Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1355/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 14 tháng 08 năm 2015 |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP;
Căn cứ Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 06 tháng 5 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 2198/QĐ-TTg ngày 03 tháng 12 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 2473/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 629/QĐ-TTg ngày 29 tháng 5 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030;
Căn cứ Quyết định số 198/QĐ-TTg ngày 25 tháng 01 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (sau đây gọi tắt là Vùng) đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, bao gồm 07 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Quảng Ninh với các nội dung chủ yếu sau đây:
1. Khai thác hợp lý và hiệu quả tiềm năng, lợi thế về các giá trị văn hóa truyền thống, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trong Vùng, vị trí địa chính trị, tài nguyên du lịch, đặc biệt tại Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh để đưa Vùng thực sự trở thành động lực phát triển về văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch của cả nước.
2. Liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong Vùng trên cơ sở xác định lợi thế của từng địa phương để tạo trọng tâm và đột phá phát triển văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch.
3. Đa dạng hóa các nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đẩy mạnh xã hội hóa, phát huy và nâng cao vai trò của cộng đồng trong phát triển văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch.
4. Phát triển văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch Vùng bền vững, hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Phát triển văn hóa, thể dục thể thao Vùng toàn diện, hướng tới chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, góp phần xây dựng nhân cách con người Việt Nam hiện đại; xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc; phát triển du lịch Vùng thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hình thành những sản phẩm du lịch đặc thù có thương hiệu, sức cạnh tranh cao. Xây dựng Thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng và Quảng Ninh trở thành trung tâm văn hóa, thể dục thể thao và du lịch lớn của cả nước, làm động lực thúc đẩy Vùng phát triển, kết nối với các Vùng khác của cả nước và quốc tế.
1. Về văn hóa, gia đình
a) Ưu tiên bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của Vùng, trước hết là các di sản thế giới, di tích cấp quốc gia đặc biệt tiêu biểu. Từng bước tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp hệ thống di tích khác từ nay đến 2025 và 2030.
Phấn đấu đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, đưa vào khai thác một số bảo tàng cấp quốc gia tiêu biểu; cơ bản hoàn thành nâng cấp, hiện đại hóa các bảo tàng hiện có của Vùng. Tăng cường kiểm kê, định kỳ kiểm kê lại di sản văn hóa phi vật thể theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa; hoàn thiện hệ thống dữ liệu di sản văn hóa phi vật thể; tôn vinh và đãi ngộ nghệ nhân dân gian và truyền thống tiêu biểu.
b) Nâng cao chất lượng hoạt động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với công cuộc xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại.
c) Phát triển hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở đồng bộ, từng bước khắc phục tình trạng chênh lệch về mức hưởng thụ văn hóa và vui chơi giải trí của nhân dân. Phấn đấu đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, hoàn thiện và nâng cấp các trung tâm văn hóa, trung tâm văn hóa - thể thao đạt chuẩn quy định; các khu dân cư, khu đô thị mới, khu công nghiệp, khu chế xuất có trung tâm văn hóa - thể thao, điểm vui chơi giải trí cho trẻ em.
d) Đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật điện ảnh tại các tỉnh, thành phố trong Vùng. Phấn đấu đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, xây dựng mới 01 Khu phức hợp chiếu phim hiện đại tại Hà Nội, một số rạp chiếu phim tại các tỉnh, thành phố; nâng cấp, cải tạo hệ thống rạp chiếu phim hiện có. Xây dựng Festival phim Quốc tế Hà Nội thành thương hiệu của điện ảnh Việt Nam. Phát triển thị trường điện ảnh nội địa tại Hà Nội, Hải Phòng và một số đô thị của Vùng.
đ) Phát triển Vùng thành trung tâm bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật biểu diễn truyền thống trên cơ sở phát huy thế mạnh của từng địa phương và sức lan tỏa của từng loại hình nghệ thuật như Quan họ, Ca trù, Chèo, Hát Trống quân, Múa rối; hoàn thiện tổ chức các sự kiện Lễ hội Hoa phượng đỏ, Carnaval Hạ Long thành thương hiệu văn hóa - nghệ thuật của Vùng; nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại cho các nhà hát, rạp hát, nhà triển lãm hiện có. Đến 2025, đưa vào khai thác 01 Trung tâm triển lãm quốc tế hiện đại tại Hà Nội.
e) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các thư viện. Phấn đấu tỷ lệ thư viện huyện đạt chuẩn là 70% vào năm 2025 và 85% vào năm 2030; hoàn thành nâng cấp 06 thư viện tỉnh, thành phố hiện có. Chú trọng xây dựng văn hóa đọc gắn với hệ thống giáo dục phổ thông và sự phát triển của các phương tiện truyền thông mới.
g) Phát triển hệ thống trường trọng điểm đào tạo về văn hóa, nghệ thuật của Vùng; chú trọng tuyển chọn, đào tạo và phát triển nhân lực cho các loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ bị mai một, có tính đặc thù.
h) Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ. Giảm tỷ lệ số vụ bạo lực gia đình; ngăn chặn có hiệu quả sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội vào gia đình. Phát triển các cơ sở tư vấn và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình. Cải thiện năng lực đội ngũ cán bộ, cộng tác viên gia đình tuyến cơ sở, đáp ứng nhiệm vụ được giao.
2. Về thể dục, thể thao
a) Đầu tư phát triển một số trung tâm mạnh về thể thao như: vật tại Hà Nội Bắc Ninh; thể thao dưới nước tại Hải Phòng, Quảng Ninh; bóng bàn tại Hải Dương... Phấn đấu tỷ lệ người dân tập luyện thể dục thể thao thường xuyên đạt 30% vào năm 2025 và 35% vào năm 2030; tỷ lệ số hộ gia đình tham gia tập luyện thể dục, thể thao đạt trên 25% vào năm 2025 và 30% năm 2030; số lượng học sinh, sinh viên các cấp học, bậc học thực hiện chương trình giáo dục thể chất chính khóa đạt 70% vào năm 2025 và 80% năm 2030.
b) Phát triển thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp trên cơ sở phát huy thế mạnh của từng địa phương, chú trọng các môn thể thao Olympic. Tiếp tục giữ vững vị trí và vai trò của thể thao Vùng đối với thể thao trong nước và thể thao quốc tế, thông qua các giải thi đấu thể thao khu vực và thế giới.
c) Tập trung phát triển nguồn nhân lực thể thao, trong đó ưu tiên tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện và phát triển đội ngũ vận động viên thành tích cao trên cơ sở thế mạnh của mỗi địa phương. Hoàn thiện hệ thống đào tạo tài năng thể thao Vùng. Phát triển số lượng vận động viên các môn thể thao trọng điểm, vận động viên cấp quốc gia.
d) Tiếp tục hoàn thiện Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội), Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Nhổn (Hà Nội) và các Khu Liên hợp thể thao, Trung tâm thể dục thể thao cấp tỉnh; nâng cấp và mở rộng Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh. Phấn đấu đến năm 2030, các công trình thể thao trọng điểm cấp vùng, cấp tỉnh được xây dựng hoàn thiện, sẵn sàng phục vụ các sự kiện thể thao trong nước và quốc tế.
3. Về du lịch
a) Phát triển Vùng trở thành trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước với hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, có thương hiệu riêng, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và cạnh tranh được với các nước trong khu vực; trở thành khu vực thu hút và phân phối khách du lịch hàng đầu của cả nước.
b) Đến năm 2025 đón khoảng 9 triệu lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ hơn 26 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu nhập từ du lịch đạt xấp xỉ 170 nghìn tỷ đồng; tạo được khoảng 350 nghìn việc làm trực tiếp; cơ sở lưu trú có khoảng 170 nghìn buồng. Phấn đấu đến năm 2030 thu hút khoảng 15 triệu lượt khách du lịch quốc tế và phục vụ khoảng 40 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu nhập từ du lịch đạt trên 200 nghìn tỷ đồng; tạo được trên 450 nghìn việc làm trực tiếp; cơ sở lưu trú có trên 200 nghìn buồng.
c) Đẩy mạnh phát triển đồng thời cả du lịch nội địa và du lịch quốc tế.
- Thu hút và phát triển mạnh thị trường khách du lịch quốc tế gần từ các nước Đông Bắc Á và Đông Nam Á; khai thác ổn định các thị trường truyền thống, cao cấp như Tây Âu, Bắc Âu, Bắc Mỹ, Châu Úc và Đông Âu; từng bước mở rộng phát triển thị trường mới từ các nước Trung Đông và Ấn Độ.
- Phát triển mạnh thị trường khách du lịch nội Vùng; phát triển thị trường khách du lịch đến từ các vùng khác trong cả nước; chú trọng phân khúc thị trường khách du lịch với mục đích nghỉ dưỡng biển, đảo, tìm hiểu văn hóa truyền thống; phát triển mở rộng thị trường du lịch theo chuyên đề.
d) Tập trung đầu tư, phát triển nhóm sản phẩm du lịch đặc trưng của Vùng như: du lịch gắn với các giá trị của nền văn minh sông Hồng; du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch biển đảo...
đ) Phát triển mạnh các khu, điểm du lịch quốc gia và đô thị du lịch, gồm: 07 khu du lịch quốc gia là: Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội), Khu du lịch Ba Vì - Suối Hai (Hà Nội), Khu du lịch Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Khu du lịch Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương), Khu du lịch Hạ Long - Cát Bà (Quảng Ninh, Hải Phòng), Khu du lịch Vân Đồn (Quảng Ninh); Khu du lịch Trà Cổ (Quảng Ninh); 05 điểm du lịch quốc gia: Điểm du lịch Hoàng thành Thăng Long gắn với quần thể các di tích nội thành Hà Nội, Điểm du lịch thành phố Bắc Ninh và phụ cận (Bắc Ninh), Điểm du lịch Chùa Hương (Hà Nội), Điểm du lịch Phố Hiến (Hưng Yên), Điểm du lịch Yên Tử (Quảng Ninh); 02 đô thị du lịch: Hạ Long (Quảng Ninh) và Đồ Sơn (Hải Phòng).
e) Phát triển các tuyến du lịch liên vùng, các tuyến du lịch quốc gia gắn với hệ thống đường hàng không, đường bộ và đường thủy như cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Cát Bi, tuyến đường xuyên Á, các tuyến quốc lộ nối các cửa khẩu quốc tế đường bộ, tuyến đường thủy qua cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh, tuyến đường sắt nối với Vân Nam (Trung Quốc); chú trọng phát triển tuyến du lịch đường thủy dọc sông Hồng.
III. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUY HOẠCH
1. Đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển
a) Xây dựng cơ chế phối hợp để triển khai hoạt động ngoại giao văn hóa. Nghiên cứu, triển khai các biện pháp liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quảng bá du lịch và xúc tiến thương mại, hợp tác đầu tư.
b) Tăng cường giao lưu văn hóa nghệ thuật, thi đấu thể thao và xúc tiến quảng bá du lịch cấp quốc gia và quốc tế. Khai thác các sự kiện văn hóa, thể thao gắn với các chương trình du lịch để trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn có sức cạnh tranh với các vùng và quốc tế.
2. Phát triển nguồn nhân lực và ứng dụng khoa học - công nghệ
a) Xây dựng đổi mới chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; hoàn thiện hệ thống các cơ sở đào tạo trọng điểm quốc gia gắn kết chặt chẽ với nhu cầu của thị trường và xã hội.
b) Rà soát, bổ sung chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển tài năng, nâng cao trình độ nguồn nhân lực cho các lĩnh vực hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch.
c) Phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ Vùng. Tăng cường đầu tư cho các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ về văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch.
d) Triển khai ứng dụng các trang thiết bị kỹ thuật công nghệ cao trong một số lĩnh vực hoạt động văn hóa và thể dục thể thao nhằm nâng cao hiệu quả trong việc sáng tác, lưu giữ, phổ biến các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật; điều trị, chăm sóc sức khỏe vận động viên; luyện tập và nâng cao thành tích thi đấu các môn thể thao.
đ) Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để kiểm soát các vấn đề môi trường, quản lý tài nguyên. Tăng cường sử dụng nguồn năng lượng tái tạo trong các cơ sở dịch vụ du lịch.
3. Đầu tư cơ sở vật chất và đẩy mạnh xã hội hóa
a) Các địa phương chủ động bố trí nguồn ngân sách địa phương để xây dựng, nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ hoạt động văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch.
b) Tập trung nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước (bao gồm cả ODA) cho đầu tư vào bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; đào tạo nguồn nhân lực; sáng tác các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị; phát triển hạ tầng kỹ thuật các khu, điểm du lịch quốc gia và xây dựng các sản phẩm du lịch mang thương hiệu riêng của Vùng; ưu tiên kinh phí cho các địa bàn khó khăn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo trong đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao.
c) Thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù, trong đó có chính sách ưu đãi về nguồn vốn, đất đai nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong Vùng. Tăng cường xã hội hóa, tích cực huy động các nguồn vốn khác (kể cả FDI) từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; tăng nguồn thu hợp pháp để đầu tư phát triển văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch.
d) Các địa phương khi quy hoạch xây dựng các khu dân cư, đô thị mới, khu công nghiệp, khu chế xuất bắt buộc phải dành quỹ đất để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, điểm vui chơi giải trí cho trẻ em.
đ) Đẩy mạnh thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập của các đơn vị văn hóa, thể thao và du lịch của Vùng.
e) Kinh phí thực hiện Quy hoạch gồm: ngân sách Nhà nước, đóng góp của các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước, các nguồn đầu tư hợp pháp khác.
4. Tiếp tục thực hiện các cơ chế chính sách nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.
a) Đổi mới và hoàn thiện thể chế quản lý Nhà nước về văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch các tỉnh, thành phố; ban hành một số cơ chế chính sách khuyến khích phát triển văn hóa gắn với phát triển kinh tế, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kiểm tra giám sát.
b) Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ, tài trợ và đặt hàng các tác phẩm văn học, nghệ thuật.
c) Quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống lễ hội truyền thống để tổ chức theo hướng văn minh, tiết kiệm, nhất là các lễ hội có quy mô cấp Vùng.
5. Tăng cường giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức
a) Tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền phổ biến pháp luật trong các ngành, các cấp và cộng đồng về vị trí, vai trò của văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội.
b) Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức xã hội về du lịch, ứng xử văn hóa, văn minh, bảo vệ các di tích, tài nguyên du lịch, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
c) Thực hiện tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm văn hóa và du lịch của Vùng trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa nghệ thuật, thể thao và du lịch trong nước và quốc tế.
6. Đổi mới phương thức hoạt động, kinh doanh của các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch
a) Chuyển đổi một số đơn vị sự nghiệp nghệ thuật công lập sang loại hình đơn vị tự chủ đảm bảo 100% kinh phí hoạt động góp phần hình thành các đơn vị nghệ thuật biểu diễn có sức cạnh tranh cao.
b) Đẩy mạnh việc chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện thành công ty cổ phần theo Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg ngày 22 tháng 6 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.
c) Đẩy mạnh các hình thức kinh doanh thể thao, đặc biệt là các loại hình thể thao mạo hiểm, thể thao biển, đua xe, các hình thức cung ứng dịch vụ y học thể dục thể thao. Đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch có khả năng tạo nguồn thu cao như du lịch mạo hiểm, du lịch khám phá, du lịch nông thôn, gắn với di sản thiên nhiên và di sản văn hóa của Vùng.
Điều 2. Tổ chức thực hiện Quy hoạch
1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
a) Tổ chức công bố và lập Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch.
b) Phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong Vùng rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích đầu tư và tổ chức các hoạt động xúc tiến kêu gọi đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất và đào tạo nguồn nhân lực văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch của Vùng trên cơ sở danh mục dự án ưu tiên đầu tư.
c) Tiến hành sơ kết, tổng kết, đánh giá, kiểm tra tình hình thực hiện Quy hoạch; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ các nội dung cần kịp thời sửa đổi, bổ sung.
d) Nghiên cứu kiến nghị thành lập tổ chức điều phối phát triển văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện Quy hoạch.
3. Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong Vùng
a) Triển khai thực hiện các nội dung Quy hoạch; phối hợp với các địa phương trong Vùng xây dựng và triển khai các chương trình hợp tác, liên kết với các địa phương khác trong cả nước để đẩy mạnh phát triển văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch Vùng; phối hợp với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, các cơ quan ngang Bộ kiểm tra giám sát tình thực hiện Quy hoạch này.
b) Duy trì và phát huy hiệu quả cơ sở vật chất kỹ thuật hiện có; bố trí đủ quỹ đất cho phát triển văn hóa, thể thao và du lịch theo Quy hoạch xây dựng được duyệt.
c) Xây dựng cơ chế thu hút đầu tư của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, chủ động bố trí các nguồn lực địa phương và sử dụng đúng mục đích các nguồn vốn đầu tư theo quy định của pháp luật cho việc phát triển văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch.
d) Định kỳ 6 tháng và hằng năm báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện Quy hoạch.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Quảng Ninh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. THỦ TƯỚNG |
DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1355/QĐ-TTg ngày 14 tháng 8 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ)
TT | Dự án ưu tiên | Phân kỳ thực hiện | |
A | LĨNH VỰC VĂN HÓA |
|
|
I | Nhóm dự án bảo tồn và phát huy di sản văn hóa |
|
|
1. | Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản thế giới của Vùng | Đến 2025 | 2026-2030 |
2. | Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích cấp Quốc gia đặc biệt trong Vùng | Đến 2025 | 2026-2030 |
3. | Quy hoạch hệ thống di tích và khảo cổ học của Vùng | Đến 2025 | 2026-2030 |
4. | Bảo tồn và phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số của Vùng | Đến 2025 | 2026-2030 |
II | Nhóm dự án xây dựng Bảo tàng |
|
|
1. | Xây dựng Bảo tàng lịch sử Quốc gia (Hà Nội) | Đến 2025 |
|
2. | Hoàn chỉnh hệ thống trưng bày của Bảo tàng Hà Nội; nâng cấp và mở rộng các Bảo tàng tỉnh, thành phố còn lại trong Vùng; nghiên cứu và lập quy hoạch xây dựng một số bảo tàng mới theo quy hoạch của các địa phương. | Đến 2025 | 2026-2030 |
3. | Quy hoạch và xây dựng một số Nhà tưởng niệm lãnh đạo cấp cao Đảng và Nhà nước | Đến 2025 | 2026-2030 |
III | Nhóm dự án Điện ảnh |
|
|
1. | Xây dựng Khu phức hợp chiếu phim hiện đại (Hà Nội) | Đến 2025 | 2026-2030 |
2. | Xây dựng, nâng cấp các rạp chiếu phim của Vùng. | Đến 2025 | 2026-2030 |
IV | Nhóm dự án Thư viện |
|
|
1. | Hiện đại hóa Thư viện Quốc gia | Đến 2025 |
|
2. | Nâng cấp, cải tạo, hiện đại hóa các Thư viện khoa học tỉnh, thành phố trong Vùng; nghiên cứu và lập quy hoạch xây dựng một số thư viện mới theo quy hoạch của các địa phương. | Đến 2025 | 2026-2030 |
V | Nhóm dự án Nghệ thuật biểu diễn |
|
|
1. | Dự án bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống Vùng (Ca trù, Chèo, Múa rối, hát trống quân...) | Đến 2025 |
|
2. | Xây dựng, nâng cấp các Nhà hát quy mô cấp vùng và quốc gia theo hướng hiện đại theo quy hoạch của các địa phương. | Đến 2025 | 2026-2030 |
VI | Nhóm dự án xây dựng Thiết chế văn hóa cơ sở | Đến 2025 |
|
1. | Xây dựng Trung tâm Văn hóa Hải Phòng, Hưng Yên; Trung tâm Văn hóa - Triển lãm Bắc Ninh | Đến 2025 | 2026-2030 |
2. | Cải tạo, nâng cấp các Trung tâm Văn hóa cấp tỉnh, thành phố trong Vùng | Đến 2025 | 2026-2030 |
VII | Nhóm dự án xây dựng, nâng cấp Nhà triển lãm | Đến 2025 |
|
1. | Nâng cấp Nhà triển lãm Văn học nghệ thuật Việt Nam | Đến 2025 |
|
2. | Xây dựng, nâng cấp các Nhà triển lãm, Trung tâm Triển lãm - Thương mại theo quy hoạch của các địa phương. | Đến 2025 | Đến 2030 |
VIII | Nhóm dự án Tượng đài |
|
|
1. | Xây dựng một số Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại một số tỉnh, thành phố trong Vùng | Đến 2025 | 2026-2030 |
2. | Nâng cấp, cải tạo một số công trình điêu khắc, vườn tượng tại các tỉnh, thành phố trong Vùng | Đến 2025 |
|
B | LĨNH VỰC GIA ĐÌNH |
|
|
1. | Nhóm dự án xây dựng hệ thống trợ giúp và phòng chống bạo lực gia đình | Đến 2025 | 2026-2030 |
C | LĨNH VỰC THỂ DỤC THỂ THAO |
|
|
1. | Hoàn thiện Khu liên hợp thể dục thể thao Quốc gia Mỹ Đình, Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia, Trung tâm Doping, Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ thuộc Liên đoàn bóng đá Việt Nam, Bệnh viện thể dục thể thao | Đến 2025 | 2026-2030 |
2. | Cải tạo, nâng cấp các công trình thể dục thể thao của Hà Nội: Trung tâm đào tạo vận động viên cấp cao tại Mỹ Đình, Sân vận động Hàng Đẫy, Sân vận động Hà Đông, Nhà thi đấu Quần Ngựa, Cung điền kinh Mỹ Đình, Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức, Trường bắn súng và bắn cung Mỹ Đình, Trung tâm đua thuyền Lạc Long Quân | Đến 2025 | 2026-2030 |
3. | Hoàn thành Khu liên hợp thể dục thể thao Hải Phòng: Sân vận động Trung tâm, khu thể thao dưới nước, hệ thống trường bắn, viện Bóng đá Hải Phòng, trung tâm y học thể thao | Đến 2025 | 2026-2030 |
4. | Hoàn thành Khu Liên hợp thể dục thể thao Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương | Đến 2025 | 2026-2030 |
D | LĨNH VỰC DU LỊCH |
|
|
1. | Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội) | Đến 2025 | 2026-2030 |
2. | Khu du lịch Ba Vì - Suối Hai (Hà Nội) | Đến 2025 | 2026-2030 |
3. | Khu du lịch Tam Đảo (Vĩnh Phúc) | Đến 2025 | 2026-2030 |
4. | Khu du lịch Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương) | Đến 2025 | 2026-2030 |
5. | Khu du lịch Vân Đồn (Quảng Ninh) | Đến 2025 | 2026-2030 |
6. | Khu du lịch Trà Cổ (Quảng Ninh) | Đến 2025 | 2026-2030 |
7. | Khu du lịch Hạ Long - Cát Bà (Quảng Ninh, Hải Phòng) | Đến 2025 | 2026-2030 |
Ghi chú: Vị trí, quy mô, diện tích đất sử dụng và tổng mức đầu tư của các dự án nêu trên sẽ được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong giai đoạn lập và trình duyệt dự án đầu tư, tùy thuộc vào khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư cho từng thời kỳ./.
- 1Quyết định 3625/QĐ-BVHTTDL năm 2013 phê duyệt nội dung Đề cương Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Vùng duyên hải Nam Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
- 2Quyết định 2054/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch vùng Kinh tế trọng điểm Miền Trung đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 1723/QĐ-BVHTTDL năm 2015 tổ chức Hội thảo Quy hoạch tổng thể phát triển văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
- 4Quyết định 1400/QĐ-TTg năm 2015 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Quyết định 2850/QĐ-BVHTTDL năm 2015 về Kế hoạch hành động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện Chương trình hành động theo Nghị quyết 102/NĐ-CP thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
- 6Quyết định 2059/QĐ-TTg năm 2015 về thành lập Ban Chỉ đạo, Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2015 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Thông tư liên tịch 02/2016/TTLT-BVHTTDL-BCA hướng dẫn phối hợp công tác bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an ban hành
- 8Quyết định 1979/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Quy hoạch quản lý chất thải rắn vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1Nghị định 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 2Luật Tổ chức Chính phủ 2001
- 3Nghị định 04/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 92/2006/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 4Quyết định 581/QĐ-TTg năm 2009 phê duyệt chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Quyết định 2198/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Quyết định 2473/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt "Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Quyết định 629/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8Quyết định 3625/QĐ-BVHTTDL năm 2013 phê duyệt nội dung Đề cương Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Vùng duyên hải Nam Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
- 9Quyết định 198/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 10Quyết định 2054/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch vùng Kinh tế trọng điểm Miền Trung đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 11Nghị định 16/2015/NĐ-CP Quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập
- 12Quyết định 1723/QĐ-BVHTTDL năm 2015 tổ chức Hội thảo Quy hoạch tổng thể phát triển văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
- 13Quyết định 22/2015/QĐ-TTg về chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 14Quyết định 1400/QĐ-TTg năm 2015 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 15Quyết định 2850/QĐ-BVHTTDL năm 2015 về Kế hoạch hành động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện Chương trình hành động theo Nghị quyết 102/NĐ-CP thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
- 16Quyết định 2059/QĐ-TTg năm 2015 về thành lập Ban Chỉ đạo, Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2015 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 17Thông tư liên tịch 02/2016/TTLT-BVHTTDL-BCA hướng dẫn phối hợp công tác bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an ban hành
- 18Quyết định 1979/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Quy hoạch quản lý chất thải rắn vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Quyết định 1355/QĐ-TTg năm 2015 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 1355/QĐ-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 14/08/2015
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Vũ Đức Đam
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 14/08/2015
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra