Hệ thống pháp luật

BỘ KIẾN TRÚC
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1353-BKT

Hà Nội, ngày 08 tháng 09 năm 1962 

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ TỔ CHỨC QUẢN LÝ SẢN XUẤT VÀ PHÂN PHỐI VẬT LIỆU XÂY DỰNG

BỘ TRƯỞNG BỘ KIẾN TRÚC

Căn cứ Nghị định số 166-CP ngày 18 tháng 10 năm 1961 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Kiến trúc;
Căn cứ Nghị quyết tháng 2 năm 1960 của Hội đồng Chính phủ về việc thống nhất công tác quản lý sản xuất phân phối vật liệu xây dựng: gạch, ngói, vôi, cát, đá, sỏi vào Bộ Kiến trúc;
Căn cứ vào Quyết định số 19-TTg ngày 16 tháng 2 năm 1962 của Phủ Thủ tướng về việc phân cấp quản lý vật liệu xây dựng.
Để thống nhất chỉ đạo và quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. – Nay ban hành quy định tạm thời kèm theo quyết định này về tổ chức quản lý sản xuất và phân phối vật liệu xây dựng.

Điều 2. -  Các ông Vụ trưởng, Cục trưởng Chánh Văn phòng Bộ, Chủ tịch Ủy ban hành chính  tỉnh, khu, thành phố và các ông Giám đốc Sở và Trưởng ty Kiến trúc chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ KIẾN TRÚC
THỨ TRƯỞNG





Trần Sâm

 

QUY ĐỊNH TẠM THỜI

VỀ TỔ CHỨC QUẢN LÝ SẢN XUẤT VÀ PHÂN PHỐI VẬT LIỆU XÂY DỰNG

I. SƠ LƯỢC VỀ TỔ CHỨC QUẢN LÝ SẢN XUẤT VÀ PHÂN PHỐI VẬT LIỆU HIỆN NAY

Hiện nay ở địa phương có ba hình thức tổ chức quản lý sản xuất, thu mua và phân phối vật liệu xây dựng trong ngành kiến trúc là: Công ty, Trạm và xí nghiệp trực thuộc Ty Sở Kiến trúc. Các Công ty và Trạm có nhiệm vụ hướng dẫn các cơ sở sản xuất, thu mua và phân phối vật liệu nhất là đối với Hợp tác xã thủ công và Hợp tác xã nông nghiệp coi như kinh doanh nghề khác. Những chỗ bất hợp lý là vật liệu của các cơ sở sản xuất ra Công ty và Trạm thu mua rồi đem bán lại cho công trường thu thêm một khoản lãi thương nghiệp và nộp thuế cho Nhà nước. Bộ máy của Công ty và Trạm có nơi còn quá nặng, nhiều Ty, Sở chỉ đạo vật liệu lỏng lẻo, nên một số Công ty muốn được trực tiếp với Ủy ban hành chính  địa phương và Bộ. Đến nay nhiều cơ sở sản xuất đã có điều kiện thực hiện hạch toán kinh tế và trực thuộc thẳng với các Ty, Sở Kiến trúc; Công ty và Trạm là xí nghiệp hạch toán độc lập lại phụ trách thu mua của những xí nghiệp hạch toán độc lập nên có tình trạng chồng chéo lên nhau, do đó cần có một hình thức tổ chức thích hợp với đặc điểm và tình hình các cơ sở sản xuất hiện nay.

Đối với các cơ sở sản xuất tập thể của nông dân và Hợp tác xã thủ công sản xuất vật liệu hiện nay có nơi do Ty Công nghiệp quản lý, có nơi do Ty Kiến trúc, có nơi do Ty Thương nghiệp quản lý. Do thiếu sự thống nhất quản lý và ta chưa quan tâm đúng mức, nên không tận dụng được khả năng sản xuất của quần chúng để giải quyết yêu cầu về gạch, ngói cho công ty xây dựng cơ bản của Nhà nước và nhân dân; vật liệu sản xuất ra phẩm chất không bảo đảm và có tình trạng tranh dành thu mua vật liệu, nên thường gây tình trạng giá cả không thống nhất và cao.

II. KIỆN TOÀN TỔ CHỨC QUẢN LÝ SẢN XUẤT VÀ PHÂN PHỐI VẬT LIỆU XÂY DỰNG

Công tác tổ chức quản lý sản xuất và phân phối vật liệu xây dựng phải dựa vào nguyên tắc:

- Lãnh đạo tập trung, bảo đảm thống nhất quản lý sản xuất và phân phối vật liệu xây dựng theo kế hoạch của Nhà nước.

- Căn cứ vào Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ, việc quản lý sản xuất và phân phối các loại vật liệu xây dựng như gạch, ngói, vôi, cát, đá, sỏi giao cho Bộ Kiến trúc phụ trách và có sự phân cấp cho Ủy ban hành chính địa phương.

Dựa vào nguyên tắc và nhiệm vụ của ngành kiến trúc nói trên, tổ chức quản lý sản xuất và phân phối vật liệu quy định như sau:

1. Dưới sự chỉ đạo của Bộ Kiến trúc và sự lãnh đạo trực tiếp của Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng như gạch, ngói, vôi, cát, đá sỏi trong địa phương cần thống nhất giao cho Sở, Ty Kiến trúc phụ trách quản lý sản xuất và phân phối.

2. Những cơ sở sản xuất gạch, ngói ở gần nhau thì thống nhất tổ chức lại gọi là Xưởng sản xuất gạch, ngói.

3. Đối với những cơ sở khai thác cát, sỏi, đá, sẽ dựa vào điều kiện cụ thể từng khu vực tổ chức thành một công trường khai thác.

4. Đối với những Hợp tác xã nông nghiệp và thủ công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng thì tùy theo số cơ sở sản xuất của mỗi địa phương nhiều hay ít, tùy theo yêu cầu vật liệu xây dựng cung cấp cho xây dựng cơ bản của Nhà nước nhiều hay ít mà thành lập một hay nhiều Công ty vật liệu xây dựng để: hướng dẫn các cơ sở sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng nhằm bảo đảm kế hoạch sản xuất theo đúng quy cách phẩm chất của Nhà nước, giá rẻ và tiến hành thu mua những vật liệu xây dựng đó để cung cấp cho kế hoạch xây dựng cơ bản của Nhà nước.

5. Các xưởng sản xuất gạch, ngói, công trường khai thác, Công ty vật liệu thuộc Sở, Ty Kiến trúc là những xí nghiệp địa phương thực hiện chế độ hạch toán kinh tế độc lập theo nguyên tắc xí nghiệp sản xuất hạch toán theo chế độ hạch toán công nghiệp, Công ty thu mua hạch toán theo chế độ cung tiêu. Các xí nghiệp này được cấp các loại vốn để hoạt động và có trách nhiệm thực hiện các chỉ tiêu của kế hoạch Nhà nước bảo đảm thu nộp đủ các khoản thuế, lãi, khấu hao cơ bản vào Ngân sách Nhà nước.

Bộ máy của các xí nghiệp sản xuất cần gọn nhẹ, tỷ lệ gián tiếp so với tổng số cán bộ công nghiệp cần chiếm từ 4 đến 5%. Bộ máy của Công ty vật liệu sẽ tùy theo khối lượng công tác, phạm vi hoạt động mà bố trí cho thích hợp.

6. Việc bán lẻ vật liệu xây dựng cho nhân dân do ngành Nội thương phụ trách. Trong từng thời gian (một tháng, ba tháng, một năm) ngành Nội thương sẽ lập kế hoạch về nhu cầu vật liệu xây dựng cho nhân dân, để trình Ủy ban hành chính  tỉnh, khu, thành phố để ghi vào kế hoạch vật liệu xây dựng của địa phương. Sau khi được xét duyệt, các Ty, Sở Kiến trúc có nhiệm vụ tổ chức sản xuất và cung cấp theo kế hoạch để ngành Nội thương bán lẻ cho nhân dân.

7. Vật liệu xây dựng do các xí nghiệp quốc doanh, Công tư hợp doanh sản xuất; vật liệu xây dựng do các Hợp tác xã nông nghiệp, thủ công nghiệp sản xuất mà Công ty vật liệu xây dựng thu mua đều do các Ty, Sở Kiến trúc phân phối thẳng cho các công trình xây dựng ở nơi gần nhất để tránh tình trạng vận chuyển chồng chéo lên nhau giảm bớt những chi phí về vận chuyển không cần thiết.

8. Đối với các Hợp tác xã nông nghiệp sản xuất vật liệu có tính chất tự sản tự tiêu sẽ do Ủy ban hành chính địa phương quyết định.Các Ty, Sở Kiến trúc sẽ hướng dẫn về kỹ thuật sản xuất.

III. QUAN HỆ LỀ LỐI LÀM VIỆC GIỮA BỘ VỚI ỦY BAN HÀNH CHÍNH ĐỊA PHƯƠNG

- Căn cứ vào kế hoạch xây dựng cơ bản của Trung ương, Bộ Kiến trúc sẽ lập kế hoạch vật liệu của Trung ương và đưa xuống cho Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố, khu để ghi vào vật liệu của địa phương.

- Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố, khu căn cứ vào kế hoạch xây dựng cơ bản của địa phương và nhân dân, đề ra kế hoạch vật liệu của địa phương.

- Dựa vào yêu cầu vật liệu của Trung ương và địa phương, Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố, khu sẽ tổng hợp lại thành kế hoạch vật liệu của địa phương rồi gửi về Bộ Kiến trúc để thẩm tra lại và báo cáo lên Ủy ban Kế hoạch Nhà nước để trình Hội đồng Chính phủ phê chuẩn.

- Hàng tháng, quý, Bộ sẽ gửi những chỉ tiêu kế hoạch vật liệu của Trung ương cho các Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố, khu để ghi vào kế hoạch vật liệu của địa phương. Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố, khu sẽ lập kế hoạch vật liệu của địa phương và nhân dân rồi tổng hợp lại thành kế hoạch sản xuất vật liệu của địa phương vào báo cáo về Bộ Kiến trúc.

- Trường hợp những chỉ tiêu kế hoạch vật liệu của Trung ương giao cho địa phương mà Ủy ban xét thấy không có khả năng bảo đảm thực hiện thì cần báo cáo và xin ý kiến của Bộ.

- Sau khi kế hoạch đã được Chính phủ phê chuẩn, Bộ Kiến trúc sẽ giao nhiệm vụ kế hoạch cho Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố, khu và cùng với các Ủy ban hành chính nghiên cứu giao kế hoạch cho cơ sở sản xuất đồng thời có trách nhiệm cùng với Ủy ban hành chính chỉ đạo thực hiện kế hoạch.

- Trong trường hợp không hoàn thành những chỉ tiêu kế hoạch của Nhà nước, Bộ Kiến trúc và Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố, khu cần báo cáo với Chính phủ xét duyệt, tuyệt đối không được tự động điều chỉnh các chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước.

- Cần quy rõ trách nhiệm của Bộ Kiến trúc và của Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố, khu trong việc không hoàn thành kế hoạch vật liệu của Nhà nước.

Quy định kèm theo Quyết định số 1353-BKT ngày 8-9-1962 của Bộ Kiến trúc.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1353-BKT năm 1962 về việc quy định tạm thời về tổ chức quản lý sản xuất và phân phối vật liệu xây dựng do Bộ trưởng Bộ Kiến trúc ban hành

  • Số hiệu: 1353-BKT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 08/09/1962
  • Nơi ban hành: Bộ Kiến trúc
  • Người ký: Trần Sâm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 36
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản