Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1337/QĐ-UBND | Cà Mau, ngày 21 tháng 09 năm 2012 |
BAN HÀNH QUY TRÌNH NUÔI TÔM THAM GIA THÍ ĐIỂM BẢO HIỂM NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 01/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011 - 2013;
Căn cứ Thông tư số 47/2011/TT-BNNPTNT ngày 29/6/2011 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản theo Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 01/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ;
Căn cứ Thông tư số 43/2012/TT-BNNPTNT ngày 23/8/2012 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 47/2011/TT-BNNPTNT ngày 29/6/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản theo Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 01/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ;
Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 275/TTr-SNN ngày 13/9/2012 về việc xin phê duyệt các Quy trình nuôi tôm tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy trình nuôi tôm (nuôi thâm canh tôm sú, nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng, nuôi bán thâm canh tôm sú, nuôi quảng canh cải tiến tôm sú) tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và được phổ biến đến tất cả các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các sở, ngành và đơn vị có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân các huyện, thành phố Cà Mau và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. CHỦ TỊCH |
QUY TRÌNH KỸ THUẬT NUÔI THÂM CANH TÔM SÚ THAM GIA THÍ ĐIỂM BẢO HIỂM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1337/QĐ-UBND ngày 21/9/2012 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau)
1. Đối tượng và phạm vi áp dụng
Quy trình này quy định trình tự, nội dung và những yêu cầu kỹ thuật để nuôi thâm canh tôm sú (Penaeus monodon Fabricus, 1798), áp dụng cho các cơ sở nuôi tại tỉnh Cà Mau tham gia thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp.
2. Điều kiện áp dụng
a) Điều kiện ao nuôi:
- Ao nuôi nằm xa khu vực dân cư và khu sản xuất công nghiệp;
- Nguồn nước cung cấp cho ao nuôi có chất lượng tốt, không bị ô nhiễm;
- Ao nuôi có diện tích từ 1.200 m2 trở lên; độ sâu nước từ 1,2 m trở lên;
- Ao nên có cống cấp nước và thoát nước riêng biệt, bờ ao phải đảm bảo chắc chắn không rò rỉ. Đáy ao phải được gia cố chống thấm, nền phẳng, dốc nghiêng về phía cống thoát;
- Cơ sở hạ tầng nuôi phải đáp ứng yêu cầu sản xuất.
b) Môi trường nước ao trong quá trình nuôi tôm phải đảm bảo các chỉ tiêu sau:
TT | Chỉ tiêu | Đơn vị | Mức tối ưu | Giới hạn cho phép |
1 | BOD5 | mg/l | ≤ 20 | < 30 |
2 | NH3 | mg/l | ≤ 0,1 | < 0,3 |
3 | H2S | mg/l | ≤ 0,03 | < 0,05 |
4 | NO2 | mg/l | ≤ 0,25 | < 0,35 |
5 | pH |
| 7,5 ÷ 8,5 | 6,5 ÷ 9,0 dao động trong ngày không quá 0,5 |
6 | Nhiệt độ | °C | 28 ÷ 30 | 25 ÷ 35 |
7 | Độ muối | ‰ | 10 ÷ 25 | 5 ÷ 35 |
8 | Ôxy hòa tan (DO) | mg/l | ≥ 4 | ≥ 3,5 |
9 | Độ trong | cm | 30 ÷ 35 | 20 ÷ 50 |
10 | Kiềm | mg/l | 80 ÷ 120 | 40 ÷ 180 |
3. Nội dung quy trình nuôi thâm canh tôm sú
a) Chuẩn bị ao: Trước mỗi vụ nuôi tôm phải chuẩn bị ao theo các nội dung sau:
- Tháo cạn nước trong ao, nạo vét, cày, bón vôi, phơi ao;
- Đối với ao mới xây dựng và ao ở vùng chua, phèn, trước khi nuôi phải khử chua bằng biện pháp như sau:
+ Lấy nước vào ao ngâm từ 2-3 ngày rồi tháo rửa liên tục 2-3 lần;
+ Tháo khô nước rắc đều vôi bột trên đáy ao và mặt trong bờ ao. Lượng vôi bột sử dụng tùy thuộc vào pH của đất, tham khảo bảng sau:
Bảng: Lượng vôi để khử độ chua (phèn) của ao nuôi tôm
pH của đất ở đáy, bờ ao | Lượng vôi (kg/ha) |
5,1 - 5,5 | 800 - 1000 |
5,6 - 6,0 | 500 - 800 |
6,1 - 6,5 | 200 - 500 |
6,6 - 7,0 | 100 - 200 |
+ Giữ ao khô trong khoảng 7 - 10 ngày; lưu ý đối với vùng chua phèn, pH thấp không nên phơi quá lâu sẽ bị xì phèn;
+ Lấy nước đã xử lý lắng, lọc từ ao chứa vào ao nuôi qua lưới lọc có kích thước mắt lưới 2a = 1mm, mức nước từ 1,2 m trở lên;
+ Đối với ao cũ bón vôi với lượng 500 - 1.000 kg/ha;
+ Diệt tạp: Sử dụng một số loại thuốc diệt tạp được phép lưu hành tại Việt Nam và sử dụng theo hướng dẫn ghi trên nhãn hàng hóa;
+ Bón phân gây nuôi thức ăn tự nhiên: Trước khi thả tôm giống 7 ngày, sử dụng phân vô cơ để bón cho ao. Sử dụng các chế phẩm vi sinh, hoặc tảo nhân tạo để gây màu nước và cấy vi khuẩn có lợi trong ao;
Sau 7 ngày, nếu chưa thả được tôm giống phải lặp lại biện pháp bón phân gây nuôi thức ăn tự nhiên ở trên cho ao nuôi tôm;
+ Sử dụng thuốc, chất xử lý và cải tạo môi trường phải nằm trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam và theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
b) Thả tôm giống:
- Thời gian nuôi một vụ: 4,5 - 6 tháng (nuôi từ PL12-PL15);
- Số vụ nuôi trong năm: Khuyến cáo nuôi 1 vụ chính, vụ phụ có thể thả nuôi các đối tượng khác;
- Mùa vụ thả: Tuân thủ lịch mùa vụ của ngành chức năng;
- Tôm giống để nuôi phải đảm bảo chất lượng theo Tiêu chuẩn Việt Nam và những quy định hiện hành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan quản lý chuyên ngành. Mua tôm giống từ cơ sở đã được cấp chứng nhận đạt chất lượng;
- Mật độ giống thả: Trên 20 con/m2;
- Qui cỡ giống thả: P12-P15;
- Phương pháp thả: thả lúc sáng sớm hoặc chiều tối, khi nước ao nuôi có nhiệt độ thấp trong ngày. Tránh thả tôm khi trời nắng nóng, nhiệt độ nước cao hoặc khi trời có mưa. Cần ngâm túi giống trong ao nuôi khoảng 10 - 15 phút sau đó thả tôm vào ao nuôi.
c) Chăm sóc:
Cho tôm ăn: Sử dụng thức ăn viên công nghiệp được sản xuất trong nước hoặc thức ăn nhập khẩu để cho tôm ăn. Chất lượng thức ăn phải đảm bảo có hàm lượng đạm tổng số từ 34 đến 42%. Thức ăn và chất bổ sung thức ăn phải nằm trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam.
- Thời điểm cho ăn và lượng thức ăn mỗi lần trong ngày cho tôm: Tham khảo tại bảng sau:
Bảng: Thời điểm và lượng thức ăn mỗi lần cho tôm ăn hàng ngày
Thời điểm trong ngày | Tỷ lệ % cho ăn so với tổng khối lượng thức ăn hàng ngày |
6 giờ | 20 |
10 giờ | 10 |
16 giờ | 20 |
20 giờ | 25 |
23 giờ | 25 |
- Lượng thức ăn tính theo ngày tuổi và khối lượng của tôm nuôi trong ao theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Phương pháp cho ăn: Khi cho tôm ăn phải rải đều thức ăn khắp mặt ao, mỗi lần cho ăn phải kiểm tra tình hình tôm sử dụng thức ăn để điều chỉnh lượng thức ăn lần sau cho phù hợp. Cách kiểm tra, điều chỉnh như sau:
+ Mỗi ha ao nuôi tôm đặt từ 6 đến 8 khay (sàn ăn) ở quanh bờ ao. Diện tích mỗi sàn ăn khoảng 0,4 - 0,8 m2. Sau khi đã rải thức ăn khắp mặt ao để cho tôm ăn, phải giữ lại từ 2 đến 4% lượng thức ăn của một lần cho ăn để rải vào sàn ăn. Khoảng 1 - 3 giờ sau, tiến hành kiểm tra lại các sàn ăn để tăng hoặc giảm lượng cho ăn lần sau;
+ Khi thấy tôm lột vỏ, phải giảm 20 - 30% lượng thức ăn cho lần sau;
+ Khi thấy tôm bắt mồi kém, nước ao đục hoặc vào những ngày trời nắng nóng, nhiệt độ nước cao phải giảm lượng thức ăn cho tôm;
+ Vào những ngày trời mát có thể tăng lượng thức ăn cho tôm.
d) Quản lý nước:
- Xử lý nước cấp cho ao nuôi: Trong quá trình chuẩn bị ao và trước khi thả tôm giống phải lấy nước vào ao chứa lắng để xử lý diệt khuẩn. Nếu nguồn nước bị nhiễm bẩn phải tiến hành xử lý bằng Chlorin với nồng độ khoảng 30 kg/1.000 m3 nước hoặc Formol nồng độ 30 lít/1.000 m3 nước hoặc hóa chất có trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam. Không được lấy nước vào ao nuôi trong những ngày mưa bão.
- Lấy nước vào ao nuôi: Thường xuyên duy trì độ sâu nước ao nuôi tôm từ 1,2 m trở lên.
- Bổ sung nước cho ao nuôi: Vào những ngày nắng nóng, nhiệt độ và độ mặn nước tăng cao phải kịp thời bổ sung nước mới đã qua xử lý để ổn định nhiệt độ và độ mặn cho ao nuôi. Lượng nước mới bổ sung mỗi lần khoảng 10 - 15% khối lượng nước trong ao.
- Thay nước cho ao nuôi: Khi nước ao nuôi bị nhiễm bẩn hoặc tôm bị bệnh hoặc tôm khó lột xác phải tiến hành rút bớt lớp nước đáy ao khoảng 10 - 15% khối lượng nước trong ao để thay bằng nguồn nước mới đã qua xử lý.
- Kiểm tra chất lượng nước ao nuôi:
+ Hàng ngày theo dõi các chỉ tiêu oxy hòa tan, pH, nhiệt độ, độ trong và màu nước ao nuôi;
+ Định kỳ quan trắc các chỉ tiêu môi trường nước ao nuôi như BOD, NH3, H2S, NO2 để điều chỉnh cho phù hợp với tôm nuôi.
đ) Quản lý ao nuôi: Bao gồm các công việc sau đây:
- Hàng ngày kiểm tra bờ ao, cống, mương, phát hiện và kịp thời xử lý những chỗ rò, hổng, sạt lở;
- Thường xuyên vệ sinh lưới chắn rác, lưới lọc nước, sàn ăn, vớt rác bẩn, rong, tảo quanh bờ, góc ao, cửa cống, quạt nước;
- Thường xuyên chạy quạt đảm bảo hàm lượng oxy hòa tan trong nước lớn hơn 4 mg/lít theo yêu cầu kỹ thuật nuôi bằng các biện pháp sau:
+ Đảm bảo số lượng quạt nước để cung cấp đủ lượng oxy hòa tan và tạo dòng chảy thu gom chất thải vào giữa đáy ao;
+ Trong trường hợp nuôi mật độ dày (>35con/m2) có thể bố trí thêm 1 máy nén thổi khí sục từ đáy ao lên để tăng lượng oxy hòa tan và phân bố đều oxy trong nước;
+ Thời gian, chế độ hoạt động của các máy phụ thuộc vào lượng oxy hòa tan trong nước, mật độ và kích cỡ tôm nuôi. Nói chung, số giờ hoạt động tăng từ vài giờ mỗi ngày trong tháng nuôi đầu tiên đến 14 - 16 giờ mỗi ngày khi đến gần thời điểm thu hoạch. Những ngày thời tiết xấu có thể cho máy hoạt động liên tục cả ngày; trong quá trình sử dụng, phải thường xuyên kiểm tra hệ thống quạt nước, máy sục khí để sửa chữa, điều chỉnh kịp thời những chỗ hỏng hóc;
- Định kỳ 10 ngày 1 lần lấy mẫu tôm nuôi (30 con/mẫu) để kiểm tra tốc độ sinh trưởng. Hai tháng đầu lấy mẫu bằng vó, từ tháng thứ 03 trở đi lấy mẫu bằng chài;
- Thường xuyên kiểm tra ao, nếu phát hiện có cá tạp phải kịp thời dùng thuốc diệt tạp để xử lý.
e) Quản lý sức khỏe tôm:
+ Thường xuyên kiểm tra sức khỏe, hoạt động bắt mồi và hình dạng bên ngoài của tôm để kịp thời phát hiện dịch bệnh;
- Định kỳ 10 ngày lấy mẫu 1 lần để quan sát phần phụ, màu sắc thân tôm, thức ăn trong dạ dày, ruột, mang, gan tụy;
- Khi thấy tôm có biểu hiện bất thường hoặc có dấu hiệu bệnh lý phải xác định rõ nguyên nhân để xử lý.
f) Quản lý dịch bệnh: Một số biện pháp phòng bệnh tổng hợp có thể hạn chế được dịch bệnh trong quá trình nuôi tôm:
- Thiết kế và xây dựng hệ thống ao nuôi phù hợp;
- Cải tạo ao đúng quy trình kỹ thuật;
- Xử lý nước thật kỹ trước khi đưa vào ao nuôi;
- Chọn và thả những giống tốt, đã được kiểm dịch;
- Kiểm tra thường xuyên các yếu tố môi trường để có biện pháp điều chỉnh thích hợp;
- Kiểm tra sức khỏe, hoạt động và hình dạng bên ngoài của tôm để kịp thời phát hiện dịch bệnh;
- Quản lý tốt thức ăn nhằm hạn chế thức ăn thừa gây ô nhiễm;
- Cho ăn đầy đủ dinh dưỡng và sử dụng các loại thức ăn bổ sung, vitamin C để tăng sức đề kháng;
- Định kỳ sử dụng vi sinh để giảm ô nhiễm và hạn chế vi sinh vật có hại.
g) Thu hoạch:
- Dùng chài thu mẫu để bắt kiểm tra khối lượng trung bình và các biểu hiện bệnh lý của tôm nuôi. Nếu tôm đã đạt kích cỡ thương phẩm thì tiến hành thu hoạch;
- Cơ sở nuôi tôm phải ngừng sử dụng thuốc kháng sinh, hóa chất trước khi thu hoạch tôm theo hướng dẫn của nhà sản xuất./.
QUY TRÌNH KỸ THUẬT NUÔI BÁN THÂM CANH TÔM SÚ THAM GIA THÍ ĐIỂM BẢO HIỂM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1337/QĐ-UBND ngày 21/9/2012 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau)
1. Đối tượng và phạm vi áp dụng
Quy trình này quy định trình tự, nội dung và những yêu cầu kỹ thuật để nuôi bán thâm canh tôm sú (Penaeus monodon Fabricus, 1798), áp dụng cho các cơ sở nuôi tại tỉnh Cà Mau tham gia thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp.
2. Điều kiện áp dụng
a) Điều kiện ao nuôi:
- Ao nuôi nằm xa khu vực dân cư và khu sản xuất công nghiệp;
- Nguồn nước cung cấp cho ao nuôi có chất lượng tốt, không bị ô nhiễm;
- Ao nuôi có diện tích từ 1.200 m2 trở lên; độ sâu nước từ 1,2 m trở lên;
- Ao nên có cống cấp nước và thoát nước riêng biệt, bờ ao phải đảm bảo chắc chắn không rò rỉ. Đáy ao phải được gia cố chống thấm, nền phẳng, dốc nghiêng về phía cống thoát.
b) Môi trường nước ao trong quá trình nuôi tôm phải đảm bảo các chỉ tiêu sau:
TT | Chỉ tiêu | Đơn vị | Mức tối ưu | Giới hạn cho phép |
1 | BOD5 | mg/l | ≤ 20 | < 30 |
2 | NH3 | mg/l | ≤ 0,1 | < 0,3 |
3 | H2S | mg/l | ≤ 0,03 | < 0,05 |
4 | NO2 | mg/l | ≤ 0,25 | < 0,35 |
5 | pH |
| 7,5 ÷ 8,5 | 6,5 ÷ 9,0 dao động trong ngày không quá 0,5 |
6 | Nhiệt độ | °C | 28 ÷ 30 | 25 ÷ 35 |
7 | Độ muối | ‰ | 10 ÷ 25 | 5 ÷ 35 |
8 | Ôxy hòa tan (DO) | mg/l | ≥ 4 | ≥ 3,5 |
9 | Độ trong | cm | 30 ÷ 35 | 20 ÷ 50 |
10 | Kiềm | mg/l | 80 ÷ 120 | 50 ÷ 180 |
3. Nội dung quy trình nuôi bán thâm canh tôm sú
a) Chuẩn bị ao: Trước mỗi vụ nuôi tôm phải chuẩn bị ao theo các nội dung sau:
- Tháo cạn nước trong ao, nạo vét, cày, bón vôi, phơi ao;
- Đối với ao mới xây dựng và ao ở vùng chua, phèn, trước khi nuôi phải khử chua bằng biện pháp như sau:
+ Lấy nước vào ao ngâm từ 2-3 ngày rồi tháo rửa liên tục 2-3 lần;
+ Tháo khô nước rắc đều vôi bột trên đáy ao và mặt trong bờ ao. Lượng vôi bột sử dụng tùy thuộc vào pH của đất, tham khảo bảng sau:
Bảng: Lượng vôi để khử độ chua của ao nuôi tôm
pH của đất ở đáy, bờ ao | Lượng vôi (kg/ha) |
5,1 - 5,5 | 800 - 1000 |
5,6 - 6,0 | 500 - 800 |
6,1 - 6,5 | 200 - 500 |
6,6 - 7,0 | 100 - 200 |
+ Giữ ao khô trong khoảng 7 - 10 ngày; lưu ý đối với vùng chua phèn, pH thấp không nên phơi quá lâu sẽ bị xì phèn;
+ Lấy nước đã xử lý lắng, lọc từ ao chứa vào ao nuôi qua lưới lọc có kích thước mắt lưới 2a = 1 mm, mức nước từ 1,2 m trở lên;
+ Đối với ao cũ bón vôi với lượng 500 - 1.000 kg/ha;
+ Diệt tạp: Sử dụng một số loại thuốc diệt tạp được phép lưu hành tại Việt Nam và sử dụng theo hướng dẫn ghi trên nhãn hàng hóa;
+ Bón phân gây nuôi thức ăn tự nhiên: Trước khi thả tôm giống 7 ngày, sử dụng phân vô cơ để bón cho ao. Sử dụng các chế phẩm vi sinh, hoặc tảo nhân tạo để gây màu nước và cấy vi khuẩn có lợi trong ao;
Sau 7 ngày, nếu chưa thả được tôm giống phải lặp lại biện pháp bón phân gây nuôi thức ăn tự nhiên ở trên cho ao;
+ Sử dụng thuốc, chất xử lý và cải tạo môi trường phải nằm trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam và theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
b) Thả tôm giống:
- Thời gian nuôi một vụ: 4,5 - 5 tháng (nuôi từ P12-P15);
- Số vụ nuôi trong năm: Có thể nuôi 2 vụ/năm;
- Mùa vụ thả: Tuân thủ lịch mùa vụ của ngành chức năng;
- Tôm giống để nuôi phải đảm bảo chất lượng theo Tiêu chuẩn Việt Nam và những quy định hiện hành của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn; có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan quản lý chuyên ngành. Mua tôm giống từ cơ sở đã được cấp chứng nhận đạt chất lượng;
- Mật độ giống thả: Từ 10 - 20 con/m2;
- Kích cỡ giống thả: PL12-PL15;
- Phương pháp thả: thả lúc sáng sớm hoặc chiều tối, khi nước ao nuôi có nhiệt độ thấp trong ngày. Tránh thả tôm khi trời nắng nóng, nhiệt độ nước cao hoặc khi trời có mưa. Cần ngâm túi giống trong ao nuôi khoảng 10 - 15 phút sau đó thả tôm vào ao nuôi.
c) Chăm sóc:
Cho tôm ăn: Sử dụng thức ăn viên công nghiệp được sản xuất trong nước hoặc thức ăn nhập khẩu để cho tôm ăn. Chất lượng thức ăn phải đảm bảo có hàm lượng đạm tổng số từ 34 đến 42%. Thức ăn và chất bổ sung thức ăn phải nằm trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam.
- Thời điểm cho ăn và lượng thức ăn mỗi lần trong ngày cho tôm: Tham khảo tại bảng sau:
Bảng: Thời điểm và lượng thức ăn mỗi lần cho tôm ăn hàng ngày
Thời điểm trong ngày | Tỷ lệ % cho ăn so với tổng khối lượng thức ăn hàng ngày |
6-7 giờ | 30 |
10-11 giờ | 20 |
15-16 giờ | 20 |
20-21 giờ | 30 |
- Lượng thức ăn tính theo ngày tuổi và khối lượng của tôm nuôi trong ao theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Phương pháp cho ăn: Khi cho tôm ăn phải rải đều thức ăn khắp mặt ao. Mỗi lần cho ăn phải kiểm tra tình hình tôm sử dụng thức ăn để điều chỉnh lượng thức ăn lần sau cho phù hợp. Cách kiểm tra, điều chỉnh như sau:
+ Mỗi ha ao nuôi tôm đặt từ 6 đến 8 khay (sàn ăn) ở quanh bờ ao. Diện tích mỗi sàn ăn khoảng 0,4 - 0,8 m2. Sau khi đã rải thức ăn khắp mặt ao để cho tôm ăn, phải giữ lại từ 2 đến 4% lượng thức ăn của một lần cho ăn để rải vào sàn ăn. Khoảng 1-3 giờ sau, tiến hành kiểm tra lại các sàn ăn để tăng hoặc giảm lượng cho ăn lần sau;
+ Khi thấy tôm lột vỏ, phải giảm 20 - 30% lượng thức ăn cho lần sau;
+ Khi thấy tôm bắt mồi kém, nước ao đục hoặc vào những ngày trời nắng nóng, nhiệt độ nước cao phải giảm lượng thức ăn cho tôm;
+ Vào những ngày trời mát có thể tăng lượng thức ăn cho tôm.
d) Quản lý nước:
- Xử lý nước cấp cho ao nuôi: Trong quá trình chuẩn bị ao và trước khi thả tôm giống phải lấy nước vào ao chứa lắng để xử lý diệt khuẩn. Nếu nguồn nước bị nhiễm bẩn phải tiến hành xử lý bằng Chlorin với nồng độ khoảng 30 kg/1.000 m3 nước hoặc Formol nồng độ 30 lít/1.000 m3 nước hoặc hóa chất có trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam. Không được lấy nước vào ao nuôi trong những ngày mưa bão.
- Lấy nước vào ao nuôi: Thường xuyên duy trì độ sâu nước ao nuôi tôm từ 1,2 m trở lên.
- Bổ sung nước cho ao nuôi: Vào những ngày nắng nóng, nhiệt độ và độ mặn nước tăng cao phải kịp thời bổ sung nước mới đã qua xử lý để ổn định nhiệt độ và độ mặn cho ao nuôi tôm. Lượng nước mới bổ sung mỗi lần khoảng 10 - 15 % khối lượng nước trong ao.
- Thay nước cho ao nuôi: Khi nước ao nuôi bị nhiễm bẩn hoặc tôm bị bệnh hoặc tôm khó lột xác phải tiến hành rút bớt lớp nước đáy ao khoảng 10 - 15% khối lượng nước trong ao để thay bằng nguồn nước mới đã qua xử lý.
- Kiểm tra chất lượng nước ao nuôi:
+ Hàng ngày theo dõi các chỉ tiêu oxy hòa tan, pH, nhiệt độ, độ trong và màu nước ao nuôi;
+ Định kỳ quan trắc các chỉ tiêu môi trường nước ao nuôi như BOD, NH3 , H2S, NO2 để điều chỉnh cho phù hợp với tôm nuôi.
đ) Quản lý ao nuôi: Nội dung quản lý ao nuôi bao gồm các công việc sau đây:
- Hàng ngày kiểm tra bờ ao, cống, mương, phát hiện và kịp thời xử lý những chỗ rò, hổng, sạt lở;
- Thường xuyên vệ sinh lưới chắn rác, lưới lọc nước, sàn ăn, vớt rác bẩn, rong, tảo quanh bờ, góc ao, cửa cống, quạt nước;
- Thường xuyên chạy quạt đảm bảo hàm lượng oxy hòa tan trong nước lớn hơn 4 mg/lít theo yêu cầu kỹ thuật nuôi bằng các biện pháp sau:
+ Đảm bảo số lượng quạt nước để cung cấp đủ lượng oxy hòa tan và tạo dòng chảy thu gom chất thải vào giữa ao;
+ Thời gian, chế độ hoạt động của các máy trên phụ thuộc vào lượng oxy hòa tan trong nước, mật độ và kích cỡ tôm nuôi. Nói chung, số giờ hoạt động tăng từ vài giờ mỗi ngày trong tháng nuôi đầu tiên đến 10 - 12 giờ mỗi ngày khi đến gần thời điểm thu hoạch. Những ngày thời tiết xấu có thể cho máy hoạt động liên tục cả ngày; trong quá trình sử dụng, phải thường xuyên kiểm tra hệ thống quạt nước, máy sục khí để sửa chữa, điều chỉnh kịp thời những chỗ hỏng hóc;
- Định kỳ 10 ngày 1 lần lấy mẫu tôm nuôi (30 con/mẫu) để kiểm tra tốc độ sinh trưởng. Hai tháng đầu lấy mẫu bằng vỏ, từ tháng thứ 03 trở đi lấy mẫu bằng chài;
- Thường xuyên kiểm tra ao, nếu phát hiện có cá tạp phải kịp thời dùng thuốc diệt tạp để xử lý.
e) Quản lý sức khỏe tôm:
- Thường xuyên kiểm tra sức khỏe, hoạt động bắt mồi và hình dạng bên ngoài của tôm để kịp thời phát hiện dịch bệnh;
- Định kỳ 10 ngày lấy mẫu 1 lần để quan sát phần phụ, màu sắc thân tôm, thức ăn trong dạ dày, ruột, mang, gan tụy;
- Khi thấy tôm có biểu hiện bất thường hoặc có dấu hiệu bệnh lý phải xác định rõ nguyên nhân để xử lý.
f) Quản lý dịch bệnh: Một số biện pháp phòng bệnh tổng hợp có thể hạn chế được dịch bệnh trong quá trình nuôi tôm:
- Thiết kế và xây dựng hệ thống ao nuôi phù hợp;
- Cải tạo ao đúng quy trình kỹ thuật;
- Xử lý nước thật kỹ trước khi đưa vào ao nuôi;
- Chọn và thả những giống tốt, đã được kiểm dịch;
- Kiểm tra thường xuyên các yếu tố môi trường để có biện pháp điều chỉnh thích hợp;
- Kiểm tra sức khỏe, hoạt động và hình dạng bên ngoài của tôm để kịp thời phát hiện dịch bệnh;
- Quản lý tốt thức ăn nhằm hạn chế thức ăn thừa gây ô nhiễm;
- Cho ăn đầy đủ dinh dưỡng và sử dụng các loại thức ăn bổ sung, vitamine C để tăng sức đề kháng;
- Định kỳ sử dụng vi sinh để giảm ô nhiễm và hạn chế vi sinh vật có hại;
g) Thu hoạch:
- Dùng chài thu mẫu để bắt kiểm tra khối lượng trung bình và các biểu hiện bệnh lý của tôm nuôi. Nêu tôm đã đạt kích cỡ thương phẩm thì tiến hành thu hoạch;
- Cơ sở nuôi tôm phải ngừng sử dụng thuốc kháng sinh, hóa chất trước khi thu hoạch tôm theo hướng dẫn của nhà sản xuất./.
QUY TRÌNH KỸ THUẬT NUÔI THÂM CANH TÔM THẺ CHÂN TRẮNG THAM GIA THÍ ĐIỂM BẢO HIỂM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1377/QĐ-UBND ngày 21/9/2012 Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau)
1. Đối tượng và phạm vi áp dụng
Quy trình này quy định trình tự, nội dung và những yêu cầu kỹ thuật để nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng (Penaeus vannamei) trong ao, áp dụng cho các cơ sở nuôi tại tỉnh Cà Mau đang thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp.
2. Điều kiện áp dụng
- Ao nuôi nằm xa khu vực dân cư và khu sản xuất công nghiệp;
- Nguồn nước cung cấp cho ao nuôi có chất lượng tốt, không bị ô nhiễm;
- Rào lưới quanh ao để tránh các loài ký chủ trung gian gây bệnh bên ngoài như: cua, còng, rắn,...
- Diện tích ao nuôi từ 1.000 m2 trở lên, mức nước đạt 1,5 m trở lên;
- Ao nên có cống cấp và thoát nước riêng biệt, bờ ao đảm bảo chắc chắn không rò rỉ;
- Cơ sở hạ tầng nuôi phải đáp ứng yêu cầu sản xuất.
3. Nội dung quy trình nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng
a) Chuẩn bị ao nuôi:
- Cải tạo ao:
+ Vét bùn đáy, đầm nén đáy ao thật kỹ, bón vôi với lượng thích hợp. Tu sửa bờ ao, kiểm tra hệ thống cống, hệ thống kênh cấp, thoát nước. Gia cố lại bờ ao chắc chắn, không bị rò rỉ, thẩm lậu;
+ Phơi khô đáy ao 10-15 ngày để diệt trùng đáy ao và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình khoáng hóa, giải phóng khí độc;
* Lưu ý: Đối với ao mới xây dựng và ao ở vùng chua, phèn, trước khi nuôi phải khử chua bằng các biện pháp như sau:
+ Lấy nước vào ao ngâm từ 2-3 ngày rồi tháo rửa liên tục 2-3 lần;
+ Tháo khô nước rắc đều vôi bột trên đáy ao và mặt trong bờ ao. Lượng vôi bột sử dụng tùy thuộc vào pH của đất, tham khảo bảng sau:
Bảng: Lượng vôi để khử độ chua của ao nuôi tôm
pH của đất ở đáy, bờ ao | Lượng vôi (kg/ha) |
5,1 - 5,5 | 800 - 1000 |
5,6 - 6,0 | 500 - 800 |
6,1 - 6,5 | 200 - 500 |
6,6 - 7,0 | 100 - 200 |
+ Giữ ao khô trong khoảng 7 - 10 ngày; lưu ý đối với vùng chua phèn, pH thấp không nên phơi quá lâu sẽ bị xì phèn;
+ Lấy nước vào ao qua lưới lọc, đạt mức 1,5 m trở lên.
- Xử lý nước:
+ Khử trùng nước: Có thể sử dụng một trong các loại hóa chất như Chlorine, BKC, Formol, hợp chất của Iod, thuốc Tím ... với liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất;
+ Trường hợp ao nuôi tôm bị bệnh ở vụ trước, nên khử trùng nước bằng Chlorine nồng độ 25-30 kg/1.000 m3 nước.
- Bổ sung vi sinh có lợi và gây màu nước:
+ Sau 2-3 ngày sau khi xử lý nước nên sử dụng phân vô cơ, các sản phẩm chuyên dùng gây màu nước, bột cá hoặc chế phẩm sinh học để gây màu nước tạo thức ăn tự nhiên cho tôm giống; chế phẩm sinh học còn có tác dụng bổ sung các loại vi sinh có lợi để làm sạch môi trường, ức chế sự phát triển của vi sinh vật có hại gây bệnh cho tôm;
+ Gây màu nước thực hiện lúc trời nắng. Thường sử dụng phân NPK (loại 20-20-0) với Urê theo tỷ lệ 7:3 với lượng 2-3 kg/1000 m3 nước;
+ Thời gian gây màu nước khoảng 4-5 ngày, khi màu nước trong ao tốt thì mới tiến hành thả giống. Màu nước tốt là màu vàng nâu hoặc màu xanh lá chuối non, độ trong từ 30 cm đến 40 cm;
+ Cần kiểm tra pH, độ kiềm... để khống chế các yếu tố này nằm trong khoảng thích hợp cho tôm nuôi.
- Các chỉ tiêu lý hóa nước ao nuôi cần đạt trước khi thả giống:
TT | Chỉ tiêu | Đơn vị | Mức tối ưu | Giới hạn cho phép |
1 | BOD5 | mg/l | < 20 | < 30 |
2 | NH3 | mg/l | < 0,1 | < 0,3 |
3 | H2S | mg/l | < 0,03 | < 0,05 |
4 | NO2 | mg/l | < 0,25 | < 0,35 |
5 | pH |
| 7,5 ÷ 8,5 | 6,5 ÷ 9,0 dao động trong ngày không quá 0,5 |
6 | Nhiệt độ | °C | 28 ÷ 30 | 25 ÷ 35 |
7 | Độ muối | ‰ | 10 ÷ 25 | 5 ÷ 35 |
8 | Oxy hòa tan (DO) | mg/l | > 4 | ≥ 3,5 |
9 | Độ trong | cm | 30 ÷ 35 | 20 ÷ 50 |
10 | Kềm | mgl | 80 ÷ 160 | 60 ÷ 180 |
b) Thả giống:
- Chọn tôm giống:
+ Nguồn gốc: Tôm giống chân trắng PL12 phải được sản xuất từ tôm bố mẹ đảm bảo chất lượng theo quy định, có xuất xứ rõ ràng và có chứng nhận kiểm dịch của cơ quan có thẩm quyền. Tôm giống để nuôi phải đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn Việt Nam và những quy định hiện hành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
+ Chỉ tiêu cảm quan:
* Trạng thái hoạt động: Tôm bơi thành đàn ngược dòng liên tục quanh thành bể ương hoặc chậu, có phản xạ tốt khi có tác động đột ngột của tiếng động mạnh hoặc ánh sáng;
* Ngoại hình: các phụ bộ hoàn chỉnh, các đốt bụng hình chữ nhật; đầu và thân cân đối, không có dị tật; chân đuôi mở rộng dạng chữ V khi bơi;
* Màu sắc: màu tự nhiên của loài;
* Chiều dài thân: chiều dài thân lớn hơn 10 mm, tôm đồng đều về kích cỡ, tỷ lệ chênh lệch đàn không lớn hơn 5%.
- Thả giống:
+ Thả tôm vào ao khi ao đã được gây màu nước tốt đủ thức ăn tự nhiên cho tôm. Trước khi thả tôm cần kiểm tra các yếu tố môi trường như pH, độ kiềm, độ mặn...giữa trại giống và ao nuôi. Nếu có sự khác biệt thì phải điều chỉnh thích hợp để tránh sốc cho đàn giống;
+ Thả lúc sáng sớm hoặc chiều tối, khi nước ao nuôi có nhiệt độ thấp trong ngày. Tránh thả tôm khi trời nắng nóng, nhiệt độ nước cao hoặc khi trời có mưa. Cần ngâm túi giống trong ao nuôi khoảng 20-30 phút sau đó thả tôm vào ao nuôi;
+ Mùa vụ thả: Tuân thủ lịch mùa vụ thả nuôi của ngành chức năng;
+ Mật độ thả từ 50 - 120 con/m2, trung bình 80 con/m2;
+ Số vụ thả nuôi: 2 vụ/năm.
c) Chăm sóc quản lý:
- Quản lý thức ăn:
+ Thức ăn và chất bổ sung thức ăn phải nằm trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam;
+ Việc cho ăn (số lần cho ăn, lượng cho ăn, cách cho ăn) theo hướng dẫn của nhà sản xuất;
+ Thường xuyên theo dõi việc sử dụng thức ăn của tôm để điều chỉnh phù hợp tránh lãng phí và dư thừa thức ăn gây ô nhiễm môi trường nước ao nuôi;
- Quản lý môi trường ao nuôi: Thường xuyên theo dõi các diễn biến màu nước, biến động của các chỉ số môi trường, sức khỏe tôm nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời.
* Một số lưu ý:
+ Mực nước trong ao nuôi duy trì thấp nhất là 1,4 m;
+ Định kỳ bổ sung men vi sinh để hạn chế ô nhiễm môi trường;
+ Nâng cao mực nước đạt tối đa để ổn định nhiệt độ;
+ Khi lấy nước cần tham khảo thông tin quan trắc môi trường của cơ quan quản lý thủy sản địa phương.
* Lưu ý: Trong suốt quá trình nuôi tôm không được sử dụng thuốc, hóa chất, kháng sinh nằm trong danh mục cấm sử dụng (Thông tư số 15/2009/TT-BNNPTNT ngày 17/3/2009 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Danh mục thuốc, hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng, hạn chế sử dụng). Thuốc, chế phẩm sinh học, sản phẩm xử lý và cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản phải nằm trong các danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam.
d) Quản lý dịch bệnh: Một số biện pháp phòng bệnh tổng hợp có thể hạn chế được dịch bệnh trong quá trình nuôi tôm:
- Thiết kế và xây dựng hệ thống ao nuôi phù hợp;
- Cải tạo ao đúng quy trình kỹ thuật;
- Xử lý nước thật kỹ trước khi đưa tôm vào ao nuôi;
- Chọn và thả những giống tốt, đã được kiểm dịch;
- Kiểm tra thường xuyên các yếu tố môi trường để có biện pháp điều chỉnh thích hợp;
- Kiểm tra sức khỏe, hoạt động và hình dạng bên ngoài của tôm để kịp thời phát hiện dịch bệnh;
- Quản lý tốt thức ăn nhằm hạn chế thức ăn thừa gây ô nhiễm;
- Cho ăn đầy đủ dinh dưỡng và sử dụng các loại thức ăn bổ sung, vitamine C để tăng sức đề kháng;
- Định kỳ sử dụng vi sinh để giảm ô nhiễm và hạn chế vi sinh vật có hại.
e) Thu hoạch:
- Cơ sở nuôi tôm chân trắng phải ngừng sử dụng thuốc, hóa chất trước khi thu hoạch theo hướng dẫn của nhà sản xuất;
- Khi tôm đạt kích cỡ thương phẩm tiến hành thu hoạch. Trước khi thu hoạch cần theo dõi chu kỳ lột xác để hạn chế tình trạng tôm mềm vỏ./.
QUY TRÌNH KỸ THUẬT NUÔI QUẢNG CANH CẢI TIẾN TÔM SÚ THAM GIA THÍ ĐIỂM BẢO HIỂM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1337/QĐ-UBND ngày 21/9/2012 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau)
1. Đối tượng và phạm vi áp dụng
Quy trình này quy định trình tự, nội dung và những yêu cầu kỹ thuật để nuôi tôm sú (Penaeus monodon Fabricus, 1798) quảng canh cải tiến (QCCT), áp dụng cho các cơ sở nuôi tại tỉnh Cà Mau tham gia thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp.
2. Điều kiện áp dụng
Ao nuôi có diện tích từ 2.000 m2 trở lên; độ sâu nước dưới kênh từ 1,2 m trở lên, độ sâu mặt nước trên trảng từ 0,5 m trở lên. Những ao có diện tích nhỏ hơn 2.000 m2 thì toàn bộ diện tích ao đạt độ sâu tối thiểu 1,2 m. Bờ ao phải chắc chắn, không rò rỉ nhằm giữ nước và hạn chế sự lây nhiễm dịch bệnh khi môi trường khu vực nuôi không tốt.
3. Quy trình nuôi tôm sú quảng canh cải tiến
a) Chuẩn bị ao nuôi:
- Nạo vét toàn bộ lớp bùn dưới đáy ao, tránh vét quá sâu vì một số vùng đất ngập mặn có tầng phèn tiềm tàng cách mặt đất chỉ khoảng 60-80 cm. Tu sửa bờ ao, dọn sạch cỏ, rác bẩn;
- Bón vôi: Tùy theo pH của đất ao để bón lượng vôi phù hợp;
- Phơi khô đáy ao.
b) Xử lý nước:
Lấy nước vào ao qua lưới chắn tạp, địch hại. Mức nước ao nuôi từ 1,2 m trở lên. Dùng Chlorine lượng 30g/m3 hoặc dùng các hóa chất khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất để xử lý nước, sau 5 ngày tiến hành gây màu nước. Sử dụng phân vô cơ DAP, NPK,... hòa nước tạt đều khấp ao với liều lượng 2-3 kg/1.000 m3 nước hoặc các loại sản phẩm chuyên dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất để gây màu nước. Khuyến khích cơ sở nuôi dùng các chế phẩm sinh học để xử lý nước. Khi nước có màu xanh vỏ đậu hoặc màu vàng nâu thì tiến hành thả giống. Nếu sử dụng thuốc, chất xử lý và cải tạo môi trường thì phải nằm trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam và theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
c) Diệt cá tạp:
Tùy trường hợp trong ao nuôi có nhiều cá dữ hay không mà ta diệt cá bằng các hình thức sau: Sử dụng Saponine liều lượng từ 10-15 kg/1.000 m3 nước, rể dây thuốc cá liều lượng 5-10 kg/1.000 m3 nước hoặc các hóa chất khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Nên kiểm tra các yếu tố môi trường trước khi thả giống để tôm thích nghi và phát triển tốt. Các yếu tố môi trường đảm bảo yêu cầu như sau:
- pH: 7,5 - 8,5.
- Độ kiềm: 80 - 120 mg/l.
- Độ trong: 30 - 40 cm.
- Độ mặn: 10 - 25‰.
- Nhiệt độ: 28 - 32°C.
d) Chọn giống:
Chọn những con giống khỏe không nhiễm bệnh từ các trại sản xuất có uy tín đã được cấp chứng nhận đạt chất lượng. Tốt nhất nên thả tôm cỡ PL12-PL15. Tôm giống phải có giấy kiểm dịch của cơ quan có thẩm quyền. Phương pháp chọn giống như sau:
- Phương pháp cảm quan: Tôm giống khỏe có màu sắc trong sáng, đồng nhất, đều cỡ, hoạt động nhanh nhẹn. Tôm thon, dài, đuôi xòe hình quạt khi lội râu khép hình chữ V. Có thể đánh giá sức khỏe tôm bằng cách dùng thau nước cho tôm vào, quay tròn nước, tôm khỏe sẽ bám vào thành thau, lội ngược dòng nước; tôm yếu sẽ bị gom vào giữa thau, khi gõ nhẹ vào thành thau, tôm khỏe sẽ phản ứng búng nhảy nhanh; ngoài ra có thể kiểm tra bằng cách gây sốc bằng độ mặn.
- Phương pháp gây sốc bằng độ mặn: Lấy 100 con tôm giống cho vào ly nước (một nửa nước lấy từ trại giống và một nửa là nước ngọt) để thời gian 45 phút đến 1 giờ. Nếu tôm chết dưới 5 con thì có thể chọn giống đó về thả nuôi.
đ) Thuần hóa và thả giống:
- Thuần hóa: Phương pháp thuần (độ mặn, pH, nhiệt độ...): Cho tất cả tôm và nước trong bao tôm vào thùng nhựa 60 lít, sau đó lấy nước trong ao nuôi tôm đổ (5 phút đổ 1 lít) vào thùng nhựa có chứa tôm giống, hoặc dùng bọc nước treo trên miệng thùng và cho nước chảy từ từ vào thùng. Đến khi nào nước đầy thùng thì có thể tiến hành thả tôm xuống ao nuôi. Lưu ý trong quá trình thuần hóa cần phải có sục khí để cung cấp oxy cho tôm.
- Thả giống: Nên thả tôm đầu hướng gió, thả lúc sáng sớm hoặc chiều tối (không thả tôm giống lúc trời nắng nóng hoặc mưa lớn). Mật độ thả từ 4-8 con/m2.
e) Quản lý môi trường trong ao nuôi:
Do hình thức nuôi quảng canh cải tiến rất khó để quản lý các yếu tố như: Độ kiềm, oxy hòa tan, nhiệt độ, khí độc NH3, H2S... vì vậy ta chỉ có thể quản lý được các yếu tố như: pH, độ trong và màu nước.
Nước ao nuôi tôm là điều kiện tốt cho các loài vi sinh vật và tảo phát triển, vì vậy tùy theo loài tảo nào chiếm đa số thì sẽ làm cho màu nước khác nhau và cũng làm ảnh hưởng đến tôm nuôi:
- Nước màu vàng nâu: Chủ yếu là tảo khuê gây ra, đây là tảo làm thức ăn tốt cho tôm.
- Nước màu xanh nhạt: Chủ yếu là tảo lục gây nên đây cũng là thức ăn tốt cho tôm.
- Nước màu xanh đậm: Do tảo lam gây ra, loại tảo này không tốt cho tôm sinh trưởng (tôm chậm lớn) và gây nên hiện tượng tôm có màu xanh. Xử lý bằng BKC liều lượng 0,5 - 0,6 lít/1.000 m3 nước, Formol 4 - 5 lít/1.000 m3,… Hoặc bằng cách thay 30-40% nước trong ao;
- Nước có màu nâu đen: Do tảo giáp gây ra. Tảo này có thể làm cho môi trường nhiễm bẩn, rất có hại đối với tôm nuôi, (xả nước ra vô liên tục để làm sạch môi trường kết hợp với dùng vợt vớt các Lap Lap trong ao đem lên bờ);
- Nước trong suốt hoặc có màu vàng rỉ sét: Do đất phèn tạo thành nên pH rất thấp. Tảo ít phát triển, tôm thiếu thức ăn, chậm lớn và tỷ lệ sống thấp;
Để ổn định chất lượng nước trong ao tôm cần phải chú ý đến nguồn nước lấy vào, không lây nước vào ao khi nước ngoài kênh (sông) quá bẩn, phải xả nước mặt trong ao nuôi tôm đồng thời bón vôi CaCO3 15-20 kg/1000 m2 trên bờ bao vào những lúc trời mưa lớn. Tốt nhất nên sử dụng vôi CaCO3 với liều lượng 15 - 20 kg/1000 m3 sau khi kết thúc đợt mưa để tránh tôm có thể bị sốc do pH thay đổi.
Trong quá trình nuôi nên định kỳ từ 1 - 2 tuần dùng các loại chế phẩm sinh học để xử lý môi trường, hạn chế ô nhiễm nguồn nước và nền đáy ao nuôi, tạo môi trường thích hợp cho tôm sinh trưởng và phát triển. Liều lượng sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường như pH, nhiệt độ, độ trong, màu nước,... để kịp thời xử lý điều chỉnh, hạn chế gây ảnh hưởng xấu đến tôm nuôi.
g) Quản lý thức ăn trong ao nuôi:
- Cho tôm ăn trong giai đoạn ương: Dùng các loại thức ăn công nghiệp hoặc tự chế biến (tôm, cá tạp xay nhuyễn, hấp chín chà qua lưới). Khi cho tôm ăn, thức ăn được hòa với nước tạt đều khắp ao ương hoặc khu ương. Liều lượng cho ăn (Thức ăn công nghiệp: 100 - 200 g/10.000 con tôm/ngày; Thức ăn tự chế biến: 200 - 250 g/10.000 con tôm/ngày); cho tôm ăn từ 3 - 4 lần/ngày; sau thời gian ương từ 20 - 30 ngày cho tôm ra ngoài ao nuôi. Khi thả tôm ra ngoài ao nuôi cần kiểm tra lại số lượng để xác định mật độ nuôi làm cơ sở để điều chỉnh liều lượng thức ăn phù hợp.
- Cho tôm ăn giai đoạn nuôi: Liều lượng thức ăn trong giai đoạn này khoảng 3-5% trọng lượng cơ thể đàn tôm. Ngày cho ăn từ 2 - 3 lần. Thức ăn được rải đều khắp ao hoặc cho vào sàn ăn. Số lượng sàn ăn khoảng từ 4 - 5 sàn/1.000m2. Sau khi cho tôm ăn khoảng 1 - 1,5 giờ, tiến hành kiểm tra sàn để điều chỉnh thức ăn phù hợp.
h) Quản lý dịch bệnh: Đây là một trong những việc rất khó trong quá trình nuôi tôm QCCT, vì nuôi với mật độ thấp nên không thể dựa vào các phương pháp xử lý bằng thuốc và hóa chất, chỉ khống chế dịch bệnh qua các yếu tố đầu vào. Một số biện pháp phòng bệnh tổng hợp có thể hạn chế được dịch bệnh trong quá trình nuôi tôm:
- Thiết kế và xây dựng hệ thống ao nuôi phù hợp;
- Cải tạo ao đúng quy trình kỹ thuật;
- Xử lý nước thật kỹ trước khi đưa vào ao nuôi;
- Chọn và thả những giống tốt, đã được kiểm dịch;
- Kiểm tra thường xuyên các yếu tố môi trường để có biện pháp điều chỉnh thích hợp;
- Kiểm tra sức khỏe, hoạt động và hình dạng bên ngoài của tôm để kịp thời phát hiện dịch bệnh;
- Quản lý tốt thức ăn nhằm hạn chế thức ăn thừa gây ô nhiễm;
- Cho ăn đầy đủ dinh dưỡng và sử dụng các loại thức ăn bổ sung, vitamine C để tăng sức đề kháng;
- Định kỳ sử dụng vi sinh để giảm ô nhiễm và hạn chế vi sinh vật gây hại.
i) Thu hoạch tôm: Sau thời gian từ 4-5 tháng tuổi có thể thu hoạch tôm.
* Lưu ý: Trong suốt quá trình nuôi tôm không được sử dụng thuốc, hóa chất, kháng sinh nằm trong danh mục cấm sử dụng (Thông tư số 15/2009/TT-BNNPTNT ngày 17/3/2009 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Danh mục thuốc, hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng, hạn chế sử dụng). Nếu sử dụng thức ăn, thuốc, chế phẩm sinh học, sản phẩm xử lý và cải tạo môi trường trong nuôi tôm phải nằm trong các danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam./.
- 1Chỉ thị 26/CT-UBND năm 2011 về thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp trong chăn nuôi giai đoạn 2011 - 2013 theo Quyết định 315/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
- 2Quyết định 1553/QĐ-UBND năm 2013 Kế hoạch thực hiện Đề án tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau
- 3Quyết định 1264/QĐ-UBND năm 2020 về địa bàn được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp do tỉnh Thái Bình ban hành
- 1Thông tư 15/2009/TT-BNN ban hành danh mục thuốc, hoá chất, kháng sinh cấm sử dụng, hạn chế sử dụng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 2Quyết định 315/QĐ-TTg năm 2011 về thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011 – 2013 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Thông tư 47/2011/TT-BNNPTNT hướng dẫn thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản theo Quyết định 315/QĐ-TTg do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 4Thông tư 43/2012/TT-BNNPTNT sửa đổi Thông tư 47/2011/TT-BNNPTNT hướng dẫn thí điểm bảo hiểm nông nghiệp trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản theo Quyết định 315/QĐ-TTg do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 5Chỉ thị 26/CT-UBND năm 2011 về thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp trong chăn nuôi giai đoạn 2011 - 2013 theo Quyết định 315/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
- 6Quyết định 1553/QĐ-UBND năm 2013 Kế hoạch thực hiện Đề án tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau
- 7Quyết định 1264/QĐ-UBND năm 2020 về địa bàn được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp do tỉnh Thái Bình ban hành
Quyết định 1337/QĐ-UBND năm 2012 về Quy trình nuôi tôm tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau
- Số hiệu: 1337/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 21/09/2012
- Nơi ban hành: Tỉnh Cà Mau
- Người ký: Lê Dũng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 21/09/2012
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra