Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1351/2007/QĐ-UBND

Tuy Hòa, ngày 31 tháng 7 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH THÀNH PHẦN, QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG KỶ LUẬT VÀ THẨM QUYỀN XỬ LÝ KỶ LUẬT CÔNG CHỨC CẤP XÃ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ YÊN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 114/2003/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ về cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn;

Căn cứ Thông tư số 03/2007/TT-BNV ngày 12 tháng 6 năm 2007 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chế độ kỷ luật công chức cấp xã;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định thành phần, quy chế hoạt động của Hội đồng kỷ luật và thẩm quyền xử lý kỷ luật công chức cấp xã.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Các quy định trước đây trái với quy định ban hành kèm theo Quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Phạm Ngọc Chi

 

QUY ĐỊNH

THÀNH PHẦN, QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG KỶ LUẬT VÀ THẨM QUYỀN XỬ LÝ KỶ LUẬT CÔNG CHỨC CẤP XÃ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1351/2007/QĐ-UBND ngày 31/7/2007 của UBND tỉnh Phú Yên)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng và phạm vi điều chỉnh.

Quy định này áp dụng xử lý kỷ luật đối với công chức cấp xã, bao gồm các chức danh sau: Trưởng Công an (nơi chưa bố trí lực lượng công an chính quy), Chỉ huy trưởng Quân sự, Văn phòng - Thống kê, Địa chính – Xây dựng, Tài chính - Kế toán, Tư pháp - Hộ tịch, Văn hoá – Xã hội.

Điều 2. Các quy định khác liên quan việc xử lý kỷ luật công chức cấp xã thực hiện theo quy định tại Thông tư số 03/2007/TT-BNV ngày 12 tháng 6 năm 2007 của Bộ Nội vụ về hướng dẫn thực hiện chế độ kỷ luật công chức cấp xã.

Chương II

THÀNH PHẦN, QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG KỶ LUẬT CÔNG CHỨC CẤP XÃ

Điều 3. Hội đồng kỷ luật công chức cấp xã có từ 03 hoặc 05 thành viên, do Chủ tịch UBND cấp xã ra quyết định thành lập.

Điều 4. Thành phần Hội đồng kỷ luật công chức cấp xã gồm:

- Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND cấp xã làm Chủ tịch Hội đồng kỷ luật;

- Một ủy viên Hội đồng kỷ luật là đại diện Cấp ủy đảng cấp xã;

- Một ủy viên Hội đồng kỷ luật là đại diện một trong các đoàn thể mà công chức bị kỷ luật tham gia sinh hoạt (Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Công đoàn, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên);

- Một ủy viên Hội đồng kỷ luật là đại diện công chức cấp xã;

- Một ủy viên Hội đồng kỷ luật là cán bộ, công chức cấp xã được giao quản lý hồ cơ cán bộ, công chức;

Nếu công chức cấp xã vi phạm kỷ luật trong nhiệm kỳ trước nay nhiệm kỳ mới thay đổi người lãnh đạo thì Hội đồng kỷ luật công chức cấp xã có thể mời người nguyên là lãnh đạo nhiệm kỳ trước tham dự cuộc họp xét kỷ luật để tham gia phát biểu ý kiến, nhưng không được tham gia biểu quyết.

Điều 5. Trường hợp Hội đồng kỷ luật công chức cấp xã là 03 thành viên, do Chủ tịch UBND cấp xã quyết định thành phần trong số các thành phần quy định tại Điều 4 của Quy định này.

Điều 6. Thư ký Hội đồng kỷ luật công chức cấp xã do Chủ tịch Hội đồng kỷ luật chỉ định.

Thư ký Hội đồng kỷ luật có nhiệm vụ chuẩn bị tài liệu, hồ sơ liên quan đến việc xử lý kỷ luật và chịu trách nhiệm ghi biên bản cuộc họp của Hội đồng kỷ luật.

Điều 7. Khi thành lập Hội đồng kỷ luật không được cử người có quan hệ gia đình với công chức cấp xã vi phạm kỷ luật, bao gồm:

a) Cha, mẹ đẻ; Cha, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng được pháp luật công nhận;

b) Cha, mẹ vợ (hoặc chồng);

c) Vợ hoặc chồng của người vi phạm;

d) Anh, chị, em ruột; Anh, chị, em dâu (rể) được pháp luật công nhận;

đ) Con đẻ, con dâu, con rể, con nuôi được pháp luật công nhận.

Điều 8. Nguyên tắc làm việc của Hội đồng kỷ luật:

a) Khách quan, công khai, dân chủ và theo các quy định hiện hành;

b) Hội đồng kỷ luật chỉ họp khi có đầy đủ thành viên Hội đồng.

c) Kiến nghị áp dụng hình thức kỷ luật được thực hiện thông qua biểu quyết bằng phiếu kín và theo nguyên tắc đa số.

d) Hội đồng kỷ luật họp phải có biên bản và được Hội đồng thông qua trước khi Chủ tịch Hội đồng ký.

Điều 9. Công tác chuẩn bị họp Hội đồng kỷ luật.

a) Công chức cấp xã vi phạm kỷ luật phải làm bản kiểm điểm và tự nhận hình thức kỷ luật;

b) Lãnh đạo UBND cấp xã có trách nhiệm tổ chức cuộc họp để người vi phạm kỷ luật kiểm điểm trước tập thể. Biên bản cuộc họp kiểm điểm có kiến nghị hình thức kỷ luật;

c) Hồ sơ trình Hội đồng kỷ luật gồm: bản kiểm điểm của người vi phạm kỷ luật; Biên bản họp kiểm điểm người vi phạm kỷ luật của cơ quan; Trích ngang sơ yếu lý lịch của người vi phạm kỷ luật; Các tài liệu, hồ sơ có liên quan đến việc xử lý kỷ luật;

d) Công chức cấp xã vi phạm kỷ luật được Hội đồng kỷ luật gửi giấy báo triệu tập trước khi Hội đồng kỷ luật họp 07 ngày làm việc.

Điều 10. Trình tự họp Hội đồng kỷ luật.

a) Chủ tịch Hội đồng tuyên bố lý do, giới thiệu các thành viên tham dự;

b) Thư ký Hội đồng trình bày trích ngang sơ yếu lý lịch, hồ sơ và các tài liệu có liên quan;

c) Người vi phạm kỷ luật đọc bản kiểm điểm. Trường hợp người vi phạm vắng mặt thì Thư ký Hội đồng đọc giúp bản kiểm điểm;

d) Thư ký Hội đồng đọc biên bản cuộc họp kiểm điểm người vi phạm của tập thể cơ quan;

đ) Các thành viên Hội đồng kỷ luật phát biểu ý kiến;

e) Công chức cấp xã vi phạm kỷ luật phát biểu ý kiến về hình thức kỷ luật trước khi Hội đồng kỷ luật bỏ phiếu kín;

g) Hội đồng kỷ luật bỏ phiếu kín kiến nghị áp dụng hình thức kỷ luật;

h) Kiến nghị hình thức kỷ luật của Hội đồng được thông báo tại cuộc họp.

Điều 11. Trường hợp công chức cấp xã vi phạm kỷ luật không chịu làm bản kiểm điểm và tự nhận hình thức kỷ luật hoặc không đến dự kiểm điểm theo giấy triệu tập của UBND cấp xã mà không có lý do chính đáng thì UBND cấp xã vẫn họp để tiến hành kiểm điểm người vi phạm kỷ luật và Hội đồng kỷ luật vẫn tổ chức họp để xem xét xử lý kỷ luật.

Đối với công chức cấp xã tự ý bỏ việc đã được cơ quan gửi giấy mời 03 lần mà không có mặt, Hội đồng kỷ luật vẫn họp xem xét kiến nghị hình thức kỷ luật theo quy định.

Trường hợp có nhiều công chức cấp xã trong cùng cơ quan vi phạm kỷ luật thì Hội đồng kỷ luật có thể xem xét xử lý trong cùng một phiên họp. Biên bản cuộc họp được lập theo trình tự xem xét kỷ luật đối với từng công chức cấp xã vi phạm.

Khi cơ quan họp kiểm điểm công chức cấp xã vi phạm kỷ luật, phải phân tích, chỉ rõ vi phạm nhằm giáo dục, giúp đỡ người vi phạm nhận rõ khuyết điểm của mình để khắc phục sửa chữa.

Chương III

THẨM QUYỀN XỬ LÝ KỶ LUẬT CÔNG CHỨC CẤP XÃ

Điều 12. Thẩm quyền ra quyết định kỷ luật.

Việc xử lý kỷ luật công chức cấp xã do Chủ tịch UBND huyện, thành phố quản lý công chức cấp xã bị vi phạm kỷ luật quyết định theo đề nghị của Hội đồng kỷ luật cấp xã.

Điều 13. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi kết thúc cuộc họp, Hội đồng kỷ luật phải có văn bản (kèm theo biên bản, hồ sơ, tài liệu có liên quan) gửi UBND huyện, thành phố nơi quản lý công chức cấp xã vi phạm kỷ luật.

Điều 14. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của Hội đồng kỷ luật (cùng hồ sơ, tài liệu). UBND huyện, thành phố nơi quản lý công chức cấp xã vi phạm kỷ luật xem xét ban hành quyết định kỷ luật.

Điều 15. Sau 12 tháng kể từ ngày có quyết định kỷ luật của UBND huyện, thành phố nếu công chức cấp xã không thuộc diện bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc còn tiếp tục bố trí công tác khác, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, không tái phạm hoặc không bị vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật tiếp thì đương nhiên được chấm dứt hiệu lực của quyết định kỷ luật.

Điều 16. UBND huyện, thành phố khi ban hành quyết định kỷ luật phải có điều khoản ghi rõ thời gian công chức cấp xã bị thi hành kỷ luật, tính từ khi ban hành quyết định kỷ luật đến thời điểm đủ 12 tháng theo quy định và gửi 01 bản quyết định về Sở Nội vụ để tổng hợp báo cáo UBND Tỉnh và Bộ Nội vụ.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 17. Chánh Văn phòng UBND Tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ; UBND các huyện, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan liên quan có trách nhiệm thực hiện theo đúng Quy định này.

Điều 18. Sở Nội vụ giúp UBND Tỉnh theo dõi, đôn đốc và kiểm tra quá trình thực hiện việc xử lý kỷ luật công chức cấp xã./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1351/2007/QĐ-UBND quy định thành phần, quy chế hoạt động của Hội đồng kỷ luật và thẩm quyền xử lý kỷ luật công chức cấp xã do tỉnh Phú Yên ban hành

  • Số hiệu: 1351/2007/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 31/07/2007
  • Nơi ban hành: Tỉnh Phú Yên
  • Người ký: Phạm Ngọc Chi
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản