Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LONG AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1361/2002/QĐ-UB

Tân An, ngày 23 tháng 4 năm 2002

 

QUYẾT ĐỊNH

“V/V BAN HÀNH QUY CHẾ LÀM VIỆC CỦA PHÒNG NGOẠI VỤ”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LONG AN

- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 21/6/1994;

- Căn cứ Thông tư liên tịch số 03/TTLB ngày 05/5/1995 của Bộ Ngoại giao và Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy làm công tác đối ngoại ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

- Căn cứ Thông tư liên tịch số 178/TTLB ngày 19/10/1994 của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ và Ban Biên giới của Chính phủ hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy điều kiện và quy trình thành lập tổ chức làm công tác biên giới ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biên giới và ven biển;

- Căn cứ Quy chế làm việc của UBND tỉnh ban hành kèm theo QĐ số 754/2001/QĐ-UB ngày 23/3/2001;

- Xét đề nghị tại văn bản số 68/CV.NV ngày 19/3/2002 của Phòng Ngoại vụ và ý kiến của Ban Tổ chức chính quyền tỉnh (văn bản số 80/CV-TC ngày 27/3/2002;

QUYẾT ĐỊNH

Điều I: Ban hành kèm theo quyết định này Quy chế làm việc của Phòng Ngoại vụ.

Điều II: Chánh Văn phòng HĐND và UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức chính quyền tỉnh, Trưởng Phòng Ngoại vụ, Thủ trưởng các Sở ngành, Đoàn thể tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện- thị thi hành quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- TT.TU, TT.HĐND tỉnh.
- CT, các PCT.UBND tỉnh.
- Như điều II.
- NC.UB
-Lưu.
U\quyche_ngoaivu

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Trương Văn Tiếp

 

QUY CHẾ LÀM VIỆC

CỦA PHÒNG NGOẠI VỤ TỈNH
(Ban hành kèm theo quyết định số 1361 /2002/QĐ-UB ngày 23 /4/2002 của UBND tỉnh).

I.- Chức năng nhiệm vụ quyền hạn của phòng ngoại vụ :

Điều 1: Phòng Ngoại vụ là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công tác ngoại vụ và công tác biên giới ở địa phương;

Phòng Ngoại vụ chịu sự quản lý trực tiếp toàn diện của UBND tỉnh và chịu sự chỉ đạo hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Ngoại giao.

Điều 2: Công tác ngoại vụ địa phương.

- Phối hợp với các ngành, các cấp đề xuất với lãnh đạo tỉnh về lĩnh vực quan hệ đối ngoại, các vụ việc liên quan đến nhân tố nước ngoài ở địa phương đúng đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, nhằm góp phần phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh chính trị ở địa phương.

- Tham mưu cho UBND tỉnh phổ biến, hướng dẫn, giám sát các ngành các cấp thực hiện tốt các hoạt động đối ngoại của tỉnh đúng pháp luật Nhà nước.

- Phối hợp với các ngành, các cấp giúp UBND tỉnh chuẩn bị nội dung làm việc và tổ chức tiếp đón chu đáo các đoàn khách quốc tế đến thăm làm việc với tỉnh đúng nghi thức. Phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn chỉnh thủ tục xuất cảnh, tổ chức tốt cho các đoàn cán bộ, công chức của tỉnh đi thăm các nước; quản lý các đoàn ra, đoàn vào trong tỉnh theo quy định của pháp luật.

- Phối hợp với các Sở ban ngành trong việc đề xuất ý kiến UBND tỉnh chỉ đạo các ngành các cấp thực hiện tốt các Hiệp định của Chính phủ, thỏa thuận của tỉnh đã ký với nước ngoài.

- Phối hợp với các cơ quan chức năng hướng dẫn, quản lý hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài đóng trên địa bàn tỉnh đúng pháp luật Việt Nam, luật pháp và tập quán quốc tế.

- Tham gia xử lý các vấn đề lãnh sự có liên quan đến các yếu tố nước ngoài như: nhân thân, tài sản, đi lại, tạm trú và kinh doanh... của người nước ngoài theo phân cấp và theo quy định hiện hành.

- Phối hợp với các ngành các cấp tham mưu cho lãnh đạo tỉnh về nội dung hình thức tuyên truyền đối ngoại của địa phương với nước ngoài như: giới thiệu truyền thống lịch sử, văn hóa, con người và tiềm năng phát triển kinh tế, nhằm mở rộng hợp tác và kêu gọi đầu tư. Bên cạnh đó, còn hướng dẫn giúp đỡ và quản lý hoạt động của các đoàn phóng viên báo chí nước ngoài đến thăm, làm việc tại địa phương.

- Ngoại vụ quản lý trực tiếp các hoạt động đối ngoại ở địa phương thông qua Bộ Ngoại giao để lãnh hội sự chỉ đạo, nghiệp vụ trong lĩnh vực đối ngoại, phục vụ cho công tác tham mưu lãnh đạo tỉnh đúng chủ trương, pháp luật của Đảng và Nhà nước trên lĩnh vực này.

Điều 3: Công tác biên giới:

- Phối hợp cùng các ngành chức năng tham mưu cho lãnh đạo tỉnh tổ chức triển khai thực hiện chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ biên giới lãnh thổ ở địa phương. Phối hợp xử lý hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý theo đúng quy định pháp luật về các vấn đề liên quan đến người, phương tiện của người nước ngoài vi phạm biên giới, nhằm góp phần bảo vệ an ninh chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thuộc phạm vi tỉnh.

- Đề xuất ý kiến cho UBND tỉnh tham gia với Bộ Ngoại giao và Chính phủ hướng giải quyết các vấn đề biên giới, lãnh thổ với Vương Quốc Campuchia. Tham gia, tổ chức khảo sát đơn phương, phân giới, cắm mốc trên thực địa tại địa phương theo quy định của Chính phủ.

- Tham gia xử lý hoặc đề xuất hướng xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến công tác bảo vệ biên giới lãnh thổ quốc gia thuộc phạm vi tỉnh.

- Phối hợp kiểm tra, theo dõi, hướng dẫn, tổng hợp tình hình thực hiện các điều ước quốc tế về biên giới và các tranh chấp trên khu vực biên giới thuộc phạm vi tỉnh.

- Báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về tình hình biên giới lên UBND tỉnh và Bộ Ngoại giao.

- Đề xuất UBND tỉnh xây dựng mối quan hệ đoàn kết hợp tác hữu nghị với các tỉnh có chung đường biên giới nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý Nhà nước về công tác biên giới.

- Quản lý chặt chẽ các văn bản, tài liệu, bản đồ và hồ sơ về đường biên giới thuộc phạm vi tỉnh quản lý.

Điều 4: Công tác Việt kiều:

- Nắm tình hình người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quê quán, thân nhân đang sinh sống ở Long An hoặc có liên hệ mật thiết với tỉnh trên các mặt: số lượng, ngành nghề, trình độ và tiềm năng...

- Thực hiện các Nghị quyết, Nghị định của Chính phủ, Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các Quyết định, Thông tư, Chỉ thị... của Bộ Ngoại giao, UB.MT Tổ quốc VN, Ban Việt kiều Trung ương, các Bộ ngành TW khác và UBND tỉnh về công tác Việt kiều; tổ chức phổ biến, hướng dẫn các ngành chức năng trong tỉnh để thực hiện.

- Phối hợp tham mưu cho lãnh đạo tỉnh xây dựng kế hoạch hoạt động đối với công tác Việt Kiều và tổ chức thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Chính phủ và Bộ ngành TW đối với công tác này.

- Phối hợp với các cơ quan thuộc UBND tỉnh để nắm nhu cầu, phương hướng phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, tạo mối quan hệ làm việc, đầu tư, hợp tác, liên doanh giữa Việt kiều với các tổ chức trong tỉnh. Yêu cầu các ngành chức năng, các đơn vị kinh tế, các đoàn thể chính trị-xã hội trong tỉnh thông báo kết quả làm việc với Việt kiều và các tổ chức Việt kiều ở nước ngoài.

- Phối hợp với các ngành các cấp trong việc bảo vệ quyền lợi Việt kiều, kiểm tra và xử lý các vi phạm của Việt kiều đối với các quy định của Nhà nước trên địa bàn tỉnh.

- Tiếp xúc với Việt kiều khi họ về nước thông qua Hội Thân nhân kiều bào tỉnh, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và các kiến nghị để tập hợp báo cáo, đề xuất lãnh đạo tỉnh.

- Làm đầu mối phối hợp với các ngành, các cấp trong tỉnh về công tác Việt kiều và liên hệ giữa Việt kiều với các ngành các cấp trong tỉnh.

II.- Tổ chức bộ máy và lề lối làm việc của phòng ngoại vụ tỉnh :

Điều 5: Tổ chức biên chế Phòng Ngoại vụ tỉnh có Trưởng phòng, Phó trưởng phòng và các chuyên viên, riêng nghiệp vụ hành chính quản trị cụ thể do Văn phòng HĐND và UBND tỉnh đảm nhận.

Điều 6: Phân công trách nhiệm :

- Trưởng phòng phụ trách chung, quản lý điều hành hoạt động của cơ quan theo nguyên tắc tập trung dân chủ và chế độ thủ trưởng, đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật và cấp trên về toàn bộ hoạt động của cơ quan và về việc thi hành nhiệm vụ công vụ của công chức thuộc quyền.

- Phó trưởng phòng giúp việc cho Trưởng phòng, thực hiện nhiệm vụ do Trưởng phòng phân công.

- Các chuyên viên do Trưởng phòng trực tiếp phân công nhiệm vụ.

III.- Quan hệ và lề lối làm việc :

Điều 7: Quan hệ giữa Phòng Ngoại vụ với UBND tỉnh thực hiện trên cơ sở những quy định trong Quy chế làm việc của UBND tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 754/2001/QĐ-UB ngày 23/3/2001 của UBND tỉnh.

Điều 8: Quan hệ giữa Phòng Ngoại vụ với các Sở, Ban ngành tỉnh và UBND huyện, thị:

- Phòng Ngoại vụ phối kết hợp với Văn Phòng HĐND và UBND tỉnh để tham mưu đề xuất với UBND tỉnh thực hiện công tác ngoại vụ địa phương.

- Quan hệ phối hợp với các Sở, Ban ngành tỉnh, UBND huyện, thị về chuyên môn, nghiệp vụ để giải quyết những vụ việc có liên quan đến công tác ngoại vụ.

Điều 9: Quan hệ với Bộ Ngoại giao, Phòng Ngoại vụ chịu sự chỉ đạo của Bộ về chuyên môn, nghiệp vụ để kịp thời tiếp nhận thông tin hướng dẫn, giúp UBND tỉnh thực hiện đúng pháp luật đối với công tác ngoại vụ địa phương; đồng thời đảm bảo chế độ thông tin báo cáo theo quy định.

IV. Điều khoản thi hành :

Điều 10: Trưởng Phòng Ngoại vụ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện quy chế nầy kể từ ngày ký. Việc sửa đổi, bổ sung do UBND tỉnh quyết định theo đề nghị của Phòng Ngoại vụ và Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1361/2002/QĐ-UBND Quy chế làm việc của Phòng Ngoại vụ tỉnh Long An

  • Số hiệu: 1361/2002/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 23/04/2002
  • Nơi ban hành: Tỉnh Long An
  • Người ký: Trương Văn Tiếp
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 23/04/2002
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản