định cấp kỹ thuật của đường theo mục II chương này. Trong trường hợp tuyến đường có quy mô bề rộng tối thiểu theo mục II chương này thì tiếp tục thực hiện Bước 3.

Bước 3: Tương ứng với cấp kỹ thuật đường GTNT được xác định, áp dụng kết cấu mẫu mặt đường BTXM theo hướng dẫn tại mục III.1 chương I.

2. Đối với hỗ trợ xi măng để sửa chữa, mở rộng các tuyến đường GTNT bị hư hỏng: Gồm các bước:

Bước 1: Nền đường đạt yêu cầu theo mục I chương này.

Bước 2: Xác định loại đường được sửa chữa, mở rộng: đường huyện, đường xã,… theo quy định và xác định cấp kỹ thuật của đường theo mục II chương này. Trong trường hợp mặt đường có bề rộng như đề cập tại mục III.22 chương I thì tiếp tục thực hiện Bước 3.

Bước 3: Tương ứng với loại đường, cấp kỹ thuật của đường được xác định, áp dụng kết cấu mẫu mặt đường BTXM theo hướng dẫn tại mục III.2 chương I.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1377/QĐ-UBND năm 2021 về thiết kế mẫu mặt đường bê tông xi măng để thực hiện Chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn, giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Bình Định

  • Số hiệu: 1377/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 15/04/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định
  • Người ký: Nguyễn Tự Công Hoàng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/04/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản