Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 1304/QĐ-UBND

Việt Trì, ngày 25 tháng 5 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC DUYỆT ĐỀ ÁN HỖ TRỢ NGƯỜI DÂN VÙNG CAO CANH TÁC NÔNG LÂM NGHIỆP BỀN VỮNG TRÊN ĐẤT NƯƠNG RẪY TỈNH PHÚ THỌ GIAI ĐOẠN 2009 - 2013

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 2945/QĐ-BNN-KL ngày 05/10/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Đề án hỗ trợ người dân vùng cao canh tác nông lâm nghiệp bền vững trên đất nương rẫy;
Căn cứ Văn bản số 2963/BNN-KL ngày 26/10/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc triển khai Đề án giao rừng, cho thuê rừng và Đề án nương rẫy;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 68/TT-SNN-KL ngày 22/4/2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Duyệt Đề án hỗ trợ người dân vùng cao canh tác nông lâm nghiệp bền vững trên đất nương rẫy tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2009 - 2013, với những nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu:

- Hỗ trợ và tạo điều kiện cho người dân các xã miền núi trồng rừng thay thế những diện tích nương rẫy kém hiệu quả, từng bước thay đổi tập quán canh tác du canh, quảng canh bằng thâm canh tăng năng suất trên đất nương rẫy và phát triển nghề rừng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, góp phần ổn định cuộc sống, tạo việc làm và có thu nhập từ nông - lâm nghiệp cho người dân các xã miền núi của tỉnh, giảm sức ép tác động bất lợi tới rừng tự nhiên.

- Đảm bảo cho các hoạt động sản xuất nương rẫy tại các xã miền núi theo đúng định hướng, đúng quy hoạch; không gây tác động xấu đến tài nguyên rừng, tài nguyên đất; góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình trồng mới 5ha rừng trên địa bàn tỉnh.

- Tăng độ che phủ của rừng trên địa bàn các xã miền núi.

2. Yêu cầu:

- Đảm bảo việc sản xuất nương rẫy chỉ thực hiện trên những diện tích đã được quy hoạch, chấm dứt tình trạng phát đốt nương làm rẫy không theo quy hoạch và xâm hại trái phép vào diện tích rừng.

- Quy hoạch vùng sản xuất nương rẫy phải gắn với quy hoạch về giao rừng và giao đất lâm nghiệp. Xác định rõ những diện tích có khả năng canh tác nông nghiệp; nông lâm kết hợp và trồng rừng.

- Áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm. Duy trì một số diện tích nương rẫy có hiệu quả để đồng bào tiến hành canh tác theo tập quán truyền thống. Đối với diện tích nương rẫy năng suất thấp, độ dốc lớn, có nguy cơ xói mòn mạnh thì chuyển sang trồng rừng và trồng các loài cây đa tác dụng, phù hợp với điều kiện lập địa của từng vùng và phong tục tập quán của người dân từng dân tộc.

- Đảm bảo sự hỗ trợ canh tác nương rẫy bình đẳng đối với mọi người dân, ưu tiên hỗ trợ cho đồng bào ở những xã khó khăn, trọng điểm về hoạt động sản xuất nương rẫy, đồng bào dân tộc canh tác nương rẫy theo tập quán đã quản lý nương rẫy trên thực tế và tồn tại từ lâu, không tranh chấp, các hộ gia đình, cá nhân nhận khoán bảo vệ rừng để cải thiện đời sống, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

- Xác định được những loài cây trồng rừng, cây đa tác dụng phù hợp với từng đối tượng đất đai, từng địa phương và theo mục tiêu trồng rừng phòng hộ, rừng sản xuất.

- Lồng ghép và phối kết hợp các chương trình, dự án và nguồn vốn trên địa bàn với công tác hỗ trợ cho đồng bào để tránh chồng chéo và đảm bảo hiệu quả đầu tư.

3. Nhiệm vụ: Đảm bảo quản lý và sử dụng có hiệu quả 3.217ha đất nương rẫy hiện có trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

3.1. Chuyển đổi phương thức canh tác nương rẫy sang trồng rừng

- Đối tượng nương rẫy trước đây nằm trên đất rừng phòng hộ, sau khi rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng được chuyển đổi sang rừng sản xuất, có diện tích 1.316,2ha do 1.851 hộ đang sử dụng canh tác nương rẫy, tiến hành giao cho hộ gia đình để trồng rừng sản xuất, loại cây trồng là những cây thích nghi với điều kiện lập địa tại các xã, người dân đã có kinh nghiệm trong quá trình tạo giống và trồng rừng, sản phẩm thu hái sau chu kỳ trồng rừng có thể tiêu thụ được trên thị trường của địa phương. Những năm đầu, người dân có thể trồng rừng kết hợp với trồng cây lương thực ngắn ngày hoặc cây ăn quả như dứa, đu đủ, đậu các loại… để tăng thu nhập.

- Tùy theo quỹ đất của từng địa phương để tiến hành lập phương án giao đất cho người dân và thực hiện hỗ trợ theo đúng quy định.

3.2. Thâm canh nương rẫy cố định

Tiến hành rà soát lại toàn bộ diện tích nương rẫy còn lại trên các xã để xác định cụ thể những diện tích nương rẫy hiện còn làm cơ sở cho việc xây dựng một số mô hình nương rẫy theo hướng thâm canh, ổn định, bền vững và có hiệu quả.

4. Quy mô thực hiện

Đề án triển khai trong 5 năm (2009 - 2013) trên diện tích 1.361,2ha đất nương rẫy của 3 huyện (Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập), với sự tham gia của 1.851 hộ với khoảng 9.255 khẩu tại 15 xã. Cụ thể như sau:

- Huyện Tân Sơn 7 xã: Kim Thượng, Tam Thanh, Thu Ngạc, Xuân Đài, Tân Sơn, Thu Cúc, Vinh Tiền.

- Huyện Thanh Sơn 6 xã: Đông Cửu, Khả Cửu, Thượng Cửu, Tân Minh, Tân Lập, Yên Sơn.

- Huyện Yên Lập 02 xã: Trung Sơn, Xuân An.

5. Các giải pháp chủ yếu

5.1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý tài nguyên rừng, đất rừng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và quyền lợi của cộng đồng và người dân khi tham gia; phổ biến các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác, thâm canh, các mô hình kinh tế có hiệu quả.

5.2. Quy hoạch và giao đất nương rẫy

- Rà soát lại quy hoạch và hiện trạng nương rẫy, thống kê, phân loại và xác định cụ thể diện tích đất canh tác nương rẫy; phân loại xác định từng loại đất nương rẫy phù hợp cho sản xuất nông nghiệp, trồng rừng phòng hộ, rừng sản xuất, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, trồng cỏ phục vụ chăn nuôi và diện tích nương rẫy tiếp tục để đồng bào canh tác theo tập quán truyền thống làm cơ sở cho việc lập quy hoạch sản xuất nương rẫy và thực hiện phương án hỗ trợ, cân đối nhu cầu để hỗ trợ người dân canh tác nông lâm nghiệp bền vững trên đất nương rẫy.

- Thông qua việc rà soát, tiến hành điều chỉnh lại quy hoạch sử dụng đất cho phù hợp với định hướng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất; đồng thời xác định diện tích chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để lập hồ sơ quản lý theo quy định.

- Tổ chức xây dựng điểm về quy hoạch sử dụng đất và giao đất cấp xã, thôn, bản. Xác định tiêu chí cho các loại đất theo mục đích sử dụng; xác định ranh giới đất lâm nghiệp và đất nông nghiệp.

- Tiến hành giao đất cho người dân sản xuất nông lâm nghiệp ổn định, tạo điều kiện để người dân yên tâm sản xuất và đầu tư cho phát triển kinh tế hộ gia đình.

5.3. Cụ thể hóa cơ chế chính sách hiện hành:

- Cụ thể hóa các chính sách hiện hành để thực hiện trên địa bàn tỉnh, như: Quyết định số 100/2007/QĐ-TTg ngày 06/7/2007, Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg ngày 10/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư liên tịch số 58/2008/TTLT-BNN-KHĐT-TC ngày 02/5/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Tài chính; Thông tư số 02/2008/TTLT-BKH-NN-TC ngày 23/6/2008 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Tài chính - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thông tư liên tịch số 52/2008/TTLT-BNN-TC ngày 10/4/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Tài chính.

5.4. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất

- Đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm, xây dựng mô hình trình diễn canh tác trên đất dốc và chuyển giao tiến bộ khoa học cho người dân. Nghiên cứu áp dụng các mô hình canh tác nông lâm kết hợp, kỹ thuật canh tác trên đất dốc phù hợp với điều kiện của địa phương để thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất hàng hóa theo hướng bảo tồn và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, khai thác thế mạnh về rừng, các giống cây trồng đặc sản có giá trị kinh tế cao; ứng dụng công nghệ sản xuất các mặt hàng nông lâm đặc sản, chăn nuôi gia súc, dịch vụ thú y,…

6. Nhu cầu đầu tư về kinh phí và lương thực trợ cấp

- Kinh phí hỗ trợ trồng rừng sản xuất, quy hoạch, giao đất, giao rừng: 3.566.910.000,0 đồng.

- Hỗ trợ gạo: 4.6060,7 tấn gạo.

(Nguồn kinh phí cấp theo Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg ngày 10/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư số 02/2008/TTLT-BKH-NN-TC ngày 23/6/2008 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Tài chính - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thông tư liên tịch số 52/2008/TTLT-BNN-BTC ngày 10/4/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Tài chính).

Phân kỳ đầu tư như sau:

Năm 2009: 3.132.560.000 đồng và 921,34 tấn gạo.

Năm 2010: 131.620.000 đồng và 921,34 tấn gạo.

Năm 2011: 171.110.000 đồng và 921,34 tấn gạo.

Năm 2012: 131.620.000 đồng và 921,34 tấn gạo.

Năm 2013: 921,34 tấn gạo.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

Trên cơ sở nội dung Đề án được phê duyệt, Sở Nông nghiệp và PTNT có trách nhiệm lập dự án hỗ trợ người dân vùng cao canh tác nông lâm nghiệp bền vững trên đất nương rẫy tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2009 - 2013, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức thực hiện.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ngành: Nông nghiệp và PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, UBND các huyện, thành, thị; các sở, ngành có liên quan căn cứ Quyết định thực hiện.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đặng Đình Vượng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1304/QĐ-UBND năm 2009 duyệt đề án hỗ trợ người dân vùng cao canh tác nông lâm nghiệp bền vững trên đất nương rẫy tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2009 - 2013 do Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ ban hành

  • Số hiệu: 1304/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 25/05/2009
  • Nơi ban hành: Tỉnh Phú Thọ
  • Người ký: Đặng Đình Vượng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản