Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1339/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 24 tháng 04 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN THÀNH LẬP “SỞ CẢNH SÁT PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY TỈNH THANH HÓA”

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003; Luật Phòng cháy và Chữa cháy ngày 29 tháng 6 năm 2001;

Căn cứ Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và Chữa cháy; Nghị định số 46/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và Chữa cháy và Nghị định số 130/2006/NĐ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2006 quy định chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc;

Căn cứ Quyết định số 114/2009/QĐ-TTg ngày 28 tháng 9 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020; Quyết định số 1110/QĐ-TTg, ngày 17 tháng 8 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 754/QĐ-BCA ngày 08 tháng 3 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Công an Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy;

Xét đề nghị của Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa tại Tờ trình số 468/TTr- CAT ngày 04 tháng 4 năm 2013;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án thành lập “Sở Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy tỉnh Thanh Hóa”.

Điều 2. Quyết định này thay thế Quyết định số 312/QĐ-UBND ngày 21 tháng 01 năm 2013 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án thành lập “Sở Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy tỉnh Thanh Hóa”.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

CHỦ TỊCH




Trịnh Văn Chiến

 

ĐỀ ÁN

THÀNH LẬP “SỞ CẢNH SÁT PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY TỈNH THANH HÓA”
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1339/QĐ-UBND ngày 24/4/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa)

Phần 1.

SỰ CẦN THIẾT PHẢI THÀNH LẬP SỞ CẢNH SÁT PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY TỈNH THANH HÓA

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ VÀ NHỮNG ĐẶC ĐIỂM, TÌNH HÌNH CÓ LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

1. Cơ sở pháp lý

Luật Phòng cháy và Chữa cháy ngày 29 tháng 6 năm 2001;

Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04/4/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và Chữa cháy; Nghị định số 46/NĐ-CP ngày 22/5/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04/4/2003 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và Chữa cháy và Nghị định số 130/2006/NĐ-CP ngày 08/11/2006 quy định chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc;

Quyết định số 1110/QĐ-TTg ngày 17/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

Quyết định số 754/QĐ-BCA ngày 08/3/2011 của Bộ trưởng Bộ Công an Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy;

Công văn số 1828/X11-X13 ngày 15/3/2011 của Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định số 754/QĐ-BCA ngày 08/3/2011 của Bộ trưởng Bộ Công an.

Công văn số 2321/X11-X13, ngày 13/3/2013 của Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND hướng dẫn xây dựng Đề án thành lập Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy.

2. Đặc điểm, tình hình chung liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh.

a) Đặc điểm tình hình chung:

Thanh Hóa là một tỉnh rộng, có diện tích tự nhiên trên 11.000km2, dân số gần 3,5 triệu người; với 27 huyện, thị xã, thành phố trực thuộc và 637 xã, phường, thị trấn; có địa hình đa dạng, phức tạp và trọng điểm về an ninh, trật tự. Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, những năm gần đây trên địa bàn tỉnh đã hình thành Khu kinh tế Nghi Sơn thuộc huyện Tĩnh Gia và 04 khu công nghiệp, gồm: Khu Công nghiệp Lễ Môn, Khu Công nghiệp Đình Hương - Tây Bắc Ga thành phố Thanh Hóa; Khu Công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng, huyện Thọ Xuân); Khu Công nghiệp Bỉm Sơn với tổng diện tích 19.378,6ha; thu hút nhiều dự án đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh vào Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, đặc biệt là Dự án Lọc hoá dầu Nghi Sơn, công suất 10 triệu tấn/năm dự kiến khởi công xây dựng vào đầu năm 2013. Ngoài ra còn có 34 cụm công nghiệp khác với tổng diện tích là 527ha.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 6.000 cơ sở luôn tiềm ẩn nguy hiểm cháy nổ, trong đó có 2 trạm điện 220 KV, 11 trạm 110 KV, 2 nhà máy nhiệt điện công suất 1.800 MW và 300 MW đang được xây dựng tại Khu kinh tế Nghi Sơn; có 6 kho xăng dầu, trữ lượng khoảng 20.000m3, trên 200 cửa hàng xăng dầu; 04 xưởng chiết nạp gas; 04 nhà máy sản xuất giấy; hàng chục công ty may mặc. Ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố đều có các trung tâm thương mại, siêu thị và các chợ đầu mối; có 02 cảng biển chính là Cảng Lễ Môn và Cảng Nghi Sơn, cho phép tàu có tải trọng hàng chục nghìn tấn ra, vào thuận lợi.

Toàn tỉnh có 627.833,48ha rừng các loại, trải rộng trên địa bàn 27 huyện, thị xã, thành phố, tập trung nhiều ở khu vực 11 huyện miền núi, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, canh tác, sản xuất theo phương thức đốt rừng làm rẫy trong điều kiện khí hậu thời tiết phức tạp, hanh khô kéo dài, độ ẩm không khí thấp, gió tây nam thường xuyên xuất hiện, gây nguy cơ cháy rừng rất lớn.

b) Các điều kiện phục vụ công tác chữa cháy:

Thanh Hóa có 2 trục đường giao thông Bắc - Nam chạy qua là Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh; toàn tỉnh có tổng chiều dài đường ô tô trên 7.700km; 98% số xã có đường ô tô đến các khu trung tâm, thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, hành khách, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Tuy nhiên, hiện nay hạ tầng giao thông nhiều nơi đã xuống cấp, quy hoạch thiếu đồng bộ, các ngõ hẹp, sâu và không có điểm quay đầu cho xe chữa cháy hoạt động, có nhiều vật cản trở như: cọc bê tông, cổng chào… bên cạnh đó ý thức của người dân trong việc nhường đường cho xe chữa cháy chưa cao nên chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) khi có cháy xảy ra, dẫn đến việc cứu chữa các vụ cháy đạt hiệu quả chưa cao.

Nguồn nước chữa cháy chủ yếu là sông, suối, ao, hồ, đầm của tỉnh tương đối đa dạng; tuy nhiên các nguồn nước phục vụ cho công tác chữa cháy chưa được quy hoạch, xây dựng các bến cho xe chữa cháy lấy nước; hệ thống cấp nước chữa cháy đô thị mới có 124 trụ nước chữa cháy (thành phố Thanh Hóa có 46 trụ, thị xã Sầm Sơn có 14 trụ, thị xã Bỉm Sơn có 33 trụ, thị trấn Hà Trung có 8 trụ, thị trấn Rừng Thông - Đông Sơn có 23 trụ) được lắp đặt trên hệ thống đường ống cấp nước sinh hoạt ở khu vực đô thị nhưng chưa nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng. Qua kiểm tra thực tế, các trụ nước phục vụ chữa cháy do nhiều hãng sản xuất, không đồng bộ, một số trụ bị cậy phá nắp, khớp nối, có nơi chủ đầu tư tháo cất vào kho. Các trụ hầu như không có nước hoặc bị khóa van ngầm nên gặp nhiều khó khăn khi sử dụng, một số trụ có nước nhưng không đủ lưu lượng và áp suất để chữa cháy…, không đáp ứng yêu cầu trong công tác PCCC hiện nay.

II. TÌNH HÌNH CHÁY, NỔ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRONG THỜI GIAN QUA

1. Tình hình chung:

Trong những năm qua, tình hình cháy, nổ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có nhiều diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng theo tốc độ phát triển về kinh tế - xã hội của tỉnh. Tính từ năm 2007 - 2011, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 297 vụ cháy, nổ ở khu dân cư và 56 vụ cháy rừng, làm chết 9 người, bị thương 11 người, thiệt hại tài sản khoảng 57 tỷ đồng, thiêu trụi trên 300ha rừng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển chung của tỉnh cũng như đến môi trường sống và tình hình an ninh trật tự xã hội của tỉnh.

2. Tổng hợp các vụ cháy, nổ từ năm 2007 - 2011:

Năm

Tổng số vụ cháy

Thiệt hại

Ghi chú

Cháy khu dân cư

Cháy rừng

Về người

Về tài sản
(tỷ đồng)

Về rừng
(ha)

2007

59

4

3

10,985

4,98

 

2008

61

3

1

12,034

7,5

 

2009

65

3

2

13,005

1,4

 

2010

68

44

2

13,988

345,77

 

2011

44

2

2

7,300

15,2

 

Tổng

297

56

10

57,312

374,85

 

Các vụ cháy lớn nói trên chủ yếu là do một bộ phận tổ chức và cá nhân chưa tự giác chấp hành tốt các quy định về an toàn phòng cháy, ý thức còn kém, chủ quan, chưa nhận thức đầy đủ hậu quả, tác hại do cháy, nổ gây ra cũng như chưa tham gia tích cực vào công tác này. Việc thành lập, huấn luyện, phân công trách nhiệm cho lực lượng PCCC tại cơ sở chưa được chú trọng; chưa thường xuyên tổ chức thực tập chữa cháy theo từng tình huống cụ thể; việc lập và thực tập phương án chữa cháy lớn có nhiều lực lượng tham gia còn ít, các vụ cháy ở xa trung tâm, khi lực lượng Cảnh sát PCCC đến thì công tác chữa cháy không kịp thời và hiệu quả nên gây ra thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

III. THỰC TRẠNG VỀ TỔ CHỨC, BIÊN CHẾ, TRANG BỊ PHƯƠNG TIỆN CỦA LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY TỈNH THANH HÓA

1. Tổ chức bộ máy.

Tổ chức có chức năng tham mưu và tổ chức thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc Công an tỉnh Thanh Hóa; với cơ cấu tổ chức, như sau:

a) Lãnh đạo: Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh Thanh Hóa, gồm: Trưởng phòng chỉ huy và 03 Phó Trưởng phòng.

b) Các đội công tác trực thuộc, gồm:

- Đội Tham mưu (Đội 1);

- Đội Hướng dẫn và kiểm tra an toàn PCCC (Đội 2);

- Đội Hậu cần, quản lý phương tiện PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Đội 3);

- Đội Chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Trung tâm (Đội 4);

- Đội Chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Khu kinh tế Nghi Sơn (Đội 5);

- Đội Chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực thị xã Bỉm Sơn (Đội 6);

- Đội Chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực thị xã Sầm Sơn (Đội 7);

- Đội Chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực Lam Sơn (huyện Thọ Xuân) (Đội 8).

2. Biên chế:

Tổng quân số là 176 cán bộ, chiến sỹ, trong đó: Sỹ quan, hạ sỹ quan: 96 người; Chiến sỹ phục vụ có thời hạn: 73 người; Hợp đồng lao động: 07 người.

- Về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ:

+ Đại học, cao đẳng: 55 người, chiếm 57,3%;

+ Trung cấp, sơ cấp: 17 người, chiếm 17,7%;

+ Chưa qua đào tạo: 24 người, chiếm 25%.

- Về độ tuổi:

+ Dưới 30 tuổi: 120 người, chiếm 69%;

+ 31 đến 50 tuổi: 39 người, chiếm 22,4%;

+ Trên 50 tuổi: 15 người, chiếm 8,6%.

- Cán bộ đang là lãnh đạo, chỉ huy, gồm:

+ Trưởng phòng: 01 người;

+ Phó Trưởng phòng: 03 người;

+ Đội Trưởng: 07 người;

+ Phó đội trưởng: 15 người.

- Cán bộ đang được quy hoạch gồm:

+ Trưởng phòng: 02 người;

+ Phó Trưởng phòng: 06 người;

+ Đội trưởng: 16 người;

+ Phó đội trưởng: 11 người.

3. Thực trạng về cơ sở vật chất và trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh.

a) Thực trạng về cơ sở vật chất:

- Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh Thanh Hóa có trụ sở tại xã Đông Hải, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa với tổng diện tích là 25.000m2, là nơi làm việc của các Đội Tham mưu, Đội Hướng dẫn kiểm tra an toàn PCCC, Đội Hậu cần và Quản lý phương tiện kỹ thuật PCCC và Đội Chữa cháy Trung tâm. Đây là trụ sở mới được xây dựng khang trang, rộng rãi, thoáng mát, cạnh đường tránh Quốc lộ 1A, thuận tiện cho xe chữa cháy sẵn sàng làm nhiệm vụ chữa cháy.

- Trụ sở của 04 Đội PCCC khu vực hiện nay:

+ Đội Cảnh sát PCCC khu vực Bỉm Sơn được bố trí tại thị xã Bỉm Sơn, có 21 CBCS làm công tác chữa cháy trên địa bàn thị xã Bỉm Sơn, các huyện Hà Trung, Hậu Lộc, Nga Sơn, Thạch Thành và quản lý công tác PCCC khu vực thị xã Bỉm Sơn.

+ Đội Cảnh sát PCCC khu vực Nghi Sơn được bố trí tại Khu kinh tế Nghi Sơn (huyện Tĩnh Gia), có 21 CBCS làm công tác chữa cháy trên địa bàn các huyện Tĩnh Gia, Nông Cống, Quảng Xương và quản lý công tác PCCC khu vực huyện Tĩnh Gia.

+ Đội Cảnh sát PCCC khu vực Sầm Sơn được bố trí tại thị xã Sầm Sơn, có 16 CBCS làm công tác chữa cháy trên địa bàn thị xã Sầm Sơn, huyện Quảng Xương và quản lý công tác PCCC khu vực thị xã Sầm Sơn.

+ Đội Cảnh sát PCCC khu vực Lam Sơn được bố trí tại thị trấn Lam Sơn (huyện Thọ Xuân), có 16 CBCS làm công tác chữa cháy trên địa bàn các huyện Thọ Xuân, Triệu Sơn, các huyện phía Tây của tỉnh và quản lý công tác PCCC khu vực huyện Thọ Xuân.

b) Trang bị phương tiện:

Trong thời gian qua, được sự quan tâm của Bộ Công an, UBND tỉnh Thanh Hóa trong việc mua sắm, trang bị các phương tiện, dụng cụ chữa cháy và được sử dụng có hiệu quả cao phục vụ công tác chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn, đã tạo điều kiện cho lực lượng chữa cháy hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Hiện nay, Phòng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh Thanh Hóa đang quản lý, sử dụng 14 xe chữa cháy, phục vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cụ thể như sau:

- 03 xe Zin 130 (Liên Xô) dung tích két nước 2,1m3 (trang bị năm 1976, 1985, 1994), hoạt động trung bình.

- 01 xe CHASE (Thái Lan), dung tích két nước 3,5m3, trang bị năm 2004, hoạt động khá;

- 01 xe chữa cháy FUSO (Nhật Bản), dung tích két nước 1,5m3, trang bị năm 2006, hoạt động trung bình.

- 01 xe HINO (Nhật) dung tích két nước 3m3, (trang bị năm 1997), xe đã sửa chữa nhiều lần hoạt động trung bình.

- 01 xe chữa cháy Nissan (Nhật bãi), dung tích két nước 1,5m3, trang bị năm 2008, hoạt động trung bình;

- 01 xe bơm chữa cháy (Nhật bãi không có két nước), trang bị năm 2008, hoạt động trung bình;

- 01 xe thang HINO (Nhật bãi) trang bị năm 2000 (xe đã sử dụng từ năm 1982) hoạt động trung bình.

- 02 xe HINO (Liên doanh) trang bị năm 2010; 2011 hoạt động tốt.

- 01 xe thang VEAM, hoạt động tốt, nhận năm 2011.

- 01 xe cứu nạn cứu hộ (Xe Nhật bãi) trang bị năm 2012, hoạt động tốt.

- 01 xe bồn chở nước dung tích két nước 6m3.

- 04 máy bơm chữa cháy cũ, trang bị năm 1996, hoạt động kém.

IV. ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ KẾT QUẢ CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY

1. Những kết quả đạt được:

Trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Công an, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Cục Cảnh sát PCCC, công tác PCCC trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã xác định rõ vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về PCCC; đã quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn và tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định về PCCC; lực lượng PCCC chuyên nghiệp, lực lượng PCCC khu dân cư, lực lượng PCCC chuyên ngành, lực lượng PCCC cơ sở được tăng cường cả về số lượng và chất lượng; được quan tâm trang bị phương tiện, dụng cụ PCCC cần thiết. Chính vì vậy tình hình cháy trên địa bàn tỉnh những năm vừa qua được kiềm chế, không để xảy ra cháy lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra góp phần đảm bảo ổn định trật tự an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

2. Những tồn tại, hạn chế:

- Tình hình cháy, nổ còn diễn ra phức tạp, hàng năm trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra gần 100 vụ cháy, nổ làm chết và bị thương nhiều người, tài sản thiệt hại hàng chục tỷ đồng và hàng trăm ha rừng. Trong 5 năm (2007 - 2011), đã xảy ra gần 400 vụ cháy khu vực sản xuất, kinh doanh, khu dân cư và cháy rừng làm chết 9 người, bị thương 11 người, tài sản thiệt hại trên 50 tỷ đồng và gần 300ha rừng trồng, rừng phòng hộ.

- Trong điều kiện hệ thống cơ sở PCCC hiện nay như: giao thông, nguồn nước, lực lượng, phương tiện và trang thiết bị phục vụ công tác PCCC không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ khi xảy ra cháy lớn tại các cơ sở trọng điểm như: Chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, nhà cao tầng, kho tàng, các cơ sở kinh doanh xăng dầu, khí gas, các khu công nghiệp và các cơ sở ở xa các đội chữa cháy chuyên nghiệp.

3. Nguyên nhân:

a) Vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về PCCC ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn hạn chế, chưa quan tâm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về an toàn PCCC, dẫn đến kiến thức và ý thức trách nhiệm trong công tác PCCC của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân còn hạn chế.

b) Việc quy hoạch đô thị, KCN, KKT và khu dân cư cũng như khi lập dự án thiết kế xây dựng các công trình nhà cao tầng, chợ, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, chế biến, dịch vụ, vui chơi, giải trí tập trung đông người… một số nơi chưa thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật, các tiêu chuẩn, quy phạm về các điều kiện an toàn về PCCC.

c) Kinh phí đầu tư cho cho công tác PCCC chưa được quan tâm đúng mức nên hệ thống cơ sở PCCC trên địa bàn tỉnh, nhất là trang bị phương tiện chữa cháy còn thiếu, yếu kém và lạc hậu chưa tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ công tác PCCC trên địa bàn tỉnh.

d) Thực trạng biên chế, bố trí lực lượng và trang bị phương tiện như hiện nay chưa đảm bảo quy chuẩn và chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh vì diện tích bảo vệ của đội chữa cháy trung tâm là 78,5km2, diện tích bảo vệ đội chữa cháy khu vực là 28,3km2 nhưng hiện nay, diện tích bảo vệ trung bình của 01 đội chữa cháy tỉnh Thanh Hóa là 2.200km2 (11.000km2/5 đội) gấp khoảng 77 lần so với quy chuẩn. Do vậy, có những vụ cháy cách xa đội chữa cháy hàng trăm km nên lực lượng chữa cháy không kịp thời dẫn đến hậu quả thiệt hại rất nặng nề.

Phần 2.

THÀNH LẬP SỞ CẢNH SÁT PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY TỈNH THANH HÓA

I. DỰ BÁO VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ TÌNH HÌNH CHÁY, NỔ VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ TRONG NHỮNG NĂM TỚI

1. Dự báo tình hình phát triển đô thị, công nghiệp

Thực hiện Quyết định số 114/2009/QĐ-TTg ngày 28/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”, dự báo tình hình phát triển của tỉnh Thanh Hóa như sau:

a) Quan điểm phát triển:

- Phát triển công nghiệp gắn với phát triển đô thị và dịch vụ; phát triển kinh tế - xã hội kết hợp chặt chẽ với bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng, an ninh vững mạnh trên địa bàn; Hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa và tạo ra sự phát triển cân đối, bền vững giai đoạn sau năm 2015.

b) Quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa:

- Tỷ lệ đô thị hoá đạt 40% năm 2010, tăng lên 50% năm 2015 và đạt 75% năm 2020.

- Phấn đấu đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành đô thị loại I, trực thuộc Trung ương vào năm 2020.

- Năm 2020, dự kiến toàn tỉnh có 8 khu công nghiệp với tổng diện tích 250.000ha.

2. Dự báo tình hình cháy, nổ và cứu nạn, cứu hộ.

a) Tình hình cháy, nổ:

- Cơ sở hạ tầng về kinh tế - xã hội càng phát triển thì nguy cơ xảy ra cháy, nổ ngày càng cao, thiệt hại do cháy, nổ gây ra càng lớn. Cháy có thể xảy ra mọi lúc, mọi nơi, có thể xảy ra cháy lớn, diễn biến phức tạp, hậu quả nghiêm trọng, vượt qua khả năng kiểm soát của lực lượng Cảnh sát PCCC.

- Số vụ cháy xảy ra ở các khu đô thị, khu Công nghiệp sẽ gia tăng mạnh hơn so với các khu vực khác. Ngoài các khu công nghiệp đang hoạt động, tỉnh Thanh Hóa còn nhiều khu công nghiệp, khu công nghệ cao sẽ được hình thành cùng với các ngành kinh tế có tính chất nguy hiểm cháy, nổ cao được đầu tư xây dựng ngày càng nhiều; các công trình nhà cao tầng, khu đô thị mới cùng với hệ thống các chợ đầu mối, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, khách sạn, sân bay, bến cảng đã, đang được xây dựng và hoạt động trên địa bàn tỉnh thường xuyên tập trung đông người nên dẫn đến các vi phạm quy định an toàn về PCCC gây cháy và cháy lớn.

- Nhu cầu sử dụng điện, xăng dầu, khí gas, hàng hóa, vật tư dễ cháy trong sinh hoạt, sản xuất kinh doanh ngày càng tăng nguy cơ xảy ra cháy, nổ ngày càng lớn.

- Với hệ thống giao thông đường thủy rất thuận tiện có 02 cảng biển chính và 104 bến sông với công suất vận chuyển hàng hóa gần 10 triệu tấn/năm, tàu hàng chục nghìn tấn ra vào thuận tiện, trong đó đáng chú ý là các phương tiện vận chuyển hàng hóa dễ cháy như xăng, dầu, khí đốt hóa lỏng… Số lượng tàu và hàng hóa vận chuyển ngày càng nhiều, đặc biệt là tàu chở dầu neo đậu tập chung tại các vùng ven biển nên tình hình cháy nổ trên mặt nước có nguy cơ ngày càng tăng cao do nhiều nguyên nhân như: vi phạm các quy định an toàn về PCCC; sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt không đúng quy định; do sự cố…

- Với diện tích rừng và đất lâm nghiệp toàn tỉnh tính đến tháng 5/2011 là 627.833,48ha; trong đó đất có rừng là 540.204,7ha (rừng tự nhiên là 384.955,22ha, rừng trồng là 155.249,48ha). Tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng, khô hạn kéo dài, gió Lào liên tục xuất hiện; các diện tích rừng trồng, rừng tự nhiên hệ phổ tạp (nhiều loài) có lớp thảm thực bì dày, gần các khu dân cư nên nguy cơ cháy rất cao. Địa hình chia cắt phức tạp, độ dốc lớn gây khó khăn cho công tác PCCC rừng. Người dân dùng lửa thiếu ý thức trong sản xuất nông, lâm nghiệp, canh tác nương rẫy, khai thác lâm sản, săn bắn động vật rừng gây cháy rừng. Các vụ cháy rừng lan từ Lào sang ngày càng tăng. Nguy cơ cháy rừng luôn tiềm ẩn, diễn biến phức tạp.

b) Tình hình cứu nạn, cứu hộ:

Hiện nay hạ tầng giao thông tỉnh Thanh Hóa nhiều nơi đã xuống cấp, quy hoạch thiếu đồng bộ, nguy cơ xảy ra tại nạn giao thông cao. Tuyến đường biển và hệ thống giao thông đường thủy đa dạng, phức tạp, tình hình thiên tai, lũ lụt diễn biến phức tạp; số lượng lớn các mỏ khai thác khoáng sản, đá, cát và sự phát triển nhanh của việc xây dựng hạ tầng cơ sở, công trình xây dựng đặc biệt là nhà cao tầng với nguy cơ xảy ra tai nạn lớn.

Với những đặc điểm trên có thể khẳng định Thanh Hóa là địa bàn trọng điểm về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Việc thành lập Sở Cảnh sát PCCC là cấp bách và hết sức cần thiết để phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm ANTT của tỉnh và hội nhập kinh tế quốc tế.

II. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu.

a) Thành lập Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy tỉnh Thanh Hóa trên cơ sở tổ chức lại Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh Thanh Hóa. Công an tỉnh tham mưu đề xuất với Bộ Công an, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân ban hành, chỉ đạo và tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; đồng thời, là đầu mối phối hợp các cơ quan, ban, ngành, tổ chức, đơn vị có liên quan đến hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

b) Nâng cao chất lượng công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ, góp phần đảm bảo tính mạng, sức khỏe con người, tài sản của Nhà nước, tổ chức và cá nhân đảm bảo an ninh và trật tự an toàn xã hội;

c) Tạo môi trường ổn định, an toàn thu hút các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

d) Tạo điều kiện thuận lợi đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thu hút nhiều tầng lớp tham gia.

e) Việc thành lập Sở Cảnh sát PCCC phải có lộ trình phù hợp về triển khai tổ chức bộ máy, biên chế và trang bị phương tiện. Tiến hành từng bước vững chắc, phù hợp với yêu cầu khả năng thực tế và phù hợp với quy định của pháp luật được sự chỉ đạo thống nhất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

2. Yêu cầu:

a) Đảm bảo phục vụ yêu cầu an ninh, chính trị và công tác thường trực, sẵn sàng làm nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy trong thời gian tách, thành lập Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy.

b) Xây dựng lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy lớn mạnh về số lượng, chất lượng, thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng lực lượng chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

c) Thống nhất trong công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai, đảm bảo đoàn kết nội bộ, thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ chiến sỹ trong lực lượng.

d) Thành lập Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy là để phát triển lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên sâu, ngày càng tinh nhuệ, đảm bảo yêu cầu chính quy hiện đại.

III. NGUYÊN TẮC THÀNH LẬP

1. Xây dựng lực lượng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực.

2. Chuyển giao nguyên trạng cán bộ, chiến sỹ, biên chế, cơ sở vật chất, các dự án công trình đang và sẽ thực hiện của Phòng PC66 sang Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy tỉnh Thanh Hóa.

3. Chấp hành đúng quy định của Bộ Công an về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức và biên chế; công tác quản lý cán bộ, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo cấp Sở, Phòng và chỉ huy các đội, trong đó ưu tiên bổ nhiệm những đồng chí được đào tạo chuyên sâu về phòng cháy, chữa cháy và có kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng cháy, chữa cháy tại địa phương.

IV. TỔ CHỨC SỞ CẢNH SÁT PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Quyết định số 754/QĐ-BCA ngày 08/3/2011 của Bộ trưởng Bộ Công an Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và Công văn số 2321/X11-X13, ngày 13 tháng 3 năm 2013 của Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an Nhân dân hướng dẫn xây dựng Đề án thành lập Sở Cảnh sát PCCC ở địa phương, Công an tỉnh Thanh Hóa xây dựng mô hình tổ chức bộ máy như sau:

1. Tổ chức bộ máy:

a) Cơ cấu lãnh đạo Sở:

Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy tỉnh Thanh Hóa do Giám đốc chỉ huy, có 03 Phó Giám đốc.

b) Cơ cấu tổ chức bộ máy:

Bộ trưởng Bộ Công an quyết định cụ thể về cơ cấu tổ chức bộ máy của Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy tỉnh Thanh Hóa. Công an tỉnh Thanh Hóa đề xuất cơ cấu tổ chức như sau:

- Phòng Tham mưu;

- Phòng Tổ chức cán bộ

- Phòng Chính trị;

- Phòng Hướng dẫn, kiểm tra, điều tra - xử lý về phòng chống cháy nổ;

- Phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;

- Phòng Hậu cần và trang bị kỹ thuật;

- Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng Khoa học PCCC và Đào tạo, huấn luyện PCCC và CHCN;

- Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Trung tâm (Phòng 1);

- Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Khu kinh tế Nghi Sơn (Phòng 2);

- Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH khu vực thị xã Bỉm Sơn (Phòng 3);

- Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH khu vực TX Sầm Sơn (Phòng 4);

- Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH khu vực Lam Sơn (Phòng 5);

- Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH khu vực Thạch Thành (Phòng 6);

- Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH khu vực Ngọc Lặc (Phòng 7).

c) Cơ cấu Lãnh đạo chỉ huy cấp Phòng và cấp Đội.

- Cấp Phòng: Cấp phòng có Trưởng Phòng chỉ huy và có 2 đến 3 Phó Trưởng phòng.

- Cấp Đội: Cơ cấu chỉ huy thực hiện theo Công văn số 9660/X11- X13, ngày 19 tháng 11 năm 2010 của Tổng cục XDLL CAND quy định tiêu chí thành lập, cơ cấu lãnh đạo chỉ huy cấp Đội trong CAND.

V. CƠ CHẾ HOẠT ĐỘNG VÀ MỐI QUAN HỆ PHỐI HỢP CỦA SỞ CẢNH SÁT PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY TỈNH THANH HÓA

1. Cơ chế hoạt động của Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy:

a) Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy là đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân; tổ chức hoạt động theo phương thức của lực lượng vũ trang (ăn, ở, sinh hoạt tập trung; thường trực chiến đấu 24/24 giờ/ngày).

b) Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy là đơn vị trực thuộc Bộ Công an, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC chịu sự lãnh đạo, chỉ huy thống nhất của Bộ trưởng Bộ Công an và Tỉnh ủy, UBND tỉnh về chủ trương, kế hoạch, biện pháp công tác PCCC, cứu nạn, cứu hộ và công tác xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH; chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Công an và Tỉnh ủy, UBND tỉnh về tình hình công tác, chiến đấu của lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn tỉnh.

c) Sở Cảnh sát PCCC có trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về PCCC và CNCH trên địa bàn.

d) Tổ chức và hoạt động của Đảng bộ Sở Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ được thực hiện theo Quy định số 92-QĐ/TW ngày 15 tháng 5 năm 2012 của Bộ Chính trị quy định về tổ chức Đảng trong CAND.

2. Quy chế phối hợp của Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy tỉnh Thanh Hóa:

a) Bộ trưởng Bộ Công an:

Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy Thanh Hóa chịu sự lãnh đạo, chỉ huy thống nhất của Bộ trưởng về chủ trương, kế hoạch, biện pháp công tác phòng cháy, chữa cháy và công tác xây dựng lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy; chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về tình hình công tác, chiến đấu của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy.

b) Các Tổng cục, Vụ, Cục, Bộ Tư lệnh trực thuộc Bộ Công an:

Quan hệ giữa các Tổng cục, Vụ, Cục, Bộ Tư lệnh và các đơn vị trực thuộc Bộ Công an với Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh Thanh Hóa là quan hệ chỉ đạo (khi được Bộ trưởng giao), giữa cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Công an với cơ quan Công an cấp dưới về lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ. Giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị của Sở tổ chức thực hiện sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra của các Tổng cục và hướng dẫn về nghiệp vụ của các Vụ, Cục chuyên môn, nghiệp vụ.

c) Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ:

Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ với Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy là quan hệ giữa cơ quan chuyên môn cấp trên chỉ đạo nghiệp vụ Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ.

d) Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa:

Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy tỉnh Thanh Hóa chịu sự lãnh đạo trực tiếp về mọi mặt của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh. Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh Thanh Hóa chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; có trách nhiệm thực hiện các nghị quyết, quyết định, chỉ thị, kế hoạch của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn tỉnh.

đ) Ban Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa:

Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy tỉnh Thanh Hóa là thành viên của Ban Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa; chịu sự chỉ đạo, chỉ huy của Ban chỉ huy tìm kiếm cứu nạn tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn. Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy là lực lượng thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ trong đám cháy; cứu nạn, cứu hộ hàng ngày và là một trong các lực lương chuyên trách tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa.

e) Các Sở, ban, ngành của tỉnh:

Quan hệ giữa Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh Thanh Hóa với các Sở, ban, ngành của tỉnh là quan hệ phối hợp để thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, xây dựng phong trào toàn dân phòng cháy, chữa cháy. Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh Thanh Hóa có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các sở, ban, ngành của tỉnh thực hiện các quy định của pháp luật; thực hiện các nghị quyết, quyết định, chỉ thị, kế hoạch của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn tỉnh.

g) Với Công an tỉnh Thanh Hóa:

Quan hệ phối hợp giữa các lực lượng của Công an tỉnh Thanh Hóa và Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh Thanh Hóa dựa trên cơ sở thống nhất, hỗ trợ, hiệp đồng để hoàn thành nhiệm vụ của từng lực lượng và vì sự nghiệp bảo vệ ổn định về chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

3. Biên chế:

Năm 2013 dự kiến khi thành lập khoảng 350 CBCS;

Năm 2014 bổ sung đến 450 CBCS;

Năm 2015 bổ sung đến 550 CBCS.

VI. KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT

1. Đề nghị Bộ Công an phê duyệt biên chế bước đầu cho Sở PCCC Thanh Hóa năm 2013 là 350; Năm 2014 là 450, năm 2015 là 550 và các năm tiếp theo tăng 10%/năm để đảm bảo quân số đáp ứng yêu cầu công tác PCCC khi tách thành lập Sở trong thời kỳ hội nhập, phát triển.

2. Đề nghị Bộ Công an tăng chỉ tiêu chuyển chuyên nghiệp và chỉ tiêu tuyển chọn công dân vào công an nhân dân để bổ sung biên chế.

3. Đề nghị Bộ Công an quan tâm cấp kinh phí xây dựng trụ sở làm việc của trung tâm và các đơn vị PCCC khu vực, bổ sung, mua sắm phương tiện PCCC, đồ dùng sinh hoạt, vật tư thiết bị, sân bãi tập luyện…

4. Quan tâm đào tạo bồi dưỡng, xem xét tiêu chuẩn bổ nhiệm lãnh đạo, chỉ huy, đồng thời cho địa phương liên kết với Trường PCCC mở lớp hệ vừa làm vừa học tại địa phương.

5. Trang bị phương tiện

- Xe chữa cháy loại lớn:

04 chiếc

- Xe chữa cháy loại trung bình:

03 chiếc

- Xe chữa cháy loại nhỏ:

01 chiếc

- Xe thang chữa cháy:

01 chiếc

- Xe nâng chữa cháy:

01 chiếc

- Xe chỉ huy chữa cháy:

01 chiếc

- Xe chở phương tiện chữa cháy:

01 chiếc

- Xe chở nước:

01 chiếc

- Xe cấp cứu:

01 chiếc

- Xe cứu nạn, cứu hộ:

01 chiếc

- Xe thông tin ánh sáng:

01 chiếc

- Máy bơm:

02 chiếc.

Ngoài ra đề nghị Bộ Công an trang bị các thiết bị chữa cháy và bảo hộ cá nhân cho cán bộ, chiến sỹ, các trang thiết bị phụ trợ khác phục vụ cho quá trình chữa cháy và cứu hộ cứu nạn.

VII. LỘ TRÌNH TRIỂN KHAI, THỰC HIỆN

1. Năm 2013, triển khai thành lập Sở Cảnh sát PCCC.

a) Lãnh đạo Sở:

- Giám đốc và 03 đồng chí Phó Giám đốc:

Hướng phân công công tác như sau:

+ Giám đốc phụ trách chung;

+ 01 Phó Giám đốc phụ trách xây dựng lực lượng, Hậu cần, kỹ thuật;

+ 01 Phó Giám đốc phụ trách công tác phòng cháy và công tác xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC;

+ 01 Phó Giám đốc phụ trách công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

- Nguồn cụ thể:

+ Đối với Giám đốc Sở: Điều động và bổ nhiệm 01 đồng chí Phó Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa giữ chức vụ Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC tỉnh Thanh Hóa.

+ Đối với Phó Giám đốc: Lựa chọn trong nguồn quy hoạch chức vụ Phó Giám đốc của Công an tỉnh để điều động, bổ nhiệm 03 đồng chí giữ chức vụ Phó Giám đốc.

b) Thành lập mới các Phòng và Trung tâm:

- Thành lập 06 Phòng nghiệp vụ, 01 Trung tâm và 7 Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH thuộc Sở Cảnh sát PCCC Thanh Hóa trên cơ sở các Đội hiện có và thành lập mới, bao gồm:

+ Phòng Tham mưu;

+ Phòng Tổ chức cán bộ;

+ Phòng Chính trị;

+ Phòng Hướng dẫn, kiểm tra, điều tra - xử lý về phòng chống cháy nổ;

+ Phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;

+ Phòng Hậu cần và trang bị kỹ thuật;

+ Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng Khoa học PCCC và Đào tạo, huấn luyện PCCC và CHCN;

+ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Trung tâm (Phòng 1);

+ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Khu kinh tế Nghi Sơn (Phòng 2);

+ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH khu vực thị xã Bỉm Sơn (Phòng 3);

+ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH khu vực TX Sầm Sơn (Phòng 4);

+ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH khu vực Lam Sơn (Phòng 5);

+ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH khu vực Thạch Thành (Phòng 6);

+ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH khu vực Ngọc Lặc (Phòng 7).

Đối với lãnh đạo các Phòng và Trung tâm: Mỗi Phòng cơ cấu 01 Trưởng phòng và có từ 02 đến 03 Phó Trưởng phòng, được lựa chọn và bổ nhiệm từ nguồn Lãnh đạo Phòng và nguồn quy hoạch hiện có.

c) Trụ sở.

- Trụ sở của Sở Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy tỉnh Thanh Hóa sử dụng toàn bộ khu vực Phòng PC66 tại xã Đông Hải, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa với tổng diện tích là 25.000m2, là nơi làm việc của lãnh đạo Sở, các phòng chức năng, trung tâm nghiên cứu và Phòng chữa cháy trung tâm.

- Trụ sở các phòng chữa cháy khu vực đóng tại địa bàn các huyện, thị xã đã được Chủ tịch UBND tỉnh duyệt gồm:

+ Trụ sở của Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Khu kinh tế Nghi Sơn đóng tại Ban dự án Khu kinh tế Nghi Sơn huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa;

+ Trụ sở của Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ khu vực Thị xã Bỉm Sơn đóng tại Khu chuyên gia thuộc phường Ba Đình, TX. Bỉm Sơn, Thanh Hóa;

+ Trụ sở của phòng Cảnh sát PCCC và nạn, cứu hộ khu vực TX. Sầm Sơn đóng tại Công an phường Trung Sơn, TX. Sầm Sơn, Thanh Hóa;

+ Trụ sở của phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ khu vực Lam Sơn đóng tại Nhà máy Giấy Lam Sơn, thuộc thị trấn Lam Sơn, Thọ Xuân, Thanh Hóa.

+ Đối với các phòng Cảnh sát PCCC và nạn cứu, cứu hộ Thạch Thành, Ngọc Lặc khi được Bộ duyệt Đề án sẽ triển khai thực hiện tại hai địa điểm nói trên.

d) Phương án điều động.

Dự kiến quân số tổng thể bước đầu khi thành lập Sở khoảng 350 CBCS. (Số biên chế là 200; Công dân PVCTH là 130 và HĐLĐ là 20).

Sau khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định thành lập Sở Cảnh sát PCCC, đồng thời Bộ trưởng Bộ Công an có Quyết định về tổ chức bộ máy của Sở Cảnh sát PCCC tỉnh Thanh Hóa, sẽ chuyển 176 CBCS (gồm 96 sỹ quan, hạ sỹ quan; 73 chiến sỹ phục vụ có thời hạn; 7 Hợp đồng lao động của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH thuộc Công an tỉnh Thanh Hóa sang Sở Cảnh sát PCCC tỉnh Thanh Hóa và được điều động bổ sung từ các đơn vị khác, nguồn vào khác như:

+ Điều động những cán bộ được đào tạo chuyên ngành PCCC hiện đang làm các công tác khác 45 CBCS;

+ Số CBCS làm công tác XDLL, Hậu cần: 8

+ Tuyển chọn cán bộ tốt nghiệp các trường ngoài ngành: 10

+ Chuyển chuyên nghiệp đối với Chiến sỹ phục vụ có thời hạn: 10

+ Tiếp nhận học viên tốt nghiệp từ các trường CAND: 20

+ Tiếp nhận CBCS đang công tác tại các tỉnh, thành phố khác, các đơn vị thuộc Bộ Công an có chuyên ngành đào tạo phù hợp về Sở Cảnh sát PCCC: 10

+ Tuyển chọn mới công dân phục vụ có thời hạn: 57

+ Ký mới 14 HĐLĐ.

- Đề xuất chỉ tiêu đào tạo chuyên ngành PCCC hàng năm khoảng 30 CBCS và 5 lái xe chuyên nghiệp (chủ yếu cho đối tượng là Công dân PVCTH được chuyển chuyên nghiệp và cán bộ tuyển dụng).

2. Sở Cảnh sát PCCC trong năm 2014.

Giữ nguyên mô hình tổ chức, cơ cấu lãnh đạo chỉ huy như năm 2013 và đề nghị thành lập mới các Phòng Cảnh sát PCCC tại các địa bàn có tốc độ đô thị hoá nhanh, có các điều kiện thuận lợi về quỹ đất, địa bàn có tình hình cháy, nổ phức tạp như:

- Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH Yên Định (tại thị trấn Kiểu, thuộc huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa);

- Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH Nông Cống (tại nhà máy Đường Nông Cống thuộc huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa);

- Biên chế khoảng 450 CBCS.

3. Sở Cảnh sát PCCC trong năm 2015 và các năm tiếp theo:

Giữ nguyên mô hình tổ chức, cơ cấu lãnh đạo chỉ huy như năm 2014 và đề nghị thành lập mới Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH Đông Sơn (tại TT Rừng Thông thuộc huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa);

- Thành lập Thanh tra sở (tách ra từ Phòng Chính trị);

- Thành lập Phòng Điều tra, xử lý (tách ra từ Phòng Hướng dẫn, kiểm tra, điều tra - xử lý về phòng chống cháy nổ);

- Thành lập Bệnh xá Sở Cảnh sát PCCC.

- Tiếp tục thành lập các Đội Cảnh sát PCCC khu vực tại địa bàn trọng điểm cháy nổ đảm bảo bán kính bảo vệ 3-5km để bổ sung cho các Phòng Cảnh sát PCCC.

- Biên chế năm 2015 khoảng 550 CBCS, các năm tiếp theo tăng 10%/năm.

Phần 3.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Công an tỉnh Thanh Hóa có trách nhiệm:

a) Là cơ quan thường trực, chủ trì tham mưu cho UBND tỉnh quản lý thực hiện Đề án; tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án thành lập Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy tỉnh Thanh Hóa do đồng chí Giám đốc Công an tỉnh làm Trưởng ban, các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng uỷ, Phó Giám đốc, các đồng chí Trưởng Phòng PV11, PX13, PX15, PV22, PH41, PC66 là Thành viên;

b) Công an tỉnh Thanh Hóa báo cáo Bộ Công an để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy tỉnh Thanh Hóa; đồng thời quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy tỉnh Thanh Hóa.

2. Sau khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định thành lập và Bộ trưởng Bộ Công an có quyết định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh Thanh Hóa, Công an tỉnh Thanh Hóa có trách nhiệm:

a) Triển khai thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về thành lập Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy tỉnh Thanh Hóa; hoàn thành các thủ tục, quyết định về biên chế, tổ chức bộ máy của các Phòng và Trung tâm theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an.

b) Thực hiện quy trình, thủ tục đề nghị bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, chỉ huy và điều động, bố trí, sắp xếp lực lượng bổ sung cho Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh Thanh Hóa đủ quân số để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

c) Nhanh chóng hoàn thiện trụ sở làm việc, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, để đáp ứng nhu cầu nơi ăn, ở sinh hoạt và luyện tập của CBCS, sớm ổn định tình hình để đi vào hoạt động.

3. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị có liên quan tham mưu, đề xuất kinh phí để triển khai thực hiện Đề án, báo cáo UBND tỉnh; các sở, ban ngành có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức, tham gia phối hợp triển khai, thực hiện Đề án có hiệu quả./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1339/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Đề án thành lập “Sở Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy tỉnh Thanh Hóa"

  • Số hiệu: 1339/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 24/04/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
  • Người ký: Trịnh Văn Chiến
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 24/04/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản