Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1369/QĐ-BNN-CBTTNS

Hà Nội, ngày 18 tháng 04 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN MÍA ĐƯỜNG ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

Căn cứ Nghị định số 15/2017/NĐ-CP ngày 17/2/2017 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Văn bản số 1013/VPCP-NN ngày 26/1/2018 của Văn phòng Chính phủ về việc phê duyệt đề án phát triển mía đường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;

Căn cứ Quyết định số 3739/QĐ-BNN-KH ngày 27/8/2014 phê duyệt danh mục và phân giao nhiệm vụ quản lý các dự án điều tra cơ bản và quy hoạch mở mới năm 2015 của Bộ Nông nghiệp và PTNT;

Căn cứ Quyết định số 4776/QĐ-BNN-KH ngày 31/10/2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Đề cương dự toán Dự án Rà soát, điều chỉnh Quy hoạch phát triển mía đường đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản và Vụ trưởng Vụ Kế hoạch,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Đề án phát triển mía đường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” với các nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

a) Phát triển mía đường phải phù hợp với định hướng phát triển tổng thể của ngành nông nghiệp và cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nhằm khai thác có hiệu quả lợi thế kinh tế và lợi thế so sánh về đất đai, điều kiện tự nhiên của từng vùng, địa phương để phát triển bền vững.

b) Xây dựng các vùng nguyên liệu mía tập trung phù hợp với công suất chế biến của các nhà máy đường; có kết cấu hạ tầng đồng bộ, đảm bảo điều kiện thực hiện cơ giới hóa, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ nhằm đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; đảm bảo hài hòa lợi ích của người trồng mía với doanh nghiệp sản xuất đường.

c) Phát triển mía đường phải phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế; đáp ứng nhu cầu cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; từng bước đổi mới cơ cấu sản phẩm đường, đồng thời đa dạng hóa các sản phẩm sau đường và cạnh đường, tận dụng tối đa phụ phẩm sau chế biến để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và khả năng cạnh tranh của ngành mía đường Việt Nam.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Mục tiêu tổng quát

Nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành mía đường; đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, từng bước hướng tới thị trường xuất khẩu.

2. Mục tiêu cụ thể

- Đến năm 2020: diện tích sản xuất mía ổn định 300.000 ha, sản lượng mía trên 20 triệu tấn; sản lượng đường 2,0 triệu tấn.

- Đến năm 2030: giữ ổn định diện tích, tăng năng suất để đạt sản lượng mía 24 triệu tấn, sản lượng đường 2,5 triệu tấn.

- Nâng tỷ lệ đường tinh luyện; tận dụng các phụ phẩm từ sản xuất mía đường để sản xuất điện, cồn, phân vi sinh và các sản phẩm phụ khác để tăng giá trị gia tăng của chuỗi sản xuất mía đường.

III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN

1. Định hướng phát triển đến năm 2020

a) Sản xuất mía nguyên liệu

- Tổng diện tích mía nguyên liệu: 300.000 ha, trong đó vùng nguyên liệu tập trung là 285.500 ha, tập trung ở các vùng như sau:

+ Vùng Trung du miền núi phía Bắc: 29.100 ha;

+ Vùng Duyên hải Bắc Trung Bộ: 55.000 ha;

+ Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ: 66.000ha;

+ Vùng Tây Nguyên: 64.700 ha;

+ Vùng Đông Nam Bộ: 26.500 ha;

+ Vùng Đồng bằng sông Cửu Long: 44.000 ha.

- Năng suất mía bình quân: 68-70 tấn/ ha.

- Chữ đường bình quân: 11-12 CCS;

- Sản lượng mía: 20-21 triệu tấn, trong đó sản lượng mía đưa vào ép 19,0 triệu tấn.

- Năng suất đường: 7,0 tấn đường/ha.

b) Sản xuất đường

- Sản lượng đường đạt khoảng 2,0 triệu tấn; trong đó 1,3 triệu tấn đường tinh luyện; 0,7 triệu tấn đường trắng và đường khác.

- Không xây dựng thêm nhà máy sản xuất đường mới, chỉ mở rộng công suất các nhà máy hiện có ở vùng còn khả năng phát triển vùng nguyên liệu. Tổng công suất thiết kế của các nhà máy là 174.000 tấn mía/ngày, phân theo từng vùng như sau:

+ Vùng Trung du miền núi phía Bắc: tổng công suất nhà máy là 14.300 tấn mía/ngày;

+ Vùng Duyên hải Bắc Trung Bộ: tổng công suất nhà máy là 35.000 tấn mía/ngày;

+ Vùng Duyên hải Nam Trung bộ: tổng công suất nhà máy là 37.800 tấn mía/ngày;

+ Vùng Tây Nguyên: tổng công suất nhà máy là 38.400 tấn mía/ngày;

+ Vùng Đông Nam Bộ: tổng công suất nhà máy là 17.000 tấn mía/ngày;

+ Vùng Đồng bằng sông Cửu Long: tổng công suất nhà máy là 31.500 tấn mía/ngày.

- Tập trung đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ để thay đổi cơ cấu sản phẩm (tăng tỷ lệ đường trắng, đường tinh luyện), nâng cao công suất ép và hiệu suất thu hồi. Đến năm 2020, có ít nhất trên 70% nhà máy (cụm nhà máy) có công suất trên 4.000 tấn mía/ngày; rút ngắn thời gian ép bình quân còn 110-115 ngày/vụ.

c) Sử dụng phế phụ phẩm

Khuyến khích các nhà máy đầu tư sản xuất các sản phẩm từ phế phụ phẩm sản xuất đường để nâng cao hiệu quả. Cụ thể:

- Sản xuất điện từ bã mía: Dự kiến khối lượng bã mía được sử dụng để sản xuất điện khoảng 5,5 triệu tấn/năm (chiếm 90% lượng bã mía từ sản xuất đường). Sản lượng điện đạt khoảng 1,1 triệu kWh/năm, trong đó điện lên lưới đạt 20-30%. Hình thành cụm công nghiệp mía đường và điện năng đối với các nhà máy có công suất từ 6.000 tấn mía/ngày trở lên.

- Sản xuất cồn từ mật rỉ: Dự kiến khối lượng mật rỉ được sử dụng để sản xuất cồn khoảng 200.000 - 220.000 tấn/năm (chiếm 22-24% tổng lượng mật rỉ từ sản xuất đường), sản xuất được khoảng 56.000 kg cồn 100%/năm, tương ứng 70.000 lít/năm.

- Sản xuất phân vi sinh hữu cơ từ bã bùn: Dự kiến khối lượng bã bùn được sử dụng để sản xuất phân vi sinh hữu cơ khoảng 600.000 tấn/năm (chiếm 66% tổng lượng bã bùn từ sản xuất đường), sản xuất được khoảng 350.000 tấn phân vi sinh hữu cơ/năm.

2. Định hướng phát triển đến năm 2030

a) Sản xuất mía nguyên liệu

Giữ ổn định diện tích mía nguyên liệu tập trung khoảng 300.000 ha; năng suất mía bình quân đạt 75-80 tấn/ha; chữ đường bình quân 12-13 CCS; sản lượng mía đạt khoảng 24.0 triệu tấn; năng suất đường đạt khoảng 8,5 tấn đường/ha.

b) Sản xuất đường

Tổng công suất thiết kế của các nhà máy khoảng 230.000 tấn mía/ngày; sản lượng đường khoảng 2,5 triệu tấn, trong đó đường tinh luyện là 1,6 triệu tấn, đường trắng và các loại đường khác 0,9 triệu tấn. Có trên 90% nhà máy (cụm nhà máy) đạt công suất từ 4.0 tấn mía/ngày trở lên.

c) Sử dụng phế phụ phẩm

Khối lượng bã mía được tái sử dụng để sản xuất điện khoảng 7 triệu tấn/năm (chiếm 91% tổng khối lượng bã mía từ sản xuất đường), sản xuất được khoảng 1.500-1.600 triệu kWh điện/năm; trong đó sản lượng điện lên lưới đạt 300.000 kWh/năm. Mở rộng các cụm công nghiệp mía đường và điện năng.

Lượng mật rỉ được sử dụng để sản xuất cồn khoảng 330.000 tấn/năm (chiếm khoảng 29% tổng lượng mật rỉ từ sản xuất đường). Tổng sản lượng cồn 100% đạt 80.000 kg/năm, tương ứng 100.000 lít/năm.

Lượng bã bùn được sử dụng để sản xuất phân bón là 770.000 tấn/năm (chiếm khoảng 67% tổng lượng bã bùn từ sản xuất đường). Sản lượng phân hữu cơ vi sinh đạt khoảng 500.000 tấn/năm.

(Các chỉ tiêu phát triển sản xuất mía và đường của từng địa phương tại Phụ lục kèm theo).

IV. CÁC NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu mía

a) Rà soát, xây dựng, phát triển các vùng nguyên liệu mía theo hướng phát huy lợi thế vùng:

- Xây dựng tiêu chí vùng nguyên liệu gắn với lợi thế của từng vùng, tương ứng với việc hình thành các trung tâm chế biến công nghiệp để tạo điều kiện rà soát, xây dựng, phát triển các vùng sản xuất mía nguyên liệu ở các địa phương.

Phân chia các vùng có lợi thế phát triển mía nguyên liệu như sau:

+ Vùng có lợi thế phát triển: Bắc Trung bộ, Tây Nguyên;

+ Vùng có lợi thế tương đối, dễ bị ảnh hưởng của quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa: Đông Nam bộ, Duyên hải Nam Trung bộ;

+ Vùng ít có lợi thế, nhưng vẫn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội của vùng đó và cây mía vẫn có ưu thế nhất định so với cây trồng khác: miền núi phía Bắc, ĐBSCL (vùng nguyên liệu chung của nhiều nhà máy).

- Xây dựng các vùng nguyên liệu theo hướng hợp tác, liên kết các nhà máy để hình thành hệ thống chế biến đường thô và đường luyện, kết hợp với việc phát triển điện thương phẩm từ bã mía, sản xuất cồn.

b) Nâng cao hiệu quả sản xuất, hạ giá thành mía nguyên liệu:

- Nghiên cứu, chuyển giao công nghệ nhằm chủ động cung cấp đủ giống năng suất, chất lượng cao, chín rải vụ phù hợp với từng vùng sinh thái trên phạm vi cả nước và khả năng chế biến.

Hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách để tăng cường năng lực cho các Viện nghiên cứu về giống mía, sản xuất đường. Huy động nguồn lực xã hội (doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế hợp tác) cùng với nguồn lực hỗ trợ của nhà nước (tỷ lệ 70/30) để phát triển giống mía năng suất, chất lượng cao phù hợp với từng vùng nguyên liệu và của từng nhà máy. Các doanh nghiệp sản xuất đường chủ động việc nhân giống, cung cấp cho trồng mới hàng năm đối vùng nguyên liệu mía phục vụ cho nhà máy.

- Xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn (liền vùng, liền khoảnh), áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, hạ giá thành nguyên liệu mía.

Khuyến khích nông dân tích tụ ruộng đất, chuyển nhượng đất, cho thuê đất, hình thành cánh đồng mía lớn gắn với các hình thức kinh tế hợp tác.

Thực hiện việc chuyển đổi diện tích đất bằng trồng lúa 1 vụ hoặc một số cây trồng khác không hiệu quả để phát triển diện tích mía, thuận lợi cho việc áp dụng cơ giới hóa, hạ giá thành sản xuất và tăng thu nhập cho người nông dân.

Tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng mía, kết hợp cơ giới hóa với thủy lợi hóa. Áp dụng máy móc trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất nguyên liệu, đặc biệt là khâu thu hoạch.

2. Nâng cao năng lực chế biến, cơ cấu lại ngành đường

a) Tiếp tục rà soát những nhà máy, những vùng không có khả năng đáp ứng nguyên liệu để có thể di chuyển nhà máy đến vùng có lợi thế hơn.

b) Cơ cấu lại sản phẩm chế biến theo chuẩn quốc tế (đường thô và đường luyện). Khuyến khích liên kết các nhà máy đường để hình thành hệ thống các nhà máy cung cấp đường thô và các nhà máy chế biến đường tinh luyện, nâng cao hiệu quả hoạt động của các nhà máy.

c) Hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư đa dạng hóa sản phẩm mía đường: cải thiện giá điện sinh khối để các doanh nghiệp đầu tư có hiệu quả cho sản xuất điện từ bã mía. Cùng với chủ trương của Nhà nước bắt buộc các phương tiện vận tải sử dụng xăng E5, chú trọng nghiên cứu và hỗ trợ sản xuất ethanol làm nhiên liệu sinh học từ mía và mật rỉ.

3. Tổ chức hệ thống tiêu thụ nội địa và xuất khẩu

a) Nâng cao vai trò của Hiệp hội Mía đường Việt Nam trong việc xây dựng và thực hiện các cơ chế kiểm soát giá thu mua nguyên liệu mía của nông dân; giá bán buôn đường của các nhà máy; giá đường xuất khẩu; giá bán đường trên thị trường nội địa.

b) Đẩy mạnh các hoạt động ngăn chặn đường nhập lậu một cách hiệu quả, tập trung vào các đầu mối buôn lậu lớn và có chế tài xử phạt nghiêm khắc.

c) Xây dựng hệ thống dữ liệu, cập nhật thông tin thị trường đường thế giới để chủ động tham gia vào các giao dịch khi có đủ điều kiện.

V. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Về khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực

a) Giống mía:

- Tuyển chọn, phục tráng giống tốt hiện có, khảo nghiệm kết luận giống mía nhập khẩu phù hợp các vùng sinh thái; đồng thời nghiên cứu phát triển giống mía mới có năng suất, chữ đường cao, nhất là giống mới phù hợp với điều kiện của từng vùng, miền, địa phương thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Sớm hình thành hệ thống sản xuất giống ba cấp, để tạo giống năng suất, chữ đường cao cung cấp cho người trồng mía. Phấn đấu đến năm 2020 đảm bảo 100% diện tích mía được trồng bằng giống từ cơ sở nhân giống của doanh nghiệp chế biến mía đường cung cấp.

b) Cơ giới hóa: thực hiện cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất, chăm sóc, thu hoạch; áp dụng các giải pháp cơ giới hóa tiên tiến nhằm cải tạo đất, chống rửa trôi, giữ độ ẩm của đất, giảm tổn thất sau thu hoạch.

c) Thủy lợi, tưới nước: áp dụng đa dạng các hình thức tưới tiêu: tưới tràn, tưới phun, tưới thấm, tưới nhỏ giọt theo hướng tiết kiệm nguồn nước, đạt hiệu quả kinh tế cao.

d) Canh tác: thực hiện quy trình canh tác thâm canh theo chiều sâu từ làm đất, trồng, chăm sóc, thu hoạch; áp dụng giải pháp trồng xen cây họ đậu, phủ lá giữa hai hàng/luồng mía, bón phân theo dinh dưỡng đất và quy trình thâm canh phù hợp...

đ) Tăng cường công tác khuyến nông, đào tạo, tập huấn; xây dựng các mô hình trình diễn, chuyển giao kỹ thuật và công nghệ tiên tiến cho nông dân; Đào tạo, huấn luyện, hướng dẫn nông dân nâng cao kiến thức trồng trọt canh tác cây mía.

e) Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng quản trị, nghiệp vụ kinh doanh cho các doanh nghiệp chế biến đường; hỗ trợ các nhà máy đường trong việc đào tạo, đào tạo lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật trình độ cao, đáp ứng nhu cầu sản xuất, yêu cầu vận hành các dây chuyền thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến.

g) Thực hiện hợp tác, liên kết giữa các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước với các doanh nghiệp, gắn đào tạo với sử dụng lao động tại chỗ hoặc đặt hàng về đào tạo.

h) Các doanh nghiệp mía đường chủ động xây dựng các dự án phát triển: giống, thuỷ lợi, tưới, cơ giới hóa, giảm tổn thất sau thu hoạch, khuyến nông, đào tạo nguồn nhân lực để đầu tư.

2. Về đầu tư và tín dụng

a) Áp dụng các chính sách hỗ trợ và ưu đãi đầu tư hiện hành cho các nội dung quy định của Quyết định này thông qua các chính sách về phát triển giống cây trồng, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; cơ giới hóa, giảm tổn thất sau thu hoạch, thủy lợi, xây dựng nông thôn mới, đồng phát điện, sản xuất xăng sinh học ethanol.

b) Đề xuất, phối hợp với các bộ ngành, địa phương về hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho các nhà máy vay đầu tư, phát triển sản xuất mía, đường theo quy định hiện hành; tăng hình thức cho vay tín chấp đối với người trồng mía, nhất là vùng sâu, vùng xa, hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn.

3. Về tiêu thụ và xúc tiến thương mại

a) Xây dựng phương án sản xuất kinh doanh phù hợp với thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và biến đổi khí hậu; theo dõi chặt chẽ tình hình cung - cầu để đề xuất biện pháp điều hành sản xuất, tiêu thụ đường phù hợp, hiệu quả.

b) Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện để các nhà máy, công ty mía đường liên kết xây dựng các bạn hàng chiến lược, xây dựng thương hiệu, nhãn mác hàng hóa và tăng cường xúc tiến thương mại mía đường.

c) Nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, để thực hiện tốt việc phối hợp các nhà máy đường trong các lĩnh vực tiêu thụ, thông tin, dự báo thị trường, xúc tiến thương mại, khoa học, công nghệ; tiến tới chủ động điều tiết, bình ổn thị trường, đảm bảo lợi ích cho cả doanh nghiệp, nông dân và người tiêu dùng.

4. Về cơ chế, chính sách

a) Nghiên cứu đề nghị Chính phủ xây dựng, ban hành Nghị định về sản xuất và kinh doanh mía đường, tạo hành lang pháp lý điều chỉnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh mía đường; có chính sách hỗ trợ ngành đường phát triển ổn định, bền vững.

b) Khuyến khích Hiệp hội mía đường Việt Nam xây dựng Quỹ phát triển mía đường để hỗ trợ người trồng mía, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mía đường phù hợp cơ chế thị trường, hạn chế và tiến tới không hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước.

VI. Một số dự án ưu tiên

- Dự án nghiên cứu, lai tạo các giống mía chịu hạn, chịu mặn trong điều kiện biến đổi khí hậu.

- Dự án Hỗ trợ xây dựng các mô hình giống 3 cấp.

- Dự án nghiên cứu, xây dựng các quy trình kỹ thuật thâm canh phù hợp từng giống mía, phù hợp với từng vùng sinh thái và địa hình đất dốc.

- Dự án nghiên cứu, đầu tư, nâng cấp, xây dựng hệ thống thủy lợi và kỹ thuật tưới nước cho mía thâm canh phù hợp với điều kiện của từng vùng sinh thái.

- Dự án nghiên cứu chế tạo máy thu hoạch mía phù hợp với điều kiện sản xuất vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

- Đề án Phát triển chế biến phế phụ phẩm từ mía đường.

Nguồn kinh phí thực hiện: từ ngân sách trung ương, địa phương và huy động nguồn lực xã hội thông qua các chương trình, dự án khoa học - công nghệ và dự án đầu tư.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và các địa phương hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện Đề án.

- Tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án; đề xuất sửa đổi, bổ sung Đề án khi cần thiết.

- Đề xuất danh mục các dự án ưu tiên để thực hiện Đề án theo từng thời kỳ, phù hợp với cơ chế chính sách hiện hành.

- Xem xét đề nghị xây dựng và ban hành Nghị định về sản xuất và kinh doanh mía đường.

2. Các cục, vụ và các đơn vị liên quan thuộc Bộ

Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp với Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản triển khai thực hiện Đề án.

3. Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Căn cứ vào Đề án này, Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh có nhà máy đường rà soát, xây dựng, phê duyệt Đề án phát triển mía đường phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

4. Hiệp hội Mía đường Việt Nam và các doanh nghiệp sản xuất mía, đường

Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương tổ chức phổ biến, triển khai thực hiện Đề án.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ trưởng;
- Các Thứ trưởng;
- Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Bộ: KH&ĐT, Công Thương, Tài chính;
- Ngân hàng Nhà nước VN;
- Hiệp hội Mía đường VN;
- Lưu: VT, CBTTNS.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Thanh Nam

 

PHỤ LỤC

CHỈ TIÊU PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT MÍA ĐƯỜNG ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số 1369/QĐ-BNN-CBTTNS ngày 18 tháng 4 năm 2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

TT

Chỉ tiêu

ĐVT

Thực hiện 2015

Định hướng phát triển

Đến năm 2020

Đến năm 2030

 

TOÀN QUỐC

 

 

 

 

1

Diện tích mía nguyên liệu

Ha

231.374

285.510

299.262

2

Tổng công suất thiết kế các nhà máy đường

Tấn mía/ ngày

154.950

174.000

230.900

I

VÙNG TRUNG DU MIỀN NÚI PHÍA BẮC

 

 

 

 

1

Diện tích mía nguyên liệu

Ha

20.435

29.080

29.080

2

Tổng công suất thiết kế các nhà máy đường

Tấn mía/ ngày

12.100

14.300

21.800

1.1

Tỉnh Cao Bằng

 

 

 

 

1

Diện tích mía nguyên liệu

Ha

2.334

3.500

3.500

2

Tổng công suất thiết kế các nhà máy đường

Tấn mía/ ngày

1.800

1.800

1.800

1.2

Tỉnh Tuyên Quang

 

 

 

 

1

Diện tích mía nguyên liệu

Ha

11.635

15.500

15.500

2

Tổng công suất thiết kế các nhà máy đường

Tấn mía/ ngày

5.800

7.000

11.000

1.3

Tỉnh Sơn La

 

 

 

 

1

Diện tích mía nguyên liệu

Ha

4.926

5.480

5.480

2

Tổng công suất thiết kế các nhà máy đường

Tấn mía/ ngày

2.500

3.500

5.000

1.4

Tỉnh Hòa Bình

 

 

 

 

1

Diện tích mía nguyên liệu

Ha

1.540

4.600

4.600

2

Tổng công suất thiết kế các nhà máy đường

Tấn mía/ ngày

2.000

2.000

4.000

II

VÙNG DUYÊN HẢI BẮC TRUNG BỘ

 

 

 

 

1

Diện tích mía nguyên liệu

Ha

50.699

55.067

51.867

2

Tổng công suất thiết kế các nhà máy đường

Tấn mía/ ngày

32.500

35.000

41.000

II.1

Tỉnh Thanh Hóa

 

 

 

 

1

Diện tích mía nguyên liệu

Ha

27.769

25.867

25.867

2

Tổng công suất thiết kế các nhà máy đường

Tấn mía/ ngày

19.500

19.500

23.000

II.2

Tỉnh Nghệ An

 

 

 

 

1

Diện tích mía nguyên liệu

Ha

22.930

29.200

26.000

2

Tổng công suất thiết kế các nhà máy đường

Tấn mía/ ngày

13.000

15.500

18.000

III

VÙNG DUYÊN HẢI NAM TRUNG BỘ

 

 

 

 

1

Diện tích mía nguyên liệu

Ha

56.780

66.023

69.523

2

Tổng công suất thiết kế các nhà máy đường

Tấn mía/ ngày

37.300

37.800

55.700

III.1

Tỉnh Quảng Ngãi

 

 

 

 

1

Diện tích mía nguyên liệu

Ha

2.585

5.200

5.200

2

Tổng công suất thiết kế các nhà máy đường

Tấn mía/ ngày

2.200

2.200

2.500

III.2

Tỉnh Bình Định

 

 

 

 

1

Diện tích mía nguyên liệu

Ha

7.200

3.500

3.500

2

Tổng công suất thiết kế các nhà máy đường

Tấn mía/ ngày

3.500

3.500

3.500

III.3

Tỉnh Phú Yên

 

 

 

 

1

Diện tích mía nguyên liệu

Ha

25.345

25.832

28.832

2

Tổng công suất thiết kế các nhà máy đường

Tấn mía/ ngày

12.500

18.000

25.500

III.4

Tỉnh Khánh Hòa

 

 

 

 

1

Diện tích mía nguyên liệu

Ha

18.700

23.991

23.991

2

Tổng công suất thiết kế các nhà máy đường

Tấn mía/ ngày

16.400

11.200

21.000

III.5

Tỉnh Ninh Thuận

 

 

 

 

1

Diện tích mía nguyên liệu

Ha

2.950

5.000

5.000

2

Tổng công suất thiết kế các nhà máy đường

Tấn mía/ ngày

1.500

1.700

2.000

III.6

Tỉnh Bình Thuận

 

 

 

 

1

Diện tích mía nguyên liệu

Ha

0

2.500

3.000

2

Tổng công suất thiết kế các nhà máy đường

Tấn mía/ ngày

1.200

1.200

1.200

IV

VÙNG TÂY NGUYÊN

 

 

 

 

1

Diện tích mía nguyên liệu

Ha

37.103

64.775

77.775

2

Tổng công suất thiết kế các nhà máy đường

Tấn mía/ ngày

24.800

38.400

54.900

IV.1

Tỉnh Kon Tum

 

 

 

 

1

Diện tích mía nguyên liệu

Ha

1.953

3.400

3.400

2

Tổng công suất thiết kế các nhà máy đường

Tấn mía/ ngày

1.800

1.900

1.900

IV.2

Tỉnh Gia Lai

 

 

 

 

1

Diện tích mía nguyên liệu

Ha

25.600

35.560

35.560

2

Tổng công suất thiết kế các nhà máy đường

Tấn mía/ ngày

18.000

24.000

30.000

IV.3

Tỉnh Đăk Lăk

 

 

 

 

1

Diện tích mía nguyên liệu

Ha

9.550

25.815

38.815

2

Tổng công suất thiết kế các nhà máy đường

Tấn mía/ ngày

5.000

12.500

23.000

V

VÙNG ĐÔNG NAM BỘ

 

 

 

 

1

Diện tích mía nguyên liệu

Ha

23.005

26.515

24.967

2

Tổng công suất thiết kế các nhà máy đường

Tấn mía/ ngày

19.300

17.000

18.500

VI

Tỉnh Tây Ninh

 

 

 

 

1

Diện tích mía nguyên liệu

Ha

18.102

18.000

18.000

2

Tổng công suất thiết kế các nhà máy đường

Tấn mía/ ngày

14.800

12.000

12.000

V2

Tỉnh Đồng Nai

 

 

 

 

1

Diện tích mía nguyên liệu

Ha

4.903

8.515

6.967

2

Tổng công suất thiết kế các nhà máy đường

Tấn mía/ ngày

4.500

5.000

6.500

VI

VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

 

 

 

 

1

Diện tích mía nguyên liệu

Ha

43.352

44.050

46.050

2

Tổng công suất thiết kế các nhà máy đường

Tấn mía/ ngày

28.950

31.500

39.000

VII

Tỉnh Hậu Giang

 

 

 

 

1

Diện tích mía nguyên liệu

Ha

23.169

10.000

12.000

2

Tổng công suất thiết kế các nhà máy đường

Tấn mía/ ngày

12.500

11.500

17.500

VI2

Tỉnh Sóc Trăng

 

 

 

 

1

Diện tích mía nguyên liệu

Ha

4.100

8.300

8.300

2

Tổng công suất thiết kế các nhà máy đường

Tấn mía/ ngày

2.800

3.500

5.000

VI3

Trà Vinh

 

 

 

 

1

Diện tích mía nguyên liệu

Ha

1.622

7.750

7.750

2

Tổng công suất thiết kế các nhà máy đường

Tấn mía/ ngày

2.650

6.000

6.000

VI4

Kiên Giang

 

 

 

 

1

Diện tích mía nguyên liệu

Ha

901

5.500

5.500

2

Tổng công suất thiết kế các nhà máy đường

Tấn mía/ ngày

1.000

0

0

VI5

Tỉnh Bến Tre

 

 

 

 

1

Diện tích mía nguyên liệu

Ha

3.200

3.000

3.000

2

Tổng công suất thiết kế các nhà máy đường

Tấn mía/ ngày

2.000

2.500

2.500

VI6

Tỉnh Long An

 

 

 

 

1

Diện tích mía nguyên liệu

Ha

10.360

8.500

8.500

2

Tổng công suất thiết kế các nhà máy đường

Tấn mía/ ngày

7.000

7.000

7.000

VI7

Tỉnh Cà Mau

 

 

 

 

1

Diện tích mía nguyên liệu

Ha

0

1.000

1.000

2

Tổng công suất thiết kế các nhà máy đường

Tấn mía/ ngày

1.000

1.000

1.000

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1369/QĐ-BNN-CBTTNS năm 2018 phê duyệt Đề án phát triển mía đường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 1369/QĐ-BNN-CBTTNS
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 18/04/2018
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Trần Thanh Nam
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/04/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản