Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13/2012/QĐ-UBND

Quảng Trị, ngày 04 tháng 10 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP TỈNH QUẢNG TRỊ ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN 2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006;

Căn cứ Quyết định số 55/2008/QĐ-BCT ngày 30 tháng 12 năm 2008 của Bộ Công Thương ban hành Quy định nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phát triển lĩnh vực công nghiệp;

Căn cứ Quyết định số 321/QĐ-TTg ngày 02 tháng 3 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị đến năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 18/2012/NQ-HĐND ngày 17 tháng 8 năm 2012 của HĐND tỉnh Quảng Trị;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương Quảng Trị tại Tờ trình số 527/TTr-SCT ngày 13 tháng 7 năm 2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt "Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Quảng Trị đến năm 2020, định hướng đến 2025" với những nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP TỈNH QUẢNG TRỊ ĐẾN NĂM 2020

1. Quan điểm phát triển

Phát triển công nghiệp nhằm tạo động lực chính để chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thu hẹp khoảng cách chênh lệch kinh tế so với các địa phương khác trong vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.

Phát triển công nghiệp với tốc độ cao, ổn định, bền vững, thân thiện với môi trường gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên cơ sở huy động sức mạnh tổng hợp của nhiều thành phần kinh tế, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Phát huy tối đa về lợi thế tài nguyên thiên nhiên, con người để phát triển công nghiệp. Đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, chế biến sâu, có giá trị gia tăng lớn.

Phát triển công nghiệp đa dạng về cơ cấu phù hợp với thế mạnh kinh tế của địa phương, đảm bảo hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường nội địa và quốc tế trong quá trình hội nhập.

Tận dụng lợi thế của vùng Duyên hải miền Trung và hành lang kinh tế Đông - Tây để phát triển mạnh các khu kinh tế, khu, cụm công nghiệp.

Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Quảng Trị đến năm 2020, định hướng đến 2025 phải gắn với Quy hoạch phát triển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung và cả nước, đồng thời gắn với quá trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.

Phát triển công nghiệp gắn với đảm bảo quốc phòng và an ninh quốc gia.

2. Mục tiêu phát triển công nghiệp tỉnh Quảng Trị

Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị tăng thêm ngành công nghiệp giai đoạn 2011 - 2015 đạt 19%/năm và giai đoạn 2016 - 2020 đạt 16%/năm.

Tỷ trọng giá trị công nghiệp trong GDP toàn tỉnh đến năm 2015 là 25,3% và đến năm 2020 ở mức 31,6%.

3. Định hướng phát triển công nghiệp tỉnh Quảng Trị

- Giai đoạn từ nay đến năm 2015:

+ Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, đầu tư phát triển Khu Đông Nam tỉnh Quảng Trị. Tập trung đầu tư đồng bộ hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, tạo các điều kiện cần thiết và thuận lợi thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp;

+ Tái cơ cấu ngành công nghiệp theo quy hoạch phát triển công nghiệp cả nước, mở rộng các cơ sở công nghiệp hiện có trong ngành chế biến nông, thủy sản; chế biến lâm sản, thực phẩm, đồ uống; chế biến khoáng sản; sản xuất vật liệu xây dựng... và đầu tư mới một số nhà máy công nghiệp;

- Giai đoạn 2016 - 2020:

+ Tiếp tục tập trung đầu tư hạ tầng và thu hút đầu tư vào khu kinh tế, hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp;

+ Tăng cường thu hút đầu tư vào phát triển các ngành nghề mới và công nghệ cao như: công nghiệp năng lượng, hóa chất - phân bón; lắp ráp cơ khí, điện tử; cơ khí đóng tàu; vật liệu mới và công nghiệp hỗ trợ;

- Giai đoạn sau năm 2020:

+ Sắp xếp và tổ chức lại sản xuất một số ngành, sản phẩm công nghiệp theo hướng đảm bảo phát triển sản xuất ổn định, bền vững, xử lý triệt để các vấn đề môi trường;

+ Tập trung đổi mới công nghệ các cơ sở công nghiệp hiện có trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao chất lượng, năng suất lao động và tạo ra các sản phẩm theo hướng có hàm lượng công nghệ cao.

II. QUY HOẠCH CÁC NGÀNH CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN QUẢNG TRỊ ĐẾN NĂM 2020

1. Công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản

Mục tiêu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2011 - 2015 đạt 16,1%/năm; giai đoạn 2016 - 2020 đạt 12,5%/năm.

Phát triển ngành đáp ứng nhu cầu cho các ngành, sản phẩm chế biến trên địa bàn tỉnh như: sản xuất vật liệu xây dựng, hóa chất, phân bón, que hàn…

Đa dạng hóa quy mô khai thác và chế biến khoáng sản với quy mô và công nghệ thích hợp theo hướng tiết kiệm, hiệu quả sử dụng các nguồn tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường sinh thái, có sự kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước.

Chú trọng công tác tìm kiếm, điều tra cơ bản khoáng sản để làm căn cứ xây dựng kế hoạch đầu tư khai thác và chế biến có hiệu quả.

2. Công nghiệp chế biến nông, thủy sản, thực phẩm

Mục tiêu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2011 - 2015 đạt 19%/năm; giai đoạn 2016 - 2020 đạt 13%/năm.

Phát triển một số ngành công nghiệp chế biến mũi nhọn, có lợi thế nguồn nguyên liệu tại địa phương, có thị trường tiêu thụ và xuất khẩu như: chế biến lương thực, thực phẩm, tinh bột sắn; thức ăn gia súc; chế biến cà phê, cao su, hồ tiêu...

Phát triển công nghiệp chế biến nông, thủy sản trên cơ sở gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu, tạo nền tảng cho công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

a) Chế biến thủy sản

Kêu gọi đầu tư, khôi phục ngành chế biến thủy sản. Sắp xếp lại tổ chức, đổi mới công nghệ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn để củng cố và khôi phục năng lực chế biến xuất khẩu.

Trên cơ sở quy hoạch các vùng nguyên liệu ở địa phương, hướng công nghiệp chế biến vào các sản phẩm phù hợp với đặc điểm, thế mạnh về nguyên liệu của tỉnh và thu hút thêm nguồn nguyên liệu từ các địa phương trong khu vực.

Xây dựng và phát triển một số cụm chế biến thủy sản theo công nghệ truyền thống, sản phẩm là các loại hàng khô, hàng ăn liền, các loại mắm, nước mắm… nâng cao chất lượng hàng hóa theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, tập trung xử lý ô nhiễm môi trường.

b) Chế biến, xay xát gạo, ngô

Ổn định sản xuất các sản phẩm: xay xát lương thực, bún, bánh, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, sắp xếp các hộ chế biến thành một số cơ sở chế biến tập trung.

Khuyến khích các nhà máy xay xát lương thực đầu tư trang bị thêm thiết bị phơi sấy, thiết bị phân loại, đánh bóng, tách màu, chọn hạt để nâng cao chất lượng gạo.

c) Chế biến thực phẩm, đồ uống

Nghiên cứu, đầu tư cải tiến mẫu mã, bao bì, nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nhanh chóng phát triển công nghiệp giết mổ và chế biến các sản phẩm súc sản, thực phẩm ăn liền, các sản phẩm nước khoáng, nước hoa quả... theo công nghệ hiện đại. Xây dựng một số dây chuyền giết mổ, chế biến, đông lạnh thịt gia súc, gia cầm với quy mô phù hợp đảm bảo vệ sinh thực phẩm, môi trường.

d) Chế biến tinh bột sắn

Ổn định sản xuất và phát huy hết công suất, đầu tư chiều sâu các nhà máy chế biến tinh bột sắn đã có trên địa bàn.

Phát triển sản xuất phân bón vi sinh tận dụng nguồn phế thải của các nhà máy tinh bột sắn. Đầu tư mới nhà máy cồn từ sắn khi có đủ điều kiện.

e) Chế biến cà phê

Ổn định sản xuất và tiếp tục đầu tư máy móc thiết bị trong đó có các khâu xát vỏ, phân loại hạt để tăng năng lực và hiệu quả cho các cơ sở chế biến cà phê hiện có.

Thu hút đầu tư xây dựng cơ sở chế biến sâu, đa dạng hóa các sản phẩm bao gồm cà phê rang, cà phê bột, cà phê hòa tan, cà phê đóng lon... đáp ứng nhu cầu của thị trường.

f) Chế biến cao su

Đầu tư chiều sâu, nâng cao chất lượng, phát huy hết công suất của các cơ sở cao su hiện có đồng thời nghiên cứu đầu tư xây dựng thêm một số cơ sở chế biến mới ở Hướng Hóa, phía Tây Triệu Phong và phía Tây Hải Lăng và những nơi có điều kiện để gắn sản xuất với chế biến nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cao su.

Khuyến khích và thu hút các doanh nghiệp phát triển các sản phẩm sử dụng nguyên liệu cao su như: săm, lốp, nệm, gối, các sản phẩm cao su dân dụng và y tế...

Đầu tư máy móc thiết bị, đảm bảo công tác xử lý môi trường trong các doanh nghiệp chế biến.

g) Chế biến hồ tiêu

Đầu tư nhà máy chế biến hồ tiêu tại Gio Linh.

Xây dựng chiến lược và chương trình quảng bá thương hiệu sản phẩm hồ tiêu của Quảng Trị để sản phẩm hồ tiêu trở thành thương hiệu mạnh của sản phẩm công nghiệp tỉnh Quảng Trị.

h) Chế biến thức ăn gia súc

Thu hút đầu tư các nhà máy chế biến thức ăn gia súc và gia cầm tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Tùy theo nhu cầu thị trường, đầu tư mở rộng và phát triển thêm các sản phẩm mới phục vụ chăn nuôi, thủy sản.

Phát triển và nâng công suất các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi khi có điều kiện.

3. Công nghiệp chế biến gỗ, giấy

Mục tiêu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2011 - 2015 đạt 22%/năm; giai đoạn 2016 - 2020 đạt 16%/năm.

Tập trung phát triển trồng rừng, thâm canh vùng nguyên liệu.

Ổn định sản xuất các nhà máy chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh, thu hút đầu tư chế biến sâu các sản phẩm như bàn ghế các loại, giường tủ từ ván ghép thanh, ván sàn cao cấp... phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Mục tiêu là nhanh chóng tạo vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng lớn, để tiến tới xây dựng các nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu.

4. Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng

Mục tiêu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2011 - 2015: 13,3%/năm và giai đoạn 2016 - 2020: 13,45%/năm.

Ổn định và phát triển các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng hiện có. Chú trọng phát triển các loại vật liệu xây dựng mới phục vụ cho xây dựng đô thị, khu, cụm công nghiệp.

Khuyến khích đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất vật liệu xây, lợp không nung, vật liệu mới (bê tông xốp, bê tông nhẹ, bông sợi thủy tinh...), các loại tấm lợp (tôn, tấm lợp không amiăng, tấm lợp xi măng cốt sợi thủy tinh, tôn kim loại màu, ngói xi măng - cát) nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và giảm ô nhiễm môi trường. Tranh thủ các cơ hội kêu gọi đầu tư công nghệ và thiết bị tiên tiến để nâng chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh.

5. Công nghiệp hóa chất

Mục tiêu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2011 - 2015 đạt 15%/năm; giai đoạn 2016 - 2020 đạt 16%/năm.

Khai thác hiệu quả công suất của các nhà máy sản xuất phân bón NPK, săm lốp xe máy và mở rộng quy mô sản xuất phù hợp. Kêu gọi đầu tư phát triển một số sản phẩm mới như: sản xuất sản phẩm cao su dân dụng và y tế; sản xuất sản phẩm nhựa cho xây dựng; bao bì PP, PET...

Tùy theo tiến độ điều tra, thăm dò và khai thác các mỏ khí đốt ở ngoài khơi vùng biển Quảng Trị, nghiên cứu xây dựng tổ hợp khí - điện - đạm và chế biến các sản phẩm khác từ khí đốt trên địa bàn tỉnh.

6. Công nghiệp dệt may, da giày

Mục tiêu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2011 - 2015 đạt 35%/năm; giai đoạn 2016 - 2020 đạt 17%/năm.

Nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm dệt may, da giày hiện có. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp may mặc, sản xuất trang phục may sẵn, gia công may xuất khẩu; sản xuất các đồ dùng bằng da, giày dép da, túi xách bằng da các loại. Mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm dệt may - da giày trong và ngoài nước.

7. Công nghiệp cơ khí, chế tạo máy và sản xuất kim loại

Mục tiêu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2011 - 2015 đạt 18%/năm; giai đoạn 2016 - 2020 đạt 15%/năm.

Phát triển cơ khí đóng mới và sửa chữa các tàu thuyền, phương tiện vận tải, gia công lắp ráp cơ khí, lắp ráp xe tải nhẹ, máy nông nghiệp, máy thủy lợi, làm đất, cơ giới hóa các khâu sau thu hoạch phục vụ nông nghiệp, nông thôn, phụ tùng, linh kiện máy móc, sản xuất phụ tùng xe máy, xe đạp, luyện cán thép, sản xuất thép kéo xây dựng, thép chất lượng cao.

Phát triển các cơ sở cơ khí gia công, cơ khí sửa chữa phương tiện giao thông trên các tuyến đường giao thông. Phát triển các cơ sở gia công sản phẩm từ kim loại, đồ gia dụng, sửa chữa cơ khí, điện, điện tử, điện lạnh ở các đô thị, khu dân cư tập trung nông thôn, phục vụ nhu cầu của nhân dân.

8. Công nghiệp sản xuất và phân phối điện

Cải tạo mạng lưới phân phối điện, nâng cấp mới các đường dây trung áp và hạ áp để cấp điện ổn định và an toàn cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt ngày càng tăng trên địa bàn. Xây dựng lưới điện đến các thôn, cụm dân cư, đảm bảo chất lượng điện cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Đến năm 2020 có 100% thôn bản có điện.

Đầu tư và cải tạo lưới điện theo quy hoạch. Ưu tiên nguồn điện phục vụ cho sản xuất, kinh tế biển và cho các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.

Phát triển thủy điện nhỏ theo quy hoạch, khuyến khích đầu tư phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo với nhiều hình thức đầu tư thích hợp để khai thác tiềm năng, lợi thế ở những nơi có điều kiện phát triển.

9. Công nghiệp sản xuất và phân phối nước

Các đô thị, trung tâm huyện đều có các nhà máy sản xuất, hệ thống cung cấp nước sạch cho sinh hoạt và sản xuất.

Phấn đấu đến năm 2015, tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch ở thành thị đạt trên 95% và 100% vào năm 2020; số dân ở nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 90% năm 2015 và đến năm 2020 đạt 95%.

Đến năm 2020, đầu tư mở rộng các nhà máy nước để đảm bảo sản xuất và sinh hoạt nhân dân, đáp ứng nhu cầu mở rộng đô thị và phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế.

III. PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ

Phát triển công nghiệp hỗ trợ để thúc đẩy việc phát triển các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh một cách bền vững và thân thiện với môi trường.

1. Công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp dệt may - da giày

Kêu gọi đầu tư các cơ sở sản xuất phụ liệu ngành may như chỉ may, khóa kéo, cúc nhựa, chun các loại... thu hút các chuyên gia về thiết kế mẫu và marketing, từng bước tạo lập cơ sở để chuyển sang xuất khẩu trực tiếp các sản phẩm của ngành.

Trên cơ sở các làng nghề thêu ren tại Cam Lộ, Hải Lăng... đầu tư máy móc thiết bị phát triển một số cơ sở thêu ren (máy thêu vi tính hiện đại với dàn máy lập trình thiết kế mẫu thêu) đáp ứng nhu cầu phát triển.

Đầu tư phát triển sản phẩm thêu, in trên các loại vải, giấy, bao bì... đầu tư các cơ sở mới, hình thành các phân xưởng tại các cơ sở may.

2. Công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp cơ khí chế tạo máy và gia công kim loại

Đề ra các chương trình thu hút đầu tư sản xuất hỗ trợ, khuyến khích đầu tư các dự án vào tỉnh; thực hiện các cuộc xúc tiến tìm kiếm đối tác đầu tư tại các trung tâm cơ khí, luyện kim, sản xuất kim loại đã và đang phát triển mạnh trong nước. Khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp cơ khí, gia công kim loại, ổn định, đầu tư mở rộng sản xuất và đa dạng hóa sản phẩm.

Nhanh chóng hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, phân định rõ khu vực được dành cho phát triển các lĩnh vực sản xuất hỗ trợ cho ngành cơ khí, luyện kim; các chính sách ưu đãi và khả năng cung ứng lao động cho các dự án.

3. Công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp sản xuất, phân phối và dịch vụ ngành điện

Đầu tư mới, với công nghệ phù hợp để phát triển sản xuất hỗ trợ sản phẩm điện. Từng bước tham gia vào việc sản xuất và cung cấp các thiết bị, vật tư, dịch vụ bảo trì, sửa chữa cho các công trình điện trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận; Trước hết là các kết cấu bê tông như cột điện bê tông ly tâm, lõi thép, bê tông đúc sẵn cho đường dây trung và hạ thế, các kết cấu gang thép thuộc phần nền, móng, cột, xà không gian, vỏ máy - thiết bị tĩnh, hoặc phần không dẫn điện của các thiết bị trong công trình.

Tạo điều kiện cho các Tập đoàn lớn xây dựng chi nhánh, cơ sở sản xuất hỗ trợ sản phẩm điện trên địa bàn; khuyến khích các hình thức liên doanh, liên kết đầu tư, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh.

Phát triển các hoạt động dịch vụ sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng các công trình điện (nhà máy điện, lưới điện, trạm điện…), các thiết bị điện khác trên địa bàn. Nghiên cứu phát triển Trung tâm Sửa chữa, bảo trì thiết bị điện đặt tại Khu Đông Nam Quảng Trị.

IV. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÁC KHU CÔNG NGHIỆP, CỤM CÔNG NGHIỆP

1. Phát triển các khu công nghiệp (KCN)

Tập trung đầu tư và hoàn chỉnh đồng bộ hạ tầng kỹ thuật chủ yếu cho 03 KCN là KCN Nam Đông Hà (99 ha); KCN Quán Ngang (205 ha) và KCN Tây Bắc Hồ Xá (294 ha) nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh, thu hút các dự án phát triển công nghiệp trên địa bàn.

Phấn đấu hoàn thành cơ bản kết cấu hạ tầng và lấp đầy 100% diện tích KCN Nam Đông Hà và 70 - 80% diện tích KCN Quán Ngang (giai đoạn 1) trong giai đoạn đến năm 2015. Giai đoạn 2011 - 2020, phát triển hạ tầng KCN Tây Bắc Hồ Xá (giai đoạn 1: 157,6 ha), phấn đấu tỷ lệ lấp đầy đạt 50%.

Khu Công nghiệp Nam Đông Hà (thành phố Đông Hà):

Phát triển và ổn định diện tích KCN với quy mô gần 99 ha, không mở rộng thêm trong các giai đoạn tới. Định hướng phát triển và thu hút đầu tư các dự án, công trình công nghiệp sạch, ít gây ảnh hưởng đến môi trường. Giai đoạn từ nay đến năm 2015 đầu tư hoàn chỉnh hệ thống xử lý chất thải tập trung và lấp đầy 100% diện tích KCN.

Khu Công nghiệp Quán Ngang (huyện Gio Linh):

Giai đoạn từ nay đến năm 2015: Phát triển giai đoạn 1 của KCN (139 ha). Đầu tư hoàn thành cơ bản cơ sở hạ tầng, lấp đầy 70 - 80% diện tích đất trong giai đoạn 1.

Giai đoạn 2016 - 2020: Hoàn thành cơ sở hạ tầng diện tích 139 ha của giai đoạn 1, từng bước phát triển giai đoạn 2 với diện tích 66 ha.

Giai đoạn sau năm 2020: Quy hoạch mở rộng KCN thêm 300 - 400 ha về phía Đông Bắc đưa tổng diện tích quy hoạch KCN Quán Ngang đạt 500 - 600 ha.

Định hướng tập trung phát triển các ngành chế biến nông, lâm, thủy sản; công nghiệp chế biến thực phẩm, đồ uống; chế biến khoáng sản; hóa chất (sản phẩm nhựa, cao su, phân bón...); dệt may - da giày; cơ khí, chế tạo máy và gia công kim loại, điện - điện tử.

Khu Công nghiệp Tây Bắc Hồ Xá (huyện Vĩnh Linh):

Từ nay đến năm 2015, đầu tư từng bước hạ tầng KCN tại khu A thuộc xã Vĩnh Chấp (giai đoạn 1: dự kiến khoảng 157,6 ha) giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào, xây dựng hệ thống điện, xử lý nước thải.

Giai đoạn 2016 - 2020: Hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng và lấp đầy 50% giai đoạn 1 (Khu A). Chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2 (Khu B) vào sau năm 2020.

Khu Công nghiệp Hải Lăng (huyện Hải Lăng):

Từ nay đến năm 2015, đầu tư hoàn thành cơ bản kết cấu hạ tầng và tiếp tục phát triển mở rộng giai đoạn II lên khoảng 70 ha, giai đoạn 2016 - 2020 phát triển thành KCN Hải Lăng với diện tích khoảng 150 ha.

Các ngành công nghiệp được tập trung phát triển trong KCN là: sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông sản, đồ uống, sửa chữa máy nông nghiệp và phương tiện giao thông, tiểu thủ công nghiệp, may mặc, dệt may, giày da...

Các KCN trong Khu Đông Nam Quảng Trị:

Hình thành và phát triển theo quy hoạch chung xây dựng khu Đông.

2. Phát triển cụm công nghiệp (CCN)

Tiếp tục hoàn chỉnh đồng bộ hạ tầng các CCN đã quy hoạch theo giai đoạn, đáp ứng yêu cầu hoạt động của các doanh nghiệp và tạo sức hấp dẫn thu hút các dự án công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, góp phần giảm bớt mức chênh lệch giữa các vùng và góp phần tăng trưởng kinh tế, công nghiệp toàn tỉnh.

Sắp xếp theo thứ tự ưu tiên các CCN có khả năng cao hơn trong việc thu hút các dự án đầu tư để tập trung hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng hạ tầng CCN.

Nghiên cứu quy hoạch và từng bước xây dựng các CCN mới đáp ứng nhu cầu phát triển trên địa bàn trong các giai đoạn tới như sau:

* Giai đoạn đến 2015: Hoàn thiện kết cấu hạ tầng và kêu gọi đầu tư lấp đầy các CCN hiện có. Huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các CCN: Hướng Tân (huyện Hướng Hóa), Đông Ái Tử (huyện Triệu Phong), Đông Gio Linh (huyện Gio Linh), Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh), Cam Hiếu (huyện Cam Lộ), Hải Thượng (huyện Hải Lăng), Krông Klang (huyện Đakrông), Hải Lệ (thị xã Quảng Trị).

Các CCN trong Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo:

Ổn định về quy mô diện tích CCN tại Khu Công - Thương mại - Dịch vụ Lao Bảo với diện tích 21,5 ha và CCN Tân Thành với diện tích 60 ha.

Điều chỉnh giảm CCN Tây - Bắc Lao Bảo từ 47 ha giảm xuống còn 27 ha.

Quy hoạch và phát triển thêm CCN tại thị trấn Khe Sanh với diện tích 15 ha để đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển công nghiệp trong Khu kinh tế giai đoạn đến năm 2020 và đến năm 2025.

* Giai đoạn 2016 - 2020: Quy hoạch và phát triển thêm 05 CCN để đáp ứng nhu cầu đầu tư và phát triển sản xuất công nghiệp trên địa bàn các huyện, gồm các CCN: Cam Tuyền (huyện Cam Lộ), Tà Rụt (huyện Đakrông), Bến Quan (huyện Gio Linh), Nam Cửa Việt (huyện Triệu Phong), Hải Chánh (huyện Hải Lăng).

Từng bước đầu tư hệ thống xử lý chất thải trong CCN, đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh môi trường hiện hành.

V. NHU CẦU LAO ĐỘNG CHO CÔNG NGHIỆP ĐẾN 2020

Nhu cầu lao động đến năm 2015 khoảng 32.920 người, đến 2020 khoảng 55.100 người và đến năm 2025 khoảng 76.670 người.

VI. NHU CẦU VỀ VỐN CHO CÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2011 - 2020

Tổng vốn đầu tư cho công nghiệp giai đoạn 2011 - 2015 là 16.100 tỷ đồng, giai đoạn 2016 - 2020 là 37.100 tỷ đồng và giai đoạn 2021 - 2025 là 45.600 tỷ đồng.

VI. NHỮNG GIẢI PHÁP VÀ CHÍNH SÁCH CHỦ YẾU

1. Thu hút đầu tư

Khuyến khích mọi thành phần tham gia đầu tư sản xuất công nghiệp; ưu tiên đầu tư các dự án hạ tầng quan trọng. Tập trung xây dựng hạ tầng Khu Đông Nam Quảng Trị, hạ tầng KCN cảng biển và các khu, CCN đã được quy hoạch.

Thu hút đầu tư trực tiếp, hợp tác, liên kết, liên doanh của các Tập đoàn, các công ty lớn, các ngành và các thành phố lớn trong cả nước.

Khuyến khích đầu tư nước ngoài các ngành công nghiệp: công nghệ cao, cơ khí chế tạo, năng lượng, những ngành sử dụng nhiều lao động, xuất khẩu nhiều sản phẩm, sử dụng nguyên liệu tại chỗ.

2. Phát triển nguồn nhân lực

Hỗ trợ kinh phí từ ngân sách để đào tạo cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật, thu hút cán bộ và lao động có trình độ tay nghề cao cho các ngành công nghiệp chủ lực.

Chú trọng đào tạo lao động cung ứng cho các ngành nghề mới. Kết hợp đào tạo nghề dài hạn với việc đào tạo nghề ngắn hạn theo hướng xã hội hóa, liên kết với các cơ sở đào tạo của các tỉnh khác.

Nâng cao chất lượng đào tạo ở các trường cao đẳng và dạy nghề, các trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Phát triển xuất khẩu lao động theo hướng tu nghiệp. Mở rộng hợp tác quốc tế để đào tạo và đào tạo lại cán bộ, công nhân kỹ thuật từ các nguồn tài trợ, các dự án của các tổ chức quốc tế, các công ty nước ngoài, mời chuyên gia sang đào tạo.

3. Phát triển nguồn vốn và huy động vốn

Vốn ngân sách chủ yếu hỗ trợ giải tỏa đền bù, hỗ trợ đầu tư hạ tầng giao thông đấu nối các khu, CCN. Vốn vay ODA để đầu tư cơ sở hạ tầng.

Huy động các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu, CCN; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tiếp cận nguồn tín dụng ngân hàng.

4. Phát triển thị trường

Đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến thương mại. Tăng chi ngân sách hỗ trợ các hoạt động khuyến khích xuất khẩu và xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp công nghiệp. Cung cấp thông tin thị trường thường xuyên và đầy đủ cho doanh nghiệp, hỗ trợ cho doanh nghiệp mở rộng thị trường nội địa và xuất khẩu.

Tích cực tìm kiếm thị trường và mở rộng các hoạt động hợp tác kinh tế quốc tế của tỉnh. Chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin thị trường.

5. Hoàn thiện tổ chức quản lý

Tăng cường chỉ đạo hỗ trợ của tỉnh đối với phát triển sản xuất công nghiệp. Nâng cao vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước, thực hiện cải cách hành chính theo hướng: các cơ quan quản lý nhà nước hướng mạnh về cơ sở, tập trung hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng sản phẩm, quyền sở hữu công nghiệp, giám sát việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của các doanh nghiệp, tạo sự công bằng, thu hút được các nhà đầu tư, sản xuất kinh doanh chân chính và phát triển theo quy hoạch.

Khuyến khích thành lập các Hiệp hội Doanh nghiệp theo ngành nghề, địa bàn hoạt động... để các doanh nghiệp có mối liên kết chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất kinh doanh như: chia sẻ đơn hàng, chia sẻ nguyên vật liệu máy móc, hỗ trợ đào tạo nhân sự cho vay vốn, tiêu thụ sản phẩm, quảng bá xúc tiến thị trường và giải quyết các tranh chấp thương mại.

Nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện, đồng bộ hóa các quy hoạch phát triển từng ngành kinh tế để thống nhất các chủ trương, định hướng phát triển.

6. Phát triển khoa học, công nghệ

Phát huy vai trò quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ; hỗ trợ cung cấp thông tin công nghệ cho doanh nghiệp; làm cầu nối giữa doanh nghiệp với các trường đại học, viện, trung tâm nghiên cứu trên địa bàn cả nước để triển khai ứng dụng khoa học kỹ thuật và đáp ứng nhu cầu đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.

Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động ứng dụng và đổi mới công nghệ, tiết kiệm năng lượng; xây dựng, xác lập và phát triển thương hiệu; đào tạo nhân lực, nâng cao năng suất và chất lượng, áp dụng hệ thống quản lý tại doanh nghiệp.

Hỗ trợ vốn chuyển giao công nghệ cho cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, chi phí đăng ký nhãn mác hàng hóa, xây dựng thương hiệu...

Xây dựng và tổ chức thực hiện “Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ phát triển các ngành công nghiệp và thương mại” (theo Nghị quyết số 03/2010/NQ-HĐND ngày 20 tháng 4 năm 2010 của HĐND tỉnh về phát triển khoa học công nghệ tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2010 - 2015, định hướng đến 2020).

7. Phát triển vùng nguyên liệu

Tập trung đầu tư phát triển vùng nguyên liệu đã quy hoạch; mở rộng phát triển từ các vùng lân cận và các địa phương khác trong và ngoài nước; gắn kết quyền lợi giữa nhà sản xuất và nhà cung cấp nguyên liệu.

8. Bảo vệ môi trường

Di dời các cơ sở sản xuất ô nhiễm môi trường không thể khắc phục được ra khỏi các khu dân cư, thị xã và thị trấn.

Các dự án đầu tư, các nhà máy trước khi xây dựng phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường và đảm bảo dự án hoạt động sẽ không ảnh hưởng đến môi trường mới cấp phép đầu tư, xây dựng. Những dự án, nhà máy đã được cấp Giấy phép đầu tư xây dựng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường định kỳ theo quy định của Luật Môi trường.

Các khu, CCN phải đầu tư hệ thống xử lý chất thải đạt mức quy định trước khi thải ra môi trường.

Lập danh mục các ngành nghề không được đầu tư sản xuất ngoài KCN, các ngành nghề không được đầu tư sản xuất trong khu dân cư.

Đầu tư và hỗ trợ kinh phí để xây dựng các công trình xử lý môi trường. Tăng cường giáo dục, đào tạo và nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và người lao động trong việc phòng ngừa và bảo vệ môi trường.

Tăng cường năng lực và trách nhiệm quản lý môi trường cho các Ban Quản lý các khu, CCN, các địa phương.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

Nhằm quản lý, tổ chức thực hiện tốt quy hoạch, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho các ngành như sau:

1. Sở Công Thương

- Tổ chức công bố nội dung quy hoạch để các tổ chức, các doanh nghiệp và toàn thể nhân dân biết, để căn cứ triển khai thực hiện theo quan điểm, mục tiêu của quy hoạch;

- Cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện quy hoạch trong các kế hoạch hàng năm, 5 năm của ngành công nghiệp. Theo dõi và báo cáo tình hình thực hiện quy hoạch, kịp thời đề xuất UBND tỉnh các giải pháp về điều hành thực hiện quy hoạch bảo đảm yêu cầu phát triển ngành công nghiệp trong mối quan hệ tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh;

- Phối hợp với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện chức năng quản lý nhà nước trong ngành công nghiệp và các chính sách, giải pháp phát triển chuyên ngành.

2. Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động thực hiện các công việc liên quan đến quy hoạch ngành công nghiệp thuộc trách nhiệm của đơn vị mình; đồng thời phối hợp với Sở Công Thương để xử lý các vấn đề liên quan.

3. UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Trên cơ sở các định hướng, mục tiêu phát triển công nghiệp trong quy hoạch này tiến hành cụ thể hóa và điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng trên địa bàn;

- Đưa các nội dung triển khai quy hoạch này vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, 5 năm của từng địa phương.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ; Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các Ban ngành có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Cường