- 1Nghị định 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 2Nghị định 04/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 92/2006/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 3Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 4Thông tư 50/2015/TT-BCT quy định nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, quản lý và giám sát thực hiện quy hoạch phát triển ngành công nghiệp và thương mại do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1317/QÐ-UBND.HC | Đồng Tháp, ngày 11 tháng 11 năm 2016 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 16 tháng 9 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Thông tư số 50/2015/TT-BCT ngày 28/12/2015 của Bộ Công Thương quy định về nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, quản lý quy hoạch phát triển ngành công nghiệp và thương mại;
Căn cứ Báo cáo thẩm định số 135/BC-SKHĐT ngày 08 tháng 11 năm 2016 về việc thẩm định Điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Hội đồng thẩm định Điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tỉnh Đồng Tháp;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 2366/TTr-SKHĐT ngày 08 tháng 11 năm 2016;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với những nội dung chủ yếu như sau:
- Phát triển công nghiệp phù hợp với tổng thể phát triển công nghiệp của vùng, của cả nước, tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh; Thể hiện những thế mạnh và nét đặc thù riêng với các thế mạnh về vùng nguyên liệu nông thủy sản, tập quán truyền thống sản xuất công nghiệp và các hạn chế về vị trí, khả năng huy động nguồn lực nội sinh của Tỉnh.
- Phát triển nhanh nhưng phải bảo đảm tính đồng bộ, cân đối, hiệu quả giữa sản xuất công nghiệp với xây dựng vùng nguyên liệu, cơ sở tồn trữ, thương mại hóa, đô thị vệ tinh dịch vụ công nghiệp. Bảo đảm phát triển hài hòa giữa các ngành công nghiệp chủ lực với các ngành phụ trợ. Bảo đảm đồng bộ giữa đầu tư vào các vùng - lĩnh vực phát triển mới kết hợp rà soát, điều chỉnh, sắp xếp, tái cấu trúc các vùng - lĩnh vực đã phát triển, giữa phát triển quy mô sản xuất và tăng cường hàm lượng công nghệ.
- Phát huy tối đa nội lực (vốn, tay nghề, quản lý, nguyên liệu) kết hợp tích cực thu hút đầu tư ngoại lực nhằm tăng trưởng nhanh và thu hút vốn, công nghệ, mở rộng thị trường.
- Xây dựng tiến độ hợp lý thu hút đầu tư công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, công nghiệp tiên tiến, công nghiệp sạch, công nghiệp hỗ trợ. Phát triển công nghiệp theo định hướng tăng trưởng xanh nhằm đảm bảo không làm thiệt hại và tổn thương đến môi trường, kinh tế nông nghiệp, du lịch và quốc phòng an ninh; đồng thời từng bước gia tăng hiệu quả sản xuất bền vững.
1. Định hướng tổng quát tầm nhìn đến 2030
- Về định hướng chính, phát triển công nghiệp trong thời kỳ quy hoạch với vị trí vai trò là một trong các lĩnh vực kinh tế động lực thúc đẩy phát triển tổng thể kinh tế - xã hội của Tỉnh, với tốc độ tăng trưởng cao và hợp lý trong từng giai đoạn, hàm lượng công nghệ và độ thân thiện với môi trường ngày càng gia tăng nhằm đóng góp tích cực vào tốc độ tăng trưởng chung của Tỉnh và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng tăng trưởng xanh. Định hướng phát triển phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, không có trọng tâm và trùng lấp, thiếu tính liên kết với các tỉnh trong vùng.
- Về cơ cấu ngành, trên cơ sở phát triển phù hợp với vị trí địa lý, tiềm năng về tài nguyên, khả năng huy động nguyên liệu, nhân lực, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh của Tỉnh và trên cơ sở tích cực thu hút đầu tư, phát huy hiệu quả đầu tư về vốn, công nghệ, lao động chất lượng cao, định hướng tập trung vào các ngành công nghiệp chế biến nông thủy sản và thực phẩm, công nghiệp sản xuất trang phục giày da xuất khẩu kết hợp với sản xuất nguyên liệu - linh kiện, công nghiệp hóa chất, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng mới và phục vụ logistics, công nghiệp cơ khí chế tác phục vụ nông nghiệp và máy chế biến nông sản thực phẩm với quy mô, tốc độ hợp lý, đặc biệt chú trọng phát triển đa dạng các loại hình công nghiệp hỗ trợ.
- Về nhiệm vụ trọng tâm, rà soát, quy hoạch hợp lý, thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp kết hợp với các khu dân cư, khu đô thị dịch vụ công nghiệp và các kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; Kết hợp các doanh nghiệp hiện có trong chuỗi giá trị công nghiệp theo hướng phát triển cụm liên ngành nhằm làm đầu tàu phát triển công nghiệp trên địa bàn toàn Tỉnh. Đồng thời, phát triển công nghiệp trên các địa bàn còn lại theo hướng hỗ trợ, vệ tinh cho các vùng kinh tế công nghiệp động lực này.
- Về thu hút và vận dụng các nguồn lực phát triển, một mặt phát huy tối đa nội lực, vận động nhiều thành phần kinh tế tham gia phát triển kinh tế nói chung và ngành công nghiệp nói riêng; mặt khác tích cực tạo và duy trì môi trường thu hút đầu tư phát triển công nghiệp và các lĩnh vực hỗ trợ công nghiệp gắn liền với thị trường trong nước và quốc tế.
- Về định hướng phát triển đồng bộ với các ngành và lĩnh vực khác, tích cực ứng dụng triển khai công nghệ theo hướng sạch và xanh, đào tạo và thu hút nguồn nhân lực, kiểm soát và hạn chế tối đa các tác động môi trường; Xây dựng và phát triển bền vững các vùng nguyên liệu nhằm đảm bảo nền tảng cơ sở về nguyên liệu đầu vào cho công nghiệp (chủ yếu là lúa, cá da trơn, rau màu, trái cây, súc sản); Tích cực phát triển ngành xây dựng, thương mại, dịch vụ nhằm hỗ trợ hình thành các khu, cụm công nghiệp, các vùng kinh tế công nghiệp động lực và mở rộng quan hệ thị trường tiêu thụ công nghệ phẩm; Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ phát triển công nghiệp, quan trọng nhất là hệ thống giao thông thủy, bộ đáp ứng yêu cầu vận tải công nghiệp, hệ thống cấp điện, nước, xử lý chất thải, thông tin liên lạc cho các khu, cụm công nghiệp; Hệ thống kết cấu hạ tầng về giáo dục, y tế, văn hóa tại các khu dân cư và khu đô thị vệ tinh dịch vụ công nghiệp.
2. Định hướng cụ thể đến năm 2020
- Rà soát, quy hoạch phân bố lại các khu, cụm công nghiệp; Tổ chức xúc tiến đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, ưu tiên cho các lĩnh vực chịu tác động từ hội nhập TPP và các lĩnh vực khai thác hiệu quả các tiềm năng về nguyên liệu trên địa bàn Tỉnh. Tập trung vào ngành công nghiệp chế biến nông , thủy sản và thực phẩm, công nghiệp dược phẩm đồng thời từng bước đa dạng hóa các ngành, lĩnh vực thông qua thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp sản xuất trang phục giày da, công nghiệp cơ khí phục vụ nông nghiệp và linh kiện máy chế biến nông sản thực phẩm; Tiếp tục cải thiện và tạo điều kiện phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Tiến hành tái cấu trúc các doanh nghiệp trong và ngoài cụm công nghiệp, các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo hướng từng bước phát triển cụm liên ngành trong chuỗi giá trị công nghiệp. Hạn chế việc xây dựng các cơ sở sản xuất ngoài khu cụm nhằm thuận lợi hơn trong việc cung cấp kết cấu hạ tầng, nâng cao hiệu quả sản xuất và kiểm soát môi trường. Quy hoạch phát triển các khu dân cư, khu đô thị vệ tinh dịch vụ công nghiệp phục vụ cho phát triển các khu, cụm công nghiệp.
- Đẩy mạnh và hỗ trợ ứng dụng công nghệ quản lý chất lượng nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm (ISO, SA, GMP, HACCP …). Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, trong đó ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ máy nông nghiệp, máy chế biến nông thủy sản và thực phẩm. Thu hút đầu tư các ngành lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao và thân thiện với môi trường. Sắp xếp, củng cố, cải tiến nâng cao năng lực xử lý môi trường của các cơ sở sản xuất kinh doanh hiện có. Đồng thời có kế hoạch, tiến độ di dời các cơ sở gây ô nhiễm trong khu vực đông dân cư ra các khu, cụm công nghiệp, kiểm tra và có biện pháp xử lý mạnh các cơ sở gây ô nhiễm môi trường.
- Phát triển các hoạt động khuyến công, phổ biến thông tin về khoa học, kỹ thuật và thị trường, tạo điều kiện phát triển mạnh dịch vụ tư vấn, thẩm định, cải tiến thích nghi, triển khai các công nghệ mới và phát triển hệ thống nghiên cứu & phát triển (R&D) trong doanh nghiệp.
- Xem xét, xây dựng thương hiệu của Tỉnh cho các sản phẩm công nghiệp chủ lực. Hỗ trợ xây dựng và quảng bá các thương hiệu mạnh về công nghiệp; Đẩy mạnh công tác quảng bá thương hiệu và xúc tiến đầu tư. Phổ biến, khuyến khích, thúc đẩy hoạt động sáng chế, sáng kiến, sáng tạo; Tăng cường thực thi quyền sở hữu công nghiệp. Xây dựng quy chuẩn kỹ thuật địa phương cho một số sản phẩm công nghiệp thế mạnh. Tạo điều kiện cho quá trình tái cấu trúc theo hướng sáp nhập và sở hữu (M&A) các doanh nghiệp lớn phù hợp với điều kiện của thị trường tài chính. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiếp cận các nguồn vốn tín dụng.
- Hỗ trợ xây dựng và phát triển các làng nghề theo nhiều hình thức đa dạng, tiếp tục vận động thành lập các tổ hợp tác hoặc hợp tác xã các nghề thủ công truyền thống.
- Xây dựng và thực hiện kế hoạch chuyển dịch và đào tạo lao động các cấp đảm bảo trình độ chuyên môn kỹ thuật và quản lý trong phát triển sản xuất công nghiệp; Từng bước tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia vào chủ thể đào tạo lao động.
- Tích cực huy động vốn từ nhiều nguồn (ngân sách, trong dân, nhà đầu tư, tín dụng, các tổ chức tài chính…) đầu tư vào phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và các khu, cụm công nghiệp, các khu dân cư, khu đô thị vệ tinh. Trong đó, tập trung xây dựng cơ chế chính sách và cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các dự án lớn, có tính chất đòn bẩy phát triển công nghiệp của Tỉnh.
1. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020
- Về tốc độ tăng trưởng và cơ cấu trong kinh tế chung: Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm 13-15%/năm (giai đoạn 2016-2020). Đến năm 2020, cơ cấu khu vực II tiếp cận 30% (công nghiệp chiếm 22-24%).
- Phát huy lợi thế so sánh và khả năng thu hút đầu tư trên địa bàn Tỉnh, tập trung vào các nhóm ngành chủ lực đạt hiệu quả cao; Đồng thời tận dụng cơ hội thu hút đầu tư lĩnh vực công nghiệp sản xuất trang phục giày da, công nghiệp cơ khí phục vụ nông nghiệp và linh kiện máy chế biến nông sản thực phẩm. Phấn đấu đến năm 2020, VA các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tiếp cận 4% tổng VA công nghiệp.
- Về xây dựng khu, cụm công nghiệp: Tổng diện tích đất quy hoạch cho khu, cụm công nghiệp trên 2.000 ha, phấn đấu xây dựng hoàn thành hạ tầng và lắp đầy trên 40% đối với khu công nghiệp và 23% đối với cụm công nghiệp nhằm làm cơ sở lắp đầy nhanh hơn sau năm 2020.
- Về xây dựng đô thị công nghiệp và kết cấu hạ tầng công nghiệp: Hình thành 03 khu kinh tế công nghiệp trọng điểm là thành phố Sa Đéc, thành phố Cao Lãnh, Lấp Vò - Lai Vung với các đô thị hậu cần công nghiệp, đô thị vệ tinh dịch vụ công nghiệp tương thích. Hoàn chỉnh hệ thống giao thông trục thủy , bộ nối kết các vùng kinh tế công nghiệp trọng điểm, hệ thống giao thông nội bộ khu, cụm công nghiệp, hệ thống cấp, điện nước, hệ thống thông tin liên lạc. Bắt đầu khởi động phát triển khu Tháp Mười - Cao Lãnh.
- Phấn đấu đạt trên 75% lao động công nghiệp qua đào tạo. Trong đó, lao động trình độ cao tiếp cận 12%; Các doanh nghiệp đổi mới công nghệ và trang thiết bị tăng 15%/năm.
- Về môi trường: Tỷ trọng doanh nghiệp công nghiệp đạt tiêu chu ẩn bảo vệ môi trường trên 98%; Tỷ trọng rác thải công nghiệp được xử lý, tái chế đạt tỉ lệ 100%.
2. Mục tiêu đến năm 2025
- Về tốc độ tăng trưởng và cơ cấu trong kinh tế chung: Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm trên 10%/năm (giai đoạn 2021-2025). Đến năm 2025, cơ cấu khu vực II tiếp cận 35% (công nghiệp chiếm 25-27%);
- Về cơ cấu công nghiệp: Bên cạnh các ngành chủ lực là công nghiệp chế biến nông thủy sản và thực phẩm, công nghiệp dược phẩm, công nghiệp sản xuất trang phục giày da, công nghiệp cơ khí phục vụ nông nghiệp và linh kiện máy chế biến nông sản thực phẩm, tiếp tục thu hút đầu tư vào các lĩnh vực chiết suất hương liệu, phát triển vật liệu mới, công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực cơ khí chế tác, dệt may da giày, điện - điện tử, nhựa-bao bì-in, công nghiệp phục vụ logistics nhằm từng bước đa dạng hóa các ngành nghề công nghiệp. Phấn đấu đến 2025, VA các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tiếp cận 6% tổng VA công nghiệp.
- Về xây dựng khu, cụm công nghiệp: Phấn đấu lắp đầy trên 70% đối với khu công nghiệp và trên 60% đối với cụm công nghiệp đã có; Bắt đầu quy hoạch mới hoặc mở rộng các khu cụm công nghiệp hướng đến diện tích quy hoạch chung quanh 3.200 ha vào năm 2030.
- Về xây dựng đô thị công nghiệp và kết cấu hạ tầng công nghiệp: Hình thành 04 vùng kinh tế công nghiệp trọng điểm là thành phố Sa Đéc, thành phố Cao Lãnh, Lấp Vò - Lai Vung, Tháp Mười - Cao Lãnh; Nâng cấp các đô thị hậu cần công nghiệp, đô thị vệ tinh dịch vụ công nghiệp.
- Phấn đấu đạt trên 80% lao động công nghiệp qua đào tạo. Trong đó, lao động trình độ cao tiếp cận 15%; Các doanh nghiệp đổi mới công nghệ và trang thiết bị tăng 18%/năm.
- Về môi trường: Tỷ trọng doanh nghiệp công nghiệp đạt tiêu chuẩn bảo vệ môi trường 100%; tỷ trọng rác thải công nghiệp được xử lý, tái chế đạt tỷ lệ 100%.
3. Mục tiêu chung đến năm 2030
- Đến năm 2030, cơ cấu khu vực II đạt 35-40% (trong đó công nghiệp chiếm trên 30%).
- Tốc độ tăng các doanh nghiệp đổi mới công nghệ chung quanh 20%.
- Lao động qua đào tạo/tổng lao động công nghiệp là 85%; lao động trình độ cao/tổng lao động công nghiệp 18-20%.
- Tỷ lệ doanh nghiệp công nghiệp đạt tiêu chuẩn bảo vệ môi trường đạt 100%; Tỷ trọng rác thải công nghiệp được xử lý, tái chế đạt 100%.
IV. Danh mục quy hoạch các khu, cụm công nghiệp đến năm 2020
(Đính kèm Phụ lục 1, 2)
V. Các giải pháp thực hiện quy hoạch
a) Giải pháp thu hút đầu tư và khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vốn và các nguồn lực phát triển sản xuất công nghiệp
- Duy trì và nâng cấp chỉ số năng lực cạnh tranh của Tỉnh, tiếp tục tạo thông thoáng trong thủ tục đầu tư hướng đến môi trường đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế triển khai các dự án xây dựng hạ tầng khu, cụm công nghiệp và sản xuất trên địa bàn Tỉnh.
- Tiến hành phân loại các khu, cụm công nghiệp và làng nghề để xác định tính chất các khu, cụm công nghiệp nhằm vận dụng các cơ chế chính sách ưu đãi tương ứng.
- Nghiên cứu vận dụng trong phạm vi luật định hệ thống chính sách cho các khu, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp và làng nghề.
- Đối với các doanh nghiệp từ trung bình đến lớn hiện có trên địa bàn Tỉnh, tạo điều kiện để mở rộng quy mô sản xuất, chủ động hơn về thị trường, tăng cường năng lực công nghệ và cùng tham gia là chủ thể đào tạo lao động thông qua việc lồng ghép với các dự án đào tạo…
- Tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghi ệp trong việc đầu tư kinh doanh các đô thị, khu dân cư vệ tinh dịch vụ công nghiệp tương ứng với khu, cụm công nghiệp đang được đầu tư.
- Nâng cao hiệu suất hoạt động của Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư định hướng xúc tiến đầu tư toàn diện công thương nghiệp với các chức năng có liên quan đến xúc tiến đầu tư công nghiệp.
- Đảm bảo thu hút đầu tư nhà đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp và các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp theo đồ án quy hoạch, hạn chế việc đầu cơ vào thị trường bất động sản.
- Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động và tiềm lực tài chính Quỹ khuyến công.
- Thúc đẩy các ngành thực hiện nhanh và dứt điểm các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp theo đúng quy hoạch và đúng phân cấp đầu tư.
- Khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế nhằm tìm kiếm cơ hội liên doanh liên kết hợp tác.
b) Giải pháp về thị trường và liên kết sản xuất kinh doanh
- Xây dựng mô hình liên kết giữa các cơ sở sản xuất với cơ sở thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa cho các doanh nghiệp và các hộ nông dân. Hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân trong quá trình tiêu chuẩn hóa sản xuất nhằm đạt chất lượng sản phẩm đồng nhất.
- Hỗ trợ phát triển liên kết sản xuất, xúc tiến thương mại ở vùng nông thôn nhằm hình thành các kênh sản xuất - thương mại - chế biến nông sản ổn định và bền vững; Đẩy mạnh quá trình liên kết giữa thị trường nội Tỉnh với các thị trường bên ngoài.
- Nghiên cứu và triển khai cơ chế hỗ trợ về đầu ra, về thị trường tiêu thụ. Nghiên cứu và triển khai cơ chế cung cấp thông tin và hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp, tăng cường phát triển công nghiệp địa phương.
c) Giải pháp về đầu tư phát triển vùng nguyên liệu và các giải pháp đảm bảo vật tư nguyên liệu phục vụ cho các ngành công nghiệp chế biến
- Lồng ghép các chương trình dự án nông nghiệp theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp với các chương trình dự án phát triển vùng nguyên liệu công nghiệp chế biến. Ổn định nguồn cung ứng nguyên liệu, nguồn nguyên liệu đạt chuẩn.
- Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp chế biến trong việc xây dựng bộ phận nghiệp vụ chuyên về nguyên liệu.
- Phối hợp với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn hướng dẫn nông dân chọn giống, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong thâm canh, chăm sóc cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật thu hoạch, bảo quản và vận chuyển sau thu hoạch để nâng cao chất lượng nguyên liệu.
- Đối với các mặt hàng nông sản nhạy cảm, cần nghiên cứu khả năng xây dựng các khu chuyên tồn trữ, bảo quản và thành lập một số quỹ bình ổn giá.
d) Giải pháp thu hút và phát triển nguồn nhân lực
- Đào tạo văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ cho người lao động trong ngành công nghiệp. Công tác đào tạo cần thực hiện đồng bộ giữa 03 cấp: Đào tạo cơ bản, đào tạo nâng cao, đào tạo thích nghi thông qua quá trình huy động mọi nguồn lực giáo dục, đào tạo trên địa bàn Tỉnh.
- Hoàn chỉnh hệ thống trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề, cao đẳng nghề theo quy hoạch chuyên ngành; Tổ chức bồi dưỡng, đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu lao động cung ứng cho các khu , cụm công nghiệp.
- Hỗ trợ kinh phí học nghề theo quy định hiện hành. Kết hợp chặt chẽ giữa công tác dạy nghề với công tác hướng nghiệp và tư vấn việc làm khu vực nông thôn.
- Tạo điều kiện để nhà đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp phát triển các đô thị vệ tinh, các khu dân cư dịch vụ công nghiệp, các chung cư nội bộ khu, cụm công nghiệp nhằm thu hút và tạo điều kiện an cư cho người lao động.
- Tổ chức định kỳ ngày hội lao động và việc làm.
- Khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp đào tạo cán bộ quản lý doanh nghiệp, các bộ phận nghiệp vụ và công nhân cho đơn vị.
e) Giải pháp khoa học công nghệ
- Xây dựng chiến lược dài hạn về phát triển khoa học công nghệ. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia vào các đề tài nghiên cứu triển khai công nghệ. Tổ chức, khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp, doanh nghiệp khoa học công nghệ triển khai ứng dụng công nghệ vào sản xuất.
- Hỗ trợ hình thành các doanh nghiệp khoa học công nghệ chuyên về tư vấn, thẩm định, cải tiến, ứng dụng thích nghi công nghệ, kết hợp với các dịch vụ công trong các lĩnh vực hành chính và kỹ thuật.
- Hỗ trợ xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến (ISO, HACCP, GMP, SA…) cho các doanh nghiệp chủ lực.
- Tăng cường mối liên hệ với các cơ quan khoa học, các doanh nghiệp R&D trong và ngoài nước nhằm thu hút và tư vấn, giới thiệu chuyển giao công nghệ mới.
- Khuyến khích phát triển tài năng, sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật hiện có, tạo điều kiện thường xuyên bổ sung, bồi dưỡng những kiến thức mới, nâng cao thêm trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển chung.
g) Giải pháp bảo vệ môi trường
- Tiến hành điều tra, khảo sát qui mô, trữ lượng khoáng sản hiện có trên địa bàn Tỉnh theo các cấp độ P1, P2; Phối hợp chặt chẽ giữa ngành và địa phương trong quản lý và xây dựng kế hoạch khai thác hợp lý.
- Xây dựng và triển khai đề án di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường ra khỏi thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư đô thị…
- Thường xuyên thực hiện thanh tra, kiểm tra về xử lý chất thải, nước thải bảo vệ môi trường. Khuyến khích và tạo điều kiện đổi mới công nghệ hạn chế gây ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất, nhất là đối với các cơ sở sản xuất trên các tuyến công nghiệp, các cơ sở sản xuất cận đô thị.
- Đối với các khu, cụm công nghiệp tập trung, nghiên cứu ứng dụng các công nghệ xử lý nước thải tiên tiến, xây dựng giải pháp xử lý nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt để hạn chế nhiễm bẩn nguồn nước mặt; Tổ chức quản lý việc xả nước thải vào nguồn nước; Thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.
- Đối với các dự án đầu tư mới, đặc biệt là sản xuất sản phẩm mới, bảo vệ môi trường là một yếu tố bắt buộc được thể hiện trong nội dung dự án khi thẩm định dự án.
- Thành lập Tổ chuyên viên thẩm định công nghệ để xem xét và chọn lọc thu hút các loại hình đầu tư công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, ít gây tác động môi trường; Sau năm 2020 sẽ hạn chế nghiêm ngặt đầu tư mới các loại hình công nghiệp có công nghệ lạc hậu, nhiều phát thải.
- Đối với các nhà đầu tư công nghiệp có quy mô lớn, cần xây dựng các quy định và cam kết về công nghệ, lộ trình ứng dụng công nghệ, kết hợp với giám sát chặt chẽ về môi trường trong tiến độ thực hiện dự án để có những khuyến cáo, bổ sung, sửa đổi kịp thời về quy trình sản xuất phù hợp với môi trường, trước mắt áp dụng đối với các ngành chế biến thực phẩm, hóa chất, nhựa và cơ khí.
- Thực hiện nguyên tắc người gây thiệt hại, ô nhiễm về môi trường phải khắc phục, bồi thường thiệt hại. Từng bước thực hiện việc thu phí bảo vệ môi trường, áp dụng các chính sách, cơ chế hỗ trợ đối với hoạt động bảo vệ môi trường. Nghiên cứu chuyển đổi dần từ hệ thống kiểm tra môi trường CAC (command and control) hiện nay tại các khu, cụm công nghiệp sang hệ thống Quota môi trường.
- Đối với nước thải công nghiệp, hỗ trợ tiến đến kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất trong nội thị trong việc làm sạch phần ô nhiễm công nghiệp trước khi xả vào hệ thống nước thải sinh hoạt của đô thị phải qua khu xử lý chung.
- Đối với rác thải công nghiệp, các cơ sở nằm ngoài khu công nghiệp phải có thùng rác riêng, phải đăng ký với các tổ thu gom rác để có thể quản lý và thu gom rác thải, từng bước tiến đến phân loại nguồn rác.
Điều 2. Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành Tỉnh liên quan, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng nhiệm vụ, cụ thể hóa quy hoạch, xây dựng kế hoạch phát triển công nghiệp ngắn hạn, trung hạn và dài hạn với các giải pháp đồng bộ để thực hiện các mục tiêu đã đề ra, giám sát việc thực hiện theo quy hoạch, kịp thời sơ kết, tổng kết , đánh giá, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch phù hợp với yêu cầu phát triển, gắn kết với quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội của Tỉnh và quy hoạch ngành công nghiệp của Trung ương.
Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, thị xã thực hiện tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn các doanh nghiệp ngành công nghiệp trên địa bàn do địa phương quản lý, để có định hướng và kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh phù hợp với mục tiêu, định hướng quy hoạch; Đưa các nội dung triển khai quy hoạch này vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, kế hoạch 05 năm của từng địa phương; Phối hợp với Sở Công Thương và các đơn vị có liên quan kiểm tra, giám sát triển khai thực hiện quy hoạch được phê duyệt.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 220/QĐ-UBND-HC ngày 22/3/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020.
Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành Tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY HOẠCH CÁC KHU CÔNG NGHIỆP ĐẾN 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1317/QĐ-UBND.HC ngày 11 tháng 11 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp)
TT | Tên khu công nghiệp | Diện tích quy hoạch (ha) | Diện tích đất công nghiệp (ha) |
I | KHU CÔNG NGHIỆP HIỆN HỮU | 256 | 181 |
1 | Khu công nghiệp Sa Đéc (Khu C+C mở rộng+A1) | 132 | 95 |
2 | Khu công nghiệp Trần Quốc Toản | 58 | 38 |
3 | Khu công nghiệp sông Hậu | 66 | 48 |
II | KHU CÔNG NGHIỆP MỞ RỘNG - MỞ MỚI | 1010 | 707 |
1 | Khu công nghiệp Sa Đéc mở rộng | 90 | 63 |
2 | Khu công nghiệp Trần Quốc Toản mở rộng | 70 | 49 |
3 | Khu công nghiệp Sông Hậu 2 | 150 | 105 |
4 | Khu công nghiệp Ba Sao | 150 | 105 |
5 | Khu công nghiệp Tân Kiều | 150 | 105 |
6 | Khu công nghiệp Trường Xuân-Hưng Thạnh | 150 | 105 |
7 | Khu công nghiệp công nghệ cao | 250 | 175 |
| TỔNG CỘNG | 1266 | 888 |
QUY HOẠCH CÁC CỤM CÔNG NGHIỆP ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1317/QĐ-UBND.HC ngày 11 tháng 11 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp)
TT | Tên cụm công nghiệp | Địa điểm | Diện tích (ha) | Các ngành, nghề chính |
I. HIỆN TRẠNG | ||||
1 | CCN Tân Thành B | H. Tân Hồng | 32 | Xay xát, lau bóng gạo, cụm nhà máy sấy, chế biến thức ăn gia súc, hệ thống kho chứa. |
2 | CCN Gáo Lồng Đèn | H. Tân Hồng | 55 | Xay xát, chế biến, lau bóng gạo xuất khẩu; chế biến lương thực, thực phẩm; chế biến thủy sản,.. |
3 | CCN An Lộc | TX. Hồng Ngự | 34,61 | Chế biến thủy sản, thức ăn, lương thực; dệt may, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; phân hữu cơ vi sinh; cơ khí, vật liệu xây dựng,… |
4 | CCN Phú Cường | H. Tam Nông | 32,93 | Chế biến thủy sản, thức ăn cho thủy sản và chăn nuôi; chế biến lương thực,… |
5 | CCN Vàm Cống | H. Lấp Vò | 41 | Chế biến thủy sản, thức ăn thủy sản; tinh luyện phụ phẩm từ chế biến thủy sản,… |
6 | CCN Tân Dương | H. Lai Vung | 16 | Sản xuất gạch, ngói, gốm sứ xuất khẩu. |
7 | CCN Bình Thành | H. Thanh Bình | 46 | Sản xuất thức ăn chăn nuôi thủy sản; chế biến sản phẩm chăn nuôi thủy sản; chế biến lương thực;… |
8 | CCN Cần Lố | H. Cao Lãnh | 15 | Sản xuất dược liệu, cồn y tế;… |
9 | CCN Phong Mỹ | H. Cao Lãnh | 6 | Chế biến thức ăn thủy sản |
10 | CCN An Bình | H. Cao Lãnh | 16 | Chế biến thực phẩm từ gia cầm, thủy cầm và gia súc. |
11 | CCN Mỹ Hiệp | H. Cao Lãnh | 65 | Chế biến thức ăn gia súc; chế biến thủy sản xuất khẩu; chế biến lương thực, nông sản; sản xuất phân bón;… |
12 | CCN Bắc Sông Xáng | H. Lấp Vò | 16 | Xay xát, lau bóng gạo, chế biến lương thực xuất khẩu. |
13 | CCN Trường Xuân | H. Tháp Mười | 93 | Chế biến thức ăn gia súc; chế biến lương thực; cơ khí; dệt may; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu; chợ nông sản, kho chứa, bảo quản sau thu hoạch;… |
14 | CCN Cái Tàu Hạ - An Nhơn | H. Châu Thành | 41 | Chế biến thủy sản; sản xuất thức ăn thủy sản và gia súc; sản xuất bao bì, phân bón vi sinh;… |
15 | CCN Định An | H. Lấp Vò | 50 | May mặc; chế biến nông sản, lương thực; chế biến thủy sản, thức ăn chăn nuôi; sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp;… |
| CỘNG |
| 560 |
|
II. QUY HOẠCH ĐẾN 2020 | ||||
16 | CCN VLXD Phú Hiệp | H. Tam Nông | 60 | Các ngành vật liệu xây dựng. |
17 | CCN Phú Ninh | H. Tam Nông | 75 | Chế biến nông sản, lương thực, thực phẩm,… |
18 | CCN Tân Thạnh | H. Thanh Bình | 74 | Chế biến nông sản, lương thực, thực phẩm; may mặc; da giày;… |
19 | CCN An Hòa | TX. Hồng Ngự | 43 | Chế biến nông sản, thức ăn thủy sản; gia công bao bì, đóng gói thành phẩm;… |
20 | CCN Dinh Bà | H. Tân Hồng | 50 | Cơ khí; vật liệu xây dựng; sản xuất hàng tiêu dùng; sản xuất và lắp ráp linh kiện điện, điện tử, máy tính, xe đạp, xe máy; may mặc; da giày;… |
21 | CCN Vàm Cống 2 | H. Lấp Vò | 50 | Cơ khí sửa chữa máy móc nông nghiệp; may mặc; chế biến thực phẩm và hàng tiêu dùng;… |
22 | CCN Thường Phước 1 | H. Hồng Ngự | 50 | Cơ khí; vật liệu xây dựng; sản xuất hàng tiêu dùng; lắp ráp xe đạp, xe máy;… |
23 | CCN Thường Phước 2 | H. Hồng Ngự | 50 | Cơ khí; vật liệu xây dựng; sản xuất hàng tiêu dùng; sản xuất và lắp ráp linh kiện điện, điện tử, máy tính, chất bán dẫn,… |
24 | CCN Thường Thới Tiền | H. Hồng Ngự | 50 | Cơ khí nông nghiệp; vật liệu xây dựng; may mặc; da giày;… |
25 | CCN Tân Lập | H. Châu Thành | 50 | Cơ khí; may mặc; chế biến lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng;… |
26 | CCN Tân Phú Đông | TP. Sa Đéc | 15 | Công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, điện tử. |
27 | CCN Tịnh Long | TP. Cao Lãnh | 50 | Đóng sửa tàu, cưa xẻ gỗ, mộc, cơ khí, chế biến hàng tiêu dùng |
28 | CCN Mỹ Tân | TP. Cao Lãnh | 44 | Cơ khí, ô tô, công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, điện tử, chế biến hàng tiêu dùng. |
29 | CCN Tịnh Châu - Tân Tịch | TP. Cao Lãnh | 25 | Đóng sửa tàu, cưa xẻ gỗ, mộc, cơ khí, chế biến hàng tiêu dùng. |
30 | CCN Mỹ Hiệp 2 | H. Cao Lãnh | 44 | Chế biến nông thủy sản, bao bì, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ... |
| CỘNG |
| 730 |
|
- 1Quyết định 604/QĐ-UBND năm 2018 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp tỉnh Kiên Giang đến năm 2025, có xét đến năm 2030
- 2Nghị quyết 128/NQ-HĐND năm 2018 điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp tỉnh Kiên Giang đến năm 2025, có xét đến năm 2030
- 3Nghị quyết 24/NQ-HĐND năm 2017 điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- 1Nghị định 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 2Nghị định 04/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 92/2006/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 3Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 4Thông tư 50/2015/TT-BCT quy định nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, quản lý và giám sát thực hiện quy hoạch phát triển ngành công nghiệp và thương mại do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành
- 5Quyết định 604/QĐ-UBND năm 2018 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp tỉnh Kiên Giang đến năm 2025, có xét đến năm 2030
- 6Nghị quyết 128/NQ-HĐND năm 2018 điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp tỉnh Kiên Giang đến năm 2025, có xét đến năm 2030
- 7Nghị quyết 24/NQ-HĐND năm 2017 điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
Quyết định 1317/QĐ-UBND.HC năm 2016 về phê duyệt quy hoạch phát triển cụm công nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến 2020 tầm nhìn 2030
- Số hiệu: 1317/QĐ-UBND.HC
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 11/11/2016
- Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Tháp
- Người ký: Châu Hồng Phúc
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 11/11/2016
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực