Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 13/2010/QĐ-UBND

Cần Thơ, ngày 04 tháng 02 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CHI CỤC KIỂM LÂM TRỰC THUỘC SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 119/2006/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2006 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của kiểm lâm;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 22/2007/TTLT-BNN-BNV ngày 27 tháng 3 năm 2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Nội vụ hướng dẫn về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của kiểm lâm ở địa phương;
Căn cứ Quyết định số 72/2008/QĐ-UBND ngày 26 tháng 8 năm 2008 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí chức năng

Chi cục Kiểm lâm là cơ quan trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có chức năng tham mưu giúp Giám đốc Sở thực hiện công tác quản lý nhà nước về lâm sản, tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành các hoạt động nuôi trồng động vật, thực vật tại địa phương theo quy định của pháp luật.

Chi cục Kiểm lâm có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đồng thời chịu sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ của Cục Kiểm lâm thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Tham mưu cho cấp có thẩm quyền về kế hoạch, biện pháp chỉ đạo về bảo vệ, phát triển, quản lý lâm sản ở địa phương: 

a) Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành về bảo vệ, quản lý lâm sản trên địa bàn theo quy định của pháp luật; 

b) Xây dựng quy hoạch, kế hoạch dài hạn, năm năm, hàng năm về trồng cây phân tán, bảo vệ và quản lý lâm sản; phương án, dự án phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý bảo vệ, khai thác và sử dụng lâm sản ở địa phương; 

c) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm, chế độ, chính sách sau khi được ban hành; hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ về bảo vệ, quản lý lâm sản ở địa phương; 

d) Đề xuất với cấp có thẩm quyền quyết định những chủ trương, biện pháp cần thiết thực hiện pháp luật, chính sách, chế độ bảo vệ, quản lý lâm sản ở địa phương; 

đ) Tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật và vận động nhân dân tham gia quản lý, bảo vệ, phát triển và trồng cây phân tán, nuôi trồng các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm (sau đây gọi tắt là loài động vật, thực vật hoang dã).

2. Công tác bảo vệ đất lâm nghiệp ở địa phương:

a) Chỉ đạo, tổ chức thực hiện các biện pháp chống các hành vi trái pháp luật xâm hại đất lâm nghiệp;

b) Thống kê, kiểm kê đất lâm nghiệp, thực hiện dự báo nguy cơ xâm hại đất lâm nghiệp;

c) Kiểm tra, hướng dẫn các cấp, các ngành trong việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về đất lâm nghiệp trên địa bàn.

3. Công tác bảo vệ và phát triển lâm sản:

a) Tổ chức việc bình tuyển và công nhận cây mẹ, cây đầu dòng, quản lý bảo tồn khai thác theo quy định pháp luật trên địa bàn thành phố. Xây dựng phương án, biện pháp, chỉ đạo, kiểm tra và chịu trách nhiệm về sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp và sử dụng vật tư, phòng chống dịch bệnh gây hại;

b) Hướng dẫn đăng ký và quản lý các trại nuôi sinh sản và cơ sở trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã trên địa bàn thành phố quản lý;

c) Hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng và phòng chống dịch bệnh, xây dựng các mô hình: nuôi sinh sản và trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã an toàn, đúng quy định của nhà nước, bảo vệ môi trường; quản lý ngành nghề chế biến lâm sản.

4. Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động nuôi trồng các loài động vật, thực vật; chế biến, vận chuyển lâm sản:

a) Thẩm định điều kiện và cấp giấy chứng nhận nguồn gốc động vật, thực vật hoang dã do nuôi sinh sản và trồng cấy nhân tạo;

b) Cấp giấy phép vận chuyển (kể cả Giấy phép vận chuyển đặc biệt) theo mẫu thống nhất đối với động vật hoang dã đã có nguồn gốc nuôi sinh sản tại các trại trên địa bàn thành phố quản lý;

c) Kiểm soát các loại lâm sản lưu thông trên các đường giao thông (đường bộ, đường thủy). Kiểm tra tình hình chế biến lâm sản trong phạm vi địa bàn được phân công;

d) Thanh tra, kiểm tra việc nuôi động vật hoang dã, vận chuyển, chế biến, kinh doanh lâm sản, động vật hoang dã trên địa bàn thành phố; xử lý hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý các vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý lâm sản theo quy định của pháp luật;

đ) Phối hợp với các cơ quan chức năng như quân đội, công an, hải quan, thuế, quản lý thị trường trên địa bàn thành phố ngăn chặn các tổ chức, cá nhân khai thác, vận chuyển trái phép lâm sản, săn bắt, buôn bán trái phép động vật hoang dã.

5. Quản lý chỉ đạo, kiểm tra và tổ chức thực hiện các hoạt động xử lý vi phạm hành chính; kiến nghị khởi tố, điều tra hình sự đối với hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ lâm sản theo quy định của pháp luật. 

6. Xây dựng lực lượng và bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chức kiểm lâm:

a) Quản lý, chỉ đạo hoạt động các đơn vị trực thuộc theo quy định của pháp luật; 

b) Tổ chức công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho công chức kiểm lâm ở địa phương; 

c) Cấp phát, quản lý trang phục, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu, cờ hiệu, thẻ kiểm lâm, vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ, trang thiết bị chuyên dùng của kiểm lâm địa phương; ấn chỉ xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý lâm sản;

d) Chỉ đạo và tổ chức, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, chống tham nhũng trong lực lượng kiểm lâm và trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ, khai thác và sử dụng lâm sản theo quy định của pháp luật.

7. Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong hoạt động của kiểm lâm địa phương. 

8. Quản lý tổ chức cán bộ, biên chế, kinh phí, trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật, thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ, chính sách đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật đối với công chức kiểm lâm theo quy định của pháp luật. 

9. Thực hiện các nhiệm vụ khác về phát triển lâm nghiệp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phân công. 

Điều 3. Cơ cấu tổ chức và biên chế

1. Lãnh đạo: Chi cục Kiểm lâm có Chi cục trưởng và không quá 02 (hai) Phó Chi cục trưởng.

a) Chi cục trưởng là người đứng đầu cơ quan, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Chi cục;

b) Phó Chi cục trưởng là người giúp Chi cục trưởng phụ trách một hoặc một số lĩnh vực công tác do Chi cục trưởng phân công và chịu trách nhiệm trước Chi cục trưởng và trước pháp luật về các nhiệm vụ được phân công.

2. Cơ cấu tổ chức:

a) Phòng Hành chính, tổng hợp;

b) Phòng Thanh tra, pháp chế;

c) Đội Kiểm lâm cơ động;

d) Các tổ chức trực thuộc (nếu có) được thành lập theo quy định của pháp luật.

3. Biên chế:

a) Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu công tác, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm đề nghị Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Giám đốc Sở Nội vụ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố quyết định số lượng biên chế hàng năm;

b) Việc bố trí cán bộ, công chức của Chi cục phải căn cứ vào nhu cầu, chức danh, tiêu chuẩn, cơ cấu ngạch công chức nhà nước theo quy định pháp luật hiện hành;

c) Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được phê duyệt, giao Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm ban hành Quy chế làm việc của Chi cục phù hợp với Quyết định này và các quy định hiện hành có liên quan.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày, đăng Báo Cần Thơ chậm nhất 05 (năm) ngày kể từ ngày ký.

Điều 5. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tư pháp (Cục KTVB);
- Bộ Nội vụ; Bộ NN và PTNT (Cục Kiểm lâm);
- TT Thành ủy; TT HĐND thành phố;
- CT, PCT UBND thành phố;
- VP Đoàn ĐBQH, HĐND thành phố;
- Sở, Ban ngành thành phố;
- UBMTTQ và các đoàn thể;
- TT.HĐND và UBND quận, huyện;
- Website Chính phủ;
- Báo Cần Thơ;
- Trung tâm Công báo;
- Lưu: VT.XD20

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Thanh Mẫn