Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1349/QĐ-UBND

Hưng Yên, ngày 25 tháng 7 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN TỈNH HƯNG YÊN GIAI ĐOẠN 2011 - 2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ các Nghị định của Chính phủ số: 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Thông tư số 03/2008/TT-BKHĐT ngày 01/7/2008 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Quyết định số 500/QĐ-UBND ngày 27/02/2010 của UBND tỉnh về việc phê duyệt đề cương điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2010 - 2015, định hướng đến năm 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 57/TTr-NN ngày 29/5/2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020 với các nội dung chính sau:

1. Quan điểm phát triển:

- Phát triển nông nghiệp - nông thôn phải được thực hiện trong mối quan hệ chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của vùng kinh tế.

- Quá trình phát triển nông sản hàng hóa phải gắn liền với định hướng thị trường, cả cho nội tiêu, chế biến và xuất khẩu. Trên cơ sở đó xác định những nhóm sản phẩm chủ lực tập trung đầu tư phát triển theo chiều sâu, tạo thế mạnh trong cạnh tranh và thỏa mãn nhu cầu thị trường cả về lượng và chất, cả trước mắt và lâu dài, nhằm đảm bảo tính ổn định trong phát triển.

- Hướng tới một nền nông nghiệp sạch và chất lượng ngày càng cao để đảm bảo cho phát triển bền vững, trong đó sản xuất đi đôi với bảo vệ cải thiện độ màu mỡ của đất đai, nhằm đảm bảo tính ổn định trong phát triển.

- Ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ sinh học, nhất là công nghệ biến đổi gen vào sản xuất nông nghiệp, lấy khoa học công nghệ là điểm tựa chính để nâng cao nhanh năng suất, chất lượng và hiệu quả nông nghiệp trong điều kiện đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp. Đầu tư xây dựng khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng nông sản, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

- Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các loại hình tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp và dịch vụ; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc, môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh xã hội được giữ vững.

2. Mục tiêu phát triển:

2.1. Mục tiêu tổng quát:

- Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên cơ sở ưu tiên đầu tư cho các loại cây, con có hiệu quả cao; coi phát triển nông nghiệp công nghệ cao và phát triển chăn nuôi tập trung là khâu đột phá trong phát triển nông nghiệp.

- Quy hoạch các vùng phát triển cây, con chính trên địa bàn tỉnh theo hướng sản xuất hàng hóa phù hợp với của tỉnh.

- Phát triển công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn với ngành nghề đa dạng tập trung vào thế mạnh của tỉnh; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật cơ bản cho sản xuất và đời sống của nông dân.

2.2. Mục tiêu cụ thể:

a) Giai đoạn 2011 - 2015:

- Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp giai đoạn 2011-2015 là 4,0%/năm: Ngành nông nghiệp tăng 2,8%/năm (trong nội bộ ngành nông nghiệp: Trồng trọt tăng 0,3%/năm; chăn nuôi tăng 7,5%/năm và dịch vụ tăng 12,0%/năm); thuỷ sản tăng 9%/năm.

- Cơ cấu: Năm 2015 cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp: Trồng trọt 47,2%; chăn nuôi 50,1% và dịch vụ 2,8%.

- Sản lượng lương thực có hạt là 554.715 tấn, trong đó thóc là 506.715 tấn (bình quân sản lượng lương thực có hạt là 450kg/người/năm).

- Đến năm 2015 dự kiến 25% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới (theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới).

b) Giai đoạn 2016 - 2020:

- Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 -2020 là 3,5%/năm: Ngành nông nghiệp tăng 2,8%/năm (trong nội bộ ngành nông nghiệp: Trồng trọt tăng 0,3%/năm; chăn nuôi tăng 6,0%/năm và dịch vụ tăng 8,0%/năm); thuỷ sản tăng 8,5%/năm.

- Cơ cấu: Năm 2020 cơ cấu ngành nông nghiệp: Trồng trọt 40,5%; chăn nuôi 55,2% và dịch vụ 4,3%.

- Sản lượng lương thực có hạt là 547.770 tấn năm 2020, trong đó thóc là 494.220 tấn.

- Đến năm 2020 dự kiến 70% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới (theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới).

3. Quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn:

3.1. Quy hoạch phát triển nông nghiệp - thủy sản:

3.1.1. Quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp:

a) Trồng trọt: Xây dựng và hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh, ứng dụng công nghệ biến đổi gen để nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản, hiệu quả sản xuất trên 1 đơn vị diện tích đất nông nghiệp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Xây dựng và nhân rộng các mô hình khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả.

- Cây lúa: Ổn định diện tích canh tác lúa 35.000ha để bảo đảm an ninh lương thực, phát huy lợi thế về nguồn nước thủy lợi để xây dựng các vùng chuyên canh lúa có năng suất, chất lượng cao, bố trí gọn vùng thuận lợi cho việc cơ giới hóa các khâu canh tác, thu hoạch và ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật mới. Bố trí cơ cấu giống, thời vụ hợp lý, khoa học để tránh né thiên tai, hạn chế sâu bệnh. Tỷ lệ lúa chất lượng cao ổn định 55%, tỷ lệ lúa lai chiếm 30% năm 2015 và 35% vào năm 2020, tập trung chủ yếu ở các huyện Ân Thi, Tiên Lữ, Phù Cừ, Khoái Châu.

- Cây ngô: Tập trung đầu tư thâm canh (đưa các giống ngô lai vào sản xuất đại trà, thực hiện bón phân cân đối) để tăng năng suất và sản lượng. Phấn đấu đến năm 2015 năng suất ngô bình quân đạt 60tạ/ha để có sản lượng 42.000 tấn/năm. Đến năm 2020 năng suất ngô đạt 63tạ/ha, sản lượng 53.550 tấn/năm. Phấn đấu diện tích giống ngô lai có năng suất cao chiếm 80% diện tích gieo trồng, ngoài ra còn 20% giống ngô nếp, ngô ngọt, ngô bao tử. Trọng điểm là các huyện Khoái Châu, Kim Động, Tiên Lữ, Yên Mỹ.

- Cây thực phẩm: Dự kiến bố trí đến năm 2015 diện tích rau toàn tỉnh đạt 15.000 ha sản lượng 363.510 tấn/năm; năm 2020 đạt 16.000 ha, sản lượng đạt 435.500 tấn. Phát huy lợi thế gần các thành phố lớn phát triển mạnh cây thực phẩm cung cấp cho thị trường tiêu thụ cũng như chế biến và xuất khẩu. Áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao tại các vùng chuyên canh rau. Đẩy mạnh sản xuất rau vụ đông với nhiều chủng loại đa dạng, phong phú. Mở rộng sản xuất rau ở những nơi có điều kiện, cung cấp đầy đủ nhu cầu của nhân dân và dành một phần cho xuất khẩu. Diện tích rau chiếm 50% diện tích gieo trồng cây vụ đông. Tăng diện tích các loại rau ăn quả, giảm diện tích các loại rau ăn lá.

- Cây công nghiệp ngắn ngày: Chú trọng cây đậu tương, cây lạc để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại chỗ của nhân dân và cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến thức ăn gia súc, chế biến thực phẩm (ép dầu, nước chấm...) ngoài ra còn có tác dụng cải tạo đất.

+ Đỗ tương: Dự kiến ổn định 4.000 ha; sản lượng 8.240 tấn đến năm 2015; năm 2020 đạt 6.000 ha; sản lượng 13.780 tấn. Tăng diện tích đậu tương đông, tập trung chủ yếu ở các huyện: Khoái Châu, Yên Mỹ. Ngoài ra còn phát triển ở các huyện Kim Động, Phù Cừ, Tiên Lữ.

+ Cây lạc: Đến năm 2015 ổn định 1.000 ha; năm 2020 là 4.840 ha trên đất bãi và màu vụ xuân, tập trung chủ yếu ở các huyện: Khoái Châu, Kim Động, Yên Mỹ, Tiên Lữ. Đầu tư thâm canh đưa các giống mới năng suất cao thích hợp với điều kiện canh tác vào sản xuất trên diện rộng. Thực hiện các quy trình công nghệ mới vào sản xuất; sử dụng phân vi lượng, kỹ thuật trồng lạc bằng phủ ni lông v.v... Mở rộng diện tích lạc xuân.

- Cây dược liệu: Diện tích gieo trồng cây dược liệu bố trí ổn định khoảng 100-150 ha vào năm 2020; vùng cây dược liệu vẫn tập trung chủ yếu trên những địa bàn truyền thống ở các huyện: Văn Giang (10ha), Khoái Châu (130 ha), Văn Lâm (30 ha). Các sản phẩm chủ yếu là bạch chỉ, địa liền, bạc hà, tam thất, hoa cúc, gừng ... Sản lượng bình quân dự kiến 150 tấn/năm.

- Hoa, cây cảnh: Dự kiến đến năm 2015 diện tích hoa, cây cảnh của toàn tỉnh là 1.300 ha (trong đó có 1000 ha hoa). Giải quyết việc làm cho 11.000 lao động có thu nhập ổn định từ 800.000 đồng - 1.000.000 đồng/người/tháng, góp phần tạo sự ổn định xã hội. Đến năm 2020 diện tích 1.650 ha (trong đó có 1.300 ha hoa). Ngoài việc đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước, Hưng Yên có thể tham gia trong lĩnh vực xuất khẩu hoa, cây cảnh sang các nước trong khu vực để tăng hiệu quả sản xuất/1ha đất sản xuất nông nghiệp.

- Cây ăn quả: Đến năm 2015, diện tích cây ăn quả phấn đấu khoảng 9.000 ha. Giữ ổn định 3.000 ha trồng nhãn, trong đó xây dựng vùng sản xuất nhãn hàng hóa tập trung có chất lượng và hiệu quả kinh tế cao với diện tích 1.000 ha, trên cơ sở cải tạo vùng nhãn gốc hiện có và một số vùng phụ cận có thể phát triển được, địa bàn phát triển tập trung chủ yếu ở một số xã của thành phố Hư­ng Yên, các huyện: Tiên Lữ, Khoái Châu, Kim Động, Phù Cừ, Ân Thi, nhất là vùng nhãn gốc ở xã Hồng Nam, xã Hồng Châu và xã Quảng Châu (TP Hưng Yên); nhãn muộn ở xã Hàm Tử, xã Binh Minh (Khoái Châu); phát triển vải lai ở huyện Phù Cừ với diện tích khoảng 800-1000 ha; xây dựng vùng sản xuất chuối tây, chuối tiêu Hồng tập trung quy mô khoảng 1000-1.500 ha trên đất bãi sông Hồng, sông Luộc ở một số xã của các huyện: Khoái Châu, Kim Động, Tiên Lữ, Phù Cừ, thành phố Hưng Yên; phát triển cây cam, quất, quýt, bưởi diện tích khoảng 3.000 ha, tập trung phát triển ở một số xã của các huyện: Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động, thành phố Hưng Yên, tập trung xây dựng thương hiệu cây cam đã được trồng ở một số xã của các huyện Khoái Châu, Văn Giang; hình thành các vùng trồng cây ăn quả tập trung, xây dựng và bảo vệ thương hiệu một số sản phẩm chính.

b) Chăn nuôi: Phát triển chăn nuôi tập trung; khuyến khích phát triển các trang trại và các cơ sở chăn nuôi sản xuất hàng hoá lớn theo phương pháp công nghiệp với quy mô phù hợp, tập trung vào lợn, trâu, bò thịt, bò sữa, gia cầm; tăng tỷ trọng chăn nuôi công nghiệp và trang trại. Quy hoạch chăn nuôi tập trung gắn với chế biến, giết mổ tập trung: Trong hoàn cảnh diễn biến dịch bệnh gia súc gia cầm ngày càng phức tạp, phải quy hoạch tách các khu vực chăn nuôi tập trung khỏi khu dân cư, gắn giữa vùng nguyên liệu với nhà máy chế biến và hệ thống giết mổ, chế biến gia súc gia cầm vệ sinh. Khuyến khích phát triển phương thức giết mổ, chế biến công nghiệp. Tăng cường năng lực, hình thành hệ thống dịch vụ thú y, kiểm soát dịch bệnh, nhất là cấp cơ sở. Tập trung lực lượng đảm bảo công tác kiểm dịch tại các cửa khẩu và cửa ngõ các thị trường quan trọng, đảm bảo an toàn sinh học và vệ sinh an toàn thực phẩm. Xây dựng các vùng an toàn trong mọi tình huống dịch bệnh.

- Giai đoạn 2011 - 2015: Đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng sản xuất ngành chăn nuôi bình quân đạt 7,5%/năm thời kỳ 2011-2015; tỷ lệ lợn hướng thịt, lợn nạc chiếm 65-70% tổng đàn lợn; bò lai chiếm 93,7% tổng đàn bò; tỷ lệ gia cầm giống mới đạt 50%.

- Giai đoạn 2016 - 2020: Tốc độ tăng trưởng sản xuất ngành chăn nuôi 2016 - 2020 bình quân đạt 6%/năm. Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi (giá TT) đến năm 2020 đạt 16.746.780 triệu đồng, chiếm 55,2% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.

3.1.2. Quy hoạch thủy sản: Đẩy mạnh đầu tư­ khai thác, phát triển phong trào nuôi thuỷ sản theo hướng thâm canh, đưa thuỷ sản trở thành bộ phận cấu thành quan trọng trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng. Diện tích nuôi thuỷ sản đến năm 2015 phấn đấu đạt khoảng 5.000 ha, sản lượng đạt trên 27.800 tấn, năng suất bình quân đạt trên 5,5 tấn/ha, có trên 63% diện tích nuôi thâm canh và bán thâm canh theo hướng chất lượng cao; nuôi thủy sản vùng bãi đạt trên 730ha, sản lượng trên 2.000 tấn; nuôi cá lồng bè với số lượng khoảng 150 lồng, sản lượng trên 250 tấn.

3.1.3. Quy hoạch nông nghiệp vùng bãi:

- Sử dụng cây trồng có nhu cầu nước tưới ít: Cây ăn quả, hoa, cây cảnh, trồng cỏ chịu hạn. Đối với vùng trũng cây 1 vụ kém hiệu quả đầu tư chuyển sang VAC.

- Hình thành các vùng sản xuất nông sản hàng hoá tập trung chuyên canh ở các khu vực có thể giải quyết được nước tưới. Xác định con nuôi chủ lực là bò thịt. Tiếp tục phát triển đàn bò theo hướng bò thịt chất lượng cao theo phương thức nuôi tập trung.

3.1.4. Phát triển dịch vụ:

Đầu tư nâng cấp hệ thống dịch vụ kỹ thuật nông lâm nghiệp hiện có để nâng cao năng lực hoạt động. Mở rộng thêm các dịch vụ mới, đặc biệt với Hưng Yên là hệ thống dịch vụ cơ giới hoá trong các khâu công việc nặng nhọc (làm đất, vận chuyển, tuốt lúa...), sửa chữa gia công cơ khí công cụ sản xuất (công cụ nhỏ), chế biến bảo quản sản phẩm.

Tập trung đầu tư nâng cấp và hoàn thiện hệ thống sản xuất giống cây trồng vật nuôi của tỉnh.

3.2. Quy hoạch phát triển nông thôn:

Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng nâng cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Dự kiến tới năm 2015 đạt 25% số xã. Đến năm 2020 phấn đấu đạt 70% số xã. Đến năm 2030 phấn đấu đạt 100% số xã, bằng 145 xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới (theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới).

4. Một số giải pháp:

4.1. Giải pháp về sử dụng đất nông nghiệp:

- Hạn chế đến mức thấp nhất việc chuyển đất hiện đang trồng lúa sang các mục đích phi nông nghiệp theo các nghị định của Chính phủ.

- Tiếp tục thực hiện thị trường đất nông nghiệp, khuyến khích tập trung đất đai để áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, xây dựng các khu sản xuất hàng hóa tập trung, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo điều kiện cho nông dân có nhu cầu phát triển sản xuất được thuê đất.

- Phải bố trí một phần đất chăn nuôi xa khu dân cư, giao thông thuận tiện, dễ cách ly và xử lý môi trường để hình thành những khu chăn nuôi tập trung. Bố trí hợp lý đất trồng cỏ, tạo nguồn thức ăn xanh và khu vực chăn thả phục vụ phát triển chăn nuôi gia súc.

- Tăng cường công tác thanh tra việc quản lý đất, phát hiện xử lý thật nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Đất đai.

4.2. Giải pháp về khoa học công nghệ:

- Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực khoa học công nghệ phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội nói chung và sản xuất nông nghiệp nói riêng, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa của tỉnh trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế. Chọn, tạo, nhập, khu vực hóa, lai tạo để có bộ giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sinh thái có khả năng đạt năng suất cao, chống chịu với yếu tố môi trường, sâu bệnh, đặc biệt là phải có chất lượng được người tiêu dùng chấp nhận tiêu thụ.

- Xây dựng mô hình, tập huấn kỹ thuật, cập nhật và ứng dụng đầy đủ về giống cây trồng, vật nuôi cho nông dân, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp. Xây dựng và có chế độ chính sách khuyến khích hoạt động hiệu quả của khuyến nông cơ sở.

4.3. Giải pháp về khuyến nông:

- Từng bước hình thành hệ thống cộng tác viên khuyến nông cấp thôn do dân bầu, dân đóng góp, Nhà nước hỗ trợ thêm 1 phần.

- Thành lập một tổ (ban) khuyến nông cơ sở gồm có cán bộ quản lý nông nghiệp, khuyến nông viên xã, nông dân sản xuất giỏi, thành lập các câu lạc bộ nông dân.

- Xây dựng, tổng kết và chỉ đạo nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp, thủy sản có hiệu quả như mô hình lúa chất lượng cao, rau an toàn, cây ăn quả, hoa cây cảnh, chăn nuôi công nghiệp, mô hình kinh tế trang trại...

4.4. Giải pháp về nguồn nhân lực:

- Tăng cường công tác đào tạo, chuyển giao tiến bộ KHCN cho người lao động nông nghiệp, nông thôn.

- Phát triển sản xuất nông nghiệp, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ nhằm thu hút lao động, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân.

4.5. Giải pháp về tổ chức sản xuất:

Phát triển các loại hình sản xuất: tạo bình đẳng cho tất cả các thành phần kinh tế tham gia sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Khuyến khích phát triển các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia tiêu thụ và liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Nâng cao hiệu quả liên kết “4 nhà”.

4.6. Giải pháp về thị trường tiêu thụ nông sản và xúc tiến thương mại:

- Nghiên cứu xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp, xây dựng Website giới thiệu về những sản phẩm nông, lâm, thủy sản gắn với các vùng sản xuất an toàn.

- Đẩy mạnh, đổi mới công tác xúc tiến thương mại, dự báo thị trường, khuyến khích, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản trong nước và từng bước xuất khẩu. Xây dựng mạng lưới tiêu thụ nông sản rộng khắp, đa dạng loại hình và quy mô, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia.

4.7. Giải pháp về vốn đầu tư:

Dự kiến tổng vốn đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2011-2020 khoảng 14.561.105 triệu đồng, chiếm khoảng 3,5% trong cơ cấu vốn đầu tư phát triển kinh tế xã hội toàn tỉnh, trong đó:

- Giai đoạn 2011 - 2015: 4.649.105 triệu đồng. Trong đó: Nông nghiệp: 4.034.105 triệu đồng (Trồng trọt: 1.199.085 triệu đồng; chăn nuôi: 2.696.600 triệu đồng; dịch vụ: 138.420 triệu đồng); thủy sản: 315.000 triệu đồng; phát triển nông thôn: 300.000 triệu đồng.

- Giai đoạn 2016 - 2020: 9.912.000 triệu đồng. Trong đó: Nông nghiệp: 8.662.000 triệu đồng (Trồng trọt: 2.200.000 triệu đồng; chăn nuôi: 6.139.000 triệu đồng; dịch vụ: 323.000 triệu đồng); thủy sản: 600.000 triệu đồng; phát triển nông thôn: 650.000 triệu đồng.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể để thực hiện quy hoạch trình Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, UBND tỉnh xem xét, quyết định. Căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội tham mưu, đề xuất, trình UBND tỉnh điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp.

- Chỉ đạo các huyện, thành phố tiến hành rà soát bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện theo nội dung quy hoạch.

- Tiếp tục xây dựng các quy hoạch chi tiết như: Quy hoạch phát triển sản xuất các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, quy hoạch thủy lợi, tưới tiêu, đê điều, phòng lũ, quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, quy hoạch phát triển nông thôn mới theo 19 tiêu chí quy định trong Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.

- Tiến hành ra soát điều chỉnh các chương trình, đề án phát triển cây, con đã có cho phù hợp, chú trọng quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa trọng điểm, gắn quy hoạch vùng sản xuất với chế biến và quy hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng, hình thành các vùng kinh tế.

- Phối hợp cùng các ngành có liên quan tiến hành xây dựng các chương trình, dự án ưu tiên để thực hiện các nội dung quy hoạch được duyệt.

2. Các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm:

Chủ động phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp và PTNT, tổ chức thực hiện các nội dung quy hoạch theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của địa phương.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và thủ trưởng các cơ quan liên quan căn cứ quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đặng Minh Ngọc

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1349/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020

  • Số hiệu: 1349/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 25/07/2012
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hưng Yên
  • Người ký: Đặng Minh Ngọc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 25/07/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản