Hệ thống pháp luật

KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1337/QĐ-KTNN

Hà Nội, ngày 08 tháng 7 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUY TẮC ỨNG XỬ CỦA KIỂM TOÁN VIÊN NHÀ NƯỚC

TỔNG KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC

Căn cứ Quy định số 131-QĐ/TW ngày 27 tháng 10 năm 2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán;

Căn cứ Quy định số 144-QĐ/TW ngày 09 tháng 5 năm 2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới;

Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 13 tháng 11 năm 2008, Luật Viên chức ngày 15 tháng 11 năm 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức ngày ngày 25 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Phòng, chống tham nhũng ngày 20 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Luật Kiểm toán nhà nước ngày 24 tháng 6 năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước ngày 26 tháng 11 năm 2019;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về Quy tắc ứng xử của Kiểm toán viên nhà nước.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Lãnh đạo KTNN;
- Các đơn vị trực thuộc KTNN;
- Lưu: VT, TCCB (02).

TỔNG KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC




Ngô Văn Tuấn

 

QUY ĐỊNH

VỀ QUY TẮC ỨNG XỬ CỦA KIỂM TOÁN VIÊN NHÀ NƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1337/QĐ-KTNN ngày 08 tháng 7 năm 2024 của Tổng Kiểm toán nhà nước)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Quy định này quy định các quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Kiểm toán nhà nước (gọi chung là Kiểm toán viên nhà nước) trong quá trình tham gia hoạt động kiểm toán và trong quan hệ xã hội.

Điều 2. Mục đích

1. Thực hiện nghiêm quy định của Đảng, Nhà nước về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.

2. Cụ thể hoá và thực hiện công khai việc ứng xử của Kiểm toán viên nhà nước trong quá trình tham gia hoạt động kiểm toán và trong quan hệ xã hội.

3. Nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, tính chuyên nghiệp của Kiểm toán viên nhà nước; nâng cao uy tín của Kiểm toán nhà nước; tăng cường hiệu quả hoạt động, chất lượng kiểm toán của Kiểm toán nhà nước.

4. Làm căn cứ để các tổ chức và cá nhân có liên quan giám sát việc ứng xử của Kiểm toán viên nhà nước trong quá trình tham gia hoạt động kiểm toán và trong quan hệ xã hội; đồng thời góp phần thực hiện có hiệu quả Quy chế dân chủ trong các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước.

5. Làm căn cứ để các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước (theo thẩm quyền được phân cấp) xử lý trách nhiệm khi Kiểm toán viên nhà nước vi phạm các quy định, chuẩn mực ứng xử trong quá trình tham gia hoạt động kiểm toán và trong quan hệ xã hội.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Thực hiện các quy định của pháp luật

Kiểm toán viên nhà nước phải tuân thủ và thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức, viên chức bao gồm những việc được làm hoặc không được làm theo quy định của Đảng, Nhà nước và thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Điều 4. Ứng xử trong thực hiện nhiệm vụ kiểm toán

1. Kiểm toán viên nhà nước ngoài việc thực hiện quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước, phải thực hiện đầy đủ, đúng các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Kiểm toán viên nhà nước quy định tại Luật Kiểm toán nhà nước, Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn kiểm toán nhà nước và các văn bản khác có liên quan.

2. Tuân thủ đầy đủ các quy định về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của Kiểm toán viên nhà nước theo quy định của Kiểm toán nhà nước.

3. Khi thực hiện nhiệm vụ kiểm toán, Kiểm toán viên nhà nước phải sử dụng trang phục và thẻ Kiểm toán viên nhà nước hoặc giấy tờ hợp pháp theo quy định của Kiểm toán nhà nước.

Điều 5. Ứng xử trong quan hệ với đơn vị được kiểm toán

1. Khi giao tiếp với đơn vị được kiểm toán phải có thái độ ứng xử văn minh, lịch sự, lắng nghe, tôn trọng, thiện chí, khiêm tốn; ngôn ngữ giao tiếp phải chuẩn mực, rõ ràng, mạch lạc; giữ gìn uy tín, danh dự của Kiểm toán nhà nước.

2. Kiểm toán viên nhà nước phải rèn luyện và sử dụng các kỹ năng giao tiếp như nghe, đọc, nói và kỹ năng trình bày, diễn giải phù hợp với từng mối quan hệ; rèn luyện khả năng tự kiềm chế, kiểm soát bản thân, tránh nổi nóng hoặc tranh luận to tiếng với người giao tiếp.

3. Không được lợi dụng danh nghĩa Kiểm toán nhà nước để thực hiện các hành vi trái quy định của Đảng, Nhà nước và các quy định của Kiểm toán nhà nước.

4. Không được cản trở, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động bình thường của đơn vị được kiểm toán; bảo mật thông tin của đơn vị được kiểm toán; tôn trọng các quy định nội bộ của đơn vị được kiểm toán.

Điều 6. Ứng xử trong quan hệ nội bộ Kiểm toán nhà nước

1. Đối với Kiểm toán viên nhà nước

a) Ứng xử với cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý:

a1) Phải tôn trọng cấp trên; thực hiện nghiêm quyết định, kế hoạch, phân công nhiệm vụ của cấp trên; trung thực trong báo cáo công việc và cung cấp đầy đủ kết quả, thông tin trong phạm vi nhiệm vụ được giao với cấp trên; chủ động, sáng tạo khi thực hiện nhiệm vụ được giao. Khi có căn cứ chứng minh rằng, quyết định của cấp trên không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành thì phải kịp thời báo cáo bằng văn bản với người ra quyết định; trường hợp người ra quyết định vẫn quyết định việc thi hành thì phải chấp hành nhưng yêu cầu phải có ý kiến bằng văn bản, đồng thời báo cáo với cấp trên trực tiếp của người ra quyết định;

a2) Thực hiện việc bảo lưu kết quả kiểm toán theo quy định của pháp luật và đúng trình tự, thủ tục theo Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn kiểm toán nhà nước; có trách nhiệm thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán để bảo vệ, chứng minh tính đúng đắn của ý kiến bảo lưu;

a3) Không lợi dụng việc góp ý, phê bình làm tổn hại uy tín của cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý;

a4) Kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền khi phát hiện hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán.

b) Ứng xử với đồng nghiệp

Trong quan hệ với đồng nghiệp, Kiểm toán viên nhà nước phải tự giác xây dựng và thúc đẩy mối quan hệ cộng tác, hợp tác tốt với đồng nghiệp; phải trung thực, có thái độ thân thiện, cởi mở, chào hỏi khi gặp nhau; tôn trọng, bảo vệ danh dự và giữ uy tín của đồng nghiệp; không gây ồn ào, mất trật tự trong cơ quan hoặc to tiếng khi giao tiếp; không gây bè phái chia rẽ mất đoàn kết nội bộ hoặc lợi dụng góp ý, phê bình làm tổn hại đến uy tín của đồng nghiệp; không quấy rối, gây phiền hà cho đồng nghiệp. Trong quá trình tham gia hoạt động kiểm toán phải phối hợp và giúp đỡ đồng nghiệp để hoàn thành công việc đúng tiến độ và hiệu quả cao nhất.

c) Ứng xử khác

Kiểm toán viên nhà nước không được thực hiện các hành vi sau: Tố cáo mang tính bịa đặt; viết đơn tố cáo giấu tên, mạo tên; tổ chức, tham gia kích động, xúi giục, mua chuộc, cưỡng ép người khác khiếu nại, tố cáo; cố ý gửi hoặc phát tán đơn khiếu nại, tố cáo đến những nơi không có thẩm quyền giải quyết.

2. Đối với Kiểm toán viên nhà nước là lãnh đạo, quản lý

a) Thực hiện đầy đủ quy tắc ứng xử theo quy định tại khoản 1 Điều này.

b) Phải xây dựng, giữ gìn sự đoàn kết, đạo đức và văn hóa công vụ trong cơ quan, đơn vị, trong hoạt động kiểm toán; nắm bắt kịp thời tâm lý của Kiểm toán viên nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý để có cách thức điều hành phù hợp với từng đối tượng nhằm phát huy hết khả năng, kinh nghiệm, tính sáng tạo, chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ của Kiểm toán viên nhà nước; tạo điều kiện phát huy dân chủ trong công tác và động viên, khuyến khích phát huy sáng kiến của các Kiểm toán viên nhà nước; tôn trọng và tạo niềm tin cho Kiểm toán viên nhà nước khi giao nhiệm vụ và chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ; bảo vệ danh dự của Kiểm toán viên nhà nước khi bị phản ánh, khiếu nại, tố cáo không đúng sự thật;

c) Nghiêm cấm hành vi cậy quyền, hách dịch đối với cấp dưới, áp đặt ý kiến theo cảm tính cá nhân của mình làm ảnh hưởng việc thực hiện nhiệm vụ, kết quả quản lý điều hành và kết quả kiểm toán;

d) Đảm bảo hành xử công bằng, không thiên vị, không phân biệt về giới tính, tình trạng hôn nhân, quan hệ gia đình, người khuyết tật, tôn giáo, dân tộc trong quá trình quản lý, phân công nhiệm vụ, đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ; không đe dọa, trù dập, trả thù người góp ý, phê bình;

đ) Phải đưa ra ý kiến chỉ đạo, kết luận cụ thể các vấn đề trong điều hành, quản lý hoạt động kiểm toán, nghiêm cấm các ý kiến chỉ đạo chung chung gây khó khăn cho cấp dưới thực hiện; không được trốn tránh, đùn đẩy trách nhiệm khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ do mình thực hiện làm ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị hoặc quyền lợi chính đáng, danh dự của đồng nghiệp, cấp dưới;

e) Nghiêm cấm các hành vi che giấu và làm sai lệch nội dung phản ánh của cấp dưới, của cơ quan, tổ chức khác hoặc của công dân về những việc liên quan đến chức năng, nhiệm vụ do đơn vị mình được giao thực hiện không đúng quy định của pháp luật.

Điều 7. Ứng xử trong mối quan hệ với cơ quan, tổ chức có liên quan

1. Chỉ cung cấp những thông tin tài liệu về hoạt động kiểm toán với các cơ quan, tổ chức có liên quan khi được Tổng Kiểm toán nhà nước giao theo quy định của pháp luật và của Kiểm toán nhà nước.

2. Thực hiện đúng quy định tại Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho cơ quan truyền thông của Kiểm toán nhà nước.

3. Thực hiện đúng chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước, quy định của pháp luật và của Kiểm toán nhà nước khi tiếp xúc, làm việc với cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài; không lợi dụng các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế vì lợi ích cá nhân.

4. Thực hiện đúng quy định của pháp luật trong thông tin và truyền thông. Không cung cấp, để lộ, làm mất hoặc viết bài, đăng những thông tin, tài liệu thuộc danh mục bí mật của Đảng, Nhà nước, Kiểm toán nhà nước, tổ chức hoặc các thông tin vi phạm đời tư của cá nhân, những thông tin chưa được phép công bố; không tàng trữ, tuyên truyền, phát tán hoặc xúi giục người khác tuyên truyền, phát tán thông tin, tài liệu dưới mọi hình thức để truyền bá những quan điểm trái với quy định của Đảng, Nhà nước; không viết bài, cho đăng tải tin, bài viết sai sự thật, vu cáo, bịa đặt; không đăng tải ý kiến phản hồi, cải chính trái quy định; không sáng tác, sản xuất, tàng trữ, phát tán các tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật không lành mạnh, mang tính kích động gây ảnh hưởng xấu trong xã hội; không phát tán bài viết, hồi ký không đúng sự thật.

Điều 8. Ứng xử trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Kiểm toán viên nhà nước phải nêu cao ý thức trách nhiệm trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong hoạt động kiểm toán, cụ thể như sau:

1. Các hành vi nghiêm cấm đối với Kiểm toán viên nhà nước trong hoạt động kiểm toán:

a) Hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, môi giới làm thủ tục hành chính hoặc lợi dụng vị trí công tác để môi giới hưởng thù lao dưới mọi hình thức trái quy định; không đưa, nhận hoa hồng hoặc môi giới đưa, nhận hoa hồng trái quy định;

b) Cung cấp, tiết lộ thông tin, tài liệu, hồ sơ của đơn vị được kiểm toán cho tổ chức và cá nhân không có thẩm quyền, trách nhiệm; lợi dụng việc nắm được thông tin nội bộ hoặc thông tin bất lợi của tổ chức, cá nhân để đặt điều kiện, gây sức ép đối với đơn vị được kiểm toán nhằm trục lợi hoặc động cơ cá nhân khác; chỉ đạo hoặc cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật, chưa được phép công bố hoặc không thực hiện đúng kết luận, kiến nghị thanh tra, kiểm tra, kiểm toán;

c) Nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất, tham gia hoạt động vui chơi, giải trí của đơn vị được kiểm toán hoặc người có liên quan đến đơn vị được kiểm toán;

d) Lợi dụng các mối quan hệ thân quen hoặc sử dụng lợi thế, vị trí công tác, uy tín của mình, người khác để tác động, tranh thủ, gây sức ép với đơn vị được kiểm toán hoặc tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm trục lợi hoặc động cơ cá nhân khác. Để vợ (chồng); bố mẹ, người trực tiếp nuôi dưỡng hoặc bố, mẹ, người trực tiếp nuôi dưỡng vợ (chồng); con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể; anh, chị, em ruột; anh, chị, em ruột của vợ (chồng) lợi dụng ảnh hưởng chức vụ, quyền hạn của mình nhằm thao túng, can thiệp vào hoạt động kiểm toán. Đưa ý đồ cá nhân, đề ra tiêu chí, điều kiện, nhận xét, đánh giá mang tính áp đặt, không đúng bản chất, không đúng sự thật để có lợi hoặc gây bất lợi cho đơn vị được kiểm toán;

đ) Đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị kiểm toán không đúng sự thật hoặc làm giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ, bản chất vụ việc, vi phạm của đơn vị được kiểm toán; bao che, tiếp tay, trì hoãn hoặc không kết luận, không xử lý hoặc kết luận, xử lý không đúng nội dung, tính chất, mức độ vi phạm hoặc không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định đối với tổ chức, cá nhân vi phạm;

e) Thoả thuận, đặt điều kiện với đơn vị được kiểm toán hoặc người có liên quan đến đơn vị được kiểm toán và thực hiện không đúng, không đầy đủ các quy định để làm thay đổi, sai lệch kết quả, kết luận kiểm toán;

g) Không kiến nghị, đề xuất chuyển đến cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu của tội phạm; không kiến nghị hoặc chỉ đạo, xử lý thu hồi vật chất, xử lý kỷ luật theo thẩm quyền đối với các vi phạm;

h) Gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi không đúng quy định với tổ chức, cá nhân của đơn vị được kiểm toán; sử dụng các tài liệu thẩm tra, xác minh không đúng mục đích;

i) Thực hiện nhiệm vụ kiểm toán vượt thẩm quyền, không đúng quy trình nghiệp vụ, phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian theo quy định;

k) Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật nghề nghiệp của đơn vị được kiểm toán;

l) Sách nhiễu, gây khó khăn, có thái độ áp đặt, thiếu tôn trọng, không đúng quy định của ngành, can thiệp trái quy định vào hoạt động của đơn vị được kiểm toán;

m) Không xử lý hoặc không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định khi nhận được thông tin, đơn, thư phản ánh, tố cáo đơn vị được kiểm toán;

n) Cản trở, can thiệp trái quy định vào hoạt động kiểm toán;

o) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc dùng uy tín, ảnh hưởng của bản thân và gia đình để gợi ý, tác động, gây áp lực đối với người có thẩm quyền quyết định hoặc tham mưu về các kết luận kiểm toán không đúng bản chất sự việc; tác động đến người có thẩm quyền nhằm giúp cho đơn vị được kiểm toán có được kết quả, quyền lợi không chính đáng ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân;

p) Trực tiếp hoặc gián tiếp hỗ trợ đơn vị được kiểm toán thực hiện các hành vi nhằm trốn tránh, giảm nhẹ trách nhiệm;

q) Không kịp thời đề nghị cấp có thẩm quyền thay đổi thành viên đoàn kiểm toán khi có căn cứ xác định thành viên không vô tư, khách quan trong công tác; không kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động kiểm toán; không kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền để kiểm tra, kiểm toán đối với những tổ chức, cơ quan, đơn vị và cá nhân có dấu hiệu vi phạm, đơn, thư phản ánh, tố cáo đã được xác định là có cơ sở.

2. Các hành vi phải báo cáo kịp thời, đầy đủ, chính xác trong hoạt động kiểm toán

Kiểm toán viên nhà nước phải báo ngay với lãnh đạo cấp trên của mình, trường hợp lãnh đạo cấp trên trực tiếp của mình không có chỉ đạo xác minh, làm rõ thì Kiểm toán viên nhà nước báo cáo Trưởng đoàn kiểm toán hoặc Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán khi phát hiện đơn vị được kiểm toán có các hành vi sau:

a) Có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực hoặc hành vi bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực;

b) Sử dụng không tiết kiệm hay lãng phí tài chính công, tài sản công trong cơ quan, tổ chức, đơn vị được kiểm toán;

c) Can thiệp trái quy định vào hoạt động kiểm toán;

d) Lợi dụng ảnh hưởng tác động đến người làm nhiệm vụ kiểm toán;

đ) Mua chuộc người có trách nhiệm, chức vụ, quyền hạn hoặc người có liên quan nhằm mục đích chạy tội, trốn tránh trách nhiệm cho đối tượng vi phạm;

e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc dùng uy tín, ảnh hưởng của bản thân và gia đình gợi ý, tác động, gây áp lực để người có thẩm quyền quyết định hoặc tham mưu, đề xuất nhằm đưa ra đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị kiểm toán không đúng bản chất sự việc;

g) Báo cáo sai lệch, không trung thực, không đầy đủ, không kịp thời hoặc thiếu khách quan thông tin liên quan đến hoạt động kiểm toán.

3. Trong hoạt động khác

a) Kiểm toán viên nhà nước phải tự giác báo cáo cấp có thẩm quyền khi bản thân thuộc các trường hợp không được bố trí làm thành viên đoàn kiểm toán theo quy định tại Luật Kiểm toán nhà nước, Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn kiểm toán nhà nước.

b) Kiểm toán viên nhà nước phải trung thực trong việc báo cáo, lập hồ sơ, kê khai lý lịch, lịch sử bản thân, kê khai tài sản, thu nhập; không mở tài khoản ở nước ngoài trái quy định;

c) Kiểm toán viên nhà nước chỉ được sử dụng tài sản công với mục đích hợp pháp và chính đáng; phải tuân thủ quy định của Kiểm toán nhà nước về tạm ứng, thanh toán công tác phí và các khoản chi khác; nghiêm cấm việc thanh toán trùng lặp công tác phí từ nhiều nguồn khác nhau hoặc lợi dụng thanh toán công tác phí để thu lợi bất chính.

4. Không được thực hiện các hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và các hành vi khác trái quy định của Đảng, Nhà nước.

Điều 9. Ứng xử ở nơi công cộng và các hoạt động xã hội

1. Kiểm toán viên nhà nước trong quá trình tham gia các hoạt động xã hội phải thể hiện nếp sống văn minh, lịch sự trong giao tiếp, ứng xử để mọi người tin yêu; chủ động, tích cực tham gia tuyên truyền, phổ biến về hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước, Luật Kiểm toán nhà nước, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

2. Không được lợi dụng chức vụ, quyền hạn, mạo danh để tạo thanh thế trong quá trình tham gia các hoạt động trong xã hội; không được tham gia, tiếp tay hoặc bao che cho các hành vi vi phạm pháp luật; kịp thời thông báo ngay cho cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền biết các thông tin về những hành vi vi phạm pháp luật.

3. Không được vi phạm các quy định về nội quy, quy tắc, các chuẩn mực về thuần phong mỹ tục tại nơi công cộng để đảm bảo sự văn minh, tiến bộ của xã hội; không được vi phạm các quy định về đạo đức công dân đã được pháp luật quy định hoặc đã được cộng đồng dân cư thống nhất thực hiện.

4. Kiểm toán viên nhà nước khi tham gia trên môi trường mạng phải: Tôn trọng, tuân thủ quy định của Đảng, Nhà nước; ứng xử lành mạnh, an toàn, bảo mật thông tin theo quy định; chịu trách nhiệm về hành vi của mình; thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do cơ quan có thẩm quyền ban hành; thực hiện nội quy của cơ quan, tổ chức về việc cung cấp thông tin lên mạng xã hội.

Điều 10. Ứng xử trong gia đình

1. Phải gương mẫu chấp hành pháp luật và nội quy hoạt động nơi cư trú; tích cực tuyên truyền, giáo dục, vận động người thân trong gia đình chấp hành nghiêm túc, đúng đắn chủ trương, đường lối, chính sách, quy định của Đảng, Nhà nước; hưởng ứng phong trào toàn dân đoàn kết, xây dựng gia đình văn hóa, góp phần ổn định trật tự xã hội và cộng đồng dân cư.

2. Không để vợ (chồng); bố mẹ, người trực tiếp nuôi dưỡng hoặc bố, mẹ, người trực tiếp nuôi dưỡng vợ (chồng); con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể; anh, chị, em ruột; anh, chị, em ruột của vợ (chồng) lợi dụng danh nghĩa của bản thân để vụ lợi.

3. Không có hành vi bạo lực trong gia đình; không sống chung với người khác như vợ chồng. Bản thân hoặc con kết hôn với người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở người ngoài phải báo cáo trung thực với tổ chức. Kiểm toán viên nhà nước là đảng viên không vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình.

4. Không được tổ chức việc cưới hỏi, việc tang, các ngày lễ, tết, sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới, mừng thọ, mừng nhà mới, lên chức, lên cấp, chuyển công tác và các việc khác của bản thân và gia đình xa hoa, lãng phí hoặc nhằm trục lợi.

Điều 11. Ứng xử trong mối quan hệ khác

1. Không được thành lập, quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam; thực hiện đúng quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Phòng, chống tham nhũng và quy định khác có liên quan đối với việc góp vốn vào doanh nghiệp.

2. Không làm tư vấn, môi giới cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh, dịch vụ và các tổ chức, cá nhân khác ở trong nước và nước ngoài về các công việc có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác, những công việc thuộc thẩm quyền giải quyết của mình và các công việc khác mà việc tư vấn, môi giới đó có khả năng gây phương hại đến lợi ích quốc gia, đến Kiểm toán nhà nước.

3. Không tổ chức, tham gia đánh bạc dưới mọi hình thức; không cho vay trái quy định của pháp luật; không sử dụng các chất ma túy, uống rượu, bia đến mức bê tha và không tham gia các tệ nạn xã hội khác làm ảnh hưởng tới nhân phẩm của Kiểm toán viên nhà nước và ảnh hưởng đến uy tín của Kiểm toán nhà nước.

4. Không mê tín, hoạt động mê tín; không ủng hộ hoặc tham gia các tôn giáo bất hợp pháp hoặc lợi dụng các hoạt động do tôn giáo, tín ngưỡng để trục lợi.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 12. Trách nhiệm của Kiểm toán viên nhà nước

1. Kiểm toán viên nhà nước có trách nhiệm thực hiện nghiêm các quy định về quy tắc ứng xử này.

2. Kiểm toán viên nhà nước có trách nhiệm tuyên truyền, vận động các Kiểm toán viên nhà nước khác thực hiện đúng Quy định về quy tắc ứng xử này; phát hiện và báo cáo lãnh đạo, cấp có thẩm quyền những vi phạm Quy định về quy tắc ứng xử này của các Kiểm toán viên nhà nước khác.

Điều 13. Trách nhiệm của Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước

1. Quán triệt, hướng dẫn, tổ chức thực hiện Quy định về quy tắc ứng xử của Kiểm toán viên nhà nước.

2. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy định về quy tắc ứng xử này của Kiểm toán viên nhà nước trong đơn vị.

3. Phê bình, chấn chỉnh các vi phạm hoặc đề nghị Tổng Kiểm toán nhà nước xử lý các vi phạm đối với Kiểm toán viên nhà nước trong đơn vị.

4. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh về Vụ Tổ chức cán bộ để trình Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét, sửa đổi./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1337/QĐ-KTNN năm 2024 về Quy tắc ứng xử của Kiểm toán viên Nhà nước do Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành

  • Số hiệu: 1337/QĐ-KTNN
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 08/07/2024
  • Nơi ban hành: Kiểm toán Nhà nước
  • Người ký: Ngô Văn Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/07/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản